Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Sunday, August 18, 2013

Chuyên đề về Xã hội dân sự (phần 1)





''Xã hội dân sự không đối lập với nhà nước''
(VietNamNet) - ''Xã hội dân sự dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thoả thuận với nhau, không muốn nhà nước can thiệp chứ không phải đối lập với nhà nước''. TS. Nguyễn Ngọc Đào (ĐB Quốc hội Hà Nội) khẳng định như vậy với VietNamNet bên lề Quốc hội ngày 9/6 khi thảo luận dự án Luật về hội.


- Khái niệm xã hội dân sự được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Một nhà nước hiện đại dứt khoát phải là pháp quyền, thứ hai phải chấp nhận kinh tế thị trường, thứ ba là xã hội dân sự.

Xã hội dân sự là một tập thể xã hội liên kết với nhau, điều chỉnh trên nguyên tắc dân sự, tự nguyện thoả thuận. Trước đây thế kỷ 17, nói xã hội dân sự là xã hội theo khế ước, tự thoả thuận với nhau sống trong một nhà nước. Ví dụ, quan hệ dân sự, quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân liên kết với nhau là xã hội dân sự. Cho nên người ta đưa khái niệm xã hội dân sự riêng, phân biệt với xã hội chính trị.


Xã hội dân sự trường tồn trước khi có nhà nước. Nhà nước ra đời để điều chỉnh xã hội dân sự, nếu điều chỉnh theo đúng quy luật của nó thì Nhà nước tốt. Nếu điều chỉnh sai thì là Nhà nước không đúng.


- Thành phần chủ yếu của xã hội dân sự có phải là những hiệp hội, hội?


- Xã hội dân sự được hiện hữu bằng những tổ chức xã hội. Tổ chức ấy có thể mang tính nghề nghiệp, mang tính xã hội do sở thích, do lợi ích cấu thành một nhóm, rộng hơn thành một giai tầng. Ví dụ, xã hội dân sự của một nước nông nghiệp chủ yếu liên kết nông dân, một xã hội công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp và công nhân. Tức là hoàn toàn phụ thuộc vào đặc tính kinh tế của xã hội ấy để tạo nên mối liên kết.


Ở các nước phương Tây, xã hội dân sự rất sợ sự can thiệp từ phía nhà nước, bắt phải làm thế này, thế kia. Tức là can thiệp làm phá vỡ nguyên tắc tự thoả thuận của nó. Xã hội dân sự đấu tranh thường xuyên để nhà nước không can thiệp vào đời sống dân sự, bảo đảm cho xã hội dân sự.


- Ở VN, cụm từ ''xã hội dân sự'' được nhắc tới một cách dè dặt, nhạy cảm?


- Vì chúng ta không hiểu xã hội dân sự chứ không phải nó nguy hại trong nhận thức chính trị. Thực ra là do thói quen sống trong sự bao cấp của nhà nước, được nhà nước bảo vệ và ỷ lại nhà nước cho nên chậm nhận thức về xã hội dân sự và trách nhiệm của mình trong xã hội dân sự. Họ rất ngại bị tách rời nhà nước, hiểu xã hội dân sự là nhạy cảm.


Ví dụ, hội lập ra không cần nhà nước đài thọ, hội viên đóng góp cùng tự bảo vệ lợi ích của mình. Đấy là biểu hiện của xã hội dân sự.


- Xã hội dân sự có đối lập với nhà nước?


- Tự xã hội dân sự hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nhà nước quy định. Mục tiêu của nó là không muốn phụ thuộc vào nhà nước, sự can thiệp của nhà nước chứ không phải đối lập với nhà nước.


- Hiện nay VN đã tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội dân sự phát triển?


- Phải hiểu VN đang từng bước phát triển. Những khiếm khuyết về kinh tế, pháp luật, bất cập trong đời sống phản ánh giai đoạn phát triển quá độ. Cho nên để đòi hỏi một nhà nước pháp quyền đầy đủ, đúng nghĩa, đòi hỏi có kinh tế thị trường và xã hội dân sự thì chưa đủ điều kiện.


Vai trò của nhà nước còn rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Cái hay là Đảng và Nhà nước đã cởi mở những quan hệ trước đây gọi là trói buộc để cho toàn bộ xã hội phát triển.

Sắp tới chúng ta sẽ có một nền kinh tế thị trường đích thực theo yêu cầu của hội nhập. Một xã hội dân sự đầy đủ hơn nếu chúng ta thông qua Luật về hội, Luật cư trú...


Mục tiêu của Đảng và Nhà nước chắc chắn không muốn hành chính hoá và chính trị hoá các tổ chức dân sự, tổ chức xã hội. Nhưng giai đoạn hiện nay, dứt khoát Nhà nước phải có vai trò quan trọng định hướng cho các tổ chức này, giữ ổn định và phát triển.


- Một số đại biểu Quốc hội khi góp ý cho dự án Luật về hội có nói thủ tục thành lập hội còn rườm rà, ảnh hưởng đến quyền lập hội của công dân?


- Ở nước ngoài, thành lập hội cũng phải được sự đồng ý của nhà nước. Đừng hiểu nhà nước của ai đó mà chính của cộng đồng xã hội quy định cho. Đó là quyền lực công. Nhà nước bảo vệ các hội chứ không phải cấm các hội.


Ghi nhận quyền lập hội nhưng lập như thế nào phải đáp ứng mục tiêu chung của xã hội.


- Nhưng để thành lập hội, dự luật quy định phải qua rất nhiều bước và Nhà nước kiểm duyệt chặt chẽ?


- Những quy định đấy mang tính kỹ thuật và không ẩn chứa bất cứ tư duy nào là cấm thành lập hội. Chính sửa những quy định mang tính kỹ thuật thì đơn giản. Ví dụ sáng lập viên có thể 2-3 người chứ không phải 5 như dự thảo quy định.


Còn thành lập hội phải có giấy phép, điều lệ hội phải được phê duyệt. Một tổ chức là hội, nếu không giám sát và kiềm chế hoạt động thì nó có thể biến tướng rất nhanh. Biến tướng thành một tổ chức chính trị, một đảng chính trị đối lập ngay và dễ bị lợi dụng.


ĐB Vũ Xuân Hồng (Phú Thọ): ''Xã hội dân sự là xu thế khách quan của thế giới''

''Trong phạm vi quốc tế hiện nay, sự phát triển và phát huy vai trò ngày càng lớn của các hình thức tổ chức tự nguyện và tự quản phi vụ lợi, ở phương tây gọi là xã hội dân sự. Đó là xu thế khách quan trên thế giới, thể hiện quá trình dân chủ hóa với sự tham gia ngày càng trực tiếp, rộng rãi của quần chúng nhân dân trong đời sống chính trị và xã hội của các quốc gia.


Các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò tư vấn chính sách, phản biện xã hội, tổ chức các công việc công ích để đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng xã hội mà Nhà nước và thị trường không đủ khả năng đảm nhận. Nhiều tổ chức được giao thực hiện một số nhiệm vụ, chức năng vẫn thuộc về các cơ quan công quyền. Một số hội trở thành đối tác ổn định của các cơ quan nhà nước.


Với chức năng đó thì xã hội dân sự theo cách hiểu của phương tây đã phát huy được vai trò tích cực tại nhiều quốc gia, nhất là ở các nước phát triển. Tại các nước này thì các hội được thành lập, nhà nước quản lý chủ yếu ở khâu đăng ký tư cách pháp nhân và giám sát chi tiêu tài chính của các hội và có một luật khung cho tất cả các hội''.

(Trích góp ý của ĐB Vũ Xuân Hồng (Phú Thọ) cho dự án Luật về hội tại Quốc hội ngày 9/6)

Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự
Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự

GS. Tương Lai - Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp

Khát vọng về dân chủ và công bằng vốn nung nấu từ lâu trong lịch sử loài người. Có dân chủ mới thực hiện được công bằng, đồng thời công bằng là thước đo của dân chủ và tiến bộ xã hội. Điểm quy chiếu để kiểm nhận về công bằng và dân chủ mà một xã hội đạt được thường tìm thấy dễ dàng trong pháp luật. Cũng qua sự hiểu biết của người dân về pháp luật và việc thực hiện pháp luật, người ta có thể kiểm định về trình độ văn minh của một xã hội. Khi chúng ta đang phấn đấu cho một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì cần phải tường minh về những vấn đề đó.

Nói đó là khát vọng đã nung nấu từ lâu vì những hưng vong, thành bại của mọi triều đại, mọi thể chế trải qua mọi cuộc "tranh bá, đồ vương" đều có thể tìm dấu ấn của tư duy loài người xoay quanh chuyện này. Xin được dẫn dắt bài báo Tết này bằng chuyện bên Tàu.

Quản Trọng, người đã làm cho nước Tề thành "bá" từ sáu thế kỷ trước công nguyên đã từng khẳng định: "Pháp [luật] là cái quy tắc của thiên hạ… Quan sai khiến dân mà có pháp [luật] thì dân theo, không có pháp [luật] thì dân dừng lại. Dân lấy pháp [luật] chống nhau với quan. Người dưới lấy pháp [luật] phục vụ người trên, cho nên bọn dối trá không thể lừa chủ, bọn ghen ghét không thể có cái bụng kẻ giặc, bọn xu nịnh không thể khoe cái khéo, ngoài ngàn dặm không dám làm điều trái" (Quản Tử. Quyển 21). Chính vì lẽ đó mà phái pháp gia bị phái nho gia vốn chủ trương "đức tri" "nhân tri"chống lại kịch liệt. Khổng Tử nói: "sở dĩ dân có thể tôn quý người sang, người sang nhờ thế giữ gìn được cơ nghiệp mình. Người sang người hèn không lẫn lộn, cái đó gọi là pháp độ… Nay bỏ pháp độ này mà làm cái vạc ghi pháp luật, thì dân chỉ biết cái vạc lấy gì để tôn quý (người sang) ? Người sang còn có cơ nghiệp nào để giữ Người sang kẻ hèn không có trên dưới, lấy gì để làm thành nước?" (Tả truyện. Quyển 26).

Thì ra, ẩn đằng sau những lập luận của ngôn từ là cái lợi ích cụ thể, là "cái ghế" của người đang nắm quyền lực! Nhân trị, đức trị hay "pháp độ" thực chất là công cụ của kẻ đang nắm được quyền lực muốn duy trì hiện trạng của sự bất công, phân biệt kẻ sang, người hèn, bắt "người hèn" sợ uy lực và khuất phúc "kẻ sang". Vì thế phải dùng cái "nhân” , cái "đức” của người cẩm quyền để giáo hoá và trị dân, bằng sự áp đặt ý chí của kẻ có quyền buộc thần dân phải tuân theo, không thể dùng pháp luật vì sợ dân có thể dùng ngay pháp luật để chống lại mình.

"Nhân tri', " đức tri" chẳng qua là sự tuỳ tiện của người có quyền. May mắn mà người cầm quyền có "đức", có "nhân" thì dân được nhờ. Vô phúc vớ được kẻ hôn quân, tên bạo chúa thì dân đành chịu vậy. Mà trò đời, đã nắm được quyền thì muốn giữ riệt lấy quyền ấy, mấy ai mà chịu "từ chức", “nhường ngôi”! ấy thế nhưng, nhìn lại lịch sử của đất nước từng là quê hương của "pháp gia" hay "nho gia" ấy, người ta nghiệm ra rằng, trong các cuộc "tranh bá, đồ vương”, những nước cố giữ lấy "pháp độ" thì sớm suy vong còn những nước chịu theo “pháp tri" thì hùng cường lên để có thể thôn tính các nước khác!

