Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Sunday, August 18, 2013

Chuyên đề về Xã hội dân sự (phần 3)





Cái phổ biến bao giờ cũng tồn tại thông qua cái đặc thù, cái đặc thù nào cũng gắn liền với cái phổ biến, không có cái nào tồn tại thuần túy tự nó. Nghiên cứu cái đặc thù bao giờ cũng phức tạp, khó phân định hơn. Điều đó cũng đúng với trường hợp xã hội dân sự (XHDS).
XHDS ở Việt Nam cả lý thuyết, đường lối và thực tế đang đặt ra nhiều câu hỏi phải trả lời.

Đúng là ngày nay, XHDS có tính phổ biến, tinh toàn cầu, dù rằng các dân tộc tiến đế nó một cách nhanh chậm khác nhau và phát huy nó khác nhau. XHDS nói chung là sự tự tổ chức của nhân dân để thực hiện quyền làm chủ của mình, vì lợi ích của chính mình, ngoài phương thức nhà nước và thị trường. Trong quan hệ với nhà nước và thị trường, nó có cả hợp tác, đối tác và đối lập biện chứng hay nói đúng hơn là đối trọng, dù có thể mặt nào là chính là tùy theo từng chế độ chính trị và truyền thống văn hóa, tương quan lực lượng. Chủ thể quyền lực không chỉ là nhà nước mà có cả quyền lực xã hội dân sự và quyền lực thị trường.

Nhưng XHDS là sản phẩm cụ thể của từng dân tộc, nó có tính phổ biến và cả tính đặc thù.

XHDS là sản phẩm của cái gì?

Phải chăng XHDS chỉ là sản phẩm của nhà nước pháp quyền? Đúng nhưng không đủ. XHDS ra đời trước hết là do kinh tế thị trường đòi hỏi quyền tự do kinh doanh và được bảo vệ lợi ích của mình. Nhưng thị trường chỉ lo kinh tế, lo lợi nhuận là chính, ít quan tâm và không lo được các vấn đề xã hội, lợi ích dân sinh. Đồng thời, nhà nước cũng chỉ lo được những vấn đề lớn, nguồn lực, năng lực cũng có hạn, nên các tổ chức xã hội do dân lập ra phải tự lo lấy và giải quyết các vấn đề của mình. Xã hội tự nó cũng có nhu cầu tự tổ chức, tự thể hiện và tự vệ. Hơn nữa nhờ có XHDS đó mà tránh được phần nào sự lạm quyền từ cả kinh tế thị trường và nhà nước. Các tổ chức xã hội ở nước ta trước đây, có khi xuất hiện còn do cảc nhu cầu vận động nhân dân chống ngoại xâm, hay tự vệ. Hiến pháp năm 1946 cũng cho phép nhân dân tự lập Hội. Nhưng ngày nay với nền kinh tế mới, nhà nước pháp quyền nên dân chủ của nhân dân, thì dân tự do lập hội, để thể hiện và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. XHDS vì vậy tạo nên một mạng lưới tổ chức rộng khắp và đa tầng.

Đúng là XHDS không chỉ bị chi phối bởi kinh tế thị trường, mà cả nhà nước pháp quyền. Nhưng chưa đủ, mà nó còn bị chi phố khá mạnh về truyền thống văn hóa nói chung và văn hóa chinh trị nói riêng, và phụ thuộc vào cả sự tương quan lực lượng xã hội của nó.

XHDS không chỉ tồn tại ở phương Tây mà cả phương Đông và không chỉ trong chủ nghĩa tư bản mà cả trong chủ nghĩa xã hội. Các xã hội tiền tư bản cũng có những hình thức thấp hay manh nha XHDS.

Không có XHDS nói chung trong thực tế mà bao giờ nó cũng tồn tại một cách đặc thù.

Ở Việt Nam ta XHDS trong qua trình hình thành của nó sẽ thể hiện thể hiện khá rõ mạnh

1) thấm nhuần về mặt văn hóa cộng đồng, tính đoàn kết, tương trợ và tính đồng thuận xã hội, có mầm mống trong xã hội làng xã xưa.

2) Trong xã hội thực dân phong kiến cũng hình thành nên những tổ chức xã hội, hoặc để đấu tranh chính trị hoặc để bảo vệ các quyền lợi xã hội trong đời sống bình thường trước các thế lực cường quyền.

3) Nhưng XHDS ở VN ngày nay còn là xã hội trong thể chế một đảng cầm quyền, nhất nguyên chính trị nên XHDS ở đây có thể cơ cấu tổ chức chính trị xã hội trong XHDS và trong hệ thống chính trị sẽ mang tính trung gian 2 mặt.

4) XHDS ở VN ngày nay sẽ là dựa trên nền kinh tế nhiều thành phần cả công và cả tư, định hướng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải XHDS mang tính chất tư bản chủ nghĩa.

5) XHDS ở VN cơ bản không mang tính đối kháng trong nó và với nhà nước. Tính đồng thuận và đoàn kêt xã hội của XHDS khá cao, nhưng các tiổ chức hoạt đỘng còn phân tán, tính pháp lý chưa đủ và cần thiết.

Những tiêu chí cơ bản của XHDS. Cơ cấu XHDS và tính độc lập của XHDS. Những tổ chức nào trong XHDS?

Những tiêu chí. Trước hết cần thống nhất tiêu chí của tổ chức XHDS. Theo chúng tôi, có thể có các tiêu chí như sau:

1) Tính tự nguyện cộng đồng tự tổ chức,

2) Không bị chi phối bởi tổ chức lợi nhuận, hay vì mục tiêu lợi nhuận;

3) không bị chi phối trực tiếp bởi đảng cầm quyền, hay trực tiếp liên quan tới vấn đề đảng cầm quyền, hoạt động vì sự ràng buộc trực tiếp của đảng cầm quyền là chính;

4) không mang tính chất quyền lực nhà nước, không mhằm mục đích giành quyền lực hay vì quyền lực nhà nước.

Đó là 4 tiêu chí cơ bản quan trọng. Nhưng tiêu chí thứ 2 và thứ 4 là quan trọng hơn tiêu chí (1) dân tự tổ chức và tự nguyện, không bị áp lực nào. Vì theo nghĩa nào đó nhà nước ở nước ta cũng do nhân dân tổ chức nên. Nhưng ở đây, nhà nước ấy có sự chi phối của đảng cầm quyền. Còn về sự có mặt của đảng cầm quyền trong tổ chức thì xem xét xem nó có chi phối tổ chức hay không. Ví dụ các doanh nghiệp tư nhân có lập chi đảng bộ của đảng cầm quyền nhưng họ vẫn hoạt động theo nguyên tắc lợi nhuận và vẫn nằm trong phạm trù kinh tế thị trường. Hoặc công đoàn là tổ chức của công nhân chứ không phải tổ chức đảng phái và không phải tổ chức nhà nước, thì nói chung nó vẫn thuộc về XHDS, dù trong tổ chức công đàn ở nước ta cũng có nhân tố đảng cầm quyền. Đó là điều đáng lưu ý nhất. Vì theo chúng tôi, XHDS là tổ chức phân biệt với nhà nước chứ không phải phân biệt với tổ chức chính trị.

Về tính độc lập hay không của XHDS cũng liên quan tới các tiêu chí cơ bản nói trên. Tài chính của tổ chức chỉ là một nhân tố chi phối nhưng không cơ bản, vấn đề và mục tiêu, cương lĩnh của tổ chức. Tính độc lập của tổ chức không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách tài chính ở đâu. Phải chăng không độc lập tài chính thì không phải XHDS. Nước ngoài, có nhà nghên cứu và hoạt động thực tế cho biết là, có tổ chức như vậy nhưng vẫn ở trong XHDS. Kinh phí chỉ là một tiêu chí phụ. Mục đích phục vụ mới là tiêu chí là chính. Có thể được tài trợ hay cấp về tài chính nhưng tài chính ấy không mang tính chi phối, ràng buộc hay gây áp lực đối với mục tiêu hoạt động của tổ chức. Cơ bản là ở cương lĩnh tổ chức của nó.

Những tổ chức nào trong XHDS?

Đây là vấn đề khá khó, nhất là khi xã hội ta đang thời kỳ chuyển đổi và đang hình thành dạng thức mới và ngày xã hội chúng ta cũng có đăc trưng mới, khác xã hội tư bản chủ nghĩa. Do vậy cần nêu lên những câu hỏi, những giả thuyết để nghiên cứu.

Có người nêu câu hỏi, với XHDS thì tổ chức kinh tế tư nhân nằm ở đâu, kinh tế nhà nước nằm ở đâu? Theo chúng tôi, ở nước ta, nó nằm trong kinh tế thị trường. Nhưng các hiệp hội của nó thì lại thuộc về XHDS. Nhóm lợi ích vận động hành lang ở các nước có ở trong XHDS không? Có. Nhưng nó cũng có mặt không hoàn toàn như vậy nếu nó hướng tới giành chính quyền hay hoạt động trong chính quyền. Có những nhóm lợi ích, nhất là ở VN, không nhằm tới hoạt động chính trị và chính quyền dù có thể tác động đến chính quyền. Những nhóm như vậy nằm trong xã hội dân sự. Các hội doanh nhân nó liên quan tới thị trường, nhưng Hội là phi lợi nhuận, dù có khi nhờ tác động của nó mà danh nghiệp thu lợi, nhưng đó là hai góc độ khác nhau.

Phải chăng khái niệm XHDS, nó bao hàm cả lĩnh vực kinh tế. Trong XHDS, thì mỗi cá nhân tự do giao tiếp với nhau (không quan hệ với nhà nước) kể cả trong lĩnh vực kinh tế. Trong luật Dân sự, có giao dịch kinh tế, công ty quốc doanh cũng ở trong XHDS, truyền thông cũng vậy. Đúng như vậy không khi nói về XHDS?

Thật ra Luật dân sự là so sánh với Luật hình sự, nghĩa là quan hệ khác, nên nó bao hàm lĩnh vực kinh tế. Còn khi nói XHDS là trong quan hệ với nhà nước và kinh tế thị trường, nó phi thị trường và phi nhà nước nhưng không phi quan hệ. Ở đây không thể lầm lẫn về nội dung khái niệm, cùng khái niệm nhưng quan hệ khác thì nó có nội hàm khác. Các quan hệ kinh tế dù có tính dân sự nhưng không thuộc phạm trù XHDS. Đa số các nhà khoa học và các nước đều hiểu như vậy.

Ở nước ta, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) do Đảng lập ra. Nếu Đảng tổ chức thì trong con mắt thế giới thì nó không nằm trong xã hội dân sự. Nhưng theo chúng tôi nó cũng có thể vẫn có mặt thuộc về XHDS. MTTQ không có mục tiêu giành chính quyền, mặc dù nó có thể có nhiệm vụ bảo vệ chính quyền của nhân dân nhưng trước hết nó phải bảo vệ quyền lợi của tổ chức của mình, những tổ chức xã hội ở lĩnh vực dân sự. Công đoàn ở các nước nói chung thuộc XHDS. Trừ trường hợp có lúc công đoàn nào đó được đảng phái hóa, chính trị hóa và nhằm mục tiêu giành chính quyền, là không còn thuộc về XHDS. Ở nước ta Công đoàn do Đảng lập ra, và đồng thời cũng do công nhân tự tổ chức, vậy nó có thể có cả hai mặt nhị nguyên, vừa có tính chất XHDS, vừa không hoàn toàn như vậy? Thực ra thì công đoàn nằm trong mạng lưới XHDS, vì nó không thuuộc nhà nước.

Phải chăng các đảng phái nằm trong XHDS?

Chế độ nhiều đảng thì đảng chính trị nhằm theo đuổi quyền lực chính trị- nhà nước thì không ở trong xã hội dân sự. Nhưng nếu đảng phái, khi không nằm trong cơ cấu quyền lực nhà nước thì có thể tạm thời tham gia vào XHDS, hay thuộc về XHDS. Tuy nhiên sự phân biệt này rât tương đối vì vấn đề là có trở thành tổ chức nhà nước hay không, chứ trên thực tế khi trở thành đảng cầm quyền thì đảng ấy vẫn còn duy trì hình thức tổ chức đảng phái phi chính quyền, tức không mang tính chất nhà nước, thì sao lại không phải XHDS?

Các cơ quan truyền thông nằm ở đâu? Truyền thông là quyền lực thứ 4. Truyền thông cũng vậy. Cơ quan ngôn luận của nhà nước thì nằm trong nhà nước. Cơ quan truyền thông phi nhà nước, chỉ là của các tổ chức XHDS, thì nằm trong XHDS. Phải chăng Tạp chí Cộng sản ở ta thì không nằm trong XHDS, nhưng tạp chí Xưa và Nay thì nằm trong XHDS. Có phải như vậy không? Nhưng báo Nhân Dân, hay báo các đảng bộ trước đây chỉ là cơ quan của Đảng nhưng sau này sửa lại nó vừa là thể hiện tiếng nói của đảng, nhà nước và vừa là của nhân dân thì quả là khó phân biệt, nhưng XHDS vẫn có thể đăng đàn. Có lẽ tính “nhị nguyên” một số tổ chức như thế là có thật. Nhưng một số tổ chức khác thì đứng hẳn về XHDS, hay về nhà nước, hay về kinh tế thị trường (các doanh nghiệp). Như vậy, có những tổ chức có Đảng lãnh đạo và có những tổ chức không cần thiết có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng. Nhưng ở nước ta không nên chỉ bó hẹp XHDS chỉ gồm các tổ chức phi đảng, phi chính trị, theo nghĩa xã hội thuần túy. XHDS thì mục tiêu xã hội dân sinh, tính nghề nghiệp, tính tôn giáo, tính giai tầng, nhóm xã hội là chính. Tuy vậy thực tế xã hội không có ranh giới quá rạch ròi như vậy. Có thể có những tổ chức mang tính trung gian 2 mặt, hai vai trò, vai trò kép, tùy lúc vào trò nào là chính. Đây là vấn đề mới và khó, cần nghiên cứu tiêu chí và phân định một cách tương đối.

Cơ cấu XHDS hay khu vực XHDS ở nước ta như thế nào?

