Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Friday, August 30, 2013

Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, của nhà nước (phần 3)



Vì Nhà nước xuất hiện do nhu cầu kiềm chế những đối lập giai cấp, đồng thời cũng xuất hiện từ chính những xung đột giai cấp, nên đó thường là Nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, giai cấp thống trị về kinh tế; nhờ có Nhà nước, giai cấp đó cũng thống trị về chính trị, do đó lại có các phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị trị. Trên hết, Nhà nước cổ đại là của chủ nô, dùng để đàn áp nô lệ; Nhà nước phong kiến là cơ quan của quí tộc, dùng để đàn áp nông nô và nông dân bị lệ thuộc; còn Nhà nước đại nghị hiện đại là công cụ của tư bản để bóc lột lao động làm thuê. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, khi mà các giai cấp đang đấu tranh với nhau đạt tới một thế cân bằng nhất định; khiến cho Nhà nước tạm thời được độc lập ở một mức độ nào đó đối với cả hai bên, tựa như một kẻ trung gian. Đó là chế độ quân chủ chuyên chế ở thế kỉ XVII và XVIII, đã giữ thế thăng bằng giữa bọn quí tộc và giai cấp tư sản; là chế độ Bonaparte của Đế chế thứ nhất, và đặc biệt là Đế chế thứ hai ở Pháp, nó đã đẩy giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, rồi lại đẩy giai cấp tư sản chống lại giai cấp vô sản. Thành tựu mới nhất về mặt này, trong đó kẻ thống trị cũng như người bị trị đều đáng buồn cười cả, đó là tân Đế chế Đức của các quốc gia của Bismarck; nó đã tạo thế cân bằng giữa các nhà tư bản và công nhân đang đối lập với nhau, và lừa đảo cả hai giai cấp trên, để bọn Junker nước Phổ - vốn đang bị sa sút - được hưởng lợi.
Hơn nữa, trong đa số các Nhà nước từng tồn tại trong lịch sử, thì quyền lợi mà nó ban cho các công dân đều được đo bằng tài sản của họ; qua đó nó trực tiếp thú nhận rằng Nhà nước là một tổ chức dùng để bảo vệ giai cấp hữu sản, và chống lại giai cấp không có của. Đó là việc phân chia tầng lớp theo tài sản, như ở Athens và La Mã. Với Nhà nước phong kiến Trung cổ cũng vậy, thế lực chính trị được quyết định bởi qui mô chiếm hữu ruộng đất. Việc xác định tư cách cử tri, như ở các Nhà nước đại nghị hiện đại, cũng là hình thức tương tự. Nhưng, sự thừa nhận về mặt chính trị đối với sự chênh lệch về tài sản hoàn toàn không phải là cái căn bản. Ngược lại, nó chứng tỏ một trình độ phát triển thấp của Nhà nước. Hình thức cao nhất của Nhà nước, là chế độ cộng hòa dân chủ, đang ngày càng trở thành một tất yếu không thể tránh khỏi trong điều kiện của xã hội chúng ta ngày nay, và là hình thức Nhà nước duy nhất, mà trong đó, cuộc đấu tranh quyết định giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản có thể diễn ra tới cùng; chế độ ấy không chính thức thừa nhận sự chênh lệch về của cải nữa. Lúc này, của cải phát huy quyền lực của nó một cách gián tiếp, nhưng lại chắc chắn hơn. Có hai cách: trực tiếp mua chuộc các viên chức, mà Mĩ là ví dụ điển hình; và liên minh giữa chính phủ với Sở giao dịch chứng khoán: việc này lại càng dễ thực hiện, khi mà các món nợ của Nhà nước ngày càng tăng; còn các công ti cổ phần, coi trung tâm hoạt động của mình là Sở giao dịch chứng khoán, thì ngày càng tập trung vào tay mình, không chỉ ngành vận tải mà ngay cả ngành sản xuất nữa. Ngoài nước Mĩ, thì nền cộng hòa mới đây của Pháp cũng là ví dụ nổi bật, và cả nước Thụy Sĩ thuần phong mĩ tục cũng không chịu kém cạnh. Nhưng không nhất thiết phải có chế độ cộng hòa dân chủ, thì mới có cái liên minh hữu hảo giữa chính phủ và Sở giao dịch chứng khoán; điều này đã được chứng minh, không chỉ ở nước Anh, mà cả ở tân Đế chế Đức: ở đó, khó có thể nói là kẻ nào đã được phổ thông đầu phiếu đề lên cao hơn; Bismarck hay Bleichröder. Sau cùng thì giai cấp hữu sản trực tiếp thống trị bằng phổ thông đầu phiếu. Chừng nào giai cấp bị trị, ở đây là giai cấp vô sản, chưa đủ trưởng thành để tự giải phóng mình; thì chừng đó, đa số họ sẽ vẫn coi chế độ xã hội hiện tồn là chế độ duy nhất có thể có, và họ sẽ theo đuôi giai cấp các nhà tư bản về mặt chính trị, trở thành cánh cực tả của giai cấp đó. Nhưng đến khi giai cấp vô sản đủ chín chắn để tự giải phóng mình, thì lúc ấy, nó tự tổ chức ra đảng của riêng mình; nó bầu ra những người đại diện cho mình, chứ không phải những người đại diện cho các nhà tư bản. Vậy, phổ thông đầu phiếu là cái thước đo mức độ trưởng thành của giai cấp công nhân. Nó không thể, và không bao giờ có thể, đem lại nhiều hơn thế, với Nhà nước ngày nay; nhưng như vậy cũng đủ. Ngày mà cái nhiệt kế phổ thông đầu phiếu chỉ điểm sôi trong những người công nhân; thì họ, cũng như các nhà tư bản, sẽ biết rằng mình phải làm gì.

