Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Sunday, August 18, 2013

MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VỀ NGUỒN GỐC NHÀ NƯỚC - TS. Nguyễn Thị Hồi







Trong quá trình nghiên cứu về nhà nước, nhiều học giả đã quan tâm tới việc tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi: Nhà nước xuất hiện ở đâu? Từ khi nào? Nhà nước là do ai lập ra? Vì sao nhà nước xuất hiện? Song việc lý giải những vấn đề trên rất khác nhau giữa các nhà nghiên cứu nên có khá nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc nhà nước. Bài viết này sẽ đề cập một cách khái quát đến một số quan điểm về nguồn gốc nhà nước.
Thứ nhất, quan điểm thần quyền cho rằng nhà nước có nguồn gốc thần thánh. Các nhà tư tưởng theo quan điểm này lý giải rằng nhà vua - người đứng đầu nhà nước là do thần thánh sinh ra, là sự hoá thân của thần thánh trên trần thế và quyền cai trị dân chúng của họ cũng là do thần thánh ban cho, họ được coi là “Thiên tử”, “Thiên hoàng”, người thay Trời trị dân. Vì vậy, các nhà vua phải được tôn thờ và được tuyệt đối phục tùng như thần thánh. Ví dụ: “Trong các tài liệu cổ Ai cập, Chúa Trời đã từng nói với Hoàng đế Ramgiêsu II rằng: “Ta là cha của con… Ta trao cho con sứ mệnh của trời đất để con cai quản…””.

Trong Bộ luật Manou của ấn Độ cổ đại đã viết về nhà vua như sau: “Vua được tạo ra từ những phần của các vị thánh siêu đẳng này… Người là vị thánh tối cao mang hình người”. Hoặc Đức Vua Hammurabi của Babylone cổ đại, trong phần mở đầu của bộ luật mang tên ông đã viết: “Ta Hammurabi, một mục sư được thần Enlin lựa chọn… kẻ nối dõi của các Đế vương do thần Xin tạo ra. Mácđúc gọi ta lên cai trị nhân dân và mang đến cho đất nước cuộc đời hạnh phúc… Khi Mácđúc cử ta thống trị muôn dân một cách công bằng và chính nghĩa truyền khắp đất nước và tạo ra hạnh phúc cho nhân dân”. Rõ ràng, đây là một quan điểm hoàn toàn duy tâm về nguồn gốc của nhà nước.

Thứ hai là quan điểm cho rằng nhà nước hình thành trên cơ sở sự phát triển tự nhiên của các gia đình, là sản phẩm của tự nhiên. Chẳng hạn, Aristote - đại diện điển hình của quan điểm này - luận giải rằng con người sẽ không thể tồn tại được nếu không kết hợp lại với nhau giống như sự kết hợp giữa giống đực và giống cái để duy trì nòi giống trong các sinh vật khác, điều đó không thông qua một sự lựa chọn mà chỉ do sự thôi thúc có tính chất bản năng. Do đó xã hội đầu tiên là xã hội giữa đàn ông với đàn bà trong một gia đình và sau đó là xã hội của nhiều gia đình được tạo nên do sự thuận lợi lẫn nhau và sự bền vững của chúng, được gọi là cái làng và cái làng một cách tự nhiên nhất là gồm có tổ tiên và các con cháu của một gia đình. Sau đó, mỗi gia đình lại trở thành một cái nhánh của gia đình lớn, được chỉ huy bởi một người già nhất, vì thế mà các thành bang đầu tiên đã được cai trị bởi các nhà vua.

“Và khi nhiều làng như vậy hoàn toàn hợp nhất với nhau ở mọi khía cạnh thì tạo thành một xã hội, xã hội ấy chính là một thành bang bao gồm trong bản thân nó, nếu tôi có thể nói như vậy, mục đích và sự hoàn hảo của chính quyền: trước tiên có thể đặt nền móng cho cuộc sống của chúng ta, tiếp đó chúng ta có thể có cuộc sống hạnh phúc. Vì lý do đó, mỗi thành bang về nguồn gốc phải là sản phẩm của tự nhiên… và con người về bản chất là một động vật chính trị…”. “… mỗi thành bang được tạo nên bởi các gia đình và mỗi gia đình lại là một bộ phận hợp thành nên nó”. Aristotle còn luận giải thêm rằng do sự thúc đẩy tự nhiên mà con người liên kết với nhau một cách tự nguyện tạo thành thành bang vì theo cách đó mỗi người có thể tìm thấy những lợi ích lớn nhất.

Ông viết: “Như chúng ta đã biết, mỗi thành bang là một xã hội và mỗi xã hội đều được tạo thành bởi một số lợi ích nhất định, vì điều không thể chối cãi được là động cơ của tất cả các hoạt động của con người là vì lợi ích”. Nhờ có khả năng nói mà con người là động vật có tính xã hội, có khả năng giao tiếp cao hơn các động vật khác.

