Theo Thần thoại Hi Lạp, A-sin (Achilles) là con của người anh hùng Pêlê
và nữ thần biển Thêtix, mẹ của chàng suốt đời chỉ chăm lo cho con được
trở thành bất tử để sánh vai với các vị thần. Nhưng một vị nữ thần kết
duyên với một người trần thế thì không sao sinh ra được những đứa con
bất tử. Sáu lần sinh con, Thêtix đều đem tôi vào trong lửa. Nhưng sáu
đứa con đó chết ngay khi mẹ chúng vừa đưa chúng vào thử thách với ngọn
lửa của thần Prômêtê.
Đến người con thứ bảy là A-sin, nữ thần không đem tôi vào lửa nữa mà đem
tôi vào nước của dòng sông âm phủ Xtích. Lần này thì nữ thần đã thành
công. Nhưng tiếc thay khi tôi con vào nước sông âm phủ Xtích, bà đã
quên không tôi chỗ gót chân của A-sin là nơi tay bà cầm. Vì thế A-sin
vẫn có thể chết, nghĩa là không thể bất tử vì chỗ đó.
Tôi bằng nước sông âm phủ Xtích rồi, nữ thần Thêtix vẫn chưa yên tâm. Bà
lại đem A-sin tôi vào lửa. Lần này thì Pêlê đã để ý và theo dõi công
việc của vợ mình. Đêm hôm đó thừa lúc mọi người yên giấc bà bèn đem
A-sin tôi vào bếp lửa. Vừa lúc Thêtix đưa con mình vào ngọn lửa hồng thì
Pêlê nấp ở phía sau nhẩy bổ tới và giằng lấy đứa con. A-sin thoát chết
nhưng xương mắt cá chân bị cháy.
Pêlê bèn giao con mình cho vị thần Xăngtor Khirông nhờ chữa chạy, nuôi
dưỡng và giáo dục hộ. Vị thần này lấy xương mắt cá chân của người khổng
lồ Đamixôx xưa kia vốn có biệt tài chạy nhanh, thay cho cái mắt cá chân
bị cháy của A-sin. Vì thế mà sau này A-sin chạy nhanh không ai sánh
kịp. Khirông còn cho A-sin ăn óc gấu và tim gan sư tử để cho chàng có
sức mạnh và lòng dũng cảm . Vị thần này dạy cho A-sin mọi thứ võ nghệ ,
âm nhạc... và đến khi A-sin trưởng thành thì chàng đã trỏ thành một
dũng sĩ giỏi toàn diện.
Khi cuộc chiến tranh thành Tơroa (Troy) bùng nổ giữa người Hilạp và
thành Tơroa, A-sin trở thành một đại tướng Hilạp muôn người không địch
nổi, lập nhiều chiến công vang dội. Trong một trận chiến, A-sin đã xúc
phạm thần Apôlông. Vị thần này bèn hóa phép cho một mũi tên xé gió bay
đi cắm phập vào gót chân A-sin. Đang chiến đấu say sưa, A-sin bỗng thấy
nhói đau nơi gót chân. Chàng biết ngay số phận chàng đến đây là kết
thúc bởi vì xưa nay với đặc ân của mẹ chàng ban cho, chàng không hề cảm
thấy đau khi mũi lao đồng hay nhát gươm sắc đâm chém vào thân thể
chàng. Chàng thu hết sức lực đưa tay xuống gót chân rút mũi tên ra rồi
ngã vật xuống đất. Thế là người anh hùng con của Pêlê và nữ thần biển
Thêtix từ bỏ cuộc chiến đấu sục sôi ra đi vào cõi vĩnh hằng.
Ngày nay, thành ngữ “Gót chân A-sin” người ta thường dùng chỉ để nơi
hiểm yếu, nhược điểm của một con người, tổ chức hay một lực lượng nào
đó. Đánh trúng, nhằm trúng “Gót chân A-sin” có nghĩa là đánh trúng
huyệt, nhằm trúng huyệt để hạ gục địch thủ của mình.
(theo Greek mythology)
0 comments
Post a Comment