PARMÉNIDE
PLATON (khoảng 427-347tcn)
Giả thuyết thứ hai: Nếu cái Đơn nhất tồn tại
- “Vậy ngài có muốn trở về chính khởi đầu giả thuyết, để cứu xét xem một kiểm tra mới có mang lại những hệ luận mới không?”[1].
- “Ta sẽ rất sẵn sàng. Vậy chúng ta hãy giả định rằng cái Đơn nhất (có chân trong) tồn tại và tuyên bố sẵn sàng chấp nhận bất kỳ thế nào những hệ luận kết quả từ đó đối với cái Đơn nhất, chàng có đồng ý không?”
- “Có”.
- “Vậy xin hãy chăm chú: ta khởi sự lại. Nếu cái Đơn nhất mà tồn tại thì có thể rằng nó tồn tại mà lại không tham dự gì cả vào tồn tại không?”
- “Điều đó không thể được”.
Lưỡng tính tăng gấp vô hạn của cái Đơn nhất tồn tại
- “Vậy tồn tại sẽ là tồn tại của cái Đơn nhất mà không là đồng tính với cái Đơn nhất: nếu không tồn tại sẽ không là tồn tại của cái Đơn nhất và chính nó tức cái Đơn nhất sẽ không là cái có chân trong tồn tại được. Như vậy, có hai phát biểu theo đó: cái Đơn nhất tồn tại và cái Đơn nhất đơn độc, cả hai có lẽ sẽ đồng tính với nhau. Nhưng trong giả thuyết hiện thời không phải là: nếu Đơn nhất là đơn độc thì những hệ luận sẽ ra sao nữa; mà chính là: nếu Đơn nhất tồn tại. Chàng đã hiểu chưa?”
- “Thưa hiểu”.
- “Vậy động từ “tồn tại” có nghĩa một cái gì khác với cái Đơn nhất sao?”
- “Tất nhiên”.
- “Cái gì khác mà nó biểu thị đó có nghĩa là cái Đơn nhất tham dự vào tồn tại không? Và đó có phải là điều người ta muốn nói lên trong phát biểu rút gọn là: cái Đơn nhất tồn tại, không?”
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Vậy chúng ta hãy trở về với giả thuyết: nếu cái Đơn nhất tồn tại thì những hệ luận của nó sẽ ra sao? Hãy nghĩ xem một giả thuyết phát biểu như vậy có đương nhiên muốn nói rằng: một cái Đơn nhất như vậy phải có những thành phần không?”
- “Thế nghĩa là gì?”
- “Xin giải thích: động từ “tồn tại” ở đây chỉ thị về tình trạng của cái Đơn nhất, còn cái Đơn nhất chỉ thị chủ thể của tình trạng đó. Nhưng tồn tại và cái Đơn nhất không đồng tính với nhau, chỉ có chủ thể của chúng là đồng tính, tức là, “cái Đơn nhất (là) cái tồn tại”, điều mà giả thuyết của chúng ta đã nêu ra. Ở đó tất nhiên có một khối là: cái Đơn nhất tồn tại; rồi có cái Đơn nhất và cái tồn tại trở thành những thành phần của khối đó không?”
- “Tất nhiên”.
- “Nhưng mỗi một trong những thành phần đó, chúng ta có gọi đồng đều là thành phần cả không hay cái gì là thành phần sẽ phải được gọi là thành phần của một toàn diện”.
- “Thành phần của một toàn diện”.
- “Vậy cái gì là Đơn nhất thì đúng là một toàn diện và có những thành phần, phải không?”
- “Phải”.
- “Vậy thì mỗi một trong những thành phần đó của cái Đơn nhất tồn tại tức là cái Đơn nhất và tồn tại có khiếm khuyết gì không? Nghĩa là cái Đơn nhất có khiếm khuyết đối với thành phần bên tồn tại không và tồn tại có khiếm khuyết đối với thành phần bên cái Đơn nhất không?”
- “Không thể”.
- “Như vậy, cả hai thành phần, mội bên đều bao hàm cả cái Đơn nhất cả cái tồn tại; mỗi thành phần đi tới chỗ tự kết cấu ít ra bằng hai thành phần; và cùng một lý do lại tự lập lại một cách vô hạn định, tất cả những gì vừa tự cấu thành thành phần lại mỗi lần thai nghén ra lưỡng tính của những thành phần; vì cái Đơn nhất luôn luôn thai nghén tồn tại và tồn tại luôn luôn thai nghén cái Đơn nhất; đến nỗi một cách tất định, cả hai cùng tự sản sinh ra lẫn nhau một cách vô hạn, mà không bao giờ có thể là đơn độc được”.
- “Hoàn toàn chính xác”.
- “Vậy cái Đơn nhất sẽ là đa tính vô hạn sao?”
- “Phải nghĩ như vậy”.
Sản sinh ra số nhiều
- “Đây là một quan điểm khác cần nghiên cứu”.
- “Quan điểm nào?”
- “Chúng ta nói rằng cái Đơn nhất thông dự vào tồn tại và rằng, do đó, nó tồn tại, phải không?”
- “Phải”.
- “Và cũng vì vậy mà cái Đơn nhất tồn tại mới xuất hiện với ta đa tạp, phải không?”
- “Cũng phải nữa”.
- “Bây giờ, cái Đơn nhất tự nội, cái Đơn nhất mà ta bảo rằng nó có chân trong tồn tại, ta hãy giả thuyết nó được quan niệm bởi duy có tư tưởng, như là tự nội và có mình nó độc lập, không lệ thuộc cái gì ta gọi là thông dự nữa. Thế thì cái Đơn nhất tự nội đó có xuất hiện chỉ là đơn tính thôi hay sẽ là đa tính?”
- “Theo tôi là đơn tính”.
- “Vậy thì, tồn tại của nó là một cái khác và bản thân tự nội của nó lại là một cái khác, vì cái Đơn nhất không hề là tồn tại mà chỉ là cái Đơn nhất, một cái theo tư cách đó đã được nói là có chân trong tồn tại”.
- “Phân biệt đó là điều không thể tránh được”.
- “Vậy nếu tồn tại là khác, rồi cái Đơn nhất là khác thì không phải sự đơn nhất của nó làm cho cái Đơn nhất khác với tồn tại; cũng không phải thực tại của tồn tại của nó là cái làm cho tồn tại khác với cái Đơn nhất; mà là cái khác biệt và cái khác làm cho chúng khác nhau”.
- “Rất chắc chắn”.
- “Như vậy cái khác biệt không đồng tính với cái Đơn nhất cũng không đồng tính với tồn tại”.
- “Nhưng nó sẽ không đồng tính như thế nào?”
- “Bây giờ ta định nghĩa rằng chúng ta đã tùy ý chiết tính trong đó hoặc cái tồn tại và cái khác biệt hoặc cái Đơn nhất và cái khác biệt [2]. Mỗi nhóm được chọn để tập họp lại như thế có kết cấu thành điều một cách hợp lý được gọi là từng cặp đôi không?”
- “Thưa ngài muốn nói gì ạ?”
- “Muốn nói: có thể nói: (tồn tại)?”
- “Có”.
- “Rồi lập tức nói “đơn nhất” không?”
- “Có nữa”.
- “Như vậy có phải đã phát biểu về mỗi cái trong chúng không?”
- “Phải”.
- “Nhưng nói “tồn tại” và “đơn nhất” có phải phát biểu cặp đôi của chúng không?”
- “Hoàn toàn phải”.
- “Không khác gì khi ta nói “tồn tại” và “khác biệt” hay “khác biệt” và “đơn nhất, thì bằng mỗi phát biểu có phải cũng là phát biểu cặp đôi không?”
- “Phải”.
- “Điều người ta đã có quyền gọi là cặp đôi có thể kết cấu thành một cặp đôi mà không kết cấu thành hai được không?”
- “Không thể được”.
- “Nhưng ở đâu có hai, có cách nào làm cho mỗi đơn vị đó không là một được không?”
- “Không có cách nào”.
- “Vậy trong những cái ta gọi là những cặp đôi, mỗi cái, vì là đơn vị của lưỡng tính, sẽ là một.”
- “Hiển nhiên”.
- “Nếu mỗi cái trong hai là một, thì một cái nào đó trong chúng được cộng thêm vào một cái gì khác trong những cách ghép đôi đó có tạo nên một khối gọi là ba không?”
- “Có”.
- “Nhưng ba thì lẻ còn hai thì chẵn, phải không?”
- “Tất nhiên”.
- “Vậy một khi có hai, có tất nhiên có hai lần không và một khi có ba có tất nhiên có ba lần không, vì hai là hai lần một, và ba là ba lần một, phải không”
- “Tất nhiên”.