Cũng trên quê hương của những "pháp gia” và "nho gia" ấy, lịch sử dường như lặp lại. Người ta bắt gặp những vấn đề mà loài người đã từng biết đến từ rất lâu song đã bị chìm đi trong một mớ hỗn độn những giáo điều mới một thời thống trị đời sống tinh thần xã hội nay đang được xáo xới lại một cách quyết liệt. Người ta dám mạnh dạn lật lại vấn đề, không câu nệ và dứt khoát vứt bỏ những ràng buộc của những công thức đã từng kìm hãm sự phát triển, trở lại với những thành tựu đánh dấu những cột mốc của nền văn minh mà loài người đã tạo ra. Có thể nói, đó là một đột phá về lý luận để mở đường cho đất nước này "tiến cùng thời đại'?

Giờ đây, người ta đang đặt lại vấn đề về pháp trị hay nhân trị, đức trị. Vấn đề mà hơn hai nghìn ba trăm năm về trước, Hàn Phi - nhà tư tưởng cổ đại của họ đã từng nêu lên: "Pháp luật không hùa theo người sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Cho nên điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật" (Hàn Phi Tử. Quyển 2. Thiên VI) Chúng ta cứ ngỡ như nhà tư tưởng cổ đại đó nói với người đương thời của xã hội Trung Quốc trong thế kỷ XXI !

Dùng pháp luật theo Hàn Phi Tử: “… điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật"

Mà quả như vậy, chẳng là vừa rồi, ông Hồ Cẩm Đào đưa ra thông điệp: "Khi làm việc phải theo Hiến pháp, mục đích của việc đó là đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân"1 để khẳng định lại quan điểm về "thúc đẩy” việc chế độ hoá, quy phạm hoá và trình tự hoá nền dân chủ XHCN, bảo đảm cho nhân dân làm chủ, quán triệt phương châm cơ bản dựa vào pháp luật để quản lý đất nước, nâng cao trình độ cầm quyền theo pháp luật. Thoạt nghe cứ tưởng, dường như ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa khẳng định lại luận điểm "thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật" mà nhà tư tưởng của thời Xuân Thu Chiến Quốc ở nước ông đã từng nêu!

Chỉ có điều, Hàn Phi vốn là người dám nhìn thẳng vào sự thật với tất cả sự tàn nhẫn của nó, ông ta biết chắc rằng nói ra để chết chứ không phải để sống! Mà quả vậy, Tần Thuỷ Hoàng đọc tác phẩm của Hàn Phi đã nói: "Ta được làm bạn với con người này thì có chết cũng không uổng”, nhưng rồi chính Hàn Phi bị bức phải uống thuộc độc để chết trong ngục của nước Tần. Chính Hàn Phi đã thổ lộ tâm sự đó trong "Nỗi phẫn uất của con người cô độc" để phân tích rõ về cái kết cục tất yếu mà mình phải hứng chịu vì "Kẻ sĩ biết đề cao pháp luật và thuật trí nước nắm lấy cái thế có năm cái thua: ở xa và không thân nhà vua, mới đến, nói trái ý nhà vua, bị coi khinh, đơn độc “? Vì thế, "những kẻ sĩ có trí và có thuật biết đề cao pháp luật và những bọn hiện đang cầm quyền là những kẻ thù của nhau không thể cùng chung sống. Khi những bọn cầm quyền nắm lấy việc thì bên ngoài cũng như bên trong chỉ lo mưu lợi riêng mà thôi… những kẻ soi sáng pháp luật làm trái ý nhà vua nếu không bị quan lại giết ắt cũng bị thanh kiếm riêng giết vậy" (Hàn Phi Tử. Quyển IV Thiên XI: Cô phẫn).

Đừng quên rằng thời kỳ chống "hữu phái" và "đại cách mạng văn hoá vô sản" diễn ra trên quê hương của nhà tư tưởng cổ đại hơn 2000 năm sau đã có đến hơn 550.000 "kẻ sĩ” các loại bị bắt và đưa đi đày! Thế thì chẳng phải là lịch sử đã lặp lại đó sao? Mà lặp lại trong cái bối cảnh văn minh, hiện đại hơn và cũng tàn nhẫn, thảm khốc hơn đó sao?

Nói đúng ra, biện chứng của lịch sử đã đẩy tới những sự trùng lặp của sự kiện ở cùng một toạ độ song nằm trên một vòng xoáy trôn ốc mới của sự vận động lịch sử. Với bài học kinh nghiệm phải trả bằng cái giá của hàng chục triệu sinh mạng, trong đó không hiếm những "khai quốc công thần”, những anh hùng của cuộc vạn lý trướng chinh, những trí thức, danh nhân tầm cỡ mà những hậu duệ của Quản Trọng, Hàn Phi, Khổng Tử… đang dấn thân vào sự nghiệp cải cách, mở cửa trong công cuộc "xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc” . Phải chăng cũng từ bài học mà học phí phải trả bằng máu, và bằng cái màu sắc Trung Quốc rất linh hoạt và khôn ngoan đó, mà ngày nay, trên quê hương của cụ Khổng, người ta đã thật sòng phẳng khi dám nói ra cái điều vốn bị xem là cấm kỵ: "Thống nhất tư tưởng của toàn dân vào tư tưởng của một người là điều bi thảm”. Cách mạng văn hoá là một minh chứng lịch sử cay đắng của Trung Quốc. Một người sai, cả đất nước bị đe doạ. Do đó, cần đa nguyên về tư tưởng”2.

Chính từ bài học xương máu thảm khốc đó mà Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra Nghị quyết phải thực hiện "chế độ hoá và quy phạm hoá”? Vì thế phải thông qua việc sửa đổi Hiến pháp cũng như việc định ra luật pháp mà ổn định và phát triển. "Điều này cho phép giảm bớt uy quyền của cá nhân, đề cao uy quyền của chế độ và luật pháp, chuyển dần từ chế độ nhân tri sang chế độ pháp trị”3. Giờ đây, người ta đang cố gắng xây dựng một nhà nước pháp quyền gắn liền với xã hội dân sự, việc mà chúng ta cũng đang cố gắng làm. Chỉ có điều, chúng ta nói nhiều về nhà nước pháp quyền nhưng lại có phần nào còn e dè về xã hội dân sự, ấy vậy mà, xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền gắn với nhau như bóng với hình. Hơn nữa, cái ý tưởng về "xã hội dân sự” vốn đã được ấp ủ từ lâu, rất lâu trong khát vọng của con người! Trong lịch sử loài người, quyền con người và quyền công dân là những vấn đề có ý nghĩa bức xúc về thực tiễn cũng như về lý luận, vì, như J.J Rosseau, nhà tư tưởng của thế kỷ khai sáng đã nói: "Con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi con người lại bị cùm kẹp?” Từ khi cuốn "Khế ước xã hội" của Rousseau ra đời, trong tư duy của loài người, quyền lực dường như vô hạn của vua, chúa đã bị hạ bệ với việc khẳng định quyền của dân, quyền phải xuất phát từ dân, nhà nước được xem như là người ký hợp đồng với quốc dân.

Ấy thế nhưng, nhìn trong toàn bộ lịch sử của loài người, "Nhà nước chứa một dấu ngoặc đơn của lịch sử” như tên gọi của một cuốn sách xuất bản vào cuối thế kỷ XX. Vì rằng, xã hội loài người đã trải qua hàng triệu năm, song Nhà nước thì mới xuất hiện chỉ có 6000 năm, và rồi như tiên đoán của C.Mác, với tiến trình lịch sử, nhà nước rồi sẽ tiêu vong còn xã hội loài người sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển!

Học thuyết về Nhà nước pháp quyền ra đời từ thế kỷ XIX với một quá trình thăng trầm, thậm chí có lúc bị quên lãng trong một thời gian dài. Ở những nước theo CNXH, người ta không nói đến nhà nước pháp quyền mà chỉ nói đến nhà nước chuyên chính vô sản, cho đến 1988, với "Perestroika”, ở Liên Xô mới bắt đầu nói đến khái niệm "Nhà nước pháp quyền XHCN" mà ngày nay chúng ta đang dùng! Để giúp xác định tính chất của Nhà nước pháp quyền XHCN này do dân làm chủ, người ta thêm vào cụm từ "của dân, do dân và vì dân”4.

Vấn đề cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước. Trong Nhà nước của pháp quyền đó, phải được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập" để kiểm tra nhau, cơ quan nhà nước và công chức chỉ làm được những điều luật pháp cho phép còn dân thì được phép làm tất cả những điều gì mà luật pháp không cấm, và để đảm bảo dân uỷ quyền mà không mất quyền thì công việc của nhà nước và các cơ quan công quyền phải công khai và minh bạch trước dân, dân có quyền tham gia vào việc hoạch định pháp luật, giám sát và kiểm soát…

Thoạt đầu, ý tưởng về "xã hội dân sự “ và "xã hội công dân" gần như đồng nhất, nhưng dần dần hai khái niệm ấy tách khỏi nhau vì trong tiến trình phát triển, người ta ngày càng thấy rõ là người công dân đồng thời cũng là con người với tất cả những đặc tính phong phú của nó. Cho nên, không thể quy toàn bộ tính phong phú ấy vào trong khái niệm "công dân”?

Xã hội dân sự là đối tác bình đẳng của nhà nước chứ không phải là cái đuôi của Nhà nước, về thực chất là tạo điều kiện để người dân thực sự tham gia vào việc hoạch định, thực hiện chính sách và giám sát nhà nước, thực hiện phản biện xã hội đối với Nhà nước, kể cả đối với phẩm chất và hành vi của viên chức Nhà nước.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hoá, xã hội… vai trò của cá nhân ngày càng được nổi bật, ngày càng được tôn trọng. Theo đó, vai trò của xã hội dân sự càng được xác lập, đặc biệt là từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX trở đi. Xã hội dân sự nổi bật lên với nhiều tác dụng nhưng tóm tắt lại, điều quan trọng nhất cần hiểu rõ, thì đó chính là đối tác bình đẳng của Nhà nước không phải là cái đuôi của Nhà nước. Nó giữ vai trò là đối quyền của quyền lực Nhà nước mà về thực chất là tạo điều kiện để người dân thực sự tham gia vào việc hoạch định, thực hiện và giám sát các chủ trương và chính sách của Nhà nước, thực hiện trách nhiệm phản biện xã hội đối Nhà nước, kể cả phẩm chất và hành vi của viên chức Nhà nước. Chỉ riêng với nét tóm tắt ấy cũng thấy là, để thực hiện vai trò làm chủ của người dân, thì tổ chức tốt xã hội dân sự sẽ là một đảm bảo quan trọng và thiết thực cho hoạt động ấy. Khi mà chúng ta đang chứng kiến nhiều tổ chức, đoàn thể quần chúng đã không phát huy được vai trò vì gần như bị "Nhà nước hoá" tất cả thì đã đến lúc vấn đề "xã hội dân sự”, một đặc điểm của xã hội hiện đại và văn minh, cần được đặt ra một cách nghiêm túc cùng với việc đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Trước mắt, công việc này chắc sẽ có tác dụng trực tiếp và lâu dài đến việc việc chống "quốc nạn" tham nhũng đang là bức xúc của mọi người dân.

Xã hội công bằng, dân chủ và văn minh mà chúng ta đang hướng tới cần phải xây dựng trên nền tảng vững vàng của nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.

1. Chính sách phát triển kinh tế, Kinh nghiệm và bài học của Trung Quốc, Nxb Giao thông vận tải. 2004. Tập II.

2. Chính sách phát triển kinh tế, Kinh nghiệm bài học của Trung Quốc, Sđđ. tr. 235.

3. Sđd, tr. 256.

4. Câu này vốn là ý tưởng của A.Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, nằm trong diễn văn của ông đọc tại Gettysburg năm 1983.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp

Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự với vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân
PHẠM THỊ NGỌC TRẦM (*)

Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự là hai yếu tố quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng mà mối quan hệ biện chứng giữa chúng là cơ sở tồn tại của một hình thái kinh tế - xã hội. Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc chủ động xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vượt trước so với xã hội dân sự là cần thiết và hợp quy luật. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp. Để phát huy tác động tích cực, thuận chiều phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đối với việc xây dựng xã hội dân sự, chúng ta cần chủ động tiến hành nhiệm vụ giáo dục cho người dân hiểu, nắm vững và tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, thông qua quá trình công khai hóa và dân chủ hóa đời sống xã hội.

