“Nước lớn phải lấy chữ nhân để
đối xử với nước nhỏ, với thái độ nhường nhịn, không hẹp hòi, không áp
đặt. Nước nhỏ thì dùng trí để giao hảo với nước lớn, tôn trọng nước lớn,
xem nước lớn là đàn anh nhưng vẫn giữ tinh thần độc lập, có bản sắc
riêng và có những lãnh đạo tài trí”.- GS. Trần Văn Thọ.
LTS: Thưa
quí vị độc giả, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng “núi
liền núi, sông liền sông”. Trong quá khứ và hiện tại, có nhiều lúc mối
quan hệ này đồng chí hướng, nhiều lúc không thật hài hòa, đặc biệt hiện
nay hai nước đang khúc mắc trong vấn đề chủ quyền biển, đảo.
Đối thoại trí thức Việt-Trung là sáng kiến của GS. Trần Văn Thọ
(Đại học Wesada, Nhật Bản). Giáo sư hy vọng qua các cuộc đối thoại, trí
thức hai nước sẽ hiểu biết, tin tưởng nhau hơn và họ sẽ tác động tích
cực đến các tầng lớp dân chúng khác để nhân dân hai nước hòa hiếu với
nhau, điều kiện để cùng chung sống hòa bình. Nhằm cung cấp thêm tư liệu
để độc giả suy ngẫm, Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện của nhà
báo Thu Hà với GS. Trần Văn Thọ xung quanh các cuộc đối thoại trí thức
Việt-Trung vừa được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản).
Kỳ 1 của loạt bài xoay quanh vấn đề Quan hệ Việt-Trung: Bài học lịch sử về điều kiện để có quan hệ tương kính.
Nhà báo Thu Hà: Thưa
giáo sư Trần Văn Thọ, được biết ông là người nêu sáng kiến về sự cần
thiết phải có đối thoại trí thức giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thực ra
thì giới trí thức trên thế giới luôn có rất nhiều cơ hội để chia sẻ quan
điểm, góc nhìn. Không biết vì sao ông nghĩ rằng những cuộc đối thoại
giữa trí thức Việt Nam và Trung Quốc cần phải đặt thành vấn đề vào thời
điểm hiện nay?
GS. Trần Văn Thọ:
Quan hệ giữa Việt Nam (VN) và Trung Quốc (TQ) từ khoảng năm 2007 có
nhiều diễn tiến xấu. Một trong những nguyên nhân lớn là tình hình khẩn
trương ở Biển Đông. Phản ứng của dân chúng VN, đặc biệt là giới trí thức
như ta đã biết nhưng dân chúng TQ hình như nhiều người cũng cho rằng họ
đúng. Tháng 3 năm 2010 nhân dịp thăm Quảng Châu tôi có gặp một số giáo
sư ở Đại học Trung Sơn. Tuy mục đích cuộc gặp là trao đổi về kinh tế Á
châu nhưng cũng có hai người tìm cách nhắc đến Biển Đông và cho rằng VN
quá khích, xâm phạm chủ quyền của TQ.
Ngoài ra,
mỗi năm đến tháng 2, cuộc chiến tranh biên giới 1979 lại khơi dậy tình
cảm phức tạp không phải chỉ của người VN đối với TQ mà cả phía TQ đối
với VN nữa. Rõ ràng đó là cuộc chiến do Đặng Tiểu Bình phát động, nhưng
nhiều người TQ vẫn tin đó là cuộc “phản kích tự vệ”(!). Thêm vào đó,
quan hệ kinh tế Việt -Trung phát triển một chiều cũng gây lo ngại và tạo
tình cảm bất tín của VN đối với hàng nhập ào ạt từ TQ, đối với hành vi
của thương nhân, doanh nghiệp TQ tại VN. Nhưng người TQ không hiểu sự
tình cho rằng tình cảm bất tín đó là do người VN vốn không ưa TQ và quên
ơn TQ đã giúp VN trong quá trình giành độc lập.
Các trí thức tham gia chương trình đối thoại Việt-Trung. (ảnh)
|
Ai cũng có
thể nhận thấy tình hình này rất bất lợi cho cả hai nước, nhưng đặc biệt
là đối với VN, một nước nhỏ và yếu hơn. Đáng lo hơn nữa là nhiều vấn đề
do lịch sử để lại, không dễ giải quyết một sớm một chiều, ảnh hưởng lâu
dài đến con đường phát triển của VN. VN vừa phải củng cố nội lực, tranh
thủ sức mạnh của thời đại, vừa phải cố gắng xây dựng quan hệ hữu nghị
lâu dài với nước láng giềng lớn mạnh này trên cơ sở tương kính, tin
tưởng lẫn nhau. Đặc biệt sự tương kính, hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau
phải bén rễ trong lòng của các tầng lớp dân chúng.
