Chương I
Mục đích của chúng ta là xét xem, đối với những người có khả năng thể hiện đời sống lý tưởng của họ, đâu là dạng thức tốt nhất cho một cộng đồng chính trị. Vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu những cơ cấu chính trị đang hiện hữu thực sự trong các nước có bộ máy cai trị tốt, cùng với những cơ cấu lý tưởng do các nhà tư tưởng nổi tiếng tạo nên trên lý thuyết, hầu tìm ra đâu là cơ cấu chính trị tốt và hữu dụng cho con người. Xin đừng cho rằng trên con đường tìm kiếm những mô hình lý tưởng đó chúng ta đang muốn tỏ ra mình là những người thông thái. Chúng ta tiến hành cuộc tìm kiếm này chỉ vì những cơ cấu chính trị mà chúng ta biết đều có nhiều khuyết điểm.
Ta sẽ bắt đầu từ khởi điểm tự nhiên của đề tài. Có ba chọn lựa có thể xảy ra: công dân của một nước hoặc là có chung mọi thứ, hoặc là không có chung thứ gì hết, hoặc là chỉ có chung một số điều nào đó thôi. Sự kiện công dân không có chung điều gì hết hiển nhiên là điều không thể xảy ra, vì cơ cấu chính trị là một cộng đồng, và cộng đồng thì, tối thiểu, phải có một chỗ chung-một thành phố ở một nơi chốn nào đó và mọi người cùng cư ngụ trong đó. Nhưng liệu một nước được cai trị khéo léo sẽ có chung nhau mọi điều hay chỉ có chung nhau một số điều nào đó? Bởi vì, như Socrates đã đưa ra mô hình nhà nước được Plato thuật lại trong cuốn Cộng Hòa Luận, theo mô hình này thì mọi công dân đều có chung của cải vật chất, và chung cả vợ và con nữa.[1] Như thế thì tình trạng hiện tại của chúng ta và mô hình mới được đề nghị, cái nào tốt hơn?
[1] Đây chính là mô hình xã hội cộng sản nguyên thủy.
Chương II
Có rất nhiều khó khăn trong một cộng đồng mà mọi người đều có chung vợ con. Và các lập luận Socrates dùng không chứng minh được nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho sự thành lập một cộng đồng như vậy. Hơn thế nữa, ngay cả khi cộng đồng được xem là phương tiện để đạt tới cứu cánh là thiết lập một nhà nước, thì mô hình này cũng không thực tế, và ta không thấy ông lý giải trong bất kỳ tài liệu nào. Ở đây tôi muốn nhắc tới tiền đề trong lý luận Socrates đưa ra: "một quốc gia càng đồng nhất chừng nào thì càng tốt chừng đó." Nhưng càng đồng nhất chừng nào thì lại không còn là quốc gia nữa. Sở dĩ như vậy vì bản chất của một quốc gia là đa nguyên, kết hợp bởi nhiều phần tử khác nhau. Để tiến tới đồng nhất thì quốc gia phải trở thành một gia đình, và từ gia đình muốn đồng nhất hơn nữa, thì phải rút lại còn cá nhân. Cho nên, dù ta có thể làm được, ta cũng không nên đạt đến sự đồng nhất như vậy, vì làm như thế tức là phá hoại quốc gia. Cũng nên nhắc lại một quốc gia không phải chỉ là sự tập họp của nhiều người, mà là sự tập hợp của nhiều người khác nhau [in nghiêng do người dịch để nhấn mạnh], vì sự đồng dạng không tạo thành quốc gia. Một quốc gia không phải là một liên minh quân sự. Liên minh quân sự hữu dụng là nhờ ở số đông ngay cả khi không có sự khác nhau về chất lượng (vì mục đích chính là bảo vệ hỗ tương), cũng như quả cân nặng thì sẽ khiến đòn cân nghiêng nhiều hơn quả cân nhẹ, tương tự như vậy; một quốc gia khác với một bộ lạc [một bộ lạc giống như một liên minh quân sự có thể mạnh hơn vì đông người hơn, với điều kiện là không để cho dân chúng sống tản mác trong các làng mạc, nhưng quy tụ lại theo lối sống của Arcadia];[1] vì các phần tử tạo thành quốc gia là những phần tử khác nhau, như tôi đã bàn trong cuốn Đạo Đức Học, sự thịnh vượng của một quốc gia nhờ ở sự đóng góp của mỗi phần tử cho quốc gia tương đương với những gì mà mỗi phần tử nhận được từ quốc gia.