Ngoài ra, con người còn khác với tất cả các động vật khác là họ có khả năng nhận thức điều tốt và điều xấu, công bằng và bất công và những quan điểm chung về vấn đề đó đã tham gia vào việc làm hình thành nên gia đình và thành bang, cho nên điều tồi tệ nhất đối với tất cả mọi người là không có luật pháp và công lý. Do phải tìm sinh kế mà hình thành nên việc quản lý gia đình vì nếu không có sự quản lý đó thì không thể sống và sống tốt được, thành bang cũng tương tự như vậy nên sẽ có người quản lý và người bị quản lý, người cai trị và người bị cai trị.

Điều đó là tự nhiên, bởi vì: “Cũng là từ tự nhiên đã tạo ra một số người được ra lệnh và một số khác phải phục tùng, để mỗi người đạt tới sự an toàn lẫn nhau giữa họ; một người được phú cho khả năng trí tuệ để suy nghĩ và đắn đo suy tính trước thì phù hợp với tự nhiên phải là người cao hơn và là người cai trị, trong khi anh ta là người ưu tú thì làm cho những người khác chỉ đơn thuần là người nô lệ, tiếp sau đó trạng thái khác nhau giữa ông chủ và nô lệ là thuận lợi như nhau cho cả hai bên”. Song gia đình khác với nhà nước ở chỗ “Chính quyền trong gia đình là quân chủ, vì đó là cái chiếm ưu thế trong mỗi gia đình; nhưng trạng thái chính trị là chính quyền của những người tự do và bình đẳng”.

Như vậy, theo Aristote, nhà nước ra đời trên cơ sở sự liên kết tự nhiên và tự nguyện giữa mọi người vì lợi ích của mỗi người và vì lợi ích chung, Sở dĩ con ngời có thể liên kết với nhau thành các cộng đồng, các xã hội như gia đình, làng xóm và thành bang là vì họ có khả năng nói nên họ có khả năng giao tiếp cao hơn các động vật khác và là động vật có tính xã hội.

Ngoài ra còn vì con người có khả năng nhận thức điều tốt và điều xấu, công bằng và bất công và có quan điểm chung về những điều đó. Sự xuất hiện của nhà nước là trực tiếp từ nhu cầu quản lý cộng đồng, quản lý xã hội, vì nếu không có sự quản lý thì con người không thể sống và sống tốt được, không có sự an toàn cho mọi người, do đó, sự xuất hiện của nhu cầu quản lý cũng là tự nhiên, là lẽ đương nhiên. Trong quan hệ quản lý thì bao giờ cũng phải có người quản lý và người bị quản lý, người ra lệnh và người phục tùng mệnh lệnh. Trong gia đình thì chủ gia đình là người quản lý, còn trong thành bang thì những người được phú cho khả năng trí tuệ ưu tú hơn người phải được đặt cao hơn, là người cai trị và những người khác sẽ là người bị cai trị, là nô lệ và chính quyền chỉ là của những người tự do và bình đẳng.

Quan điểm này của Aristote về sau được kế thừa bởi nhiều học giả như Ciceron, Jean Bodin… Điểm hợp lý của quan điểm này là cho rằng nhà nước xuất hiện từ nhu cầu quản lý xã hội, bảo vệ an toàn cho mọi người và bảo vệ lợi ích chung. Song nếu dựa vào quan điểm của Học thuyết Mác – Lênin thì đây không phải là quan điểm hợp lý về nguồn gốc của nhà nước. Điểm hạn chế lớn nhất của quan điểm này là nó đã được sử dụng để biện minh cho sự bất bình đẳng, sự nô dịch và thống trị con người trong xã hội, coi đó như một điều tự nhiên, tất yếu.

Thứ ba, quan điểm hợp đồng xã hội cho rằng nhà nước ra đời trên cơ sở một hợp đồng hay thoả thuận xã hội tự nguyện giữa mọi người trong trạng thái tự nhiên nhằm bảo tồn cuộc sống, tự do và tài sản của họ, do vậy quyền lực nhà nước là xuất phát từ nhân dân, do nhân dân uỷ quyền cho nhà nước. Quan điểm này được đề cập đến bởi rất nhiều học giả như Thomas Hobbe, John Locke, Jean Jacque Rouseau… Song mỗi người lại lý giải về nguồn gốc nhà nước theo một cách riêng.

Chẳng hạn, Thomas Hobbe (1588 - 1679) cho rằng cái gốc của bản chất con người là tính ích kỷ, con người sống trong cộng đồng chỉ nhằm lợi ích của riêng mình. Vì những ham muốn của mình cho nên họ luôn cạnh tranh với nhau. Do có quyền ngang nhau về tất cả trước mọi vật nên họ thèm muốn tất cả những vật đó; họ có cùng một khuynh hướng làm hại lẫn nhau nên giữa họ luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm và sợ hãi đối với nhau.

