Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Monday, August 19, 2013

Dân chủ - Xã hội là gì?

Hình thành từ những thập niên 60 và 70 của thế kỷ 19, phong trào xã hội chủ nghĩa dần dần tách thành hai trào lưu lớn: dân chủ - xã hội (Social Democracy, social-démocratie) và cộng sản (Communism, communisme). Sự cạnh tranh, thậm chí đối lập, giữa hai trào lưu đó là một nét nổi bật của thế kỷ 20. Do hoàn cảnh lịch sử, việc truyền bá chủ nghĩa xã hội vào nước ta hầu như chỉ thông qua con đường của những người cộng sản, sự hiểu biết của giới trí thức về trào lưu dân chủ - xã hội có thể nói là vô cùng ít ỏi. Bài viết này nhằm mục đích góp phần bổ sung cho sự thiếu sót đó.
Vào thời kỳ đầu của phong trào được mệnh danh là “chủ nghĩa xã hội” (Socialism, socialisme), nhất là trong giai đoạn hình thành các tổ chức chính trị đầu tiên của giai cấp công nhân, danh xưng “dân chủ - xã hội” được dùng để chỉ những người xã hội chủ nghĩa nói chung, nhằm phân biệt họ với những người thuộc phái vô chính phủ (anarchism, anarchisme).

Như chúng ta đã biết, Quốc tế I (First International, Première Internationale) [1] được thành lập vào ngày 28.9.1864, và đại hội đầu tiên diễn ra tại Geneva (Genève, Thuỵ Sĩ) vào năm 1866. Tố chức quốc tế này hoạt động cho đến năm 1872 thì bị tê liệt và bốn năm sau (1876) phải tự tuyên bố giải tán vì sự chia rẽ giữa hai phe: phe theo Marx và phe vô chính phủ theo Bakunin.

Gần như đồng thời với Quốc tế I, thậm chí trước cả Quốc tế I, một số tổ chức chính trị của công nhân cũng lần lượt ra đời ở các nước châu Âu, nhất là tại Đức. Năm 1863, Ferdinand Lassalle (1825-1864) - người được coi là kiến trúc sư của phong trào công nhân Đức, đã sáng lập Tổng Hội Công nhân Đức (Allgemeiner Deutscher Arbeiterverein, General German Workers' Union, Association générale allemande de travailleurs; viết tắt là ADAV). Tờ báo chính thức của ADAV lấy tên là Người Dân chủ - Xã hội (Der Social-Demokrat, The Social Democrat), xuất bản định kỳ ở Berlin mỗi tuần ba kỳ, kể từ cuối năm 1864 cho đến năm 1871. Trên tạp chí này có đăng một số văn bản quan trọng của Quốc tế I như bản dịch tiếng Đức của «Tuyên ngôn thành lập Hiệp hội Công nhân Quốc tế” - do chính tay Marx viết (được đăng trên số 2 và số 3 - ngày 21 và 30.12.1864) hoặc lá thư của Quốc tế I gửi Abraham Lincoln nhân dịp ông này tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ (đăng trên số 3 – ngày 30.12.1864). Trong bức thư này, Karl Marx gọi Abraham Lincoln là “người con vững như sắt thép của giai cấp công nhân”.

Song song với sự phát triển của ADAV, một số tổ chức chính trị của công nhân cũng lần lượt hình thành ở vùng Saxony (Saxe, Sachsen) và miền Nam nước Đức. Những nhóm này chịu ảnh hưởng của Marx và tranh giành ảnh hưởng với phái Lassalle. Đến năm 1869, dưới sự lãnh đạo của August Bebel và Wilhelm Liebknecht, những nhóm này đã hợp nhất thành một đảng chính trị lấy tên là Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội (Sozialdemokratische Arbeiterpartei, Social Democratic Workers' Party, Parti travailliste social-démocrate, viết tắt là SDAP) [2] . Sự chia rẽ giữa phái mác-xít và phái Lassalle kéo dài mãi đến năm 1875, khi hai tổ chức chính trị này hợp nhất với nhau trên cơ sở của một cương lĩnh mang tính thoả hiệp (cương lĩnh Gotha). Tổ chức hợp nhất này có tên gọi ban đầu là Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa (Sozialistische Arbeiterpartei, Socialist Workers' Party, Parti ouvrier socialiste ; viết tắt là SAP). Năm 1890, đảng này đổi tên thành Đảng Dân chủ - Xã hội Đức (Sozialdemokratische Partei Deutschlands, Social Democratic Party of Germany, Parti social-démocrate d'Allemagne ; viết tắt là SPD) và giữ tên đó đến tận ngày nay. Năm 1875, tức là thời điểm hợp nhất giữa hai phái mác-xít và Lassalle, vẫn được coi là thời điểm thành lập đảng.

Như vậy, danh xưng “dân chủ - xã hội” đồng nghĩa với danh xưng “xã hội chủ nghĩa”, được dùng để chỉ những người xã hội chủ nghĩa nói chung, chưa có sự phân biệt giữa dân chủ - xã hội và cộng sản như về sau này.


Sự chia rẽ trong lòng Quốc tế II

Karl Marx mất vào năm 1883. Sáu năm sau (1889), theo sáng kiến của các nhà xã hội chủ nghĩa và các nhà hoạt động công đoàn ở nhiều nước, Quốc tế II (Second International, Deuxième Internationale) được thành lập với sự kết hợp của các đảng xã hội chủ nghĩa và một số tổ chức công đoàn trên thế giới - chủ yếu là tại châu Âu [3] . Phái vô chính phủ bộc lộ sự bất đồng ý kiến ngay từ đầu, nhưng sau đại hội London (thủ đô Anh) năm 1896, bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi tổ chức quốc tế này.

Về mặt tổ chức, Quốc tế II không phải là một tổ chức mang tính tập trung cao độ như Quốc tế I mà là một liên minh lỏng lẻo giữa các đảng chính trị và các tổ chức công đoàn ở nhiều quốc gia. Mãi đến 11 năm sau khi thành lập, tại Đại hội Paris (9.1900), một cơ quan chấp hành mới được hình thành lấy tên là Văn phòng Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế [4] (International Socialist Bureau, Bureau Socialiste International), bao gồm đại biểu của các đảng xã hội chủ nghĩa ở tất cả các nước, với một bộ phận thường trực đóng tại Brussels (Bruxelles, thủ đô Bỉ). Trong thực tế, đây là một cơ quan liên lạc, phối hợp chứ không phải là một cơ quan chấp hành có uy quyền như Tổng Hội đồng (General Council, Conseil générale) của Quốc tế I.

Về mặt lý thuyết, Quốc tế II chịu sự chi phối mạnh mẽ của chủ nghĩa Marx, mặc dù ảnh hưởng của nhiều trường phái tư tưởng phi-mácxít (như phái Lassalle, phái Fabian…) vẫn còn tồn tại trong lòng các đảng thành viên. Chưa đầy 10 năm sau khi thành lập, sau khi Engels mất, một vài cuộc tranh luận đã nổ ra trong lòng đảng SPD - chính đảng lớn nhất và quan trọng nhất của Quốc tế II. Đặc biệt gây sôi nổi là các luận điểm của Eduard Bernstein, một trong những lãnh tụ có uy tín của đảng vào lúc ấy, được mệnh danh là chủ nghĩa xét lại (revisionism, revisionisme).