Nguyên tắc này phải được tôn trọng ngay cả đối với những người tự do và bình đẳng, vì họ không thể cai trị cùng một lúc, mà phải thay nhau mỗi người một năm, hoặc theo một cách sắp xếp nào đó. Kết quả là tất cả đều cai trị; cũng giống như khi người thợ đóng giày và người thợ mộc thay đổi nghề nghiệp với nhau, và người thợ đóng giày hay người thợ mộc không phải luôn luôn theo đuổi nghề nghiệp của mình. Kết quả của nguyên tắc này là mọi người đều cai trị, giống như người thợ đóng giày và thợ mộc đổi nghề cho nhau, và không phải lúc nào cũng cùng con người đó tiếp tục làm thợ mộc hay thợ đóng giày. Và vì như thế tốt hơn cho mọi người nên trong chính trị cũng vậy, nếu có thể được thì những người giữ chức vụ nên tiếp tục giữ nhiệm vụ này. Nhưng nếu điều này không thể thực hiện được vì mọi công dân theo nguyên tắc đều bình đẳng, và nên cùng cai trị một lúc, thì một số nào đó sau thời gian giữ chức vụ nên từ nhiệm để cho số khác lên thay.[2] Và như thế sẽ có một số người cai trị và một số bị cai trị. Tương tự như vậy, ngay cả khi cùng một số người cai trị, họ cũng phải giữ những nhiệm vụ khác nhau. Và như thế đã đủ để chứng minh là một quốc gia, từ bản chất, không thể nào đồng nhất được như một số học giả đề nghị.
Biến tất cả mọi người thành đồng nhất thay vì đem lại phúc lợi cao nhất cho quốc gia lại hóa thành tiêu diệt quốc gia. Còn có một quan điểm khác nữa mà ta cũng có thể dùng để chứng minh rằng cái chính sách quá khích biến mọi người trở nên đồng nhất như nhau không phải là một chính sách hay. Bởi vì gia đình đạt được mức độ tự túc cao hơn cá nhân, và quốc gia đạt được mức độ này cao hơn gia đình; nhưng quốc gia chỉ có thể hiện hữu nếu cộng đồng đủ rộng lớn và đa dạng để đạt tới trình độ tự túc. Do đó, nếu ta theo giả thuyết cho rằng mức độ tự túc càng cao chừng nào càng tốt chừng nấy cho sự tồn tại của một quốc gia, thì quốc gia càng đa nguyên chừng nào càng tốt chừng nấy.
[1] Arcadia là một vùng núi non hẻo lánh thuộc bán đảo Peleponesia ở Hy Lạp. Dân cư ở đây từ thời xa xưa sống bằng nghề chăn nuôi, nhàn hạ. Hiện nay Arcadia là một quận của Hy Lạp.
[2] Nguyên văn của đoạn này hơi khó hiểu, và bản dịch sang tiếng Anh dựa trên sự nhuận sắc của các học giả (ghi chú của Barker).
Chương III
Nhưng, giả sử rằng việc đạt được mức độ thuần nhất cao nhất sẽ đem lại
cái tốt nhất cho quốc gia, thì sự thuần nhất này cũng không chứng minh
được là phát xuất từ công thức "Tất cả mọi người đều có thể, cùng một
lúc, gọi cái này hay người này là ‘của tôi,' hay ‘không phải của tôi;'"
một công thức mà Socrates cho là thể hiện sự thuần nhất tuyệt hảo trong
một quốc gia. Vì từ ngữ "tất cả" là một từ mơ hồ. Nếu nó có nghĩa là mỗi
cá nhân nói rằng ‘của tôi và ‘không phải của tôi cùng một một lúc, thì
có lẽ kết quả mà Socrates mong muốn có thể đạt được ở một mức độ nào đó;
thí dụ mỗi người gọi cùng một đứa trẻ là ‘con của tôi' và cùng một
người phụ nữ là ‘vợ của tôi,' và ‘tài sản của tôi' hay tất cả những gì
thuộc về người đó. Điều này, tuy nhiên, lại không phải là cách người ta
gọi vợ chung, con chung hay tài sản chung; họ sẽ gọi "tất cả" hiểu theo
nghĩa tập thể, chứ không thể hiểu theo nghĩa cá thể. Do đó, hiển nhiên
có một sự ngụy biện trong từ "tất cả," hay trong từ "cả," "chẵn," hay
"lẻ." Những từ này đều mơ hồ, và ngay cả trong lập luận trừu tượng cũng
trở thành một bài tính đố về luận lý. Nếu tất cả mọi người gọi cùng một
vật là "của tôi," hiểu theo nghĩa mỗi người là sở hữu chủ, thì ta có thể
chấp nhận được, nhưng điều đó thiếu thực tế; còn nếu hiểu theo nghĩa
khác (tài sản tập thể), thì sự thuần nhất này không dẫn đến sự hài hòa.