- “Một khi giả định “hai” và “hai lần” thì có tất nhiên là hai lần hay không? Và ba với ba lần có tất nhiên sẽ là ba lần ba không?”
- “Tất nhiên”.
- “Vậy một khi có ba và hai lần, rồi hai và ba lần, thì tất yếu sẽ có hai lần ba và ba lần ba không?”
- “Rất tất yếu”.
- “Vậy sẽ có những số chẵn một cách chẵn và những số lẻ một cách lẻ, những số chẵn một cách lẻ và những số lẻ một cách chẵn”.
- “Chắc chắn”.
- “Nếu thế, có thể quan niệm rằng còn một số nhiều có thể không tồn tại được không?”
- “Không thể quan niệm được”.
- “Vậy một khi có một tất nhiên sẽ có nhiều”.
- “Tất nhiên”.
- “Rồi có số nhiều thì sẽ nhiều nữa, nhân gấp vô hạn những sự vật, vì không thể phủ nhận rằng có một con số tự sản sinh ra như thế lại không thể là số nhân vô hạn và không thông dự trong tồn tại, phải không?”
- “Chắc hẳn nó có thông dự trong đó”.
- “Vậy nếu toàn bộ của số nhiều thông dự vào tồn tại, thì với thành phần của số nhiều có thông dự vào đó không?”
- “Chắc hẳn có”.
Sự tăng gấp vô hạn của cái Đơn nhất tự nội
- “Vậy đối với tất cả mọi sự vật dù nhiều gấp bao nhiêu, cũng đã được thông dự vào tồn tại và không có gì thiếu tồn tại cả, cả cái nhỏ hơn cả cái lớn hơn, phải không? Đàng khác, đặt vấn đề có phi lý không và chàng nghĩ có cách gì mà thiếu tồn tại trong một cái gì tồn tại không?”
- “Không thể có”.
- “Vậy nó sẽ tự phân nhỏ ra tới cùng, thành cái hết sức nhỏ, thành cái hết sức lớn, thành rất nhiều hình thức có thể tưởng tượng được. Sự tự phân nhỏ của nó vượt ra ngoài mọi giới hạn. Những thành phần của tồn tại là cả một vô số hạn.”
- “Thực sự nó là như vậy”.
- “Vậy thì những thành phần của nó là những gì đông đảo nhất”.
- “Dĩ nhiên là những gì đông đảo nhất”.
- “Vậy thì có một thành phần nào đó là mảnh nhỏ của tồn tại mà lại “không là một” mảnh nhỏ không?”
- “Nếu thế làm sao nó sẽ có thể là “thành phần” được?”
- “Theo ta hoàn toàn ngược lại, một khi nó tồn tại và suốt trong thời gian nó tồn tại một cách tất yếu mỗi mảnh nhỏ luôn luôn là “cái một nào đó” của tồn tại; nên nó không thể “không là một” được”.
- “Tất nhiên”.
- “Vậy, cái Đơn nhất gắn liền với mỗi thành phần đơn biệt của tồn tại: nó không thiếu một cái nào cả, cho cái nhỏ hơn hay cho cái lớn hơn hay cho bất kỳ cái nào cũng thế”.
- “Chắc thế”.
- “Vậy phải chăng một khi là đơn nhất, nó sẽ tồn tại trọn vẹn đồng thời hiện diện nhiều nơi phải không? Hãy suy nghĩ điểm đó một chút”.
- “Tôi suy nghĩ và tôi thấy rằng không thể”.
- “Nếu nó không ở đó trọn vẹn, vậy ở đó nó bị phân tán nhỏ; vì có mặt đồng thời trong tất cả mọi mảnh nhỏ của tồn tại, nó chỉ có thể như thế được bằng cách tự phân tán nhỏ”.
- “Đúng thế”.
- “Nhưng cái gì tự phân tán nhỏ thì tất yếu tự nhân gấp lên từng ấy lần tùy theo số những mảnh nhỏ đã được phân tán”.
- “Tất yếu”.
- “Vậy chúng ta đã lầm khi nói lúc nãy rằng những thành phần trong đó tồn tại tự phân tán đã là những gì có nhiều vô số kể. Vì sự phân tán của nó không hề vượt khỏi sự phân tán của cái Đơn nhất; trái lại hình như nó hoàn toàn ngang bằng với cái Đơn nhất. Vì cả tồn tại cũng không chịu thua cái Đơn nhất, cả hai cái Đơn nhất cũng không chịu thua tồn tại: mà chúng kết cấu thành cặp đôi và tự ngang bằng với nhau về mọi phương diện và trong mọi thời gian”.[3]
- “Chúng hoàn toàn có vẻ như thế”.
- “Vậy chính cái Đơn nhất tùy theo mỗi mảnh nhỏ được tồn tại phân tán, nó cũng chính là đa tính và số nhân gấp vô hạn”.
- “Hình như vậy”.
- “Vậy không phải chỉ có cái Đơn nhất tồn tại mới có tính số nhân gấp; trái lại, chính cái Đơn nhất tự nội do tồn tại phân bố, do đó cũng thiết yếu là đa tính”.
- “Hoàn toàn chính xác”.
Những giới hạn và những hình thù
- “Tuy nhiên những thành phần chỉ là những thành phần của một toàn bộ, và với tư cách toàn bộ đó, cái Đơn nhất sẽ bị giới hạn, vì rằng cái toàn bộ bao bọc những thành phần, đó là điều rõ rệt được chấp nhận rồi?”
- “Cố nhiên”.
- “Nhưng cái gì bao bọc thì cái đó là giới hạn cho cái khác”.
- “Không chối cãi được”.
- “Vậy có thể nói rằng cái Đơn nhất tồn tại sẽ là đơn nhất và đa tính, hữu hạn và vô hạn về số lượng”.
- “Hình như vậy”.
- “Vì bị giới hạn, nó sẽ có những cực biên không?”
- “Dĩ nhiên”.
- “Với tư cách toàn bộ nó cũng sẽ có khởi đầu, khoảng giữa và tận cùng không? Hay chàng có quan điểm được một toàn bộ không có ba phân biệt trên không? Và nếu có một cái nào trong chúng mà khiếm khuyết trong nó thì còn gọi nó là toàn bộ được không?”
- “Nó sẽ không chịu như thế”.
- “Vậy hình như cái Đơn nhất sẽ có khởi đầu, tận cùng và khoảng giữa”.
- “Chắc thế”.
- “Nhưng khoảng giữa thì phải ở khoảng cách đồng đều nhau giữa hai cực biên, nếu không nó sẽ không còn là khoảng giữa nữa”.
- “Quả thế”.
- “Hình như vì lý do đó cái Đơn nhất thông dự vào một hình thù hoặc hình thẳng, hoặc hình tròn, hay một hình hỗn hợp nào”.
- “Phải công nhận thế”.
Kết nạp trong mình và kết nạp trong cái khác
- “Vì lý do đó, nó sẽ tồn tại trong mình và trong cái khác với mình được không?”
- “Nghĩa là thế nào?”
- “Có thể nói, mỗi một thành phần thì ở trong toàn bộ; không một thành phần ở ngoài toàn bộ được”.
- “Không một thành phần nào”.
- “Nhưng tất cả những thành phần đều được bao bọc bởi toàn bộ sao?”
- “Vâng”.
- “Nhưng cái Đơn nhất là toàn bộ gồm những thành phần của nó; nó không ít hơn hay có nhiều hơn tổng số của nó”.
- “Quả nhiên”.
- “Nhưng chính cái toàn bộ có phải cũng chính là cái Đơn nhất không?”
- “Làm sao nghĩ khác được?”
- “Như vậy toàn bộ những thành phần được chứa đựng trong toàn thể, và toàn bộ này lại chính là cái Đơn nhất theo cùng một tư cách như chính toàn thể vậy, và toàn bộ này được bao bọc bởi toàn thể. Bởi vậy chính cái Đơn nhất là cái sinh đẻ ra cái Đơn nhất và vì vậy đã được chấp nhận rằng cái Đơn nhất là tự nội”.
- “Hình như vậy”.
- “Đàng khác, xét theo tư cách đó, cái toàn bộ không hề tồn tại trong những thành phần; nó không tồn tại trong tất cả, cũng không tồn tại trong một thành phần nào đó [4](24). Vì tồn tại trong tất cả thì bó buộc phải tồn tại trong một cái; vì giả như trong một nó đã không tồn tại thì tất nhiên nó sẽ không thể tồn tại trong tất cả được. Nhưng cái một mà một thành phần đó là được tính trong toàn bộ, nếu cái toàn bộ không có đó thì thế nào nó sẽ có thể còn trong toàn thể được?”
- “Không thể được bằng cách nào cả”.
- “Nó cũng không tồn tại trong một ít thành phần nào đó được nghĩa là cái toàn bộ ở trong một số thành phần, cái nhiều hơn sẽ ở trong cái ít hơn, đó là điều không thể”.
