Chương I
Có một nguyên tắc áp dụng cho tất cả những ngành nghệ thuật và khoa học, đó là nhằm nghiên cứu toàn diện một đề tài chứ không còn phân tích các phần tử riêng rẽ nữa. Thí dụ, trong bộ môn thể dục, ta phải xét xem không những (1) cách thức huấn luyện nào sẽ thích hợp cho thể trạng nào, mà còn (2) đối với những thể trạng tốt nhất thì cách thức nào sẽ là cách hay nhất và dụng cụ nào sẽ phù hợp nhất, và (3) cách thức huấn luyện nào sẽ phù hợp cho đa số thể trạng con người nói chung. Chưa hết, (4) vẫn còn những người mặc dù muốn luyện tập thể dục, nhưng không muốn đạt đến trình độ có thể đi tranh tài, thì huấn luyện viên vẫn phải có bổn phận truyền dạy những kỹ thuật thích hợp cho những người như vậy. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả mọi ngành như y học, đóng tàu, may mặc, và tất cả những ngành nghệ thuật khác.Chính quyền cũng là một ngành học thuộc khoa học chính trị, và như thế, cũng phải được nghiên cứu toàn diện để xem cơ cấu chính quyền (hiến pháp) nào là cơ cấu tốt nhất và gần với cơ cấu lý tưởng nhất, trong hoàn cảnh lý tưởng nhất ( khi không bị những ảnh hưởng bên ngoài chi phối), cũng như xem xét những mô hình đã được áp dụng trong những nước riêng biệt. Bởi vì những gì tốt nhất thường khó đạt được, như thế nhà lập pháp và nhà lãnh đạo chân chính nên tìm hiểu, không những, thứ nhất, những mô hình tốt nhất trên lý thuyết mà còn những mô hình tốt nhất trên thực tế. Thứ hai, ta cũng cần phải biết một nhà nước được thành lập như thế nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không những từ thời lập quốc mà còn hiểu rõ cách thức để bảo tồn quốc gia lâu bền nhất; thứ ba là những nước không có được một hiến pháp tuyệt hảo hay thiếu những điều kiện cần thiết để tạo ra một cơ cấu chính trị tốt nhất, hay những nước vì điều kiện thực tế của họ mà có một cơ cấu chính trị dở hơn các nước khác.
Thứ tư, nhà lập pháp, hơn thế nữa, cũng cần phải biết cơ cấu chính trị nào thích hợp nhất cho những nước nói chung; bởi vì những học giả chính trị, dù có những tư tưởng tuyệt hảo, cũng lại thường là những người không thực tế. Ta phải xem xét, không phải chỉ những cơ cấu nào là tốt nhất, mà còn phải xem loại nào là loại có thể thực hiện được và nước nào cũng xây dựng được một cách dễ dàng. Có những người đòi hỏi phải có mô hình tuyệt hảo nhất, và để đạt dược điều này thì cần phải có nhiều thuận lợi do thiên nhiên ưu đãi. Có những người khác, nhắm tới một loại mô hình có thể xây dựng được dễ dàng hơn, dù họ không thích cơ cấu chính trị mà họ đang có, họ cũng vẫn ca ngợi một cơ cấu chính trị đặc thù nào đó, như hiến pháp của Sparta chẳng hạn. Bất kỳ một sự thay đổi chế độ nào cũng đòi hỏi người dân, đang sinh sống trong chế độ hiện hữu, khả năng và ý chí chấp nhận chế độ mới, bởi vì cải tổ một chế độ cũ cũng rắc rối và khó khăn như xây dựng một chế độ mới, giống như để quên đi những gì đã học thuộc cũng khó như khi bắt đầu học điều đó. Và như thế, ngoài những đức tính cần phải có như đã nêu ở trên, một nhà lãnh đạo cần phải có khả năng đưa ra những biện pháp chữa trị những khiếm khuyết của cơ cấu chính trị hiện hữu, như đã nói trước đây. Nhà lãnh đạo không thể làm được điều này nếu không biết có bao nhiêu mô hình chính trị. Người ta thường cho rằng chỉ có một loại chế độ dân chủ và một loại quả đầu. Nhưng đó là điều sai lầm, và để tránh những sai lầm như thế, ta phải biết chắc chắn những điều khác nhau trong các mô hình hiến pháp và những mô hình này có thể được kết hợp với nhau theo bao nhiêu kiểu. Cùng một sự nhận thức chính trị sâu sắc