Vậy, không phải lúc nào cũng có Nhà nước. Đã từng có những xã hội không cần tới Nhà nước, không có khái niệm gì về Nhà nước hay quyền lực Nhà nước cả. Tới một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định, và phải gắn liền với việc phân chia xã hội thành giai cấp; thì sự phân chia đó làm cho Nhà nước trở thành một tất yếu. Giờ đây, ta đang tiến nhanh tới một giai đoạn phát triển sản xuất; trong đó, sự tồn tại của các giai cấp không những không còn là một tất yếu, mà còn biến thành một trở ngại rõ ràng cho sản xuất. Các giai cấp đó tất yếu sẽ mất đi, cũng như xưa kia, chúng đã tất yếu phải xuất hiện. Giai cấp biến mất, thì Nhà nước nhất định sẽ biến mất theo. Xã hội sẽ tổ chức lại nền sản xuất, trên cơ sở liên hợp tự do và bình đẳng giữa những người sản xuất; và sẽ xếp toàn thể bộ máy Nhà nước vào cái vị trí đích thực của nó khi ấy: đó là ở bảo tàng đồ cổ, bên cạnh chiếc guồng kéo sợi và cái rìu đồng.

Vậy, theo các phân tích nêu trên, thời văn minh là một giai đoạn phát triển của xã hội. Ở đó, sự phân công lao động, rồi đến sự trao đổi giữa các cá nhân, vốn là do phân công lao động mà ra, và nền sản xuất hàng hóa, là sự kết hợp hai quá trình nói trên, đều đạt tới sự phát triển toàn thịnh, và gây ra một cuộc cách mạng trong toàn bộ xã hội trước đây.

Ở mọi giai đoạn phát triển trước đó của xã hội, nền sản xuất về căn bản là có tính tập thể; tiêu dùng cũng thế, nó trở thành việc phân phối trực tiếp sản phẩm, được tiến hành bên trong các công xã cộng sản chủ nghĩa lớn nhỏ. Nền sản xuất tập thể ấy rất nhỏ hẹp, nhưng chính trong nền sản xuất đó, người sản xuất lại làm chủ được quá trình sản xuất và sản phẩm của mình. Họ biết được sản phẩm đó sẽ thế nào: họ tiêu dùng chúng, chúng không rời khỏi tay họ. Và chừng nào việc sản xuất còn dựa trên cơ sở đó, thì nó không thể vượt quá tầm kiểm soát của người sản xuất, và đẻ ra những lực lượng thần bí và xa lạ với họ; điều vẫn luôn xảy ra và tất yếu phải xảy ra trong thời văn minh.