1. Sau 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt là những đổi mới trong hai lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống xã hội là kinh tế và chính trị, đất nước ta đã có những đổi thay căn bản theo hướng tiến bộ.

Trong lĩnh vực kinh tế, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay, Đảng ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa - nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong lĩnh vực chính trị, ngay từ năm 1994 - 1995, Đảng ta đã chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Với những đổi mới này, Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới về chất, chủ động và tích cực hội nhập vào sự phát triển chung của thế giới ngày nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, nan giải và cả những thách thức mới đặt ra trong quá trình phát triển. Một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta, như Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IX đã xác định, là “Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng... Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến”(1).

Trên thực tế, nạn móc ngoặc, hối lộ, lãng phí, tham ô, buôn lậu, kỷ cương xã hội bị buông lỏng và nhiều tệ nạn xã hội khác đang có chiều hướng gia tăng. Vậy, nguyên nhân của thực trạng này là gì? Có thể khẳng định rằng, thực trạng đó bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung phân tích một trong những nguyên nhân, đó là vấn đề về mối quan hệ giữa việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội dân sự với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân ở nước ta hiện nay.

Theo quan điểm của triết học mácxít, mối quan hệ giữa xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền thực chất là mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, còn ở tầm bao quát hơn là mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng, tức toàn bộ những quan hệ sản xuất của một xã hội hợp thành cơ cấu của xã hội đó, với kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị, cùng những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó. Mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là mối quan hệ biện chứng, khi “Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ đó cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng”(2).

Nếu xét mối quan hệ giữa xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền theo mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng trong quá trình phát triển của xã hội thì có thể có ba khả năng xảy ra.

Một là, với tư cách yếu tố quyết định, xã hội dân sự phải được hình thành và phát triển trước, sau đó mới xây dựng nhà nước pháp quyền – đó là trường hợp đã từng xảy ra ở các nước tư bản chủ nghĩa trước đây.

Hai là, xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền cùng tồn tại và phát triển song song với nhau, chúng phụ thuộc và quy định lẫn nhau, như trường hợp đang diễn ra ở các nước công nghiệp phát triển. Ba là, với tư cách yếu tố phụ thuộc, nhưng lại có tính độc lập tương đối, nhà nước pháp quyền có thể phát triển vượt trước so với xã hội dân sự.

Trong trường hợp này, nếu có, cũng chỉ xảy ra tại những nước mà ở đó đã có những tiền đề cơ bản về cơ cấu kinh tế (nền kinh tế thị trường) và đã hình thành cơ sở của một nền dân chủ trong xã hội. Tuy nhiên, sự vượt trước này không thể có khoảng cách quá xa so với sự phát triển của xã hội dân sự.

Trường hợp thứ ba nói trên đây đang diễn ra ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Với trường hợp này, cả trong việc xây dựng xã hội dân sự lẫn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, vấn đề luật pháp, đặc biệt là vấn đề dân chủ và công khai trong xã hội đều phải được đặt lên vị trí hàng đầu, mối quan hệ giữa chúng phải hài hoà trong suốt quá trình phát triển. Như vậy, cùng với quá trình hình thành, phát triển nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự là quá trình không ngừng nâng cao ý thức pháp luật và thực thi pháp luật; ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong phát triển xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, đạt đến điều đó là vô cùng khó khăn và phức tạp. Song, đó là con đường tất yếu.

2. Ngày nay, đối với Việt Nam, vấn đề xây dựng và phát triển nhà nước pháp quyền đang được đặt ra như một tất yếu lịch sử, phù hợp với tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển Nhà nước ta; đồng thời, cũng đáp ứng được xu thế phát triển mới của thời đại.

Vấn đề xây dựng và phát triển Nhà nước của dân, do dân và vì dân - một Nhà nước dân chủ kiểu mới và một nền dân chủ kiểu mới - đã được hình thành từ rất sớm trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về Nhà nước và về xã hội. Người đã từng khẳng định:

PHP Code:
“NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra...
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân..”(3).
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong một Nhà nước dân chủ, dân chủ và pháp luật phải luôn đi đôi với nhau, nương tựa vào nhau mới bảo đảm cho chính quyền trở nên mạnh mẽ. Vì vậy, xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa gắn liền với việc thực hiện quyền lực của nhân dân là mối quan tâm suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tư tưởng về nhà nước dân chủ của Hồ Chí Minh đã được Đảng ta tiếp tục phát triển với việc khẳng định chủ trương “xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật”(4). Đến Đại hội Đảng lần thứ VIII, một lần nữa, Đảng ta khẳng định rằng, cần phải “tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”(5). Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ IX của Đảng, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không những tiếp tục được khẳng định, mà còn tiến thêm một bước mới là “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật”(6) (tác giả nhấn mạnh).

Lịch sử phát triển xã hội loài người đã chỉ rõ, nhà nước được hình thành và bị quy định bởi cơ sở hạ tầng, tức là toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội. Các kiểu nhà nước khác nhau đều dựa trên cơ cấu kinh tế của xã hội ở những trình độ phát triển khác nhau. Nhà nước pháp quyền phải được hình thành, phát triển trên nền tảng cơ cấu kinh tế thị trường và xã hội dân sự, tức là dựa trên “những quan hệ kinh tế” (C.Mác) mà cụ thể là các mối quan hệ kinh tế thị trường. Theo C.Mác, xã hội dân sự không phải do nhà nước tạo lập và quy định, mà trái lại, nhà nước được tạo lập và quy định bởi xã hội dân sự(7).

Nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị, là yếu tố quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay chính là sự vận dụng, thực hiện nguyên tắc về “tính độc lập tương đối của kiến trúc thượng tầng so với cơ sở hạ tầng”, cụ thể là sử dụng tính vượt trước của kiến trúc thượng tầng trong quan hệ với cơ sở hạ tầng. Bởi lẽ, cho đến nay, nước ta chưa có đủ điều kiện để xây dựng và cũng chưa có chủ trương xây dựng xã hội dân sự. Mặc dù các mối quan hệ kinh tế thị trường là cốt lõi của xã hội dân sự, nhưng nền kinh tế thị trường ở nước ta chỉ mới bắt đầu được xây dựng, chứ chưa phải là nền kinh tế thị trường đã phát triển. Việc Đảng ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vượt trước so với xã hội dân sự là điều hợp quy luật và cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, nhiệm vụ đó cũng đang gặp phải không ít khó khăn, phức tạp và nan giải, mà các tệ nạn đã nêu ở trên là một trong những minh chứng cụ thể.

Về nguyên tắc, nhà nước pháp quyền được xây dựng trên cơ sở dân chủ. Bản chất của nhà nước pháp quyền là nhà nước phục tùng xã hội, phục tùng các công dân. Để làm được điều này, nhiệm vụ đầu tiên của nhà nước pháp quyền là phải bảo đảm các quyền và sự tự do của công dân bằng pháp luật và sự tự do ở đây phải được hiểu là “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (C.Mác và Ph.Ăngghen).

Pháp luật, một mặt, phải bảo đảm các quyền tự nhiên và các quyền chính trị của con người, như quyền được sống, quyền được tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực của nhà nước, quyền kiểm tra, kiểm soát, giám sát công việc của các cơ quan quyền lực nhà nước, cũng như quyền bãi nhiệm các cơ quan đó, v.v.. Mặt khác, pháp luật phải thực sự có hiệu lực, phải xác định rõ trách nhiệm tuân thủ và thực hiện pháp luật của mọi công dân, không trừ bất kỳ ai. Như vậy, pháp luật vừa quy định quyền, vừa quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền, cũng như việc thực hiện pháp luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Nhà nước dân chủ kiểu mới ở Việt Nam - đã hết sức quan tâm đến vấn đề quyền và nghĩa vụ của công dân. Người viết: “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc kiểm soát và phê bình để Chính phủ làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân”(8) và thường xuyên nhắc nhở cán bộ phải lo “làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(9).

Theo Hồ Chí Minh, khi người dân “dám nói, dám làm”, có tinh thần phê bình người lãnh đạo cũng có nghĩa là dân đã biết sử dụng, phát huy quyền làm chủ của mình và lúc đó, xã hội đã đạt đến mức dân chủ hóa khá cao. Xã hội đạt đến mức dân chủ hóa khá cao mà Hồ Chí Minh nói đến ở đây chính là xã hội dân sự.

3. Xã hội dân sự và dân chủ hóa là hai mặt không thể tách rời của một quá trình. Xã hội dân sự là cơ sở vật chất, cơ sở kinh tế - xã hội để bảo đảm thực hiện dân chủ hóa; dân chủ hóa càng được bảo đảm thì xã hội dân sự càng vững mạnh.

Vì, nhà nước pháp quyền được xây dựng trên cơ sở dân chủ, theo những nguyên tắc dân chủ, nên nó không thể là một cái gì khác, mà chính là một bộ phận hữu cơ của xã hội dân sự. Chỉ có trong xã hội dân sự, mỗi công dân mới ý thức được một cách đầy đủ chủ quyền của mình, mới ý thức được một cách rõ ràng sự bình đẳng về mặt pháp luật giữa các cá nhân trong cộng đồng; đồng thời, có khả năng tự khẳng định “cái Tôi” của nhân cách để làm chủ bản thân mình. Nói cách khác, khi đó, mỗi người mới nhận thức được đầy đủ sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhà nước, đối với xã hội và đối với bản thân mình. Do vậy, việc xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện nay không thể không gắn liền với việc xây dựng và phát triển xã hội dân chủ – nền tảng của xã hội dân sự.

Ở nước ta, xã hội dân sự chỉ mới ở giai đoạn hình thành, hiểu theo nghĩa là chúng ta đã bắt đầu xây dựng nền kinh tế hàng hóa thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây dựng xã hội dân sự hầu như chưa được đặt ra một cách chính thức. Trong các yếu tố tạo thành xã hội dân sự, các quan hệ kinh tế thị trường giữ vai trò nền tảng và quan trọng nhất. Thị trường không chỉ làm thay đổi mối quan hệ giữa người với người trong lĩnh vực kinh tế, mà còn làm thay đổi về cơ bản mối quan hệ giữa người với người trong các lĩnh vực khác của xã hội. Khi thị trường đã được phát triển đúng tầm cỡ, một mặt, nó mở rộng các mối quan hệ giữa người với người vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của các cộng đồng dân cư nhỏ bé, khép kín trong một phạm vi nhất định (làng, xã, địa phương) để vươn ra tầm quốc gia, quốc tế; mặt khác, các mối quan hệ rộng mở giữa người với người còn được bảo đảm bởi các quy luật, các nguyên tắc chặt chẽ, khắt khe của cơ chế thị trường, nhờ đó thị trường điều tiết được các mối quan hệ lợi ích trong xã hội, trước hết là lợi ích kinh tế.

Bằng cơ chế lợi ích, thị trường buộc tất cả các bên đối tác tham gia vào nó phải có các “khế ước xã hội” song phương hoặc đa phương, dựa trên tinh thần tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải, tự ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quan hệ với người khác. Từ đó, thị trường tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội; đồng thời, cũng tạo điều kiện để mỗi người dân nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân của mình đối với nhà nước. Đó là một trong những cơ sở quan trọng nhất để bài trừ các tệ nạn quan liêu, móc ngoặc, hối lộ, tham nhũng...

4. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền phải dựa trên nền tảng xã hội dân sự và theo nguyên tắc dân chủ - đó là một quy luật của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, xét trong tình hình cụ thể của nước ta hiện nay, không thể chờ có xã hội dân sự rồi mới xây dựng nhà nước pháp quyền. Việc tiến hành đồng thời cả hai quá trình: xây dựng xã hội dân sự mà cốt lõi của nó là các quan hệ kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền là hoàn toàn hợp lý và hợp quy luật. Song, điều kiện nước ta hiện nay chưa cho phép làm được điều đó.

