Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra cũng dựa trên cơ sở một thiên trong Kinh Lễ (Tử Tư là cháu nội của Khổng Tử, học trò của Tăng Sâm/ Tăng Tử), tiếp thụ được cái học tâm truyền của thầy.
Mục đích của sách Trung Dung là theo Đạo có thể giúp chúng ta đạt được một trình độ cao của đạo đức.
Trong sách Trung Dung, Ngũ Tử Tư dẫn những lời của Khổng Tử nói về “đạo trung dung”, tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử, để cuối cùng thành thánh nhân.
Sách Trung Dung chia làm hai phần:
Phần 1: từ chương 1 đến chương 20, là phần chính, gồm những lời của Khổng Tử dạy học trò về đạo lý trung dung, phải làm sao cho tâm được: tồn, dưỡng, tĩnh, sát; gồm đủ: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cho hòa với muôn vật, hợp với lòng Trời để thành người tài giỏi.
- Thiên mệnh
- Thời trung
- Tiển năng
- Hành minh
- Bất hành
- Đại trí
- Dư trí
- Phục ưng
- Khả quân
- Vấn cường
- Tố ẩn
- Phí ẩn
- Bất viễn
- Tố vị
- Hành viễn
- Quỷ thần
- Đại hiếu
- Vô ưu
- Đạt hiếu
- Vấn chính
- Thành minh
- Tận tính
- Trí khúc
- Tiền tri
- Tự thành
- Vô tức
- Đại tai
- Tự dụng
- Tam trọng
- Thuật tổ
- Chí thành
- Kinh luân
- Thượng cách
Trung Dung
Phan Văn Các Giới thiệu và dịch chú
Lời dẫn
Trung dung vốn là tên một thiên, thiên thứ 31 trong 49 thiên của sách Lễ kí, sau được tách ra thành một trong “Tứ thư” trở thành kinh điển của Nho gia. Tương truyền là tác phẩm của Tử Tư 子思 sống đầu thời Chiến Quốc.
Tử Tư (483-402 tr CN), họ Khổng, tên Cấp 伋, là cháu đích tôn của Khổng Tử. Sử kí Khổng Tử thế gia chép: “Khổng Tử sinh Lí 鯉, tự Bá Ngư 伯魚. Bá Ngư sinh Cấp, tự Tử Tư”. Sử kí còn cho biết Tử Tư “thường khốn ư Tống. Tử Tư tác Trung dung” (từng bị khốn ở nước Tống. Tử Tư làm ra thiên Trung dung). Sự tích cuộc đời Tử Tư ngày nay không thể nào rõ được. Theo sự ghi chép của sách Mạnh Tử thì Tử Tư từng được Lỗ Mậu Công 魯謬公 và Phí Huệ Công 費惠公 tôn làm người hiền, đãi theo lễ thầy học, nhưng rốt cuộc vẫn không được dùng. Hán thư - Nghệ văn chí ghi tên sách Tử Tư tử 子思子, 23 thiên, đã thất truyền. Trịnh Huyền và Khổng Dĩnh Đạt đều nói Trung dung trong sách Lễ kí là do Tử Tư làm ra. Tống Nho đã khẳng định thuyết đó, cho rằng “thử thiên nãi Không môn truyền thụ tâm pháp, Tử Tư khủng kì cửu nhi sai dã, cố bít chi ư thư, dĩ thụ Mạnh Tử” (thiên này chính là tâm pháp truyền thụ của Khổng môn. Tử Tư e lâu ngày sẽ sai lạc đi, nên chép vào sách để trao cho Mạnh Tử - Chu Hi – Trung dung chương cú). Trong mạch truyền đạo thống, Tử Tư là cái gạch nối giữa Tăng Tử ở trước với Mạnh Tử ở sau, được tôn là “Thuật Thánh”. Đời sau phần nhiều coi Trung dung là trước tác của Tử Tư, và ghép Tử Tư với Mạnh Tử làm một học phái gọi là “Tư Mạnh học phái”. Các học giả cận đại có người hoài nghi, cho rằng trong Trung dung có những câu như “Kim thiên hạ, xa đồng quỹ, thu đồng văn, hạnh đồng luân”, hẳn là tác phẩm ở buổi giao thời Tần – Hán, chứ không phải của Tử Tư.
Hàn Phi Tử. Hiển học khi trình bày “Nho phân vi bát” coi “Tử Tư chi Nho” là một học phải độc lập. Tư tưởng của Tử Tư thành một học phái là điều có thể khẳng định song tình hình thực tế của tư tưởng Tử Tư thì còn phải tiếp tục nghiên cứu.
Quách Mạt Nhược, Dương Vinh Quốc cho Trung dung là tác phẩm của học phái Tư Mạnh thời Tiên Tần. Phùng Hữu Lan coi là tác phẩm của học phải Mạnh Tử thời Tần – Hán. Toàn thiên lấy “Trung dung” làm chuẩn mực đạo đức và quy luật tự nhiên tối cao. “Trung dung” là khái niệm được Khổng Tứ nêu ra trước nhất “Trung dung chi vi đức dã, kì chí hĩ hồ! Dân tiển cửu hĩ” (Trung dung là cái đức tốt đến cực điểm. Mọi người thiếu cái đức đó đã lâu lắm rồi - Luận ngữ Ung dã). Với Khổng Tử, “Trung dung” là một phạm trù quan trọng trong tư tưởng triết học và đạo đức của ông, có nghĩa là cái nguyên tắc chung nhất nắm lấy “trung” như quy luật vận động của sự vật, không thiên lệch. Thật ra cội nguồn của tư tưởng này đã có từ lâu. Nghiêu lúc nhường ngôi cho Thuấn đã nhấn mạnh rằng cai trị xã hội phải “doãn chấp kì trung” 允執其中 (Luận ngữ Nghiêu viết). Chu Công cũng đề xướng thực hành “trung đức” 中德 (Thượng thư. Tửu cáo) và nhấn mạnh rằng khi xử kiện và dụng hình phải “trung chính” 中正 (Thượng thư. Lã hình). Quan niệm chuộng “trung” trong Chu Dịch càng thể hiện rõ. Hào từ của các hào trung (tức là hào Nhị và hào Ngũ) trong 64 quẻ hầu hết đều tốt lành. Thời Xuân Thu, quan niệm “trung hoà” 中和 được phát triển. Như Án Anh nêu ra ngũ vị điều hoà thành mĩ canh (canh ngon), ngũ sắc hiệp hoà thành văn thái (màu sắc đẹp đẽ), ngũ thanh tương hoà thành mĩ nhạc, quân tử nghe thấy “tâm bình đức hoà” (Tả truyện. Chiêu Công nhị thập hiền).
Trên cơ sở ấy, Khổng Tử nêu lên khái niệm “Trung dung” nâng quan niệm “trung hoà” lên tầm triết học. Ông nói: “Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung” (Lễ kí, Trung dung). Chữ
“dung” 庸 có ba nghĩa:
1. Nghĩa là “dụng” 用. Trình Huyền thời Đông Hán nói: “Danh viết Trung dung giả, dĩ kì kí trung hoà chi vi dụng dã. Dung, dụng dã” (Đặt tên là Trung dung, vì nó ghi lại cái tác dụng của trung hoà. Dung tức là dụng - Thích văn và Lễ kí chính nghĩa).
2. Nghĩa là “thường đạo” 常道. Trịnh Huyền chú Lễ kí. Trung dung nói rằng: “Dung, thường dã. Dụng trung vi thường đạo dã” (Dung là đạo thường. Dụng trung vi thường đạo dã” (Dung là đạo thường. Lấy trung làm đạo thường, đạo không thay đổi). Hà Yến thời Nguỵ Tam Quốc nói “Dung, thường dã. Trung hoà khả thường hành chi đức” (Dung là thường. Trung hoà là đức có thể luôn luôn thi hành – Luận ngữ Ung dã chú).