Như trên đã nói, đảng SPD là sự kết hợp mang tính thoả hiệp của hai phái: phái mác-xít và phái Lassalle. Sau khi thành lập không bao lâu thì đảng bị đàn áp bởi đạo luật chống những người xã hội chủ nghĩa do Thủ tướng Bismarck ban hành vào năm 1878. Sau khi đạo luật này bị bãi bỏ (1890), đảng SPD đã họp Đại hội tại Erfurt vào năm 1891 và sửa đổi lại cương lĩnh. So sánh cương lĩnh Erfurt năm 1891 với cương lĩnh Gotha năm 1875, chúng ta thấy rõ sự thắng thế của chủ nghĩa Marx so với tư tưởng của Lassalle. Điều này bắt nguồn từ sự đàn áp của chính quyền Bismarck trong hơn một thập niên trước đó, làm củng cố xu hướng cách mạng trong đảng. Trong hoàn cảnh đó, việc Bernstein đề xuất các luận điểm xét lại đã vấp phải những phản ứng không thuận lợi. Tại Đại hội Hanover (Hanovre, trong tiếng Đức là Hannover) họp vào tháng 10 năm 1899, các đại biểu đã dành ra 3 ngày rưỡi để thảo luận và sau cùng đi đến một nghị quyết bác bỏ các luận điểm của Bernstein. Karl Kautsky, nhà lý luận chính thống của đảng SPD lúc ấy, lên án Bernstein đã bỏ rơi các nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa xã hội khoa học. Rosa Luxemburg, người tiêu biểu cho cánh tả của đảng SPD, người chủ trương cách mạng triệt để, còn dành hẳn một cuốn sách “Cải cách xã hội hay cách mạng?” để đấu tranh chống lại xu hướng xét lại. Mặc dù vậy, qua thực tế hoạt động, ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại ngày càng lớn mạnh trong lòng đảng SPD, hình thành nên phái hữu (phái cải cách) và đồng thời làm phát sinh phái tả (phái cách mạng) trong lòng đảng này nói riêng và trong toàn bộ phong trào xã hội chủ nghĩa nói chung.

Mặc dù “cải cách” hay “cách mạng” mới là mâu thuẫn chủ yếu, sâu xa của Quốc tế II, cuộc xung đột lại bùng nổ qua một chủ đề khác. Đó là thái độ, lập trường của các nhà xã hội chủ nghĩa đối với chủ nghĩa quân phiệt và chiến tranh.

Trước cuộc Chiến tranh Thế giới lần I, lập trường chung của Quốc tế II là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh nổ ra trên toàn châu Âu. Tại Đại hội Stuttgart (1907), chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt đã trở thành chủ đề chính. Sau nhiều cuộc tranh cãi gay gắt, đa số đại biểu đã bác bỏ chủ trương tiến hành tổng đình công và nổi dậy do Gustave Hervé (đại biểu Pháp) đề xuất. Nghị quyết cuối cùng của Đại hội có thể tóm tắt trong hai điểm chính: (1) cần thiết phải ngăn ngừa chiến tranh bằng mọi cách và (2) trong trường hợp chiến tranh nổ ra, lợi dụng cuộc khủng hoảng tạo ra bởi chiến tranh để “đẩy nhanh sự sụp đổ của nền thống trị tư bản chủ nghĩa.” Điểm thứ hai chính là điều khoản sửa đổi bổ sung do cánh tả của Quốc tế (Lenin, Rosa Luxemburg, Clara Zetkin…) đề nghị.

Nhưng thực tế diễn ra cho thấy “chủ nghĩa quốc tế vô sản” chỉ là sản phẩm của tư duy, không phù hợp với hiện thực. Hiện thực của thế kỷ XX cho thấy “quốc gia-dân tộc” chứ không phải “giai cấp” mới là nhân tố làm nền tảng cho các thực thể chính trị - xã hội, và hoà bình chỉ có thể thiết lập giữa các quốc gia chứ không phải giữa giai cấp vô sản các nước.

Khi cuộc chiến tranh bắt đầu, trong hầu hết các quốc gia tham chiến, đặc biệt là hai nước Đức và Pháp, những người xã hội chủ nghĩa đã đứng về phía chính phủ, nghĩa là ủng hộ chiến tranh. Ngày 3.8.1914, khi biểu quyết , dtkin...mmoingân sách chiến tranh tại Quốc hội Đức (Reichstag), chỉ có một thiểu số (14/78) trong đảng đoàn của SPD giữ lập trường chống chiến tranh theo đúng nghị quyết của Quốc tế. Khi chiến tranh thật sự nổ ra, tuyệt đại đa số đại biểu SPD ngả sang lập trường ủng hộ chiến tranh, thậm chí đến đầu tháng 12 năm 1914, Karl Liebknecht trở thành đại biểu SPD duy nhất chống lại ngân sách chiến tranh. Karl Kautsky, Rosa Luxemburg và Franz Mehring phản đối chiến trạnh, nhưng lại không phải là đại biểu Quốc hội. Ngay cả Eduard Bernstein lúc đầu cũng đứng về phía ủng hộ chiến tranh, mãi về sau mới thay đổi ý kiến. Tại Pháp, đảng Xã hội Pháp (SFIO) [5] lúc đầu vẫn chủ trương hoà bình. Họ hy vọng đảng Đức sẽ tìm mọi cách ngăn ngừa cuộc chiến và cũng tin rằng chính phủ “tư sản” Pháp sẽ cố gắng tránh cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 1914, giữa lúc chiến tranh sắp bắt đầu, lãnh tụ Jean Jaurès của SFIO, một người tích cực chống chiến tranh, bị một phần tử cực hữu ám sát. Và khi chiến tranh thực sự bùng nổ, SFIO ủng hộ ngân sách chiến tranh và đồng ý tham gia vào chính phủ. Tình hình diễn ra tương tự tại nhiều nước khác (như Áo, Hung, Tiệp, Bỉ, Anh…).

Tình hình đó làm cho Quốc tế bị rạn nứt, chia làm ba phái: phái hữu giữ lập trường yêu nước, đứng về phía quốc gia của mình để ủng hộ chiến tranh; phái trung dung bao gồm những người chống chiến tranh, tìm kiếm hoà bình (pacifism, pacifisme) và phái tả đứng trên lập trường quốc tế, chẳng những chống chiến tranh mà còn muốn biến chiến tranh thành cơ hội để tiến hành cách mạng. Trong thời kỳ đầu, phái ủng hộ chiến tranh chiếm đa số. Ngay cả một số người thuộc phái trung dung (như Kautsky chẳng hạn) tuy chống chiến tranh nhưng trong thời gian đầu cũng chưa muốn tách khỏi khối đa số. Trung thành với nghị quyết Stuttgart chỉ còn có phái tả, trong đó đáng kể nhất là nhóm “Quốc tế” (International Group) của Karl Liebknecht [6] và Rosa Luxemburg ở Đức và Lenin ở Nga.


Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của trào lưu cộng sản

Mặc dù cuộc Chiến tranh Thế giới là cơ hội làm bùng phát mâu thuẫn giữa các phe phái trong lòng Quốc tế II, nhưng chính mâu thuẫn giữa hai con đường cải cách cách mạng mới thật sự làm tan vỡ tổ chức Quốc tế này. Địa bàn làm phát sinh mâu thuẫn lại không phải là Tây Âu, nơi Marx và Engels trông chờ cuộc cách mạng vô sản nổ ra, mà là nước Nga – nơi mà giai cấp vô sản yếu ớt bị chìm lỉm giữa một môi trường nông thôn rộng lớn và lạc hậu.

Trong những năm cuối của triều đại Romanov, phần lớn các đảng chính trị có ảnh hưởng ở Nga đều xưng danh là đảng xã hội chủ nghĩa. Những người không chọn con đường xã hội chủ nghĩa là những người thuộc phái tự do (liberals).