Lực cản lớn nhất khiến không thể đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội dân sự ở nước ta hiện nay là ở chỗ, chúng ta chưa có một nền kinh tế thị trường phát triển. Nền kinh tế thị trường Việt Nam mới bắt đầu được xây dựng cách đây khoảng 20 năm, còn quá ít thời gian để thử thách và trưởng thành. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta chưa có được những điều kiện khách quan cơ bản nhất là các quan hệ kinh tế thị trường đã phát triển để thực thi dân chủ hóa đời sống xã hội - một trong những nội dung quan trọng nhất của xã hội dân sự.

Xuất phát từ một xã hội truyền thống phong kiến tập quyền phương Đông với nền kinh tế tự cấp, tự túc, “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, với tâm lý “phép vua thua lệ làng”, “ta về ta tắm ao ta. Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”..., con người Việt Nam không dễ dàng tiếp cận với một xã hội được dân chủ hóa - xã hội có các quan hệ kinh tế thị trường đã phát triển cao, mà cần phải có một thời gian nhất định và thích ứng với một nhà nước thực hiện sự quản lý xã hội bằng pháp luật trên cơ sở dân chủ. Người dân chưa có đủ cơ sở vật chất và trình độ hiểu biết để có thể tự ý thức về quyền cá nhân của mình, cũng như sự bình đẳng về mặt pháp lý giữa các cá nhân trong cộng đồng xã hội; chưa thể khẳng định được “cái Tôi” của nhân cách, và đặc biệt là chưa tự ý thức được về sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của công dân đối với xã hội và đối với nhà nước.

Trong nhiều trường hợp, người dân chủ yếu chỉ mới quan tâm đến quyền lợi thiết thực trước mắt, đặc biệt là những quyền lợi (lợi ích) kinh tế; thậm chí, họ còn tìm mọi cách để lách luật, phá luật nhằm đạt bằng được lợi ích cá nhân của mình. Đối với những quyền lợi về chính trị, như quyền ứng cử, bầu cử người vào các cơ quan quyền lực nhà nước, quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan đó… hiện nay, trong nhân dân có hai thái cực nổi bật: một là, tìm mọi cách để đạt cho bằng được với những động cơ khác nhau và hai là, không thật sự quan tâm, thậm chí còn thờ ơ, vô trách nhiệm. Thực chất, những quyền chính trị này cũng đồng thời là nghĩa vụ của công dân đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền.

Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm việc trong các cơ quan công quyền - nơi nắm giữ nhiều quyền hành và cũng có nhiều bổng lộc nhất, - hoặc là quan liêu, hoặc là lợi dụng chức quyền để “đục nước béo cò”, gây nên những thiệt hại lớn cho xã hội, cho nhà nước cả về vật chất lẫn tinh thần. Nạn tham nhũng ngày càng phổ biến và đang trở thành quốc nạn, các tệ nạn khác, như quan liêu, sách nhiễu dân, tham ô, lãng phí, bài bạc, buôn lậu, móc ngoặc, hối lộ, v.v., không những không được giải quyết triệt để, mà trái lại, đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây đã mang lại những hậu quả lớn không sao kể xiết. Những tệ nạn đó kéo dài, chậm được giải quyết, một phần quan trọng là do các cơ quan quyền lực của Nhà nước ta, từ các cơ quan lập pháp, hành pháp đến tư pháp hoạt động không đồng bộ, nhất quán và kém hiệu quả, phần khác là do người dân chưa ý thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Những tệ nạn đó đang gặm nhấm dần những thành quả mà nhân dân ta đã đạt được trong nhiều năm qua, làm sa sút lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào các cơ quan quyền lực của Nhà nước.

Như vậy, việc người dân chưa nhận thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân của mình có nguyên nhân sâu xa từ sự không đồng bộ của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và việc xây dựng xã hội dân sự. Việc vượt trước của Nhà nước pháp quyền với tư cách là một yếu tố quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng so với cơ sở hạ tầng - cơ cấu kinh tế của xã hội, tức cái cốt lõi của xã hội dân sự, là hoàn toàn có thể và cần thiết. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sự vượt trước đó không thể quá xa. Bài học về sự nôn nóng duy ý chí trong việc phát triển quan hệ sản xuất vượt trước quá xa so với lực lượng sản xuất mà Đại hội VI của Đảng đã thừa nhận, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những tệ nạn đang hoành hành cùng với bài học kinh nghiệm xương máu của “sự vượt trước quá xa” đó là lời cảnh báo cho việc giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với xây dựng xã hội dân sự ở nước ta hiện nay.

5. Có thể nói, cầu nối giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội dân sự chính là việc giải quyết vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân, là việc thực thi pháp luật, thực hiện quyền dân chủ và công khai trong xã hội. Bởi vì, chỉ khi nào người dân tự ý thức được quyền cũng như nghĩa vụ công dân của mình thì lúc đó dân chủ hóa mới được thực thi trong xã hội và xã hội mới thực sự trở thành xã hội dân sự.

Điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta mới bắt đầu xây dựng. Trong điều kiện xã hội dân sự chưa hình thành và phát triển như ở nước ta hiện nay, nhiệm vụ giáo dục cho người dân hiểu và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân của họ chủ yếu thuộc về Nhà nước và các đoàn thể xã hội. Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc nâng cao sự hiểu biết, ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật của người dân, giúp và tạo điều kiện cho họ rèn luyện thói quen sống, làm việc theo pháp luật; đồng thời, giúp họ tự ý thức được các quyền cá nhân nói riêng, dân chủ nói chung, làm cho họ tự giác và chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là đời sống chính trị của đất nước, v.v..

“Dân chủ hóa” luôn gắn liền với “công khai hóa”. Do vậy, để thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, cần phải tiến hành công khai hóa hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, đặc biệt là về mặt tài chính và cơ chế hoạt động.

Nhà nước cần tổ chức một hệ thống truyền thông đại chúng đa dạng, chính xác, rộng rãi, cập nhật và có định hướng để giúp cho người dân nắm bắt được một cách đúng đắn và kịp thời những thông tin cần thiết, nhằm thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và dân được hưởng. Có như vậy, người dân mới có cơ sở để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình đối với Nhà nước, đối với xã hội.

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng phòng Triết học trong Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam..

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.76.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.13. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.15.

(3) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.698.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Hà Nội, 1995, tr.25.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Sđd., tr.45.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Sđd., tr.131 - 132.

(7) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.315 - 316.

(8) Hồ Chí Minh. Nhà nước và pháp luật. Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1985, tr.275.

(9) Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.223.

GS. VS. Đào Thế Tuấn - người vừa nhận Huân chương của Chính phủ Pháp – cho rằng nông thôn, nông nghiệp Việt Nam kém phát triển hoàn toàn là do cơ chế và đường lối lãnh đạo. Đó là hậu quả của việc bóc lột nông nghiệp để dồn lực cho công nghiệp.

"Phát triển nông nghiệp: Không làm là chết, vậy thôi"
- Thông thường nhà nghiên cứu ở lĩnh vực nào cũng thấy lĩnh vực của mình là quan trọng sống còn. Chắc ông cũng cho rằng nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo ông thì trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, tại sao lại cần phát triển nông nghiệp?
- Tôi không đồng ý với cách nói “phát triển nông nghiệp vì chúng ta có lợi thế về nông nghiệp”, “vì chúng ta có điều kiện phát triển nông nghiệp”.

Nông nghiệp là ngành mà chúng ta phải duy trì và phát triển, không phải vì lợi thế cạnh tranh nào cả, mà vì phát triển nông nghiệp là chuyện bắt buộc phải làm, không là chết, vậy thôi.

Người ta đã tính rằng đến năm 2050, thế giới cần lương thực gấp đôi hiện nay, đến cuối thế kỷ thì nhu cầu tăng gấp ba. Nếu cung lương thực cho thế giới thiếu thì giá chắc chắn sẽ tăng lên. Nói cách khác, nếu để mất an ninh lương thực thì sẽ phải nhập khẩu để sống sót, mà nhập khẩu thì càng ngày càng đắt.

Việt Nam có 86 triệu dân, con số không hề nhỏ. Phải xây dựng được nền nông nghiệp ít nhất là bảo vệ được an ninh lương thực của nước nhà, còn nếu biết làm tốt hơn thì càng có lợi về kinh tế.

Nhìn từ góc độ chính trị - xã hội, nông dân Việt Nam là những người ít được hưởng lợi từ đổi mới nhất. Nông dân còn quá nghèo, ít được hưởng phúc lợi xã hội (giáo dục, y tế…), thiếu việc làm ở nông thôn và buộc phải di cư ra thành phố làm thuê với giá lao động rẻ mạt.

Nông dân đang bị bần cùng hóa, và đó là nguy cơ gây bất ổn xã hội. Như ở Trung Quốc bây giờ, bạo loạn ở nông thôn xảy ra nhiều lắm, ấy là hậu quả của sự bần cùng hóa nông dân.

- Có phải sự bần cùng hóa đó là khó tránh khỏi trong quá trình công nghiệp hóa, ở tất cả các nước chứ không riêng Việt Nam? Nói cách khác, nó là một hệ quả của công nghiệp hóa?

- Quá trình công nghiệp hóa ở các nước không giống nhau. Thế kỷ 17-19, các nước tư bản dùng nguồn lợi bóc lột từ hệ thống thuộc địa để làm công nghiệp hóa, ví dụ Anh, Pháp là theo cách này. Nước nào không có thuộc địa, như Đức, thì gây chiến để giành lấy thuộc địa.

Thế kỷ 20, Liên Xô sau khi tiến hành Cách mạng Tháng Mười, không có nguồn lực để công nghiệp hóa nên họ buộc phải dùng nông nghiệp để làm công nghiệp. Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông cũng vậy, bóc lột nông dân, vắt kiệt nông nghiệp để dồn lực cho công nghiệp. Và Việt Nam ta bây giờ đang diễn lại đúng kịch bản đó.

- Nhưng theo tôi biết, chúng ta không có một chủ trương nào nói rằng phải dùng nông nghiệp để nuôi công nghiệp?

- Không có, nhưng thực tế đang cho thấy đúng như vậy đó. Tất cả những câu “nông dân là lực lượng cách mạng”, “nông dân là những người khởi xướng Đổi mới”, “phải biết ơn nông dân”, “phải ưu tiên phát triển hợp lý nông nghiệp”, tôi cho đều là mị dân cả.

Trên thực tế, nông nghiệp đang bị lép vế, nông dân thua thiệt đủ bề. Đó là hậu quả của việc bóc lột nông nghiệp để dồn lực cho công nghiệp hóa. Tôi nói cách khác, việc nông thôn, nông nghiệp Việt Nam bây giờ kém phát triển hoàn toàn là do cơ chế, do đường lối, quyết định của lãnh đạo mà thôi.

- Ông có cho rằng còn những nguyên nhân khác khiến nông thôn, nông nghiệp Việt Nam kém phát triển, như tình trạng đất chật người đông, trình độ và do đó, năng suất của người nông dân bị hạn chế?

- Từ kinh nghiệm chung của thế giới, tôi thấy là nếu anh làm quản lý ruộng đất tốt thì còn đất nông nghiệp tăng thêm, còn thừa đất ấy chứ. Tình trạng mất đất nông nghiệp ở ta là do đầu cơ mà ra cả. Nói sâu xa hơn thì do cách quản lý của ta là quản lý để đầu cơ.

Ngay xung quanh Hà Nội đây này, tôi biết có nhiều nơi, người ta xây những ngôi mộ giả để găm đấy, chờ khi nào chính quyền lấy đất thì sẽ được đền bù.

