Chương I
Mỗi một nhà nước là một hình thức quần tụ nào đó của con người-một cộng
đồng, và mỗi một cộng đồng được thiết lập nhằm đạt tới một cái tốt nào
đó; vì hoạt động của con người luôn luôn nhằm đạt được cái mà nó nghĩ là
tốt. Nhưng, nếu tất cả các cộng đồng đều nhắm đến một cái tốt, thì nhà
nước hay cộng đồng chính trị--cộng đồng cao nhất và bao trùm tất cả các
cộng đồng--phải nhắm tới cái tốt cao cả hơn mọi cái tốt khác, và phải là
cái tốt ở mức độ cao nhất.
Người ta thường nghĩ là các đức tính của một nhà lãnh đạo chính trị, một ông vua, một gia trưởng, và của một chủ nhân ông đều giống nhau, và nếu họ có khác nhau, thì cũng không phải vì vị thế của họ khác nhau, mà ở số lượng của các đối tượng dưới quyền. Thí dụ, kẻ làm chủ vài người được kêu là ông chủ; hơn vài người thì được kêu là quản gia; hơn thật nhiều người nữa thì được gọi là nhà lãnh đạo hay một ông vua. Lối gọi kiểu này không phân biệt được sự khác nhau giữa một đại gia tộc và một nhà nước nhỏ. Sự khác biệt giữa một vị vua và một nhà lãnh đạo nhà nước là ở chỗ này: Khi chính quyền thuộc về một người, thì nhà cai trị được gọi là vua; còn khi mà theo quy luật của khoa học chính trị, chính quyền do công dân--đồng thời là người cai trị và bị trị--thì người cai trị được gọi là nhà lãnh đạo chính trị.
Nhưng tất cả những lập luận này đều sai lầm cả, vì các chính quyền cũng có nhiều loại khác nhau; điều này cũng hiển nhiên cho bất cứ ai nghiên cứu vấn đề bằng phương pháp chúng ta sử dụng.[1] Cũng giống như trong các ngành khác của khoa học, chính trị cũng vậy, một hợp chất luôn luôn có thể được phân giải ra thành những phần tử đơn giản hay nhỏ nhất của tổng thể. Do đó, chúng ta phải xem xét các phần tử cấu thành nhà nước, hầu có thể thấy được các luật lệ khác nhau của các loại chính quyền khác nhau như thế nào, và có thể rút ra được một kết luận khoa học nào chăng về mỗi loại chính quyền.
[1] Tức là Phương pháp phân tích-truy nguyên. Aristotle chứng minh rằng gia đình là sự tụ hội cần thiết và tự nhiên, và nếu ông có thể chứng minh rằng làng mạc là sự tăng trưởng tự nhiên của gia đình, và polis là sự tăng trưởng của các làng mạc, thì sự phát triển của polis (sẽ được Aristotle đi vào chi tiết trong các phần kế) cũng là sự phát triển tự nhiên.
Chương II
"Cũng là xứng đáng thế thôi,
Cho người man rợ làm tôi Hy Lạp"
Vì họ nghĩ rằng các kẻ man rợ và nô lệ trời sinh ra như nhau.
Từ quan hệ giữa nam và nữ và quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ, gia đình là kết quả đầu tiên, và thi sĩ Hesiod đã nói: "Có nhà, có vợ, có trâu đi cày."
Con trâu có thể coi như là nô lệ của người nghèo vậy. Gia đình là sự quần tụ được thiên nhiên thiết lập nhằm cung ứng cho con người các nhu cầu thường ngày, và thành viên của gia đình được Charondas gọi là "những người ăn cùng mâm," và được Epimenides, người đảo Crete, gọi là "những người uống chung máng." Nhưng khi nhiều gia đình tụ họp lại, và sự quần tụ này nhằm đến mục tiêu cao hơn là cung cấp cho các nhu cầu hàng ngày, thì xã hội đầu tiên-làng mạc-được thành lập. Và hình thức tự nhiên nhất của làng mạc là một nhánh từ gia đình, gồm có các con và các cháu "cùng bú chung bầu sữa." Và đó cũng là lý do tại sao các thị-quốc Hy Lạp (city-state)-cũng như dân các xứ man rợ khác hiện nay-được cai trị bởi các vị vua. Các thị quốc được thành lập từ những người đã từng được cai trị dưới vương quyền [nghĩa là, họ tụ họp lại từ những gia đình và làng mạc], và gia đình thì luôn có đặc tính quân chủ vì mọi sự do người tộc trưởng quyết định. Làng mạc cũng vậy, vì làng mạc cũng do nhiều gia đình tạo nên, nên cũng được cai trị bởi người lớn tuổi trong gia tộc. Mối quan hệ gia tộc đơn sơ này được Homer miêu tả trong đoạn thơ về người khổng lồ một mắt (Cyclopes), khi con người còn sống rải rác thành từng nhóm nhỏ, hệt như những con người thời cổ: "Mỗi người nam là người cai trị của vợ và con."[2] Sự kiện con người thời cổ do vua cai trị, và thời nay một số dân vẫn còn được vua cai trị, khiến cho ta xác nhận được là các vị thần thánh cũng được cai trị bởi một ông vua, vì họ tưởng tượng ra không những hình ảnh của thần thánh, mà còn cách sống của thần thánh theo như cách họ sinh sống.
Khi nhiều làng mạc liên kết lại với nhau thành một cộng đồng duy nhất và toàn vẹn, một cộng đồng đủ lớn để có thể tự túc được, thì nhà nước (polis) được khai sinh từ những nhu cầu cơ bản của đời sống, và tiếp tục tồn tại cho một đời sống tốt đẹp. Và như thế, nếu các hình thức ban đầu của xã hội là tự nhiên, thì nhà nước cũng vậy, vì nhà nước là kết quả cuối cùng của mọi xã hội, và tính "tự nhiên" của sự vật chính là chung cục của nó. Vì ta gọi là tự nhiên khi một sự vật được phát triển đầy đủ tới dạng cuối cùng của nó, dù đó là một con người, một con ngựa, hay một gia đình. Ngoài ra, kết quả cuối cùng của một vật là cái tốt nhất, và đạt đến tự túc là kết quả cuối cùng [của một polis] và là cái tốt nhất.[3]
Từ những nhận định trên, nhà nước hiển nhiên nằm trong họ những vật hiện hữu tự nhiên, và con người, là một động vật mà do bản tính tự nhiên phải sống trong một nhà nước (con người là một động vật chính trị). Nếu có kẻ nào vì bản tính tự nhiên, chứ không vì tai nạn ngẫu nhiên nào đó, mà chọn sống ở ngoài cộng đồng chính trị, thì kẻ đó hoặc là chẳng ra gì, hoặc là một siêu nhân hơn người. Đó là kẻ mà Homer đã lên án là "kẻ đãng tử, vô gia cư, vô luật pháp." Những người như vậy là những kẻ hiếu chiến, chẳng khác nào một con chốt cô đơn trên bàn cờ.
Đến đây ta thấy, một cách hiển nhiên, con người là một sinh vật chính trị, và là một sinh vật chính trị ở mức độ cao hơn loài ong hay các loài thú sống bầy đàn khác. Thiên nhiên, như ta thường nói, không làm điều gì vô ích, và con người là sinh vật duy nhất được ban cho tiếng nói. [Đọc thêm Rousseau: Nguồn gốc của ngôn ngữ loài người (HVCD)]. Mọi loài đều có khả năng tạo được âm thanh để diễn đạt đau đớn hay sướng khoái: thiên nhiên cho chúng khả năng cảm nhận đau đớn hay sung sướng và có thể truyền đạt những cảm nhận này đến đồng loại của chúng; nhưng chỉ đến thế mà thôi. Ngôn ngữ của con người dùng để chỉ ra điều lợi, điều hại, và cũng tương tự như thế điều gì là công chính và thế nào là bất công. Đặc biệt hơn nữa, chỉ con người mới có được ý thức về thiện và ác, về công bằng và bất công, và về các đức tính khác nữa. Sự phối hợp các sinh vật có ý thức này tạo nên gia đình và nhà nước.
Đến đây ta có thể lý luận thêm rằng [mặc dù cá nhân và gia đình hiện hữu trước theo thứ tự thời gian] nhà nước lại hiện hữu trước hơn cả cá nhân và gia đình theo thứ tự tự nhiên. Lý do của điều này như sau: cái tổng thể luôn nhất thiết phải hiện hữu trước cá thể [theo tự nhiên]. Nếu cả cơ thể bị tiêu hủy, thì sẽ chẳng còn cái chân hay cái tay nữa, ngoại trừ theo cái nghĩa mơ hồ mà người ta thường dùng cùng một từ để chỉ các vật khác nhau, như khi ta nói về một cái tay bằng đá; vì một cái tay khi bị tiêu hủy [khi cả thân thể bị tiêu hủy] thì có hơn gì một cái tay bằng đá đâu? Mọi điều có được đặc tính thiết yếu của chúng là nhờ ở chức năng và khả năng của nó. Từ đó ta có thể suy ra là nếu điều gì đã mất khả năng thực thi chức năng của nó, thì ta không nên nói là nó vẫn là vật như cũ, mà phải nói là, bởi vì sự không chính xác [của ngôn từ], chúng vẫn còn tên gọi giống nhau.