Ông viết: "Sự cạnh tranh trong việc tìm kiếm của cải, danh vọng, quyền bính hay quyền lực nào đó đã dẫn tới sự tranh giành, thù địch và chiến tranh bởi vì một kẻ kình địch sẽ đạt được ý muốn của mình bằng con đường sát nhân, quy phục, xua đuổi hoặc loại trừ kẻ khác." Những ham muốn này đã biến con người thành kẻ thù của nhau nên trong trạng thái tự nhiên "người với người là chó sói". "Tạm thời con người sống không có chính quyền chung để chống lại sự sợ hãi của mọi người, họ ở trong trạng thái được gọi là chiến tranh hay chính là trạng thái chiến tranh của tất cả mọi người chống lại tất cả mọi người".

Trong thèm muốn và sợ hãi, con người bị tác động bởi sức ép của tự nhiên lúc ấy là tính ích kỷ theo nguyên tắc nhằm duy trì bản thân và tìm kiếm lại sự an toàn. Nhưng trong trạng thái tự nhiên, những mệnh lệnh của quy luật tự nhiên là không bắt buộc. Cho nên, để thoát khỏi "trạng thái tự nhiên" ấy, con người liên kết lại với nhau bằng một sự thoả hiệp tương hỗ hình thành một liên minh bảo đảm chống sự hỗn loạn. Sự liên kết đó là nhà nước. Do đó, chỉ khi con người đã bỏ trạng thái tự nhiên thì pháp quyền xuất hiện. Chính nhà nước làm nảy sinh cái của tôi và cái của anh, nó bắt buộc phải tôn trọng sở hữu của người khác. Nhà nước được lập ra nhằm duy trì hoà bình; con người từ bỏ các quyền mà họ giữ ở trạng thái tự nhiên để hưởng các quyền khác.

Khi tham gia ký kết hợp đồng thành lập nhà nước, con người phải từ bỏ tất cả mọi quyền tự nhiên của mình và chuyển giao chúng cho nhà nước. Nhưng để nhà nước tồn tại, một thoả ước giản đơn giữa những con người là không đủ mà phải cần một sự liên hợp. Những con người không còn sống như những cá nhân độc lập và phân cách, mà phải hình thành một ý chí. Do đó, họ cũng không giữ lại các quyền làm tổn hại đến sự liên kết. Tất cả các quyền lực được chuyển cho nhà nước bằng cách từ bỏ, một mặt là sự kháng cự và mặt khác là sự thủ tiêu việc ủy nhiệm đã trao đi. Bởi vậy, quyền lực của nhà nước, của vua chúa là tuyệt đối và các thần dân không có bất cứ quyền hành gì đối với nhà nước.

Sống trong trạng thái nhà nước con người bị giữ trong những liên hệ của một khế ước đôi.

Qua khế ước đó một mặt các cá nhân liên hợp với nhau, mặt khác là liên hợp giữa các cá nhân với người mà họ trao cho quyền lực tối cao (chẳng hạn nhà vua) và phải cam kết phục tùng quyền uy của người đó một cách tuyệt đối và không điều kiện. Hậu quả của cái điều ước đôi đó làm cho số đông thành một sinh vật duy nhất, ông gọi đó là Lêviathan (tức là quái vật vạn năng trong kinh thánh). Nhà nước thay mặt các cá nhân để thực hiện một quyền tối thượng tuyệt đối.

Theo ông, nền quân chủ thích hợp với quyền tối thượng tuyệt đối đó. Việc duy trì hoà bình đòi hỏi vua phải có một quyền uy đầy đủ như: có quyền lực vô hạn trong việc ban hành các đạo luật, thu thuế, bổ nhiệm quan chức, tiến hành chiến tranh hay hoà bình, xử án v.v... Vua không phải phụ thuộc vào một luật pháp nào ngoài bản thân mình.

Như vậy, theo Thomas Hobbe, quyền lực của nhà nước là một thứ quyền lực nhân tạo và không giới hạn. Ngay cả suy nghĩ của thần dân cũng phải phụ thuộc vào người cầm quyền, từ đó, nhà nước có quyền cấm đoán các học thuyết nguy hại đối với nhà nước và buộc cho các thần dân một hình thức tư duy nào đó. Mọi sự hạn chế và phân chia quyền lực của người cầm quyền đều nguy hại, bởi lẽ những cái đó sẽ dẫn tới sự diệt vong của nhà nước và phục hồi "cuộc chiến tranh của tất cả mọi người chống lại nhau".

Theo Hobbe, nhà nước được tạo thành bởi một sự hỗn hợp đầy đủ của những cá nhân nhằm thực hiện một quyền tối thượng tuyệt đối. Phân biệt chế độ quân chủ, quý tộc và dân chủ như những hình thức nhà nước khác nhau, Hobbe ưa thích nền quân chủ chuyên chế bởi vì nó dường như đảm bảo hoà bình và an ninh cho nhân dân hơn, nó thích hợp với quyền tối thượng tuyệt đối. Việc duy trì hoà bình đòi hỏi vua phải có một quyền uy đầy đủ, vua không phải phụ thuộc vào một luật pháp nào ngoài bản thân mình, dù những luật pháp đó là tự nhiên hay mang tính tôn giáo tối cao. Ông lên án những mưu toan của nghị viện định hạn chế quyền lực của quốc vương Anh.