Như vậy ở nước ta có loại thuần túy thuộc về xã hội dân sự như các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội – hội - nghề nghiệp (như hội làm vườn, hội doanh nhân,…), tổ chức tương thân tương ái (hội đồng hương,…).

Nhưng cũng có loại vừa thuộc xã hội dân sự vừa gắn với hệ thống chính trị, đó là những tổ chức chính trị xã hội. Nước ta có 6 tổ chức mà đảng cầm quyền và tuy nhà nước chi phối trực tiếp (qua đường lối và kinh phí tài chính) như Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Công đoàn, Hội nông dân, Hội nhà báo nhưng nó vẫn thuộc XHDS.

Còn một số tổ chức chính trị xã hội mà đảng cầm quyền không chi phối trực tiếp, hay chỉ một phần, nó vẫn thuộc về xã hội dân sự (Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật).

Nhưng cũng có thể đặt vấn đề là cần cơ cấu lại và phân định các tổ cức về XHDS, dứt khoát về phía nào, không nên nửa dươi nửa chuột, khó làm việc, khó thực hiện chức năng của mình?

Theo nhóm tác giả “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội ở nước ta hiện nay” (TS.Thang Văn Phúc và TS. Nguyễn Minh Phương, đồng chủ biên, Nxb.Chính trị quốc gia, 2007) thì kết cấu cộng đồng XHDS với phổ rất rộng bao gồm cả tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị và tổ chức thuần tùy xã hội khác (tr.54). Do vậy Mặt trận tổ quốc VN thuộc xã hội dân sự , mà trong đó có đảng là thanh viên Mặt trận thì đảng vẫn là ở trong xã hội dân sự (tr. 73), Mặt trận làm nòng cốt trong XHDS (tr.71) vừa mang tính chính trị vừa mang tính xã hội. Nhưng đảng khi là đảng cầm quyền thực thi quyền lãnh đạo qua nhà nước (tổ chức đảng trong tổ chức nhà nước) thì nó lại không thuộc XHDS chỉ theo nghĩa ấy thôi.

Nhà nước không tham gia Mặt trận nhưng ban hành luật về Mặt trận thì không phải vì vậy mà Mặt trận không phải là thuộc XHDS. Có điều ở nước ta các tổ chức thuộc hệ thống chính trị trừ nhà nước vẫn thuộc XHDS nhưng nó lại vẫn chịu sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền.

Việt Nam ta có xã hội dân sự chưa?

XHDS là dân tự tổ chức. Phải chăng trên một ý nghĩa như vậy thì VN đã có XHDS rồi. Thời Bác Hồ đã có quy định về lập hội. Nhà nước của dân… là thừa nhận có XHDS. Nhưng chúng tôi cho rằng nếu hiểu XHDS theo nghĩa đây đủ, hiện đại thì chúng ta mới có ở mức sơ khai, còn khi nào có nhà nước pháp quyền thật sự thì XHDS mới phát triển. Không có nhà nước pháp quyền mạnh không có xã hội dân sự mạnh và ngược lại. Cũng nên hiểu như vậy giữa XHDS và kinh tế thị trường.

Trong lịch sử thế giới ta cũng thấy: Xã hội La Mã dân tự ti63 chức, tập hợp nói lên chính kiến của mình như vậy là có XHDS, nhưng cũng có thể là dạng tiền XHDS hiểu theo nghĩa hiện đại. Đúng là XHDS cùng với sự phát triển xã hội tư bản chủ nghĩa thì sau này các nhà tư tưởng mới tổng kết lên lý luận về XHDS ở Tây Âu... và nước Mỹ đã áp dụng theo cách của họ.

Ở ta, quá trình xây dựng XHDS còn nhiều bất cập, tự phát. Dúng như phân tích ở trên, có tổ chức xã hội còn lai giữa XHDS và Nhà nước. Nên mới có nhận xét rằng, dân sự mà không hoàn toàn dân sự, dân chủ mà không dân chủ, không độc quyền mà độc quyền. Phải chăng chúng ta vẫn còn trong trạng thái quá độ của sự chuyển đổi xã hội?

Từ nhà nước, kinh tế thị trường với những nhược điểm của nó mà xuất hiện XHDS. Nhưng XHDS ở VN đã xuất hiện tự phát. Chúng at chưa có đủ khung pháp lý và không gian cho xã hội dân sự hình thành tự giác. Cho nên có tổ chức XHDS ở ta, có mặt, có tổ chức còn làm chui, nghĩa là chưa có cơ sở pháp lý chính thức nhưng nhờ nó mà ta trụ được, như có người nhận xét.

Tự hình thành hay xây dựng XHDS?

Có quan niệm sợ Đảng đứng ra xây dựng XHDS, chứ không phải dân tự nguyện. Đúng là Đảng không nên và không thể dứng ra lập nên các tổ chức XHDS. Thật ra XHDS đã và đang hình thành, vấn đề là Đảng và Nhà nước phải tạo điều kiện, và rất cần tạo điều kiện, nhất là chủ trương, pháp lý thì nó mới bớt tính tự phát, chứ không phải áp đặt. Và tất nhiên, không nên và không thể áp đặt cho XHDS. Không thể nhà nước hóa hay đảng hóa, chính trị hóa XHDS, nhưng đồng thời cũng không nên hiểu cực đoan rằng, XHDS là thuần túy xã hội không liên quan gì đến chính trị và kinh tế. Nhưng nó vẫn cần đăng ký và cần sự công nhận của nhà nước và hoạt động trong khuôn Hiến pháp và khổ pháp luật.

Chúng ta mong muốn có XHDS lành mạnh, khỏe mạnh, cũng như cần nhà nước pháp quyền và một thị trường lành mạnh, khỏe mạnh. Nhưng phải chăng không cần xây dựng XHDS, mà để cho nó tự hình thành và khi có NNPQ thì nó ắt hình thành?

Thật ra khi chúng ta nói xây dựng vẫn là chủ động về mặt pháp lý, tạo một không gian dân chủ, một môi trường dân chủ và định hướng chung về mục tiêu, nếu không chủ động xây dựng như thế thì nó tự phát. Xây dựng và sự hình thành là 2 mặt thống nhất, xét cả góc độ quản lý xã hội và góc độ thực tiễn, góc độ khách quan và chủ quan.

XHDS đúng nghĩa chỉ có khi có NNPQ, nhưng nó phải được xây dựng bởi tạo nên môi trường pháp quyền cho nó. Xã hội pháp quyền thay chế độ thần quyền, thế quyền, thay cho “chế độ toàn trị”,nếu có. Pháp quyền là quyền lực tối thượng thì đứng trên cả nhà nước. Nó là tập trung quyền lực của nhân dân. Cho nên phải có luật về XHDS, chứ không chỉ về Hội.

Hoạt động xã hội là có ý thức, và có luật pháp, nên càng phải có khung pháp lý. Nhà nước cần có khung đó cho XHDS hình thành và hoàn thiện, để nó tự phát triển, Nhà nước công nhận. XHDS là dân tự tổ chức. Thời Hậu hiện đại, XHDS hiện nay không còn dựa vào quyền cá nhân nữa mà chủ yếu dựa vào tổ chức xã hội. Xã hội khi xã hội hóa càng cao thì càng cần XHDS và sẽ chủ động hình thành XHDS. Nhân dân tự do tham gia Hội không bị sức ép nào. XHDS là quyền tự do phát biểu và lập hội của công dân. XHDS là cầu nối trung gian giữa cá nhân và nhà nước… Nhưng không phải vô chính phủ mà là phải có luật. Vấn đề hiện nay là ở đó. Tuy vậy, phải nghiên cứu về mặt khoa học và mặt kinh nghiệm ở các nước đi trước.

Nhưng liệu có XHDS mang bản chất tư bản và XHDS mang bản chất XHCN không?

Chúng tôi cho rằng là có vì nó là một bộ phận trong hình thái kinh tế xã hội cụ thể, nên không thể không mang bản chất của hình thái ấy. Nó cũng như kinh tế thị trường. Do vậy có thể có XHDS định hướng XHCN, như trường hợp VN hiện nay. Tuy nhiên, nó vẫn có những nguyên tắc, phương thức tổ chức và đặc trưng chung mang tính phổ biến, như đã trình bày.

Nói định hướng XHCN là XHDS hình thành hoạt động vì lợi ích hợp pháp của công dân và cùng với nhà nước xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh và hạnh phúc. Nhưng điều đó phải thể hiện và định hướng bằng công cụ chính sách và pháp luận cùng dư luận xã hội.

TS. Hồ Bá Thâm, Viện nghiên cứu phát triển tp. HCM - Tạp chí Sinh hoạt lý luận (Số 1/2009)


Bàn về xã hội dân sự
Khái niệm xã hội dân sự từ lâu đã trở thành một khái niệm quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng khi quá trình toàn cầu hoá đang làm thế giới xích lại gần nhau hơn. Và khi các giá trị cá nhân ngày càng được khẳng định thì một xã hội dân sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của con người ngày càng trở nên cần thiết.

Thế kỷ Khai Sáng với nhiều tác phẩm bất hủ của các nhà triết học nổi tiếng như Rousseau hay Montesquier tuy chưa thực sự nhắc đến một xã hội dân sự nhưng những tư tưởng về chủ quyền nhân dân và sự phủ định vai trò tuyệt đối của nhà nước đã góp phần tạo nền tảng cho sự hình thành khái niệm xã hội dân sự. Từ đó đến nay, xã hội dân sự không còn là một khái niệm mới song cũng chưa đủ cũ để người ta thôi luận bàn về nó. Nói cách khác, hơn 300 năm sau Thế kỷ Khai Sáng, gần 300 năm sau khi "Khế ước xã hội" của Rousseau ra đời, loài người đã có một bước tiến dài về phía xã hội dân sự nhưng vẫn còn sự nhận thức khác nhau giữa các cộng đồng dân tộc. Xã hội dân sự, ở một số nơi, chưa được thừa nhận và tôn trọng, do đó, nó không phát huy được vai trò của mình trong tiến trình phát triển. Vậy xã hội dân sự là gì? Vai trò của nó cũng như tương quan giữa nó và sự phát triển của con người là gì? Sự thiếu vắng hay không được thừa nhận xã hội dân sự ở một số quốc gia đang phát triển có ảnh hưởng thế nào đến quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ của các quốc gia này? Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu và thảo luận một cách rất nghiêm túc.

1. Xã hội dân sự và đặc điểm của nó

Xã hội dân sự là xã hội phi nhà nước

Tôi cho rằng, xã hội dân sự, hiểu một cách đơn giản nhất là xã hội phi nhà nước, ở đó, mối quan hệ giữa con người với nhau dựa trên sự tự thảo luận và tạo ra sự đồng thuận trên các vấn đề của cuộc sống mà không cần có sự can thiệp của nhà nước. Xã hội dân sự là xã hội tự cân bằng. Nó có các tổ chức do xã hội lập ra để thể hiện những loại hình ý chí khác nhau của cộng đồng. Nói cách khác, tự bản thân xã hội dân sự sẽ điều chỉnh, hạn chế tất cả những sự cực đoan, những hành vi không phù hợp với lợi ích cộng đồng bằng các quy tắc bất thành văn mà không cần sự tham gia của các yếu tố nhà nước. Có thể nói tính tự lập là bản chất của xã hội dân sự, tức là xã hội tự giải quyết các vấn đề của nó. Xã hội dân sự là xã hội tự quản lấy mình và đến một mức độ mà nó không có khả năng để tự quản nữa thì phần còn lại rơi vào nhà nước. Rất nhiều quốc gia chậm phát triển đã không nhận thức được điều này. Người ta luôn cho rằng nhà nước phải có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống mà không biết rằng nhà nước là bộ phận nối dài của xã hội dân sự để giải quyết những công việc mà bản thân xã hội không tự giải quyết được. Thực ra, nếu chúng ta thừa nhận sự phát triển các hình thái kinh tế xã hội dẫn đến sự ra đời của nhà nước nhằm dung hoà lợi ích của các cộng đồng người trong một xã hội hay nếu chúng ta thừa nhận nhà nước được hình thành từ sự góp vốn tự do của con người thì chúng ta sẽ thấy rằng, rõ ràng xã hội dân sự có trước nhà nước. Nhà nước là bộ phận thượng tầng của xã hội, là nơi giải quyết những vấn đề xã hội đòi hỏi, hay nói cách khác, con người tạo ra nhà nước để giải quyết những vấn đề mà tự nó không giải quyết được. Còn nếu chúng ta quy lịch sử phát triển loài người vào lịch sử phát triển các nhà nước, tức là nếu chúng ta cho rằng, con người chỉ trở thành con người xã hội khi có nhà nước thì chúng ta sẽ biến nhà nước trở thành kẻ sinh ra xã hội. Và như thế, chúng ta sẽ không thừa nhận tình trạng không có con người nằm ngoài nhà nước, và nó dẫn đến một logic là Xã hội = Nhà nước.

Hầu hết các nước chậm phát triển hay đang phát triển đều nhận thức chưa đúng về vai trò của nhà nước. Sự phong cho nhà nước một quyền lực quá lớn đã dẫn đến một logic ngược lại, nhà nước không phải là nơi giải quyết những vấn đề xã hội đòi hỏi mà xã hội là nơi để nhà nước áp đặt những đòi hỏi của mình. Sự phủ bóng quá lớn của nhà nước xuống xã hội đã khiến đời sống dân sự của con người bị thu hẹp lại thậm chí trở thành bất hợp pháp. Pháp luật ở một số quốc gia không thừa nhận tình trạng không có nhà nước trong một loạt các khu vực khác nhau của đời sống và làm mất đi những yếu tố của xã hội dân sự. Ví dụ, nhà nước không thừa nhận vai trò làm chứng của một luật sư cho các cam kết dân sự của khách hàng mà chỉ thừa nhận sự làm chứng của các cơ quan công chứng nhà nước. Nhận thức sai lầm về vai trò của nhà nước, con người cũng nhận thức sai lầm về địa vị xã hội. Một số người luôn quan niệm là phải làm việc ở cơ quan nhà nước mới có địa vị xã hội và danh dự. Do đó, con người bằng mọi giá phấn đấu để được vào biên chế, để được bao cấp, được bảo vệ bởi nhà nước. Con người mất tự tin khi bị tách khỏi nhà nước và con người bơ vơ về tinh thần khi ra khỏi nhà nước. Trạng thái này kéo dài ở một số quốc gia, làm hình thành nên một nền văn hóa không có dấu hiệu dân sự. Nền văn hóa mà người ta lấy tất cả những ưu thế trong hệ thống nhà nước làm thước đo của giá trị thì không còn đời sống dân sự, tức là con người không có quyền lợi nào nếu không gắn với một nhà nước cụ thể. Nhưng trong hàng trăm hành vi của con người hàng ngày, có bao nhiêu phần trăm là hành vi mang chất lượng nhà nước và bao nhiêu hành vi mang chất lượng tự nhiên? Và con người lành mạnh là con người hành động tự giác hay con người hành động trong sự giục giã, giám sát và điều chỉnh của nhà nước? Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò điều chỉnh và giám sát của nhà nước vì rõ ràng, có những vấn đề mà nếu nhà nước không đảm nhiệm, xã hội dân sự không thể giải quyết nổi.