Bây giờ có lắm ý kiến nói tới việc tăng hạn điền cho nông dân. Tôi thì tôi cho rằng nhiều người nói vậy vì họ có quyền lợi liên quan tới việc đầu cơ ruộng đất. Hạn điền ở nước ta không thấp. Ngay Hàn Quốc cũng chỉ có 3 hécta, Nhật Bản 10 hécta. Mở rộng thêm để làm gì, chỉ tạo điều kiện cho đầu cơ phát triển thêm.

- Nhân nói về hạn điền, nhiều ý kiến đang cho rằng cần thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, như thế mới giải phóng được sức mạnh đất đai để phát triển đất nước. Ông nghĩ về vấn đề này thế nào?

- Vấn đề sở hữu tư nhân về đất nông nghiệp cũng vậy, đang được đặt ra, nhưng theo tôi là không cần thiết. Ở Việt Nam, quyền sử dụng đất còn rộng hơn quyền sở hữu đất ở Pháp.

Có tập trung ruộng đất trong tay địa chủ thì cũng không đẻ ra sản phẩm. Ở nhiều nước đang phát triển, phải tồn tại nông dân nghèo không ruộng đất thì mới có người làm thuê. Ví dụ như ở Brazil, nông dân biến thành thợ. Họ ở thành phố, hàng ngày về nông thôn làm việc rồi chiều tối lại lên thành phố.

“Có nhiều việc để làm lắm nhưng không ai giúp nông dân làm cả”
"Nông nghiệp là ngành mà chúng ta phải duy trì và phát triển, không phải vì lợi thế cạnh tranh nào cả, mà vì phát triển nông nghiệp là chuyện bắt buộc phải làm".
- Một cách ngắn gọn, ông cho rằng các vấn đề lớn của nông dân Việt Nam hiện nay là gì?

- Thu nhập thấp, mất đất, không có việc làm. Khoảng cách thu nhập, chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn là rất lớn. Nông dân ở nông thôn không được tiếp cận rộng rãi với giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, không có tích lũy. Nhà có người ốm đi viện một lần là của cải mất hết, trắng tay. Thêm một đứa con đi học xa, học lên cao là cả nhà lao đao.

Việc làm cho nông dân là vấn đề nghiêm trọng đối với Việt Nam và cũng là vấn đề lớn với thế giới. Nhìn chung, thế giới càng công nghiệp hóa càng thừa lao động, bởi vì công nghiệp và dịch vụ sử dụng lao động ít hơn nông nghiệp. Nói cách khác, công nghiệp và dịch vụ không thể “nuốt” hết số lao động dôi dư. Thừa lao động nông nghiệp là một trong các kết quả của quá trình phát triển.

Ở ta, nông thôn thừa khoảng 50% lao động, nhưng lại không phải là kết quả của sự phát triển công nghiệp, mà do họ làm nông nghiệp thì không có đất, không làm nông nghiệp thì chẳng biết dùng họ vào việc gì.

Xuất khẩu lao động cũng chỉ là giải pháp tình thế thôi. Hiện giờ Âu châu hạn chế nhận lao động nước ngoài. Trung Cận Đông, Hàn Quốc và Malaysia bình thường vẫn nhận nhiều lao động di cư vì họ đang có nhu cầu phát triển, nhưng nay khủng hoảng, họ cũng gặp khó khăn.

Tóm lại, thất nghiệp đang là bài toán không giải quyết được ở nhiều nước. Nông dân đang phải chịu gánh nặng cho toàn xã hội. Tôi nhấn mạnh: Lao động thừa ở nông thôn là vấn đề của toàn xã hội, cho nên cả xã hội phải góp vào mà lo chứ không chỉ Bộ NN&PTNT hay Bộ LĐ&TBXH đâu.

- Có cách nào để nâng thu nhập, từ đó nâng mức sống cho người ở nông thôn không?

- Tôi cho rằng đa dạng hóa sinh kế là chìa khóa để tăng thu nhập cho nông dân. Không thể chỉ làm nông được. Nói vui, tôi biết có làng ở Nam Sách (Hải Dương), cả làng bao nhiêu hiệu làm tóc.

Thật ra, ở nông thôn, có nhiều việc lắm nhưng không ai giúp nông dân làm, không ai hướng dẫn cho họ cả. Chúng tôi đang tìm cách xây dựng một cơ chế để giúp nông dân đa dạng hóa sinh kế.

- Ví dụ như những việc gì?

- Du lịch nông thôn chẳng hạn. Việt Nam cũng đã có du lịch nông thôn, nhưng triển khai chưa tốt, trong khi nếu làm tốt, thu nhập của mỗi nông dân có thể tăng gấp đôi.

Du lịch nông thôn: dân bị coi như ăn bám

"Đa dạng hóa sinh kế là chìa khóa để tăng thu nhập cho nông dân".
- Du lịch nông thôn chưa được làm tốt, điều đó thể hiện như thế nào?
- Ví dụ ở Sapa có nhiều các điểm du lịch bán vé, nhưng tiền bán vé chính quyền và doanh nghiệp đầu tư hưởng hết, dân địa phương chẳng được gì. Dân bị coi như kẻ ăn bám vào du lịch ở địa phương, ngày ngày sống nhờ bán đồ lặt vặt cho khách.

Họ không được tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn ở địa phương, trong khi nếu hoạt động này phát triển và thu hút họ thì sẽ bảo vệ được cả văn hóa lẫn sinh thái, môi trường địa phương.

Tôi còn được biết, ở Huế, nhiều nhà vườn đóng cửa với khách du lịch, bởi vì họ chẳng thu được gì, tour du lịch lấy hết rồi.

Ở Hội An, tôi hỏi dân sao không tổ chức kinh doanh du lịch bằng cách cho khách thuê nhà dân ở, kiểu “home-stay”, họ bảo không được phép. Chính quyền yêu cầu nếu dân làm “home-stay” thì phải đảm bảo trang thiết bị vệ sinh, máy điều hòa. Như thế, tiền đâu mà nông dân làm?

Ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), có nhiều vùng cây ăn trái, tour du lịch đưa khách đi thăm, nhưng khách chỉ ngắm thôi chứ có mua về được đâu, làm sao bảo quản được mà mang về. Thế nên dân đem trái cây ra chợ bán còn thu được tiền hơn.

- Nhưng các doanh nghiệp kinh doanh cũng cần có lãi chứ. Ông đang nói về “du lịch nông thôn”, thì trong kinh doanh nông nghiệp cũng vậy, nhiều khi tư thương ở cái thế có thể ép giá nông dân. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là làm sao để có sự phân phối công bằng hơn. Ông nghĩ sao về điều đó?

- Ở Pháp, doanh nghiệp mua súp lơ của nông dân với giá 1 Franc (đồng nội tệ của Pháp trước khi chuyển sang sử dụng Euro), rồi đến khi vào siêu thị, giá súp lơ đã tăng lên 12 Franc. Như thế là bóc lột nông dân lắm.

"Có nhiều việc để làm lắm nhưng không ai hướng dẫn nông dân làm cả". GS.VS. Đào Thế Tuấn cho rằng phát triển xã hội dân sự chính là cơ chế để hướng dẫn người nông dân đa dạng hóa sinh kế.

Nông dân Pháp bèn lập chợ nông thôn ngay giữa thủ đô Paris để bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng, tránh được hệ thống thu mua ở giữa.

Tôi thấy các nước tiên tiến bây giờ người ta tẩy chay hệ thống doanh nghiệp buôn bán. HTX chiếm 50% công việc, tư thương chiếm 50% lĩnh vực phân phối nông sản là tốt nhất.

Theo tôi, doanh nghiệp chỉ nên thực hiện khâu chế biến cao cấp, còn thu gom, buôn bán, nông dân tự làm được. Có như thế, doanh nghiệp mới mất thế độc quyền.

Chứ như bây giờ ở ta, nông dân không có quyền mặc cả với tư thương. ĐBSCL chẳng hạn, nông dân trồng lúa chất lượng cao hơn trước nhưng giá bán ra thì vẫn như thế.

- Vậy, tôi xin mượn lời một danh hài, “thế thì người nông dân phải làm gì”?

- Vấn đề quan trọng nhất của phát triển là phải có sự tham gia của cộng đồng, của người dân. Các tổ chức phi chính phủ đến Việt Nam đều nói rằng nông thôn Việt Nam không có cộng đồng.

Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Ngày xưa, chúng ta đã có cộng đồng làng xã, thôn xóm đấy thôi, mà đại diện là những lý trưởng, xã trưởng. Bây giờ thì chỉ còn mấy ông bà cán bộ - ông bí thư, chủ tịch xã, chủ tịch hợp tác xã, bà tổ trưởng phụ nữ… Người dân chẳng được tham gia gì cả.

Chúng ta cần phải hướng dẫn, phải tạo cơ chế để giúp nông dân tổ chức lại được với nhau, xây dựng các doanh nghiệp xã hội (social entrepreneur). Nhà nước không thu thuế đối với họ. Dĩ nhiên, họ cũng có một mức lãi nào đó, nhưng về bản chất, họ là một hệ thống các tổ chức chăm lo phát triển xã hội. Hệ thống đó là một phần của xã hội dân sự.

Không thể chỉ dựa vào việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động từ thiện, cần có một đường lối xã hội hóa công cuộc cải cách kinh tế xã hội, không lẫn lộn xã hội hóa với thị trường hóa và tư nhân hóa. Xã hội hóa là huy động sự tham gia của xã hội, của quần chúng.

Tóm lại, điều quan trọng chúng ta cần làm ở nông thôn bây giờ là xây dựng xã hội dân sự.

Nguồn: Tuần Việt Nam

Một số quan niệm cổ điển về xã hội dân sự
Trong lịch sử sinh thành của khái niệm "xã hội dân sự" nơi các nhà tư tưởng cổ điển Tây phương, người ta có thể nhận thấy rằng diễn trình biến chuyển của khái niệm này thực ra biểu hiện những sự thay đổi trong các quan điểm lý thuyết về các mối quan hệ giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội. Quá trình biến chuyển này xét về đại thể đã trải qua bốn quan niệm khác nhau: từ (1) quan niệm đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia qua Thomas Hobbes, John Locke và Jean-Jacques Rousseau vào các thế kỷ XVI-XVIII, (2) quan niệm xã hội dân sự là xã hội thị trường với Bernard Mandeville, Adam Ferguson và Adam Smith vào các thế kỷ XVII-XIX, (3) quan niệm xã hội dân sự tách khỏi nhà nước với Immanuel Kant, Benjamin Constant vào các thế kỷ XVIII-XIX, đến (4) quan niệm xã hội dân sự là xã hội thị dân hay xã hội tư sản với Georg Hegel, Karl Marx, Friedrich Engels và Antonio Gramsci vào các thế kỷ XIX-XX.

Trong tiếng Việt, các cụm từ "xã hội dân sự" và "xã hội công dân" thường được dùng để biểu thị khái niệm civil society trong tiếng Anh, société civile trong tiếng Pháp, hay bürgerliche Gesellschaft trong tiếng Đức.

Thực ra, tính từ civil (dân sự, hay dân chính, hay thuộc về lĩnh vực công dân) có thể mang những ý nghĩa khác nhau tùy theo văn cảnh sử dụng. Nó có thể được hiểu là đối lập với cái gì thuộc về tôn giáo (religious), đối lập với lĩnh vực quân sự (military), hay trong luật học là đối lập với hình sự (penal) hay thương mại (commercial), trong chiến tranh thì được hiểu là nội chiến (civil war) đối lập với chiến tranh với ngoại bang, hay còn có thể hiểu theo nghĩa là văn minh, lịch sự (cùng gốc với chữ civilized) đối lập với cái gì hoang dã, thô lỗ, và cuối cùng cũng có nghĩa là lĩnh vực dân sự đối lập với lĩnh vực chính trị (political).