Giống với Hobbe, John Locke (1632 - 1704) cũng cho rằng trước khi có nhà nước con người sống trong trạng thái tự nhiên. Ở đó mọi người hoàn toàn tự do, bình đẳng và độc lập với nhau, mỗi người “là chúa tể tuyệt đối của con người và tài sản của chính anh ta, bình đẳng đến mức tối đa và không bị ai thống trị". Trong trạng thái đó, mỗi người có hai quyền lực. Một là, làm bất cứ cái gì mà anh ta cho là phù hợp với sự tự bảo tồn của anh ta và những người khác trong phạm vi cho phép của Luật tự nhiên, bởi vì luật đó là chung cho tất cả mọi người. Hai là, quyền lực để chống lại sự xúc phạm và xâm hại của người khác, xét xử và trừng phạt những sự vi phạm Luật tự nhiên.

Song sự được hưởng những quyền trên và sự sở hữu tài sản của con người rất không an toàn và không chắc chắn vì chúng luôn luôn bị vi phạm bởi những người khác và lại thiếu nhiều thứ để bảo đảm cho chúng.

Thứ nhất là ở đó không có một thứ pháp luật được thiết lập ổn định, được biết rõ, được công nhận và cho phép bởi sự ưng thuận chung, trở thành chuẩn mực của sự đúng, sai và là tiêu chuẩn chung để giải quyết tất cả các tranh chấp giữa mọi người.

Thứ hai, trong trạng thái tự nhiên không có những quan toà hiểu biết và công tâm với thẩm quyền giải quyết tất cả các vụ việc khác nhau theo luật pháp đã được thiết lập. Vì mỗi người vừa là quan toà, vừa là người thực hiện Luật tự nhiên nên họ không thể công tâm khi giải quyết các vụ việc của mình.

Thứ ba, ở đó không có một quyền lực thường xuyên để ủng hộ và giúp đỡ một sự kết án đúng và sau đó đưa bản án vào thực hiện. Những người bị làm tổn hại bởi một việc bất công nào đó sẽ hiếm khi quên và khi có khả năng, họ sẽ dùng vũ lực để thực hiện một sự trừng phạt lại nguy hiểm gấp nhiều lần sự gây thiệt hại đó, và thường là tiêu diệt những người đã gây ra sự bất công ấy.

Như vậy, loài người mặc dù được ban cho tất cả những đặc quyền trong trạng thái tự nhiên, nhưng vì sống trong những điều kiện xấu như trên nên đã tập hợp lại thành xã hội. Để bổ khuyết những sự thiếu hụt và những sự không hoàn hảo của con người khi sống đơn độc nên tự nhiên đã xui khiến họ tìm kiếm sự cộng đồng và tình bằng hữu với những người khác.

Để thoát khỏi trạng thái tự nhiên, "Cái hoàn cảnh mà tuy được tự do nhưng lại đầy sự sợ hãi và sự nguy hiểm liên miên", con người đã liên kết với nhau tạo thành xã hội, thành nhà nước, chuyển giao một phần quyền lực của mình cho nhà nước và đặt mình dưới quyền thống trị của nó nhằm bảo tồn cuộc sống, tự do và tài sản của mỗi người.

Locke giải thích thêm: "Những sự bất tiện trong việc thực hiện quyền lực mà mỗi người có để trừng phạt sự vi phạm của người khác rất không chắc chắn và không theo quy tắc đã làm cho họ đi tìm sự nương náu dưới những đạo luật đã được thiết lập của chính quyền để mưu cầu sự bảo toàn cho cuộc sống, tự do và tài sản của họ. Điều đó đã làm cho họ rất vui lòng chuyển giao quyền lực trừng phạt của mỗi cá nhân mà vẫn được thực hiện một cách đơn độc cho những người trong số họ được bổ nhiệm để thực hiện quyền đó theo những nguyên tắc vì xã hội như thế, hoặc những người được họ uỷ quyền, sẽ phải đồng ý thực hiện quyền lực vì mục đích đó. Và ở đây chúng ta đã thấy rõ nguồn gốc của cả quyền lực lập pháp lẫn quyền lực hành pháp cũng như của chính bản thân các chính quyền và các xã hội".

Qua quan điểm của thuyết hợp đồng hay khế ước xã hội về nguồn gốc nhà nước, có thể thấy, điểm hợp lý của quan điểm này là ở chỗ nó thừa nhận rằng nhà nước không xuất hiện ngay từ khi xã hội loài người xuất hiện mà nó chỉ ra đời khi xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, nhà nước ra đời do nhu cầu quản lý xã hội, bảo đảm sự an toàn cho mọi người và sự an ninh cho xã hội; nhà nước có chức năng quản lý xã hội, giữ gìn trật tự, sự ổn định của xã hội và bảo vệ lợi ích chung của cả cộng đồng. Song điểm bất hợp lý của quan điểm này là ở chỗ nó không chỉ ra được rằng nhà nước ra đời không chỉ do nhu cầu tổ chức và quản lý xã hội mà còn do nhu cầu thống trị giai cấp nên ngoài tính xã hội nó còn có tính giai cấp.