Chưa hết, đề nghị biến tất cả thành "của chung" còn gặp một khó khăn khác. Đó là, cái gì mà thuộc của chung của nhiều người, thì cái đó lại càng có ít người quan tâm bảo quản. Mọi người đều chỉ lo cho bản thân họ, và hầu như chẳng đếm xỉa gì đến lợi ích chung; còn nếu họ quan tâm đến quyền lợi chung thì cũng chỉ vì đụng chạm đến quyền lợi riêng của họ. Thêm vào đó, con người có khuynh hướng xao lãng nhiệm vụ mà họ nghĩ là sẽ có người khác chu toàn. Đó là điều ta thường thấy trong sinh hoạt gia đình: càng nhiều người thì lại càng ít hiệu quả hơn ít người.[1] Mỗi công dân sẽ có cả ngàn đứa con mà những đứa con này lại không là con của một cá nhân công dân nào hết, và như thế, chúng sẽ bị tất cả bỏ bê.
Thêm vào đó, dựa trên nguyên tắc này, mỗi người khi gọi đứa bé là "con tôi," dù sau này nó giàu hay nghèo, cũng chỉ là cha của nó theo cái tỷ lệ một phần trên tổng số tất cả công dân. Ngay cả như vậy đi nữa người ta cũng không thể biết chắc là đứa bé có phải là con của mình hay không, vì không ai có thể nói chắc được ai là cha nó, hay là khi sinh nó ra nó có sống được hay không.[2] Nhưng ta thử xét xem đâu là cách tốt hơn; theo cách thứ nhất: mỗi người gọi một đứa bé là "con tôi" chỉ có 1 phần 2000 hay 1 phần 10000, hay là gọi nó là "con tôi" hiểu theo nghĩa thông thường? Hãy xét một thí dụ: cũng cùng một người được một người khác gọi là con, nhưng người khác lại gọi là anh em ruột của tôi hay người đó là bà con, họ hàng với tôi-qua quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân, hay chỉ là đồng bào cùng sống trong một xứ với nhau. Gọi theo đúng quan hệ là anh em bà con với nhau thì phải tốt hơn cách gọi tất cả là con như Plato đề nghị chứ! Ngoài ra cũng không có cách nào tránh được việc anh em, con cái, cha mẹ nhận ra nhau, vì con cái đều mang những nét giống nhau của cha mẹ, và họ sẽ tự động tìm ra mối quan hệ gia tộc với nhau. Các nhà nghiên cứu về địa dư tuyên bố đó là sự thực; họ nói rằng tại Miệt Trên của xứ Libya, nơi phụ nữ được coi như của chung, con cái khi sinh ra được giao cho cha của chúng căn cứ trên sự giống nhau về nhân dạng. Thật thế, có một số phụ nữ, giống như một số động vật cái khác, như lừa cái hay bò cái, có khuynh hướng tự nhiên rất mạnh là đẻ ra con có hình dáng giống như người cha. Con lừa cái xứ Pharsalia, còn được gọi là con lừa Chân Thật, là một thí dụ điển hình, vì đẻ ra lừa con giống hệt như con thú cha.
[1] Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: "Cha chung không ai khóc."
[2] Theo cách sắp xếp của Plato đề nghị trong Cộng Hòa Luận, những cuộc hôn nhân tạm thời đều được nhà cầm quyền giữ bí mật triệt để. Trẻ con sinh ra được giao cho viên chức chính quyền nuôi dưỡng, nếu đứa bé khỏe mạnh, nếu không thì để cho nó chết [Ghi chú của Barker].