- “Phải, không thể”.
- “Vì rằng cái toàn bộ không ở trong nhiều cái, cũng không trong một cái, cũng không ở trong toàn bộ những thành phần, thì tất yếu nó có phải ở trong một cái khác với mình nếu không nó sẽ không ở đâu cả, không?”
- “Tất yếu”.
- “Nhưng không ở đâu cả có phải nó sẽ không là gì cả không và vì nó là toàn bộ mà lại không hề ở trong chính mình, thì tất yếu nó có ở trong một cái khác với mình không?”
- “Rất chắc thế”.
- “Vậy với tư cách là toàn bộ, cái Đơn nhất ở trong cái khác với chính mình; nhưng với tư cách là toàn thể gồm những thành phần, nó ở trong mình. Nên tất nhiên cái Đơn nhất ở trong chính mình và ở trong cái khác với mình.”
Vận động và bất động
- “Nếu có bản chất như vậy, tất yếu cái Đơn nhất có vừa vận động vừa bất động không?”
- “Vì lý do gì?”
- “Có thể nói một khi nó ở trong nó thì nó là bất động; vì chỗ đứng của nó chỉ là một, nên nó không thay đổi chỗ đứng và do đó nó đứng im một chỗ, nghĩa là trong chính mình”.
- “Đúng thế”.
- “Nhưng cái gì luôn luôn đứng trong cùng một vị trí thì chắc chắn nó chỉ có thể là bất động trường cửu”.
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Vậy còn, cái gì luôn luôn ở trong cái khác thì có vì một tất yếu ngược lại, nó sẽ không thể ở trong cùng một cái bao giờ cả không? Rồi vì không bao giờ ở trong cùng một cái, nó cũng sẽ không bất động nữa. Rồi vì không bất động, nó có sẽ vận động không?”
- “Chắc thế”.
- “Vậy không thể tránh khỏi rằng cái Đơn nhất, vì trường cửu là tự nội, trường cửu là ở trong cái khác, nên trường cửu nó là bất động và là vận động”.
- “Hình như vậy”.
Đồng tính và khác biệt (chứng minh bằng khai trừ)
- “Hơn nữa, nó sẽ còn phải đồng tính với chính mình và khác biệt với chính mình, cũng còn phải đồng tính với những cái khác và khác biệt với những cái khác, một khi phải chấp nhận những quan hệ ta vừa nói ở trên”.
- “Thế nào nhỉ?”
- “Có thể nói đó là quan hệ giữa toàn thể và toàn thể, nghĩa là nó đồng tính hay là khác biệt; hoặc là, ở đâu không có khác biệt cũng không có đồng tính, thì mới có quan hệ giữa toàn thể và thành phần hay giữa thành phần và toàn thể”.
- “Hình như vậy”.
- “Vậy cái Đơn nhất có là thành phần của chính mình không?”
- “Không hoàn toàn”.
- “Nếu vậy đối với chính nó, nó cũng sẽ không có quan hệ giữa toàn diện và thành phần được hay giữa ngã toàn thể và ngã thành phần được”.
- “Vâng nó không thể có được”.
- “Vậy có phải cái Đơn nhất đã khác cái một rồi không?”
- “Chắc là không”.
- “Vậy nếu đối với chính mình, nó không là khác biệt, không là toàn thể, không là thành phần, thì vì vậy có bó buộc nó phải đồng tính với chính mình không?”
- “Chắc có”.
- “Nhưng cái gì ở nơi khác mà không ở trong chính bản thân mình, đang khi chính bản thân này vẫn tồn tại vững chãi trong mình, bằng sự kiện ở nơi khác đó, nó có khác với chính mình không?”
- “Theo tôi thì có”.
- “Nhưng với chúng ta cái Đơn nhất cũng đã xuất hiện như thế, tức là ở trong mình đồng thời ở trong cái khác mình”.
- “Chính xác”.
- “Vậy do đó hình như cái Đơn nhất sẽ khác biệt với chính mình”.
- “Hình như vậy”.
- “Vậy thì khác với bất kỳ cái gì có giả định rằng cái đó phải khác biệt để người ta khác biệt với không?”
- “Tất nhiên”.
- “Vậy tất cả những gì không phải đơn nhất thì khác với cái Đơn nhất, và cái Đơn nhất thì khác với những cái đơn nhất, phải không?”
- “Không thể chối cãi được”.
- “Vậy cái Đơn nhất sẽ khác biệt với những cái khác”.
- “Nó sẽ khác biệt”.
- “Coi này: xét theo bản thân nó, cái đồng tính, và cái khác biệt có đối nghịch lẫn nhau không?”
- “Không còn nghi ngờ gì cả”.
- “Cái đồng tính có chấp nhận đứng trong cái khác biệt không và cái khác biệt có chấp nhận đứng trong cái đồng tính không?”
- “Chúng không hề muốn thế”.
- “Nếu không bao giờ cái khác biệt có thể ở trong cái đồng tính được, thì không có một sự vật nào trong đó cái khác biệt có thể tồn tại một giây phút nào. Mặc dầu thời gian nó ở trong một sự vật nào đó có ngắn ngủi mấy đi nữa, thì toàn thời gian đó, cái khác biệt không ở trong cái gì khác ngoài cái đồng tính cả. Có đúng thế không?”
- “Rất đúng”.
- “Vậy vì không bao giờ nó ở trong cái đồng tính, cái khác biệt cũng sẽ không bao giờ ở trong một cái gì tồn tại cả”.
- “Đúng thế”.
- “Vậy cái khác biệt sẽ không ở trong những cái không đơn nhất cũng sẽ không ở trong cái Đơn nhất”.
- “Dĩ nhiên không”.
- “Vậy không phải bằng cái khác biệt mà cái Đơn nhất sẽ khác biệt với những cái không-đơn nhất hay những cái không-đơn nhất khác biệt với cái Đơn nhất”.
- “Chính thế”.
- “Nhưng cũng không phải bằng chính bản thân chúng mà chúng sẽ có sự khác biệt lẫn nhau, vì chúng không hề thông dự vào cái khác biệt”.
- “Ai dám chủ trương như vậy”.
- “Nếu không bằng chính bản thân chúng cũng không bằng cái khác biệt chúng khác biệt, thì như thế chúng có thể thoát ly được mọi khác biệt hỗ tương một cách tuyệt đối không?”
- “Chúng thoát ly thực sự”.
- “Nhưng những cái không-đơn nhất cũng không thông dự vào cái Đơn nhất; nếu không như thế chúng sẽ không là những không-đơn nhất, trái lại chúng sẽ có thể là đơn nhất một cách nào đó”.
- “Đúng thế”.
- “Nhưng như chúng ta đã nói, ở đâu không có quan hệ hỗ tương giữa thành phần và toàn bộ, giữa toàn bộ và thành phần hay không có sự khác biệt, thì ở đó có đồng tính”.[5]
- “Chính đó là điều chúng ta đã nói”.
- “Vậy có nên khẳng định rằng vì không có với những cái không-đơn nhất một quan hệ nào trong những quan hệ đó, cái Đơn nhất là đồng tính với chúng hay sao?”
- “Phải khẳng định như thế”.
- “Vậy thì hình như cái Đơn nhất khác biệt với những cái khác và với mình và đồng thời cũng đồng tính với chúng và với mình”.
- “Theo như lý luận thì câu kết luận hầu như phải thế”.
Tính tương tự và tính bất tương tự
- “Nó cũng sẽ vừa tương tự vừa bất tương tự với tính bản thân và với những cái khác sao?”
- “Có lẽ”.
- “Vì rằng nó đã tỏ ra khác biệt với những cái Khác, thì có thể nói những cái Khác cũng sẽ khác biệt với nó không?”
- “Sao không?”
- “Có phải nó khác biệt với những cái Khác như thế nào thì những cái Khác cũng khác biệt với nó như thế, không hơn không kém, phải không?”
- “Phải, và sau đó thì sao?”
- “Không hơn không kém, vậy thì một cách tương tự như nhau”.
- “Vâng”.
- “Vậy thì một cách tương tự, nó khác với những cái Khác và những cái Khác khác với nó; đó là một đồng tính mà cái Đơn nhất chấp nhận trong quan hệ đối với những cái Khác và những cái Khác chấp nhận trong quan hệ đối với cái Đơn nhất”.
- “Thưa ngài muốn nói gì ạ?”
- “Điều này, có phải cho mỗi đối tượng mà chàng thường gán cho mỗi tên hay không?”
- “Phải, theo tôi nghĩ”.
- “Thế nào, duy một và cùng một tên, chàng có thể lập đi lập lại nhiều lần hay chỉ gọi nó lên có một lần mà thôi?”