3. Nghĩa là “bình thường” 平常 (Chu Hi Trung dung chương cú)
Tư tưởng “Trung dung” của Khổng Tử thừa nhận “lưỡng đoan” hai đầu đối lập của sự vật là tồn tại khách quan và chủ trương thái độ “hoà nhi bất đồng” đối với hai đầu đối lập ấy. Ông nhấn mạnh “chấp lưỡng dụng trung” 執両用中 không “quá”, không “bất cập”.
Tư tưởng “Trung dung” của Khổng Tử vừa là thế giới quan, lại vừa là một phương pháp cơ bản để đối xử với tự nhiên, xã hội và nhân sinh, có tính thực tiễn rất mạnh. Chẳng hạn về chính trị, ông chủ trương “danh chính ngôn thuận”, “lễ nhạc hưng nhi hình phát trúng” và “khoan dĩ tế mãnh, mãnh dĩ tế khoan, chính thị dĩ hoà” (Khoan hậu giúp cho nghiêm mãnh, nghiêm mãnh giúp cho khoan hậu, chính sự nhờ vậy được điều hoà - Tả truyện. Chiêu Công nhị thập niên). Về kinh tế, ông chủ trương “huệ nhi bất phí’, “lao nhi bất oán”, “dục nhi bất kham” (Luận ngữ. Nghiêu viết) và “Thu thủ kì hậu, sự cử đắc trung, liễm tòng kì bạc”. (Ra ơn thì hậu, làm việc thì trung, thu lấy thì bạc - Tả truyện. Chiêu Công thập nhất. Thập nhị nhiên). Về đạo đức, luân lí, ông coi “trung dung” là “chí đức’, chủ trương “trực đạo nhi hành” (Luận ngữ. Vệ Linh Công).
Về mĩ học, ông chủ trương văn chất kiêm bị (coi trọng cả nội dung lẫn hình thức), “lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương” (Luận ngữ, Bát dật). Tư tưởng “trung dung” của Khổng Tử vừa có mặt hợp lí là khẳng định các mặt đối lập của sự vật dựa vào nhau mà tồn lại, thừa nhận trạng thái cân bằng của sự vật trong những điều kiện nhất định, nhưng cũng có mặt tiêu cực là đòi hỏi giữ vững hạn độ của sự vật, ngăn chặn sự chuyển hoá.
Sau Khổng Tử, Trung dung (tương truyền là của Tử Tư) cho rằng ‘trung” là “thiên hạ chi đại bản” (cái gốc lớn của thiên hạ, và “trung dung” là tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Các nhà Nho về sau không ngừng giải thích bổ sung và phát huy “Trung dung”. Với Trình Chu, “Trung dung” chẳng những trở thành phương pháp cơ bản để nhận thức thế giới và chuẩn mực cơ bản để xử sự tiếp vật của Nho gia mà còn thấm vào tâm lí xã hội của con người nói chung.
Trung dung kế thừa tư tưởng “Trung dung” của Khổng Tử và gắn nó với đạo đức nhân tính: “trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã; hoà dã giả, thiên hạ chi đại đạo dã. Trí trung hoà, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên” (chương thứ nhất) và chỉ ra: “Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung”. Coi “chí thành” là cõi đạo đức tối cao và là bản nguyên của thế giới; “Thành giả, thiên chi đạo dã; thành chi giả, nhân chi đạo dã” và nói rõ “Thành giả, bất miễn nhi trúng, bất tư nhi đắc, thung dung trung đạo, thánh nhân dã” (chương thứ hai mươi) “Duy thiên hạ chí thành, vi năng kinh luân thiên hạ chi đại kinh, lập thiên hạ chi đại bản, tri thiên địa chi hoá dục” (chương thứ ba mươi hai) Trung dung cũng đã trình bày hai hình thái tu dưỡng là “tôn đức tính” và “đạo vấn học” “cố quân tử tôn đức tính nhi đạo vấn học, trí quảng đại nhị tận tinh vi, cực cao minh nhi đạo Trung dung” (chương thứ hai mươi bảy). Hai hình thái này còn được gọi là “tự thành minh, vị chi tính, tự minh thành, vị chi giáo” (chương thứ hai mươi mốt) trung dung cũng đề ra quá trình học tập và quá trình nhận thức “bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi” (chương thứ hai mươi).
Từ thời Tống, Trung dung cùng với Đại học và Luận ngữ, Mạnh Tử được gọi chung là “Tứ thư”.
Ở Việt Nam, trong thời đại khoa cử, Trung dung cũng như Tứ thư nói chung đều rất được đề cao. Ngoài những công trình chung về “Tứ thư” như đã giới thiệu trong Đại học dịch chú (thuộc bộ giáo trình này), có những sách chuyên nghiên cứu Trung dung. Hiện có trong Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm các cuốn chuyên khảo sau đây.
1. Trung dung diễn ca 中庸演歌 do Phạm Thiếu Du 范少遊 soạn. Cao Xuân Dục 髙春育 đề bạt.
Sách diễn nôm 33 chương sách Trung dung. Là một bản viết (chép lại từ bản in năm 1891) mang kí hiệu AB-540.
Sách này đóng chung trong tập diễn ca Dịch quái cùng một số bản diễn Nôm khác. (Phạm Thiếu Du tức Phạm Đình Toái).
2. Trung dung giảng nghĩa 中庸耩義
Giải nghĩa 33 chương sách Trung dung, dựa theo bản chú thích của Chu Hi. Sau mỗi câu chữ Hán, có một câu giải nghĩa bằng chữ Nôm. Không rõ dịch giả. Kí hiệu AB 278.
3. Trung dung thuyết ước 中庸説約
Sách do Lê Văn Ngữ 藜文敔, tự là Ứng Hoà soạn năm Bảo Đại 2 (1927). Kí hiệu sách A. 2595.
Sách tóm lược nội dung 33 chương sách Trung dung và đầu sách có bức thư chữ Nôm của tác giả gửi thống sứ Bắc Kì lúc đó.
Bằng chữ quốc ngữ có bản Trung dung chính văn trích dịch của Phan Bội Châu trong Khổng học đăng, quyển I hoàn thành năm 1929. Trong tác phẩm này, tác giả vừa trích dịch Trung dung vừa khảo cứu các vấn đề “Mệnh, tính, đạo với trung hoà”, “Trung dung”, “Đạo với Trung dung”, “Chân lý của quỷ thần”, “Đạo thuốc về chữ Thành”, “Luân lí ở trong thành chi đạo”. “Thành chi đạo thuộc về tu thân”, “Chính trị ở trong thành chi đạo”, “Hai bậc người ở trong thành chi đạo”, “Kể công phu làm cho đến thành chi đạo”, “công phu Thận độc”.
Giới thiệu sách này tác giả nói:
“Sách này là chân đích phái của Khổng học, cũng in như sách Đại học. Nhưng Đại học có ý dễ hiệu, Trung dung thời thiệt khó hiểu…
Tiết thứ nhất… có câu “thiên mệnh chi vị tính”, tiết cuối cùng được câu “thượng thiên chi tái, vô thanh vô xú”… ‘toàn bộ sách mở đầu ra chữ thiên, thắt đuôi lại cũng chữ thiên… chỉ cốt nói rõ “Thiên chi đạo”.
Nhưng đạo của trời cũng chỉ ở nơi lòng người… mà ý nghĩa tinh thần thời tóm vào trong một chữ “thành”.
…Hai chữ “thành thân” lại là cốt tuỷ ở trong bản sách này”.
Ngoài ra có bản dịch của Đoàn Trung Còn trong bộ Tứ thơ, NXB Thuận Hoá Huế in lại năm 1996.
Trong tập sách chuyên khảo Nho giáo xưa và nay, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1994, tác giả Quang Đạm đã dành trên 100 trang sách để nghiên cứu “Từ thuyết đồng quy đến thuyết Trung dung” và “vấn đề học tập” là những nội dung liên quan trực tiếp đến Trung dung.