Thứ tư là quan điểm của Học thuyết Mác, quan điểm được coi là khoa học và hợp lý nhất về nguồn gốc nhà nước. Với cách nhìn duy vật biện chứng, khi nghiên cứu về sự xuất hiện nhà nước, các nhà kinh điển của Học thuyết Mác đã chỉ ra rằng: Nhà nước không phải là hiện tượng siêu nhiên hay là sản phẩm của tự nhiên, cũng không phải là vĩnh cửu và bất biến mà là một phạm trù lịch sử, có quá trình phát sinh, phát triển và tiêu vong. Nhà nước nảy sinh từ xã hội, là sản phẩm có điều kiện của xã hội loài người. Nhà nước chỉ xuất hiện khi xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, giai đoạn có sự phân chia con người thành giai cấp và có đấu tranh giai cấp. Nhà nước luôn luôn vận động, phát triển và chỉ tồn tại trong xã hội có giai cấp, nó sẽ tiêu vong khi những điều kiện khách quan cho sự tồn tại của nó không còn nữa.

Những luận điểm quan trọng về sự xuất hiện nhà nước đã được Frederich Engels trình bày tập trung trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước", sau này được Lênin bổ sung và phát triển trong tác phẩm "Nhà nước và cách mạng". Theo cách lý giải của các nhà kinh điển, trong lịch sử loài người “không phải lúc nào cũng đã có nhà nước. Đã từng có những xã hội không cần đến nhà nước, không có một khái niệm nào về nhà nước và chính quyền nhà nước cả”. Xã hội không cần đến nhà nước mà Engels nói ở đây chính là xã hội thị tộc, song tất cả những nguyên nhân và điều kiện dẫn đến sự hình thành những nhà nước đầu tiên lại nảy sinh ở xã hội này.

Theo Engels, Cộng sản nguyên thuỷ là xã hội có tổ chức đầu tiên của loài người. Lúc đó, do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn hết sức thấp kém, công cụ sản xuất quá thô sơ, kinh nghiệm sản xuất còn ít, sự hiểu biết về tự nhiên và xã hội mới ở mức sơ khai nên con người luôn cảm thấy sợ hãi và bất lực trước thú dữ cũng như trước các tai họa do thiên nhiên mang lại. Để kiếm sống và tự bảo vệ mình, con người phải dựa vào nhau cùng chung sống, cùng chống lại thú dữ, cùng lao động và cùng hưởng thụ những sản phẩm do lao động làm ra.

Lúc đầu con người sống thành từng bầy người nguyên thủy. Trong bầy người ấy, do bản năng duy trì nòi giống, quan hệ tính giao xảy ra giữa mọi người đàn ông và đàn bà với nhau, không phân biệt giữa cha mẹ và các con, giữa ông bà và các cháu hay giữa anh chị em ruột với nhau. Song con người là thực thể có ý thức và có trí tuệ nên dần dần, do sự phát triển của nhận thức, họ nhận thấy không thể chấp nhận quan hệ tính giao giữa những người cùng huyết thống với nhau. Những quy định cấm quan hệ tính giao giữa những người có cùng huyết thống và họ hàng với nhau đã xuất hiện và cùng với chúng, nhiều hình thức gia đình đã lần lượt xuất hiện trong lịch sử. Đó là các hình thức: gia đình huyết tộc, gia đình punaluan, gia đình đối ngẫu và gia đình một vợ một chồng. Khi hình thức gia đình punaluan tồn tại, thị tộc đã xuất hiện với tư cách là tế bào và là đơn vị cơ sở của sự tổ chức xã hội.

Thị tộc là một tập đoàn thân tộc trong một bộ lạc, tức là một nhóm người cùng huyết tộc về phía nữ và không có quyền lấy nhau, họ có một bà mẹ tổ chung. Thị tộc được tổ chức theo huyết thống và lúc đầu là thị tộc mẫu quyền, tức là quan hệ huyết tộc và thừa kế được tính theo mẹ, về sau là thị tộc phụ quyền. Khi “dân số tăng lên, thì mỗi thị tộc đầu tiên đó lại chia nhỏ ra thành mấy thị tộc con, và đối với những thị tộc con này thì thị tộc mẹ là bào tộc; bản thân bộ lạc cũng chia làm nhiều bộ lạc” và bộ lạc đầu tiên lại trở thành liên minh các bộ lạc cùng thân tộc. Như vậy, các đơn vị tổ chức trong xã hội này bao gồm thị tộc, bào tộc, bộ lạc và liên minh các bộ lạc, chúng được hình thành và được duy trì bởi các quan hệ huyết tộc. “Tổ chức giản đơn đó hoàn toàn phù hợp với những điều kiện xã hội đã đẻ ra nó… nó có khả năng giải quyết được tất cả những cuộc xung đột có thể xảy ra”.