Ở đây, phải nói thêm một khía cạnh là trong một quốc gia bao giờ cũng có nhiều cộng đồng dân sự, có nhiều quy tắc và điều này đã khiến một số người nhầm lẫn giữa các quy tắc dân sự của cộng đồng với hương ước, lệ làng. Họ tưởng rằng đó là thể hiện cơ bản của xã hội dân sự. Phải khẳng định rằng hương ước hay lệ làng thực chất là những quy tắc phản ánh một xã hội khu trú và chậm tiến bộ. Nó là những thói quen văn hóa rất chậm thay đổi, lưu truyền từ đời nọ sang đời kia, con người mặc nhiên chấp nhận nó như một quy ước. Còn những quy tắc trong xã hội dân sự được hình thành dựa trên cơ sở sự đồng thuận xã hội, tức là con người trực tiếp tham gia vào quá trình thương thảo về những quy tắc và đấy là biểu hiện của trình độ phát triển cao, trong đó mỗi người dân đều ý thức được vai trò, quyền và lợi ích của mình. Những quy tắc này có thể biến đổi theo thời gian tùy thuộc vào trạng thái phát triển của xã hội.

Sự khác biệt giữa xã hội dân sự và xã hội công dân

Các cuộc tranh luận giữa các học giả còn xoay quanh khái niệm xã hội công dân hay xã hội dân sự. Ban đầu, ý tưởng về "xã hội dân sự" và "xã hội công dân" gần như đồng nhất, nhưng dần dần hai khái niệm ấy tách khỏi nhau vì trong tiến trình phát triển, con người ngày càng thấy rõ mỗi công dân đồng thời cũng là con người với tất cả những đặc tính phong phú của mình. Cho nên, không thể quy toàn bộ tính phong phú ấy vào trong khái niệm công dân. Vậy xã hội công dân là gì? Tôi cho rằng, xã hội công dân là một xã hội mà các thành viên của nó là công dân theo đúng nghĩa. Vấn đề đặt ra là công dân là gì? Công dân là các thành viên của một xã hội hiện đại, ở đó mọi quyền của con người đều được tôn trọng, tức là mỗi một con người trở thành chủ sở hữu xã hội và có các quyền hiến định và pháp định rành mạch. Nói cách khác, nếu xã hội dân sự là xã hội nằm ngoài nhà nước, không cần đến nhà nước thì xã hội công dân là pháp chế hóa xã hội dân sự. Như vậy, xã hội dân sự rộng lớn hơn và cũng căn bản hơn nhiều so với xã hội công dân.

Có thể nói, 80-90% hành vi hàng ngày của mỗi con người là hành vi tự nhiên, phi nhà nước. Thử tưởng tượng con người sẽ sống, sinh hoạt như thế nào nếu hàng ngày, hàng giờ, hàng phút anh ta mang trong mình ý niệm là một công dân? Con người làm sao có đủ cảm hứng sáng tạo khi luôn phải mang nặng nghĩa vụ này, nghĩa vụ kia. Tuy vậy, một con người khi sống với cộng đồng dân sự của mình, họ cũng có những thỏa thuận, có những sự cân bằng tự nhiên của mình. Nói cách khác, xã hội dân sự đó phải nằm trong một nhà nước cụ thể hay các cộng đồng dân sự phải nằm trong một thể chế nhà nước cụ thể, và tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau trước pháp luật bởi tư thế công dân của mình. Xã hội công dân là xã hội cần đến nhà nước và nhà nước phải tuân thủ các quy luật của xã hội công dân để hành xử. Còn xã hội dân sự là xã hội không lệ thuộc vào nhà nước. Nói cách khác, nói đến xã hội dân sự là nói đến nhân quyền còn nói đến xã hội công dân là nói đến dân quyền. Tuy nhiên, ở các quốc gia chậm phát triển, người ta thường đề cao xã hội công dân thay vì xã hội dân sự, người ta cho rằng chỉ cần xã hội công dân là đủ bởi vì họ không muốn thừa nhận nhân quyền, họ muốn khoả lấp nhân quyền vào trong dân quyền. Xã hội dân sự là xã hội mà ở đó nhân quyền thống trị còn dân quyền là mảnh đất chung nhau giữa con người tự nhiên với con người xã hội. Dân quyền là cơ sở của việc hình thành nhà nước. Sau khi làm nghĩa vụ công dân thì con người mới có quyền đòi hỏi quyền làm chủ nhà nước tức là quyền tạo ra nhà nước. Quyền tạo ra, cải tạo và cấu trúc lại nhà nước là quyền công dân, là kết quả của việc thực thi các nghĩa vụ công dân. Ví dụ, đóng thuế là biểu hiện cơ bản của dân quyền, còn các quyền tự nhiên thuộc về cá nhân con người là biểu hiện của nhân quyền. Như vậy, xã hội công dân là xã hội có liên quan chặt chẽ với nhà nước, với pháp luật còn xã hội dân sự là xã hội tự nó, không lệ thuộc vào nhà nước. Vậy xã hội dân sự lệ thuộc vào cái gì? Bởi nếu pháp luật là công cụ điều chỉnh mối quan hệ trong xã hội công dân thì cái gì điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội dân sự? Tôi cho rằng, đó là văn hoá. Văn hoá giúp con người xử lý các quan hệ với nhau, với cộng đồng, xử lý với những khái niệm thiêng liêng trong đời sống dân sự, đời sống tinh thần. Và những quy tắc bất thành văn mà con người sử dụng để điều chỉnh, để hạn chế tất cả sự cực đoan, những hành vi không phù hợp với lợi ích công cộng chính là văn hoá. Vì thế, trong nhiều nghiên cứu về pháp luật và nhà nước, tôi đã cho rằng mọi khế ước xã hội nếu không được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm văn hoá hay có khả năng biến thành văn hoá thì những khế ước xã hội ấy chắc chắn sẽ thất bại. Do vậy, xã hội dân sự rộng hơn và cũng cơ bản hơn nhiều so với xã hội công dân.

2. Những hệ quả của việc xã hội dân sự không được thừa nhận

Một xã hội lành mạnh là Xã hội = Nhà nước + Xã hội dân sự. Nhưng ở những quốc gia mà nhà nước được trao cho quyền lực quá lớn thì xã hội dân sự sẽ biến dạng và trở thành đối tượng bất hợp pháp. Phải khẳng định rằng xã hội dân sự là một không gian sống tất yếu của con người. Vì thế, việc không thừa nhận xã hội dân sự ở một số quốc gia chậm phát triển đã gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng.

Các giá trị cá nhân của con người không được tôn trọng

Một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất của con người là vào thế kỷ XV, XVI, XVII, con người bỗng nhận ra mình là một cá nhân. Chính vì nhận thức được nguyên lý ấy mà phương Tây đã phát triển mạnh mẽ chỉ sau vài trăm năm. Rất đáng tiếc rằng cho đến bây giờ rất nhiều dân tộc ở phương Đông vẫn chưa thức tỉnh, chưa thức tỉnh một thực tế, một chân lý, một sự thật vô cùng quan trọng đối với tiến trình phát triển của nhân loại là: mỗi con người là một cá nhân. Các xã hội phương Đông nói chung vẫn không tôn trọng các giá trị cá nhân, giá trị con người, không xem giá trị con người là một trong những chiến lược phát triển. Họ vẫn xem các giá trị chính trị, giá trị lãnh đạo, giá trị thủ lĩnh quan trọng hơn các giá trị con người mà không biết rằng cơ sở khoa học của mọi chính sách chính là để phục vụ con người với tư cách là một cá nhân chứ không phải với tư cách là một khái niệm.

Phải nói rằng, khi không thừa nhận các các giá trị cá nhân và đồng nhất nó với cá nhân chủ nghĩa là con người đã sai. Cá nhân chủ nghĩa cũng là một thuật ngữ sai hoàn toàn về mặt triết học. Không có cá nhân chủ nghĩa mà chỉ có trạng thái cực đoan của mỗi cá nhân. Trạng thái cực đoan của mỗi cá nhân là trạng thái hàng ngày của đời sống, do vậy mới cần nhà nước để điều chỉnh. Con người ai cũng có khuyết điểm, nếu không có khuyết điểm thì nhà nước sẽ không tồn tại, khuyết điểm của mỗi cá nhân là tiền đề khách quan để nhà nước tồn tại, bởi nhà nước điều chỉnh các sai lầm của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại mà quá trình tương tác và cạnh tranh giữa các nền kinh tế ngày càng quyết liệt, bản thân con người hàng ngày cũng phải tham gia vào cuộc cạnh tranh ấy thì mỗi con người buộc phải mài sắc nhất khả năng của mình để có thể giành chiến thắng. Và khả năng mài sắc năng lực của mỗi con người được quyết định bởi các giá trị cá nhân của họ. Nói cách khác, giá trị cá nhân là sức cạnh tranh và sức cạnh tranh chính là nhân tố quan trọng nhất của một quốc gia. Do vậy, các quốc gia phải tìm mọi cách huy động hay giải phóng nhân tố này một cách tối đa. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải củng cố địa vị nhân quyền, tôn trọng nhân quyền, xây dựng không gian pháp luật và chính trị để bảo vệ các quyền con người. Không có các quyền cá nhân làm tiền đề thì con người không thể có cuộc sống dân sự lành mạnh được. Con người hành động, sáng tạo theo lẽ phải của tâm hồn. Khi con người luôn luôn có những yếu tố nhắc nhở rằng họ là công dân thì con người không còn cuộc sống dân sự nữa. Vì thế, một hệ thống chính trị hợp lý là con người tự giác nghĩ đến công dân, đến quyền, đến trách nhiệm công dân của mình chừng nào cuộc sống đòi hỏi. Do đó, xã hội phải tồn tại xã hội dân sự với tất cả tính chất tự quản của nó để hạn chế đến mức tối đa sự cần thiết phải huy động sự can thiệp của nhà nước vào các vấn đề của đời sống của người dân. Cần nhận thức rằng, tỷ lệ lệ thuộc hành vi hàng ngày của xã hội vào nhà nước càng ít bao nhiêu thì xã hội càng lành mạnh bấy nhiêu vì xã hội bao gồm những con người biết tự quản, tự lo và biết tự giác. Một xã hội mà con người biết tự quản, tự lo và tự giác là một xã hội đòi hỏi chi phí ít tốn kém nhất cho các quản lý hành chính. Hơn nữa, khi "tiết kiệm" nhân lực cho việc quản lý hành chính nhà nước là chúng ta làm cho xã hội có thêm lực lượng lao động, xã hội có thêm lực lượng lao động nghĩa là có thêm lực lượng dân sự và làm mạnh hơn khu vực sản xuất, khu vực kinh doanh...

Con người không có không gian tái xác lập trạng thái cân bằng

Người ta thường nói nhiều đến vai trò chính trị của xã hội dân sự như là vai trò tiên quyết nhưng tôi cho rằng, vai trò quan trọng nhất của xã hội dân sự chính là nó tạo ra một không gian sống của con người, nơi con người tái xác lập lại sự cân bằng sau những quá trình tìm kiếm và chinh phục. Bởi dường như vẫn tồn tại một nghịch lý là sự phát triển của con người đồng nghĩa với việc phá vỡ tỷ lệ cân bằng tự nhiên. Làm thế nào để duy trì được tỷ lệ hợp lý mà con người vẫn phát triển là một vấn đề cực kỳ khó bởi theo tôi, con người vẫn phải trả giá. Tuy vậy, con người phải kiên nhẫn tìm kiếm ra tỷ lệ hợp lý. Không có cách nào khác cả, không thể xây dựng lý thuyết để đưa ra một đáp số có tính chất định lượng và chỉ ra sự hợp lý. Con người thận trọng là con người không lao đầu vào sự mất cân bằng, con người xác lập được, tìm thấy được sự cân bằng trong sự bừng tỉnh của mình trong quá trình phát triển. Còn khi con người lấn lướt tự nhiên, con người ào ào chiến thắng, con người đi lên một cách bất kể thì con người không tìm thấy, không nhận ra các giới hạn hợp lý. Nhưng không phải tất cả mọi người đều đi tìm tỷ lệ hợp lý, tỷ lệ hợp lý bao giờ cũng do bộ phận tinh khôn nhất, tinh túy nhất, có tầm nhìn nhất của cộng đồng con người phát hiện. Cần phải có một đội ngũ chuyên nghiệp như vậy và đó chính là đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí thức là đội ngũ sinh ra để xác lập tỷ lệ hợp lý giữa tự nhiên và phát triển. Nếu như chính trị lấn át đời sống trí tuệ, chính trị trở thành yếu tố chỉ huy vô điều kiện đời sống trí tuệ thì thực chất con người đã phá vỡ khả năng kiểm soát tốc độ để tìm kiếm các giới hạn của sự cân bằng. Cho nên, khi con người đi tìm một tỷ lệ hợp lý giữa phát triển và tự nhiên thì đấy chính là đi tìm tỷ trọng của nhà nước chính trị, nhà nước ở quy mô nào thì còn giữ được đời sống dân sự. Đời sống dân sự là cách thể hiện tập trung nhất của cái gọi là thái độ đi tìm sự cân bằng của con người. Xã hội dân sự là công cụ duy nhất, là cấu trúc duy nhất mà con người duy trì trạng thái bình tĩnh, trạng thái cân bằng trong quá trình phát triển. Do vậy, nếu trả lại cho đời sống con người trạng thái phát triển tự nhiên và nó tự cân bằng thì bản thân sự tự cân bằng đó đã là sự phát triển vì nó hạn chế sự sai của quá trình phát triển. Còn ở một quốc gia mà xã hội dân sự không được thừa nhận thì Xã hội = Nhà nước. Khi Xã hội = Nhà nước thì tất cả mọi người đều phụ thuộc vào nhà nước, đều trông chờ vào nhà nước và khi chính phủ có vấn đề thì xã hội không hoạt động được nữa, thậm chí rối loạn và dẫn đến tan rã.