Như vậy, ta thấy nhà nước hiện hữu bởi tự nhiên và có trước cá nhân. [Chứng cứ của cả hai lập luận này là sự kiện nhà nước là tổng thể, còn cá nhân là cá thể]. Mọi cá nhân không thể nào tự túc được khi sống cô lập, bởi vì mọi cá nhân là vô vàn các cá thể cùng lệ thuộc vào cái tổng thể, là cái mà chỉ có nó mới đem lại sự tự túc cho tất cả. Một người sống biệt lập, hoặc là vì không có khả năng chia sẻ các phúc lợi do sự quần tụ chính trị đem lại, hoặc không cần chia sẻ gì hết vì hắn đã tự đạt được sự tự túc rồi, thì không còn là một thành phần của nhà nước nữa, và, như vậy, phải hoặc là thú hoặc là thần mà thôi. [Dù] bản năng xã hội đã được thiên nhiên ban cho con người [từ lúc mới sinh], tuy nhiên, kẻ nào đầu tiên thiết lập nhà nước vẫn phải được coi là người có công lớn nhất. Con người, khi toàn hảo, là động vật tốt đẹp nhất, nhưng nếu hắn bị cách ly khỏi luật pháp và công chính, thì lại trở nên một động vật xấu xa nhất. Bất công trở nên tệ hại hơn khi đó là sự bất công được vũ trang, vì con người sinh ra có được đôi tay [cũng như ngôn ngữ] để làm cho con người tốt hơn về đạo đức, nhưng đôi tay cũng có thể được dùng để làm những chuyện xấu xa. Đó là lý do tại sao nếu con người không có đức hạnh, hắn sẽ trở thành kẻ dã man nhất, đê tiện nhất, chỉ biết chiều theo nhục dục. Sự công chính [chính là sự cứu rỗi của con người] thuộc về nhà nước; vì công chính--sự phân biệt thế nào là công bằng, là lẽ phải--là trật tự của một xã hội chính trị.
[1] Delphic knife: một loại dao đa dụng được sản xuất tại Delphi, vùng đất được coi là thánh địa của cổ Hy Lạp nơi các thần thánh tương giao với con người qua các sấm truyền. Dân Hy Lạp lũ lượt đi hành hương về Delphi biến nơi này thành một thị tứ, do đó các thợ rèn tại Delphi đã làm ra loại dao đa dụng này (một hình thức dao pha của ta)
[2] Homer, trường ca Odyssey.
[3] Hy lạp thời Aristotle không phải là một nước như ta hiểu ngày nay mà bao gồm nhiều thành phố tự trị (thị quốc); tiếng Hy lạp là polis, mang đặc tính một cộng đồng chính trị, hơn là một nhà nước theo nghĩa hiện đại; tuy nhiên, từ chữ polis, các từ liên hệ khác là politikos (statesman) để chỉ các nhà lãnh đạo chính trị của nhà nước, và politics để chỉ chính trị.
Chương III
Trước hết hãy nói về chủ nhân và nô lệ, chú trọng vào nhu cầu của đời sống thực tiễn và tìm xem có thể có một lý thuyết nào hay hơn các lý thuyết hiện hành không. Một số người quan niệm rằng sự cai trị của người chủ là một khoa học, và sự quản trị một hộ, chức vụ làm chủ nô lệ, và phương thức cai trị chính trị hay cai trị một vương quốc, như tôi đã trình bày phần đầu, đều giống nhau. Một số khác lại khẳng quyết rằng sự cai trị của chủ nhân đối với nô lệ đi ngược lại với tự nhiên, và việc phân định sự khác nhau giữa nô lệ và người tự do là do luật định, chứ không phải do quy luật tự nhiên; và như thế, can thiệp vào quy luật tự nhiên là không công bằng.
[1] Hộ gia đình bao gồm tất cả những người sống trong cùng một căn nhà, chứ không nhất thiết chỉ là các thành viên có liên hệ huyết thống.
Chương IV
Tài sản là một phần của một hộ gia đình, và nghệ thuật tích lũy của cải
là một phần của nghệ thuật quản trị hộ gia đình, bởi vì chẳng ai có thể
sống đàng hoàng được, hay là tồn tại được, nếu không có được các điều
kiện cần thiết. Và cũng giống như trong bất kỳ một nghề nào,[1]
người thợ phải có dụng cụ thích hợp mới có thể làm được việc, quản trị
một hộ cũng vậy. Dụng cụ thì có nhiều loại khác nhau; có loại là dụng
cụ sống, có loại là dụng cụ vô tri vô giác; thí dụ như cái bánh lái của
người tài công lái tàu là dụng cụ chết, vô tri, còn người lính canh là
dụng cụ sống, vì những gì phục vụ cho nghề nghiệp đều là một loại dụng
cụ. Thế nên, tài sản là một dụng cụ để duy trì sự sống. Cùng một thể ấy,
trong sự xếp đặt của một gia đình, người nô lệ là một tài sản sống; và
tài sản, một cách tổng quát, là tổng số của tất cả các dụng cụ. Những
người thuộc hạ, do đó, có thể được coi như là những dụng cụ sống hiện
hữu trước các dụng cụ vô tri [để sử dụng các dụng cụ này]. Có một điều
kiện mà người quản lý không cần thuộc hạ, và chủ nhân không cần nô lệ;
đó là mỗi dụng cụ chết này tự làm được việc, hay vâng lời và đoán ý của
kẻ khác mà tự làm, như những pho tượng của Daedalus, hay những cái kiềng
ba chân của Hephaestus, theo như chuyện Homer kể lại:[2]
"Chúng tự tiến vào nơi họp của Thần linh." Nếu, trong cùng thể ấy, con
thoi tự dệt vải và chiếc đàn thất huyền cầm tự buông tiếng, thì người
thợ chính đâu còn cần người phụ việc, và chủ nhân đâu còn cần nô lệ làm
gì nữa. Tuy nhiên, có một điều ta cần phân biệt: các dụng cụ mà ta
thường gọi, được coi là các dụng cụ [dùng để] sản xuất, trong khi đó tài
sản được coi là dụng cụ hoạt động.[3]
Thí dụ như con thoi là một dụng cụ không những được dùng như một dụng
cụ mà từ con thoi ta lại còn làm ra được các thứ khác nữa; trong khi đó,
tấm vải hay cái giường là vật dụng mà mục tiêu sử dụng đã rõ ràng. Hơn
thế nữa, vì sự sản xuất và hoạt động là hai loại khác nhau, và cả hai
đều cần tới dụng cụ, do đó mỗi loại cũng cần các loại dụng cụ khác nhau.
Nhưng đời sống là sự sinh hoạt và không phải là sản phẩm, và như thế,
kẻ nô lệ là người tạo ra sự sinh hoạt. Một lần nữa, khi nói đến tài sản
cũng giống như nói đến một phần tử, vì một phần tử không những là một
phần của cái gì đó mà còn tùy thuộc hoàn toàn vào vật đó; cho nên tài
sản cũng vậy. Kẻ nô lệ không những là nô lệ của người chủ mà còn là vật
sở hữu hoàn toàn của người chủ, trong khi người chủ chỉ là chủ của y,
chứ không tùy thuộc vào y. Như vậy ta thấy được bản chất cũng như trách
vụ của kẻ nô lệ; kẻ nào mà từ bản chất không thuộc về mình mà về kẻ
khác, thì từ bản chất kẻ đó là nô lệ; và ta có thể nói hắn thuộc về và
thuộc quyền sở hữu của người khác. Và ta có thể định nghĩa tài sản là
một dụng cụ hoạt động, tách biệt khỏi người sở hữu.
[1] Nghệ thuật quản trị gia đình cũng được coi là một nghề chuyên môn (ghi chú của người dịch).
[2] Daedalus là một kiến trúc sư độc đáo của cổ Hy lạp, người đã xây dựng nên Mê Cung và là người đầu tiên chế ra cánh bay như chim. Ngoài ra, Daedalus cũng là điêu khắc gia đầu tiên tạc các pho tượng trong dáng vẻ đang di động (điêu khắc thời bấy giờ chỉ tạc tượng hai chân đứng theo vị trí nghiêm mà thôi). Hephaestus là vị thần lửa và được coi như thủy tổ của thợ rèn; Hephaestus chế ra các người máy đầu tiên để giúp việc và 20 cái kiềng ba chân tự di động được để phục vụ cho các yến tiệc tại núi Olympic.
[3] Dụng cụ sản xuất là để chế tạo ra một vật gì đó mà sau khi làm xong hiện hữu độc lập với dụng cụ, thí dụ con thoi dùng để dệt vải, tấm vải khi dệt xong không còn liên hệ gì đến con thoi nữa. Dụng cụ hoạt động chỉ các dịch vụ tự
Chương V
Nhưng liệu có ai mà trời sinh ra đã là nô lệ và số kiếp nô lệ lại thích
hợp và chính đáng cho y không, hay nô lệ là một sự vi phạm luật thiên
nhiên?
Trả lời câu hỏi này chẳng có gì khó khăn dù dựa trên lý luận hoặc sự kiện. Sự việc có kẻ sinh ra để cai trị và kẻ sinh ra để bị trị là một sự việc không những cần thiết mà còn mang lại lợi ích nữa; có những kẻ từ khi lọt lòng mẹ đã được lựa ra để cai trị và những kẻ khác bị trị.