Chương IV
Còn có những tội ác khác mà những tác giả cổ xúy cho cộng đồng chung vợ chung con khó lòng ngăn cản; đó là những tội ác bạo hành, cưỡng hiếp, sát nhân (ngộ sát hay cố sát), cãi cọ, vu cáo nhau. Những tội ác này là những tội ác đáng bị nguyền rủa nếu do người nào đó gây ra cho cha mẹ, anh em hay họ hàng của họ; nhưng nếu gây ra cho người dưng, thì không đến nỗi bị nguyền rủa. Hơn nữa, tội ác càng dễ xảy ra hơn nếu người ta không biết ai là bà con của mình, và khi tội ác đã xảy ra thì những biện pháp trừng phạt theo tập quán (như phạm tội giết cha chẳng hạn) sẽ khó được thi hành, vì can phạm đâu có biết người đó là cha mình! Thêm nữa, lập luận của Socrates cũng lạ lùng thay khi đã biến tất cả con cái thành của chung, lại chỉ cấm những kẻ yêu nhau không được có quan hệ xác thịt, nhưng cho phép tình yêu và những sự thân thiết giữa cha và con trai hay giữa anh em trai (rất dễ dàng xảy ra vì không ai biết mình có bà con với ai). Những quan hệ thân thiết và tình yêu kiểu này nếu được cho phép thì cũng là những hành vi thiếu đứng đắn giữa những người đàn ông lớn tuổi và thanh niên. Thật cũng đáng ngạc nhiên hơn nữa khi Socrates cấm giao hợp giữa người nam với nhau chỉ vì sự bạo hành gây ra bởi khoái lạc, chứ không phải vì họ có quan hệ gia tộc với nhau.[1]
Cộng đồng vợ chung, con chung này dường như thích hợp cho quần chúng nông dân hơn là cho giai cấp cai trị, vì mối quan hệ vợ chung, con chung sẽ tạo ra sợi dây liên lạc gia đình lỏng lẻo, và do đó sẽ dễ dạy người dân hơn và họ sẽ ít làm loạn hơn. Nói cách khác, kết quả của luật lệ này sẽ trái ngược với những gì mà luật lệ đúng cách sẽ tạo nên, và ý định của Socrates khi tổ chức xã hội có vợ chung con chung sẽ vì đó mà thất bại. Vì ta tin rằng tình liên đới anh em trong một xã hội là vốn quý giá nhất của quốc gia và giúp ngăn ngừa các cuộc nổi dậy. Chính Socrates và tất cả mọi người đều ca ngợi sự đoàn kết của quốc gia là một lý tưởng cần nhắm tới, và sự đoàn kết này chính là kết quả của tình liên đới anh em. Nhưng, sự đoàn kết mà Socrates ca ngợi lại giống như tình yêu của những kẻ yêu nhau được mô tả trong tác phẩm Symposium; trong tác phẩm này, nhân vật Aristophanes kể rằng có hai kẻ yêu nhau quá mức và muốn trở thành một. Kết quả của tình yêu nồng cháy là cả hai cùng biến mất để trở thành một thực thể mới, hay một kẻ phải hủy mình đi để nhập thân vào kẻ kia. Khi mà một quốc gia có vợ chung, con chung, tình yêu gia đình sẽ nhạt nhẽo; người cha không thể đoan quyết ai là con mình, và con cái cũng chẳng biết ai là cha mình. Cũng giống như một chút rượu mùi được pha thêm nước lã sẽ chẳng còn mùi vị gì nữa, trong cộng đồng xã hội kiểu này cũng vậy, cái ý tưởng về mối quan hệ được thiết lập theo kiểu này sẽ biến mất, vì chẳng có lý gì mà kẻ "được gọi là cha" lại phải lo lắng cho đứa trẻ "được gọi là con" hay ngược lại; tình nghĩa anh em cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa hết. Trong hai phẩm chất tạo nên sự kính trọng và mến thương-điều gì đó thuộc về ta và chỉ thuộc về ta thôi-không thể hiện hữu trong một quốc gia tổ chức như vậy.
Thêm nữa, việc hoán chuyển trẻ con ngay khi chúng vừa mới sanh ra từ giai cấp nông dân hay nghệ nhân sang giai cấp cai trị, và từ giai cấp cai trị sang giai cấp bị trị sẽ rất khó thực hiện. Những người có trách nhiệm di chuyển những đứa bé không thể nào không biết là đứa bé nào được giao cho ai. Và như thế, những tội ác đã nói trước đây, như bạo hành, sát nhân, tình yêu phản tự nhiên sẽ xảy ra thường xuyên hơn giữa những kẻ bị đưa xuống giai cấp thấp hơn, hoặc là những kẻ được nâng lên giai cấp cai trị, vì họ không còn coi những người cùng giai cấp trước đây là anh em, cha mẹ nữa, và chẳng còn sợ gì mà không phạm tội vì đâu còn liên hệ huyết thống nữa. Tới đây tưởng đã quá đủ để bàn về cộng đồng có chung vợ, chung con.
[1] Xã hội Hy Lạp thời đó coi quan hệ gia tộc là thánh thiện và mặc nhiên cho phép đồng tính luyến ái giữa người nam lớn tuổi và trai tráng. Quan hệ đồng tính nam thời cổ Hy Lạp được gọi là paideratia (tiếng Anh là pederasty có nghĩa là tình yêu trẻ trai, "boy love.") Phong tục cổ Hy lạp và đặc biệt tại Athens có điều là người nam lớn tuổi, gọi là erastes, chọn một cậu bé tuổi thiếu niên, được gọi là eromenos, để hướng dẫn, giáo dục, bảo bọc và làm gương cho cậu bé này. Người Hy Lạp cũng có nhiều tục lệ để ngăn cho cậu bé không bị "xâm hại," và cả hai người đều phải triệt để tôn trọng nhau trong một tình yêu thánh thiện mà người Tây phương thường gọi là platonic relationship. Nhưng không có gì bảo đảm là quan hệ xác thịt không xảy ra giữa erastes và eromenos. Plato trong tác phẩm Luật Pháp, cũng cho rằng quan hệ pederasty là quan hệ trái với tự nhiên.