Giới tư sản và các trí thức theo chủ nghĩa tự do (liberalism, libéralisme) lúc đầu tập hợp trong một tổ chức có tên là Liên hiệp Giải phóng (Soyuz Osvobozhdeniya, Union of Liberation) - được thành lập vào tháng 1 năm 1904. Về sau, tổ chức này và một số trí thức khác có liên hệ với các hội đồng địa phương (zemstvos) đã hợp nhất với nhau để thành lập Đảng Dân chủ - Lập hiến (gọi tắt là K.D. hoặc Kadet) [7] vào tháng 10 năm 1905. Đây là một tổ chức chính trị chủ trương một sự thay đổi cấp tiến ở Nga theo hướng tiến đến một chế độ quân chủ lập hiến tương tự như nước Anh. Kadet chiếm đa số tại Quốc hội (Duma) đầu tiên sau cuộc bầu cử năm 1906, nhưng trong những Duma tiếp theo, sức mạnh của đảng này bị suy giảm dần. Tính chất bảo thủ, chuyên chế của chế độ Sa hoàng, những khó khăn gây ra bởi cuộc Chiến tranh Thế giới I, và sự gia tăng của bầu khí cách mạng trong quần chúng cũng như tâm trạng lo âu của thời chiến đã làm cho quần chúng ngả dần sang các đảng cách mạng. Mặc dù vậy, sau Cách mạng Tháng hai năm 1917, Kadet vẫn là một trong những đảng nằm trong hàng ngũ cách mạng. Bốn thành viên trong nội các đầu tiên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời là đảng viên Kadet. Mãi đến khi những người Bolshevik nắm được chính quyền, họ mới tuyên bố rằng Kadet là một tổ chức bất hợp pháp vào cuối năm 1917, và kể từ đó các hoạt động của đảng này chấm dứt trong nội địa nước Nga.

Trong số các đảng tự xưng danh là xã hội chủ nghĩa, đảng có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong quần chúng là Đảng Xã hội – Cách mạng. Điều này có nguyên nhân từ ảnh hưởng của một trào lưu tư tưởng trong thế kỷ 19, được gọi là chủ nghĩa dân tuý (populism, populisme). Những người dân tuý (Narodniks, populists, populistes) cho rằng chủ nghĩa Marx không thể áp dụng được ở nước Nga nông dân, nơi mà giai cấp vô sản (giai cấp công nhân công nghiệp) hầu như không tồn tại. Aleksandr Herzen (1812-1870), nhà tư tưởng tiêu biểu cho chủ nghĩa dân tuý ở Nga, coi các công xã ở nông thôn là mầm mống của xã hội xã hội chủ nghĩa trong tương lai và lập luận rằng nước Nga có thể bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa để xây dựng một cộng đồng hợp tác dựa trên truyền thống làng xã.

Trong thập niên 1870, hoạt động của phái dân tuý rộ lên, mà trung tâm là giới sinh viên đại học. Trong những năm 1873 và 1874, hàng trăm sinh viên - bao gồm cả nữ sinh viên, đã “đến với nhân dân” [8] bằng cách xâm nhập vùng quê, mặc quần áo nông dân, lao động cùng nông dân để tìm cách thức tỉnh nông dân bằng những bài diễn thuyết. Nhưng một mặt họ gặp phải sự thờ ơ của nông dân, mặt khác họ bị cảnh sát đàn áp. Một số nhà cách mạng trẻ bị kết án tù, và hàng trăm người bị đày đến những vùng đất xa xôi, thậm chí đến tận Siberia. Năm 1876, một đảng mới được thành lập lấy tên là Đất đai và và Tự do (Zemlia I Volia, Land and Freedom, Terre et Liberté). Một số thành viên của đảng này chủ trương ám sát các quan chức cao cấp để trả thù cho đồng đội bị ngược đãi và coi khủng bố là phương pháp để gây áp lực với chính quyền, buộc họ ban hành các quyền tự do theo kiểu phương Tây. Kinh nghiệm cũng cho họ thấy trong khi nông dân sống phân tán và thờ ơ với cách mạng thì công nhân ở các đô thị công nghiệp hoá trở thành đối tượng có nhiều hứa hẹn hơn. Một số nhóm khác không tán thành phương pháp ám sát, và tiếp tục tin vào nông dân hơn là công nhân, đồng thời cũng tỏ ra thờ ơ với cuộc đấu tranh để giành các quyền tự do chính trị. Năm 1879, đảng bị chia rẽ. Cánh có xu hướng chính trị và theo chủ nghĩa khủng bố lấy tên là Ý chí của Nhân dân (Narodnaïa Volia, People’s Will, Volonté du Peuple). Sau một vài dự án thất bại, cuối cùng họ cũng thành công trong việc ám sát Nga hoàng Alexander II vào ngày 1.3 năm 1881 (tức ngày 13.3 tính theo Lịch Mới). Các thủ lĩnh của nhóm bị bắt, và có 5 người trong số đó bị treo cổ. Cánh thứ hai có tên là Sự Tái phân phối Đen (Chorny Peredel, Black Repartition) tiếp tục hoạt động trong nông dân cho đến khi chuyển dần sự chú ý sang giai cấp vô sản thành thị trong thập niên 1880.

Đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa dân tuý được tái sinh qua Đảng Xã hội - Cách mạng (Sotsialisty Revolyutsionery, Socialist Revolutionary Party, gọi tắt là SR) - được thành lập vào năm 1901. Kế thừa chủ nghĩa dân tuý về mặt tư tưởng, đảng này đề ra chủ trương xã hội hoá ruộng đất và thành lập một chính quyền liên bang. Vào năm 1917, đảng này là nhóm xã hội chủ nghĩa đông nhất và có ảnh hưởng nhất ở Nga. Một số đảng viên SR nắm chức vụ cao trong Chính phủ Lâm thời sau Cách mạng Tháng Hai như Aleksandr Kerensky, Viktor Chernov, và trong cuộc bầu cử vào Quốc hội Lập hiến vào tháng 11 năm 1917, đảng này chiếm đến 410 ghế trong khi Đảng Bolshevik chỉ chiếm có 175 ghế. Mặc dù vậy, đảng này không đề ra được một đường lối có tính thuyết phục, lại bị chia rẽ nội bộ, và trong đảng vẫn luôn tồn tại một xu hướng muốn áp dụng các phương pháp khủng bố. Nhóm ly khai của đảng này, thường được gọi là những người Xã hội – Cách mạng cánh Tả (Left Socialist Revolutionaries) đã cộng tác với Đảng Bolshevik trong cuộc Cách mạng Tháng Mười và sau đó tham gia chính quyền xô-viết cho đến khi bị trục xuất bởi Đại hội Các Xô-viết lần thứ năm (tháng 7 năm 1918). Sau khi phe Bolshevik chiến thắng trong cuộc Nội Chiến, Đảng Bolshevik đã xoá bỏ hoàn toàn đảng Xã hội – Cách mạng.

Đóng vai trò lịch sử quan trọng nhất ở Nga là những người xã hội chủ nghĩa mác-xít. Những người này tin rằng giai cấp công nhân là lực lượng chủ yếu của cách mạng. Họ thành lập nên Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội Nga [9] .

Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội Nga được thành lập chính thức vào năm 1898 tại thành phố Minsk (nay là thủ đô của Belarus [10] ) trên cơ sở hợp nhất nhiều tổ chức chính trị mác-xít đã có trước đó. Nhưng đại hội thành lập này gần như không có kết quả bởi vì không bao lâu sau khi thành lập, phần lớn các nhà lãnh đạo của đảng đều bị bắt. Mặt khác, tại đại hội thành lập, hàng loạt vấn đề (như cương lĩnh, điều lệ…) chưa được giải quyết. Đại hội lần thứ hai (tháng 7 – tháng 8 năm 1903) đã diễn ra tại hải ngoại [11] . Chính tại Đại hội này, bắt đầu có sự chia rẽ giữa hai quan điểm khác nhau. Cánh cấp tiến, đứng đầu là Lenin, chủ trương xây dựng một đảng hành động bao gồm những nhà cách mạng chuyên nghiệp, sử dụng mọi phương tiện để xây dựng cho bằng được một xã hội cộng sản. Ngược lại, những đối thủ của Lenin lại chủ trương kết nạp tất cả những ai tuyên bố tán thành những mục tiêu của đảng, không kể có trực tiếp tham gia hoạt động hay không. Mặc dù đại hội tán thành phương án thứ hai (do Martov đề xướng), nhưng khi biểu quyết một số vấn đề khác - như bầu ban biên tập báo Tia lửa (Iskra) hay bầu ban lãnh đạo, phe Lenin lại chiếm đa số, do phái Bund [12] bất ngờ rời bỏ đại hội. Từ đó phái theo Lenin được gọi là Bolshevik (trong tiếng Nga có nghĩa là “đa số”) trong khi phe đối lập được gọi là Menshevik (trong tiếng Nga có nghĩa là “thiểu số”). Cách gọi tên được giữ mãi về sau, mặc dù trong thực tế, không phải lúc nào phe Bolshevik cũng là phe đa số trong phong trào cách mạng Nga.