Người cai trị và kẻ phục tùng cũng có nhiều hạng (và những kẻ phục tùng thuộc loại khá hơn thì luật lệ cai trị cũng khá hơn-thí dụ như luật dùng để trị người phải khá hơn luật dùng để trị thú, cũng như khi gặp người thợ giỏi hơn thì công việc cũng được hoàn tất hay hơn, cũng vì lý do đó khi nói có người cai trị và kẻ bị trị cũng giống như có một công việc đang được thi hành); vì trong tất cả mọi điều mà tạo nên một tổng thể phức hợp gồm nhiều phần tử, dù liên tục [như trong cơ thể của một người] hay gián đoạn [như quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ], ta đều có thể phân biệt chủ thể và vật phụ thuộc một cách rõ ràng. Tính đối ngẫu[1] giữa chủ thể và thuộc thể hiện hữu không chỉ trong mọi sinh vật bởi vì đặc tính này phát xuất từ bản chất của vũ trụ; ngay cả trong những vật không có sự sống cũng bị chi phối bởi một nguyên lý nào đó, như trong âm nhạc chẳng hạn. Nhưng ta lại đi xa khỏi đề tài rồi. Hãy trở lại với các sinh vật, là những vật có hồn và xác: trong hai thứ này có cái do tự nhiên mà trở thành chủ thể, và cái kia là thuộc thể. Nhưng rồi ta lại phải tìm xem ý định của thiên nhiên trong những điều giữ được tính chất tự nhiên, chứ không phải trong những điều mà tính chất tự nhiên đã bị hư hỏng. Và như vậy, ta phải nghiên cứu một con người mà giữ được cả thể xác lẫn linh hồn trong trạng thái tuyệt hảo nhất, vì chỉ trong một người như vậy ta mới thực sự thấy được liên hệ thật sự giữa hồn và xác [nghĩa là tinh thần luôn điều khiển thể xác]; dù rằng [ta cũng thấy có] những kẻ vì bản chất xấu xa hay vì hoàn cảnh xấu đã để thể xác cai quản linh hồn. Trong tất cả mọi sinh vật đều có hai quyền lực chi phối; phần hồn luôn cai trị phần xác bằng quyền lực của một chủ nhân độc đoán, còn phần [lý] trí cai quản các sự ham muốn bằng quyền lực của một nhà cai trị theo luật lệ. Và [như thế] ta thấy hiển nhiên là khi hồn điều khiển xác và trí điều khiển nhiệt tình, thì điều đó thuận theo tự nhiên và ích lợi cho thân thể; làm ngược lại luôn luôn đưa đến tổn thương. Điều này cũng đúng trong quan hệ giữa loài vật với con người, vì những con thú được thuần hóa có bản chất tự nhiên tốt hơn hoang thú, và tất cả mọi loài thú đã được người thuần hóa có đời sống tốt đẹp hơn loài hoang thú vì sinh mạng chúng được bảo tồn. Tôi xin nhắc lại, giống đực, về bản chất tự nhiên khỏe hơn giống cái, và do vậy, giống đực làm chủ, còn giống cái phục tùng. Nguyên tắc tổng quát này đúng cho cả nhân loại.
Thế nên, ở những nơi mà có sự khác biệt rõ rệt như giữa hồn và xác, hay giữa người và thú (như trường hợp của những kẻ mà khả năng chỉ là làm những việc chân tay), thì những kẻ ở đẳng cấp thấp tự nhiên phải là nô lệ. Có chủ nhân cai trị là lợi ích cho chúng cũng như cho những loài hạ đẳng khác. Vì thế, một kẻ mang bản chất nô lệ nếu y có thể bị biến thành (và đó cũng là nguyên do tại sao y thực sự trở thành) tài sản của kẻ khác, cũng tương tự như kẻ cố gắng suy luận để hiểu kẻ khác nhưng tự mình lại không có khả năng [suy luận] này, thì bản chất cũng là nô lệ mà thôi. Thiên nhiên cũng tạo nên sự khác biệt giữa thể chất của người tự do và nô lệ, những kẻ thể chất khỏe mạnh thích hợp cho những việc lao động hạ tiện, và những người cao quý dù thể chất không đủ khỏe mạnh để làm những công việc nhọc nhằn, nhưng lại hữu dụng cho đời sống chính trị trong nghệ thuật điều hành quốc gia trong chiến tranh cũng như khi hòa bình. Nhưng đôi khi điều trái ngược cũng thường xảy ra-những kẻ nô lệ lại mang thể chất của người tự do hay những người có tinh thần của người tự do nhưng thể chất lại là của kẻ nô lệ. Và như thế, ta phải kết luận rằng, nếu con người khác nhau chỉ qua thể chất bên ngoài (cũng như hình dáng của thần thánh khác với con người), thì ta phải đồng ý rằng giai cấp thấp kém hơn phải là nô lệ của giai cấp cao quý hơn. Và nếu nguyên tắc này đúng (về thể chất), thì cũng đúng về phương diện tinh thần, dù sự khác biệt về tinh thần khó thấy hơn là sự khác biệt về thể chất. [Tóm lại,] nếu có người do bẩm sinh là người tự do, thì cũng có người do bẩm sinh là nô lệ; và đối với những kẻ này thì việc trở thành nô lệ vừa tốt vừa có lợi cho chính họ.
[1] Tiếng Anh: duality
Chương VI
Nhưng cũng dễ nhận thấy là những quan điểm đối nghịch cũng có điểm đúng
của họ vì hai từ ngữ nô lệ và sự nô lệ được dùng khác nhau. Nô lệ hay sự
nô lệ đều có thể do thiên nhiên mà ra hay vì luật lệ mà thành. Luật lệ
mà tôi muốn nói ở đây có tính chất quy ước hơn là một đạo luật--người
chiến thắng có quyền chiếm hữu của cải và cả con người của phe chiến bại
làm tài sản. Nhưng nhiều luật gia không đồng ý với cái quyền này, và
nhiều nhà hùng biện đã cáo buộc là quyền này vi phạm luật tự nhiên: họ
ghê tởm cái quan điểm cho rằng vì một kẻ có sức mạnh thể chất hơn người
và sử dụng bạo lực đè nén người khác thì những người đó trở thành nô lệ
hay vật sở hữu của kẻ có sức mạnh. Ngay cả giữa các triết gia cũng có
quan điểm khác nhau. Nguồn gốc của sự tranh luận, và lý do khiến hai
luận điểm khác nhau có phần trùng lập, là lập luận cho rằng: đức hạnh,
khi có phương cách để thể hiện, thực sự có sức mạnh rất lớn để áp đặt
lên người khác, và sức mạnh lớn lao đó chỉ có thể xuất hiện khi có một
sự xuất sắc trổi vượt nơi một cá nhân nào đó [kẻ chiến thắng luôn luôn
được xem là ưu việt]; cho nên, sức mạnh thường bao hàm đức hạnh.[1]
Cho nên, sự tranh cãi, rút cục lại, chỉ là sự tranh cãi về [thế nào là]
sự công bình (một bên đồng hóa công bình với thiện ý, bên kia đồng hóa
với sức mạnh). Nếu tách rời hai quan điểm này ra, thì cả hai đều không
đứng vững trước quan điểm: kẻ ưu việt về đức hạnh mới xứng đáng
là người cai trị (chữ in nghiêng của người dịch). Những kẻ khác mà vẫn
còn bám giữ lấy nguyên tắc của công bình (luật lệ và phong tục là dạng
thức của sự công bình) lại cho rằng sự nô lệ do kết quả của chiến tranh
đem lại hợp với công lý. Nhưng khi lập luận như vậy, họ đã tự phủ nhận,
vì nếu lý do gây chiến là một lý do không chính đáng thì sao? Còn nữa,
chẳng có ai lại nói rằng có kẻ bị làm nô lệ nhưng lẽ ra không đáng làm
nô lệ. Vì nếu lập luận như vậy thì sẽ có những người địa vị cao quý và
con cái họ trở thành nô lệ vì họ thua trận (hay cha mẹ họ thua trận) và
bị bắt làm nô lệ.[2] Vì lý do đó người Hy Lạp không gọi những kẻ như vậy là nô lệ, mà dùng từ "mọi rợ."[3]
Tuy nhiên, thật ra khi dùng từ ngữ như vậy, họ cũng chỉ đó là những kẻ
nô lệ tự nhiên như ta vừa bàn đến. Người Hy Lạp, thật sự tin rằng có
những kẻ (thí dụ những người mọi rợ) vốn trời sinh ra để làm nô lệ, và
những kẻ (thí dụ người Hy Lạp) vốn trời sinh ra là kẻ tự do, cao quý ở
mọi nơi. Người mọi rợ cũng có thể thuộc dòng cao quý nhưng chỉ ở trong
nước của họ. Như vậy, có hai loại tự do và cao quý: tương đối và tuyệt
đối. Như Helen trong vở kịch Theodectes nói: "Kẻ nào dám gọi ta là nô
lệ, khi ta cũng do thần thánh sinh ra?" Khi dùng những từ như vậy, người
ta đang dùng một tiêu chuẩn để phân biệt giữa nô lệ và tự do, giữa quý
tộc và tiện dân dựa trên nguyên tắc thiện và ác. Cũng giống như người do
người sinh ra và thú do thú sinh ra, thì người tốt cũng do người tốt
sinh ra. Tuy nhiên, dù đây là điều do thiên nhiên sắp xếp, nhưng không
phải lúc nào cũng được như vậy.
Sự khác biệt quan điểm, như vậy, là có cơ sở, và không phải là ai cũng
là nô lệ hay tự do vì thiên nhiên định như vậy. Và cũng có trường hợp tự
do hay nô lệ do thiên nhiên định đoạt; trong trường hợp này thì người
chủ làm chủ và người tớ (nô lệ) làm tớ sẽ mang lại ích lợi và công
chính, và là điều thuận theo tự nhiên. Người chủ làm không đúng chức
năng của mình sẽ gây ra thiệt hại cho cả chủ lẫn tớ. Vì quyền lợi của bộ
phận và toàn thể cũng giống như quyền lợi của thể xác và tinh thần; và
nô lệ, được xem như một bộ phận sống ngoài thân thể của người chủ, cho
nên, giữa hai người có một quyền lợi chung. Khi mối quan hệ giữa chủ
nhân và nô lệ là quan hệ tự nhiên, thì họ có quan hệ thân thiết và cùng
quyền lợi; ngược lại, nếu mối quan hệ này đặt trên sức mạnh và luật lệ
thì đó là mối quan hệ thù nghịch và mâu thuẫn quyền lợi.
