Là một trong số những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất tới tư duy hiện
đại cùng Marx, Darwin và Einstein, đương nhiên Sigmund Freud được hâm
mộ, trích dẫn, tranh cãi và phê phán trên toàn thế giới. Trong giới trí
thức thì dường như văn nghệ sĩ là những người chuộng Freud và phân tâm
học hơn cả. Các thuật ngữ vô thức, dục năng, cái tôi, cái siêu tôi…
thường xuyên xuất hiện trên nhiều trang viết.
Đã có nhiều tác giả cố gắng lý giải hiện tượng đó, lý giải sức lôi cuốn
của phân tâm học. Bài viết dưới đây sẽ cố gắng tìm hiểu phân tâm học
dưới góc độ như nó vốn có, góc độ các khoa học tâm trí, và lược thuật
những đánh giá mới về phân tâm học nói chung, Freud nói riêng. Xin hãy
xem đây là một tiếng nói thêm nhằm rộng đường dư luận.
Rất khó trình bày tư tưởng của Freud chỉ trong một bài viết, vì ông
thường xuyên thay đổi nó. Hơn thế nữa, ông đã dùng vài triệu chữ để
trình bày những suy nghĩ của mình; và học trò phải dùng ít nhất 100
triệu chữ để diễn giải cái mà họ cho là quan niệm của ông! Vì thế người
đời sau thường đánh giá Freud qua con mắt người khác hơn là bằng cái
nhìn riêng của mình.
Lý thuyết hình học của Tâm trí
Năm 1900, trong tác phẩm Giải đoán giấc mơ, Freud đưa ra “lý thuyết hình
học” của tâm trí, trong đó ông chia tâm trí thành ba vùng: vô thức,
tiềm thức và ý thức. Vì Freud đi tới lý thuyết nhờ các khám phá về vô
thức và vì ông luôn xem vô thức là yếu tố quyết định nhân cách con
người, nên trước tiên ta hãy khảo sát nó.
Vô thức:
Ngay từ khi nghe những bệnh nhân đầu tiên kể về mắc mứu của mình, Freud
đã nhận thấy họ đang kìm nén những ước muốn đáng sợ và những ký ức méo
mó vốn không thể chấp nhận ngay cả với bản thân họ. Thi thoảng những ý
nghĩ và cảm xúc bị cấm đoán đó lộ ra ở ý thức qua giấc mơ hay sự lỡ lời,
thường dưới dạng ngụy trang hay tượng trưng. Vậy thì chúng từ đâu đến,
tại sao chúng khủng khiếp, và cái gì ngăn không cho chúng xuất hiện ở ý
thức?
Các ước muốn không được chấp nhận đó từ đâu xuất hiện? Sau khi khảo sát
cẩn trọng giấc mơ của bệnh nhân, Freud kết luận: “Cái là vô thức trong
cuộc sống tinh thần cũng chính là cái thơ trẻ”. Freud nhận thấy người
lớn ít khi nhớ những gì xảy ra lúc năm hay sáu tuổi, nhưng chúng vẫn
được lưu trong vô thức. Khi thức, một phần tâm trí đè nén hay “kiểm
duyệt” chúng. Nhưng khi ngủ, bộ phận kiểm duyệt nghỉ ngơi và ký ức có
thể lọt lên tầng ý thức, tất nhiên dưới hình thức ngụy trang.
Về vấn đề tại sao chúng có dạng bất thường, Freud viết: “Nhu cầu khoái
cảm – dục năng (libido), như chúng ta gọi nó – chọn đối tượng một cách
không cấm đoán, và thực tế là thích chọn trái cấm: không chỉ vợ người
khác, mà cả đối tượng loạn luân … mẹ và em gái, cha và anh trai… Sự căm
hận cũng bùng phát không kìm nén. Ước muốn trừng phạt và cái chết… không
phải là hiếm. Những ước muốn bị kiểm soát đó xuất hiện từ Địa ngục; và
khi đã được giải đoán lúc ta thức giấc thì không một sự kiểm soát nào
đáng xem là hà khắc nữa”.
Bản chất chống xã hội của những ước muốn bị kìm nén đó chứng tỏ con
người là ác quỉ? Freud không cho là vậy. Tâm năng chỉ “là chính nó”.
Những mong ước đó xuất hiện rất sớm, trước khi bệnh nhân được xã hội
hóa. Chúng chỉ gây rắc rối khi người lớn xem là xấu xa, và đó là lý do
tại sao chúng bị “kiểm duyệt” để không xuất hiện ở ý thức.
Ý thức:
Ý thức là khái niệm khó định nghĩa chính xác về mặt khoa học. Rất lâu
trước khi Freud chia tâm trí thành ba phần, giới tâm lý Đức thường liên
hệ ý thức với sân khấu trong một nhà hát. Luồng sáng hẹp của đèn pha
chiếu qua chiếu lại trên sân khấu, chiếu sáng những gì đang được chiếu
sáng. Ngồi trong nhà hát, ta có thể thấy một dòng liên tục các hình ảnh
xuất hiện dưới ánh đèn rồi biến mất vào bóng tối. Luồng sáng hẹp đó
chính là ý thức hiện tại của bạn. Phần sân khấu còn lại cũng có thể nhìn
thấy – nếu được chiếu sáng. Nhưng tại mỗi một thời điểm thì tất cả
những gì mà bạn thấy chỉ nằm gọn trong luồng sáng đèn pha.
0 comments
Post a Comment