Con người không có nơi trở về sau một chu trình chính trị

Con người, dù là người lao động bình thường hay một nhà lãnh đạo cấp cao thậm chí cả tầng lớp hoạt động chính trị chuyên nghiệp, sau công việc, bao giờ cũng là sự trở về với cuộc sống dân sự bình thường của mình. Đời sống dân sự là nơi năng lực và phẩm hạnh của con người được tái tạo lại hàng ngày sau một chu trình làm việc, tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều ấy, và chính vì gán vào cho nhà nước quá nhiều công việc nên con người đã vô tình co xã hội dân sự của mình. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến một đối tượng "nhạy cảm" là nhà chính trị và những nhà quản lý hoạt động nhà nước. Bởi nhà nước cũng bao gồm những con người, cũng có những lúc họ rời khỏi địa vị của người cầm quyền. Cùng với lý thuyết về nhiệm kỳ thì mọi người đều trở thành dân, cho nên, phải có một xã hội dân sự để nhà chính trị quay trở về làm người bình thường. Nếu không có một xã hội dân sự đủ hợp pháp, không có một cơ sở tạo ra nguồn sống hợp pháp cho họ thì họ quay về đâu? Trong tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình", tôi nhớ đoạn người ta tả về công tước Nikolai Bolkonski, bố của Andrei Bolkonski, khi về ông ta có một trang trại, ông ta có một xưởng cơ khí, ông ta làm thợ tiện, ông ta dạy con gái làm toán giải tích.... Hiện nay, ở rất nhiều quốc gia chưa đạt đến trạng thái ấy. Có rất nhiều nhà lãnh đạo không hiểu, thậm chí không ủng hộ khái niệm xã hội dân sự, cho nên con người không có chỗ hạ cánh, không có chỗ quay về khi rời khỏi nhà nước.

Cùng với xã hội dân sự, phẩm hạnh và năng lực của con người được tái tạo lại hàng ngày đồng nghĩa với việc con người có thể trở thành nguyên liệu tốt của các chu trình chính trị khác. Nói cách khác, khi phẩm hạnh và năng lực của con người được tái tạo lại hàng ngày, con người có thể trở thành đầu vào cho một chu trình làm việc, chu trình chính trị khác. Nhưng quan trọng hơn cả, chỉ với xã hội dân sự, sau mọi chu trình chính trị, con người vẫn còn là chính nó.

Không có nguồn các giải pháp cho tương lai

Tại sao ở rất nhiều quốc gia lạc hậu, các chính sách chính phủ đưa ra thường không đạt hiệu quả như mong muốn thậm chí còn mang tính rủi ro cao? Đó là vì chúng thường được hoạch định một cách chủ quan bởi bộ máy cầm quyền chứ không phải bằng sự thảo luận giữa nhà nước và nhân dân, tức là nhân dân không có cơ hội thể hiện sự phản biện nhằm làm hợp lý hóa các chính sách. Và sự không có cơ hội để thực hiện phản biện xã hội lại bắt nguồn từ việc xã hội dân sự không được thừa nhận.

Một trong những vai trò chính trị quan trọng nhất của xã hội dân sự là nó là đối tác bình đẳng của nhà nước, là không gian mà ở đấy mỗi người dân được thực sự tham gia vào việc hoạch định, thực hiện và quan trọng hơn là phản biện lại các chương trình hành động của Nhà nước. Càng ngày người ta càng thấy rõ hơn những ý nghĩa tích cực của phản biện xã hội bởi nó tạo ra sự tương tác, sự hợp tác của các lực lượng xã hội và từ đó, nảy sinh ra các nguồn của các giải pháp, nguồn của các ý kiến, nguồn của các sáng kiến để tăng cường chất lượng của sự sáng suốt của những người lãnh đạo đất nước. Phản biện xã hội còn là sự tự cân bằng về các ý kiến giữa các lực lượng xã hội khác nhau và làm cho các hành vi của các lực lượng xã hội trở nên cân bằng hơn, hợp lý hơn. Do vậy, nếu không có xã hội dân sự hay ở những quốc gia chậm phát triển, xã hội dân sự chưa được thừa nhận thì xã hội đã thiếu đi một nguồn, một kênh các giải pháp để có thể điều chỉnh hoặc làm hợp lý các chương trình hành động xã hội.

Sự bế tắc của các chính sách phát triển có thể dẫn đến sự sụp đổ của một số nhà nước nhưng không phải lúc nào sự bế tắc của nhà nước đồng nghĩa với sự bế tắc của xã hội bởi xã hội luôn tiềm ẩn những nhân tố mới, những giải pháp bất ngờ và vô cùng duyên dáng. Và chính xã hội dân sự là vườn ươm những yếu tố mới để phục vụ cho sự phát triển trong tương lai. Nguồn của việc phát triển các lực lượng phục vụ nhà nước là từ xã hội dân sự, nếu không lấy được từ xã hội dân sự những nguồn để thay thế các lực lượng phục vụ nhà nước thì nhà nước sẽ thoái hoá. Đầu tiên là thoái hóa về chính trị, sau đó là thoái hóa về trí tuệ và cuối cùng là thoái hóa về đạo đức.


Bàn về xã hội dân sự
3. Thừa nhận xã hội dân sự như là điều kiện cơ bản của quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ

Một số người cho rằng chúng ta cần phải xây dựng một xã hội dân sự nhưng tôi cho rằng nhà nước không thể xây dựng được xã hội dân sự, bởi xã hội dân sự tự nó hình thành, còn nếu chúng ta xây dựng hay phổ biến nó thì đó lại là sản phẩm của sự áp đặt. Trên thực tế, cho dù không được thừa nhận thì xã hội dân sự vẫn và đang tồn tại, nó tồn tại vì nhu cầu của con người. Bên cạnh đó, xã hội dân sự là đặc trưng của quá trình dân chủ bởi chỉ có quá trình dân chủ mới tạo ra được xã hội dân sự và chỉ có xã hội dân sự mới tạo ra được sự yên tĩnh tự nhiên của con người với đầy đủ các quyền của mình. Vì thế, hợp pháp hoá hay thừa nhận xã hội dân sự trở thành một đòi hỏi và trở thành điều kiện quan trọng của việc tổ chức và rèn luyện nền dân chủ ở các quốc gia đang phát triển trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Thừa nhận quyền sở hữu là tạo nền tảng vật chất cho xã hội dân sự

Có thể nói, quyền sở hữu là một trong những điều kiện cơ bản và cần thiết nhất của một xã hội dân sự. Ở đây, tôi muốn nói đến trạng thái thấp nhất của sở hữu, là sở hữu cái anh dùng chứ tôi không nói đến sở hữu tư liệu sản xuất. Tôi không muốn cường điệu vai trò của tư liệu sản xuất. Nếu như 100 năm trước đây sở hữu tư liệu sản xuất cực kỳ quan trọng thì bây giờ trong thời đại của chúng ta sở hữu tư liệu sản xuất không còn quan trọng như thế nữa. Lý do là người ta bán rao sở hữu tư liệu sản xuất thông qua thị trường chứng khoán, thông qua các công ty cổ phần… Do sự cường điệu vai trò của sở hữu tư liệu sản xuất, người ta cho rằng chế độ sở hữu quyết định toàn bộ, tức là thể chế kinh tế quyết định đời sống chính trị, nên người ta xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân và tư liệu sản xuất mà không biết rằng quyền sở hữu là một phát minh vĩ đại xác lập xã hội con người. Có sở hữu thì con người mới có nhu cầu lập ra các khế ước xã hội, nhà nước và pháp luật nhằm bảo vệ sở hữu của mình. Sở hữu chính là một vùng tinh thần mà con người có quyền làm mọi thứ trên đấy. Nếu không công nhận quyền sở hữu của con người đối với những đối tượng cụ thể thì chúng ta đã tước bỏ một phần quan trọng để con người có thể có kinh nghiệm ban đầu về các quyền của mình đồng thời người ta đã tiêu diệt ý thức về đời sống xã hội dân sự.

Theo tôi, không bao giờ được xem quyền sở hữu như một khái niệm kinh tế mà phải xem đó là một khái niệm đạo đức, một khái niệm văn hoá, một khái niệm tinh thần. Toàn bộ nhân cách của con người hình thành xung quanh sở hữu. Không có sở hữu thì con người không biết đi đâu, về đâu, không biết chăm sóc cái gì, không có chỗ để hình thành nhân cách. Có sở hữu thì con người sẽ có ý thức về quyền sở hữu của mình, con người bắt đầu thức tỉnh về các giá trị của xã hội dân sự và người ta sẽ đòi hỏi phải có luật pháp, phải có một nhà nước văn minh để bảo vệ sở hữu của mình. Để bắt đầu có sở hữu, con người phải được quyền tự do kinh tế. Tự do kinh tế tạo tiền đề cho sở hữu, tạo ra một số đông những người có sở hữu và vì có sở hữu nên họ biết đòi hỏi quyền tự do chính trị, đòi hỏi nền dân chủ để đảm bảo cho các quyền sở hữu của mình. Do vậy, sự tự do về kinh tế là động lực đầu tiên và quan trọng nhất để xúc tiến sự tự do về chính trị vì xã hội dần dần nhận thức được rằng nếu không có tự do về chính trị thì tất cả sự cố gắng lao động, sự tích luỹ của họ không được đảm bảo và không tạo ra được giá trị gia tăng. Chính sự không tự do về chính trị đã xâm phạm vào các quyền lợi lâu dài của họ vì thế họ bắt đầu đòi quyền tự do chính trị để đảm bảo cho quyền lợi của chính họ và cũng là quyền lợi của xã hội.

Thừa nhận quyền tự do văn hoá là tạo nền tảng tinh thần cho xã hội dân sự

Như phần trên đã phân tích, văn hoá là đối tượng điều chỉnh, hạn chế sự cực đoan hay các hành vi không phù hợp với lợi ích công cộng trong xã hội dân sự, do vậy, để có một xã hội dân sự lành mạnh thì các giá trị văn hoá phải được hình thành một cách tự nhiên. Văn hoá là kết quả của hình ảnh tự nhiên, kinh nghiệm hoặc thói quen của đời sống con người trong sự tương tác của cộng đồng nó với chính nó, và sự tương tác của cộng đồng nó với các cộng đồng khác, thậm chí còn là sự tương tác của các cộng đồng con người với thời gian. Nếu áp đặt, tác động lên đời sống tinh thần của con người thì sẽ hình thành một nền văn hoá phản tự nhiên.

Đại bộ phận các nhà cầm quyền ở các quốc gia lạc hậu có xu hướng tác động vào văn hóa và biến văn hóa trở thành công cụ hỗ trợ việc cầm quyền mà không biết rằng khi biến văn hoá trở thành công cụ chính trị, là người ta đã nhổ rễ cả một dân tộc, làm cho dân tộc ấy trở thành kẻ vất vưởng về mặt tinh thần. Nhưng nếu con người nhận thức được rằng tương lai của một nền văn hoá là nghĩa vụ của nó trong đời sống phát triển thì ở các quốc gia này, trước khi nói đến việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, cần phải khôi phục lại trạng thái tự do và phi chủ quan của việc áp đặt các giá trị văn hóa. Nói cách khác phải trả lại quyền tự do cho con người trong việc nhận thức các giá trị văn hóa hay làm cho tự do trở thành công nghệ chủ yếu để hình thành các giá trị văn hoá tiên tiến. Có như thế, văn hóa mới trở thành công cụ điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội dân sự, đảm bảo tính chất tự quản của xã hội dân sự.

Thừa nhận sự đa dạng của đời sống tinh thần của mỗi con người là đảm bảo cho một xã hội dân sự phát triển lành mạnh

Để có một xã hội lành mạnh, chúng ta cần tôn trọng sự đa dạng của đời sống tinh thần của mỗi con người. Một trong những yếu tố cạnh tranh của một cộng đồng xã hội là tính đa dạng của sự sáng tạo mà tính đa dạng của sự sáng tạo là hệ quả tất yếu của sự đa dạng của những năng lực cá nhân. Sự đa dạng của năng lực cá nhân là kết quả trực tiếp của sự tôn trọng các giá trị cá nhân. Như vậy, có thể nói, xã hội dân sự bắt nguồn từ sự phát triển của con người. Sự phát triển của xã hội dân sự gắn liền với sự phát triển ngày càng phong phú với các quyền cá nhân, tức là nhân quyền. Sự phát triển của các quyền cá nhân, đến lượt nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự.

Tôn trọng và đảm bảo sự đa dạng tinh thần của con người chính là coi con người là một đối tượng khách quan và là một đối tượng phát triển tự nhiên. Nếu chúng ta bảo tồn hay giữ gìn sự đa dạng của quá trình tự nhiên, tức là sự đa dạng sinh học của thế giới thì chúng ta phải xem nhận thức cũng là một quá trình sinh học thuộc về con người. Do đó, việc nhận thức cái đúng sai phải là từ chính mỗi con người. Nếu chúng ta cưỡng bức con người phải nhận thức cho được, phải theo bằng được cái mà một ai đó muốn hoặc cái mà một ai đó cho rằng có lý thì vô tình chúng ta đã tiêu diệt sự đa dạng trong nhận thức của con người và do đó, tiêu diệt năng lực thích nghi của nhân loại trước những rủi ro có thực mà nhân loại luôn gặp phải trong quá trình phát triển.