[1] Newman giải thích lý luận này như sau: sự trùng lập giữa hai luận diểm trái ngược này nằm ở chỗ một nguyên tắc chung được hai phe giải thích khác nhau. Nguyên tắc chung là "sức mạnh đi liền với đức hạnh." Một phe cho rằng sức mạnh tự nó hàm ý đức hạnh, và như thế, kẻ thắng có quyền bắt kẻ bại làm nô lệ. Phe kia lại cho rằng sức mạnh phải có đức hạnh đi kèm (thiện ý) trước khi mối quan hệ chủ nhân-nô lệ được thiết lập (trên thiện ý) (Barker, E., The Politics of Aristotle, trang 15, Oxford University Press, 1956).
[2] Lycurgus đưa ra một đạo luật cấm người Hy Lạp không được mua những người tự do đã bị bắt làm tù binh làm nô lệ. Có lẽ Aristotle muốn ám chỉ đến đạo luật này (Barker, sđd. trang 16).
[3] Mọi rợ (barbarian): nguyên nghĩa tiếng Hy Lạp chỉ những người không phải là người Hy Lạp chứ không hàm ý miệt thị như ta hiểu ngày nay, hay như người Tàu gọi các giống dân chung quanh là di, địch (mọi) một cách miệt thị.
Chương VII
Các nhận định nêu trên cũng khá đủ để chứng tỏ rằng uy quyền của người chủ (nô lệ) và uy quyền của nhà lãnh đạo chính trị hoàn toàn khác nhau, chứ không phải như các nhà tư tưởng khác cho rằng uy quyền, dưới bất cứ dạng nào, cũng giống nhau. Uy quyền của nhà lãnh đạo chính trị được áp dụng trên thần dân là những người tự bản chất là người tự do; còn uy quyền của chủ nhân áp dụng trên những người tự bản chất là nô lệ. Uy quyền trong một hộ gia đình là uy quyền "quân chủ," vì mỗi gia đình đều có một gia trưởng, trong khi uy quyền trong một nước là uy quyền của nhà lãnh đạo trên những người tự do và bình đẳng. Ta không gọi người chủ là chủ vì người ấy có học thức, nhưng vì người ấy có một số đặc tính nào đó; điều này cũng đúng với nô lệ và người tự do. Nhưng cũng có thể có một khoa học (để dạy cách làm chủ) dành cho người chủ và một khoa học (dạy cách phục vụ) dành cho nô lệ. Khoa học này đã được một người ở Syracuse truyền dạy và nhờ thế mà y đã kiếm tiền nhờ dạy cho những người nô lệ biết cách làm việc. Những kiến thức này gồm có cả học nấu ăn và những việc nhà khác cần sự khéo léo. Trong công việc nhà có những việc được coi trọng hơn [như nấu ăn chẳng hạn], và những việc cần thiết hơn nhưng tầm thường hơn [như quét dọn, chẻ củi], như câu tục ngữ thường nói: "tớ làm việc tớ, chủ làm việc chủ." Những kiến thức này, dù sao, chỉ là để phục vụ. Tương tự như vậy, cũng có môn học cho chủ nhân, để dạy cho chủ nhân biết cách sử dụng nô lệ; bởi vì chủ nhân đúng nghĩa không quan tâm đến việc chiếm hữu nô lệ mà đến việc sử dụng nô lệ. Môn học này thật ra chẳng có gì vĩ đại, cao sang: chủ nhân chỉ cần biết ra lệnh những gì cần làm và nô lệ biết thi hành những điều đó. Cho nên, những chủ nhân [khôn ngoan] trao việc điều hành nô lệ cho những người quản gia để dành thì giờ cho triết học và chính trị. Nhưng nghệ thuật chiếm hữu nô lệ một cách chính đáng, khác với nghệ thuật làm chủ và khác với kẻ bị làm nô lệ vì bị bắt làm tù binh trong chiến tranh. Tới đây đã đủ để phân biệt và làm sáng tỏ định nghĩa về chủ nhân và nô lệ.
Chương VIII
Bây giờ ta hãy tìm hiểu một cách tổng quát về tài sản, và nghệ thuật
tích lũy tài sản cũng theo phương thức phân tích và truy nguyên [từ các
phần tử tới cái tổng thể và từ sự phát triển từ đầu cho đến kết quả cuối
cùng], vì một nô lệ cũng được xem là một phần của tài sản. Câu hỏi đầu
tiên là có phải nghệ thuật tích lũy tài sản cũng giống như nghệ thuật
quản trị gia đình, hay chỉ là một phần của nghệ thuật này, hay chỉ là
phần phụ thuộc. Nếu là phần phụ thuộc, thì nó có giống như [quan hệ]
giữa nghệ thuật làm ra con thoi và nghệ thuật dệt vải, hay [quan hệ]
giữa nghệ thuật đúc đồng và nghệ thuật tạc tượng. Hai nghệ thuật phụ
thuộc này không giống nhau; một đằng là tạo ra dụng cụ, và một đằng là
tạo ra vật chất. Vật chất, tôi muốn nói đến ở đây, là sản phẩm được tạo
ra từ một công việc, như vậy, sợi len đối với người thợ dệt là vật chất
làm nên vải, và đồng đối với người thợ đúc tượng cũng như vậy. Đến đây
ta thấy rõ ràng là nghệ thuật quản trị hộ gia đình và nghệ thuật tích
lũy tài sản là hai nghệ thuật khác nhau, vì một đằng là sử dụng vật chất
đã được đằng kia tích lũy. Nhưng câu hỏi nghệ thuật tích lũy tài sản
[nếu không phải là nghệ thuật quản trị hộ gia đình] có phải là một phần
của nghệ thuật này hay không, hay hoàn toàn khác, lại đưa đến một câu
hỏi khác. Nếu người chịu trách nhiệm đi thu thập tài sản và của cải phải
nghiên cứu xem có thể lấy về từ những nguồn khác nhau, thí dụ như từ
canh nông, hay từ việc thu giữ và tích trữ thực phẩm, thì ta có xem đó
là một nghệ thuật tích lũy tài sản hay không, hay là một loại nào khác
nữa? Thêm vào đó, có nhiều loại thực phẩm, và như thế có nhiều đời sống
khác nhau, điều này đúng cho thú vật và cũng đúng cho cả con người nữa.
Tất cả đều cần có thực phẩm, và các loại thực phẩm khác nhau đưa đến
cách sống khác nhau. Thú vật có loại sống theo bầy đàn, có loại sống đơn
lẻ; cách sống như thế nào tùy theo khả năng tìm kiếm thực phẩm tốt nhất
cho chúng, dù đó là loại ăn thịt, ăn rau, hay ăn tạp: và khả năng này
là thói quen đã được thiên nhiên định trước để chúng có thể tìm được
thực phẩm dễ dàng nhất. Nhưng, vì các loài khác nhau có những vị giác
khác nhau, thành thử cùng một loại thực phẩm chưa chắc đã là loại mà tất
cả các loài ưa thích; vì vậy, ngay trong các loài ăn thịt, hoặc ăn rau,
lại chia thành nhiều loại khác nhau nữa. Đời sống của con người cũng có
những khác biệt lớn lao. Những kẻ lười lao động nhất là những kẻ chăn
nuôi, sống một đời nhàn tản, và dùng làm thực phẩm ngay từ những con thú
mà họ nuôi; vì đàn thú của họ phải đi tìm những đồng cỏ để ăn, họ cũng
buộc phải đi theo chúng, và vô hình trung tạo thành một loại nông trang
di động. Những người khác thì lại sinh sống bằng săn bắn; lại còn có
những kẻ sống bằng nghề thảo khấu; những kẻ sống gần hồ ao, đầm lầy, hay
biển cả thì sống bằng nghề chài lưới, và cũng có những người sống bằng
săn bắn chim trời hay thú dữ. Tuy nhiên, phần lớn người ta sống bằng hoa
màu từ canh tác đất đai. Đó là tất cả các nếp sống của những người mà
thực phẩm là do sức lao động tạo ra chứ không do trao đổi hay buôn bán
với nhau, các nếp sống này gồm có: mục đồng, nông phu, ngư phủ, liệp hộ,
hay thảo khấu. Có những người tạo nên đời sống thoải mái hơn bằng cách
phối hợp hai nghề với nhau, thêm vào những khiếm khuyết của nghề này
bằng nghề khác: nếp sống du mục có thể cộng thêm nghề thảo khấu, nghề
nông có thể cộng thêm nghề săn thú. Ngoài ra còn có những cách thức phối
hợp khác tùy theo nhu cầu con người đòi hỏi. Tài sản, hiểu theo nghĩa
những gì cần thiết cho sự sống, dường như đã được thiên nhiên cung ứng
đầy đủ cho mọi người, từ khi mới sinh ra cho đến khi khôn lớn. Có những
loài động vật mà thiên nhiên đã cung cấp đầy đủ thực phẩm cho chúng từ
khi mới sinh ra đến khi chúng tự túc được như những loài côn trùng hoặc
loài đẻ trứng; loài có vú cũng có đầy đủ thực phẩm dự trữ cho con cái
của chúng qua sữa mẹ. Như vậy ta có thể suy ra rằng, sau khi có loài
động vật, cây cỏ là thực phẩm của chúng, và các loài động vật được thuần
hóa (gia súc) là thực phẩm của con người, còn các loài dã thú vừa được
dùng làm thực phẩm vừa được dùng làm quần áo hay các dụng cụ khác. Vì
thiên nhiên chẳng làm điều gì phí phạm và không trọn vẹn, ta phải suy ra
rằng tất cả mọi loài động vật được tạo ra cho loài người sử dụng. Như
vậy, ta cũng có thể suy diễn rằng "nghề" chiến tranh cũng là một nghệ
thuật tích lũy tài sản giống như là nghề săn bắn để săn bắt các loài dã
thú, và để bắt những người mà thiên nhiên tạo ra để bị cai trị nhưng lại
không chịu khuất phục. Chiến tranh [nhằm thống trị] được xem là chiến
tranh công chính hiểu theo nghĩa tự nhiên. Trong các nghệ thuật tích lũy
tài sản, có một loại [hình thức săn bắn] được coi là một bộ phận tự
nhiên của nghệ thuật quản trị hộ gia đình; đây là một nghệ thuật mà [qua
đó] người quản trị gia đình phải sẵn sàng cung ứng và dự trữ trong kho
lẫm các vật dụng nhu yếu cho đời sống và hữu dụng cho cả gia đình hay
quốc gia. Những vật dụng nhu yếu này là của cải đích thực [của cải đích
thực có kích thước giới hạn, nhằm phục vụ cho mục đích của cộng đồng];
số lượng của cải đích thực này (cần thiết cho đời sống tốt đẹp) không
phải là vô giới hạn, dù Solon[1] trong một bài thơ đã viết rằng:
"Đối với con người chẳng có giới hạn nào là đủ cho việc thu thập của cải."