Chương V
Kế tiếp, ta hãy xét xem nên quản trị tài sản như thế nào: có nên để cho công dân của một quốc gia lý tưởng sở hữu tài sản riêng rẽ hay tài sản thuộc về của chung của quốc gia? Ta có thể xem xét vấn đề này một cách riêng rẽ không dính tới đề nghị lập một cộng đồng có vợ chung, con chung. Ngay cả giả như rằng vợ và con của ai thuộc về người nấy như phong tục hiện hành, thì liệu đề nghị mọi người cùng chia sẻ tài sản chung có đem lại lợi ích nào chăng? Có ba trường hợp có thể xảy ra: thứ nhất, đất đai canh tác có thể chia ra, nhưng sản phẩm làm ra lại để trong kho chung cho mọi người cùng sử dụng; cách này một vài nước đang áp dụng. Hay là, thứ hai, đất đai canh tác là của chung và mọi người cùng chung sức canh tác, nhưng sản phẩm thu hoạch được lại chia ra cho từng người để tùy nghi sử dụng; cách này là hình thức tài sản chung mà một vài nước man rợ đang áp dụng. Hay là, thứ ba, cả đất đai và sản phẩm đều thuộc về của chung.Khi người nông dân không phải là chủ nhân của đất đai (trường hợp họ là nông nô hay nô lệ), trường hợp này dễ giải quyết; nhưng khi chính chủ điền cũng là người canh tác, thì vấn đề sở hữu trở nên rắc rối. Nếu họ không chia nhau đồng đều công việc và hoa màu thu hoạch được, thì kẻ làm nhiều mà hưởng ít chắc chắn sẽ phàn nàn những kẻ làm ít mà hưởng nhiều. Thực ra khi con người sống chung với nhau và có quan hệ với nhau, khó khăn luôn luôn xảy ra, nhất là khi con người lại chia sẻ chung tài sản nữa. Thí dụ điển hình là những lữ khách kết đoàn để cùng đi, ngày nào cũng có những cuộc cãi vã về đủ thứ lặt vặt và dễ phật lòng nhau vì những chuyện chẳng đáng vào đâu. Cũng giống như đối với những kẻ hầu hạ dễ làm ta mất lòng vì có quan hệ hàng ngày.
Đó chỉ là một số những điều bất lợi khi tổ chức xã hội cùng có chung tài sản. Cách thức tổ chức hiện nay [tài sản thuộc tư nhân], nếu được phong tục và luật pháp tốt cải thiện, sẽ tốt hơn nhiều, và có được sự thuận lợi của cả hai hệ thống. Tài sản, hiểu theo một nghĩa, là của chung [của quốc gia], nhưng theo thông lệ, là của riêng tư nhân. Vì vậy, khi mọi người đều có quyền lợi riêng, thì người ta sẽ chẳng phàn nàn kẻ khác, và mọi người đều làm ăn tấn tới vì ai cũng lo cho quyền lợi của họ.
Và bởi vì lòng tốt [chứ không phải vì luật pháp bắt buộc], người ta cho tha nhân được sử dụng tài sản của họ, như tục ngữ có câu: "bạn bè chia sẻ với nhau mọi điều." Nguyên tắc này nay vẫn còn được áp dụng tại nhiều nước cho thấy điều này không phải là điều không thể thực hiện được. Tại những nước được cai trị tốt, ta cũng thấy có cách đối đãi như vậy giữa những người dân với nhau, và còn có thể được phát triển thêm lên. Ở những nước này, mỗi người đều có tài sản riêng, nhưng họ để dành ra một phần cho bạn bè sử dụng, và một phần khác cho mọi người cùng sử dụng. Thí dụ như người dân Sparta được dùng nô lệ, lừa, ngựa của người khác như của riêng mình, và nếu trên đường du hành mà có thiếu hụt vật gì thì cứ tự nhiên sử dụng sản vật của người khác trên con đường dó. Hiển nhiên ta thấy rằng tài sản nên là của riêng, nhưng được sử dụng chung, và nhiệm vụ của nhà lập pháp là tạo ra lòng từ thiện trong mỗi công dân để họ sẵn lòng chia sẻ tài sản với người khác.