Nhưng sự phân công lao động đã từ từ thâm nhập vào quá trình sản xuất đó. Nó phá hủy tính tập thể của sản xuất và chiếm hữu, đưa việc chiếm hữu tư nhân lên thành một qui tắc phổ biến, do đó mà làm xuất hiện sự trao đổi giữa các cá nhân; việc đó diễn ra như thế nào, trên đây ta đã nghiên cứu rồi. Dần dần, nền sản xuất hàng hóa đã trở thành hình thức thống trị.

Với nền sản xuất hàng hóa, tức là sản xuất không phải để tự mình tiêu dùng, mà là để trao đổi; thì sản phẩm ắt phải chuyển từ tay người này tới tay kẻ kia. Với việc trao đổi, người sản xuất đã bỏ mặc sản phẩm của mình cho kẻ khác, và không biết sau này nó sẽ ra sao. Từ khi tiền, cùng với đó là thương nhân, xuất hiện với tư cách kẻ trung gian giữa những người sản xuất, thì quá trình trao đổi càng trở nên phức tạp, và càng không biết chắc được số phận cuối cùng của sản phẩm. Tầng lớp thương nhân thì rất đông, không ai trong số họ biết được những kẻ khác đang làm gì. Hàng hóa không chỉ từ tay người này sang tay người khác, mà còn từ thị trường này sang thị trường khác; người sản xuất đã mất quyền kiểm soát toàn bộ nền sản xuất, và thương nhân cũng không có được quyền kiểm soát ấy. Sản phẩm và sản xuất đều phó mặc cho ngẫu nhiên định đoạt.

Nhưng ngẫu nhiên chỉ là một cực của mối liên hệ, mà cực kia có tên là “tất yếu”. Trong giới tự nhiên, nơi mà dường như tính ngẫu nhiên cũng thống trị; thì từ lâu rồi, ta đã chứng minh tính tất yếu và tính qui luật nội tại, chúng đều tự thể hiện ra, ngay trong khuôn khổ của tính ngẫu nhiên. Nhưng cái gì đúng với giới tự nhiên thì cũng đúng với xã hội. Một hoạt động xã hội, hay một loạt quá trình xã hội, mà càng vượt quá sự kiểm soát tự giác của con người, và càng ra khỏi phạm vi chi phối của họ; thì nó dường như càng bị phó mặc cho tính ngẫu nhiên thuần túy, và chính trong cái ngẫu nhiên đó, những qui luật nội tại cố hữu của chúng lại càng tự thể hiện mình, với một sự tất yếu tự nhiên. Những qui luật như thế cũng ngự trị, trong cái ngẫu nhiên của nền sản xuất và trao đổi hàng hóa. Với những người sản xuất và trao đổi riêng rẽ, chúng như các lực lượng xa lạ, mà lúc đầu người ta thường không nhận thấy; bản chất của các lực lượng ấy phải được nghiên cứu và nhận thức một cách kĩ lưỡng. Những qui luật kinh tế này của nền sản xuất hàng hóa còn biến đổi tùy theo các giai đoạn phát triển của hình thức sản xuất, nhưng nói chung, toàn bộ thời văn minh đều nằm dưới sự thống trị của chúng. Cho tới ngày nay, sản phẩm vẫn thống trị người sản xuất; và cho tới ngày nay, toàn bộ nền sản xuất xã hội vẫn được điều tiết, không phải bởi một kế hoạch do xã hội đề ra, mà là bởi các qui luật mù quáng; chúng vẫn tự thể hiện mình, với một sự dữ dội mang tính tự nhiên, mà mức độ cao nhất là trong những cơn bão táp của các cuộc khủng hoảng thương mại định kì.

Trên đây, ta đã thấy rằng: ở một giai đoạn phát triển khá sớm của sản xuất, sức lao động của con người đã có thể tạo ra một lượng sản phẩm lớn hơn mức cần thiết cho sinh hoạt như thế nào; và giai đoạn phát triển đó, về căn bản, cũng trùng với sự ra đời của sự phân công lao động, và sự trao đổi giữa các cá nhân như thế nào. Chẳng bao lâu sau, một “chân lí” vĩ đại đã được phát hiện ra: con người cũng có thể trở thành hàng hóa, sức người3 cũng có thể đem trao đổi và sử dụng được, nhờ việc biến con người thành nô lệ. Loài người vừa bắt đầu tiến hành sự trao đổi, thì chính họ lại cũng trở thành những thứ được đem ra trao đổi. Thể chủ động biến thành thể bị động, dù người ta muốn hay không.