Nhưng có một giới hạn cố định cho những của cải cần thiết do nghệ thuật quản trị hộ gia đình mang lại, cũng giống như giới hạn cho các nghệ thuật khác, vì những dụng cụ dùng trong các nghệ thuật đều có giới hạn, không về kích thước thì cũng về số lượng, và của cải có thể được định nghĩa bằng số lượng các dụng cụ được sử dụng trong gia đình hoặc quốc gia. Và như vậy, ta thấy có một nghệ thuật tích lũy của cải tự nhiên và được người quản trị hộ gia đình hay nhà lãnh đạo một nước thực thi. Lý do cho sự hiện hữu của nghệ thuật này cũng rõ ràng vì theo luật tự nhiên người ta sẽ dùng những gì mà thiên nhiên cung cấp cho họ.
[1] Solon là một trong 7 nhà hiền triết Hy Lạp, gồm có Solon, Chilon, Thales (cũng là nhà toán học với định lý Thales nổi tiếng), Bias, Cleobulus, Pittacus, và Periander.
Chương IX
Nhưng có một hình thức khác của nghệ thuật tích lũy tài sản rất thông
thường và đáng được gọi là nghệ thuật làm giàu. Chính nghệ thuật này đã
khiến cho người ta có ý tưởng là sự giàu có và tài sản là vô giới hạn.
Rất nhiều người đồng hóa nghệ thuật làm giàu này với nghệ thuật tích lũy
tài sản đã nói ở trên vì chúng đều có liên quan đến tài sản, nhưng dù
hai nghệ thuật này không khác nhau gì mấy, chúng lại không giống nhau.
Loại nghệ thuật nói ở trên là do tự nhiên mà ra, loại thứ hai là do kinh
nghiệm mà có.
Ta hãy xem xét vấn đề này theo quan điểm sau đây:Tất cả vật chất mà ta có đều có hai khả năng sử dụng: cả hai cách này đều từ bản thân vật đó mà ra, nhưng không giống nhau về cách thức sử dụng; có cách sử dụng đúng cách, và cách kia được coi là không đúng hay còn được coi là cách phụ thuộc. Thí dụ, một chiếc giày được dùng để đi, nhưng cũng có thể được dùng để trao đổi lấy vật khác; đó là hai cách sử dụng của chiếc giày. Kẻ đem chiếc giày đi đổi lấy tiền hay thực phẩm với kẻ cần chiếc giày thì cũng sử dụng chiếc giày đấy chứ, nhưng cách sử dụng đó không đúng cách hay dùng đúng mục đích căn bản của chiếc giày, vì giày được làm ra để đi chứ không để trao đổi. Điều này cũng đúng với tất cả các loại tài sản khác, vì mọi thứ đều có thể được trao đổi, và xảy ra cũng tự nhiên vì có người có quá nhiều, kẻ lại có quá ít không đủ cung ứng cho nhu cầu của họ. Như thế, ta có thể suy ra rằng việc buôn bán [hàng hóa để lấy lợi nhuận] không phải là bộ phận tự nhiên của nghệ thuật tích lũy của cải, bởi vì [nếu mục đích chính theo tự nhiên của việc tích lũy tài sản là để cung ứng cho nhu cầu của mình, thì] người ta sẽ thôi không buôn bán nữa khi đã có đủ.
Thực ra trong cộng đồng đầu tiên, tức là gia đình, thì nghệ thuật trao
đổi hàng hóa này chẳng có ích lợi gì hết, nhưng khi xã hội phát triển,
thì nó lại trở thành hữu dụng. Vì khởi đầu tất cả thành viên của gia
đình đều có chung với nhau mọi thứ; sau đó khi gia đình chia ra thành
những gia đình nhỏ hơn, thì những gia đình nhỏ hơn này lại chia [vật
chất chung] thành nhiều thứ khác nhau. Họ phải trao đổi lẫn nhau để lấy
cái họ cần; phương thức trao đổi này vẫn còn được các quốc gia "man rợ"
áp dụng để trao đổi cho nhau những nhu yếu phẩm của cuộc sống, và chỉ có
thế thôi; thí dụ rượu đổi lấy lúa hay các sản phẩm khác được trao đổi
với nhau. Việc trao đổi sản vật như thế này tuy không phải là một bộ
phận của nghệ thuật tích lũy tài sản và cũng không đi ngược với tự
nhiên, nhưng cần thiết cho sự thỏa mãn các nhu cầu tự nhiên của con
người. Một hình thức trao đổi khác, phức tạp hơn, được phát triển, như
ta có thể suy ra, từ hình thức trao đổi đơn giản này. Khi dân cư của một
nước trở nên càng lúc càng tùy thuộc vào một nước khác và nhập cảng từ
nước này những sản phẩm cần thiết, và xuất cảng những thứ mà họ có dư,
thì tiền bạc ắt phải được dùng trong những cuộc trao đổi như thế. [Lý do
là vì] những nhu yếu phẩm không thể được vận chuyển dễ dàng, và như
vậy, người ta đồng ý dùng trong những cuộc trao đổi như thế một vật gì
đó tự nó có hiệu dụng và dễ dàng sử dụng trong đời sống làm vật thay
thế, thí dụ như sắt, bạc, hay các kim loại khác. Khởi đầu giá trị của
những vật thay thế này được đo lường bằng kích thước và trọng lượng,
nhưng dần dà người ta đóng một con dấu lên đó để định mức giá trị mà
không phải mất công cân đo nữa.
Khi việc sử dụng tiền bạc (dưới hình thức tiền đồng) được phát minh do
nhu cầu trao đổi nhu yếu phẩm, một nghệ thuật tích lũy của cải khác ra
đời, đó là nghệ thuật buôn bán. Lúc đầu có lẽ đây cũng là một vấn đề đơn
giản, nhưng rồi trở nên càng lúc càng phức tạp khi người ta học được từ
kinh nghiệm những cách thức để kiếm lời nhiều nhất. Khi tiền bạc được
sử dụng, nghệ thuật tích lũy của cải thường được đồng hóa với việc kiếm
được nhiều tiền, và trở thành nghệ thuật tích lũy của cải và làm giàu.
Thực ra, sự giàu có, theo nhiều người, là có một số lớn lượng tiền bạc,
vì nghệ thuật tích lũy của cải và buôn bán đều dính dáng đến tiền bạc.
Những người khác lại cho rằng tiền bạc là vật giả tạo, do quy ước tạo
nên, chứ không phải tự nhiên, vì lẽ nếu người sử dụng dùng một sản vật
khác thay thế, thì tiền bạc sẽ trở thành vô dụng vì nó không phải là một
phương tiện có ích gì cho nhu cầu của cuộc sống. Thật thế, những kẻ có
nhiều tiền vẫn có thể thiếu những thực phẩm cần thiết. Thế thì đó có
phải là của cải không khi một người có rất nhiều mà vẫn phải chết vì
đói, như vua Midas trong truyện ngụ ngôn, người đã xin thần thánh biến
tất cả mọi thứ ông đụng vào thành vàng?[1]
Vì vậy khi người ta cố tìm xem có một ý niệm nào đúng hơn giữa sự giàu có và nghệ thuật tích lũy tài sản với việc tích lũy tiền bạc, thì đó là một việc làm đúng đắn. Bởi vì sự giàu có và nghệ thuật tích lũy tài sản theo tự nhiên khác với nghệ thuật buôn bán; một đằng là một bộ phận của sự quản trị gia đình, còn buôn bán là nghệ thuật sản xuất ra của cải qua sự trao đổi sản vật. Nghệ thuật này chỉ chú trọng đến tiền bạc, vì tiền là đơn vị trao đổi và cũng để đo lường hay định giới hạn của tài sản. Như thế, đối với nghệ thuật làm giàu qua tiền bạc, thì quả là không có giới hạn.Nếu như trong nghề thuốc không có giới hạn trong việc tìm ra phương thức bảo vệ sức khỏe, hay trong các nghề khác không có giới hạn trong việc đạt tới mức tối đa mục đích của các nghề đó, thì trong nghệ thuật làm giàu, mục đích của nó cũng không có giới hạn, mục đích này gồm có sự giàu có giả tạo và tích lũy của cải. Nhưng trong nghệ thuật tích lũy của cải trong hộ gia đình có một giới hạn, vì tích lũy của cải vô giới hạn không phải là mục đích của nghệ thuật này. Theo quan điểm này, do đó, tất cả mọi sự giàu có đều phải có giới hạn; tuy nhiên, trong thực tế, dường như điều trái ngược lại là điều đang xảy ra, vì không có giới hạn cho những kẻ làm giàu tăng gia tiền bạc.