như vậy sẽ giúp cho ta biết hệ thống luật pháp nào là tốt nhất và thích hợp nhất cho loại hiến pháp nào; bởi vì luật pháp phải phụ thuộc vào hiến pháp, chứ không phải ngược lại. Hiến pháp ấn định cơ cấu chính trị của một nước và xác định những cơ cấu cai trị, cũng như cứu cánh của mỗi cộng đồng chính trị. Còn luật pháp không nên bị lầm lẫn với những nguyên tắc của hiến pháp; luật pháp là những quy định nhà chức trách dùng để điều hành nhà nước và để ngăn ngừa những kẻ vi phạm. Như thế, ta cần phải biết sự khác biệt giữa những mô hình hiến pháp, có bao nhiêu sự khác biệt giữa các loại chính quyền để có thể thực hiện việc lập pháp cho phù hợp. Ta thấy không thể cùng áp dụng một đạo luật cho tất cả những chế độ quả đầu hay tất cả những chế độ dân chủ, vì chắc chắn là mỗi chế độ dân chủ hay quả đầu cũng đều có nhiều loại khác nhau
Chương II
Trong phần thảo luận về các mô hình chính quyền, ta thấy có ba mô hình đúng đắn: quân chủ, quý tộc và chính quyền theo hiến pháp, và ba mô hình hủ bại-bạo chúa, quả đầu, và dân chủ. Ta đã bàn về chế độ quân chủ và quý tộc rồi, bởi lẽ nghiên cứu về một nhà nước toàn hảo thì cũng giống như khi ta bàn về hai chế độ này, tức là những chế độ vừa có nguyên tắc đạo đức và điều kiện vật chất đầy đủ để thiết lập chế độ. Ta cũng đã bàn về sự khác nhau giữa hai chế độ quý tộc và quân chủ và khi nào thì nên thiết lập chế độ quân chủ. Trong phần dưới đây ta sẽ xem xét cái-gọi-là chính quyền theo hiến pháp gồm cả những chế độ đúng đắn và hủ bại như bạo chúa, quả đầu, và dân chủ.Ta thấy hiển nhiên trong ba chế độ hủ bại thì chế độ nào là tồi tệ nhất, và chế độ nào đỡ hơn một chút. Chế độ tồi tệ nhất chắc chắn phải là một chế độ đã bị hủ bại làm mất đi tính chất cao quý gần như thiêng liêng của nó là chế độ quân chủ. Chế độ quân chủ, không phải chỉ có cái tên, nhưng được tạo nên bởi đức độ cao quý của vị vua sáng lập ra triều đại. Như thế, chế độ bạo chúa phải là chế độ tệ hại nhất; kế đến là chế độ quả đầu thoái hóa từ chế độ quý tộc, và chế độ dân chủ là chế độ tốt hơn hai chế độ vừa kể.
Một tác giả tiền bối[1] đã phân biệt thật rõ ràng sự khác biệt giữa các chế độ này, nhưng dựa trên quan điểm khác với tôi. Ông lập luận rằng tất cả khi mọi thể chế đều tốt (kể cả chế độ quả đầu và các chế độ khác), thì chế độ dân chủ là chế độ xấu nhất (trong các chế độ tốt), nhưng khi mọi chế độ đều xấu hết, thì chế độ dân chủ là chế độ tốt nhất (trong các chế độ xấu). Nhưng ta phải nhận rằng trong trường hợp các chế độ hủ bại, một chế độ quả đầu không thể được xem là tốt hơn một chế độ quả đầu khác, mà chỉ có đỡ xấu xa hơn.
Ta có thể ngừng cuộc thảo luận về vấn đề này tại đây và bắt đầu xét xem thứ nhất, có bao nhiêu loại hiến pháp khác nhau (vì ngay cả dân chủ và quả đầu cũng có nhiều loại khác nhau); thứ hai, loại hiến pháp nào, không kể mô hình lý tưởng, được đa số chấp nhận nhất, và ngoài loại này ra còn có cơ cấu chính trị nào khác mang tính chất quý tộc nhưng được thiết lập khéo léo và được nhiều nước áp dụng; thứ ba, cơ cấu chính trị nào thích hợp nhất cho loại dân nào: ta thấy chế độ dân chủ có thể thích hợp cho một thành phần dân chúng nào đó hơn là chế độ quả đầu, và ngược lại. Thứ tư, ta cũng phải nghiên cứu xem những người muốn thiết lập chế độ này hay chế độ khác dùng những phương cách như thế nào. Và sau cùng, sau khi đã thảo luận rốt ráo vấn đề trên, ta sẽ bàn đến vấn đề then chốt là các chế độ chính trị nói chung, và các loại khác nhau nói riêng, được bảo tồn và bị diệt vong như thế nào, cùng với những nguyên nhân tạo ra các kết quả đó.