Bản dịch chú này của chúng tôi, trong khuôn khổ bộ Ngữ văn Hán Nôm của Viện nghiên cứu Hán Nôm dành cho chương trình đào tạo sau đại học, được thực hiện trên cơ sở tham khảo ý kiến của các tác giả trong và ngoài nước, trong đó có bản dịch chú của Tiền Huyền, Nhạc Lộc thư xã năm 1994. Kính mong độc giả chỉ giáo.
Chương thứ nhất
Tiết thứ 1
Thiên mệnh chi vị tính; suất tính chi vi đạo, tu đạo chi vị giáo.
天 命 之 謂 性 , 率 性 之 謂 道 , 修 道 之 謂 教.
Dịch nghĩa:
Mệnh Trời gọi là “tính”, phát triển thuận theo “tính” gọi là “đạo”, tu dưỡng theo “đạo” gọi là “giáo”.
Chú giải:
1. Thiên mệnh 天命: Mệnh trời, một trong những phạm trù trọng yếu trong hệ thống tư tưởng của Khổng Tử. Chỉ tính tất yếu khách quan mà sức người không thể thay đổi được. (xin xem chú thích 1, thiên Nghiêu viết, sách Luận ngữ trong bộ giáo trình này).
Tử Tư phát huy tư tưởng “thiên mệnh” của Khổng Tử mà nêu ra mệnh đề “Thiên mệnh chi vị tính”, thực chất đây là một định nghĩa về tính.
2. Tính là gì? – Tính là cái mà tự nhiên bẩm phú cho người mà người ta bẩm thụ lấy. Thuộc về “thiên” thì gọi là “mệnh”, phú vào người ta rồi thì gọi là “tính”.
Khổng Tử đã có bàn đến “tính”. Ông nói: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” (Bản tính người ta đều gần giống nhau, nhưng do chịu những ảnh hưởng khác nhau mà thành khác xa nhau - Luận ngữ Dương Hoá).
Mạnh Tử nêu ra thuyết “tính thiện” 性善 “Mạnh Tử đạo tính thiện” (Mạnh Tử nói rằng tính là thiện - Mạnh Tử Đằng Văn Công thượng). Về sau, ông đã giải thích và phát triển thêm về nhân tính và kiên trì “nhân tính vi thiện”. Ông nói: “Nhân tính chi thiện dã, do thuỷ chi tựu hạ dã. Nhân vô hữu bất thiện, thuỷ vô hữu bất hạ” (Tính người ta là thiện, cũng giống như nước luôn chảy xuống chỗ thấp. Người ta chẳng có ai bất thiện, cũng giống như nước không khi nào không chảy xuống chỗ thấp - Mạnh Tử Cáo Tử thượng) “Nhân, nghĩa, lễ, trí phi do ngoại thước ngã dã, ngã cố hữu chi dã” (Nhân, nghĩa, lễ, trí không phải do từ bề ngoài nung đúc cho ta, mà chính ta vốn sẵn đã có những điều ấy - Mạnh Tử. Cáo Tử thượng).
Cái gọi là tính thiện ấy, nói cụ thể ra là “trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi; tu ố chi tâm, nhân giai hữu chi, cung kính chi tâm, nhân giai hữu chi; thị phi chi tâm, nhân giai hữu chi” (Lòng trắc ẩn, người ta đều có; lòng biết thẹn, biết ghét, người ta đều có, lòng cung kính, người ta đều có, lòng phân biệt phải trái, người ta đều có - Mạnh Tử. Cáo Tử thượng).
Trái lại, quan niệm của Tuân Tử về tính người là thuyết “tính ác”. Tuân Tử nói: “Nhân chi tính ác, kì thiện giả nguỵ dã” (Bản tính của người ta là ác, nó sở dĩ thiện là do cố tình tạo ra – Tuân Tử. Tính ác). Ông chia tách tính người ra thành hai phương diện “tính” 性 và “nguỵ” 僞 và cho rằng: “Tính giả, bản thuỷ tài phác dã; nguỵ giả, văn lí long thịnh dã” (Tính là bản thuỷ chất phác, còn nguỵ là văn vẻ dồi dào – Tuân Tử. Lễ luận). Tính là tiên thiên (sẵn có), còn nguỵ là hậu thiên (về sau mới có). Vì thế ông cho rằng “phàm tính giả, thiên chi tựu dã, bất khả học, bất khả sự; lễ nghĩa giải, thánh nhân chi sở sinh dã, nhân chi sở học nhi năng, sở sự nhi thành dã” (phàm bản tính là do trời làm nên, không thể học được, cũng không thể làm ra được. Còn lễ nghĩa thì do thánh nhân tạo sinh ra, người ta có thể học mà biết, có thể làm mà thành – Tuân Tử. Tính ác). Ông chỉ ra rằng: “Phàm nhân chi tính giả, Nghiêu Thuấn chi dữ Kiệt, Chích, kì tính nhất dã, quân tử chi dữ tiểu nhân, kì tính nhất dã” (Phàm là bản tính người ta, thì Nghiêu Thuấn với Kiệt, Chính, cái tính của họ là một; quân tử với tiểu nhân, cái tính của họ là một vậy – Tuân Tử. Tính ác) cho nên “Tuy Nghiêu, Thuấn bất năng khứ dân chi dục lợi” (Dẫu là Nghiêu Thuấn không thể bỏ được lòng mong muốn điều lợi như mọi người – Tuân Tử. Đại lược) và cái gọi là “tính ác”, tức là chỉ những nhu cần sinh lí tự nhiên “cơ nhi dục bão, hàn nhi dục noãn, lao nhi dục hưu”, “mục hiếu sắc, nhĩ hiếu thanh, khẩu hiếu vị, tâm hiếu lợi, cốt thể phu li hiếu du dật” (đói thì muốn no, rét thì muốn ấm, mệt thì muốn nghỉ, mắt ưa sắc đẹp, tai ưa tiếng hay, mồm ưa vị ngon, lòng ưa điều lợi, cơ thể da xương thì ưa nhàn nhã – Tuân Tử. Tính ác). Ông chỉ ra rằng nếu để mặc cho bản tính người ta cứ tự do phát triển, thì tất sẽ dẫn tới sự sa đoạ của con người và sự rối loạn của xã hội. Đó chính là cơ sở lí luận cho chủ trương chính trị của ông là “lễ pháp kiêm trị, vương bá tịnh thi” (dùng cả lễ lẫn phép, thực hành cả vương đạo lẫn bá đạo).
Nhưng “tính thiện” của Mạnh Tử, “tính ác’ của Tuân Tử, cũng như “tính thiện ác hỗn” của Đổng Trọng Thư, Dương Hùng và các học giả khác đều là chuyện về sau.
Trung dung chỉ khẳng định “Thiên mệnh chi vị tính” và “suất tính chi vi đạo”.
3. Đạo 道: Trong Luận Ngữ, “đạo” xuất hiện cả thảy 60 lần, trong đó 44 lần là thuật ngữ của Khổng Tử, được dùng với nhiều nghĩa khác nhau.
(1). Nghĩa gốc là “đường đi” “đạo thính nhi đồ thuyết” (nghe chuyện ngoài đường rồi thuật lại ngoài đường - Luận ngữ Dương Hoá). Nghĩa này cũng thấy ở quẻ Lí trong Kinh Dịch: “Lí đạo thản thản” (Đi trên đường bằng phẳng).