Nguồn gốc của sự nhầm lẫn này nằm ở quan hệ mật thiết giữa hai loại tích lũy tài sản; trong cả hai loại, phương tiện thì giống nhau, nhưng cách sử dụng và mục đích lại khác nhau, và điều này tạo ra sự nhầm lẫn: tích lũy tài sản là mục đích của loại thứ nhất, còn đối với loại kia còn một mục đích xa hơn. Vì thế một số người lầm tưởng rằng làm giàu là mục đích của quản trị gia đình, và tất cả suy tư của họ trong đời là làm sao để có tiền bạc càng nhiều càng tốt, và nếu không làm được như vậy, thì cũng đừng làm mất mát, hao hụt tiền bạc. Nguồn gốc của khuynh hướng này trong bản chất của con người nằm ở chỗ người ta chỉ chú trọng đến sự sống còn, chứ không nghĩ đến chuyện sống tốt đẹp, và vì lòng ham muốn thì vô hạn, người ta cũng muốn những phương tiện thỏa mãn lòng ham muốn này trở thành vô hạn. Ngay cả những người muốn tìm một đời sống tốt đẹp cũng muốn tìm những cách thức thỏa mãn các nhu cầu vật chất, và những cách thức này cũng tùy vào nghệ thuật tích lũy tài sản của họ, cho nên họ cũng cắm cúi vào việc kiếm tiền. Đó là lý do thực sự tại sao lại có nghệ thuật làm giàu thứ hai này.
Vì sự hưởng dụng khoái lạc nằm ở chỗ có của cải dư dật, người ta tìm cách cung cấp một cách dư dật các lạc thú, và nếu không thể cung cấp cho các lạc thú này bằng cách tích lũy tiền tài, thì họ tìm những cách khác, dùng mọi phương pháp và khả năng trí tuệ cũng như thể chất cho mục đích này, dù rằng có đi ngược lại với dụng ý của thiên nhiên. Thí dụ, lòng can đảm, không phải để làm giàu mà để tạo cho con người sự quả quyết;[2] khả năng quân sự hay về y học cũng vậy: khả năng quân sự để đạt đến chiến thắng, và khả năng y học để chữa bệnh, đều được dùng vào việc làm giàu. Thế nên có những người đã dùng hết tâm trí vào việc làm giàu và coi đó là cứu cánh của họ, tất cả những điều khác đều được dùng cho cứu cánh này.
Đến đây ta đã xem xét nghệ thuật làm giàu, một thứ nghệ thuật không cần thiết, và tại sao người ta lại ưa chuộng đến như vậy; cũng như xem xét nghệ thuật tích lũy tài sản cần thiết rất khác biệt với nghệ thuật làm giàu và là một bộ phận tự nhiên của nghệ thuật quản trị gia đình, chú trọng đến việc cung ứng thực phẩm, một thứ tài sản có giới hạn chứ không phải vô giới hạn như tiền bạc.
[1] Midas là vua xứ Pessinus, theo thần thoại Hy Lạp, là một vị vua gặp nhiều rắc rối với thần thánh và những tao ngộ này được ghi vào thần thoại. Trước hết, Midas, vì tiếp đãi trọng hậu Silenus, người vừa là thầy vừa là cha nuôi của Tửu Thần Dionysus nên được Dionysus ban cho quyền năng là bất cứ thứ gì nhà vua chạm vào đều biến thành vàng ròng. Khổ thay, khi đụng đến thức ăn chúng cũng biến thành vàng khối. Khi gần chết đói, Midas cầu xin Dionysus giải trừ cho quyền năng này. Dionysus bảo Midas xuống rửa tay tại dòng sông Pactolus. Quyền năng hóa vàng này được chuyển từ tay Midas xuống dòng sông và hóa cát dưới lòng sông trở thành vàng. (Đây là một loại thần thoại dùng để giải thích các hiện tượng thiên nhiên khi người ta đãi cát tìm vàng. Có lẽ dưới lòng sông Pactolus có mỏ vàng.) Rắc rối thứ hai Midas gặp là khi thần Appollo tranh tài âm nhạc với thần Pan là thần của đồng ruộng (Appollo nổi tiếng với cây thất huyền cầm lyre, còn Pan nổi tiếng với tài thổi sáo). Vị thần núi Tmolus làm trọng tài cho cuộc thi này tuyên bố Appollo thắng cuộc và mọi người có mặt trong cuộc thi này đều đồng ý ngoại trừ Midas, vi Midas là đệ tử của Pan. Điều này khiến cho Appollo nổi giận cho rằng đúng là "đàn gẩy tai lừa," nên biến hai lỗ tai của Midas thành tai lừa. Thành ngữ VIệt Nam cũng có câu "đàn gẩy tai trâu."
[2] Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: "Có chí làm quan, có gan làm giàu."
Chương X
Đến đây ta đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên: Có phải nghệ
thuật tích lũy tài sản là một nghệ thuật thuộc phạm vi của người quản
trị gia đình và của nhà lãnh đạo chính trị, hay chỉ là những tài sản mà
người ta có thể đếm được? Vì khoa chính trị học không dạy nhà lãnh đạo
chính trị cách thức tích lũy tài sản, mà dạy cách sử dụng sản vật từ
thiên nhiên cung ứng cho con người từ đất đai, biển cả, hay từ những
nguồn khác làm thực phẩm. [Cho nên,] trong giai đoạn này, bổn phận của
người quản trị hộ gia đình là quản trị hữu hiệu những gì mà thiên nhiên
cung cấp; ta có thể so sánh nghệ thuật quản trị của người chủ hộ với
nghệ thuật dệt vải, không phải là làm ra vải mà là sử dụng vải vóc như
thế nào, và biết phân biệt loại nào là tốt, sử dụng được, và loại nào là
xấu, không dùng được vào việc gì. Nếu không phải như vậy thì thật khó
mà hiểu được là nếu nghệ thuật tích lũy của cải được xem là một phần của
nghệ thuật quản trị gia đình, thì tại sao nghề thuốc lại không được xem
là một phần của nghệ thuật quản trị gia đình, vì chắc chắn là các thành
viên của gia đình cũng cần có sức khỏe, như cần các nhu yếu phẩm khác.
Có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này, thứ nhất người quản trị hộ gia
đình cũng như của người lãnh đạo quốc gia có bổn phận lo cho sức khỏe
của các thành viên, nhưng quan điểm thứ hai lại cho rằng đó là bổn phận
của người y sĩ. Tương tự như vậy, nghệ thuật tích lũy tài sản, hiểu theo
nghĩa thứ nhất, là công việc của người quản trị gia đình, và hiểu theo
nghĩa thứ hai, nghệ thuật này chỉ là một nghệ thuật phụ thuộc. Nhưng như
tôi đã nói, hiểu một cách đúng đắn, các phương tiện [cần thiết] cho đời
sống đã được thiên nhiên cung cấp sẵn cho con người rồi, bởi vì nhiệm
vụ của thiên nhiên là cung cấp dưỡng chất cho các sinh vật, như ta thấy
thực phẩm cho con cái của các loài động vật đều từ dưỡng chất của con
vật mẹ làm ra. Như thế, nghệ thuật tích lũy tài sản từ cây trái và thú
vật luôn luôn là một nghệ thuật tự nhiên.
Có hai loại tích lũy tài sản, như tôi đã trình bày; một loại là một bộ
phận của quản trị gia đình, loại kia là buôn bán: loại thứ nhất là loại
đáng được khen ngợi và cần thiết; loại thứ hai đáng bị khiển trách vì nó
không tự nhiên [như từ thực vật hoặc động vật], và là sự lợi dụng giữa
con người với nhau. Sự cho vay lấy nặng lãi là hình thức đáng bị khinh
ghét nhất, và ta có lý do chính đáng nhất để khinh ghét như vậy, vì đó
là sự kiếm lời từ tiền bạc, chứ không phải từ bản chất tự nhiên của tiền
bạc [dùng để trao đổi hàng hóa]. Và danh từ tiền lời có nghĩa
là tiền đẻ ra tiền vì con cái ắt phải giống cha mẹ. Do đó, trong tất cả
mọi phương thức tích lũy tài sản, cho vay lấy lời là phương thức phản tự
nhiên nhất.
Chương XI
Tới đây chúng ta đã bàn khá đủ về lý thuyết tích lũy tài sản, và sau đây
sẽ bàn về phần thực tiễn ứng dụng của lý thuyết này. Các vấn đề tương
tự như vấn đề này rất đáng bàn luận về phương diện triết lý, nhưng về
phương diện thực tiễn thì lại đáng chán và không hào hứng gì lắm khi
thảo luận. Các phần hữu ích của nghệ thuật tích lũy tài sản gồm có: thứ
nhất là kiến thức về gia súc-nuôi loại nào thì có lợi nhất, nên nuôi ở
đâu, và nuôi như thế nào-thí dụ, loại ngựa nào, loại trâu bò nào hay các
loại gia súc nào là loại có khả năng mang lại lợi nhuận. Ta nên biết
loài nào có giá hơn, và loài gia súc nào có giá nhất trên loại đất đai
đặc thù nào đó, vì có loài sinh sản tốt hơn trên vùng đất này, loài khác
trên vùng đất khác. Thứ hai là nghề nông, [để xem với vùng đất nào thì]
làm vườn hay làm ruộng có lợi hơn, và còn nào là nuôi ong hay nuôi cá,
hoặc các loại gia cầm nào có lợi cho con người. Đây là sự phân chia đúng
đắn của nghệ thuật tích lũy tài sản và cần được nghiên cứu trước.