Cùng với chế độ nô lệ, vốn đã đạt tới mức phát triển cao nhất trong thời văn minh, thì sự phân chia lớn đầu tiên của xã hội, thành giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, cũng đã diễn ra. Sự phân chia đó tiếp tục tồn tại trong suốt thời văn minh. Chế độ nô lệ là hình thức bóc lột đầu tiên, đặc trưng cho thế giới cổ đại; kế tiếp nó là chế độ nông nô thời Trung cổ, và chế độ làm thuê thời nay. Đó là ba hình thức nô dịch lớn, đặc trưng cho ba giai đoạn lớn của văn minh; chế độ nô lệ công khai, và nay là chế độ nô lệ ngụy trang, luôn đi kèm với thời văn minh.

Về mặt kinh tế, giai đoạn sản xuất hàng hóa - mà thời đại văn minh bắt đầu cùng với nó - được đánh dấu bằng sự ra đời của: 1) tiền kim khí, cùng với nó là tư bản dưới dạng tiền, lợi tức, và tệ cho vay nặng lãi; 2) thương nhân, với tư cách là giai cấp những kẻ trung gian, đứng giữa những người sản xuất; 3) chế độ tư hữu ruộng đất, và chế độ cầm cố; 4) lao động của nô lệ, với tư cách là hình thức sản xuất thống trị. Hình thức gia đình phù hợp với thời văn minh, và chiếm ưu thế rõ rệt trong thời này, là chế độ hôn nhân cá thể, là sự thống trị của đàn ông đối với đàn bà, là gia đình cá thể, với tư cách là đơn vị kinh tế của xã hội. Lực lượng chủ yếu gắn kết xã hội văn minh là Nhà nước: trong tất cả những thời kì điển hình, đó vẫn là Nhà nước của giai cấp thống trị, không có ngoại lệ nào cả; và ở mọi trường hợp, về cơ bản, nó vẫn là một bộ máy được dùng để đàn áp giai cấp bị trị, bị bóc lột. Thời đại văn minh còn có những đặc trưng khác: việc củng cố sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, coi đó là cơ sở của toàn bộ sự phân công lao động xã hội; là sự xuất hiện chế độ di chúc, nhờ đó mà kẻ có của có thể chi phối tài sản của mình kể cả khi y đã chết. Thể chế này đối đầu trực tiếp với chế độ thị tộc cổ: ở Athens, mãi tới thời Solon, người ta vẫn chưa biết đến nó; ở La Mã, nó có từ khá sớm, nhưng ta không biết thời điểm cụ thể4 ; ở người Germania, thầy tu là những kẻ đã du nhập thể chế ấy, nhờ đó mà những người Đức ngoan đạo đã có thể để lại tài sản của mình cho Giáo hội.

Với các cơ sở đó, thời văn minh đã đạt được những điều mà xã hội thị tộc không thể có được. Nhưng nó đã thu được các thành quả ấy nhờ việc kích thích những bản năng và dục vọng thấp kém nhất của con người, và phát triển chúng; làm tổn hại tới mọi năng lực khác của con người. Động lực của thời văn minh, từ ngày đầu cho tới ngày nay, là lòng tham đê tiện; giàu có, giàu có nữa, giàu có hơn, nhưng không phải sự giàu có của xã hội, mà là của cái cá nhân riêng lẻ nhỏ nhen kia, đó là mục đích duy nhất và cuối cùng của thời văn minh. Nếu như cũng trong thời đại ấy, khoa học đã ngày càng phát triển, và những thời kì rực rỡ huy hoàng của nghệ thuật đã nhiều lần lặp lại; thì đó chỉ là vì, nếu không có chúng, thì sẽ không có được tất cả những thành tựu của thời đại ngày nay, trong việc tích lũy của cải.