Kết luận

Xã hội dân sự là mục tiêu của tất cả các quốc gia, các cộng đồng trong quá trình phát triển bởi chỉ với xã hội dân sự, con người mới tìm thấy không gian yên tĩnh tự nhiên để sáng tạo và phát triển. Bản chất của sự phát triển hay sự thịnh vượng ở mọi quốc gia là sự phát triển, sự thịnh vượng của xã hội dân sự. Xã hội dân sự chỉ có thể được hình thành và phát triển trên cơ sở một nền dân chủ về mặt chính trị, tức là con người tự do trong việc lựa chọn các khuynh hướng chính trị, quan điểm chính trị, còn không, các xã hội cho dù có ngụy trang cho mình bằng những cái tên núp bóng dưới những khái niệm thiêng liêng của nhân loại thì đó cũng chỉ là vỏ hình thức mà thôi.

Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult - Chungta

Những tiền đề và điều kiện hình thành phát triển xã hội dân sự hiện nay ở Việt Nam
Đã có những bài viết về quá trình nhận thức xã hội dân sự về mặt lý luận. Bài này chủ yếu nghiên cứu sự hình thành xã hội dân sự trong thực tiễn về mặt những điều kiện, tiền đề khách quan và chủ quan. Lĩnh vực này ở còn rất ít bài nghiên cứu, khảo sát (dù đã có một dự án nghiên cứu điều tra thực trạng về các tổ chức xã hội dân sự ở VN do phối hợp với tổ chức nghiên cứu nước ngoài mấy năm trước đây).

Bài viết này tập trung làm rõ các khíạ canh ở góc nhìn triết học, như: 1-Bộ ba trong xã hội hiện đại; 2- Cần hiểu rõ thực chất xã hội dân sự ở VN hiện nay, có số lượng hoành tráng thiếu thực chất. Vấn đề “tổ chức phi chính quyền do chính quyền tổ chức”?; 3-Sự hình thành, phát triển; 4-Những tiền đề, điều kiện cần tạo ra có nhiều nhưng chung quy lại là gì: 5-Đâu là lực cản của các giai đoạn của quá trình hình thành? Rõ ràng có tiền đề từ xã hội truyền thống và văn hóa truyền thống.

1-Bộ ba trong xã hội hiện đại

Hiện nay khi nói về xã hội dân sợ vẫn có người sợ. Theo Nguyễn Ngọc Giao hơn mười năm đã trôi qua, xã hội công dân, rồi xã hội dân sự xuất hiện trên báo chí, có bài còn nói lên tại sao có người sợ nó… Trên các cuốn sách, bìa 1 vẫn mang tên Nhà xuất bản, còn tên của “Công ti X” hay “Trung tâm Y” mà ai cũng biết mới thực là người xuất bản, mới chỉ ở bìa 4 – đôi lần nó leo lên bìa 1 nhưng đã bị huýt còi ngay (Nguyễn Ngọc Giao, Xã hội dân sự, Trung Quốc và Việt Nam, Tạp chí Thời đại, Chungta.com). Còn Nguyễn Qaung A thì nhận xét: Hơn hai chục năm trở về trước ít người dám nói đến cơ chế thị trường, đến khu vực kinh tế tư nhân: những điều cấm kỵ và đáng sợ. Số ít người dám nói và dám (liều) làm, thì bị loại bỏ, bị sa cơ lỡ vận. Rồi người ta hiểu dần, chấp nhận và ngày nay chúng không những không đáng sợ mà còn được coi trọng (Xã hội dân sự đâu có đáng sợ, Lao Động Cuối tuần).

Xã hội dân sự là một bộ phận cơ bản của đời sống xã hội. Nó cùng với kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền tạo nên tam giác, bộ ba trong thiết chế cơ bản của xã hội hiện đại.. Do vậy, xã hội dân sự hình thành cùng với các bộ phận tương quan cơ bản ấy.

Xã hội dân sự là loại hình xã hội dân chủ, nhung là dân chủ pháp quyền. Trong nghi quyết đại hội X của Đảng ta có nêu mục tiêu va nhiệm bị xây dựng “xã hội dân chủ”. Nhưng xã hội dân chủ nay tất nhiên là hướng đến dân chủ xã hội chủ nghĩa, hay mục tiêu là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhưng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo nghĩa xã hôi dân chủ, nghĩa rộng là gồm nền chính trị dân chủ, mà hạt nhân là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nên kinh tế dân chủ, tức kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.và xã hội dân sự (lĩnh vực xã hội- văn hóa), cà xã hội dân sự là xã hội dân chủ hiện đại và cũng là lĩnh vực xã hội (xã hội theo nghĩa hẹp).

Theo GSTS. Trần Ngọc Hiên, “trên thực tế, hiện nay đã hình thành rất nhiều các tổ chức xã hội dân sự như các hội, các ngành kinh tế, các lĩnh vực khoa học và công nghệ, các lĩnh vực dịch vụ. Sự thực, một khuôn mặt xã hội dân sự kiểu mới ở nước ta đang hình thành, có thể coi đó là bước tiến của nền dân chủ, khác về bản chất với xã hội trước đổi mới. Tuy vậy, về mặt thể chế, phạm trù xã hội dân sự chưa được xác định trong văn bản, tức là chưa dám đặt viên gạch thứ ba (là xã hội dân sự) tạo cơ sở đầy đủ cho mối quan hệ thể chế kinh tế chính trị nước ta.” (viên gạch thứ ba: hai viên gạch đầu là kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền).

Xã hội dân sự là một xã hội chứa đựng mâu thuẫn, nhưng trong xã hội chủ nghĩa, về bản chất sẽ là một xã hội hài hòa của những chủ nhân tự do liên hiệp lại (mâu thuẫn hài hòa) trong bản thân nó và với cái khác của nó.

Không chỉ nhà nước mới có quyền mà xã hội dân sự cũng có quyền. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật và được thể chế hóa bằng pháp luật. Không chỉ công dân có nghĩa vụ thực thi pháp luật mà trong nhà nước pháp quyền thì trước hết nhà nước phải tôn trọng và thực thi pháp luật nghiêm minh, không có ngoại lệ.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Phương, (Cộng hoà Liên bang Đức) trong bài viết “Nhà nước pháp trị trong đời sống thường nhật”, thì tinh thần đó thể hiện trong dẫn chứng sau đây: Gần 8 triệu ngoại kiều trên tổng số hơn 80 triệu dân Đức muốn nhập quốc tịch phải vượt qua kỳ thi trắc nghiệm kiến thức xã hội nước Đức, trong đó có một câu hỏi, nhà nước pháp trị là gì, với 4 câu trả lời sẵn sơ đẳng: 1- Nhà nước có quyền, 2- Đảng có quyền, 3- Công dân quyết định luật pháp và 4- Nhà nước phải tuân thủ pháp luật. Những ngoại kiều nhìn Nhà nước bằng con mắt của kẻ nô lệ bao giờ cũng trả lời sai, đánh vào câu số 1, trong khi chỉ mỗi câu số 4 đúng - chính là dấu hiệu đặc trưng của một nhà nước pháp trị, đòi bất cứ hoạt động nào của bất kỳ cơ quan nhà Nước nào đều phải viện dẫn chuẩn mực pháp lý của những điều khoản luật pháp điều chỉnh nó; cũng xuất phát từ đó, mọi vấn đề xã hội nảy sinh, họ không thể không mổ xẻ văn bản luật liên quan, để cải cách nó. Xã hội họ phát triển, hoàn thiện liên tục chính là kết quả tổng hợp từ những cải cách luật thường nhật như vậy; thiếu nó, mọi chủ trương, chính sách dù thần kỳ mấy cũng không thể trở thành hiện thực.…(Xã hội dân sự đâu có đáng sợ, Lao Động Cuối tuần số 15 Ngày 12/04/2009).

Hiện thế giới hiện đại không còn ai bàn cãi về Nhà nước pháp trị, nhưng hệ dẫn của nó, Nhà nước phải tuân thủ pháp luật, kể cả Thượng viện, một cơ quan lập pháp tối cao trong thể chế lưỡng viện, cũng phải chịu phán quyết của toà, thì không phải ai cũng hiểu, chừng nào họ vẫn chưa thay đổi được quan niệm coi Nhà nước mới có quyền, kể cả ngoại kiều sống trong xã hội đó nếu không hoà nhập đủ. (Tuần Việt Nam).

Đã có lần chúng tôi nói về quyền lực xã hội dân sự nhưng có người không tán thành và có vẻ ngạc nhiên. Đó là một nhận thức không đúng. Quyền lực là quyền lực của dân, tất cả quyền lực là của nhân dân. Một phần lớn quyền lực ấy trở thành quyền lực nhà nước, nhưng phẩn khác trở thành quyền lực xã hội dân sự thông qua các tổ chức của nó. Không có quyền đó thì làm sao họ có quyền giám sát xã hội, phản biện xã hội và ngay nhà nươc có việc cũng phải trưng cầu ý dân. Trưng cầu dân ý không phải tranh thủ sự đồng tính của dân mà là họ có quyền quyết định.

Cần thấy sự khác nhau về đặc trưng của ba loại hình tổ chức kinh tế, nhà nước và xã hội dân sự.

Theo Nguyễn Quang A, Trong nhiều đặc trưng của các tổ chức nhà nước, thì đặc trưng quan trọng mang tính khu biệt là chúng được tổ chức theo kiểu dọc, từ trên xuống; chúng đòi hỏi sự tuân thủ; chúng có quyền lực ép buộc đối với mọi người và mọi tổ chức trong các vùng lãnh thổ mà nhà nước đó cai trị. Đặc trưng quan trọng của các tổ chức kinh tế (kể cả hộ gia đình) là chúng tạo ra sự giàu có về vật chất; chúng đòi hỏi sự có đi có lại (trao đổi, chi trả); chúng hoạt động vì lợi nhuận. Còn các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trên cơ sở những mối quan tâm chung; thường theo cách tự nguyện; thường không vì lợi nhuận; chúng tạo ra sự giàu có về tinh thần. Đấy là nhưng nét đặc trưng chính có thể dùng để phân biệt các loại tổ chức với nhau. Lưu ý rằng tổ chức ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, chúng có thể có tư cách pháp nhân, nhưng cũng có thể không có. Thí dụ về một số tổ chức hay hoạt động tạo thành xã hội dân sự là: các nhóm công dân hoạt động theo những mối quan tâm chung (từ các nhóm tập luyện thể dục, các nhóm tình nguyện giúp đỡ nhau của người có HIV, các hội đồng hương, các tổ chức cộng đồng khác); các hội nghề nghiệp như các hội tin học, hội kiến trúc, hội nuôi ong, v.v...; các tổ chức phi chính phủ; các tổ chức tôn giáo; các tổ chức nghiên cứu; các tổ chức giáo dục và đào tạo; báo giới; v.v..

2- Cần hiểu rõ thực chất xã hội dân sự ở VN hiện nay, có số lượng hoành tráng thiếu thực chất. Vấn đề “tổ chức phi chính quyền do chính quyền tổ chức”?

Về số lượng. Theo Nguyễn Ngọc Giao tại Trung Quốc, theo ước tính chính thức thì năm 2005, có khoảng 300 000 tổ chức phi chính quyền (NGO), thêm vào đó là 120 000 tổ chức mà Hán ngữ gọi là “dân biện phi xí nghiệp đơn vị” (民办非企业), tức là những tổ chức không có quy chế hội đoàn đăng kí ở Bộ nội vụ mà là “đơn vị” đăng kí ở Bộ Công thương, hoạt động vô vị lợi… Bên cạnh số đó, có vô số hội đoàn “tự phát”, không có tư cách pháp nhân, không được thừa nhận. Theo một ước tính của các NGO, tổng số những hội đoàn đủ loại này có thể lên tới 3 triệu. Tại Việt Nam “đến nay, có 320 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc và hơn 2.150 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng hàng nghìn hội ở các cơ sở. Các hội cũng rất đa dạng: có hội do tổ chức thành lập, có hội do cá nhân, doanh nghiệp, có hội có cơ cấu tổ chức chặt chẽ nhưng có hội lại lỏng lẻo… Với sự đa dạng như thế, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Nguyễn Xuân Hướng (đại biểu Hà Tĩnh) đã dí dỏm ví, dân gian có câu ‘đông như hội’”. Ấn tượng hơn nữa là những chỉ số về sự tham gia: “Ở Việt Nam, trung bình mỗi người là thành viên của 2,33 tổ chức, cao hơn nhiều nếu so với những nước trong khu vực châu Á, như Trung Quốc (0,39) và Singapore (0,86). Theo khảo sát này, tỷ lệ những người thuộc ít nhất một tổ chức là 73,5%, một tỉ lệ tương đối cao”.. Nhưng chất lượng thế nào?

Tất nhiên, các con số không nói lên thực chất vấn đề. Nếu trong thập niên 1980, sau cuộc đại cải cách 1979 của ông Đặng Tiểu Bình, ở Trung Quốc đã nở rộ những tổ chức NGO, về kinh tế, xã hội, kể cả những viện nghiên cứu độc lập (dân biện nghiên cứu sở) – nổi tiếng nhất là trung tâm của Trần Tự Minh (Chen Zimin, nhà nghiên cứu triết học) – thì sau sự kiện Thiên An Môn (1989), chính quyền ban hành Quy chế đăng kí và quản lí các đoàn thể xã hội (tháng 10.1989), rồi 10 năm sau: Quy chế tạm thời về đăng kí và quản lí các đơn vị nhân dân phi thương mại, theo đó các NGO phải đăng kí tại Bộ dân sự vụ và đặt dưới sự chủ quản của một cơ quan chính quyền hay tương đương. Cơ quan chủ quản này thường được gọi là “mẹ chồng”, “mẹ chồng” có quyền và nhiệm vụ coi chừng “con dâu”. Thực chất mà nói, đó không phải là những NGO mà là GONGO (Government Organized Non Governmental Organisations): những “tổ chức phi chính quyền do chính quyền tổ chức”. Theo quy định, mỗi NGO được phép hoạt động trong một lãnh vực nhất định và trong phạm vi một đơn vị hành chính nhất định, nó không được phép hoạt động ra khỏi khu vực địa lí đó, và trong phạm vị một đơn vị hành chính đó, không thể có hai NGO được phép hoạt động trong cùng một lãnh vực. Phí đăng kí cũng rất “lụa”: 30 000 nhân dân tệ. Nói như nhiều tác giả, “xã hội dân sự” ở Trung Quốc thực chất vẫn là “xã hội dân sự do Nhà nước lãnh đạo”.