Còn về nghệ thuật tích lũy tài sản kia, tức là việc trao đổi hàng hóa,
cũng chia làm nhiều loại; sự phân chia đầu tiên và quan trọng bậc nhất
là thương mại (gồm có ba hoạt động-cung cấp tàu thuyền (vận chuyển đường
thủy), vận chuyển hàng hóa (đường bộ), và trưng bày hàng hóa ra khuyến
mãi-những hoạt động này khác nhau, có loại có lời hơn, có loại lại an
toàn hơn); loại thứ hai là cho vay lấy tiền lời; và loại thứ ba là làm
thuê lấy tiền. Loại thứ ba này gồm có những người thợ thủ công làm nghề
chuyên môn, và những người không có nghề chuyên môn cho thuê sức lao
động.
Ngoài ra còn một hoạt động tích lũy tài sản thứ ba nữa, hoạt động này nằm giữa thương mại và hoạt động tự nhiên đầu tiên. Hoạt động này cũng liên quan đến trao đổi; đó là các kỹ nghệ khai thác tài nguyên thiên nhiên, như khai thác khoáng sản hoặc khai thác lâm sản. Mặc dù hoạt động này không đem lại thực phẩm nhưng cũng đem lại lợi nhuận. Nghệ thuật khai thác khoáng sản tự nó cũng chia làm nhiều ngành vì có nhiều loại khoáng sản trong lòng đất. Tôi đã bàn một cách tổng quát về các loại nghệ thuật tích lũy của cải; khi thực hành có lẽ sẽ cần phải có sự nghiên cứu tỉ mỉ hơn, nhưng bàn rộng về đề tài sẽ làm một số người chán ngán. [Nói vắn tắt,] những nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng là những nghề ít may rủi nhất: nghề nguy khó nhất là những nghề có thể mang lại thương tích, nghề hạ tiện nhất là những nghề lao động chân tay, và nghề tầm thường nhất là những nghề không đòi hỏi sự xuất sắc. Nhiều người đã viết về các đề tài này, như Chares người xứ Paros và Apollodorus người xứ Lemnos đã viết về cách canh tác ruộng bắp và vườn nho và ô-liu; các đề tài khác cũng có nhiều người viết; ai muốn tìm hiểu thêm về các đề tài này có thể tham khảo các sách vở nói trên. Ta cũng nên thu thập các câu chuyện còn rải rác về gương thành công của những người tạo dựng được tài sản; điều này rất có ích cho những người xem trọng nghệ thuật làm giàu. Thí dụ như giai thoại về Thales,[1] một triết gia người xứ Miletus, đã sáng chế ra một phương pháp làm ra nhiều tiền, phương pháp ai cũng áp dụng được hết, nhưng ai cũng cho là Thales sáng chế ra vì ông nổi tiếng là người khôn ngoan. [Lúc đầu,] ai cũng thấy Thales là người nghèo khổ, và chế diễu sự vô ích của triết học. Giai thoại kể rằng nhờ vào khả năng xem thiên văn, từ mùa đông năm trước Thales đã biết rằng mùa hè sang năm ô-liu sẽ được mùa, cho nên với chút ít tiền dành dụm được ông đã đặt cọc thuê hết tất cả các máy ép dầu ô-liu trong vùng Chios và Miletus mà chẳng có ai thèm để ý và cạnh tranh. Khi đến mùa thu hoạch, ô-liu quả nhiên được mùa và nhu cầu ép dầu tăng vọt; đến lúc đó Thales mới cho thuê lại các máy ép dầu theo giá mình định và kiếm được thật nhiều tiền. Do đó, Thales đã chứng minh cho cả thế giới biết là các triết gia có thể làm giàu một cách dễ dàng, nhưng đó không phải là hoài bão của họ. Giai thoại này được truyền tụng để minh chứng cho sự khôn ngoan của Thales, nhưng như tôi đã nói, cách thức làm giàu của ông ai cũng áp dụng được hết, và đó không gì khác hơn là tạo ra sự độc quyền. Phương thức này cũng được các thị-quốc áp dụng khi thiếu tiền; họ tạo ra sự độc quyền cung cấp [hàng hóa]. Có một thương nhân xứ Sicily [cư ngụ ở Syracus] có rất nhiều tiền nên mua hết tất cả sắt trong các mỏ sắt; sau đó khi thương nhân các nơi đến mua sắt, vì là người bán duy nhất, và không cần phải tăng giá lên nhiều thương nhân này cũng kiếm lời được 200 phần trăm. Khi Dionysus, vua xứ Syracus, biết chuyện này bèn đuổi người thương gia này ra khỏi Syracus nhưng cho mang theo hết của cải, vì Dionysus nghĩ rằng thương nhân này đã nghĩ ra một cách kiếm nhiều tiền nhưng cách thức này làm thiệt hại cho quyền lợi của Syracus. Thương gia này cũng khám phá ra phương cách của Thales và cả hai đã tính toán để tạo sự độc quyền cho chính họ. Các nhà lãnh đạo chính trị cũng cần biết đến các điều này, vì một nước vẫn thường thiếu hụt tiền bạc và [nhà nước] cần đến những phương thức kiếm tiền này còn hơn các chủ gia đình (tư nhân) nữa. Đó là lý do một số người hoạt động chính trị chú tâm đến các vấn đề tài chánh.
[1] Thales (624-546 BC)là một triết gia trong nhóm Thất Hiền Hy Lạp. Ông cũng là người đề ra định lý Thales trong Hình học về tương quan giữa các cạnh của hai tam giác đồng dạng. Thất Hiền gồm có: Thales, Solon, Chilon, Pittacus, Bias, Cleobulus, và Periander.
Chương XII
Trong nghệ thuật quản trị hộ gia đình, ta đã thấy là có ba phần-một là
sự điều khiển của chủ nhân đối với nô lệ, phần này đã bàn qua rồi, một
phần là vai trò của người cha, và phần thứ ba là vai trò của người
chồng. Người chồng và người cha là người có thẩm quyền trên vợ và con.
Cả vợ và con là những người tự do trong gia đình, nhưng thẩm quyền của
cha đối với con khác với của chồng đối với vợ. Đối với con cái, người
cha có quyền như nhà vua đối với thần dân; còn đối với vợ, người chồng
có quyền như người lãnh đạo đối với công dân. Dù có nhiều trường hợp
ngoại lệ so với trật tự do thiên nhiên sắp đặt, nhưng người nam thì do
bản chất thiên nhiên vẫn thích hợp hơn người trong cương vị chỉ huy,
cũng như người lớn tuổi và trưởng thành (cả về thể chất và tinh thần)
phải khá hơn người trẻ tuổi còn non nớt. Nhưng trong hầu hết các nhà
nước do hiến pháp tạo nên, mọi công dân đều là những người vừa cai trị
vừa bị trị, vì ý tưởng của nhà nước hiến định ngụ ý rằng mọi công dân
đều bình đẳng từ bản chất, và không có gì khác nhau hết. Tuy nhiên, khi
có người cai trị và người bị trị, thì người cai trị muốn tạo ra một sự
khác biệt về hình thức, danh xưng và chức vị được kính trọng, như giai
thoại về cái chậu rửa chân bằng vàng của Amasis.[1]
Mối quan hệ giữa người nam và người nữ là mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo
chính trị với các công dân, nhưng sự bất bình đẳng vẫn luôn luôn hiện
diện. Mối quan hệ giữa cha và con là mối quan hệ của vua với thần dân,
uy quyền của người cha xuất phát từ tình yêu thương [đối với con cái] và
sự kính trọng tuổi tác của con cái đối với cha mẹ. Do đó, Homer đã rất
có lý khi gọi Zeus là "cha của thần thánh và của con người," vì Zeus là
vua của tất cả. Một vị vua đương nhiên phải cao cả hơn thần dân của
mình, nhưng nhà vua phải cùng một giống với thần dân, đó cũng là quan hệ
giữa người già người trẻ, giữa cha và con.
[1] Amasis là một vị vua nổi tiếng của Ai Cập. Nhờ công hãn mã nên Amasis lên được ngôi vua. Tuy nhiên, vì xuất thân bần hàn, ông không được thần dân nể phục. Amasis có một chiếc chậu bằng vàng dùng để rửa chân, quan khách khi được mời dự tiệc cũng thường rửa chân trong chiếc chậu này. Sau một thời gian, Amasis ra lệnh đập chiếc chậu này ra rồi dùng số vàng đó đúc thành tượng một vị thần, và đem tượng thần để trước ngọ môn. Dân chúng khắp nơi lũ lượt đến chiêm bái. Thấy như vậy, Amasis bèn triệu tập triều đình và nói cho họ biết gốc tích bức tượng đó từ chiếc chậu rửa chân mà ra, cũng giống như ông xuất thân bần hàn, nhưng nay đã thành vua và phải được kính trọng (Herodotus II. 172).