Kể từ sau khi cuộc Cách mạng năm 1905 thất bại, sự chia rẽ giữa hai phái càng ngày càng sâu sắc. Cả Menshevik lẫn Bolshevik đều đồng ý về sự cần thiết của một cuộc cách mạng, nhưng lại không đồng ý về phương pháp đấu tranh cách mạng. Khi Quốc hội (Duma) được thành lập như một sự nhượng bộ của Sa hoàng trước sức ép của quần chúng, những người Bolshevik chỉ coi đây là một diễn đàn để tuyên truyền trong khi phái Menshevik lại chủ trương cộng tác với các nhà chính trị “tư sản” trong quốc hội để hợp pháp hoá các quyền dân sự và sử dụng các quyền đó trong việc tổ chức công nhân, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giai cấp trong giai đoạn kế tiếp. Cuối cùng, vào năm 1912, Lenin đã quyết định triệu tập đại hội riêng của phái Bolshevik tại Prague (Tiệp Khắc). Kể từ đó, hai phái trở thành gần như hai đảng riêng biệt, có ban chấp hành và cơ quan ngôn luận riêng và tìm cách tranh giành ảnh hưởng trong giai cấp công nhân cũng như trong chính trường Nga nói chung. Điều đáng lưu ý là cả hai đảng đều giành lấy danh xưng cũ (Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội Nga). Đảng Bolshevik được gọi là Đảng Công nhân Dân chủ -Xã hội Bolshevik Nga (Russian Social Democratic (b) Worker’s Party) [13] .

Cuộc Cách mạng Tháng Hai [14] năm 1917 nổ ra là kết quả của sự phối hợp giữa các lực lượng cánh tả với những phần tử tiến bộ trong giai cấp tư sản, tức là những người thuộc phái tự do (liberals). Khi Lenin, với sự giúp đỡ của chính phủ Đức, bí mật trở về Nga bằng con đường Thuỵ Điển - Phần Lan vào tháng 4 năm 1917, cả bốn đảng đều có mặt trên chính trường: đảng Kadet, đảng Xã hội – Cách mạng, đảng Menshevik và đảng Bolshevik. Trong khi chờ đợi bầu cử Quốc hội Lập hiến, quyền hành tạm thời được giao cho Chính phủ Lâm thời. Nhưng điều phức tạp là ở chỗ Chính phủ Lâm thời không nắm được trọn vẹn quyền lực, bởi vì trong cuộc Cách mạng Tháng Hai, ở Petrograd và một số thành phố lớn, công nhân và binh lính đã học tập kinh nghiệm của năm 1905 để bầu ra các xô-viết (Soviets, trong tiếng Nga có nghĩa là “hội đồng”). Trong số các xô-viết thì Xô-viết Petrograd có quyền lực mạnh hơn hết. Nhưng Xô-viết Petrograd lúc đó lại chịu ảnh hưởng của đảng Xã hội – Cách mạng và đảng Menshevik, do đó họ đã chấp thuận việc hình thành Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Như vậy là tồn tại hai quyền lực song song (dual power), và quyền lực thứ nhất (Chính phủ Lâm thời) sở dĩ tồn tại được là nhờ sự ủng hộ của quyền lực thứ hai (các xô-viết).

Sự mâu thuẫn giữa Lenin và phái Menshevik tập trung vào hai vấn đề chính: (1) có tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hay không? và (2) có tiếp tục chiến tranh hay không?

Về vấn đề thứ nhất, tất cả các phái dân chủ - xã hội đều đồng ý với nhau về cuộc cách mạng hai giai đoạn (two-stage revolution), như đã được George Plekhanov trình bày trong tác phẩm“Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chính trị” (Socialism and Political Struggle) xuất bản vào năm 1883 và một số tác phẩm khác. Theo Plekhanov, nước Nga bị lôi cuốn vào một sự phát triển tư bản chủ nghĩa; sự phát triển này làm thay đổi toàn bộ cơ cấu xã hội cũ và tạo điều kiện cho việc lật đổ chế độ chuyên chế của Nga hoàng và thiết lập một chế độ dân chủ tư sản (bourgeois-democratic regime). Do đó, những người mác-xít phải tổ chức giai cấp công nhân công nghiệp còn non trẻ để đấu tranh chống lại chế độ chuyên chế. Sau khi lật đổ được chế độ Sa hoàng, sự phát triển hơn nữa của chủ nghĩa tư bản sẽ làm cho số lượng công nhân tăng lên gấp bội và khi đó, dưới sự lãnh đạo của một đảng dân chủ - xã hội, giai cấp công nhân sẽ tự giải phóng mình bằng một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mâu thuẫn phát sinh kể từ khi Lenin cho rằng ở nước Nga, nơi mà giai cấp tư sản còn yếu đuối, cuộc cách mạng có thể phối hợp cả hai giai đoạn “tư sản” và “vô sản” bằng cách lôi kéo giai cấp nông dân thành đồng minh của giai cấp công nhân. Ông còn tiến tới gần quan điểm của Leon Trotsky về một cuộc “cách mạng không ngừng” khi cho rằng cuộc cách mạng sắp nổ ra ở Nga, “khâu yếu nhất” của chủ nghĩa đế quốc trên thế giới, và cách mạng Nga sẽ châm ngòi cho một cuộc cách mạng toàn cầu.

Như vậy, lập trường của Plekhanov và của phái Menshevik là chưa vội tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trong khi Lenin lại nôn nóng tiến hành ngay cuộc cách mạng thứ hai. Đó là lý do Lenin đánh giá tất cả các đảng “chần chừ’ không chịu làm cách mạng xã hội chủ nghĩa là “cơ hội”, là “thoả hiệp với giai cấp tư sản”, là “phản bội lợi ích của giai cấp công nhân” và tìm cách loại bỏ họ ra khỏi chính trường.

Vấn đề thứ hai gây mâu thuẫn là lập trường đối với cuộc chiến tranh. Vào lúc nổ ra cuộc chiến tranh, tất cả các đại biểu dân chủ -xã hội tại Duma - kể cả Bolshevik và Menshevik, đều phản đối chiến tranh bằng cách bỏ phòng họp đi ra, không tham gia biểu quyết. Riêng Plekhanov, lúc đó sang sống lưu vong, lại ủng hộ chiến tranh, vì ông cho rằng chiến thắng của phe Đức sẽ là một thảm hoạ đối với nước Nga. Trong quá trình chiến tranh tiếp diễn, phái Menshevik chuyển sang lập trường ủng hộ chiến tranh như phái đa số trong Quốc tế II. Chỉ có Lenin là trước sau như một trung thành với lập trường chống chiến tranh vì ông cho đây là cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, không đáng được ủng hộ.

Tình hình càng trở nên phức tạp sau cuộc Cách mạng Tháng Hai năm 1917, vì lúc này chế độ Sa hoàng sụp đổ, chính quyền mới là chính quyền “cách mạng”. Phần lớn các đảng cách mạng – kể cả những người Bolshevik đang hoạt động trong nước, đều ủng hộ Chính phủ Lâm thời tiếp tục cuộc chiến tranh. Chỉ riêng có Lenin là kiên trì lập trường của mình, vì ông muốn lợi dụng chiêu bài “hoà bình” để lật đổ Chính phủ Lâm thời, đồng thời qua chiêu bài “hoà bình” kêu gọi phe xã hội chủ nghĩa trên thế giới - nhất là ở Đức, lật đổ các chính quyền “tư sản” để làm cách mạng thế giới.