Thêm nữa, người ta sẽ cảm thấy vui sướng hơn khi làm chủ một vật gì đó, vì tự yêu mình là bản chất tự nhiên của con người, mặc dù lòng ích kỷ cần phải được kềm chế vì đó không còn là tự yêu mình nữa mà là quá sức tự yêu mình, như ta vẫn thường coi khinh kẻ bần tiện yêu tiền (không phải ta khinh rẻ sự yêu tiền, mà ta khinh kẻ coi đồng tiền quá lớn). Hơn nữa, khi ta làm điều gì tốt hoặc phục vụ cho bạn bè của ta, khách khứa của ta, hay cho đồng loại, ta cảm thấy vui sướng, nhưng ta chỉ có thể làm được như vậy nếu ta có tài sản riêng mà thôi. Tuy nhiên, những điều vui sướng vừa kể [xuất phát từ sự thỏa mãn bản năng tự nhiên là tự yêu mình, và bản năng tự nhiên giúp đỡ người khác] sẽ bị triệt tiêu trong một nước mà mọi thứ đều là của chung (cộng sản), hai đức tính khác cũng bị triệt tiêu theo trong một quốc gia như vậy. Đức tính thứ nhất là lòng tự chủ trong quan hệ tình dục (đây là một giá trị đạo đức cấm ta không được thèm muốn vợ của người khác), và thứ hai là sự hào phóng trong việc sử dụng tài sản. Chẳng có ai, trong một nước mà mọi tài sản đều là của chung, lại có thể trở thành hào phóng được, vì ta chỉ có thể hào phóng bằng tài sản của riêng ta mà thôi.
Những luật lệ có bề ngoài nhân hậu như vậy rất dễ khiến cho người dân nghe theo và tin tưởng rằng nhờ ở một đặc tính kỳ diệu nào đó mà con người đều trở nên bạn hữu với nhau, nhất là khi thấy rằng ai cũng ta thán về những xấu xa đang xảy ra trong quốc gia như kiện tụng vì bội ước, tranh chấp vì dối trá, nịnh bợ kẻ giàu có, những xấu xa xảy ra vì con người có quyền tư hữu. Những điều xấu xa này, tuy thế, không phải do quyền tư hữu gây ra, mà do một nguyên nhân khác-bản chất xấu xa của con người. Thật ra, ta thấy trong số những người có chung tài sản, họ còn tranh chấp nhau nhiều hơn những người giữ tài sản riêng tư, mặc dù [ta vẫn thường nghĩ sai là] không có nhiều người như vậy khi so sánh với con số lớn những người có tài sản riêng tư.
Thêm vào đó, ta cần phải cân nhắc không những là người dân sẽ tránh được những điều xấu xa mà còn những ích lợi họ sẽ bị mất đi nếu theo tài sản công hữu. Đời sống theo kiểu này hoàn toàn không thực tế và bất khả thực hiện. Sự sai lầm của Socrates, ta có thể thấy được, nằm ở khái niệm thống nhất, mà ông đã dùng làm tiền đề lý luận. Thống nhất, dĩ nhiên, cần phải có trong cả gia đình và quốc gia, nhưng ở một vài lãnh vực nào đó thôi, vì đến một lúc khi đạt được sự thống nhất cao độ, lúc đó sẽ chẳng còn quốc gia nữa, hay là nếu còn cái gọi là quốc gia, thì cũng chỉ là một quốc gia yếu kém. Cũng giống như khi sự hòa âm đã biến thành đồng âm và âm nhạc rút lại chỉ còn một điệu theo nhịp đập của bàn chân. Nhà nước, như tôi đã trình bày, là một thực thể đa dạng, và chỉ nên được thống nhất thành một cộng đồng bằng giáo dục; và tôi thấy thật là lạ khi người đã tạo ra một hệ thống giáo dục mà ông ta nghĩ rằng sẽ làm cho đất nước được tốt lành, đức hạnh, lại muốn cải thiện người dân bằng những quy định kiểu này [công hữu, cộng sản], chứ không phải bằng triết học hay phong tục hay luật pháp, như luật pháp hiện hành tại Sparta và Crete ấn định là tài sản riêng được trích ra để nấu ăn chung.
Hãy nhớ rằng ta không nên xem thường kinh nghiệm của các đời trước; trải qua bao năm tháng, những điều này, nếu thực sự tốt đẹp, thì người ta phải biết rồi. Vì hầu như mọi điều đã được con người khám phá ra, tuy là đôi khi chưa được hệ thống hóa, hay là người ta đã biết rồi, nhưng chưa sử dụng được.