Cơ sở kinh tế của xã hội này được đặc trưng bằng chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động, “Cái gì cùng nhau làm ra và dùng chung, thì cái đó là tài sản chung”(3). Mọi thành viên của thị tộc đều tự do, có địa vị xã hội như nhau, không có kẻ giàu người nghèo, kẻ thống trị và người bị thống trị. Bình đẳng là nguyên tắc xử sự cao nhất trong lao động cũng như trong phân phối sản phẩm. Nền kinh tế của nó là nền kinh tế tự nhiên, tự cấp và tự túc, săn bắn và hái lượm. “Sự phân công lao động hoàn toàn còn có tính chất tự nhiên, nó chỉ được thực hiện giữa nam và nữ thôi. Đàn ông thì đánh giặc, đi săn bắn và đánh cá, tìm nguyên liệu dùng làm thức ăn và kiếm những công cụ cần thiết cho việc đó. Đàn bà chăm sóc việc nhà, chế biến thức ăn và chuẩn bị cái mặc: họ làm bếp, dệt, may vá. Mỗi bên đều làm chủ trong lĩnh vực hoạt động riêng của mình… Mỗi bên đều là chủ sở hữu những công cụ do mình chế tạo và sử dụng… Kinh tế gia đình là nền kinh tế cộng sản chung cho nhiều gia đình”.

Tuy cách tổ chức xã hội còn đơn giản như vậy song đã xuất hiện nhu cầu quản lý, điều hành các hoạt động chung của thị tộc, bộ lạc. Muốn vậy thì chủ thể điều hành, quản lý phải có quyền lực, tức là phải có khả năng hay sức mạnh để bắt các chủ thể khác trong xã hội phải phục tùng ý chí của mình. Do vậy, quyền lực và một hệ thống thực hiện quyền lực đã xuất hiện, mặc dù còn rất đơn giản. Cơ quan quyền lực cao nhất của thị tộc là Hội đồng thị tộc, bao gồm tất cả các thành viên đã trưởng thành của thị tộc, nam cũng như nữ. Hội đồng này bàn bạc dân chủ và quyết định tập thể về tất cả các vấn đề quan trọng của thị tộc: tổ chức lao động sản xuất, quyết định vấn đề chiến tranh hoặc hoà bình, quyết định việc nộp lễ vật xin xá tội, việc báo thù cho những người trong thị tộc bị giết hại...

Trong Hội đồng mọi người đều có quyền phát biểu và biểu quyết như nhau nên các quyết định của Hội đồng thể hiện ý chí chung của các thành viên và có tính chất bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với mọi người. Họ thực hiện chúng một cách tự nguyện, song cũng có những biện pháp cưỡng chế nhất định của cộng đồng đối với những người vi phạm các quyết định đó. Hội đồng bầu ra tù trưởng và thủ lĩnh quân sự để thay mặt Hội đồng quản lý thị tộc trong thời bình và thời chiến. Những người này có quyền lực rất lớn nhưng quyền lực của họ không phải dựa vào một bộ máy cưỡng chế nào mà dựa vào tập thể cộng đồng trên cơ sở uy tín cá nhân, sự tín nhiệm và sự ủng hộ của các thành viên trong thị tộc. Tù trưởng và thủ lĩnh quân sự cùng sống, cùng lao động và hưởng thụ như những người khác, không có đặc quyền, đặc lợi, họ chịu sự kiểm tra của Hội đồng thị tộc và có thể bị Hội đồng bãi miễn.

Như vậy, trong xã hội cộng sản nguyên thủy đã có quyền lực và quyền lực này có hiệu lực thực tế rất cao, có tính cưỡng chế mạnh. Song đó chỉ là quyền lực xã hội, nó có các đặc điểm là: Không tách rời khỏi cộng đồng mà thuộc về cả cộng đồng, hòa nhập với dân cư, do toàn thể cộng đồng tổ chức ra; phục vụ lợi ích của cả cộng đồng; không có bộ máy riêng để thực hiện. Cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực ở bào tộc, bộ lạc và liên minh các bộ lạc cũng tương tự như ở thị tộc, song đã thể hiện sự tập trung quyền lực cao hơn vì tham gia vào hội đồng của các tổ chức này chỉ gồm tù trưởng và thủ lĩnh quân sự của các thị tộc.

Tóm lại, xã hội cộng sản nguyên thủy là xã hội "không có nhà nước, lúc đó các quan hệ xã hội và ngay cả xã hội nữa, kỷ luật, tổ chức lao động đều duy trì được là nhờ có sức mạnh của phong tục, tập quán, nhờ có uy tín và sự kính trọng đối với những bô lão của thị tộc, hoặc đối với phụ nữ - địa vị của phụ nữ hồi đó không chỉ ngang với nam giới mà còn cao hơn nữa, và lúc đó không có một hạng người riêng biệt, hạng người chuyên môn để bóc lột".