Nguyễn Ngọc Giao, còn cho rằng, có lẽ về cơ bản, giữa hai “xã hội dân sự” Trung Quốc và Việt Nam, cũng mặc nhiên có một mối quan hệ “16 chữ vàng”. Ở Việt Nam, bộ luật về hội đoàn vẫn chưa được thông qua. Dự án vẫn duy trì chế độ “mẹ chồng con dâu” mà ta gọi là “cơ quan chủ quản”. Đây là vấn đề cốt lõi, vì nó liên quan tới thực chất quan niệm về tổ chức xã hội dân sự: đó là những tổ chức tự lập của xã hội dân sự, của công dân, hay chỉ là tổ chức để chính quyền “nắm” từng bộ phận nhân dân, và nếu vậy, ở thời đại hiện nay, nó chỉ có thể là môt tổ chức có trên giấy tờ. Chỉ cần nêu ra hai thí dụ: những cuộc gặp gỡ xuân thu nhị kì giữa đại biểu Quốc hội với “đại diện” cử tri (ít nhất các đại biểu quốc hội cũng đã được bầu ra, còn các “đại diện” cử tri thì chỉ được ai đó chỉ định), và việc từ nhiều năm nay, chưa hề có một cuộc đình công nào do công đoàn khởi xướng hay chủ trương.(Nguyễn Ngọc Giao, Xã hội dân sự, Trung Quốc và Việt Nam, Tạp chí Thời đại)

Như vậy, thì để có xã hội dân sự thật sự, dân chủ, văn minh thì phải được xây dựng lại, làm cho nó hình thành và phát triển hợp quy luật.

3- Sự hình thành, phát triển.

Sự hình thành xã hội dân sự nó phụ thuộc vào nhiều tiền đề và điều kiện khách quan và chủ quan, tiền đề kinh tế xã hội, chính trị và pháp lý nhất định. Nó có phần ấtt yêu, tự phát, tự nhiên của nó, tức là một sự hình thành mà không thể cưỡng lại được. Nhưng nếu tự phát thì nó hình thành, phát triển chậm chạp và có khi bị méo mó. Nhưng nếu chủ thể lãnh đạo, quản lý hay quản trị xã hội chủ động tạo tiền đề và điều kiện cho nó, nhất là về mặt môi trường pháp lý, phù hợp, đúng đắn thì nó hình thành nhanh hơn, có mục đích rõ ràng hơn. Tuy nhiên, tác động chủ quan ấy không phải khi nào cũng đúng.

Có quan niệm cho rằng cứ để xã hội tự hình thành lấy xã hội dân sự, không cân thiết đảng và nhà nước tác động định hướng, vì nếu thế thì mất tính chất tự quản. Nó nói đúng một phần nhưng chứng tỏ rằng quan niệm ấy không thấy tính ràng buộc các hiện tượng xã hội, những tác động từ nhà nước pháp quyền. Không đựợc áp đặt nhưng phải tạo môi trường pháp lý cho nó, nói rộng ra là phải tạo mọi tiền dề và điều kiện thuận lợi cho sự hình thành, phát huy, phát triển xã hội dân sự trong tương tác bộ ba- xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền và thị trường (xem thêm Hồ Bá Thâm, Xã hội dân sự, vấn đề và tính đặc thù, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 1(92) 2009 và trên chungta.com.).

Do vậy, điều quan trọng là làm rõ những tiền đề nào, điều kiện nào tạo nên và thúc đẩy sự hình thành xã hội dân sự ở nước ta hiện nay.

Tiền đề và điều kiện ở đây là cơ sở vật chất- tinh thần xã hội và cơ sở pháp lý như những nhân tố, môi trường tác động đến sự hình thành, phát triển của xã hộ dân sự và trên ý nghĩa nhất định nó cũng tham gia vào bản thân xã hội dân sự với các mức độ khác nhau theo quy luật nhân- quả.

Trước hết cần thấy rằng xã hội dân sự với hệ thống các tổ chức xã hội của nhân dân ở nước ta đã hình thành và phát huy nhất định vai trò của nó, nhưng, cũng phải thừa nhận rằng, nó chưa có đầy đủ tính chất, vai trò, chức năng thật sự của xã hội dân sự đúng nghĩa. Không ít mặt, vai trò của nó còn bị hành chính hóa, nhà nước hóa, thụ động, chưa thể hiện được đúng thực chất xã hội dân sự. Có thể nói nó còn sơ khai, méo mó và nhiều mặt cần cải tạo lại, cấu trúc lại, xây dựng lại.

Chúng tôi đã có một số bài viết cùng với nhiều nhà nghiên cứu khác nói về đặc trưng chung của xã hội dân sự và đặc đển hệ thống “xã hội dân sự”ở VN hiện nay. Tất nhiên, nhận thức cho rõ đặc điểm ưu khuyết của xã hội dân sự ở VN và các yêu cầu khách quan của xã hội dân sự hiện đại, từ đó căn cứ vào thực tế nước ta để tạo tiền đề, điều kiện thích hợp, thúc đẩy sự hình thành tiếp tục và phát huy, phát triển xã hội dân sự ở VN là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

Tiền đề và điều kiện vừa giống nhau vừa khác nhau. Trong trình bày của chúng tôi xin sử dụng chung. Chỉ khi thật cần thiết, chúng tôi mới phân biệt.

4-Những tiền đề, điều kiện cần tạo ra có nhiều nhưng chung quy lại như sau:

1)-Kinh tế thị trường cần có xã hội dân sự để khống chế thế lực thị trường và cũng cần thiết để hộ trợ cho thị trường. Nhưng chính kinh tế thị trường đã chủ thể hình thành là tiền đề kinh tế của xã hội dân sự. Các quyền và nhu cầu- lợi ích kinh tế xã hội đa dạng của nhiều chủ thể từ đó hình thành. Nhưng thị trường không thể bao quát và tay thế đời sống xã hội rộng lới đa dạng nhiều sắc màu của xã hội dân sự. Lĩnh vực xã hội và lĩnh vực kinh tế dù có đan xen nhau nhưng không phải là một, chúng là tiền dề cho nhau cùng phát triển trong một mâu thuẫn biện chứng kinh tế -xã hội.. Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế dân chủ, tạo nên thể chế kinh tế tư do kinh doanh và tự chủ tự chịu trách nhiệm theo pháp luật. Nhưng nền kinh tế này cũng đặt ra nhiều vấn đề xã hội mà bản thân nó không thể tự giải quyết hết được, phải nhờ dến xã hội dân sự và nhà nước. Và nhờ nhà nước và xã hội dân sự mới khắc phục được sự lạm quyền của quyền lực thị trường. Không có nền kinh té thị trường không thể có xã hội dân sự hiện đại và năng động.

2)- Nhà nước pháp quyền là lĩnh vực chính trị- pháp lý. Không c1o tác động, định hướng của nhà nước pháp quyền và tạo môi trường pháp lý thích hợp thì xã hội dân sự cũng không thể hình thành và phát huy tác dụng của nó. Xã hội dân sự cần có mặt thống nhất- mâu thuẫn của nó là nhà nước pháp quyền và ngược lại. Hai mặt này cũng không thể thay thế lẫn nhau mà là bổ sung cho nhau, hợp tác với nhau và cả “đối trọng nhau” thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội và hệ thống luật pháp, thông qua hệ thống pháp luật ấy. Xã hội dân sự là cơ sở xã hội của nhà nước pháp quyền. Không có xã hội dân sự thì không có nhà nước pháp quyền vững chắc. Ngược lại, không có thể chế nhà nước pháp quyền thì cũng không thể hình thành xã hội dân sự, tức thể chế xã hội dân chủ pháp quyền đúng nghĩa và hiện đại. Mỗi bên đều có giới hạn của nó. Cái gì xã hội tự giải quyết được thì nhà nước không nên làm. Và cái gì là nhiệm vụ của nhà nước thì xã hội dân sự cũng phải biết giới hạn của mình.

3)- Sự trưởng thành và trình độ phát triển xã hội của các công dân, các tổ chức xã hội về dân trí, về dân chủ, dân quyền và nhân quyền. Nghĩa là nhu cầu xã hội, lợi ích và năng lực thực hiện nó của các tổ chức xã hội đủ sức làm vao trò và chức năng xã hội dân sự, đại diện, thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của công dân, các tổ chức xã hội (xã hội nghề nghiệp xã hội dân cư, xã hội dân tộc, xã hội tôn giáo, xã hội tinh thần, xã hội chính trị, xã hội dân sinh…). Việc thiết lập và tự tổ chức của các tổ chức đa dạng và phong phú theo nhu cầu và lợi ích xã hội là thể hiện sự trưởng thành của xã hội, quyền tự do và dân chủ, trong xã hội và cũng là sự trưởng thành, hiệu quả của nhà nước pháp quyền, một nhà nước thực sự dân chủ và dân chủ gắn với kỷ cương với vai trò tối thượng của Hiến pháp và pháp luật, mà thực chất đó là ý chí của nhân dân đã thành văn thành luật.

4)- Các chủ thể xã hội và môi trường tâm lý xã hội cùng các yếu tố liên quan tới kinh tế chính trị xã hội tạo nên tính pháp lý và văn hóa tổng hợp nhằm khuyến khích và đảm bảo cho xã hội dân sự ra đời, hình thành, đảm bảo sự tồn tại và phát triển cũng như phát huy tác dụng của nó. Đây là nhân tổ chủ động và tổng hợp, liên kết, kết nối và có chiều sâu văn hóa cũng như pháp lý trực tiếp của 3 loại nhân tố, tiền đề và điều kiện nói trên.

Chẳng hạn, ở nông thôn, theo GS.VS.Đào Thế Tuấn, vấn đề quan trọng nhất của phát triển là phải có sự tham gia của cộng đồng, của người dân. Các tổ chức phi chính phủ đến Việt Nam đều nói rằng nông thôn Việt Nam không có cộng đồng. Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Ngày xưa, chúng ta đã có cộng đồng làng xã, thôn xóm đấy thôi, mà đại diện là những lý trưởng, xã trưởng.

Bây giờ thì chỉ còn mấy ông bà cán bộ - ông bí thư, chủ tịch xã, chủ tịch hợp tác xã, bà tổ trưởng phụ nữ… Người dân chẳng được tham gia gì cả. Chúng ta cần phải hướng dẫn, phải tạo cơ chế để giúp nông dân tổ chức lại được với nhau, xây dựng các doanh nghiệp xã hội (social entrepreneur). Nhà nước không thu thuế đối với họ. Dĩ nhiên, họ cũng có một mức lãi nào đó, nhưng về bản chất, họ là một hệ thống các tổ chức chăm lo phát triển xã hội. Hệ thống đó là một phần của xã hội dân sự. Không thể chỉ dựa vào việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động từ thiện, cần có một đường lối xã hội hóa công cuộc cải cách kinh tế xã hội, không lẫn lộn xã hội hóa với thị trường hóa và tư nhân hóa. Xã hội hóa là huy động sự tham gia của xã hội, của quần chúng. Tóm lại, điều quan trọng chúng ta cần làm ở nông thôn bây giờ là xây dựng xã hội dân sự. ( GS. VS. Đào Thế Tuấn “Phải xây dựng xã hội dân sự ở nông thôn”, TuanVietNam).

5)- Vấn đề đặt ra truớc hết ở VN là đảng cầm quyền có thật sự hiểu dúng và chấp nhận xã hội dân sự hay không. Thực tế thấy rằng ý kiến còn khác nhau nhiều người lãnh đạo cìn e ngạu như thờ e ngại kinh tế tư nhân và kinh tế thị trường, mặc dù báo chí, các nhà nghiên cứu đã và đang nghiên cúu và đặt ra. Nếu nghị quyết của Đảng nêu ra và thể chế nhà nước sớm ban hành thì sẽ đẩy nhanh hình thành xã hội dân sự. Nghĩa là không dừng lại thể cế đoàn thể quần chúng và Mặt trận Tổ quốc VN mà phải hình thành theo đúng yêu cầu , vai trò, chức năng, nhiệm vụ của xả hội dân sự.

Khi nói đến lĩnh vực xã hội, chúng ta không chỉ xem xét cơ cấu xã hội- giai cấp- tiầng lớp mà còn xem xét nó dưới hình thức thể chế tự quản và làm chủ của nhân dân ngoài nhà nước, nhưng trong khuôn khổ pháp luật..

Đúng là bên cạnh vai trò của nhà nước, rõ ràng là “cần phải có vai trò bổ sung của xã hội dân sự nhằm phát huy các mặt tích cực của nhà nước, đồng thời bổ sung cho nhà nước, giám sát và hạn chế các hành vi tư lợi, lạm dụng chức quyền của nhà nước…” (Tiến sĩ, Lê Đăng Doanh- Viện Nghiên cứu phát triển., Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội ở doanh nghiệp Việt Nam, Nguồn: Tạp chí Triết học).

6)- Hội nhập quốc tế không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, nhất là xét về mặt thể chế, chẳng hạn thể chế tổ chức phi chính phủ, một bộ phận của xã hội dân sự, hơn nữa xã hội dân sự không chỉ là thể chế quốc gia mà đã thành thể chế toàn cầu, thì mổi nước khi hội nhập dù có độc lập về đường lối thì cũng không thể bỏ quan thể chế xã hội dân sự đươc. Hơn nữa xã hội dân sự là xã hội tự quản hôm nay- một thể chế cấu thành dân chủ xã hội chủ nghĩa và hướng tới xã hội tự quản cao sau này khi là một xã hội chủ nghĩa chín muồi cao, nhà nước tiêu vong, trở thành chủ nghĩa cộng sản.

Như vậy, chủ nghĩa xã hội là chính quyền của nhân dân cộng với kinh tế thị trường và xã hội dân sự, hướng tới một xã hội dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và con người tự do, hạnh phúc.

7)- Luật hóa các tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền của xã hội dân sự, nhât là các cơ chế động lực, cơ chế tạo động lực cho xã hội dân sự hình thành và phát triển, chăng hạn như quyền tự do lập hội, tự do báo chí- quyền lực dư luận xã hội- quyền lực thứ tư- một phần quan trọng của quyền lực xã hội dân sự.