Vì cơ sở của thời đại văn minh là sự bóc lột của một giai cấp này đối với một giai cấp khác, nên toàn bộ sự phát triển của nó diễn ra trong một mối mâu thuẫn thường trực. Mỗi bước tiến trong sản xuất đồng thời đánh dấu một bước lùi trong tình cảnh của giai cấp bị áp bức, nghĩa là của đại đa số. Lợi ích của người này nhất định phải là tổn hại đối với người kia, mỗi cuộc giải phóng mới của một giai cấp này lại là một ách áp bức mới đối với một giai cấp khác. Bằng chứng nổi bật nhất về điều đó chính là việc sử dụng máy móc, với những hậu quả mà giờ đây ai cũng biết. Và như ta đã thấy, nếu như người dã man rất khó phân biệt quyền lợi với nghĩa vụ; thì thời văn minh lại cho người ta thấy rõ, với cả những ai ngu ngốc nhất, sự khác biệt và đối lập giữa quyền lợi và nghĩa vụ; khi nó đem lại hầu hết các quyền lợi cho một giai cấp, và đổ hầu hết các nghĩa vụ cho một giai cấp khác.

Nhưng không thể để như thế được: cái gì là tốt cho giai cấp thống trị, thì cũng phải là tốt cho toàn thể xã hội; và giai cấp thống trị phải đồng nhất chính mình với toàn thể xã hội. Vì thế, khi văn minh càng tiến lên, thì nó lại càng buộc phải phủ lớp áo bác ái lên trên các tệ nạn mà nó nhất định phải đẻ ra, phải tẩy trắng và phủ nhận chúng; tóm lại, nó buộc phải thực hành một kiểu đạo đức giả thường ngày, mà các hình thái xã hội trước đây, và ngay cả các giai đoạn đầu của thời văn minh, đều chưa từng biết tới. Lối đạo đức giả đó lên tới đỉnh điểm với cái tuyên bố này: giai cấp bóc lột tiến hành bóc lột đối với giai cấp bị bóc lột, cũng chỉ vì lợi ích của chính giai cấp bị bóc lột; và nếu giai cấp bị bóc lột không hiểu điều đó, và còn đứng lên chống lại, thì đó là điều vong ân bội nghĩa hèn hạ nhất đối với những ân nhân của họ, tức là những kẻ bóc lột họ5 .

Và giờ, để kết luận, sẽ là nhận định của Morgan về thời văn minh:

“Từ khi thời văn minh đến, sự tăng thêm của cải đã diễn ra rất mạnh mẽ, các hình thức của chúng thì quá là đa dạng, việc sử dụng chúng thì hết sức rộng rãi, và việc quản lí chúng, vì lợi ích của những kẻ hữu sản, thì cực kì khéo léo; nên đối với nhân dân, chúng đã trở thành một lực lượng không thể khống chế nổi. Trí tuệ của con người đang đứng hoang mang, bỡ ngỡ; trước những cái do chính mình tạo ra. Nhưng, cũng sẽ có một ngày, mà lí trí của con người đủ mạnh để chi phối của cải, và chi phối quan hệ của Nhà nước với cái tài sản mà nó đang bảo hộ; cũng như qui định những giới hạn về quyền lợi, và cả những nghĩa vụ của người hữu sản. Lợi ích của xã hội là tối cao so với lợi ích của cá nhân, và phải tạo ra những mối quan hệ công bằng và hòa hợp giữa chúng. Nếu như sự tiến bộ vẫn là qui luật của tương lai, cũng như nó từng là qui luật của quá khứ; thì việc đơn thuần tìm kiếm của cải sẽ không phải là mục đích cuối cùng của loài người. Quãng thời gian đã qua, kể từ khi thời văn minh bắt đầu, chỉ là một mẩu nhỏ trong khoảng thời gian tồn tại đã qua, và cũng chỉ là một mẩu nhỏ trong khoảng thời gian tồn tại sắp tới của nhân loại. Sự tan biến của cái hình thái hoạt động lịch sử, với mục đích cuối cùng duy nhất là làm giàu ấy, đang đe dọa tiêu diệt cả xã hội; vì bản thân hoạt động đó đã chứa đựng những yếu tố khiến nó phải tự hủy diệt mình. Dân chủ trong việc quản lí, hữu ái trong xã hội, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phổ biến giáo dục; chúng báo hiệu cái giai đoạn cao hơn sắp tới của xã hội, mà kinh nghiệm, lí trí và khoa học đang không ngừng vươn tới. Đó sẽ là sự phục sinh dưới hình thức cao hơn, của tự do - bình đẳng - bác ái có ở các thị tộc cổ đại” (“Xã hội Cổ đại”, tr. 552)

Chú thích của Engels

1 Đặc biệt ở vùng bờ biển Tây Bắc châu Mĩ (xem Bancroft ). Ở người Haida sống trên quần đảo Hoàng hậu Charlotte, có những hộ gồm 700 người sống vào cùng một nhà. Ở người Nootka, nhiều bộ lạc sống hết thảy vào một nhà.