Diễn biến của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã chứng minh sự khôn khéo và các thủ đoạn chính trị tài tình của Lenin. Ông đã biết lợi dụng những nhu cấu bức thiết của nhân dân Nga (ruộng đất cho người nông dân, hoà bình bằng bất cứ giá nào, bánh mì cho người dân đang đói khổ…) để khích động quần chúng chống lại Chính phủ Lâm thời. Từ một đảng thiểu số kể cả trong các xô-viết, đảng Bolshevik dần dần mở rộng ảnh hưởng và biến khẩu hiệu “tất cả quyền lực về tay các xô-viết” thành một khẩu hiệu lật đổ. Khi Chính phủ Lâm thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cứng rắn để đối phó với tình hình biến động, đảng Bolshevik rút vào hoạt động bí mật và thông qua các xô-viết để tiến hành cuộc “cách mạng lần thứ hai”, lật đổ chính cái chính phủ “cách mạng” mà họ mới vừa lập ra trước đó hơn nửa năm.

Như chúng ta đã biết, bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười [15] , đảng Bolshevik đã tước quyền của Chính phủ Lâm thời và chuyển giao quyền lực cho Hội đồng Dân uỷ (Council of People’s Commissars, Conseil des Commissaires du Peuple) - một tổ chức hoàn toàn do phái Bolshevik kiểm soát. Tháng 3 năm 1918, đảng Dân chủ - Xã hội (Bolshevik) Nga được đổi tên thành Đảng cộng sản (Bolshevik) Nga. Kể từ tháng 7 năm 1918, tất cả các đảng phái khác đều bị cấm hoạt động. Chuyên chính vô sản được thành lập ở nước Nga.

Nhưng Cách mạng Tháng Mười nổ ra thành công là phúc hay hoạ cho nước Nga? Chúng ta hãy nghe nhận định của George Plekhanov, người thường được coi là “người thầy của chủ nghĩa Marx ở Nga”. Là một người sống lưu vong lâu năm, ngay khi nghe tin cuộc Cách mạng Tháng Hai thành công, Plekhanov đã tìm cách trở về tổ quốc. Khi được biết phe Bolshevik chủ trương tiến hành cuộc cách mạng “giai đoạn hai”, ông tìm mọi cách để ngăn cản, nhưng không thành công. Vào ngày 28.10.1917, nghĩa là chỉ hơn một tuần trước ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười, Plekhanov gửi một lá thư ngỏ cho các công nhân ở thủ đô Petrograd, trong đó có đoạn :

“Lý do khiến cho những biến cố trong những ngày qua làm tôi đau lòng không phải bởi vì tôi không muốn thấy lý tưởng của giai cấp công nhân giành được chiến thắng, mà ngược lại, chính bởi vì, bằng tất cả sinh mạng của mình, tôi mong muốn sự chiến thắng của giai cấp công nhân. Những thành phần có ý thức nhất trong giai cấp công nhân của chúng ta phải tự hỏi: giai cấp vô sản của chúng ta đã sẵn sàng để công bố một nền chuyên chính hay chưa? Bất cứ người nào đã có một sự hiểu biết ít nhiều về những điều kiện kinh tế cần thiết để thiết lập nền chuyên chính vô sản đều không ngần ngại trả lời “không” cho câu hỏi này.

Không, giai cấp công nhân của chúng ta còn xa mới nắm được quyền lực chính trị với lợi thế thuộc về nó nói riêng và về cả đất nước nói chung. Gán ghép một quyền lực như thế cho nó có nghĩa là đẩy nó đến một thảm hoạ lịch sử to lớn (a great historical calamity), một thảm hoạ sẽ là bi kịch lớn nhất (the greatest tragedy) cho toàn thể nước Nga.

Người ta nói rằng công nhân Nga sẽ bắt đầu và công nhân Đức sẽ kết thúc. Điều chắc chắn là xét về phương diện kinh tế, nước Đức phát triển hơn nhiều so với nước Nga. Cuộc cách mạng xã hội ở Đức gần hơn là cuộc cách mạng ở Nga. Nhưng ngay cả đối với những người Đức, cuộc cách mạng vẫn chưa được đặt ra trong chương trình nghị sự.

Điều đó có nghĩa là người Đức sẽ không hoàn thành cái mà người Nga đã bắt đầu, và cả người Pháp, người Anh hay người Mỹ cũng vậy. Bằng cách nắm chính quyền vào lúc này, giai cấp vô sản Nga sẽ không hoàn thành một cuộc cách mạng xã hội. Nó chỉ đem lại cuộc nội chiến, cuộc nội chiến đó cuối cùng sẽ đem lại một bước thoái bộ so với những vị trí đã đạt được vào tháng Hai hay tháng Ba năm nay”. [16]

Ngày nay, sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại nước Nga cũng như tại Đông Âu, đọc lại lời cảnh báo này, chúng ta thấy Plekhanov quả thật là sáng suốt! Đáng tiếc là người đã từng tự nhận là học trò của ông giờ đây đã trở nên cao ngạo, bởi tham vọng ngất trời và lòng cuồng tín vào những giáo điều của Marx! Tiếng nói của Plekhanov trở nên lạc lõng giữa một đám đông đang say sưa “làm lịch sử” với lòng tin ngây thơ rằng mình đang làm những người lính tiên phong cho cả nhân loại. Tệ hơn nữa, những chỉ trích của ông đối với chính quyền cách mạng lại bị hiểu lầm. Dưới con mắt của một vài Cận vệ Đỏ quá nhiệt tình, “người thầy của chủ nghĩa Marx ở Nga” được đánh giá là “kẻ thù của nhân dân”. Bị xúc phạm, ông rời bỏ Tổ quốc và sau đó ít lâu, qua đời vì bệnh lao ở Phần Lan.

Cũng cần nói thêm là Plekhanov vốn là một người mác-xít chính thống. Không giống như Hjalmar Branting ở Thuỵ Điển, ông sớm bác bỏ chủ nghĩa xét lại của Bernstein. Là một người “cách mạng”, ông tin vào con đường cách mạng vô sản. Sự khác biệt giữa ông và Lenin là ở chỗ do sống lâu năm ở phương Tây, ông nhìn thấy rõ tình hình phát triển của phong trào xã hội chủ nghĩa và không có chút ảo tưởng nào về một cuộc cách mạng vô sản sắp nổ ra.


Cách mạng ở Đức và sự thất bại của những người cộng sản Đức

Đúng như lời tiên đoán của Plekhanov, sau khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, nước Nga rơi vào nội chiến. Mặc dù vậy, Lenin vẫn còn hy vọng vào việc cách mạng sẽ nổ ra ở Đức. Trong thực tế tình hình của nước Đức lại phù hợp với những nhận định của Plekhanov hơn là những nhận định của Lenin.