(2). “Đường lối chính trị”: “Lễ chi dụng, hoà vi quý, tiên vương chi đạo tư vi mĩ” (Tác dụng của lễ, lấy hoà làm quý. Đạo của các tiên vương đẹp ở đó - lời Hữu Tử. Luận ngữ. Học nhi). Nghĩa này cũng đã thấy trong Thượng thư. Hồng phạm: “Vô thiên vô đảng, Vương đạo đãng đãng, vô đảng vô thiên, vương đạo bình bình, vô phản vô trắc, vương đạo chính trực” (không thiên lệch, không bè phái, vương đạo thênh thang; không bè phái không thiên lệch, vương đạo bằng phẳng; không có phản trắc, vương đạo chính trực).
Nếu thực hành đường lối chính trị đúng đắn, thiên hạ thái bình, gọi là “trị thế”, Khổng Tử gọi là “hữu đạo”, ngược lại là “loạn thế”. Khổng Tử gọi là vô đạo: “Thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ dã; bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã” (Luận ngữ. Thái Bá) và “tử vị Nam Dung, bang hữu đạo, bất phế; bang vô đạo, miễn ư hình lục” (Luận ngữ. Công Dã Tràng).
(3). Phát sinh thành nghĩa “nhân sinh quan”, “thế giới quan” và thậm chí là “triết lí sâu sắc”. Thí dụ: “Tử viết: Tiên văn đạo, tịch tử khả hĩ” (Luận ngữ. Lí nhân) “Tử viết: Sĩ chí ư đạo, nhi sỉ ác thực giả, vị túc dữ nghị dã” “Tử viết: Sâm hồ! Ngô đạo nhất dĩ quán chi… Tăng Tử viết: Phu tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ hĩ” (Luận ngữ. Lí nhân). “Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân” (Luận ngữ. Vệ Linh Công).
(4). “Phương pháp hoặc biện pháp”. Như trong các câu “Tử viết: Xạ bất chủ bì, vi lực bất đồng khoa, cổ chi đạo dã” (Luận ngữ. Bát dật). “Tử viết: Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kì đạo đắc chi, bất xử dã” (Luận ngữ. Lí nhân).
(5). “Đạo” lại chi ra “Thiên đạo” (đạo Trời), “Địa đạo” (đạo Đất) và “Nhân đạo” (đạo Người). Khổng Tử và các hậu nho chú ý đến “Nhân đạo”.
“Quân tử học đạo, tắc ái nhân” (Luận ngữ. Dương Hoá). Tuân Tử, Nho hiệu nói: “Đạo giả, phi thiên chi đạo, phi địa chi đạo, nhân chi sở dĩ đạo dã”. Hàn Dũ đời Đường nói đến đạo là đạo của tiên vương do Nghiêu, Thuấn truyền lại, cũng tức là đạo của thánh nhân, đạo nhân nghĩa của Khổng Mạnh. Học giả cận đại, Trinh Quan Ứng 郑觀應 cho rằng quy luật chung của vũ trụ gọi là đạo, học thuyết của Khổng Tử là đạo lớn của thế gian lad “đạo lớn của Trung Quốc từ Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ liệt thánh tương truyền đến nay, và Khổng Tử thuật lại để dạy muôn đời thiên hạ” (Thịnh thế nguy ngôn).
Đạo nói ở tiết này của Trung dung chính là dùng với nghĩa (3) và có cả khía cạnh của nghĩa (5) “nhân đạo”.
4. Giáo 敎: “Tu đạo chi vị giáo”. Giáo là “tu đạo’. Khổng Tử đã nhiều lần nói về “giáo” trong Luận ngữ: ở thiên Tử Lộ đã có cuộc đối thoại giữa ông với Nhiệm Hữu, người học trog đánh xe cho ông đi đến nước Vệ mà về sau người ta tóm tắt bằng ba chữ “Thứ-phú-giáo”. Ông cho rằng đối với một nước đã có đông dân thì nhiệm vụ của người cai trị là phải lo làm cho họ giàu lên, và sau đó là tiến hành giáo hoá họ, nói theo ngôn ngữ ngày nay là chăm lo đời sống vật chất và đời sống văn hoá của nhân dân.
Cũng ở thiên Tử Lộ, ông nói: “Thiện nhân giáo dân thất niên, diệc khả dĩ tức nhung hĩ” và “Dĩ bất giáo dân chiến, thị vị khí chỉ” (ở đây giáo có nghĩa hẹp hơn là huấn luyện cho tác chiến).
Khổng Tử còn nêu lên tư tưởng “giáo nhi hậu hình” 敎而後刑 như một nguyên tắc cơ bản để trị nước, đó là sự cụ thể hoá tử tưởng đức trị vi chủ, hình phạt vi phụ của Nha gia. Khổng Tử nói: “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ, đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, dân sỉ thả cách” (Luận ngữ. Vi chính). Đó là tự nhấn mạnh công cuộc giáo hoá về đạo đức. Ông lại nói: “Bất giáo nhi sát vị chi ngược” (Luận ngữ. Nghiêu viết) và “Thiện nhân vi bang bách niên, diệc khả dĩ thắng tàn khử sát hĩ” (Luận ngữ. Tử Lộ).
Chữ “giáo” ở tiết 1 sách Trung dung này bao gôm cả đức chính và giáo hoá.
Với ba mệnh đề cốt lõi này, tiết 1 đã bao hàm ý nghĩa rộng lớn và sâu xa của toàn sách Trung dung trên cả các phương diện triết học, chính trị và đạo đức, đáng để người học nghiền ngẫm. Tiết thứ 2
Đạo dã giả bất khả tu du ly dã; khả ly phi đạo dã; thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn, mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi; cố quân tử thận kỳ độc dã.
道 也 者 不 可 須 臾 離 也; 可 離 非 道 也; 是 故 君 子 戒 慎 乎 其 所 不 睹, 恐 懼 乎 其 所 不 聞, 莫 見 乎 隱, 莫 顯 乎 微, 故 君 子 慎 其 獨 也.
Dịch nghĩa:
Đạo là cái không thể xa rời dù chỉ trong chốc lát; nếu có thể xa rời được, thì đã không phải là đạo. Bởi thế quân tử đặc biệt cảnh giác thận trọng ở chỗ người ta không nhìn thấy, lo lắng sợ hãi ở chỗ người ta không nghe thấy. Chẳng có gì rõ hơn vật che giấu, chẳng có gì làm hiển lộ chân tướng hơn những việc nhỏ bé. Cho nên người quân tử đặc biệt thận trọng khi chỉ có một mình mình vậy.
Chú giải:
1. Tu du 須 臾: chốc lát, khoảng khắc.
2. Thận độc 慎獨: Phương pháp tu dưỡng của Nho gia. (đọc chú thích 1, chương VI “Thành ý chính tâm” ở sách Đại học, trong bộ giáo trình này).
Tiết thứ 3
Hỷ, nộ, ai, lạc chi vị phát, vị chi trung; phát nhi giai trúng tiết vị chi hoà. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã; hoà dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã.
喜, 怒, 哀, 樂 之 未 發, 謂 之 中; 發 而 皆 中 節 謂 之 和. 中 也 者, 天 下 之 大 本 也, 咊 也 者, 天 下 之 逹 道 也.
Trí trunghoà: thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.
致 中 和: 天 地 位 焉, 萬 物 育 焉.
Dịch nghĩa:
Mừng, giận, buồn, vui khi chưa biểu hiện ra, gọi là “trung”, biểu hiện ra mà phù hợp với quy củ mức độ, thì gọi là “hoà”. Trung là gốc lớn của thiên hạ, hoà là đạo lí thông đạt trong thiên hạ.
Gắng sức đạt tới trung hoà, thì trời đất có được vị trí thoả đáng, muôn vật được phát huy dục sinh trưởng.