Nếu ta có thể thấy được tận mắt tiến trình xây dựng một cơ cấu chính trị như Socrates đề nghị, có lẽ vấn đề này sẽ được làm sáng tỏ thêm. Vì nhà lập pháp hoàn toàn không thể tạo nên một quốc gia mà không phân phối và chia cư dân của mình thành những giai cấp theo dòng họ hoặc bộ tộc, hay hội đoàn cùng ăn chung với nhau. Nhưng điều luật này lại cấm không cho giai cấp cầm quyền làm ruộng, một sự ngăn cấm mà người Sparta đã thử thực hiện rồi.[1]
Nhưng thực ra, Socrates đã không nói cũng như khó mà quyết định vai trò của thành phần nào trong cộng đồng là vai trò chủ chốt. Những công dân không thuộc giai cấp lãnh đạo là thành phần đa số, và ngay cả trong đa số này [một số vấn đề then chốt] vẫn chưa xác định được: Liệu nông dân cũng phải có tài sản chung hay là mỗi người có tài sản riêng của mình? Liệu vợ và con họ là của chung hay của riêng? Nếu, giống như giới lãnh đạo, họ cùng có chung mọi tài sản, thì họ có khác gì giới lãnh đạo đâu và sẽ được lợi gì khi phải chịu sự lãnh đạo này? Hay là dựa trên nguyên tắc nào mà họ phải chịu sự cai trị của giới lãnh đạo, trừ phi giới này sử dụng chính sách khôn khéo của dân đảo Crete: nô lệ cũng được hưởng mọi quyền lợi như chủ nhân, ngoại trừ quyền được học tập thể dục và quyền mang vũ khí.[2] Mặt khác, nếu, những giai cấp thấp, về phương diện tài sản và hôn nhân cũng sở hữu riêng như dân chúng các nước khác, thì đất nước sẽ được tổ chức theo mô hình nào? Chẳng phải là sẽ có hai nước trong một quốc gia và mỗi nước lại chống đối lẫn nhau hay sao? Socrates biến giai cấp cai trị thành quân đội chiếm đóng, còn người nông dân, người thợ, và các thành phần còn lại mới là công dân thật sự. Nhưng ngay cả khi quốc gia được tổ chức như vậy, tất cả những sự kiện cáo, tranh cãi, và những điều xấu xa mà Socrates khẳng định là hiện hữu trong những nước khác [không theo mô thức do ông đề nghị], cũng sẽ hiện hữu như vậy trong đất nước kiểu này. Socrates thật sự đã nói rằng, khi người dân được giáo dục tốt, thì nhà nước sẽ chẳng cần nhiều luật lệ, như luật điều hành quốc gia hay thị trường; nhưng ông lại giới hạn giáo dục chỉ dành cho giai cấp lãnh đạo. Chưa hết, ông lại cho phép nông dân được tư hữu tài sản với điều kiện là họ phải nộp một phần thu hoạch cho giai cấp lãnh đạo. Trong trường hợp này, nông dân còn khó cai trị và trở nên kiêu căng hơn là những kẻ nô lệ hoặc nông nô. Và rồi những giai cấp thấp hơn có sống trong cộng đồng chung vợ chung con một cách bình đẳng như giai cấp lãnh đạo hay không, cùng những câu hỏi tương tự như là giáo dục, mô hình chính quyền, luật lệ dành cho giai cấp thấp sẽ như thế nào, không thấy Socrates bàn tới; điều ta thấy không những vừa khó tìm được câu trả lời, vừa rất hệ trọng là câu hỏi: giai cấp nông dân sẽ được tổ chức như thế nào nếu vẫn muốn giữ nguyên đời sống cộng sản của giai cấp cai trị.