- “Tôi tưởng rằng”.
- “Chàng có nghĩ rằng khi gọi tên đó có một lần thì nó chỉ đúng với đối tượng của tên nó, còn gọi tên đó lên nhiều lần thì khi nói lên cùng một tên đó một hay nhiều lần thì có tất yếu luôn luôn chỉ thị cùng một đối tượng không?”
- “Nghĩa là thế nào?”
- “Thế thì khác biệt không phải một cái tên gán cho một đối tượng hay sao?”
- “Phải, hoàn toàn chắc chắn”.
- “Vậy khi chàng đọc tên đó lên một hay nhiều lần, không cần biết chàng áp dụng tên đó cho cái gì, nhưng cái gì được chàng chỉ thị bằng tên đó không thể là gì khác hơn là đối tượng mà chính tên đó nói lên”.
- “Tất nhiên”.
- “Như vậy khi chúng ta nói những cái Khác khác biệt với cái Đơn nhất và cái Đơn nhất khác biệt với những cái Khác, hai lần phát biểu lên cái khác đó không nhằm kết quả là chuyển tên đó vào một bản chất mới; cả hai lần nó chỉ thị chính bản chất riêng biệt mà từ nguyên thủy cái tên đó đã được ghép cho”.
- “Thật là chính xác”.
- “Vậy thì chính vì cái Đơn nhất khác biệt với những cái Khác và những cái Khác khác biệt với cái Đơn nhất, mà chính sự kiện của sự khác biệt đó in trên cái Đơn nhất không phải một tính chất khác, mà là cùng một tính chất như in trên những cái Khác. Nhưng cái gì có cùng một tính chất một cách nào đó thì tương tự với nhau, phải không?”
- “Chính thế”.
- “Vậy chính trong sự kiện đó và do chính sự kiện đó tức là sự kiện được cấu tạo thành khác khác biệt với những cái Khác, cái Đơn nhất sẽ tương tự những cái Khác một cách trọn vẹn trong tính trọn vẹn của chúng; vì trong tính trọn vẹn của nó, nó khác biệt những cái Khác trong tính trọn vẹn của chúng”.
- “Có thể có thực như vậy”.
- “Đàng khác, với tư cách là tương tự, cái tương tự lại đối nghịch với cái bất tương tự”.
- “Phải”.
- “Vậy cái khác biệt thì đối nghịch với cái đồng tính”.
- “Cũng phải”.
- “Nhưng trong diễn dịch trước đây, chúng ta đã thấy rằng cái Đơn nhất đồng tính với những cái Khác”.
- “Chính xác”.
- “Là đồng tính với những cái Khác là khác biệt với những cái Khác, đó là những tính chất đối nghịch nhau”.
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Nhưng với tư cách là khác biệt, cái Đơn nhất đã xuất hiện với chúng ta là tương tự”.
- “Phải”.
- “Vậy, với tư cách là đồng tính, nó sẽ là bất tương tự, bằng chính tác dụng của tính chất đối nghịch với tính chất nào đã làm cho nó trở thành tương tự. Vì ta nghĩ rằng cái khác biệt làm cho nó trở thành tương tự, phải không?”
- “Phải”.
- “Vậy thì cái đồng tính sẽ làm cho nó trở thành bất tương tự nếu không nó sẽ không còn đối nghịch với cái khác biệt nữa”.
- “Có thể đúng”.
- “Vậy cái Đơn nhất sẽ tương tự và bất tương tự với những cái Khác; tương tự vì khác biệt, bất tương tự vì đồng tính”.
- “Chắc chắn đó là một lý do xem ra cái Đơn nhất có thể có”.
- “Nhưng nó còn thêm lý do này nữa”.
- “Thưa lý do nào ạ?”
- “Cái gì làm cho nó đồng tính thì làm cho nó không muôn vẻ, cái gì làm cho nó không muôn vẻ thì làm cho nó không bất tương tự, và, nếu không bất tương tự, thì tương tự. Cái gì làm cho nó là khác thì làm cho nó muôn vẻ, và, vì muôn vẻ mà bất tương tự.”
- “Ngài nói đúng”.
- “Như thế cái Đơn nhất vừa vì nó đồng tính với những cái Khác vừa vì nó khác biệt với những cái Khác theo cả hai quan hệ và theo mỗi quan hệ, nó sẽ tương tự và bất tương tự với những cái Khác”.
- “Hoàn toàn chính xác”.
- “Nhưng nó đã xuất hiện vừa khác biệt với mình vừa đồng tính với mình; vậy, theo cả hai quan hệ và cả mỗi quan hệ, nó sẽ tự biểu hiện vừa tương tự vừa bất tương tự với chính mình”.
- “Không thể tránh khỏi được”.
Cọ xát và không cọ xát
- “Một câu hỏi mới: hãy cứu xét về sự cọ xát và không cọ xát của cái Đơn nhất với chính mình và với những cái Khác”.
- “Tôi sẵn sàng cứu xét điều đó”.
- “Chúng ta đã thấy rằng hình như cái Đơn nhất chỉ tồn tại trong toàn thể riêng của nó”.
- “Một cách rất hợp lý”.
- “Cái Đơn nhất cũng tồn tại trong những cái Khác không?”
- “Có”.
- “Vậy tồn tại trong những cái Khác sẽ cho nó cọ xát với những cái Khác và với chính mình nó sẽ cọ xát bằng chính việc tồn tại là mình”.
- “Hình như vậy”.
- “Như vậy theo quan điểm đó, có lẽ cái Đơn nhất sẽ có cọ xát với mình và với những cái Khác”.
- “Nó sẽ có cọ xát”.
- “Nhưng theo một quan điểm khác thì sao? Đối với những gì phải cọ xát với một cái gì khác, há không bó buộc cái đó phải bị đặt đằng sau cái nó cọ xát, chiếm vị trí nào đến sau vị trí đứng của cái nó phải đụng chạm sao?”
- “Tất nhiên”.
- “Nếu vậy để cái Đơn nhất có thể đụng chạm với chính mình, thì cũng cần thiết nó phải được đặt đứng tiếp sau chính mình, nó cũng phải chiếm vị trí sát nách với vị trí đứng của chính nó”.
- “Quả là cần thiết”.
- “Vậy thì cái Đơn nhất có lẽ sẽ phải là hai để làm được điều đó và để có thể đồng thời ở hai vị trí; nhưng bao lâu nó vẫn là đơn nhất thì nó sẽ từ khước việc đó, phải không?”
- “Chắc chắn thế”.
- “Cùng một tất yếu sẽ không cho phép cái Đơn nhất vừa là hai vừa có đụng chạm với chính mình”.
- “Cùng một tất yếu”.
- “Nhưng nó cũng không có cọ xát với những cái Khác”.
- “Tại sao vậy?”
- “Tại vì như ta đã nói, cái gì phải cọ xát mà không thôi là phân biệt thì bó buộc nó phải đi kèm ngay sau cái nó phải cọ xát, mà không một đệ tam nào đứng giữa ngăn cản được hai bên”.
- “Đúng”.
- “Vậy hai bên là cái tối thiểu bó buộc có để có cọ xát”.
- “Bó buộc”.
- “Còn nếu thêm vào hai đơn vị, có một cái thứ ba lập tức đến đứng sát vào, thì sẽ có ba đơn vị, nhưng chỉ có hai cọ xát”.
- “Vâng”.
- “Như vậy, mỗi lần có một đơn vị mới thêm vào, chỉ nảy sinh một cọ xát mới và, do đó, luôn luôn những cọ xát chịu thua mất một cọ xát trên tổng số con số của những đơn vị. Nên những đơn vị đầu tiên đã vượt quá các cọ xát bằng con số thặng dư của chúng trên những cọ xát bao nhiêu, thì tổng số theo con số của một chuỗi liên tục cũng vượt quá tổng số toàn bộ của những cọ xát như thế; vì, khởi sự từ đó và trong tất cả cái chuỗi tiếp theo, cứ mỗi đơn vị được cộng thêm vào cho chuỗi con số thì lại một sự cọ xát được công thêm vào những cọ xát”.
- “Diễn dịch như thế đúng”.
- “Vậy cho dù con số các sự vật có nhiêu đi nữa, thì những cọ xát của chúng cũng luôn luôn ít hơn chúng một đơn vị”.
- “Đúng”.
- “Nhưng ở đâu chỉ có một mà không thể cả hai sự vật thì không thể có cọ xát”.
- “Rõ quá”.
- “Vậy như chúng ta đã nói, những cái Khác với cái Đơn nhất thì không thể là cái đơn nhất và cũng không hề tham dự vào nó được, vì chúng là những gì khác”.
- “Chắc chắn không”.
- “Vậy trong những cái Khác không hề có số nhiều vì trong đó không hề có cái một”.