Chương XIII
Như vậy, ta thấy thật rõ ràng là sự quản trị gia đình quan hệ mật thiết với con người hơn là việc tích lũy tài sản vô tri, và với các điều kiện làm tốt đẹp cho con người hơn là với vật chất mà ta gọi là tài sản, cũng như với đức hạnh của người tự do hơn là đối với nô lệ. Một câu hỏi cần được nêu lên ở đây: liệu kẻ nô lệ có những đức tính nào cao hơn là những đặc tính cần thiết như những phương tiện để làm những công việc lao động chân tay-những đức hạnh như sự tự chủ, can đảm, công bằng, và những đức tính tương tự. Hay là ngoài những công việc lao động chân tay kẻ nô lệ không có đức tính nào khác? Trả lời theo kiểu nào đi nữa, ta cũng vấp phải một sự khó khăn; vì nếu những kẻ nô lệ có đức hạnh, thì họ khác những người tự do ở chỗ nào? Mặt khác, vì tất cả đều là con người và con người đều có lý tính, cho nên thật là vô lý khi bảo kẻ nô lệ không có đức hạnh. Vấn đề này cũng tương tự như vậy đối với phụ nữ và trẻ con: liệu phụ nữ và trẻ con có được tính tự chủ, can đảm và công bằng hay không? Như vậy, một cách tổng quát, ta có thể nêu lên câu hỏi là người cai trị và kẻ bị trị-cả hai đều do trời sinh ra như vậy, chứ không vì yếu tố nào khác-về đức hạnh có gì khác nhau không? Nếu ta bảo rằng họ cùng có sự cao quý của các đức tính, thì tại sao người này lại luôn luôn cai trị, còn kẻ kia lại bị trị? Ta không thể viện lý do là họ tuy có cùng các đức tính nhưng khác nhau về mức độ-kẻ có nhiều, người có ít; bởi vì sự khác nhau không phải vì mức độ mà hoàn toàn là vì người cai trị có một đức tính khác với kẻ bị trị. Có người lại lập luận rằng sở dĩ có người cai trị và kẻ bị trị vì người cai trị có đức hạnh còn kẻ bị trị thì không. Lập luận này thật là kỳ lạ! Bởi vì nếu người cai trị là kẻ nóng nảy, bất công, thì làm sao mà y lại có thể cai trị tốt được? Nếu người bị trị cũng thế thì làm sao mà y có thể vâng phục cho tốt được? Bất cứ kẻ nào mà phóng đãng hoặc hèn nhát, chắc chắn kẻ đó không thể chu toàn bổn phận của mình được. Như vậy, ta phải kết luận rằng cả người cai trị và kẻ bị trị cùng phải có đức hạnh, nhưng đức hạnh cũng có nhiều loại khác nhau.
Tới đây, chính bản chất của tinh thần sẽ giúp ta hiểu được vấn đề. Trong bản chất của tinh thần có hai phần, một phần luôn luôn chỉ đạo, còn phần kia luôn luôn tùng phục; đó là phần thuộc về lý tính (luôn luôn chỉ đạo), và phần phi-lý tính. Hiển nhiên là nguyên tắc này được áp dụng một cách tổng quát và mọi điều đều phải tuân theo quy luật tự nhiên này. Nhưng cách thức cai trị khác nhau; người tự do cai trị kẻ nô lệ theo phương cách khác với người nam đối với người nữ, và khác với cách người lớn đối với trẻ con. Mặc dù mọi người đều có cả hai phần khác nhau của tinh thần, nhưng mỗi người lại có những phần này không giống nhau. Kẻ nô lệ cũng có lý tính, nhưng hoàn toàn không có khả năng suy xét tường tận;[1] phụ nữ có khả năng này nhưng lại không có quyền, và trẻ con có khả năng này, nhưng khả năng này chưa được phát triển. Như thế ta phải giả thiết là mọi người đều có các đức hạnh, nhưng mỗi hạng người có đức hạnh đến mức cần thiết để làm nhiệm vụ của mình mà thôi. Như vậy, người cai trị phải có đức hạnh tuyệt hảo (chữ in nghiêng của người dịch), vì nhiệm vụ của người cai trị, một cách tuyệt đối, đòi hỏi phải là một bậc thầy có kỹ năng tuyệt hảo, và lý tính chính là kỹ năng đó;[2] còn những người khác chỉ cần có đức hạnh đến mức mà họ cần mà thôi. Hiển nhiên, ai cũng có đức hạnh, nhưng tính tự chủ hoặc lòng dũng cảm hay tính công bình của người nam và người nữ, như Socrates nói, không giống nhau. Lòng can đảm của người nam thể hiện qua sự chỉ huy, còn ở người nữ qua sự vâng phục. Và điều này cũng đúng với các đức hạnh khác, vì nếu ta quan sát thật tỉ mỉ [các đức hạnh này], ta sẽ thấy thật rõ ràng. Còn những ai mà cho rằng đức hạnh gồm có các tính tốt của tâm hồn, hoặc bao gồm trong các hành động đúng đắn, hay những điều tương tự, đều là tự dối mình. Có một cách khác, hay hơn và đơn giản hơn cách đưa ra một định nghĩa tổng quát về đức hạnh, là cách do Gorgias đề nghị; đó là liệt kê các đức hạnh khác nhau. Mọi hạng người đều có những đặc tính, thí dụ như đối với phụ nữ thì Sophocles[3] nói: "Im lặng là sự vinh quang của phụ nữ," nhưng sự vinh quang này không giống như sự vinh quang của phái nam. Còn đối với trẻ con, vì non nớt nên những đức hạnh của nó chưa được phát triển như khi đã trưởng thành, cho nên phải tùy vào sự hướng dẫn của cha mẹ cho đến khi khôn lớn. Tương tự như vậy, đức hạnh của kẻ nô lệ tùy thuộc vào chủ nhân của chúng.
Đến đây, ta đã thấy kẻ nô lệ là những kẻ hữu dụng để cung cấp những nhu cầu cần thiết cho đời sống. Cho nên, kẻ nô lệ chỉ cần một số đức tính nào đó để giúp cho họ không bị sự hèn nhát hoặc thiếu tự chủ ngăn trở khiến họ không thể chu toàn bổn phận. Nếu những điều ta vừa nói là đúng, thì những người thợ chẳng lẽ cũng không cần có đức hạnh hay sao? Vì họ cũng thường chểnh mảng trong công việc vì thiếu tự chủ! Trong hai trường hợp này có một sự khác biệt lớn lao. Đời sống của kẻ nô lệ lệ thuộc vào đời sống của chủ nhân, còn người thợ chỉ lệ thuộc vào người chủ thuê họ làm việc trong công việc đó mà thôi. Kẻ nô lệ thuộc vào hạng người do thiên nhiên định như vậy, còn người thợ đóng giày hay các nghề khác tự chọn làm các nghề này. Do đó, ta thấy người chủ gia đình phải tạo cho kẻ nô lệ những đức hạnh cần thiết để làm tốt nhiệm vụ của họ, khác với người quản trị ra lệnh cho kẻ nô lệ làm bổn phận.[4] Vì vậy, ta có thể không đồng ý với những kẻ cho rằng không nên trò chuyện với nô lệ mà chỉ cần ra lệnh thôi là đủ rồi, vì nô lệ cần được nhắc nhở nhiều hơn là trẻ con.
Đề tài này đã được bàn khá đầy đủ. Khi ta bàn đến các mô hình chính quyền khác nhau, ta sẽ bàn thêm về mối quan hệ giữa chồng và vợ, cha và con, các đức hạnh khác nhau, và các điều tốt, xấu trong các quan hệ này cùng những cách thức để đạt được điều tốt và tránh đi điều xấu. Vì mỗi gia đình là một phần tử của nhà nước, và mhững mối quan hệ này là những phần trong gia đình, và đức hạnh của phần tử cũng liên hệ đến đức hạnh của tổng thể, cho nên phụ nữ và trẻ con phải được huấn luyện qua giáo dục mà mục tiêu là cơ cấu chính trị. Đức hạnh của họ sẽ góp phần tạo thành đức hạnh của nhà nước; thật vậy, trẻ con sẽ trở thành những công dân và phụ nữ chiếm tới một nửa số người tự do trong đất nước.
Tới đây các vấn đề liên quan đến hộ gia đình-nô lệ, tích lũy tài sản-đã được bàn đầy đủ, những gì còn sót lại như hôn nhân và nuôi dạy con cái, sẽ được bàn tới trong các phần sau. Cho nên, ta sẽ kết thúc phần này và sang một phần mới. Trước hết, ta sẽ xem xét các lý thuyết khác nhau về mô hình nhà nước lý tưởng.
[1] Lý luận của Aristotle ở chỗ này không được ổn: Nếu kẻ nô lệ được xem là có tất cả những phần khác nhau của tinh thần-lý tính và phi-lý tính, thì tại sao chỗ này Aristotle lại phủ nhận điều này? Ở phần sau Aristotle có giải thích là kẻ nô lệ cũng có lý tính, biết phân biệt, nhưng chỉ đủ để tuân theo lời của chủ nhân mà làm việc (tức là khác nhau về mức độ). Điều này mâu thuẫn với lập luận của chính ông là người chủ và kẻ nô lệ có những loại đức hạnh khác nhau, chứ không phải có cùng một loại đức hạnh nhưng khác nhau về mức độ. (ghi chú của người dịch).
[2] Newman giải thích đoạn này bằng sự so sánh như sau: chức năng chữa bệnh được xem là chức năng "tuyệt đối" của một thầy thuốc khi chỉ thị và giám sát việc chữa bệnh của thuộc cấp. Hiểu theo nghĩa này thì chức năng của người cai trị đòi hỏi: (1) toàn bộ khả năng lý trí, gồm cả khả năng suy xét, và (2) toàn bộ đức hạnh mà khả năng lý trí cung cấp (theo Ernest Barker, sđd., trang 36).
[3] Sophocles, một nhà viết bi kịch và sử ca của Cổ Hy lạp (496 BC-406 BC), nổi tiếng với hai vở bi kịch Vua Oedipus và Antigone còn lưu truyền đến ngày nay.
[4] Người lãnh đạo có thể ủy nhiệm hay chia sẻ công việc cho cấp dưới, nhưng không thể uỷ nhiệm trách nhiệm của mình. Trong trường hợp này, chủ nhân không thể san sẻ trách nhiệm hay bổn phận hướng dẫn đạo đức cho nô lệ. Aristotle đã nhắc đến việc này trong Chương 7.
0 comments
Post a Comment