Cũng tương tự như cuộc Cách mạng Nga năm 1917, cuộc Cách mạng Đức năm 1918 diễn ra trong bối cảnh nước Đức đang phải gánh chịu những hậu quả tai hại của cuộc Chiến tranh Thế giới I. Mặc dù giành được chiến thắng đối với quân Nga trên mặt trận phía đông, quân Đức bị cầm chân trên mặt trận phía Tây, không thể chiếm đóng được nước Pháp như đã dự tính. Tháng 4 năm 1918, Tướng Erich Ludendorff [17] quyết định mở một cuộc tấn công lớn, với hy vọng cứu vãn tình hình cho đế chế Đức, mặc dù vẫn còn khoảng 1 triệu quân kẹt lại ở phía đông để buộc chính quyền cách mạng của Lenin thi hành hiệp ước Brest-Litovsk. Cuộc tấn công của Ludendorff đã chọc thủng được phòng tuyến phía Tây nhưng hậu quả của những năm chiến tranh tiêu hao đã khiến cho quân Đức không còn đủ dự trữ để phát huy triệt để thắng lợi đã đạt được. Với sự hỗ trợ của 1 triệu quân Hoa Kỳ còn đang sung sức, quân Đồng minh đã phản công một cách có hiệu quả. Ngày 8.8, quân Đức chịu một thất bại nghiêm trọng ở miền bắc nước Pháp. Hoàng đế William II (Guillaume II, tên tiếng Đức là Wilhelm II) nhượng bộ các lực lượng dân chủ bằng cách thành lập một chính phủ có xu hướng tự do hơn, đứng đầu là Hoàng thân Max von Baden, trong đó có hai thành viên là đảng viên SPD. Chính phủ mới bắt đầu các cuộc thương lượng để tìm hoà bình, nhưng trước khi các cuộc thương thuyết bắt đầu, cách mạng đã nổ ra bằng cuộc binh biến trong hải quân Đức, sau đó lan rộng ra toàn bộ quân đội và cả trong giai cấp công nhân.

Từ ngày 29.10 đến ngày 3.11.1918, 40 ngàn thuỷ thủ và lính hải quân ở cảng Kiel đã chiếm cảng để chống lại lệnh của bộ chỉ huy định đưa lực lượng hải quân ra giao chiến với Hải quân Hoàng gia Anh, vì họ cho rằng cuộc tấn công trong tình thế tuyệt vọng này là một “hành động tự sát”. Khoảng ngày 8.11, công nhân và binh sĩ đã thành lập các “hội đồng” (Räte) kiểm soát được phần lớn các thành phố ở Đức, tạo điều kiện để thành lập một nước Cộng hoà Hội đồng (Räterepublik, Council Republic) theo kiểu chính quyền xô-viết ở Nga vào năm 1917. Hoàng đế buộc phải thoái vị vào ngày 9.11.1918, chạy trốn sang Hà Lan, chấm dứt nền quân chủ của nước Đức mặc dù vào lúc này hậu thuẫn của hoàng gia vẫn còn rất mạnh, đặc biệt là trong các giai cấp thượng lưu và trung lưu. Lo sợ trước viễn cảnh của một cuộc cách mạng vô sản, Baden đã đề nghị Friedrich Ebert, lãnh đạo của phái đa số đảng SPD, đứng ra thành lập chính phủ.

Từ trước chiến tranh, đảng SPD đã trở thành một đảng mạnh, giành được thắng lợi ngày càng lớn trong các cuộc bầu cử. Năm 1912, đảng đã giành được 34,8% số phiếu bầu với 110 trên tổng số 397 ghế trong Quốc hội (Reichstag). Nhưng trong quá trình diễn biến của cuộc chiến tranh, đảng ngày càng bị chia rẽ. Do lập trường chống chiến tranh, một nhóm đối lập đã dần dần hình thành trong lòng đảng SPD; điều này được phản ánh qua sự kiện số đại biểu SPD biểu quyết chống ngân sách chiến tranh ngày càng tăng lên. Đầu năm 1916, nhóm của Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht quyết định phát hành một tờ báo bí mật lấy tên là Spartacus (theo tên của người nô lệ nổi loạn dưới thời đế quốc La Mã); từ đó nhóm này được gọi là nhóm Spartacus (Spartacists hay Spartacus Group). Tháng 4 năm 1917, nghĩa là sau khi Cuộc Cách mạng Tháng Hai nổ ra ở Nga, nhóm đối lập chống chiến tranh tách khỏi SPD để thành lập Đảng Dân chủ - Xã hội Độc lập (Unabhängige Sozialdemokratische Partei Deutschlands; Independent Social Democratic Party, viết tắt là USPD). Tham gia đảng này có cả những người theo xu hướng cải cách như Karl Kautsky, Eduard Bernstein lẫn những người theo xu hướng cách mạng như nhóm Spartacus. Nhóm Spartacus gia nhập vào đảng này nhưng vẫn giữ tư thế như một bộ phận độc lập trong lòng đảng mới.

Như vậy trong thực tế Đảng SPD bị chia làm ba phái: cánh hữu do Friedrich Ebert lãnh đạo, cánh trung dung của Kautsky và Bernstein và cánh tả của Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht. Do cánh hữu chiếm đa số nên phái này còn được gọi là Những người Dân chủ - Xã hội Đa số (Majority Socialists) hoặc Đảng SPD Đa số (MSPD), để phân biệt với Những người Xã hội chủ nghĩa Độc lập (Independent Socialists) hay Đảng SPD Độc lập (USPD).

Khi đảm nhận vai trò tổ chức chính quyền mới, Ebert phải đối diện với một tình trạng bấp bênh, những nguy hiểm đe doạ ngày càng tăng trên toàn lãnh thổ. Bốn năm rưỡi chiến tranh đã đem lại tâm lý bất mãn trong nhân dân, làm giảm uy tín của đế chế cũng như của hoàng tộc. Thiếu hụt lương thực và nhiên liệu đã khiến cho dân chúng dễ bị tổn thương bởi nạn dịch cúm đang hoành hành châu Âu. Ngày 8.11, Vua Louis III ở Bavaria [18] phải thoái vị và Đảng USPD tuyên bố thành lập nền cộng hoà “hội đồng” ở Munich. Các cảng biển dọc Biển Bắc và Biển Baltic rơi vào tay các Hội đồng của Thuỷ thủ, Binh sĩ và Công nhân - theo gương cuộc nổi dậy của hải quân ở Kiel.

Đối với các nhà sử học, nền cộng hoà được công bố vào buổi chiều ngày thứ bảy 9.11.1918, thật sự là một nền “cộng hoà ngẫu nhiên”. Bởi vì khi Friedrich Ebert chấp nhận quyền thủ tướng của đế chế từ tay Max von Baden, ông có dự định chuyển hoá chế độ quân chủ thành một một nền quân chủ lập hiến. Thế nhưng đúng vào lúc Ebert nhận chức Thủ tướng Đức tại toà nhà Quốc hội vào ngày 9.11. thì cách đó khoảng một dặm Anh, trong một cuộc mít-tinh tập hợp những người ủng hộ nhóm Spartacus phía trước Cung điện Hoàng gia, Karl Liebknecht lại tuyên bố thành lập một nước Cộng hoà Hội đồng (Räterepublik). Được trang bị trong đầu một kịch bản mang nặng tính ý thức hệ, Liebknecht nuôi tham vọng trở thành Lenin của nước Đức. Khi một đám đông cuồng nộ tập hợp trước toà nhà Quốc hội, Ebert lại vừa rời khỏi nơi đây, chỉ còn lại người phụ tá là Philipp Scheidemann. Để đề phòng phe đảng của Liebknecht chớp thời cơ, Scheidemann trong khi phát biểu trước đám đông đã sử dụng câu “Nước Cộng hoà Đức muôn năm!”. Khi nghe được tin này, Ebert nổi giận bởi vì điều này nằm ngoài dự tính của ông. Nhưng lời tuyên bố ấy không thể rút lại được, Ebert đành phải bỏ kế hoạch thành lập chế độ quân chủ lập hiến.

Ngày 10.11, một cuộc họp liên tịch của Hội đồng Công nhân và Binh sĩ thành phố Berlin đã quyết định công nhận một Hội đồng Uỷ viên Nhân dân (tức chính phủ lâm thời) bao gồm ba uỷ viên của SPD (trong đó có Ebert và Sheidemann) và ba uỷ viên của USPD. Đó là kết quả của sự thương lượng giữa Ebert và ban lãnh đạo của USPD. Về phía USPD, mặc dù lập trường của họ không cấp tiến như nhóm Spartacus, họ vẫn giữ quan điểm về một nước “Cộng hoà Hội đồng” (Räterepublik). USPD hy vọng rằng trong những tuần lễ tiếp theo, công nhân và binh lính sẽ bầu ra vô số các “hội đồng” trên khắp đất nước; các hội đồng này sẽ đảm nhiệm việc thành lập một nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa “chân chính”. Trong khi đó, Ebert vẫn hy vọng cuộc bầu cử quốc hội lập hiến trong tương lai sẽ dẫn đến việc thành lập một nước cộng hoà dân chủ ôn hoà.