2 Số nô lệ ở Athens, xin xem ở cuối phần “Sự hình thành Nhà nước Athens”. Ở Corinth vào thời kì cực thịnh, có tất cả 460.000 nô lệ; ở Aegina có 470.000 nô lệ. Với cả hai trường hợp, số nô lệ đều gấp 10 lần số công dân tự do.

3 Sử gia đầu tiên đã có một quan niệm - ít ra là gần đúng - về thị tộc chính là Niebuhr, ấy là vì ông có biết tới các thị tộc ở Dithmarschen; nhưng các sai lầm của ông cũng trực tiếp từ đó mà ra.

4 Quyển “Hệ thống những quyền đã có được” của Lassalle, ở phần hai, chủ yếu xoay quanh luận điểm rằng chế độ di chúc ở La Mã cũng cổ xưa như bản thân La Mã, rằng trong lịch sử La Mã, không bao giờ có “một thời kì nào mà lại không có chế độ di chúc”; rằng đúng ra thì chế độ di chúc đã có từ thời trước La Mã, bắt nguồn từ sự thờ cúng người chết. Lassalle, với tư cách một người trung thành với phái Hegel cũ, cho là các qui chuẩn pháp lí của La Mã không bắt nguồn từ các điều kiện xã hội của người La Mã, mà là từ “khái niệm tư biện” của ý chí; điều đó dẫn tới cái nhận định hoàn toàn phi lịch sử nói trên. Điều này không có gì lạ, khi mà trong cuốn sách đó, do cũng dựa trên khái niệm tư biện ấy, tác giả đã đi tới kết luận rằng: trong chế độ thừa kế của người La Mã, việc chuyển giao tài sản hoàn toàn là thứ yếu mà thôi. Lassalle không những tin vào những ảo tưởng của các nhà luật học La Mã, nhất là những người thuộc thời kì đầu; mà ông ta còn vượt qua họ nữa.

5 Lúc đầu, tôi định đặt sự phê phán xuất sắc về thời văn minh - nằm rải rác trong các tác phẩm - của Charles Fourier bên cạnh sự phê phán của Morgan và của chính tôi. Không may, tôi không có thời gian. Tôi sẽ chỉ nhận định rằng: Fourier đã coi hôn nhân cá thể và tư hữu ruộng đất là những đặc trưng chính của thời văn minh, và ông gọi thời văn minh là cuộc chiến của người giàu chống lại người nghèo. Ta cũng thấy trong tác phẩm của ông có một nhận xét sâu sắc rằng: trong tất cả các xã hội không hoàn thiện, và bị xâu xé bởi các mâu thuẫn; thì gia đình riêng rẽ (les familles incohérentes) đều là các đơn vị kinh tế.

Chú thích của người dịch

1. Ở bản in năm 1884, đoạn "sở hữu riêng rẽ" được ghi là "sở hữu tư nhân".

2. Tiếng Pháp theo đúng nguyên bản, nghĩa là “Chính anh đã muốn thế, George Dandin!” (Molière, “George Dandin”; hồi I, cảnh 9).

3. Ở bản in năm 1884, đoạn "sức người" được ghi là "sức lao động của con người".

Ebook được sưu tầm bởi ThoLaw và được chia sẻ trên Blog Tholaw.wordpress. Ebook được sưu tầm, do vậy không tránh khỏi những thiếu sót so với nguyên bản, hy vọng nó có thể giúp ích được các bạn phần nào trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về Nhà nước và Pháp Luật. Việc tìm kiếm và chia sẻ ebook không vì mục đích thương mại hay bất kỳ hình thức sinh lời nào khác. Trân Trọng!

0 comments

Post a Comment