- “Làm thế nào có được”.
- “Vậy những cái Khác không phải một cũng không phải hai và không thể được diễn tả bằng một số nhiều nào cả”.
- “Không bằng số nhiều nào cả”.
- “Vậy chỉ có cái Đơn nhất để làm cái một mà thôi, nên ở đó không có gì để làm thành hai cả”.
- “Hình như vậy”.
- “Vậy không thể có cọ xát một khi không thể có hai”.
- “Không có cọ xát”.
- “Vậy cái Đơn nhất không hề đụng chạm những cái Khác, những cái Khác cũng không hề đụng chạm cái Đơn nhất, vì ở đó không có một cọ xát nào cả”.
- “Quả thực chúng không đụng chạm gì tới nhau cả”.
- “Như vậy theo toàn bộ lý luận của chúng ta, cái Đơn nhất có cọ xát và không có cọ xát, với những cái Khác và với mình”.
- “Hình như vậy”.
Tính ngang bằng và tính bất ngang bằng
- “Hơn nữa, có thể noi nó ngang bằng và bất ngang bằng với chính mình và với những cái Khác không?”
- “Làm thế nào chứng minh điều đó”.
- “Hãy giả thiết cái Đơn nhất hoặc lớn hoặc nhỏ hơn cái Khác, hay những cái Khác hoặc lớn hơn hoặc nhỏ hơn cái Đơn nhất. Dĩ nhiên không phải cái Đơn nhất là đơn nhất và vì những cái Khác là khác với cái Đơn nhất mà chúng sẽ lớn hơn hoặc nhỏ hơn, hoặc bên này hoặc bên kia, chính vì những bản chất đó không? Trái lại, nếu bên cạnh những bản chất mỗi bên của chúng, chúng còn có tính ngang bằng nữa, thì chúng sẽ ngang bằng với nhau, một cách hỗ tương. Nhưng nếu những cái Khác có sự to lớn, còn cái Đơn nhất có sự nhỏ bé, hoặc ngược lại, nếu cái Đơn nhất có sự to lớn, còn những cái Khác có sự nhỏ bé, thì có phải hễ có sự to lớn ở bên nào thì bên ấy to lớn hơn, còn bên có sự nhỏ bé thì bên đó nhỏ bé hơn không?
- “Tất nhiên”.
- “Vậy rõ rệt có hai hình thức là sự to lớn và sự nhỏ bé, phải không? Vì, nếu chúng không tồn tại thì chúng không thể là những đối nghịch, cũng không thể xảy ra trong cái gì tồn tại được”.
- “Làm thế nào bác khước việc đó?”
- “Vậy nếu sự nhỏ bé xảy ra trong cái Đơn nhất nó sẽ hiện diện ở đó hoặc trong toàn bộ hoặc trong một thành phần”.
- “Dĩ nhiên”.
- “Hãy giả thiết nào xảy ra trong toàn bộ, thì có thể xảy ra điều này không: hoặc là nó tự phát triển ra song song với cái Đơn nhất trong toàn thể tính của cái Đơn nhất, hoặc nó sẽ bao trùm lấy cả cái Đơn nhất không?”
- “Điều đó rất hiển nhiên”.
- “Nhưng một khi song song với cái Đơn nhất, sự nhỏ bé sẽ có ngang bằng với cái Đơn nhất không; nhưng nếu bao trùm trên nó thì sự nhỏ bé có to lớn hơn cái Đơn nhất không?”
- “Khỏi hoài nghi”.
- “Vậy có thể sự nhỏ bé có được sự to lớn ngang bằng hay cao hơn bất cứ cái gì không và có thể nó dự những chức năng của sự to lớn và sự ngang bằng thay vì những chức năng của riêng nó không?”
- “Không thể”.
- “Vậy sự nhỏ bé sẽ không tồn tại trong toàn bộ của cái Đơn nhất được; có chăng chỉ tồn tại trong một thành phần mà thôi”.
- “Dĩ nhiên”.
- “Nhưng cũng sẽ không phải trong toàn bộ của thành phần, nếu không nó cũng sẽ có cùng kết quả nó đã có đối với cái toàn bộ; trong một thành phần nào bất cứ trong đó nó xảy ra, luôn luôn nó sẽ ngang bằng nó hay lớn hơn nó”.
- “Tất nhiên”.
- “Vậy thì không bao giờ sự nhỏ bé sẽ tồn tại trong một cái gì tồn tại cả, vì nó không thể xảy ra hoặc trong thành phần hoặc trong toàn bộ được[6]. Không có gì nhỏ bé trong đó cả, ngoại trừ sự nhỏ bé tự nội”.
- “Hình như không có gì cả”.
- “Rồi cả sự to lớn cũng không ở trong đó. Nếu không có lẽ sẽ có một “cái to lớn hơn” bên ngoài và thêm vào cho chính sự to lớn, tức là một cái gì trong đó sự to lớn có thể lấy làm chỗ cư ngụ. Và đối diện với nó, cái gì to lớn hơn kia sẽ không có cái nhỏ bé mà nó phải lớn hơn, một khi nó là cái to lớn. Nhưng nó không thể có cái nhỏ bé đó, vì không đâu có sự nhỏ bé cả”.
- “Đúng”.
- “Hơn nữa, sự to lớn tự nội không thể vượt trên một cái gì khác về to lớn cả mà chỉ có thể vượt trên sự nhỏ bé tự nội về to lớn, sự nhỏ bé tự nội không thể thua kém cái gì khác về nhỏ bé mà chỉ thua kém sự to lớn tự nội mà thôi”.
- “Quả vậy”.
- “Vậy thì những cái Khác không to lớn hơn cũng không nhỏ bé hơn cái Đơn nhất, một khi chúng không có sự to lớn cũng không có sự nhỏ bé. Rồi chính sự to lớn và sự nhỏ bé, khi chúng có khả năng hơn hay kém như thế thì không phải đối với cái Đơn nhất, mà chỉ là giữa chúng với nhau mà thôi [7]. Rồi về phía cái Đơn nhất cũng vậy, cả trong quan hệ đối với sự to lớn và sự nhỏ bé cả trong quan hệ đối với những cái Khác, nó không thể là hoặc to lớn hơn, hoặc nhỏ bé hơn, vì nó không có sự to lớn cũng không có sự nhỏ bé”.
- “Rõ rệt là không”.
- “Nhưng nếu cái Đơn nhất không to lớn cũng không nhỏ hơn những cái Khác, thì có tất nhiên rằng nó và những cái Khác kia, không có hơn cũng không có kém không?”
- “Tất nhiên”.
- “Nhưng cái gì không vượt trên cũng không bị vượt trên thì tất nhiên phải song song, và cái gì song song thì ngang bằng”.
- “Dĩ nhiên”.
- “Nhưng giữa mình với mình, cái Đơn nhất sẽ có cùng những quan hệ; vì trong bản thân nó, nó không có sự to lớn cũng không có sự nhỏ bé, nên đối với chính nó, nó cũng sẽ không có hơn hay kém; mà nó sẽ song song với chính mình và, do đó, ngang bằng với chính mình”.
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Vậy cái Đơn nhất sẽ ngang bằng với chính mình và với những cái Khác”.
- “Hình như thế”.
- “Tuy nhiên trong bản thân và do đó đối với bản thân, nó là cái bao trùm, xét theo ngoại tại. Nhưng là cái bao trùm, nó sẽ lớn hơn mình; là cái bị bao trùm, nó sẽ nhỏ hơn mình. Như thế cái Đơn nhất sẽ vừa lớn hơn vừa nhỏ hơn mình”.
- “Đúng vậy”.
- “Còn điều này nữa có cần thiết phải đặt ra không, đó là bên ngoài cái Đơn nhất và những cái Khác không có gì cả, phải không?”
- “Sao lại không chấp nhận”.
- “Đằng khác tất cả những gì tồn tại được thì đương nhiên phải ở một chỗ nào chứ” [8].
- “Phải”.
- “Nhưng hễ ở trong một sự vật gì, có phải là một cái nhỏ hơn ở trong một cái lớn hơn không? Một sự vật ở trong một sự vật khác không thể bằng cách nào khác”.
- “Không thể nào”.
- “Vậy, vì không có gì cách biệt cái Đơn nhất và những cái Khác được, và nhất định chúng phải ở trong một cái gì đó, nên vì vậy có bó buộc chúng phải nội tại với nhau, một cách hỗ tương nghĩa là những cái Khác nội tại trong cái Đơn nhất, cái Đơn nhất nội tại trong những cái Khác, nếu không chúng sẽ không ở đâu được cả”.
- “Hình như điều đó không tránh khỏi”.