Mặt khác, trong một cuộc điện đàm với với Wilhelm Groener, đại diện của quân đội Đức vào đêm 9.11, Ebert đã thoả thuận với Groener về những điều khoản để ngừng bắn. Groener đồng ý ký quyết định đình chiến để tạo điều kiện quân đội có thể trở về tham gia ổn định tình hình. Một lãnh đạo dân sự - Matthias Erzberger thuộc Đảng Trung Tâm (Centre Party), đã ký hiệp ước đình chiến, có hiệu lực kể từ ngày 11.11.1918.

Về phía nhóm Spartacus, các hoạt động để chuẩn bị cho hành động cách mạng ngày càng gia tăng. Khoảng 11.11, nhóm Spartacus công khai thành lập Liên đoàn Spartacus [19] và mở các cuộc thương lượng với USPD và Ban Đại diện Công nhân Cách mạng (Revolutionäre Obleute, The Revolutionary Shop Stewards) - một tổ chức công đoàn ly khai hình thành từ đầu năm 1918.

Lập trường của SPD và của nhóm Spartacus khác nhau về căn bản. Mục tiêu của Ebert, Scheidemann và các nhà lãnh đạo SPD khác là tái lập trật tự và luật pháp càng nhanh càng tốt. Họ tìm cách thiết lập một Quốc hội Lập hiến. Trong khi đó, nhóm Spartacus lại coi các “Hội đồng” của công nhân và binh sĩ mới là nền tảng đích thực của một nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa của công nhân. Họ tố cáo các lãnh tụ của SPD là “những đặc vụ giấu mặt của giai cấp tư sản” bởi vì những người này ủng hộ cho việc thành lập quốc hội. Rosa Luxemburg gọi quốc hội là một “sự chệch hướng hèn nhát” (cowardly detour) và là “một cái vỏ rỗng” (an empty shell). Các phần tử cực tả trong nhóm Spartacus còn gọi SPD là “những phần tử phản cách mạng”. Khẩu hiệu của nhóm Spartacus là “Huỷ bỏ quốc hội và chuyển giao toàn bộ quyền lực cho các hội đồng công nhân và binh sĩ!” Về phía các lãnh tụ của phái cải cách, họ tố cáo những người thuộc phái Spartacus là “những kẻ khủng bố”, “phản dân chủ”… [20]

Đại hội Toàn quốc của các Hội đồng Công nhân và Binh sĩ (họp từ ngày 16 đến 20.12.1918) đã ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập Quốc hội và quyết định tổ chức bầu cử vào ngày 19.1. Kế hoạch của Ebert đã có được hậu thuẫn vững chắc.

Trong những ngày cuối tháng 12, tình hình ngày càng căng thẳng. Phía USPD rút khỏi chính phủ lâm thời vì không đạt được mục tiêu thành lập nước Cộng hoà Hội đồng. SPD thay thế các ghế bỏ trống bằng các đảng viên của họ, trong số đó có Gustav Noske, người sau này đảm nhiệm chức Uỷ viên phụ trách Quốc phòng và đóng vai trò tích cực trong việc đàn áp cuộc nổi dậy của những người cộng sản. Trong khi đó, được sự cổ vũ của Đảng Bolshevik Nga, Liên đoàn Spartacus quyết định chuyển từ một tổ chức lỏng lẻo thành một đảng cộng sản tập trung chỉ huy. Trước hết nhóm Spartacus ra tối hậu thư cho USPD, yêu cầu đảng này tổ chức một đại hội bất thường để thảo luận về tình hình mới. Bị bác bỏ, nhóm Spartacus triệu tập hội nghị riêng vào 29.12 để thành lập Đảng Cộng sản Đức (KPD) [21] . Xu hướng cực tả tràn ngập đại hội. Mặc dù có sự khuyến cáo của Rosa Luxemburg, đại hội đã biểu quyết tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến với 62 phiếu thuận, 23 phiếu chống. Phát biểu tại đại hội, Otto Ruehle nói : “Chúng ta phải kích thích liên tục những chính sách sinh động của đường phố… nhiệm vụ của chúng ta là cố gắng phá vỡ (Quốc hội).” Mặt khác, tại Đại hội cũng vang lên những ý kiến chống đối các công đoàn chính thức. Nhiều đảng viên của đảng cộng sản mới thành lập đã không biết rằng quần chúng công nhân ngày càng đến với các công đoàn. Số đoàn viên công đoàn tăng lên nhanh chóng: trước cuộc Cách mạng tháng 11, chỉ có 1,5 triệu đoàn viên công đoàn, cuối tháng 12 năm 1918, số đoàn viên công đoàn tăng lên đến 2,2 triệu. [22]

Cuộc nổi dậy của phái Spartacus diễn ra trong bối cảnh đó. Lo ngại cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến (dự định tổ chức vào ngày 19.1) sẽ giúp Ebert ổn định được tình hình, Liebknecht quyết định nổi dậy vào ngày 6.1.1919. Nhóm Spartacus (nay trở thành Đảng cộng sản Đức) đã khởi động những cuộc biểu tình lớn ở Berlin, nhanh chóng nắm lấy các vị trí then chốt và các trung tâm liên lạc.

Nhưng những biến cố của “Tuần lễ Spartacus” đã chứng minh rằng nước Đức chưa đủ chín muồi cho một cuộc cách mạng vô sản như những người lãnh đạo phái tả hằng tin tưởng. Đúng như Luxemburg đã lo sợ, sự ủng hộ đối với chủ nghĩa cộng sản chưa thật sự hiện hữu trong lòng công nhân Đức; thay vào đó, phần lớn công nhân còn trung thành với phái Độc lập (USPD) hay với cái nhìn ôn hoà hơn và dân chủ hơn của phái Đa số (SPD). Hơn thế nữa, Quân đội Đức đã phục hồi được dũng khí của họ và quyết định ngăn ngừa một bước chuyển hơn nữa về phía tả. Vào tháng 12 năm 1918, quân đội đã bắt đầu huấn luyện một cách bí mật những đơn vị nhỏ được gọi là Đội quân Tự do (Freikorps, Free Corps). Đội quân tình nguyện này trong những năm kế tiếp đã đi lang thang khắp đất nước, tìm kiếm các phần tử cách mạng để đàn áp. Cuộc nổi dậy Spartacus bị hạn chế ở Berlin, bị dập tắt trong vòng một tuần lễ bởi khoảng 3.000 thành viên của Freikorps. Khi Liebknecht và Luxemburg bị bắt vào ngày 15 tháng 1, cả hai bị bắn không xét xử theo quyết định của các sĩ quan Freikorps. Mặc dù các hoạt động cách mạng rải rác còn tiếp tục ở các nơi khác trên nước Đức trong những tháng kế tiếp, sự thất bại ở Berlin đã đánh dấu sự sụp đổ của nó một cách rõ ràng. Nền cộng hoà “xô-viết” ở Bavaria được thành lập vào ngày 4.4.1919 cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi; các đơn vị Freikorps đã đánh đổ nó vào khoảng cuối tháng.