Chú giải:
1. Trung hoà 中和. Thế giới quan và phương pháp luận của Nho gia. Cho rằng, “Trung hoà” là căn bản của trời đất và muôn vật và cũng là đạo lớn thông hành trong thiên hạ. Từ “trung hoà” xuất hiện sớm nhất là thiên Trung dung này của sách Lễ kí. Ở đấy nếu lên phải “trí trung hoà”. Tư tưởng này bắt nguồn từ “Trung dung” và “hoà nhi bất đồng” của Khổng Tử. Khổng Tử đề xướng “Quân tử trung dung” (Trung dung) và “Quân tử hoà nhi bất đồng” (Luận ngữ. Tử Lộ). Sau, học trò của Khổng Tử là Hữu Nhược nhấn mạnh ý nghĩa nguyên tắc “vừa phải” của chữ “hoà” và nói rằng: “Lễ chi dụng, hoà vi quý” (Tác dụng của lễ, lấy hoà làm quý - Luận ngữ. Học nhi) nhưng lại cho rằng: “Tri hoà nhi hoà, bất dĩ lễ tiết chi, diệc bất khả hành dã” (Chỉ biết hoà mà hoà, chứ không biết điều tiết nó bằng lễ thì cũng không thể thi hành được) (Luận ngữ. Học nhi).
Tương truyền Tử Tư làm ra thiên Trung dung đã đề ra khái niệm “trung hoà” như một phạm trù minh xác, và định nghĩa “hỉ, nộ, ai, lạc chi vị phát” là “trung” và “phát nhi giai trúng tiết” là “hoà”, điểm này không hoàn toàn giống với điều Khổng Tử nhấn mạnh rằng “giữ được hài hoà, cân đối giữa các mặt đối lập của sự vật”.
Trung dung còn bàn về “trung hoà” trên khía cạnh nguồn gốc của thế giới, cho rằng “trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã; hoà dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã”. “Trí trung hoà, thiên địa vị yên vạn vật dục yên”. Đây cũng là điề trưuớc kia chưa hề có. Sự giải thích của các nhà Nho đời sau phần nhiều đều có phát huy. Trình Di thời Bắc Tống cho rằng: “Trung dã giả, ngộc tịch nhiên bất đồng giả dã” (Trung là nói sự khác nhau lặng lẽ, còn hoà là nói cảm rồi thông vậy - Cận tư lục quyển 1) Chu Hi thời Nam Tống thì giải thích là tính và tình, cho rằng “hỉ, nộ, ai, lạc, tình dã. Kì vị phát, tắc tính dã. Vô sở thiên ỷ, cố vị chi trung. Phát giai trúng tiết, tình chi chính dã. Vô sở quai lệ, cố vị chi hoà” (mừng, giận, buồn, vui là tình. Tình chưa biểu hiện ra, thì đó là tính. Không hề thiên lệch, nên gọi là trung. Thể hiện ra đúng mức, đó là sự đúng đắn của tình. Không có sai trái, nên gọi là hoà – Trung dung chương cú). Lại giải thích bằng “Tính tức lí” “Vị phát chi tiền, vạn lí giai cụ” (Trước khi chưa phát ra, muôn lí đều có đủ) mà ứng sự tiếp vật “năng tỉnh sát đắc giai hợp ư lí xử” (có thể xem xét được thì đều hợp với lí xử - Chu Tử ngữ loại quyển 62) Vương Thủ Nhân thời Minh cho rằng “vị phát chi trung, tức lương tri dã” (chưa phát mà trung, tức là lương tri vậy - Truyền tập lục trung), “tri đắc quá bất cập xứ, tựu thị trung ho”" (Biết được chỗ quá và bất cập, chính là trung hoà - Truyền tập lục hạ).
2. Hoà 和, là một trong những phạm trù của tư tưởng triết học Khổng Tử. Chỉ sự điều hoà, thống nhất và cân đối giữa các sự vật khác nhau. Khổng Tử nói: “Quân tử hoà nhi bất đồng, tiểu nhân đồng chi bất hoà” (Luận ngữ. Tử Lộ). Khổng Tử chủ trương lấy học thuyết nhân-lễ thống nhất của mình làm chuẩn tắc cơ bản để hoà hợp với các ý kiến. Ở một loạt các phương diện khác nhau của sự vật như khoan mãnh, tri hành, biện nột, văn chất, cũng chỉ có đạt được “hoà” xoay quanh nội dung trung tâm là nhân lễ thống nhất này, mới là điều chí thiện chí mĩ. Về chính trị, Khổng Tử còn nêu ra “hoà vô quả” (hoà thì không ít - Luận ngữ. Quý thị), cho rằng các vua chư hầu và các quan đại phu nếu có tể đạt được sự hài hoà, thống nhất, thì sẽ không cảm thấy người ít. Đệ tử của Khổng Tử là Hữu Nhược từng khái quát tư tưởng chuộng hoà của Khổng Tử thành “hoà vi quý” (Luận ngữ. Học nhi). Tuy nhiên ở thời đại của Khổng Tử, ông chưa tuyệt đối hoá chữ “hoà”, cho nên nói “Tri hoà nhi hoà, bất dĩ lễ tiết chi, diệc bất khả hành dã” (Luận ngữ. Học nhi). Đối với những kẻ bề ngoài có vẻ như trung hoà song thực ra là bèo trôi theo sóng “ba phải” một cách vô nguyên tắc, thì ông mắng là “hương nguyện, đức chi tặc dã” (Luận ngữ. Dương hoá). Tư tưởng chuộng hoà của Khổng Tử bắt nguồn từ quan niệm chuộng hoà của Sử Bá thời cuối Tây Chu cho đến Án Anh thời Xuân Thu. Sử Bá nêu ra “Hoà thực sinh vật, đồng tắc bất kế, dĩ tha bình tha vị chi hoà” (Quốc ngữ. Trịnh ngữ). Án Anh lại phát huy hàm nghĩa của “hoà” là sự tương thành tương tế (giúp nhau hình thành lẫn nhau) của những sự vậy tương dị (x. Tả truyện Chiêu Công nhị thập niên). Sau Khổng Tử, tương truyền Tử Tư làm ra thiên Trung dung lại phát huy tư tưởng chuộng hoà của Khổng Tử, coi “hoà” là “đạt đạo” của “thiên hạ” cho rằng “hoà” có thể giải quyết mọi mâu thuẫn của thiên hạ.
Chương thứ hai
Trọng Ni viết: Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung; quân tử chi trung dung dã, quân tử nhi thì trung; tiểu nhân chi phản trung dung dã, tiểu nhân nhi vô kỵ đạn dã.
仲 尼 曰: 君 子 中 庸, 小 人 反 中 庸, 君 子 之 中 庸 也, 君 子 而 時 中; 小 人 之 反 中 庸 也, 小 人 而 無 忌 憚 也.
Dịch nghĩa:
Trọng Ni nói “Người quân tử thì trung dung, kẻ tiểu nhân thì phản trung dung. Người quân tử trung dung, là vì người quân tử (lời nói cũng như việc làm) luôn luôn ở vào vị trí thích đáng vừa phải. Kẻ tiểu nhân phản trung dung, là vì kẻ tiểu nhân không biết kiêng nể điều gì (nên cứ làm bừa).
Chương thứ ba
Trung dung kỳ chí hỹ hồ! Dân tiển năng cửu hỹ.
中 庸 其 至 矣 乎! 民 蘚 能 久 矣.
Dịch nghĩa:
Đạo trung dung thật là tuyệt vời! Dân chúng đã từ rất lâu rồi, ít ai có thể làm được.
Chương thứ tư
Tử viết: Đạo chi bất hành dã, ngã tri chi hỹ; trí giả quá chi, ngu giả bất cập dã. Đạo chi bất minh dã, ngã tri chi hỹ; hiền giả quá chi, bất tiếu giả, bất cập dã; nhân mạc bấ ẩm thực dã, tiển năng tri vị dã.
子 曰: 道 之 不 行 也,我 知 之 矣; 知 者 過 之,愚 者,不 及 也.道 之 不 明 也,我 知 之 矣;賢 者 過 之,不 肖 者,不 及 也; 人 莫 不 飮 食 也,蘚 能 知 味 也.