Từ nhận định đó tôi chợt nghĩ đến sự cần thiết phải có đối thoại giữa trí thức VN và TQ
với hy vọng là qua các cuộc đối thoại, trí thức hai nước sẽ hiểu biết,
tin tưởng nhau hơn và họ sẽ tác động tích cực đến các tầng lớp dân chúng
khác. Tôi nghĩ đã gọi là trí thức thì, ngoài trình độ hiểu biết, phải
khách quan, khoa học, trung thực và có tinh thần xây dựng, có trách
nhiệm với xã hội. Do đó đối thoại giữa các trí thức hy vọng mang lại kết
quả tốt.
Nhà báo Thu Hà: Vâng,
có lẽ ý tưởng này thiết thực trong bối cảnh giữa hai quốc gia láng
giềng đang còn nhiều điểm khúc mắc. Xin được hỏi, về phía các học giả
Trung Quốc và quốc tế họ hưởng ứng thế nào với sáng kiến của GS?
GS. Trần Văn Thọ:
Tôi cho rằng, các cuộc đối thoại như thế này giúp ta hiểu biết hơn về
suy nghĩ của một số trí thức TQ (và VN), đồng thời gợi mở một số vấn đề
VN cần quan tâm trong quá trình cải thiện quan hệ với nước láng giềng
phương Bắc. Rất may là ở Đại học Wvaseda, nơi tôi đang giảng dạy có giáo
sư Lưu Kiệt, chuyên về sử cận đại, người Trung Quốc, phóng khoáng và có
tinh thần trách nhiệm với công việc chung. Giáo sư Lưu Kiệt cũng thấy ý
nghĩa của chương trình đối thoại Việt-Trung và đồng ý đứng tên chung
trong dự án này. Bước tiếp theo, tôi viết thư cho Giám đốc của Quỹ giao
lưu quốc tế Nhật Bản, đề nghị ông ủng hộ chương trình này. Rất mừng là
ông đã đánh giá cao ý tưởng và đồng ý đưa dự án vào chương trình tài trợ
cho tài khóa 2011, nếu kết quả tốt sẽ tài trợ cho tài khóa 2012.
Từ mùa hè
năm ngoái đến nay hội nghị trù bị và hội nghị chính thức lần thứ nhất đã
được tổ chức tại Tokyo. Chúng tôi định các hội nghị chính thức tiếp
theo sẽ tổ chức tại Trung Quốc và Việt Nam. Chúng tôi cũng dự định kết
quả các cuộc đối thoại sẽ in thành sách bằng tiếng Việt và tiếng Trung
và phổ biến rộng rãi tại hai nước. Dự định là như vậy nhưng chưa biết sẽ
thực hiện được tới đâu vì còn phụ thuộc vào ngân sách và một số yếu tố
khác.
Quan hệ Việt-Trung thời phong kiến: Nhân và trí là quan trọng
Nhà báo Thu Hà: Nhìn
lại các cuộc đối thoại, giáo sư thấy ý kiến hai bên có gì đặc biệt?
Trước hết nói về quan hệ hai nước từ thời xưa có điểm gì đáng chú ý?
GS. Trần Văn Thọ:
Chúng tôi cùng nhìn lại mối quan hệ giữa hai nước cả trong quá khứ và
hiện tại. Nhìn chung, về quan hệ Việt-Trung thời phong kiến, ý kiến hai
bên không khác nhiều, ngoài phần báo cáo về nội dung sách giáo khoa lịch
sử của phía VN là có gây tranh luận. Trong các bản báo cáo đặc biệt có
một số nội dung đối với tôi khá mới và thú vị…
Nhà báo Thu Hà: Điểm mới và thú vị ông tìm thấy trong các cuộc đối thoại này là gì ạ?
GS. Trần Văn Thọ: Giáo sư Bộ Bình
(Bu Ping) của Viện Khoa học xã hội TQ trong bản báo cáo tại hội nghị
trù bị năm ngoái nhấn mạnh là trong các triều đại Tống, Nguyên, Minh,
Thanh, vì nhiều nguyên nhân đã phát sinh chiến tranh giữa hai nước nhưng
đó chỉ là những giai đoạn rất ngắn.