Cuộc bầu cử vào ngày 19.1.1919 - cuộc bầu cử đầu tiên ở Đức trong đó phụ nữ được hưởng quyền bầu cử - đã đem lại một chiến thắng vang dội cho quan niệm dân chủ của Ebert. Ba phần tư cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ cho các đảng chủ trương chuyển nước Đức sang một chế độ dân chủ. [23] Cuộc bầu cử này cũng xác nhận sự tín nhiệm của cử tri đối với phái đa số của đảng SPD: SPD đạt 37,9 % trong khi USPD đạt 7,4 % số phiếu. Sau những tháng rối loạn, nước Đức trở thành một nước cộng hoà dân chủ. Quốc hội lập hiến bắt đầu các cuộc bàn cãi vào ngày 6.2.1919, chọn chỗ họp là Weimar, một thành phố nhỏ được coi là ít bị ảnh hưởng của xu hướng chính trị cấp tiến hơn là Berlin. Ebert, lãnh tụ phái đa số của SPD, được bầu làm Tổng thống nước Cộng hoà.

Quốc hội Weimar đã dự thảo một bản Hiến pháp (chính thức ban hành ngày 11.8.1919), theo đó, nước Đức là một nước cộng hoà liên bang bao gồm 19 bang. [24] Hiến pháp Weimar quy định một Tổng thống do nhân dân bầu ra, người này được giao quyền lực đáng kể về chính sách ngoại giao và lực lượng vũ trang. Điều 48 đem lại cho Tổng thống quyền ban hành sắc lệnh trong trường hợp khẩn cấp nhằm bảo vệ nền cộng hoà trước các cuộc khủng hoảng gây ra bởi các kẻ thù từ phía tả cũng như phía hữu. Tổng thống có quyền bổ nhiệm thủ tướng, nhưng chính phủ do thủ tướng thành lập phải được sự tin cậy của Hạ viện (Reichstag), được bầu ra bởi đầu phiếu phổ thông thông qua một hệ thống đại diện căn cứ theo tỷ lệ. Trong trường hợp chính phủ không được quốc hội tín nhiệm, tổng thống có thể yêu cầu người khác thành lập chính phủ hoặc tiến hành bầu cử lại quốc hội. Quốc hội còn có một Thượng viện (Reichsrat) bao gồm các đại biểu được chỉ định bởi chính quyền các bang (Länder) trong liên bang, nhưng quyền lực trong thực tế tập trung ở Hạ viện, do đó khi nói đến Quốc hội, người ta thường nghĩ đến Hạ viện (Reichstag) [25] .

Như vậy là ở nước Đức, cuộc cách mạng “giai đoạn một” (theo cách gọi của Plekhanov) đã nổ ra, nhưng cuộc cách mạng “giai đoạn hai” (tức là cách mạng vô sản) đã thất bại. Dự đoán của Marx - và sau đó của Lenin- về một cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới đã không được chứng thực.

© 2007 talawas

[1]Tên gọi chính thức của Quốc tế I là Hiệp hội Công nhân Quốc tế (International Workingmen's Association, Association Internationale des Travailleurs).
[2]Đại hội thành lập Đảng được tiến hành tại thành phố Eisenach (miềnTrung nước Đức); do đó phái này cũng được gọi là phái Eisenach, đảng Eisenach.
[3]Đại hội thành lập được tiến hành vào tháng 7.1889. Do sự chia rẽ giữa phái mác-xít và phái khả năng (Possibilist, possibiliste), có hai đại hội được tiến hành gần như cùng một lúc tại Paris. Nhưng mâu thuẫn này nhanh chóng được giải quyết: cả hai phái đồng ý cùng họp chung Đại hội 2 tại Brussels (Bruxelles, thủ đô Bỉ) vào tháng 8 năm 1891.
[4]Còn được dịch là Cục Xã hội chủ nghĩa Quốc tế.
[5]Đảng Xã hội Pháp thành lập năm 1905 trên cơ sở hợp nhất hai đảng xã hội chủ nghĩa đã bị chia rẽ từ đầu thế kỷ XX. Từ 1905 đến 1969, tên gọi chính thức của đảng là “Phân bộ Pháp của Quốc tế Công nhân”(Section Française de l’Internationale Ouvrière, The French Section of the Workers' International”, viết tắt là SFIO); còn được gọi một cách không chính thức là Đảng Xã hội (Parti Socialiste, Socialist Party).
[6]Karl Liebknecht là con trai của Wilhelm Liebknecht – người đã cùng Agust Bebel sáng lập đảng SPD.
[7]Konstitutsionno-Demokraticheskaya Partiya (Constitutional Democratic Party). Đảng này còn có tên là Đảng Tự do của Nhân dân (Partiya Narodnoy Svobody, Party of People's Freedom ).
[8]Khẩu hiệu: “khozhdenie v narod “ (đến với nhân dân) là nguồn gốc của danh xưng “dân tuý” (narodnik).
[9]Rossiyskaya Sotsial-demokraticheskaya Rabochaya Partiya (Russian Social Democratic Worker’s Party, Parti Ouvrier Social-Democrate de Russie). Tên viết tắt tiếng Anh là RSDWP. Còn được dịch là Đảng Lao động Dân chủ - Xã hội Nga (Russian Social Democratic Labour Party, RSDLP) hay Đảng Dân chủ -Xã hội Nga (Russian Social Democratic Party).
[10]Tên cũ là Belorussia hay Byelorussia, còn gọi là Bạch Nga.
[11]Mười ba phiên họp diễn ra tại Brussels (thủ đô Bỉ), nhưng sau đó Đại hội phải chuyển sang London (thủ đô Anh) để tránh sự đàn áp của cảnh sát.
[12]Phái những người dân chủ - xã hội Nga gốc DoThái.
[13]Chữ (b) là viết tắt của chữ bolshevik.
[14]Gọi là “Cách mạng Tháng Hai” vì các biến cố diễn ra từ 23 đến 27 Tháng Hai năm 1917 tính theo lịch cũ (lịch Julius, Julian calendar) được áp dụng ở Nga vào lúc đó. Nếu tính theo lịch mới (lịch Gregorian) thì phải gọi là “Cách mạng Tháng Ba” vì các biến cố diễn ra từ ngày 8 đến 12 tháng Ba năm 1917. Ở Nga, mãi đến 31.1.1918 mới bắt đầu áp dụng lịch Gregory (Gregorian calendar) như các nước phương Tây.
[15]Diễn ra trong những ngày 24 và 25 tháng 10 năm 1917 (tính theo lịch cũ). Nếu tính theo lịch mới là ngày 6 và ngày 7 tháng 11 năm 1917.
[16]George Plekhanov, Open Letter to the Petrograd Workers (28th October, 1917) http://www.spartacus.schoolnet.co.uk/RUSplekhanov.htm
[17]Ludendorff là Tổng tham mưu trưởng của Quân đội Đức (Reichswehr). Thật ra người đứng đầu quân đội Đức lúc ấy là Tướng Paul von Hindenburg, nhưng theo nhận xét của các sử gia, chính Ludendorff mới là người thật sự chỉ huy các chiến dịch quân sự của Đức vào lúc đó.
[18]Bavière; tên tiếng Đức là Bayern.
[19]Liên đoàn Spartacus (Spartakusbund, Spartacist League, Ligue Spartakiste) chính là tiền thân của Đảng cộng sản Đức.
[20]Rob Sewell, Germany : from Revolution to Counter-Revolution, 1988, In The Throes of Revolution
http://www.marxist.com/germany-counter-revolution-fascism-throes.htm
[21]Kommunistische Partei Deutschlands, Communist Party of Germany, viết tắt là KPD.
[22]Rob Sewell, sđd.
[23]Liên minh Weimar bao gồm ba đảng: SPD, Đảng Trung Tâm (Centre Party), Đảng Dân chủ Đức (German Democratic Party, DDP) đạt 76,2 % số phiếu.
[24]Trong tiếng Đức: Land, số nhiều: Länder.
[25]Do tình hình còn phức tạp, việc bầu cử Tổng thống được dời lại 3 năm và việc bầu cử Quốc hội được hoãn lại đến tháng 6 năm 1920.

0 comments

Post a Comment