Dịch nghĩa:
Khổng Tử nói: “Nguyên nhân khiến Đạo không thực hành được, ta đã biết rồi: người trí thì thái quá, kẻ ngu thì bất cập. Nguyên nhân khiến đạo chẳng được người đời hiểu rõ, ta đã biết rồi: người hiền thì thái quá, kẻ bất tiếu thì bất cập. Người ta chẳng có ai không ăn không uống, nhưng rất ít người biết được mùi vị.
Chương thứ năm
Tử viết: Đạo kỳ bất hành hỹ phù.
子 曰: 道 其 不 行 矣 夫.
Dịch nghĩa:
Khổng Tử nói: “Đạo có lẽ không thi hành được”!
Chương thứ sáu
Tử viết: Thuấn kỳ đại trí dã dư! Thuấn hiếu vấn nhi hiểu sát nhĩ ngôn, ẩn ác nhi dương thiện, chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân, kỳ tư dĩ vi Thuấn hồ?
子 曰: 舜 其 大 知 也 輿.舜 好 問 而 好 察 邇 言,隱 惡 而 揚 善,執 其 両 端, 用 其 中 於 民,其 斯 以 爲 舜 乎?
Dịch nghĩa:
Khổng Tử nói: “Thuấn có lẽ là bậc đại trí vậy! Thuấn ham học hỏi và khéo xem xét những lời thiển cận (của mọi người), che lấp những điều sai lầm xấu xa trong đó, mà phát huy những điều đứng đắn tốt lành trong đó, nắm lấy hai phía đối lập, chọn lấy cái đúng đắn thích hợp mà vận dụng vào trong dân chúng, đó là cái cách để Thuấn trở thành Thuấn chăng?
Chương thứ bảy
Tử viết: “nhân giai viết dư trí, khu nhi nạp chư cổ hộ hãm tỉnh chi trung nhi mạc chi tri tỵ dã. Nhân giai viết dư trí, trạch hồ trung-dung nhi bất năng cơ nguyệt thử dã”.
子 曰: 人 皆 曰:予 知,軀 而 納 諸 罟 護,陷 阱 之 中 而 幕 之 知 辟 也.人 皆 曰: 予 知,擇 乎 中 庸 而 不 能 月 守 也.
Dịch nghĩa:
Khổng Tử nói: “Người ta đều cho mình là trí, nhưng bị xua đuổi dồn vào trong lưới rập và hố cạm bẫy mà chẳng biết tránh. Người ta đều cho mình là trí, nhưng khi đã chọn được đạo Trung dung rồi, thì lại không thể giữ trọn được một tháng”.
Chương thứ tám
Tử viết: “Hồi chi vi nhân dã, trạch hồ Trung dung, đắc nhất thiện tắc quyền quyền phục ưng nhi phất thất chi hỹ”.
子 曰: 回 之 爲 人 也, 擇 乎 中 庸,
得 一 善 則 拳 拳 服 膺 而 弗 失 之 矣 .
Dịch nghĩa:
Khổng Tử nói: “Cách sống của Nhan Hồi là sau khi nhận rõ được đạo Trung dung, được một điểm đúng thì cẩn thận giữ lấy, ôm vào lòng, không để cho nó mất đi nữa”.
Chương thứ chín
Tử viết: “Thiên hạ quốc gia khả quân dã, tước lộc khả từ dã, bạch nhẫn khả đạo dã. Trung dung bất khả năng dã”.
子 曰: “天 下 囻 家 可 均 也; 爵 祿 可 辭 也; 白 刃 可 道 也.中 庸 不 可 能 也”.
Dịch nghĩa:
Khổng Tử nói: “Thiên hạ, quốc gia có thể (cùng người khác) chia đều ra cùng cai trị; tước vị bổng lộc có thể từ chối không nhận; lưỡi đạo sáng trắng cũng có thể dám giẫm lên. Nhưng thực hiện cho được đạo trung dung thì (xem ra) khó hơn nhiều”.
Chương thứ mười
Tử-Lộ vấn cường. Tử viết: “Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư? Ức chi cường dư? Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã, quân tử cư chi. Nhậm kim cách, tử nhi bất yếm, bắc phương chi cường dã, nhi cường giả cư chi. Cố quân tử hoà nhi bất lưu: cường tai kiểu; trung lập nhi bất ỷ cường tai kiểu, quốc hữu đạo bất biến tắc yên, cường tai kiểu; quốc vô đạo chí tử bất biến, cường tai kiểu”!
子 路 問 強.子 曰: 南 方 之 強 輿? 北 方 之 強 輿? 抑 之 強 與? 寬 柔 以 敎, 不 報 無 道, 南 方 之 強 也, 君 子 居 之. 衽 金 革 , 死 而 不 厭, 北 方 之 強 也, 而 強 者 故 君 子 和 而 不 流. 強 哉 矯! 中 立 而 不 倚, 強 哉 矯! 囻 有 道, 不 變 塞 焉, 強 哉 矯! 囻 無 道, 至 死 不 變, 強 哉 矯!
Dịch nghĩa:
Tử Lộ hỏi về sự cang cường. Khổng Tử nói: “Là cái cang cường của người phương nam ư? Hay là nói cái cang cường của người phương bắc? Hay là nói cái cang cường (theo kiểu) của riêng ngươi? Dạy bảo người ta một cách khoan dung dịu dàng, không trả thù kẻ vô đạo đó là cái cang cường của người phương nam, người quân tử giữ sự cang cường đó. Còn ngày đêm bạn cùng giáp bền gươm sắc, dẫu chết cũng không ngán, đó là cái cang cường của người phương bắc, những kẻ thượng võ hiếu đấu thì giữ sự cang cường này! Người quân tử sống hoà mục với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục, đấy mới là sự cang cường chân chính.
Trung dung, không hề thiên lệch, đó mới là sự cang cường chân chính! Nước có đạo (nước thái bình đi trên con đường đúng đắn) người ấy không thay đổi tiết tháo của mình lúc cùng khốn, đó mới là sự cang cường chân chính! Nước vô đạo (lìa bỏ chính đạo) người ấy thà chết chứ không thay đổi phẩm chất của mình, đó mới là sự cang cường chân chính!
--------------------------------------------------------------------------------
Chương mười một
Tử viết: “Sách ẩn, hành quái, hậu thế hữu thuật yên, ngô phất vi chi hĩ. Quân tử tuân đạo nhi hành. Bán đồ nhi phế, ngô phất năng dĩ hĩ.
Quân tử y hồ trung dung, độn thế, bất kiến tri nhi bất hối, duy thánh giả năng
chi”.
子 曰: 索 隱, 行 怪, 後 世 有 述 焉, 吾 弗 爲 之 矣, 君 子 遵 道 而 行. 柈 途 而 廢, 吾 弗 能 已 矣.
君 子 依 乎 中 庸, 遯 世, 不 見 知 而 不 悔, 唯 聖 者 能 之.
Dịch nghĩa:
Khổng Tử nói: “Cố tình tìm kiếm cuộc sống ẩn dật, hành động quái dị, (người như vậy) đời sau có thể được người ta nhắc đến mà ca ngợi, song ta không làm như vậy. Người quân tử phải theo Đạo mà đi. Bỏ dở nửa đường thì ta không làm.
Người quân tử theo đạo Trung dung. Dẫu trốn đời ở ẩn chẳng được ai biết đến, cũng không bao giờ hối hận, chỉ có Thánh nhân mới làm được như vậy”.
Chương thứ mười hai
Quân tử chi đạo phí nhi ẩn. Phu phụ chi ngu, khả dĩ dự tri yên. Cập kì chí dã, tuy thánh nhân diệc hữu sở bất tri yên. Phu phụ chi bất tiếu khả dĩ năng hành yên. Cập kì chí dã, tuy thánh nhân diệc hữu sở bất năng yên.