- “Vậy thì cái Đơn nhất ở trong những cái Khác, như thế những cái khác là cái bao trùm, nên chúng sẽ hơn cái Đơn nhất, và cái Đơn nhất, là cái bị bao trùm, sẽ là nhỏ hơn những cái Khác. Mặt khác, vì những cái Khác ở trong cái Đơn nhất, vì cùng một lý do, cái Đơn nhất sẽ lớn hơn những cái Khác, và những cái Khác sẽ nhỏ hơn cái Đơn nhất”.
- “Hầu như vậy”.
- “Vậy cái Đơn nhất là ngang bằng với mình và với những cái Khác, lớn hơn và nhỏ hơn chính mình và những cái Khác”.
- “Phải nghĩ như vậy”.
- “Hơn nữa, vì rằng lớn hơn, nhỏ hơn, ngang bằng, nó sẽ có những kích thước ngang bằng, hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn; mà đã có những kích thước tất nhiên phải có những thành phần, trong quan hệ đối với chính bản thân mình và đối với những cái Khác”.
- “Không thể chối cãi”.
- “Có những thành phần bằng nhau, nhiều hơn, ít hơn sẽ làm cho nó thấp hơn hay cao hơn về số nhiều đối với chính mình và đối với những cái Khác và, cũng theo quan hệ về số nhiều, sẽ làm cho nó ngang bằng với chính mình và với những cái Khác”.
- “Như thế nào nhỉ?”.
- “Ta tưởng tượng, nó sẽ có nhiều kích thước hơn những gì mà nó sẽ lớn hơn, và, do đó, có bao nhiêu kích thước hơn, thì có bấy nhiêu thành phần hơn; có bao nhiêu lần ít hơn, ở đâu nó sẽ nhỏ hơn; có bao nhiêu y hệt, ở đâu nó sẽ ngang bằng”.
- “Tuyệt”.
- “Vậy lớn hơn chính mình, nhỏ hơn chính mình, ngang bằng với chính mình, nó sẽ có những kích thước ngang bằng hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn chính mình, mà đã có những kích thước tất nhiên phải có những thành phần”.
- “Không thể chối cãi được”.
- “Nhưng một khi có những thành phần ngang bằng với mình, nó sẽ có cùng số lượng như mình; có nhiều thành phần hơn, thì số lượng nhiều hơn; ít thành phần hơn, thì con số nhỏ hơn mình”.
- “Có thể như vậy”.
- “Có phải cũng bằng một quan hệ tương tự mà cái Đơn nhất sẽ có với những cái Khác không? Nghĩa là vì nó xuất hiện lớn hơn chúng, nên tất nhiên nó phải có con số lớn hơn? Vì nhỏ hơn, nên con số nhỏ hơn; và vì ngang bằng về độ lớn, tất nhiên nó cũng phải ngang bằng với những cái Khác về số lượng”.
- “Đó là lẽ tất nhiên”.
- “Như vậy, hình như cái Đơn nhất sẽ ngang bằng và vượt hơn, và thua kém hơn về số đối với chính mình và đối với những cái Khác”.
- “Đúng thế”.
Thời gian và tồn tại của đơn nhất
- “Hỏi rằng cái Đơn nhất có thông dự vào thời gian không? Thông dự vào thời gian, nó có tồn tại và trở thành trẻ tuổi hơn và già nua hơn chính mình và hơn những cái Khác không?”
- “Như thế là sao?”
- “Có thể nói rằng trước hết nó phải tồn tại với chính mình, vì nó là Đơn nhất”.
- “Phải”.
- “Nhưng “tồn tại” đó là gì nếu không phải bị thông dự vào tồn tại với thời gian hiện tại, cũng như “đã là” cũng là thông dự như thế với thời gian quá khứ, không khác gì “sẽ là” là sự hòa hợp với tồn tại trong thời gian tương lai không?”
- “Chính thế đấy”.
- “Vậy nó thông dự vào thời gian, vì nó thông dự vào tồn tại”.
- “Đúng vậy”.
- “Nghĩa là vào thời gian đang trôi đi phải không?”
- “Phải”.
- “Vậy nó sẽ luôn luôn trở thành già nua hơn chính mình, vì nó tiến bước đi trong thời gian tiến bước”.
- “Tất nhiên”.
- “Chúng ta không nhớ điều sau đây sao? Chính trong quan hệ với một cái gì đang trở thành trẻ hơn mà cái già nua hơn mới trở thành già nua hơn không?”
- “Thưa nhớ chứ”.
- “Vậy thì vì Đơn nhất trở thành già nua hơn chính mình, nên sự trở thành già nua hơn của nó chỉ tiến hành được trong quan hệ với chính sự trở thành trẻ tuổi hơn của nó, phải không?”
- “Tất nhiên”.
- “Vậy thì nó sẽ trở thành trẻ tuổi hơn, phải không?”
- “Tất nhiên”.
- “Nhưng thời gian theo đó “là” trẻ tuổi hơn có phải cái “hiện giờ”, một thời gian nằm giữa cái “đã là” và cái “sẽ là” trong sự trở thành của nó, không? Vì trong quá trình từ khoảnh khắc trước tiếp khoảnh khắc sau, không thể quan niệm rằng nó sẽ nhảy vượt bên trên cái hiện giờ được” [9].
- “Chắc là không”.
- “Vậy đó có phải một sự dừng lại trong quá trình trở thành già nua của nó, sự gặp gỡ này với cái hiện giờ không? Như thế có phải nó không còn trở thành nữa, mà khi đó nó già nua hơn không? Vì rằng nếu sự tiến triển của nó liên tục thì cái hiện giờ sẽ không bao giờ có tác dụng gì trên nó được. Vì rằng cái gì tiến triển cũng tự nhiên đụng chạm ở hai đầu: một đầu là với cái hiện giờ; đầu kia là với cái đến sau. Nó chỉ buông cái hiện giờ để nắm lấy cái đến sau; và chỉ trong khoảng giữa cái đến sau và cái hiện giờ mà nó trở thành”.
- “Đúng thế”.
- “Vậy nếu đã bó buộc rằng tất cả những gì trở thành không được đi trệch đường ra ngoài cái hiện giờ, thì bất cứ khi nào nó tồn tại trong đó, nó đều phải ngưng chỉ sự trở thành của nó và trái lại, trong lúc đó, nó là chính cái bị bao gồm trong sự trở thành của nó”.
- “Có thể như vậy”.
- “Vậy khi trong quá trình trở thành già nua hơn của nó, cái Đơn nhất đã bắt gặp cái hiện giờ thì nó ngừng lại không trở thành nữa, lúc đó nó là già nua hơn rồi”.
- “Hiển nhiên”.
- “Vậy chỉ đối với cái gì mà nó trở thành già nua hơn, thì cũng đối với cái đó, nó là già nua hơn, như vậy là đối với chính nó mà nó trở thành già nua hơn, phải không?”
- “Phải”.
- “Nhưng một cái gì già nua hơn thì đều già nua hơn một cái trẻ tuổi hơn, phải không?”
- “Chắc chắn thế”.
- “Vậy thì vào chính lúc nó đã đi vào thành già nua hơn mà cái Đơn nhất là trẻ tuổi hơn, tức là lúc nó đi vào cái hiện giờ”.
- “Không thể tránh được”.
- “Vậy thì luôn luôn cái Đơn nhất là và trở thành già nua hơn và trẻ tuổi hơn chính mình”.
- “Có lẽ đúng”.
- “Nhưng nó có là, nó có trở thành lâu dài hơn chính mình không, hay cũng chỉ lâu dài bằng thôi?”
- “Cũng lâu dài bằng thôi”.
- “Nhưng trở thành hay cũng lâu dài bằng tức có cùng một tuổi”.
- “Làm sao phủ nhận được điều đó?”
- “Cái gì cùng một tuổi thì không thể già nua hơn cũng không thể trẻ tuổi hơn chính mình được”.
- “Đó chính là ý kiến của tôi”.
- “Vậy những cái Khác thì sao?”
- “Tôi không biết phải nói như thế nào”.
- “Đây ít ra cũng là điều chàng có thể nói được, những cái Khác với cái Đơn nhất một khi chúng là những cái khác, chứ không phải là cái khác biệt thì chúng nhiều hơn cái Đơn nhất. Vì nếu chỉ là sự khác biệt đơn lẻ thì chúng sẽ là một mà thôi; nhưng nếu là sự khác biệt của nhiều cái thì chúng sẽ là nhiều cái đơn nhất và chúng sẽ kết cấu thành số nhiều, chúng sẽ có đa số trong số nhiều hơn là cái Đơn nhất”.
- “Dĩ nhiên chúng kết cấu thành số nhiều”.
- “Và một khi chúng là số nhiều, thì chúng sẽ có đa số trong số nhiều hơn là cái Đơn nhất”.
- “Điều đó hiển nhiên”.