Trong chế độ thị tộc, lực lượng sản xuất tuy phát triển rất chậm chạp song vẫn phát triển không ngừng. Nhờ sự cải tiến công cụ lao động mà số thú rừng săn bắn được ngày càng nhiều hơn. Một số bộ lạc tiên tiến nhất lúc đầu lấy việc thuần dưỡng gia súc và về sau thì lấy việc chăn nuôi và coi giữ gia súc làm ngành lao động chủ yếu của mình.

Những bộ lạc du mục tách rời khỏi những bộ lạc khác: đó là sự phân công lao động xã hội lớn đầu tiên. Nó đã dẫn đến những hệ quả sau:

+ Sự trao đổi sản phẩm giữa các bộ lạc ngày càng phát triển hơn, súc vật trở thành hàng hoá dùng để đánh giá tất cả các hàng hoá khác và có chức năng tiền tệ.

+ Việc mở mang đồng cỏ và trồng trọt ngũ cốc đã xuất hiện để cung cấp thức ăn cho gia súc và sau đó là cho người.

+ Trong lĩnh vực công nghiệp xuất hiện hai thành tựu mới quan trọng là việc sản xuất ra khung cửi, nấu quặng và chế tạo đồ kim loại.

+ Sản xuất tăng lên trong tất cả các ngành: chăn nuôi súc vật, trồng trọt, thủ công nghiệp gia đình làm cho nhu cầu sức lao động tăng lên và tù binh trong chiến tranh bị biến thành nô lệ. “Từ sự phân công lao động xã hội lớn lần đầu tiên đã nảy sinh ra sự phân chia lớn đầu tiên trong xã hội thành hai giai cấp: chủ nô và nô lệ, kẻ bóc lột và người bị bóc lột”.

+ Súc vật được chuyển từ sở hữu công cộng của bộ lạc hoặc của thị tộc sang sở hữu của những người chủ gia đình cá thể, súc vật cũng như hàng hoá và nô lệ mà người ta dùng súc vật để đổi lấy là thuộc về người đàn ông; quyền thống trị thực tế của người đàn ông trong gia đình được xác lập và duy trì bằng cách lật đổ chế độ mẫu quyền và xác lập chế độ phụ quyền.

Ở giai đoạn tiếp theo, sắt đã xuất hiện để phục vụ loài người. “Của cải tăng lên nhanh chóng, nhưng vẫn là của cải của cá nhân; nghề dệt, nghề chế tạo đồ kim loại và những nghề thủ công khác ngày càng tách khỏi nhau, làm cho sản phẩm ngày càng có nhiều loại và nghệ thuật sản xuất ngày càng thêm hoàn hảo… Một sự hoạt động nhiều mặt như thế không thể chỉ do độc một cá nhân tiến hành được nữa, sự phân công lao động lớn lần thứ hai đã diễn ra: thủ công nghiệp đã tách khỏi nông nghiệp”. Sự phân công lao động lần này lại tiếp tục dẫn đến những biến đổi lớn trong xã hội.

+ Sản xuất phát triển không ngừng, năng suất lao động và giá trị sức lao động được nâng cao làm cho nô lệ trở thành bộ phận cấu thành chủ yếu của xã hội.

+ Nền sản xuất bị tách ra thành hai ngành chính nên nền sản xuất trực tiếp nhằm trao đổi đã ra đời, đó là nền sản xuất hàng hoá và cùng với nó thì thương nghiệp cũng xuất hiện.

+ Những đất đai có thể trồng trọt được đều đem cấp phát cho các gia đình sử dụng. Gia đình riêng rẽ bắt đầu trở thành đơn vị kinh tế của xã hội. Trong xã hội ngoài sự phân biệt giữa người tự do với nô lệ đã xuất hiện sự phân biệt giữa kẻ giàu và người nghèo.

+ Sự liên minh và hợp nhất của những bộ lạc cùng thân tộc và do đó sự hợp nhất những lãnh thổ riêng của các bộ lạc thành lãnh thổ chung của bộ tộc trở thành một điều cần thiết.

+ Thủ lĩnh quân sự của bộ tộc trở thành một viên chức cần thiết, thường trực, đại hội nhân dân được thành lập. “Thủ lĩnh quân sự, hội đồng, đại hội nhân dân, đó là những cơ quan của cái xã hội thị tộc đã phát triển thành một xã hội theo chế độ dân chủ quân sự”.

Bởi vì, chiến tranh và tổ chức chiến tranh đã trở thành chức năng thường xuyên trong sinh hoạt của nhân dân, chiến tranh và cướp bóc đã trở thành một nghề thường xuyên. Điều đó đã làm tăng thêm quyền lực của thủ lĩnh quân sự và tập quán lựa chọn những người kế thừa các thủ lĩnh quân sự trong cùng một gia đình hình thành, quyền lực của thủ lĩnh quân sự dần dần trở thành một quyền lực thế tập, đó là cơ sở của vương quyền thế tập và quý tộc thế tập.