Thiên địa chi đại dã, nhân do hữu sở hám. Cố quân tử ngữ đại, thiên hạ mạc năng tải yên, ngữ tiểu thiên hạ mạc năng phá yên.
Thi vân: “Diên phi lệ thiên, Ngư dược vu uyên”. Ngôn kì thượng hạ sát dã.
君 子 之 道 費 而 隱. 夫 婦 之 愚 可 以 與 知 焉. 及 其 至 也, 雖 聖 人 亦 有 所 不 知 焉. 夫 婦 之 不 肖 可 以 能 行 焉. 及 其 至 也, 雖 聖 人 亦 有 所 不 能 焉.
天 地 之 大 也, 人 猶 有 所 撼. 故 君 子 語 大, 天 下 莫 能 載 焉, 敔 小,天 下 莫 能 破 焉.
詩 云: 鳶 飛 戾 天, 魚 躍 于 淵. 言 其 上 下 察 也.
Dịch nghĩa:
Đạo của người quân tử thật rộng lớn nhưng cũng rất vi diệu khó xét. Dẫu là những người ngu dốt trong đám đàn ông, đàn bà bình thường, cũng có thể biết được phần nào. Còn như đến đỉnh điểm của nó, thì dẫu thánh nhân cũng còn có điều không biết. Dẫu là những người kém cỏi trong đám đàn ông, đàn bà bình thường, cũng có thể thi hành được phần nào. Còn như đến đỉnh điểm của nó, thì dẫu thánh nhân cũng còn có điều không làm được.
Rộng lớn như trời đất, mà người ta còn cảm thấy có chỗ không vừa ý. Cho nên đạo của người quân tử, nếu nói chỗ lớn, thì trong thiên hạ chẳng có gì có thể bao chứa được nó; nếu nói chỗ nhỏ, thì trong thiên hạ chẳng có gì có thể tách chia được nó.
Kinh Thi nói: “Con diều bay lên trời cao, con cá lặn xuống vực sâu”. Tức là nói cả trên trời, dưới đất vậy.
Chú giải:
Chương thứ mười hai này là lời của Tử Tư. Có lẽ nhằm nói rõ ý “đạo bất khả ly” của chương đầu. Tám chương dưới đây dẫn nhiều lời của Khổng Tử để làm rõ thêm điều đó.
--------------------------------------------------------------------------------
Chương thứ mười ba
Tử viết: đạo bất viễn nhân; nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo. Thi vân: phạt kha phạt kha, kỳ tắc bất viễn, chấp kha dĩ phạt kha, nghễ nhi thị chi; do dĩ vi viễn; cố quân tử dĩ nhân tri nhân, cải nhi chỉ.
子 曰: 道 不 遠 人; 人 之 爲 道 而 遠 人, 不 可 以 爲 道. 詩 云: 伐 柯 伐 柯, 其 則 不 遠, 執 柯 以 伐 柯, 睨 而 視 之; 猶 以 爲 遠; 故 君 子 以 人 知 人, 改 而 止.
Dịch nghĩa:
Khổng Tử nói: “Đạo vốn chẳng xa người. Người ta nếu muốn thực hành đạo mà rời xa con người, như thế thì không thể thực hành được đạo”. Kinh thi nói: “Đẽo cán búa, đẽo cán búa! Thì cách thức đâu có xa (mấu cán búa ở ngay trư mắt đó). Tay cầm cái búa để gọt đẽo một cái cán búa, chỉ liếc mắt đã có thể nhìn thấy ngay mẫu, mà con lấy làm xa”. Cho nên người quân tử dùng cái đạo lí vốn sẵn có ở người để uốn nắn sửa chữa con người, kì đến khi uốn nắn sửa chữa được mới thôi.
Trung thứ vi đạo bất viễn, thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân.
忠 恕 违 道 不 遠, 施 潴 己 而 不 願, 亦 勿 施 於 人.
Dịch nghĩa:
Phẩm chất “trung thứ” khác với đạo Trung dung không xa. Điều gì thực hiện cho bản thân mình mà mình không muốn, thì cũng đừng áp đặt cho người khác.
Quân tử chi đạo tứ, Khâu vị năng nhất yên. Sở cầu hồ tử dĩ sự phụ, vị năng dã; sở cầu hồ thần dĩ sự quân, vị năng dã; sở cầu hồ đệ, dĩ sự huynh, vị năng dã; sở cầu hồ bằng hữu tiên thi chi, vị năng dã; dung đức chi hành, dung ngôn chi cẩn; hữu sở bất túc, bất cảm bất miễn; hữu dư bất cảm tận, ngôn cố hạnh, hạnh cố ngôn; quân tử hồ bất tháo tháo nhĩ.
君 子 之 道 四, 丘 未 能 一 蔫, 所 求 乎 子, 以 亊 父, 未 能 也; 所 求 乎 臣 以 亊 君, 未 能 也; 所 求 乎 苐 以 亊 兄, 未 能 也; 所 求 乎 朋 友, 先 施 之, 未 能 也; 庸 德 之 行, 庸 言 之 謹, 有 所 不 足, 不 敢 不 勉. 有 餘, 不 敢 盡, 言 顧 行, 行 顧, 君 子 乎 不 慥 慥 爾.
Dịch nghĩa:
Đạo của người quân tử có bốn điều, Khâu tôi chưa làm được một: Điều gì mình yêu cầu ở con, thì mình đem điều đó mà thờ bố, điều này tôi chưa làm được; Điều gì mình yêu cầu ở người thuộc hạ, thì mình đem điều đó mà thờ vua, điều này tôi chưa làm được; Điều gì mình yêu cầu ở người em, thì đem điều đó mà thờ anh, điều này tôi chưa làm được; Điều gì mình yêu cầu ở bạn bè thì đem điều đó mà thực hiện trước với bạn bè mình, điều này tôi chưa làm được. Về việc thi hành những phẩm đức bình thường, cần thận trọng nói năng thường ngày, nếu có chỗ bất túc, thì chẳng dám không cố gắng vươn lên, nếu làm được nhiều hơn nói, thì cũng chẳng dám nói hết. Nói lời phải chú ý đến việc làm của mình, việc làm phải chú ý đến lời nói. Người quân tử có lẽ nào không chăm chắm thực hành điều đó?
Chương thứ mười bốn
Quân tử tố kỳ vị nhi hành, bất nguyện hồ kỳ ngoại. Tố phú quý, hành hồ phú quý; tố bần tiện, hành hồ bần tiện; tố di địch, hành hồ di địch; tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn; quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên.
君 子 素 其 位 而 行, 不 願 乎 其 外. 素 富 貴 行 乎 富 貴; 素 貧 賤 行 乎 貧 賤; 素 夷 狄 行 乎 夷 狄; 素 患 難 行 乎 患 難; 君 子 無 入 而 不 自 得 焉.
Tại thượng vị bất lăng hạ, tại hạ vị bất viên thượng; chính kỷ nhi bất cầu ư nhân tắc vô oán; thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân.
在 上 位 不 陵 下,在 下 位 不 猨 上,正 己 而 不 求 於 人, 則 無 怨, 上 不 怨 天, 下 不 尤 人.
Cố quan tử cư dị dĩ sĩ mệnh; tiểu nhân hành hiểm dĩ kiểu hạnh.
故 君 子 居 易 以 俟 命; 小 人 行 險 以 幸.
Tử viết: xạ hữu tự hồ quân tử; thất chư chính hộc, phản cầu chư kỳ thân.
子 曰: 射 有 似 乎 君 子; 失 諸 正 鹄, 反 求 諸 其 身.