Cơ chề nào để xã hội dân sự phối hợp với nhà nước và cơ ché nào để xã hội dân sự đấu tranh với sự lạm quyền của nhà nước. Và làm sao để xã hội dân sự cũng không thể lạm quyền đúng ra ngoài luật pháp. Hai loại thể chế này không phải là chống đối nhau mà là hợp átc với nhau nhưng là hợp tác có đấu tranh. Hợp tác là chính và đấu tranh để hợp tác, đấu tranh tring hợp tác.

Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất của xã hộu dân sự là giám sát xã hội và phản biện xã hội, Nhưng muốn thực hiện được phải co thể chế và cơ chế đồng thời phải luật hóa ở cấp độ về Luật chứ không dừng lại pháp lệnh hay nghị định.

Từ khi có nghị quyết của Đảng về vấn đề này, đã gần hết nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa ra được thể chế, chưa luật hóa được 2 chức năng- nhiệm vụ cơ bản và mới mẻ, rất có tác dụng này. Bao nhiêu dự thảo, kiến nghị của Mặt trận tổ quốc VN vẫn còn trên giấy, nằm yên trong ngăn kéo. Thế mới biết từ nhận thức, thành cơ chế, luật pháp và đi vào cuộc sống trần ai làm sao.

8) Nhưng quan trọng nhất và trực tiếp là phải sữa đổi Hiến pháp hiện nay theo hướng Hiến pháp văn minh tiến bộ thật sự mang ý nghĩa pháp quyền, đảm bảo cho sự ra đời hợp pháp của xã hội dân sự. “Và cũng chỉ bằng một bản Hiến pháp mà quyền lực Nhà nước bị giới hạn thực sự, thì khi đó một xã hội dân sự hợp pháp, phi chính trị, phi lợi nhuận, mới có cơ sở để hình thành”.

Theo Nguyễn Minh Tuấn, gần đây chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có đặt ra vấn đề sửa đổi Hiến pháp như một nhu cầu cấp bách[1]. Tôi cho rằng, nhu cầu này là có thật, nhưng thay vì sửa đổi nhỏ lẻ, tại sao chúng ta không tính đến một chiến lược lâu dài hơn là hoàn thiện một Hiến pháp tích hợp được cả những điểm tiến bộ của các bản Hiến pháp trước đó của dân tộc, vừa phải tích hợp được những tinh hoa của nền lập hiến các nước trên thế giới. Hiến pháp bao giờ cũng là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở mỗi một quốc gia, khi ra đời về nguyên lý để đảm bảo tính pháp quyền, nó còn được đặt cao hơn cả Nhà nước, để nhằm giới hạn quyền lực của Nhà nước. Tất cả việc tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải được đặt trên cơ sở Hiến pháp. Và cũng chỉ bằng một bản Hiến pháp mà quyền lực Nhà nước bị giới hạn thực sự, thì khi đó một xã hội dân sự hợp pháp, phi chính trị, phi lợi nhuận, mới có cơ sở để hình thành. Chính xã hội dân sự đó mới là động lực phản biện đẩy Nhà nước và xã hội cùng tiến bộ. Hiến pháp bao giờ cũng là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở mỗi một quốc gia, khi ra đời về nguyên lý để đảm bảo tính pháp quyền, nó còn được đặt cao hơn cả Nhà nước, để nhằm giới hạn quyền lực của Nhà nước. Tất cả việc tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải được đặt trên cơ sở Hiến pháp. Và cũng chỉ bằng một bản Hiến pháp mà quyền lực Nhà nước bị giới hạn thực sự, thì khi đó một xã hội dân sự hợp pháp, phi chính trị, phi lợi nhuận, mới có cơ sở để hình thành. Chính xã hội dân sự đó mới là động lực phản biện đẩy Nhà nước và xã hội cùng tiến bộ.(Nguyễn Minh Tuấn, Cộng hòa Liên bang Đức, Lập Hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam,Tạp chí Tia Sáng)

5- Đâu là lực cản của các giai đoạn của quá trình hình thành?

Rõ ràng có tiền đề từ xã hội truyền thống và văn hóa truyền thống.

Xã hội VN trong văn hóa làng xã đã hình tành nên tổ chức xã hội nhất định. Rồi làng nghề xuất hiện. Nên mới có chuyện lệ làng phép nươc. Trong kháng chiến những đã xuất hiện các hội kín. Nhưng ở đây chưa phải là tổ chức xã hội dân sự. Ngay khi Đảng ta ra đời, lập nên các tổ chức xã hội, chính trị của quần chúng trong đấu tranh cách nạng nhưng đó vẫn chưa là tổ chức xã hội dân sự. Chưa có kinh tế thị trường và chưa có nhà nước pháp quyền thì chưa có xã hội dân sự.

Trong lịch sử loài người thì trước xã hội tư bản có hình thái sơ khai xã hội dân sự, nhưng chỉ đến xạ hội tư bản thì dần dần mới có xã hội dân sự. Trong chủ nghĩa xã hội thời chiến không có xã hội dân sự dúng nghĩa mà chủ sang chủ nghĩa xã hội theo mô hình mới gắn liền với kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền mới có xã hội dân sự. Có thể nóí có xã hội dân sự xã hội chủ nghĩa. Đó là một xu hướng có tính quy luật.

Chúng tôi đồng ý với Nguyễn Quang A, rằng, ranh giới giữa các tổ chức (nhà nước, xã hội dân sự, khu vực kinh tế) không hoàn toàn rạch ròi, mà có thể có sự chồng lấn. Trong một xã hội phát triển hài hoà, ba loại tổ chức này hoạt động nhịp nhàng với nhau, có sự tương tác với nhau, có các cơ chế văn minh để giải quyết những xung đột (đôi khi có thể rất gay gắt) giữa chúng (giữa các loại tổ chức khác nhau hay giữa các tổ chức cùng loại). Nếu hiểu như vậy, thì xã hội dân sự luôn tồn tại. Trong thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung người ta không những muốn triệt tiêu thị trường, các tổ chức kinh tế tư nhân mà Nhà nước cũng thử làm thay hay kiểm soát những hoạt động thuộc xã hội dân sự. Xã hội không hài hòa, nhiều căng thẳng. Từ khoảng hai mươi năm lại đây không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự được nới rộng và các tổ chức xã hội dân sự cũng đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển.(Nguyễn Quang A, Xã hội dân sự đâu có đáng sợ, Lao Động Cuối tuần số 15 Ngày 12/04/2009).

Vậy xã hội dân sự ở nước ta xuất hiện như thế nào, có thể có những giai đoạn hình thành nào?

Những giai đoạn hình thành xã hội dân sự ở nước ta như thế nào?

- Giai đoạn chưa có xã hội dân sự trước cách mạng do Đảng ta khởi xướng..

- Giai đoạn hình thành các tổ chức quần chúng do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo và những tổ chức xã hội do nhà nước ta chấp nhận. Giai đọan tiền xã hội dân sự, mầm mông của xã hội dân sự.

- Giai đoạn từ khi đổi mới đến nay.- hình thành các tiền đề xây dựng , phát triển xã hội dân sự.

- Khi có luật về Hội, về xã hội dân sự với nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền định hình.

- Thời kỳ phát triển và củng cố xã hội dân sự.

- Thời kỳ xã hội dân sự phát triển cao, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa khá hoàn chỉnh...

Các tổ chức thuộc xã hội dân sự Việt Nam đã được hình thành và hoạt động, có đóng góp thiết thực, như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội ngành nghề, như Dệt may, Xuất khẩu Thuỷ sản, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, v. v… Nhiều tổ chức đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động thực hiện các tiêu chuẩn và quy định của trách nhiệm xã hội, nhất là đối với người lao động và người tiêu dùng. Song, do thiếu cơ sở pháp lý cần thiết, nên sự đóng góp đó còn hạn chế. Bản thân các hiệp hội đó còn cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả thiết thực đối với hội viên (Tiến sĩ, Lê Đăng Doanh- Viện Nghiên cứu phát triển, Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội ở doanh nghiệp Việt Nam, Nguồn: Tạp chí Triết học).

Nhưng nhìn chung là cò nhiều khó khăn, trở ngại, như do thiếu sự thống nhất về nhận thức và đặc biệt còn thiếu cơ sở pháp lý nên hoạt động của nhà nước và nhất là về xả hội dân sự chưa cao, hạn chế còn nhiều và kém hiệu quả. Lê Đăng Doanh, cho rằng: Về luật pháp chế định các thể chế kinh tế thị trường, Việt Nam đã ban hành luật Cạnh tranh, nhưng chưa có Luật Kiểm soát độc quyền và việc thực hiện Luật Cạnh tranh còn có nhiều hạn chế. Các luật pháp về kế toán, kiểm toán, các chuẩn mực đã được ban hành, nhưng việc thực hiện trong thực tế còn nhiều hạn chế. Việt Nam đang chuẩn bị Luật về Quyền tiếp cận thông tin, song chưa có luật về Hiệp hội và chưa chuẩn bị Luật về Vận động hành lanh. Thông tin kinh tế còn nhiều hạn chế, nhiều số liệu chưa được công bố công khai và kịp thời. Các hoạt động giám sát đối với ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản còn sơ khai và cần được nhanh chóng hoàn thiện.(Tiến sĩ, Lê Đăng Doanh - Viện Nghiên cứu phát triển, Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội ở doanh nghiệp Việt Nam, Nguồn: Tạp chí Triết học). Đó là xét về mặt kinh tế còn về mặt chính trị xã hội, hành chính cũng còn nhiều vấn đề cần bàn.

Trong khi đó, theo Nguyễn Quang A, có những cơ quan nhà nước làm việc tắc trách, có các doanh nghiệp gian lận. Cũng thế, có các tổ chức xã hội dân sự nói một đằng làm một nẻo. Phải có khung pháp lý để cho mọi loại tổ chức hoạt động, để buộc tất cả chúng phải minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình với những người mà chúng (được cho là) đại diện, với những người cấp tài chính và với xã hội nói chung, để có cơ chế văn minh cho các tương tác, cho sự hợp tác và giải quyết xung đột giữa chúng. Nếu làm được vậy thì sẽ góp phần đắc lực cho sự phát triển hài hoà, bền vững của đất nước. Và nhìn vấn đề như thế, thì xã hội dân sự đâu có đáng sợ mà là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Tài liệu tham khảo

1-Hồ Bá Thâm, Xã hội dân sự, vấn đề và tính đặc thù, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 1(92) 2009 và trên Lời tạm biệt.). Hoặc Xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, 2008, Xã hội dân sự và kinh tế thị trường. (trong Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển kinh tế và phát triển xã hội ở châu Âu” (KX. 01.04/06-10, KX 02.13/06 -10) của Viện Nghiên cứư châu Âu và khoa Lịch sử trường đại học KHXH-NVTPHCM tại TPHCM, 11-2008{

2- Trần Ngọc Hiên, “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta”, Tạp chí Cộng sản điện tử )

3- Nguyễn Ngọc Giao, Xã hội dân sự, Trung Quốc và Việt Nam, Tạp chí Thời đại, Chungta.com

4- Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển kinh tế và phát triển xã hội ở châu Âu” (KX. 01.04/06-10, KX 02.13/06 -10) của Viện Nghiên cứư châu Âu và khoa Lịch sử trường đại học KHXH-NVTPHCM tại TPHCM, 11-2008.

5- Lê Đăng Doanh - Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội ở doanh nghiệp Việt Nam, Nguồn: Tạp chí Triết học, chungta.com

6- Đào Thế Tuấn, “Phải xây dựng xã hội dân sự ở nông thôn”. (TuanVietNam).

7-Nguyễn Quang A, Xã hội dân sự đâu có đáng sợ, Lao Động Cuối tuần số 15 Ngày 12/04/2009

8-Nguyễn Minh Tuấn, Cộng hòa Liên bang Đức, Lập Hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng, chungta.com

TS. Hồ Bá Thâm

Công chức bỏ việc - tín hiệu tốt của xã hội dân sự
Công chức ra đi để bảo toàn giá trị sống của mình?

Hỏi: Thưa ông, vấn đề công chức bỏ việc hàng loạt hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Trả lời: Trước đây, chúng ta gọi những người làm công chức là cán bộ. Cán bộ là một danh hiệu hết sức quan trọng. Những người làm cán bộ ngày xưa ở các phường, xã được miễn dịch nhiều thứ, không bị săm soi, không bị phân loại và không bị quản lý. Nhưng từ khi chúng ta thay từ cán bộ thành công chức thì dường như chúng ta cũng thay đổi luôn các quan điểm rất truyền thống của khái niệm cán bộ.

Vậy nguyên nhân của hiện tượng công chức bỏ việc là gì? Có người cho rằng, nó không phải vấn đề kinh tế mà là vấn đề tinh thần, nhưng có người lại khẳng định, nó chỉ là vấn đề kinh tế thuần tuý. Tôi cho rằng, cả hai cách phân tích như vậy đều phiến diện. Tất nhiên, yếu tố kinh tế, yếu tố thu nhập là hết sức quan trọng, bởi vì bài toán cơ bản của cuộc đời con người là đi tìm điều kiện để sống, điều kiện để phát triển. Nhưng với một chế độ tiền lương như hiện nay thì có thể khẳng định không một ai có thể sống chỉ bằng tiền lương.

Hỏi: Nhưng còn có nhiều khoản thu nhập khác?

Trả lời: Đúng, có nhiều khoản thu nhập khác thì cũng không phổ biến và không công khai. Trong khái niệm thu nhập của một cán bộ có mấy yếu tố vẫn song song tồn tại cho đến bây giờ. Thứ nhất là lương, đó là chỉ tiêu rất rõ ràng, công khai. Thứ hai là các chế độ. Thứ ba là thưởng. Và cuối cùng là bổng lộc. Bổng lộc vẫn tiếp tục tồn tại trong sinh hoạt của các cơ quan Nhà nước.