Ông lấy một
ví dụ điển hình là trong chiến tranh năm 1789 mà ông gọi là Chiến tranh
Thanh Nguyễn, Tôn Sĩ Nghị từ lúc cho quân xuất phát tiến qua VN đến khi
bại trận ở Thăng Long chỉ có 70 ngày. Theo ông, hầu hết thời gian từ khi
Đinh Bộ Lĩnh lập ra nước Đại Cồ Việt (968) với tư cách là quốc gia độc
lập đến nay, dân tộc hai nước sống trong hòa bình, giao lưu hữu hảo là
chính, tuy quan hệ có tính cách giữa nước lớn và nước nhỏ, biểu hiện
bằng sách phong và triều cống. Và sự gắn bó ấy đã phát triển lên cao vào
thời đại hai bên cùng tranh đấu chống thực dân và đế quốc. Ông còn nhấn
mạnh là “Tình hữu nghị gắn bó hai dân tộc được nhuộm bằng máu trong đấu tranh, nhân dân hai nước và con cháu sau này phải giữ gìn mãi mãi“. Tôi nghĩ những trí thức như giáo sư Bộ Bình rất có tinh thần xây dựng và thực sự mong hai nước ngày càng có quan hệ tốt.
Về sách phong và triều cống, bản báo cáo của Phó giáo sư Nguyễn Minh Tường
(Viện Khoa học xã hội VN) cũng đưa ra mấy chi tiết mới. Theo giáo sư
Tường, từ thời Đinh Tiên Hoàng (cụ thể là từ năm 970) cho đến năm 1225,
chưa có triều cống mà chỉ là sính (sính lễ). Chế độ triều cống chỉ chính
thức bắt đầu từ năm 1225 (thời Trần Thái Tông), nhưng cũng không được
thực hiện nghiêm ngặt, lúc có lúc không. Chỉ từ thời nhà Lê, bắt đầu năm
1428, mới thực sự có triều cống theo đúng như khái niệm đó quy định
(chế độ triều cống này chấm dứt năm 1884).
“Sính” là quà thăm hỏi, không định kỳ hạn, không bắt buộc, thường được tiến hành khi hai bên muốn giao hảo thân thiết, còn “Cống là
thuế, là phải nộp những sản vật quý như vàng, bạc, sừng tê, ngà voi…
cho các nước lớn mạnh, có tính chất bắt buộc”. Nhưng trong sử TQ thì
không phân biệt hai khái niệm sính và cống. Trong giai đoạn VN cho là
chỉ có “sính” họ cũng ghi là “cống”. Về giai đoạn “cống”, giáo sư Tường
có nhận định thêm là “Cho dù phải cầu phong và triều cống, cho dù Trung
Quốc có quyền sách phong cho Việt Nam, nhưng đó chỉ là hình thức nghi lễ
ngoại giao, trong thực tế, ông vua Việt Nam vẫn toàn quyền cai trị đất
nước mình”.
Rất tiếc là
tôi vẫn chưa rõ tại sao VN chỉ thực sự thực hiện triều cống nghiêm túc
từ thời nhà Lê. Trong quan hệ Việt Trung, giai đoạn 970-1428 khác với
giai đoạn sau như thế nào. Tôi định có dịp sẽ hỏi thêm giáo sư Nguyễn
Minh Tường.
Nhà báo Thu Hà: Ôn lại lịch sử thời xưa có rút ra được bài học gì cho ngày nay không, thưa giáo sư?
GS. Trần Văn Thọ:
Như tôi đã nói, về quan hệ hai nước thời phong kiến hai bên không khác
nhiều. Đặc biệt hai bên có vẻ nhất trí ở tư tưởng của Mạnh Tử về chữ
“nhân” và chữ “trí” (hiểu theo ý rộng hơn nguyên nghĩa) và đây là bài
học ngày nay nên tham khảo.