Như vậy, “… toàn bộ chế độ thị tộc chuyển hoá thành cái đối lập với nó: từ một tổ chức của các bộ lạc nhằm giải quyết một cách tự do những công việc của mình, nó đã trở thành một tổ chức để cướp bóc và áp bức láng giềng… các cơ quan của nó, lúc đầu là công cụ của ý chí nhân dân, thì nay đã trở thành những cơ quan độc lập của sự thống trị và áp bức, nhằm chống lại chính ngay nhân dân”. Sự chuyển hoá này là do lòng khao khát của cải đã làm cho các thành viên thị tộc chia thành kẻ giàu người nghèo và sự chênh lệch về tài sản trong nội bộ thị tộc đã biến “sự thống nhất về quyền lợi thành sự đối kháng giữa các thành viên của thị tộc”.

Sau những lần phân công lao động xã hội lớn, xã hội đã có những biến động cơ bản sau:

+ Nền kinh tế xã hội được chuyển từ nền kinh tế tự nhiên sang nền kinh tế sản xuất và trao đổi. Chế độ sở hữu chung của thị tộc được thay thế bằng chế độ sở hữu tư nhân của từng gia đình.

+ Tình trạng những người trong cùng thị tộc, bộ lạc thống nhất với nhau về quyền lợi và chung sống trên cùng một lãnh thổ mà chỉ có mình họ cư trú không còn nữa mà trên vùng lãnh thổ ấy đã có người của các thị tộc, bộ lạc khác nhau cùng chung sống; những người đó được phân chia thành người tự do và nô lệ, thành những người giàu có đi bóc lột và những người nghèo khó bị bóc lột, những người có nhu cầu, lợi ích xung đột với nhau.

Đến giai đoạn phát triển tiếp theo, trong xã hội đã diễn sự phân công lao động lần thứ ba, : “ … sự phân công này đẻ ra một giai cấp không tham gia vào sản xuất nữa, mà chỉ làm công việc trao đổi sản phẩm, đó là giai cấp thương nhân”, giai cấp này “tuy không tham gia sản xuất một tí nào, nhưng lại chiếm toàn quyền lãnh đạo sản xuất và bắt những người sản xuất phụ thuộc mình về mặt kinh tế; nó trở thành kẻ trung gian không thể thiếu được giữa hai người sản xuất và bóc lột cả đôi bên”.

Cùng với sự xuất hiện của giai cấp này thì đồng tiền rồi nạn cho vay nặng lãi ra đời, thêm vào đó, quyền sở hữu tự do và hoàn toàn về ruộng đất xuất hiện đã kéo theo sự nảy sinh của nạn cầm cố ruộng đất. “Như vậy, cùng với sự mở rộng thương mại, cùng với tiền và nạn cho vay nặng lãi, với quyền sở hữu ruộng đất và chế độ cầm cố thì sự tích tụ và tập trung của cải vào trong tay giai cấp một số ít người cũng đã diễn ra một cách nhanh chóng…, sự bần cùng hoá của quần chúng và đám đông dân nghèo cũng tăng lên”, nô lệ cũng tăng lên rất đông.

Trước thực trạng trên, chế độ thị tộc tỏ ra bất lực vì nó vốn “sinh ra từ một xã hội không biết đến một mâu thuẫn nội tại nào cả và chỉ thích ứng với xã hội ấy”. Nhưng bây giờ, một xã hội mới đã ra đời, một xã hội mà do toàn bộ những điều kiện kinh tế của sự tồn tại của nó mà phải phân chia thành các giai cấp đối lập nhau và mâu thuẫn với nhau ngày càng gay gắt. “Nhưng muốn cho những mặt đối lập đó, những giai cấp có quyền lợi kinh tế mâu thuẫn nhau đó, không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội trong một cuộc đấu tranh vô ích, thì cần phải có một lực lượng cần thiết, một lực lượng tựa hồ như đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu sự xung đột và giữ cho xung đột đó nằm trong vòng “trật tự”. Và lực lượng đó, nảy sinh từ xã hội, nhưng lại đứng trên xã hội và ngày càng xa rời xã hội, chính là Nhà nước”.

Như vậy, theo cách lập luận của Engels thì nhà nước đã ra đời để thay thế cho chế độ thị tộc, nó nảy sinh từ nhu cầu quản lý, thống trị xã hội có giai cấp để thiết lập và giữ gìn trật tự xã hội ấy, nó “tựa hồ như đứng trên các giai cấp đang đấu tranh với nhau, đã dập tắt cuộc xung đột công khai giữa họ và cùng lắm là để cho cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, dưới một hình thức được mệnh danh là hợp pháp”.

Trên đây là một số quan điểm khác nhau về nguồn gốc của nhà nước, xin giới thiệu để bạn đọc cùng tham khảo.

Trả Lời Với Trích Dẫn

0 comments

Post a Comment