Trong tiếng Đức, tính từ bürgerliche (trong cụm từ bürgerliche Gesellschaft mà Georg F. Hegel và Karl Marx sử dụng) xuất phát từ chữ Bürger (tương ứng với chữ bourgeois trong tiếng Pháp hay tiếng Anh) là một thuật ngữ khó tìm được một chữ tương đương duy nhất trong tiếng Việt, và cần được hiểu và được dịch theo từng văn cảnh, chứ không thể chỉ đơn giản dùng chữ “tư sản”. Ở châu Âu ngày xưa, chữ Bürger hay bourgeois thoạt đầu là kẻ bảo vệ một lâu đài hay một thị tứ (Burg, bourg), rồi từ thế kỷ XII, trong thời trung cổ, là cư dân ở đô thị, gần với nghĩa “thị dân”. Nó còn có nghĩa là citizen (“thường dân”) tức những tầng lớp không thuộc hàng giáo sĩ (tăng lữ) mà cũng không phải là quí tộc hay quan lại, nhưng có tài sản và không phải sống bằng lao động chân tay. Nhưng, kể từ Hegel, nó lại được phân biệt với citoyen (từ La Tinh: civis), tức với “công dân” của một “nhà nước”, xuất phát từ quan niệm của Hegel về xã hội dân sự. Hegel coi "xã hội dân sự" là lĩnh vực nằm ngoài nhà nước và ngoài gia đình, ông coi đây là lĩnh vực hoạt động kinh tế-xã hội của những cá nhân với nhau, trong khi nhà nước có mục đích cao hơn nhiều so với sự điều tiết những quan hệ giữa những cá nhân trong xã hội dân sự. “Xã hội dân sự” biến cá nhân thành một Bürger, còn “nhà nước” biến cá nhân thành một citoyen, tức thành một công dân của một nhà nước nhất định như nước Pháp, nước Phổ, chứ không đơn thuần là một Bürger (trader) có thể làm ăn buôn bán với cả người Pháp lẫn người Phổ. Nhưng chữ Bürger trong tiếng Đức hiện nay lại chỉ có nghĩa là “người công dân”, còn bürgerliche Gesellschaft có nghĩa là “xã hội tư sản” hay “xã hội dân sự”.[1]

Ở Tây Âu, thuật ngữ civil society kể từ khi ra đời tới nay thực ra là một thuật ngữ khá mơ hồ và đa nghĩa, thậm chí có thể mang những nội hàm trái ngược hẳn nhau, tùy theo từng tác giả vào từng thời kỳ lịch sử, và gần đây được cả những người phe tả lẫn phe hữu sử dụng theo những ý nghĩa khác nhau nhằm biện hộ cho các quan điểm của mình, đến mức mà cụm từ này gần như trở thành một thứ khẩu hiệu thời trang hay đồ trang sức! (xem thêm Rangeon, 1986, tr. 9-10, và Lochak, 1986, tr. 44-45)

Trong các ngành khoa học xã hội, người ta thường không đồng ý với nhau về sự tách biệt trên bình diện lý thuyết, cũng như về mối quan hệ, giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Sự biến chuyển về ý nghĩa của khái niệm "xã hội dân sự" thực ra biểu hiện sự thay đổi trong các quan điểm lý thuyết về các mối quan hệ này, đặc biệt là mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội (xem Abercrombie et al., 1988, tr. 34).

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm lại các quan niệm của một số tác giả cổ điển Tây phương về xã hội dân sự.

Theo Guy Berger, tựu trung chúng ta có thể phân biệt được sáu quan niệm chủ yếu sau đây về xã hội dân sự (société civile):[2]

Trước hết là quan niệm theo truyền thống Aristoteles do Thomas d’Aquin lấy lại và khai triển, đó là quan niệm về một tập hợp con người hoàn chỉnh, có thể tự nuôi sống mình, mang mục tiêu đem lại hạnh phúc trần thế cho con người và sự hòa thuận giữa các thành viên với nhau.

Thứ hai là các định nghĩa của Hobbes, Locke và Rousseau. Xã hội dân sự là một tập hợp con người ở trình độ cao, phát sinh từ ý chí của các cá nhân và được thiết lập vì lợi ích chung nhằm giúp cho các cá nhân và gia đình thoát ra khỏi tình trạng tự nhiên (état de nature).

Thứ ba là định nghĩa của Hegel. Xã hội dân sự là một giai đoạn của trật tự đạo đức, được thiết lập trong kỷ nguyên hiện đại, nằm giữa tập hợp tự nhiên là gia đình và nhà nước.

Thứ tư là định nghĩa của Marx: đó là một xã hội phi chính trị được cấu trúc bởi các quan hệ kinh tế và hệ thống các giai cấp.

Thứ năm là định nghĩa của Gramsci: đó là toàn bộ các định chế và các nhóm xã hội chi phối và thống lãnh hệ tư tưởng.

Thứ sáu là quan niệm của các nhà tư tưởng Ba Lan khi họ phê phán chế độ toàn trị: xã hội dân sự là toàn thể xã hội với tất cả các thành tố của mình trong chừng mực mà những thành tố này chỉ theo đuổi những mục tiêu tự nhiên.

Ở La Mã vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Cicero (106-43 trước Công nguyên) đã từng dùng từ societas civilis (tiếng La-tinh) để nói về res publica (có nghĩa là việc công, nhà nước, hay đời sống chính trị) hoặc nói về đô thị, xét như một thực thể được hợp nhất trong cùng một nền luật pháp: "Lex est civilis societatis vinculum" ("Luật pháp là sợi dây liên kết xã hội dân sự" (De Republica, I, 32). Đối với Cicero, societas civilis là cộng đồng được tổ chức về mặt chính trị và về mặt pháp lý, khác với nhân loại nói chung hay xã hội con người nói chung (xem Rangeon, 1986, tr. 11).

Vào năm 1677, nhà tư tưởng người Pháp Bossuet (1627-1704) định nghĩa cụm từ "société civile" phần nào tương tự như ý niệm của Cicero nói trên: đó là "xã hội con người hợp nhất với nhau dưới cùng một chính quyền và cùng các luật lệ" (dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 12).

Theo François Rangeon, chúng ta cũng có thể nhận diện bốn nhóm quan niệm khác nhau về xã hội dân sự nơi các tác giả cổ điển Tây phương như sau: (1) quan niệm đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia (State hay État); (2) xã hội dân sự là xã hội thị trường; (3) xã hội dân sự tách khỏi nhà nước; và (4) xã hội dân sự là xã hội thị dân hay xã hội tư sản (Rangeon, 1986, tr. 12-27).

1. Đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia

Ở đây, thoạt tiên chúng ta cần lưu ý rằng chữ État trong tiếng Pháp hay chữ State trong tiếng Anh không phải chỉ có nghĩa là "nhà nước", mà còn có nghĩa là "quốc gia" hay "nước". Vì thế, quan niệm coi xã hội dân sự như đồng hóa với État hay State ở đây là hiểu theo nghĩa rộng, chứ không phải là "nhà nước" theo nghĩa là một bộ máy chính quyền.

Khái niệm xã hội dân sự trong thế kỷ XVII ở Tây Âu gắn liền chặt chẽ với những ý niệm liên quan tới quốc gia, dân tộc hay tổ quốc (xem Rangeon, 1986, tr. 18). Theo Z.A. Pelczynski, với tư tưởng đề cao ý niệm quốc gia-dân tộc (nation-state) và chủ nghĩa quốc gia (nationalism), giai cấp tư sản Âu châu vào các thế kỷ XVIII và XIX đã khai triển ý niệm xã hội dân sự trong các phân tích triết học và chính trị học, và quan niệm rằng xã hội dân sự cần được xem như một yếu tố hiện đại quan trọng nhằm thực hiện một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ nền dân chủ tự do quốc gia.[3]

Nhà chính trị và nhà tư tưởng người Anh Thomas Hobbes (1588-1679) được coi là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "xã hội dân sự" (societas civilis) theo nghĩa đối lập với "tình trạng tự nhiên" (status naturae) trong quyển De Cive xuất bản năm 1649. Trong quyển Elements of Law (1640), Hobbes đã sử dụng cụm từ civil society để dịch chữ Hy Lạp polis (đô thị): nhưng theo Hobbes, khác với đô thị Hy Lạp cổ, "xã hội dân sự" không phải là một xã hội tự nhiên, mà ngược lại, là kết quả của một sự sáng tạo, một sự quyết định của các cá nhân nhằm mục tiêu tạo nên một trật tự chính trị ổn định và thuận hòa. Hobbes phân biệt "xã hội dân sự" một mặt với tình trạng tự nhiên trong đó "mọi người chống lại mọi người" (Bellum omnium contra omnes), và mặt khác, với những xã hội tự nhiên mà Hobbes cho là được cấu tạo nên bởi các gia đình (xem Rangeon, 1986, tr. 11-12).

Nhà luật học và sử học người Đức Samuel Pufendorf (1632-1694) trong quyển De jure naturae et gentium (Bàn về luật pháp của tự nhiên và của người dân) đã phát triển ý tưởng của Hobbes và đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia (Rangeon, 1986, tr. 12).

Cũng đi theo chiều hướng của Hobbes và Pufendorf, nhà triết học người Anh John Locke (1632-1704) cũng phân biệt giữa xã hội dân sự vốn là cái "được thiết lập", "được cấu tạo", với tình trạng tự nhiên vốn là nơi chứa đựng nhiều cái xấu. Tuy nhiên, nếu Hobbes coi xã hội dân sự có mục tiêu đầu tiên là đảm bảo sự thuận hòa và sự an ninh cho các thành viên, thì Locke lại coi "mục tiêu chính yếu [của xã hội dân sự] là bảo vệ quyền sở hữu" (Of political or civil society, 1690). Như vậy, theo Locke, "xã hội dân sự", ngoài trật tự pháp lý (hay chính trị, như trong định nghĩa của Hobbes), còn mang ý nghĩa của một trật tự kinh tế (Rangeon, 1986, tr. 13-14).

Tương tự như Hobbes và Locke, nhà triết học Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) cũng gắn liền xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia, nhưng nhấn mạnh thêm khía cạnh sở hữu tư nhân: "Người đầu tiên nào có một miếng đất rào kín và biết nói được rằng đất này là của tôi... thì đó là kẻ sáng lập thực thụ của xã hội dân sự" (Discours sur l'origine et les fondements de l'inégalité parmi les hommes, 1755) (dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 14).

2. Xã hội dân sự là xã hội thị trường

Năm 1714, Bernard Mandeville (1670-1733), một nhà tư tưởng gốc Hà Lan sinh sống ở Anh, xuất bản tác phẩm The Fable of the Bees (Ngụ ngôn về những con ong), trong đó ông đưa ra một quan niệm mới về xã hội dân sự, coi đây là nơi của các lợi ích và các nhu cầu. P.F. Moreau viết như sau: "Theo Mandeville, thuật ngữ xã hội dân sự vốn từ lâu được coi là đồng nghĩa với xã hội chính trị có xu hướng tách ra khỏi ý nghĩa này và biểu thị vô số những mối quan hệ trao đổi, tiêu thụ và lợi ích vốn được coi là dệt nên mạng lưới xã hội".[4] Luận điểm chính của Mandeville là cho rằng: lợi ích chung có thể đạt được mà không phụ thuộc vào ý muốn riêng của các cá nhân; mỗi người theo đuổi lợi ích riêng của mình và qua đó, góp phần vào lợi ích của mọi người mà không hề mong muốn.