- “Vậy chúng ta có nói được rằng những con số lớn nhất sinh ra hay đã sinh ra trước nhất, hay là những con số nhỏ nhất?”
- “Thưa những con số nhỏ nhất”.
- “Vậy chính con số nhỏ nhất mới là con số đầu; mà con số đó là cái Đơn nhất, phải không?”
- “Phải chứ”.
- “Vậy cái Đơn nhất đã sinh ra đầu tiên trong tất cả những gì có con số, vì chúng là những cái khác chính chúng cũng có những con số, vì chúng là những cái khác, chứ không phải chỉ là một cái khác”.
- “Quả nhiên, chúng có số nhiều”.
- “Ta nghĩ rằng: một khi sinh ra đầu tiên, nó đã sinh ra sớm hơn, và những cái khác, sinh ra muộn hơn: nhưng những cái gì sinh ra sau thì trẻ tuổi hơn cái sinh ra đầu tiên. Như vậy cũng những cái Khác sẽ trẻ tuổi hơn cái Đơn nhất, và cái Đơn nhất thì già nua hơn những cái Khác”.
- “Dĩ nhiên hơn rồi”.
- “Một câu hỏi khác. Sự sinh ra của cái Đơn nhất đã có thể xảy ra trái ngược với cái bản chất của cái Đơn nhất không hay đã không thể có như thế?”
- “Thưa nó đã không thể như thế”.
- “Những cái Đơn nhất đã xuất hiện với ta như được kết cấu bằng nhiều thành phần; nếu có những thành phần thì nó phải có khởi đầu, có kết thúc và có phần giữa”.
- “Phải”.
- “Vậy thì có phải cái khởi đầu là cái sinh ra đầu tiên nhất, và trong chính cái Đơn nhất và trong mỗi cái của những cái Khác, phải không? Thế rồi, sau cái khởi đầu đó, mới đến lượt tất cả những cái Khác, phải không?”
- “Thế nào nhỉ?”
- “Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ nói rằng tất cả những cái còn lại đó là những thành phần của toàn bộ và của cái Đơn nhất, và rằng còn nó thì sinh ra với sự kết thúc, đơn nhất và toàn bộ”.
- “Dĩ nhiên chúng ta sẽ nói như thế”.
- “Ta nghĩ rằng sự kết thúc thì sinh ra sau cùng, và bản chất của cái Đơn nhất muốn rằng nó phải sinh ra đồng thời, rằng nếu sinh ra trái ngược với bản chất của nó là một điều tất yếu cấm đoán đối với cái Đơn nhất tự nội, thì chỉ bằng cách sinh ra cuối cùng, sau hết tất cả mọi cái Khác, nó mới sinh ra bằng một sự sinh tự nhiên của nó”.
- “Có lẽ như thế”.
- “Vậy thì cái Đơn nhất sẽ trẻ tuổi hơn những cái Khác, và những cái Khác sẽ già nua hơn cái Đơn nhất”.
- “Đối với tôi, điều đó cũng sẽ chỉ có thể như thế thôi”.
- “Nhưng sự khởi đầu hay bất kỳ một thành phần nào khác của cái Đơn nhất hay bất kỳ một cái gì khác, miễn là nó thành phần chứ không phải những thành phần, thì có thiết yếu nó là đơn nhất, với tư cách thành phần không?”
- “Tất nhiên”.
- “Vậy cái Đơn nhất sẽ sinh ra cùng với cái gì sinh đầu tiên, cũng y như với cái gì sinh thứ nhì, theo chừng mực tất cả những cái Khác sinh ra, nó không muộn hơn một cái nào cả, bất kỳ chúng là gì, theo cấp bậc nào mà sự sinh ra của chúng ghép chúng vào đó; cho tôi cái cuối cùng nó theo đuổi quá trình của nó, cho tới chỗ nào nó sinh ra là đơn nhất và toàn bộ, đối với tất cả, ở trung tâm, ở cuối hết, ở khởi đầu, nó đều tháp tùng chúng trong sự sinh hóa không ngoại lệ không chậm trễ”.
- “Đúng thế”.
- “Vậy thì đối với tất cả những cái Khác, cái Đơn nhất đều ngang tuổi tác; đến nỗi nếu không giả thiết được rằng cái Đơn nhất sinh ra một cách phản tự nhiên thì không phải trước cũng không phải sau tất cả những cái Khác nà nó có thể sinh ra được: như vậy nó phải sinh ra đồng thời với chúng. Như vậy, theo biện chứng hiện tại, cái Đơn nhất cũng sẽ không hoặc già nua hơn hoặc trẻ tuổi hơn đối với những cái Khác; cả những cái Khác cũng không như thế đối với cái Đơn nhất; trong khi đó theo luận chứng trên kia, thì cái Đơn nhất sẽ vừa già nua hơn vừa trẻ tuổi hơn, và những cái Khác cũng như thế đối với nó”.
- “Nhất định thế rồi”.
Thời gian và sự trở thành của cái Đơn nhất
- “Vậy thì nó tồn tại làm sao thì nó đã sinh ra như vậy. Bây giờ làm thế nào giải quyết vấn đề trở thành; nếu cái Đơn nhất đối với những cái Khác và những cái Khác đối với cái Đơn nhất trở thành vừa già nua hơn vừa trẻ tuổi hơn, và không trở thành trẻ tuổi hơn cũng không trở thành già nua hơn, thì thế nào? Đã có giá trị cho tồn tại, câu trả lời còn giá trị cho sự trở thành không hay phải một câu trả lời khác?”
- “Tôi không dám nói gì khác”.
- “Nhưng ta thì ít ra cũng có điều này phải nói: nếu một cái gì già nua hơn cái khác, thì từ đó trở thành già nua hơn đến một điều đến độ vượt quá sự khác biệt về tuổi tác ban đầu và bẩm sinh của nó là một điều không thể đối với nó; cũng như đối với một cái gì trẻ tuổi hơn, thì không còn thể trở thành trẻ hơn được nữa. Vào với những số lượng bất ngang bằng, hoặc thời gian hoặc bất kỳ cái gì, nếu đem cộng thêm những số lượng ngang bằng, thì sự khác biệt do đó mà có sẽ luôn luôn ngang bằng với sự khác biệt lúc ban đầu”.
- “Điều đó không thể chối cãi”.
- “Vậy cái gì tồn tại sẽ không bao giờ trở thành trẻ tuổi hơn hay già nua hơn chỉ có cái gì tồn tại, vì giữa chúng với nhau, sự khác biệt về tuổi tác vẫn ở mức bất biến. Chúng đã trở thành và chúng là, một bên già hơn, một bên trẻ hơn, chúng không trở thành như thế”.
- “Đúng thế”.
- “Vậy cái Đơn nhất tồn tại không bao giờ trở thành già hơn hay trẻ hơn những cái Khác cũng tồn tại”.
- “Chắc chắn không”.
- “Vậy theo một quan điểm tiếp theo, hãy cứu xét xem chúng trở thành vừa già hơn vừa trẻ hơn?”
- “Theo quan điểm nào?”
- “Theo quan điểm này: cái Đơn nhất đã xuất hiện với ta già hơn những cái Khác, và cũng cái Khác, già hơn cái Đơn nhất”.
- “Thế nào?”
- “Khi cái Đơn nhất già hơn những cái Khác, ta tưởng tượng, đó là vì nó tồn tại từ nhiều thời gian hơn những cái Khác”.
- “Phải”.
- “Hãy cứu xét một điều mới nữa. Nếu, vào một thời gian dài hơn và vào một thời gian ngắn hơn, chúng ta cộng thêm cùng một thời gian dài hơn, phân số trong đó cái dài nhất sẽ khác với cái ngắn nhất sẽ còn như nhau không hay nhỏ bé hơn?”
- “Sẽ nhỏ bé hơn”.
- “Nếu vậy quan hệ tuổi tác mà khởi thủy cái Đơn nhất có với những cái Khác sẽ không còn thường hằng về sau nữa. Một khi cái Đơn nhất tự cộng thêm cho mình cùng những số lượng thời gian như những cái Khác theo chừng mực sự khác biệt về tuổi tác lúc ban đầu của nó trong quan hệ với những cái Khác càng giảm xuống dần. Có đúng thế không?”
- “Đúng”.
- “Cái mà sự khác biệt về tuổi tác trong quan hệ với cái Khác giảm xuống thì nó có trở thành trẻ hơn trước trong quan hệ của nó đối với những gì mà trước kia nó đã là hơn không?”
- “Thực sự nó trở thành trẻ hơn”.
- “Nhưng nếu nó trở thành trẻ hơn, thì chúng, những kẻ khác trong quan hệ đối với cái Đơn nhất, có sẽ trở thành già hơn trước không?”
- “Hoàn toàn có”.