Nước lớn
phải lấy chữ nhân để đối xử với nước nhỏ, với thái độ nhường nhịn, không
hẹp hòi, không áp đặt. Nước nhỏ thì dùng trí để giao hảo với nước lớn,
tôn trọng nước lớn, xem nước lớn là đàn anh nhưng vẫn giữ tinh thần độc
lập, có bản sắc riêng và có những lãnh đạo tài trí. Thái độ ấy của nước
lớn và nước nhỏ là điều kiện để thiên hạ thái bình và để có quan hệ hữu
hảo giữa hai nước. Văn cảnh này liên tưởng đến một câu chuyện thú vị
trong bản báo cáo của giáo sư Tường kể về thái độ của Hoàng đế Càn Long
nhà Thanh đối với vua Quang Trung. Nhờ tài trí mà Quang Trung được Càn
Long rất nể trọng đến nỗi biết Quang Trung không đích thân sang chầu nhà
Thanh mà đưa người khác giả mình sang TQ, Càn Long cũng làm ngơ.
Bản báo cáo của phó giáo sư Đào Tố Uyên
(Đại học Sư phạm Hà Nội) về sách giáo khoa lịch sử VN là gây tranh cãi
nhiều nhất. Giáo sư Uyên giới thiệu những nội dung chính trong giáo
trình ở bậc đại học, cao đẳng và sách giáo khoa phổ thông, liên quan đến
quan hệ VN-TQ từ thời cổ trung đại đến cuối thế kỷ 19 và nhấn mạnh là
tuy bị phương Bắc xâm lược nhiều lần, VN vẫn giữ được độc lập, trong các
thời kỳ bị TQ đô hộ, nhân dân VN vẫn liên tục đấu tranh giành độc lập
và chống đồng hóa của phong kiến phương Bắc. Tuy nhiên, một giáo sư Nhật
đã bình luận là bản báo cáo thiếu phần nói về những mặt tích cực trong
quan hệ Việt-Trung, trong đó VN đã du nhập văn hóa, tư tưởng, ngôn ngữ
từ TQ mà so với những thời kỳ có chiến tranh, quan hệ mang lại hiệu quả
tốt cho việc dựng nước của VN dài hơn nhiều.
Ý kiến của giáo sư Nhật được phía TQ đồng tình. Một học giả TQ
còn nói thêm là trong các cuộc chiến tranh không phải lúc nào TQ cũng
xâm lược VN, chẳng hạn Lý Thường Kiệt đã đem quân sang Quảng Tây hồi thế
kỷ 11. Đúng là do phải cổ võ tinh thần yêu nước, nỗ lực giữ nước trong
giai đoạn chống ngoại xâm, sách giáo khoa lịch sử VN có khuynh hướng
nhấn mạnh những nội dung như bản báo cáo nói trên.
Trong phần thảo luận, giáo sư Uyên
có bổ túc là VN và TQ là hai nước láng giềng nên sự giao lưu và ảnh
hưởng văn hóa lẫn nhau là điều đương nhiên. Trong thời kỳ Bắc thuộc, để
thực hiện chính sách đồng hóa VN, TQ đã mở trường dạy học chữ Hán và
truyền bá tư tưởng Nho giáo. Nhưng với tinh thần tự cường dân tộc, nhân
dân Việt Nam đã tiếp thu một cách chủ động và sáng tạo, chẳng hạn dùng
chữ Hán để Việt hóa âm đọc cho dễ nhớ, dễ học. Từ chữ Hán VN cũng sáng
tạo ra chữ nôm và sử dụng chữ Hán để sáng tác các tác phẩm văn học, viết
và xây dựng các công trình văn hóa như các tác phẩm sử học, y học, hệ
thống văn bia bằng chữ Hán…
Cũng trong phần thảo luận này, giáo sư Nguyễn Quang Ngọc
((Đại học Quốc gia Hà Nội) có phát biểu là, vì VN bị ngoại xâm nhiều
nên phải nhấn mạnh nỗ lực giữ nước trong sách giáo khoa lịch sử, và
không riêng gì TQ, lịch sử VN cũng nói nhiều đến các cuộc kháng chiến
chống Pháp, chống Mỹ.
Theo phát biểu của giáo sư Đỗ Tiến Sâm
(Viện Khoa học Xã hội VN) ở hội nghị trù bị năm ngoái, trong quá khứ,
VN đã phải đương đầu với 16 cuộc chiến, trong đó 12 cuộc là do các triều
đại phong kiến TQ gây ra.
Nói chung
trao đổi ý kiến về quan hệ hai nước thời xa xưa cũng rất hữu ích. Đặc
biệt chữ “nhân” và chữ “trí” được nhiều người nhắc lại nhiều lần.
Thu Hà
0 comments
Post a Comment