Adam Ferguson (1723-1816), một nhà tư tưởng người Anh, cho rằng xã hội dân sự là "kết quả của hoạt động của con người, chứ không phải của ý định của con người" (An Essay on the History of Civil Society, 1767). Ông còn coi "civil society" là một trạng thái của "tính văn minh" (civility) và là kết quả của quá trình văn minh hóa (civilization), trái với xã hội thô lỗ, man rợ trong một tình trạng chuyên chế (despotic state) (xem Abercrombie et al., tr. 34). Cả Mandeville và Ferguson đều cho rằng xã hội dân sự không xuất phát từ sự chủ định của con người, mà là từ sự vận động tự phát của các lợi ích, các nhu cầu và các tham vọng của con người. Ở đây, chúng ta thấy thuật ngữ xã hội dân sự đã chuyển từ khái niệm "xã hội dân sự mang tính quốc gia/nhà nước" (société civile étatique) nơi những tác giả như Hobbes hay Locke, sang khái niệm "xã hội dân sự mang tính thị trường" (société civile commerçante hay marchande) (Rangeon, 1986, tr. 17).

Nhà triết học và kinh tế học người Anh, Adam Smith (1723-1790), trong quyển An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của sự thịnh vượng của các quốc gia) (1776) không lần nào sử dụng thuật ngữ "civil society" mà chỉ dùng gọn chữ "society", có lẽ vì muốn tránh né tính từ "civil" vốn lúc ấy có thể gây hiểu lầm vì còn mang nặng hàm ý quốc gia/nhà nước. Tuy vậy, theo Pierre Rosanvallon, chúng ta có thể hiểu "xã hội" mà Smith nói tới chính là "xã hội dân sự" (dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 17). Adam Smith hiểu đây là một xã hội của sự trao đổi thương mại, một cơ chế trong đó các lợi ích tự chúng phối hợp hài hòa với nhau ngoài ý muốn chủ định của các cá nhân. Xã hội này có những qui luật riêng của nó, đó là những qui luật của lợi ích riêng tư, của sự trao đổi, của các nhu cầu, mà nhà nước hoàn toàn không nên can thiệp vào. Theo Adam Smith, nhà nước chỉ có ba chức năng hay ba "bổn phận" chính: bảo đảm an ninh đối với bên ngoài, duy trì trật tự đối với bên trong, và "đảm đương một số công trình công cộng" mà tư nhân không thể đảm đương nổi (Rangeon, 1986, tr. 17-18).
3. Xã hội dân sự tách khỏi nhà nước

Khác với nhiều nhà tư tưởng của thế kỷ XVIII vốn chỉ chú trọng tới khía cạnh kinh tế của xã hội dân sự, nhà triết học Đức Immanuel Kant (1724-1804) nhấn mạnh tới khía cạnh pháp lý. Ông cho rằng xã hội dân sự là lĩnh vực của luật pháp, kể cả công pháp lẫn tư pháp. Ông viết trong công trình Schriften zur Rechtstheorie (Những bài viết về lý thuyết pháp quyền): "Những thành viên tập hợp trong xã hội ấy (societas civilis), nghĩa là trong đô thị, nhằm vào pháp chế, thì được gọi là công dân". Ông còn nói thêm rằng "xã hội dân sự [đảm bảo] cái của-tôi, cái của-anh, bằng các luật lệ nhà nước".[5] Còn trong quyển Kritik der Urteilskraft (Phê phán năng lực phán đoán) (1790), Kant đã mô tả như sau về xã hội dân sự: "... việc sắp xếp các mối quan hệ giữa con người với nhau, sao cho pháp quyền (gesetzmässige Gewalt) trong một cái toàn bộ - mà ta gọi là Xã hội dân sự (bürgerliche Gesellschaft) - đối lập lại sự lạm dụng của các quyền tự do đang xung đột nhau; và, chỉ trong một xã hội như thế, sự phát triển tối đa những tố chất tự nhiên mới diễn ra được."[6]

Trong thế kỷ XVIII, chính nhờ sự phát triển của các bộ luật, nên khái niệm xã hội dân sự bắt đầu có cơ sở cắt đứt sợi dây để thoát ra khỏi ý niệm nhà nước/quốc gia, và kể từ đây, người ta thấy xuất hiện cặp khái niệm đối lập dân sự/chính trị (civil/politique) – khác hẳn quan niệm về sự đồng hóa giữa xã hội dân sự với xã hội chính trị hay với nhà nước/quốc gia như trước kia. Tác giả thể hiện rõ sự đoạn tuyệt này là nhà chính trị và nhà tư tưởng người Pháp-Thụy Sĩ Benjamin Constant (1767-1830). Sự xuất hiện của xã hội dân sự trong tư thế độc lập với nhà nước chính là một trong những điểm đặc trưng nhất của xã hội theo nền kinh tế tự do. Trong quyển De la liberté chez les Modernes (Bàn về tự do nơi các nhà tư tưởng cận đại), B. Constant tin tưởng rằng xã hội dân sự hoàn toàn có thể tồn tại tự nó, và ông đề cao quyền tự do dân sự (tức là quyền "được yên ổn hưởng quyền độc lập cá nhân"), cho rằng nó quan trọng không thua kém gì so với các quyền tự do chính trị. Khác với nhiều tác giả trước, ông đảo ngược trật tự và cho rằng xã hội dân sự quan trọng hơn và có trước nhà nước xét về mặt bản thể học (ontologique). Nhà nước xuất phát từ xã hội dân sự, chứ không phải ngược lại. Constant viết: "Kể từ khi có xã hội, thì giữa con người với nhau hình thành nên một số mối liên hệ... Các luật lệ... không phải là nguyên nhân của những mối liên hệ ấy – những mối liên hệ này vốn có trước các luật lệ" (dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 21). Ông cho rằng chính sự tiến bộ của nền văn minh đã làm cho xã hội dân sự ngày càng tự trị so với nhà nước. Nhưng theo Constant, quá trình củng cố nhà nước diễn ra song song với quá trình tự trị hóa của xã hội dân sự, chứ hai quá trình này không hề loại trừ nhau, mà thậm chí còn bổ trợ cho nhau. Khác với quan điểm của nhiều nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do hiện nay, B. Constant cho rằng xã hội dân sự và nhà nước không phải là hai lĩnh vực đối lập nhau, mà ngược lại, còn "phối hợp" với nhau: muốn có một nhà nước mạnh, thì nhất thiết phải có một xã hội dân sự cường tráng (Rangeon, 1986, tr. 21-22).

4. Xã hội dân sự là xã hội thị dân hay xã hội tư sản

Trong số các tác giả cổ điển, chính nhà triết học Đức Georg W. F. Hegel (1770-1831) mới là người có công xác lập rõ rệt nhất khái niệm xã hội dân sự theo nghĩa hiện đại của thuật ngữ này. Theo Pelczynski, sự tách biệt của Hegel về mặt khái niệm giữa nhà nước với xã hội dân sự đã tạo ra một trong những thay đổi nền tảng quan trọng nhất trong ý thức Âu châu hiện đại (dẫn lại theo Babi, 1998).

Có thể nói một cách vắn tắt rằng, theo Hegel, xã hội dân sự (bürgerliche Gesellschaft) không phải được hình thành bởi sự khế ước, mà là lĩnh vực của sự khế ước, nghĩa là lĩnh vực của sự liên kết tự nguyện giữa các cá nhân. Xã hội dân sự là một khía cạnh, một giai đoạn, hay một "mô-men" của trật tự chính trị, mà khía cạnh khác của trật tự này chính là nhà nước (Scruton, 1982, tr. 66).

Ảnh hưởng bởi tư tưởng của các nhà kinh tế học thế kỷ XVIII như Adam Smith, Hegel cũng cho rằng xã hội dân sự là lĩnh vực của các nhu cầu, của sự sản xuất, và của sự phân công lao động. Tuy nhiên, phần nào tương tự như Kant, ông cũng nhấn mạnh ngay sau đó đến vị trí của luật pháp và của nhà nước trong sự hình thành nên xã hội dân sự. Hegel viết trong quyển Grundlinien der Philosophie des Rechts (Những nguyên lý của triết học pháp quyền) (1821): "Xã hội dân sự [là] một sự liên hợp của những thành viên với tư cách là những cá nhân tự lực mưu sinh [self-subsistent] trong một sự phổ quát [universality] vốn chỉ mang tính chất trừu tượng, bởi tính chất tự lực mưu sinh của họ. Sự liên hợp của họ là hệ quả phát sinh từ các nhu cầu của họ, từ hệ thống luật pháp – phương tiện đảm bảo an ninh cho con người và tài sản – và từ một tổ chức ngoại hiện [external organisation] nhằm đạt được các lợi ích đặc thù và các lợi ích chung của họ" (Hegel, 1952, §157).

Khi ra khỏi gia đình, con người trở thành một người bourgeois (hiểu theo nghĩa thị dân): Hegel ít khi sử dụng tiếng nước ngoài, nhưng ở mục §190 trong quyển sách dẫn trên, ông cố ý dùng chữ bourgeois của tiếng Pháp ("der Bürger als bourgeois") để phân biệt rõ với chữ Bürger theo nghĩa "công dân" (citizen hay citoyen) (Hegel, 1952, phần ghi chú của Hegel cho mục §190). Chính vì thế mà cụm từ bürgerliche Gesellschaft đối với Hegel gần với nghĩa "xã hội thị dân" hơn. Chữ bourgeois (thị dân) ở đây không phải là tư sản, cũng không chỉ bao gồm các nhà buôn và các nhà công nghiệp, mà là bao gồm chung mọi cá nhân chỉ quan tâm tới lợi ích riêng của mình (đối lập với "công dân", là người quan tâm tới lợi ích công cộng) (Rangeon, 1986, tr. 23).

Theo Hegel, xã hội dân sự là "giai đoạn của sự khác biệt nằm xen vào giữa gia đình và nhà nước". Sự hình thành nên xã hội dân sự là "một thành tựu của thế giới hiện đại". Xã hội dân sự là nơi bao gồm những "con người" với tính cách là những cá nhân vị kỷ vốn chỉ quan tâm tới những nhu cầu của mình mà thôi, trong đó "mỗi cá nhân là cứu cánh của chính mình, ngoài ra mọi cái khác đều vô nghĩa đối với anh ta". Thế nhưng chính là thông qua người khác, anh ta mới đạt được mục tiêu của mình, và do đó, "một mục tiêu cụ thể khoác lấy hình thức phổ quát tính thông qua mối quan hệ với tha nhân". Chính là "vì tính đặc thù [particularity] bị điều kiện hóa một cách tất yếu bởi tính phổ quát [universality], nên toàn bộ lĩnh vực xã hội dân sự là lãnh địa của sự trung giới [mediation]" (Hegel, 1952, phần ghi chú của Hegel cho mục §182).[7]

Ông còn viết một câu tóm gọn như sau: "Trong luật học, đối tượng là nhân thân [Person]; đứng trên quan điểm đạo đức, đó là chủ thể [Subjekt]; trong gia đình, đó là thành viên gia đình [Familienglied]; trong xã hội dân sự, đó là thị dân xét như là người bourgeois [der Bürger (als bourgeois)]. Ở đây, xét trên quan điểm các nhu cầu, chính là cái biểu hiện cụ thể của cái biểu tượng mà chúng ta gọi là con người [Mensch]; như vậy, trước hết ở đây và nói đúng ra thì cũng chỉ ở đây, mới nói tới con người theo nghĩa này" (Hegel, 1986, mục §190).

Theo Hegel, xã hội dân sự là mô-men (das Moment)[8] trung gian giữa gia đình và nhà nước trong tiến trình của trật tự đạo đức (Sittlichkeit); nói chính xác hơn, gia đình là mô-men thứ nhất của trật tự đạo đức, xã hội dân sự là mô-men thứ hai, và nhà nước là mô-men thứ ba – mô-men cuối cùng và hoàn chỉnh nhất của Sittlichkeit (xem thêm Dupire, 1986, tr. 33-43). Đặc điểm của xã hội dân sự là lĩnh vực bao hàm cả cái đặc thù lẫn cái phổ quát. Nhưng tính phổ quát chỉ đạt tới sự hoàn chỉnh ở mô-men nhà nước. Vì thế, theo Hegel, nhà nước mới chính là "nền tảng thực thụ" của cả gia đình lẫn xã hội dân sự, là giai đoạn, là mô-men phát triển cao nhất của trật tự đạo đức (Sittlichkeit). Nhưng Hegel không quan niệm rằng xã hội dân sự chỉ tồn tại trong mối quan hệ với nhà nước; nó vẫn mang tính độc lập tương đối so với nhà nước. Xã hội dân sự không phải là một "tình trạng tự nhiên" trong đó mọi người chống lại nhau, bellum omnium contra omnes; trong xã hội dân sự, các thị dân đã tự tổ chức với nhau và đạt được một mức độ phổ quát nhất định, bao gồm các công ty, các hiệp hội... Nhưng nó vẫn mang những nguy cơ tranh chấp và xung đột tiềm ẩn trong nội bộ do các định chế tư nhân không phải lúc nào cũng giải quyết được ổn thỏa các tranh chấp và đạt được lợi ích chung. Chỉ có nhà nước mới xứng đáng là mô-men "hòa giải" hiệu quả nhất các mối tranh chấp trong xã hội dân sự.