Trong những loại bổng lộc ấy, phải kể đến "văn hóa phong bì". Phong bì dần dần trở thành một trong những nguồn thu nhập chiếm một tỉ trọng quan trọng trong việc tạo ra nền tài chính cá nhân của cán bộ công chức. Khía cạnh tiêu cực của bổng lộc là tham nhũng. Khi chúng ta khẳng định tiền lương không cấu thành toàn bộ ngân sách để sống thì với những công chức chưa bỏ việc, toàn bộ bổng lộc, chế độ, tiền thưởng trở thành những nguồn thu nhập cơ bản của họ. Khu vực quản lý Nhà nước là khu vực tương tác trực tiếp với các quyền, cho nên bổng lộc tham nhũng dần dần giữ địa vị thống trị trong toàn bộ cơ cấu thu nhập của công chức. Đấy là lý do mà nhiều người cho rằng, tiền lương không phải là động lực cơ bản để công chức rời nhiệm sở.

Hỏi: Phong trào công chức bỏ việc hiện nay có khiến ông liên tưởng đến thời kỳ ông cũng từng rời bỏ cơ quan nhà nước ra thành lập công ty không?

Trả lời: Tôi rời bỏ cơ quan nhà nước không vì những lý do hiện nay. Tôi rời bỏ cơ quan nhà nước để thành lập Cty là một thể nghiệm xã hội, tôi rời bỏ từ năm 1992, khi chúng ta có Luật Công ty. Tôi có những cương vị nhất định ở trong cơ quan Nhà nước, tôi cũng có những ham mê nhất định với công việc của mình khi đó, và phải nói thẳng là tôi cũng có những hoàn cảnh vật chất không bắt buộc phải rời bỏ nhiệm sở. Cho nên tôi rời bỏ cơ quan nhà nước không phải vì tôi là kẻ lép vế về phương diện tham nhũng, mà vì khi đó tôi cho rằng, yếu tố tư nhân sẽ có một tương lai rất chắc chắn trong toàn bộ sự phát triển của đời sống dân sự. Tôi thể nghiệm nhận định ấy của tôi thôi.

Làm mới những chất xám đã cũ

Hỏi: Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, rất nhiều người nhận thấy khu vực tư nhân tạo điều kiện thuận lợi để họ phát triển. Vậy theo ông, điều căn cốt nhất của sự rời bỏ là gì?

Trả lời: Tôi cho rằng, hiện nay điều căn cốt của sự rời bỏ công sở là con người phải đi tìm được cuộc sống của mình, các vùng sống phù hợp với khả năng của mình. Nếu như các nhà lãnh đạo của chúng ta quan niệm rằng, họ là thủ lĩnh của cơ quan Nhà nước thì rõ ràng hiện tượng công chức rời bỏ các công sở là hiện tượng chảy máu chất xám. Nhưng nếu họ là người quản lý đất nước chứ không phải quản lý Nhà nước thì họ sẽ thấy đấy là sự lưu chuyển các năng lực khác nhau trong một vòng quay của cuộc sống. Tôi không tin là những người bỏ cơ quan nhà nước lúc này sẽ không quay lại vào lúc khác. Vấn đề là chúng ta phải làm như thế nào để cho tất cả các quá trình lưu chuyển ấy bảo tồn một số giá trị liên quan đến năng lực con người. Chẳng hạn, những người bỏ cơ quan nhà nước đi ra ngoài làm một thời gian, họ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm sau hàng loạt các thể nghiệm của mình, họ được mời trở lại cơ quan Nhà nước với một cương vị cao hơn. Việc Bộ nội vụ phải làm không phải là kêu cứu về một hiện tượng chảy máu chất xám mà phải tận dụng hiện tượng này để lưu chuyển, để làm mới các chất xám đã cũ ở trong các công sở, và tạo ra một dòng chảy ngược lại. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhân sự, quản lý cán bộ của Chính phủ, tức Bộ Nội vụ phải xây dựng được lộ trình và phải xem việc đi qua đời sống dân sự, đời sống thông thường ở ngoài như là một quá trình đào tạo và tích lũy kinh nghiệm cuộc sống để tăng cường sức mạnh của cán bộ Nhà nước sau này.

Nếu không khéo sẽ có một dòng chảy một chiều, tức là đầu vào là cán bộ, sau một thời gian làm việc tại các cơ quan Nhà nước, được tạo điều kiện học tập nâng cao sẽ phân loại cán bộ giỏi và cán bộ kém, cán bộ kém thì ở lại, còn cán bộ giỏi thì ra đi. Các nhà quản lý công chức thanh minh rằng, mới chỉ có 0,8% cán bộ rời bỏ cơ quan nhà nước thôi, nhưng nhìn sự việc theo kiểu thống kê chủ nghĩa như vậy là nhìn với tư cách một kẻ quản lý đàn vịt chứ không phải của nhà đầu tư nuôi vịt. Tôi cho rằng, công việc của Bộ Nội vụ là phải làm thế nào khơi ra một dòng chảy ngược lại, tức là làm cho các công chức sau khi bỏ cơ quan Nhà nước làm ngoài sẽ phải quay trở lại.

Hỏi: Vậy theo ông cơ quan quản lý Nhà nước phải làm thế nào để tạo ra dòng chảy ngược lại?

Trả lời: Có bay hơi và có mưa. Vậy làm thế nào để có mưa, đấy là công việc của những người quản lý vĩ mô về phương diện lực lượng lao động. Trước đây có một thời kỳ chúng ta tập trung tất cả những ưu đãi vào các cơ quan nhà nước, và cơ quan nhà nước trở thành điểm hấp dẫn tất cả mọi thứ. Bây giờ làm thế nào để chúng ta tạo ra một quá trình lọc.

Cái chính là anh phải tạo ra môi trường làm việc. Nhà nước là một môi trường tốt, ở đấy con người ngưng đọng được, quy tụ được các giá trị không chỉ đơn thuần là vật chất, mặc dù vật chất trong điều kiện hiện nay chiếm một tỷ trọng rất lớn trong các quyết định rời bỏ Nhà nước. Nói như thế không phải là khu vực tư nhân không có sự rời bỏ, khu vực tư nhân là những vùng vi khí hậu khác nhau, mọi sự rời bỏ các vùng vi khí hậu để sang một vùng vi khí hậu khác là hiện tượng xảy ra hàng ngày. Cho nên, sự mất mát cán bộ luôn là vấn đề của tất cả các khu vực khác nhau trong đời sống, đừng nhìn sự mất mát cán bộ ở trong khu vực Nhà nước như là một thảm họa, mà phải xem đấy như là điều kiện mà bây giờ Nhà nước mới có để lưu chuyển cán bộ.

Hỏi: Công ty của ông có tuyển các cán bộ từ khu vực Nhà nước ra không?

Trả lời: Nhiều người nghĩ rằng, cơ quan Nhà nước chỉ đào tạo, tức là chỉ chất vào trong mỗi một cá thể những giá trị có lợi, không phải như vậy. Rất nhiều căn bệnh tiêm nhiễm trong anh cán bộ Nhà nước khiến các công ty tư nhân ngại nhận cán bộ Nhà nước. Bởi khu vực tư nhân không có chuyện làm việc 8 giờ, không có chuyện hoàn thành nhiệm vụ, không kể lể thành tích, không có bình bầu...

Những công cụ để xác lập, đánh giá giá trị thông thường trong khu vực Nhà nước không được sử dụng trong khu vực tư nhân, mà hiệu quả là thước đo cơ bản để khu vực tư nhân đánh giá cán bộ. Khi được rèn luyện trong một môi trường có những nấc thang đánh giá theo kiểu như vậy thì họ đã tiêm nhiễm một số căn bệnh quan liêu, mà điều đó nhiều khi phá vỡ cộng đồng lao động đã được hình thành bởi một tiêu chuẩn khác. Cho nên, đừng nghĩ là anh rời khu vực Nhà nước thì anh sẽ được tiếp đón một cách nồng hậu tại khu vực tư nhân. Những người rời khỏi khu vực nhà nước không tự kiến tạo được chỗ đứng của họ thì sẽ rất vất vả để đứng vững trong khu vực tư nhân.

Không thể "đu" với khu vực tư nhân để trả lương

Hỏi: Ông nói rằng, khu vực tư nhân đánh giá cán bộ dựa trên năng lực cống hiến và hiệu quả công việc. Ngược lại với khu vực Nhà nước phải làm thế nào để việc đánh giá hiệu quả công việc trở thành thước đo giá trị?

Trả lời: Nếu chúng ta trượt theo khía cạnh này quá thì chúng ta sẽ phạm một sai lầm rất cơ bản. Lương của tổng thống Hoa Kỳ vào thời điểm chúng ta đang thảo luận đây vào khoảng 300.000 đô la/năm, lương của một bộ trưởng thì thấp hơn, theo trật tự hành chính của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng một bộ trưởng sau khi về hưu mà làm chủ tịch hoặc tổng giám đốc những tập đoàn như Ford chẳng hạn thì lương tối thiểu là 5 triệu đô la/năm, chưa kể cổ phần. Nếu "đu" với khu vực tư nhân về việc trả lương thì không có chính phủ nào đu nổi, kể cả chính phủ Hoa Kỳ. Có một chính phủ có khả năng đu được là chính phủ Singapore, nhưng người dân Singapore ít, do đó công chức của họ cũng ít, và chênh lệch tiền lương giữa xã hội và nhà nước như Singapore là quy luật không điển hình. Vì thế không nên bắt chước Singapore.

Còn hầu hết những chính phủ của các nước phát triển thì lương của khu vực công bao giờ cũng thấp hơn. Tôi lấy ví dụ, hai người tốt nghiệp khoa luật cùng một thời điểm, người được một hãng luật nhận vào làm việc thì lương tối thiểu là 100.000 đô la/năm, còn người làm luật sư công, tức là anh "mõ" toà thì lương chỉ bằng 1/3 của người làm cho hãng luật. Cho nên, thu nhập ở khu vực công bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với khu vực tư.

Hỏi: Vậy một môi trường như thế nào thì hút được những người giỏi, theo ông?

Trả lời: Vấn đề đặt ra là cái gì hút. Cựu tổng thống Bill Clinton đã kiếm được rất nhiều tiền trong những buổi diễn thuyết, nhưng khi ở cương vị tổng thống, ông không được làm như vậy. Rõ ràng ông Clinton làm tổng thống không phải để tìm kiếm tiền lương. Cho nên, khu vực Nhà nước mặc dù không đủ năng lực để thu hút những chuyên gia có tài nhất, nhưng lại là môi trường thu hút được những nhà lãnh đạo tài ba nhất. Có thể nói, ở khu vực nhà nước thì năng lực lãnh đạo bù lại sự thiếu hụt của năng lực công chức, hay nói cách khác, lãnh đạo xuất chúng cộng với cán bộ bình thường là cấu trúc của lực lượng lao động nhà nước.

Còn ở khu vực tư nhân thì sự xuất chúng của người lao động cộng với năng lực trả lương cao của người lãnh đạo tạo ra chất lượng lao động của khu vực tư nhân. Cho nên, quy luật hình thành cộng đồng lao động ở khu vực tư nhân và quy luật hình thành cộng đồng lao động ở khu vực Nhà nước là khác nhau, và khác nhau ở chính điểm tôi vừa chỉ ra. Khu vực nhà nước là nơi thu hút được những nhà lãnh đạo tài ba. Ví dụ, một người có thể kiếm được mấy trăm ngàn đô la một năm, nhưng nếu được mời làm cán bộ cao cấp của Nhà nước, anh ta có thể sẵn sàng bỏ mấy trăm ngàn đó, mặc dù đi làm cán bộ cao cấp chỉ được mấy chục triệu một năm, vì vị trí đó đem lại cho anh ta những giá trị khác. Nên đừng bao giờ phấn đấu để khu vực công đặt ra mục tiêu có lương cao hơn khu vực tư, và sức mạnh của khu vực công nằm ở việc tuyển chọn những người đứng đầu.

Nâng cao năng lực thật sự của khu vực công

Hỏi: Trong quá trình hội nhập, bộ máy công quyền của Việt Nam thường bị chê là quá lạc hậu?

Trả lời: Như tôi đã nói, phải xem hiện tượng rời khỏi các cơ quan nhà nước của đội ngũ viên chức thông thường như là một hiện tượng tự nhiên, không nên yên tâm, cũng không nên hoảng loạn về hiện tượng ấy. Nhiệm vụ của chúng ta là làm thế nào để nâng cao sức mạnh thật sự, năng lực thật sự của khu vực công. Và chìa khoá của việc nâng cao năng lực thật sự của khu vực công là tuyển chọn những người đứng đầu. Tôi cho rằng, tài dùng người của người đứng đầu trong khu vực công là dùng những người có năng lực trung bình. Khu vực công với đội ngũ viên chức cơ sở chắc chắn không chọn được những người có năng lực lớn nhất, anh có thu hút kiểu gì thì vài ngày họ sẽ ra đi.

Vì sao? Vì những người có năng lực thật sự bao giờ cũng tự do, họ không chịu được trật tự công. Ở khu vực tư, anh có thể bỏ hãng này sang hãng kia, anh có thể bỏ tập đoàn này sang tập đoàn kia, anh có thể bỏ tỉnh này đến tỉnh kia, nhưng khu vực công thì không thể như thế được, vì kỷ luật của khu vực công bao giờ cũng lớn hơn ở khu vực tư. Khu vực công buộc phải có tính kỷ luật vì đó là nhà nước, và những người tuân thủ kỷ luật một cách chặt chẽ như vậy thường là những người có năng lực thấp. Dùng những người có năng lực thấp để được việc thì người lãnh đạo phải tài. Không chọn được những người lãnh đạo có đủ năng lực, có đủ tài để sử dụng những người có năng lực thấp thì không cấu thành được khu vực công tích cực.

Hỏi: Ông có nhận xét gì về việc TP. Hồ Chí Minh chiếm đến một nửa số công chức bỏ nhiệm sở?

Trả lời: Thông tin ấy làm cho tôi đánh giá rất cao TP. HCM, như vậy phải nói rằng khu vực tư nhân, khu vực xã hội dân sự, khu vực thường dân ở TP. HCM là khu vực rất tích cực và có nhiều cơ hội. Bởi vì lãnh đạo mà tạo ra một xã hội tích cực đến mức hấp dẫn hơn cả nhà nước, thì đấy là lãnh đạo giỏi.

Xuân Lan - Phương Loan, Báo Lao động Xã hội ngày 26/8/2008

Nguồn: Viết vì sự tiến bộ

0 comments

Post a Comment