Dịch nghĩa:
Người quân tử căn cứ vào địa vị hiện tại của mình mà hành động, không ham cái ở ngoài bổn phận của mình mà hành động. Ở vào địa vị giàu sang, thì làm theo cách giàu sang; ở vào địa vị nghèo hèn, thì làm theo cách nghèo hèn; ở vào địa vị di địch thì làm theo cách di địch; ở vào cảnh hoạn nạn, thì làm theo cách của người trong hoạn nạn. Quân tử dù ở vào hoàn cảnh nào cũng tự tìm thấy niềm vui của mình (không vì ở vào cảnh nào mà không tự đắc).
Ở địa vị cao, không chèn ép bắt nạt người dưới; ở địa vị thấp, không vin trèo nịnh bợ người trên; giữ đúng bản thân mình mà không xin xỏ người khác, thì không có gì phải oán hận, trên không oán Trời, dưới không trách người.
Cho nên người quân tử cư xử bình dị để chờ mệnh Trời, còn kẻ tiểu nhân thì mạo hiểm để cầu may.
Khổng Tử nói: “Phép bắn cung có chỗ giống như đạo quân tử. Bắn không trúng đích, thì hãy trở lại tìm nguyên nhân ở chính bản thân mình”.
Chương thứ mười lăm
Quân tử chi đạo, thí như hành viễn tất tự nhĩ; thí như đăng cao, tất tự ty.
君 子 之 道, 如 行 遠, 必 自 邇; 辟 如 登 高, 必 自 卑.
Thi1 viết: “Thê tử hảo hợp, Như cổ sắt cầm, Huynh đệ kí hấp2, hoà lạc thả thầm; nghi nhĩ thất gia, lạc nhĩ thê noa3”.
诗 曰: 妻 子 好 合, 如 鼓 瑟 琴. 兄 第 既 翕, 和 乐 且 眈. 宜 爾 室 家, 樂 爾 妻 帑.
Tử viết: “Phụ mẫu kì thuận hĩ hồ”4.
子 曰: 父 母 其 順 矣 乎!
Dịch nghĩa:
Đạo của người quiân tử cũng ví như đi đường xa, tất phải bắt đầu từ chỗ gần, ví như leo lên đỉnh cao, tất phải bắt đầu từ nơi thấp.
Kinh thi nói: “Vợ con hoà hợp, như gảy đàn cầm đàn sắt. Anh em hoà hợp, thì hoà vui lâu dài. Gia đình hoà thuận, vợ con được vui vầy”.
Chú giải:
1.Thi. Tiểu nhã. Thường đệ 詩. 小 雅. 棣, chương 7, câu 1-4 và chương 8, câu 1-2.
Chữ 眈 trong Kinh Thi viết [?]
2.Hấp 翕: nghĩa như “hợp” 合.
3.Noa 帑: con cháu.
4.Tử Tư dẫn lời bình của Khổng Tử khi đọc đến bài Thường đệ cốt để làm sáng cái ý “hành viễn tự nhĩ” và “đăng cao tự ti”.
Chương thứ mười sáu
Tử viết: quỷ thần chi vi đức, kỳ thịnh hỹ hồ; thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn, thể vật nhi bất khả di: Sử thiên hạ chi nhân trai minh thịnh phục dĩ thừa tế tự dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu. Thi1 viết: “Thần chi cách tư, (1) bất khả đạc2 tư, thần khả dịch3 tư4; phù vi chi hiển, thành chi bất khả yểm, như thử phù”.
子 曰: 鬼 神 之 爲 德, 其 盛 矣 乎! 视 之 而 弗 見, 聽 之 而 弗 聞, 體 物 而 不 可 遺. 使 天 下 之 人 齋 明 盛 服 以 丞 祭 祀 洋 洋 乎 如 在 其 上, 如 在 其 左 右.
詩 曰: 神 之 格 思, 不 可 度 思, 矧 可 射 思, 夫 微 之 顯, 誠 之 不 可 揜, 如 此 夫!
Dịch nghĩa:
Công đức của quỷ thần, thật to lớn xiết bao! Dẫu là nhìn thì không thấy, tai cũng không nghe, nhưng thể hiện ra ở mọi vật thì chẳng thể sót thứ gì. Khiến thiên hạ đều trai giới tắm gội, ăn mặc chỉnh tề đẹp đẽ mà tế tự. Dường như khắp nơi đều có linh khí của quỷ thần, như ở trên đầu mọi người, lại như ở bên trái bên phải mọi người.
Kinh thi nói rằng: “Quỷ thần đến với ta lúc nào, ta không thể dò biết được. Ta há dám coi thường mà không cung kính?”. Quỷ thần vừa vi diệu kín đáo, lại vừa hiển hách rõ rệt, sự thành thật không thể che đậy được, chính là như vậy chăng!
Chú giải:
1.Thi. Đại nhã. Ức 詩.大雅.抑 chương 7, câu 8-10
2.Đạc 度: thăm dò
3.Dịch 射: Kinh Thi viết 斁, nghĩa là chán
4.Tư 思: hư từ cuối câu.
Chương thứ mười bảy
Tử viết: “Thuấn kỳ đại hiếu dã dư! Đức vi Thánh nhân, tôn vi Thiên Tử, phú hữu tứ hải chi nội; tông miếu hưởng chi; tử tôn bảo chi. Cố đại đức tất đắc kỳ vị, tất đắc kỳ lộc, tất đắc kỳ danh, tất đắc kỳ thọ”.
子 曰: 舜 其 大 孝 也 與! 德 爲 聖 人, 尊 爲 天 子, 富 右 四 海 之 内; 宗 廟 饗 之, 子 孫 保 之. 故 大 德 必 得 其 位, 必 得 其 祿, 必 得 其 名, 必 得 其 壽.
Cố Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên. Cố tài giả bồi chi; khuynh giả phúc chi.
故 天 之 生 物, 必 因 其 材 而 篤 焉. 故 裁 者 培 之, 傾 者 覆 之.
Thi viết: Gia lạc quân tử, hiến hiến lệnh đức; nghi dân nghi nhân, thụ lộc vu Thiên, bảo hựu mệnh chi, tự Thiên nhân chi”.
詩 曰: 嘉 樂 君 子, 憲 憲 令 德, 宜 民 宜 人, 受 禄 于 天, 保 佑 命 之, 自 天 申 之.
Cố đại đức giả tất thụ Mệnh.
故 大 德 者 必 受 命.
Dịch nghĩa:
Khổng Tử nói: “Thuấn thật là đại hiếu! Đức đáng gọi là thánh nhân, địa vị tôn quý là thiên tử, của cải bao gồm cả bốn biển, Tông miếu cung phụng ông, con cháu đời đời tế tự ông. Cho nên người có đức lớn ắt có được địa vị, ắt có được hậu lộc, ắt có được danh dự, ắt có được trường thọ”.
Có thể thấy rằng Trời sinh muôn vật, ắt sẽ căn cứ vào tài chất khác nhau của muôn vật mà bồi dưỡng thêm. Đáng vun trồng thì bồi đắp, con vật nghiên đổ thì vùi lấp đi.
Kinh thi nói: “Người quân tử hiền lành vui tươi, Đức tốt thật là rạng rỡ, Muôn dân và trăm quan thích hợp, Thọ hưởng phúc lộc Trời ban. Trời phù hộ bảo ban Người thành công, Dày tăng thêm phúc lộc cho Người”.
Cho nên người có đức lớn ắt được thụ mệnh Trời.
Chú giải:
1.Tài 材: tức là cái chất, chất liệu.
2.Đốc 篤: dày, làm cho dày thêm.
3.Thi. Đại nhã. Gia lạc 詩. 大 雅. 椵 樂, chương 1, câu 1-6. Chữ “gia” trong Kinh Thi viết 椵 là giả tá của chữ “gia” 嘉 này, nghĩa là tốt đẹp.
4.Chữ “hiến hiến” 憲 憲 ở đây nên viết: “hiển hiển” 顯顯 như ở trong Kinh Thi.
5.Thân 申: một lần nữa, lại thêm.
0 comments
Post a Comment