Khác với các nhà tư tưởng theo quan điểm khế ước xã hội của thế kỷ XVII và XVIII vốn đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia, Hegel coi xã hội dân sự là lĩnh vực của nhu cầu, chủ yếu dựa trên lối tư duy giác tính (Verstand, understanding, entendement), nghĩa là tương đương với loại lương tri thông thường (common sense) vốn hời hợt, mang nhiều định kiến, chỉ dựa trên kinh nghiệm, trong khi nhà nước mới là lĩnh vực đặt nền tảng trên lý tính (Vernunft, reason, raison), tức quan năng suy luận, có vai trò cao hơn giác tính, "có khả năng phản tư về những nhận thức của giác tính và hướng dẫn nhận thức này vươn đến cái toàn bộ tuyệt đối vượt ta khỏi các giới hạn của kinh nghiệm".[9]

Nói tóm lại, Hegel vừa nhấn mạnh đến tính chất độc lập lẫn tính chất phụ thuộc của xã hội dân sự đối với nhà nước. Xã hội dân sự chỉ được hiện thực hóa bằng một cái khác với nó, đó là nhà nước. Đối với Hegel, xã hội dân sự không phải là nhà nước, nhưng đồng thời, xã hội dân sự chỉ tồn tại trong mối quan hệ với nhà nước (Rangeon, 1986, tr. 24).

Liên quan tới khái niệm xã hội dân sự, Karl Marx (1818-1883) viết như sau trong phần mở đầu cho quyển Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1859): "Các công trình nghiên cứu của tôi đi đến kết quả này, đó là: các mối quan hệ pháp lý – cũng như các hình thái của nhà nước – không thể được giải thích nếu dựa vào chính chúng mà thôi, hay nếu dựa trên cái mà người ta cho là sự tiến hóa chung của ý thức con người, nhưng ngược lại, phải xem chúng như bắt nguồn từ trong những điều kiện vật chất sinh tồn mà Hegel, theo gương những người Anh và người Pháp ở thế kỷ XVIII, gọi chung dưới cái tên 'xã hội dân sự', và việc giải phẫu xã hội dân sự, đến lượt nó, cần được tìm thấy trong môn kinh tế học chính trị" (phần "Préface", trong Marx, 1972, tr. 18).

Marx cho rằng nếu đối chiếu quan niệm của Hegel về xã hội dân sự với xã hội dân sự và nhà nước trong thực tế, chúng ta sẽ thấy sự bất tương thích: nhà nước không phải là nơi hiện thực hóa thực thụ sự tự do và lợi ích chung, mà xã hội dân sự cũng chẳng phải chỉ phụ thuộc một cách đơn giản vào nhà nước. Marx đảo ngược lại quan niệm về xã hội dân sự của Hegel, và cho rằng nhà nước không phải là nền tảng của xã hội dân sự, mà ngược lại, chính xã hội dân sự mới là nền tảng trên đó nhà nước được thiết lập. Trong quyển Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel (1843), Marx viết như sau: "Gia đình và xã hội công dân được Hê-ghen coi là những lĩnh vực của khái niệm nhà nước, cụ thể là những lĩnh vực của giai đoạn hữu hạn của nhà nước, là tính hữu hạn của nhà nước. (...) Trên thực tế, gia đình và xã hội công dân là những tiền đề của nhà nước, chính chúng mới là những yếu tố thật sự tích cực; nhưng trong tư duy tư biện thì tất cả điều đó đều bị đặt lộn ngược. (...) nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không có cơ sở tự nhiên là gia đình và cơ sở nhân tạo là xã hội công dân. Chúng là conditio sine qua non - điều kiện cần thiết của nhà nước. Nhưng [ở Hê-ghen] điều kiện biến thành cái chịu điều kiện, cái quy định biến thành cái bị quy định, cái sản sinh biến thành sản phẩm của sản phẩm của nó" (C. Mác, 1995, tr. 312-315).[10]

Marx cũng nhấn mạnh tới nội hàm kinh tế và khía cạnh phát triển của luật pháp trong khái niệm xã hội dân sự, coi đây như một bước phát triển "văn minh" của xã hội, vì đã chuyển những "quan hệ cá nhân" sang những "quan hệ chung", đồng thời nhờ có những "quan hệ pháp luật" mới nên đã vượt qua được "những biện pháp dã man để thực hiện pháp luật". Điểm mới trong luận điểm của Marx về xã hội dân sự là nhấn mạnh tới sự xuất hiện của các "giai cấp" (Klasse) trong xã hội dân sự tư bản chủ nghĩa, xét như là một sự khác biệt căn bản so với sự tồn tại của các "đẳng cấp" (Stand) trong các thể loại cộng đồng cổ truyền tiền tư bản chủ nghĩa (Gemeinwesen). Marx và Engels viết như sau trong quyển Hệ tư tưởng Đức (1845-1846): "Với sự phát triển của xã hội công dân, nghĩa là với sự phát triển của những lợi ích cá nhân thành lợi ích giai cấp, những quan hệ pháp luật thay đổi và có một hình thức văn minh. Người ta không còn coi những quan hệ đó là những quan hệ cá nhân mà là những quan hệ chung. Đồng thời, do phân công lao động, việc bảo vệ những lợi ích của những cá nhân riêng rẽ – những lợi ích này xung đột lẫn nhau, – chuyển vào tay một số ít người cho nên biện pháp dã man để thực hiện pháp luật cũng biến mất" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen, 1995, tr. 494).

Đồng ý với Hegel, Marx nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của xã hội dân sự, hay nói cách khác, sự tách biệt giữa nhà nước với xã hội dân sự, không phải là một hiện tượng đương nhiên, phi thời gian, mà là một hiện tượng mang tính lịch sử. Trong thời trung cổ, chưa có xã hội dân sự, cũng chưa có sự phân biệt giữa civil (dân sự/thị dân) với politique (chính trị), bởi lẽ lúc ấy tất cả mọi lĩnh vực đều thuộc về nhà nước, đều bị đồng nhất với chính trị. Marx viết trong quyển Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel: "Thời trung cổ đã có nông nô, sở hữu ruộng đất phong kiến, phường hội thủ công, hội của các học giả v.v.; nghĩa là vào thời trung cổ, sở hữu, thương nghiệp, đoàn thể xã hội, con người đều đã có tính chất chính trị; ở đây nội dung vật chất của nhà nước được quy định bởi hình thức của nhà nước. Ở đây, mọi lĩnh vực tư nhân đều có tính chất chính trị, hoặc đều là lĩnh vực chính trị; nói cách khác, chính trị cũng là tính chất của những lĩnh vực tư nhân. (...) Ở thời trung cổ, đời sống nhân dân và đời sống nhà nước là đồng nhất" (C. Mác, 1995, tr. 353).

Chỉ trong chế độ tư bản chủ nghĩa, nghĩa là vào "thời hiện đại" (modernen Zeit), mới xuất hiện sự tách biệt giữa "đời sống nhà nước" với "đời sống tư nhân", nghĩa là giữa nhà nước với xã hội dân sự/thị dân. Marx viết: "Sự tách biệt [Abstraktion] của nhà nước xét như là nhà nước chỉ thuộc về thời hiện đại, vì sự tách biệt của đời sống tư nhân chỉ thuộc về thời hiện đại mà thôi. Sự tách biệt của nhà nước chính trị là một sản phẩm hiện đại."[11]

Nhưng khác hẳn với quan niệm của Hegel vốn coi xã hội dân sự là một "mô-men" của Ý niệm đạo đức, Marx quan niệm xã hội dân sự là nơi diễn ra các mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ sản xuất, trong những điều kiện tồn tại vật chất của các cá nhân, nơi biểu hiện thực thụ của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Theo Marx, xã hội dân sự chỉ xuất hiện trong chế độ tư bản chủ nghĩa, từ khi giai cấp tư sản nắm quyền thống trị. Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels viết như sau: "Xã hội công dân [bürgerliche Gesellschaft] bao trùm toàn bộ sự giao tiếp vật chất của các cá nhân trong một giai đoạn phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Nó bao trùm toàn bộ đời sống thương nghiệp và công nghiệp trong giai đoạn đó và do đó, vượt ra ngoài phạm vi quốc gia và dân tộc, mặc dù, mặt khác, về đối ngoại nó vẫn phải hiện ra như là một dân tộc và về đối nội nó vẫn phải tự tổ chức thành một nhà nước. Thuật ngữ 'xã hội công dân' [bürgerliche Gesellschaft] xuất hiện trong thế kỷ XVIII khi những quan hệ sở hữu thoát khỏi thể cộng đồng [Gemeinwesen] cổ đại và trung cổ. Xã hội tư sản [bürgerliche Gesellschaft] với tính cách là xã hội tư sản chỉ phát triển cùng với giai cấp tư sản [der Bourgeoisie]" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen, 1995, tr. 51-52).[12]

Hiểu theo nghĩa đó, xã hội dân sự không phải chỉ là nền tảng của nhà nước, mà còn của toàn bộ lịch sử: "... đó là trung tâm thực sự, vũ đài thực sự của toàn bộ lịch sử" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen, 1995, tr. 51). Điều này có nghĩa là, theo Marx, các sự kiện chính trị, những sự thay đổi về luật pháp, những sự phát triển về văn hóa, chỉ có thể được giải thích nếu tìm về ngọn nguồn của sự phát triển của cấu trúc của xã hội dân sự, nơi diễn ra những cuộc xung đột cũng như đấu tranh giữa các giai cấp đối kháng (Abercrombie et al., 1988, tr. 34).

Tựu trung, Marx nhìn xã hội dân sự dưới hai khía cạnh: một mặt, nó là nền tảng hiện thực và vật chất của nhà nước, mặt khác, nó là mặt đối lập với nhà nước. Hay cũng có thể nói, theo lời một tác giả, rằng Marx có hai quan niệm về xã hội dân sự, hay "hai lý thuyết về nhà nước".[13] Xét về mặt kinh tế học, xã hội dân sự là cơ sở hạ tầng trên đó xây dựng nên kiến trúc chính trị nhà nước; theo nghĩa này, xã hội dân sự chính là xã hội tư sản nhìn dưới góc độ vận hành kinh tế-xã hội. Xét về mặt xã hội học, trong lịch sử nhà nước hiện đại (Marx lấy hai thí dụ là nhà nước của Bonaparte và nhà nước Phổ), xã hội dân sự chính là tổ chức xã hội vốn được hình thành từ quá trình biệt dị hóa (différentiation) của nhà nước. Như vậy, sự hình thành của xã hội dân sự xét về mặt lịch sử đã diễn ra song hành với sự hình thành của nhà nước hiện đại. Và xã hội dân sự có thể được hiểu theo hai nghĩa: một mặt là xã hội dân sự kinh tế (société civile économique), và mặt kia là xã hội dân sự chính trị (société civile politique) (Rangeon, 1986, tr. 26). Chính là thiên về nghĩa thứ hai này mà Gramsci đã khai triển khái niệm của mình về xã hội dân sự.

0 comments

Post a Comment