Chương III
Lý do chính tại sao lại có nhiều loại chính quyền khác nhau là vì trong mỗi nước có nhiều phần tử khác nhau. Đầu tiên ta thấy tất cả mọi nước đều bắt nguồn từ nhiều gia đình, và trong số đông đảo công dân lại có kẻ giàu người nghèo, có kẻ trung lưu. Kẻ giàu có phương tiện để vũ trang, còn kẻ nghèo thì chỉ là kẻ bạch đinh. Trong số những kẻ bình dân, có người làm nghề nông, có người buôn bán, và có kẻ làm thợ. Còn trong số quý tộc cũng có sự khác biệt về tiền bạc và tài sản, thí dụ số ngựa mỗi nhà có bao nhiêu con dùng để xem nhà ai giàu có hơn ai. Vì thế, vào thời cổ, những nước nào dùng kỵ binh làm sức mạnh, thường theo chế độ quả đầu. Những chế độ này dùng kỵ binh đánh nhau với những nước láng giềng, chẳng hạn như dân Eretria và Chalcis, hay dân Magnesia sống dọc theo sông Maender và các sắc dân khác ở Á châu. Ngoài sự khác biệt về tài sản, còn sự khác biệt về dòng giống và tài năng cùng những khác biệt khác đã được bàn tới trong phần thảo luận về chế độ quý tộc cùng những yếu tố cần thiết cho sự tạo dựng một quốc gia. Trong số những phần tử này, đôi khi tất cả, đôi khi một số ít quần chúng, đôi khi một số đông quần chúng, được dự phần vào sinh hoạt chính trị. Như vậy, hiển nhiên rằng phải có nhiều loại chính quyền khác nhau, vì mỗi nước được tạo thành bởi những phần tử khác nhau. Một hiến pháp chính là cơ cấu của chính quyền mà tất cả công dân được tham dự tùy theo quyền lực của mỗi giai cấp, chẳng hạn như giai cấp giàu có hay nghèo khó, hay theo một số nguyên tắc bình đẳng nào đó cho cả hai giai cấp. Như vậy, ngoài nhiều mô hình chính quyền ra, còn có nhiều hiến pháp khác nhau tùy theo sự khác biệt về giai cấp và nghề nghiệp của dân chúng.[Tuy nhiên,] có người lập luận rằng, nói chung thì chỉ có hai dạng chính quyền chính mà thôi--cũng giống như khi ta nói về gió thì chỉ có gió đông hoặc gió tây,[1] còn những loại khác chỉ là biến thể--đó là dân chủ và quả đầu. Chế độ quý tộc vẫn thường được coi là quả đầu vì chỉ có một thiểu số ưu tú cầm quyền, và chế độ theo hiến pháp được coi là dân chủ, như ta gọi biến thể của gió đông là đông nam hay đông bắc. Trong âm nhạc cũng tương tự như thế, ta có hai thể: Dorian và Phrygian; sự sắp xếp những thang âm khác nhau cũng chỉ được soạn theo một trong hai thể này. Phân loại chính quyền theo kiểu này rất được ưa chuộng, nhưng trong cả hai trường hợp, theo tôi, cách tốt nhất và chính xác nhất vẫn là phân biệt xem loại nào là đúng đắn và loại nào là hủ bại: trong mô hình đúng đắn loại nào là hủ bại, ta có thể xem chế độ quả đầu là chế độ xấu xa hơn và mô hình dân chủ là loại nhẹ nhàng và dễ dãi hơn.
[1] Người Tây phương dùng hai hướng chính là bắc và nam, còn người Việt dùng hai hướng chính là đông và tây, thí dụ, người Việt nói gió đông nam, người Tây phương nói southeast (ghi chú của người dịch: trong nguyên tác dùng hướng bắc nam).
0 comments
Post a Comment