- “Như thế, đối với cái đến sớm, vì thế nó già hơn, thì cái trẻ nhất trở thành già hơn. Không bao giờ nó là già hơn, mà nó chỉ trở thành già hơn luôn luôn hơn cái thứ nhất; vì cái này tiến triển trong chiều hướng trẻ hơn, còn cái kia, trong chiều hướng già hơn. Đến lượt nó, cũng một cung cách, cái già nua hơn trở thành cái trẻ tuổi hơn. Một khi cái chúng quy hướng về bị đảo ngược, thì sự trở thành của chúng cũng bị đảo ngược: nghĩa là đối với cái trẻ tuổi hơn, trở thành cái già hơn; đối với cái già hơn, trở thành trẻ tuổi hơn cái trẻ tuổi hơn. Nhưng kết thúc sự trở thành đó, chúng không thể; vì một khi sự trở thành của chúng đã được thực hiện, thì chúng sẽ không trở thành nữa, mà chúng sẽ là. Vậy thực sự chúng trở thành già hơn và trẻ hơn nhau một cách hỗ tương. Cái Đơn nhất trở thành trẻ hơn những cái khác vì nó đã xuất hiện già hơn và sinh ra sớm hơn; còn những cái Khác trở thành già hơn cái Đơn nhất, vì chúng sinh ra muộn hơn. Cùng theo một lý do những cái Khác xuất hiện trong quan hệ đối với cái Đơn nhất, vì chúng đã xuất hiện già hơn nó và sinh ra đầu tiên”.
- “Có lẽ đó chính là lý do hỗ tương của chúng.”
- “Như thế một khi sự khác biệt giữa hai sự vật nào bất cứ là một con số thường hằng, thì không một cái nào trong hai cái có thể trở thành già nua hơn hay trẻ tuổi hơn cái kia, cũng theo một lý do đó, cái Đơn nhất đối với những cái Khác, cả những cái Khác đối với cái Đơn nhất không thể trở thành hoặc già nua hơn hoặc trẻ tuổi hơn. Nhưng mặt khác, chỉ có thể bằng một con số biến thiên vô hạn mà cái xưa cũ hơn khác với cái mới mẻ hơn, và cái mới mẻ hơn khác với cái xưa cũ hơn: có phải chính vì sự kiện đó mà không thể tránh được việc chúng trở thành vừa già nua hơn vừa trẻ tuổi hơn, đối với lẫn nhau, cả những cái Khác đối với cái Đơn nhất cả cái Đơn nhất đối với những cái Khác, không?”
- “Nhất định vậy”.
- “Vậy thì theo tất cả lý luận trên đây, cái Đơn nhất tồn tại và không tồn tại, cũng không trở thành già nua hơn hay trẻ tuổi hơn chính mình hay hơn những cái Khác”.
- “Hoàn toàn chính xác”.
Tồn tại đối với cái gì khác
- “Nhưng vì rằng cái Đơn nhất thông dự vào thời gian, rồi vào sự trở thành già nua hơn và trở thành trẻ tuổi hơn, thì có tất nhiên nó cũng tham dự vào cái xưa kia, cái sau này, cái hiện nay không, một khi nó có chân đứng trong thời gian?”
- “Tất nhiên”.
- “Vậy thì cái Đơn nhất đã là, sẽ là, đã trở thành, đang trở thành và sẽ trở thành”.
- “Thế nào nhỉ?”.
- “Và rồi từ nó và cho nó, có thể có, đã có, và sẽ có quy định riêng biệt”.
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Vậy có thể có cả tri thức cả ý kiến cả cảm giác về nó, vì hiện nay chính chúng ta cũng không thể để cho tất cả những cách thái tri thức đó hoạt động được, mỗi khi bàn về nó”.
- “Nói như thế đúng”.
- “Vậy thì ở đó có một danh xưng, một định nghĩa thuộc riêng của nó; thực tế thì người ta gọi được tên nó và phát biểu nó rồi; và về những khả năng thuộc loại đó, thì tất cả những gì có thực đối với những cái Khác thì cũng có thực đối với cái Đơn nhất”.
- “Hoàn toàn như thế”.
(xem tiếp phần 4)
LÊ TÔN NGHIÊM dịch
Nguồn : Lê Tôn Nghiêm dịch từ: Platon. Oeuvres complètes. Traduction nouvelle et notes par Léon Robin. Gallimard. 1950. Phiên bản điện tử tiếng Việt do bạn Nguyễn Văn Sướng thực hiện.
[1] Quyển Parménide của
Platon phân biệt ba cái Đơn nhất: cái Đơn nhất thứ nhất là một đơn nhất
theo nghĩa tuyệt hảo nhất; cái Đơn nhất thứ hai được gọi là cái đa tạp;
cái Đơn nhất thứ ba được gọi là cái Đơn nhất và đa tạp. Như vậy ông
cũng nhất trí với lý thuyết về ba bản tính (Plotin, Ennéades V,
I, 8, 490a). Theo đó giả thuyết thứ nhất sẽ bàn về cái Bất khả diễn tả;
giả thuyết thứ hai về Trí năng; giả thuyết thứ ba về Linh hồn.
Về những chi tiết của hệ thống hãy đọc (Cousin, 1052 tiếp theo).
Về những chi tiết của hệ thống hãy đọc (Cousin, 1052 tiếp theo).
[2] Sự so sánh những từ ngữ “tồn tại, đồng tính, khác biệt” sự được lập lại trong quyển Nhà nguỵ biện (225-6) để quy định sự “cộng tồn giữa những chủng loại”.
[3]
Chính Aristote cũng giảng dạy theo kiểu của ông về sự song song đó giữa
tồn tại và cái đơn nhất; cái Đơn nhất có bao nhiêu thứ loại, thì tồn
tại cũng có từng ấy (1003b, 33); tồn tại và đơn nhất đều chỉ là một và
cùng bản tính như nhau, chúng luôn luôn đi kèm với nhau (Ib. 23), v.v…
Plotin sẽ nói rằng: bất cứ thực tại nào cũng đều có tồn tại tùy theo
“dấu vết” mà cái Đơn nhất đã để rơi rớt lại trong chúng (Ennéades V, V, 5, 524b).
[4] Lưỡng luận về những thành phần và toàn bộ là đề tài thông thường trong những tranh luận về biện chứng. Xem Aristote, Top. 150a, 15-21; Phys. 185b, 11-14; Sextus, Adve. Math. IX, 331-358.
[5]
Lập luận này nhằm loại bỏ ba trong những thành phần của sự phân chia để
chứng minh sự thật của cái thứ bốn. “Nó đã bị các người xưa phê phán
rất nhiều. Họ đã chống đối nguyên tắc của phương pháp cả chi tiết của
chứng minh. “Vì hình như ở đây Parménide muốn đùa chơi, và một vài người
còn cho rằng đây chỉ là một sự khoe khoang về lối ngụy biện rởm rang mà
thôi”. (Damascius, trad. Chaignet, III, 27, Tuelle, II, 186).
[6]
Hãy so sánh lập luận này với lập luận chứng minh (ở số 131 b-c) rằng
cái cảm giác không thông dự trong một thành phần cũng như không thông dự
trong toàn diện của Hình thức.
[7]
So sánh với chú thích về số 133 d-e ở trên, theo đó Parménide đã nói:
những quan hệ trong thế giới lý tưởng không hề có một tác dụng nào trên
các sự vật của trần thế này. Ở đây ông chứng minh chúng không có tác
dụng nào trên cái Đơn nhất. Ở đây tính ngụy biện của lý luận có vẻ lộ
liễu hơn.
[8] So sánh với đối thoại Timée 52b: nguyên tắc theo đó tất cả mọi tồn tại “đều thiết yếu hiện diện ở đâu đó chứ” không áp cho tồn tại đúng lý được.
[9] Về cái hiện giờ. Xem Aristote, Phys.
217b, 29-220a, 27 Damascius thì sẽ nói rằng (Ruelle, II, 236; Chaignet,
III, 98) thời gian sẽ không tiến triển chút nào cả nếu sự tiến triển
của nó lại phải thực hiện theo những “hiện giờ”, mà trong đó mỗi cái lại
có thể phân chia ra vô hạn được. Vận động chỉ tiến triển “bằng những
bước nhảy vọt không phân chia được”. Còn thời gian thì tiến triển “bằng
những độ lượng hoàn chỉnh”, đó là những gì đo lường những bước nhảy vọt
của vận động. Mỗi bước nhảy vọt theo độ lượng có thể được gọi là một
“hiện giờ”, nhưng lại không phải một “hiện giờ giới hạn”; đó là một thời
gian tự nó không thể phân chia được, và chỉ có tư tưởng của ta mới phân
chi nó ra vô hạn được.
0 comments
Post a Comment