Thêm nữa, nếu Socrates muốn có một cộng đồng có vợ chung, con chung, nhưng tài sản lại riêng tư, thì khi đàn ông lo việc đồng áng, ai sẽ lo việc gia đình? Và ai sẽ làm việc đó nếu giai cấp nông dân vừa có vợ con chung, vừa có chung tài sản? Chưa hết, thật là kỳ lạ khi Socrates lập luận rằng đàn ông cũng như đàn bà sẽ cùng làm việc ngoài đồng áng, theo như sinh hoạt của loài vật, [lập luận này không ổn] vì loài vật không phải lo việc nội trợ. Chính quyền cũng vậy, nếu được thiết lập theo cách của Socrates, tiềm ẩn nhiều điều nguy hiểm, vì ông để cho cùng một số người luôn luôn ở vai trò cai trị. Và nếu điều này vẫn thường là nguyên nhân tạo ra bất ổn trong giới hạ lưu, thì trong giới thượng lưu sẽ còn tạo ra bất ổn tới đâu? Lý do mà Socrates muốn chỉ một số người nào đó cai trị mà thôi là một điều theo ông rất hiển nhiên, vì Thượng đế khi tạo nên con người luôn luôn theo một tỷ lệ nhất định như "Thượng đế trộn vàng trong một số người, bạc trong một số người khác từ khi họ được sinh ra, và trộn đồng và sắt trong những kẻ mà trời định làm thợ hoặc làm nghề nông." Thêm một lần nữa Socrates lại tước bỏ quyền hưởng hạnh phúc bằng nhau của giới cai trị (hạnh phúc vì được có tư sản), khi cho rằng người cai trị phải nhắm tới hạnh phúc của cả nước. Nhưng một tổng thể không thể nào sung sướng được trừ khi tất cả, hoặc đa số, hoặc phần lớn các phần tử tạo thành tổng thể được sung sướng. Phẩm chất của hạnh phúc, trên phương diện này, không thể so sánh được với sự bình đẳng dựa trên đa số. Phẩm chất của sự bằng nhau có thể xảy ra trong một tổng thể mà không cần phải hiện diện trong từng phần tử, nhưng phẩm chất của hạnh phúc không giống như vậy. Và nếu người cai trị không sung sướng, thì ai là kẻ được sung sướng? Chắc chắn không phải là giới thợ thuyền hoặc dân thường. Ta có thể kết luận là nền Cộng Hòa mà Socrates trình bày chứa đựng tất cả những khó khăn này và những khó khăn khác không kém phần nghiêm trọng.
[1] Giai cấp cầm quyền tại Sparta làm chủ ruộng nương, nhưng để cho nô lệ canh tác, khác với thể thức Socrates đề nghị là giai cấp cầm quyền không làm chủ ruộng đất, và nông dân - vừa làm chủ đất vừa canh tác đất đai - không phải là nô lệ (Ghi chú của Ernest Bakker).
[2] Thể dục được người cổ Hy Lạp coi là một trong những môn học cần thiết để huấn luyện trẻ con thành người tự do: được đào luyện không những về trí dục mà còn thể dục. Plato trong Cộng Hòa Luận (quyển 3) coi thể dục là môn học không thể thiếu được và chỉ dành cho người tự do mà thôi.
Chương VI
Những điều mà ta không đồng ý với lập luận của Socrates cũng tương tự như, hoặc là gần giống với lập luận của Plato trong tác phẩm sau này của ông, đó là cuốn Luật Pháp, do đó, ta nên trước hết xem xét một cách vắn tắt cơ cấu chính trị được ông mô tả trong tác phẩm này. Trong Cộng Hòa Luận, Socrates chỉ thảo luận một vài vấn đề, như là tổ chức một cộng đồng có vợ chung, con chung, tài sản chung, và cơ cấu chính trị. Dân chúng được chia thành hai giai cấp--một là giai cấp nông dân, và một là giai cấp chiến sĩ. Trong giai cấp chiến sĩ lại chia thành giai cấp thứ ba là các nhà lập pháp và cai trị. Nhưng Socrates vẫn chưa xác định xem có để thành phần nông dân và thợ thuyền được dự phần trong chính quyền, hoặc là có cho họ được tham gia quân đội hay có quyền giữ vũ khí hay không. Ông nghĩ rằng phụ nữ cũng nên được giáo dục như giai cấp lãnh đạo, và cũng được tham gia chiến đấu.
Phần còn lại của tác phẩm, tuy nhiên, lại gồm những phần thảo luận lạc khỏi chủ đề chính, và những phần thảo luận về cách thức giáo dục giai cấp lãnh đạo. Những điều được trình bày trong cuốn Luật Pháp hầu như chỉ liên quan đến pháp luật, chứ không bàn nhiều đến cơ cấu chính trị. Và trong những phần bàn về cơ cấu chính trị, mặc dù ông muốn đưa ra một mô hình chính trị mà các nước đều có thể áp dụng, ông lại đi vòng vo và đưa đến một mô hình khác (được mô tả trong Cộng Hòa Luận), hoặc một mô hình lý tưởng [không thể nào đạt được]. Thí dụ, nếu không kể đến việc tạo dựng một cộng đồng có chung vợ con, ông giả thiết mọi sự đều như nhau trong cả hai mô hình nhà nước: cả hai đều có cùng [hệ thống] giáo dục; công dân của cả hai đều không phải làm những công việc lao động chân tay; và công dân đều có bữa ăn chung với nhau. Chỉ có một điều khác nhau là theo mô hình đề nghị trong cuốn Luật Pháp thì phụ nữ được dùng bữa ăn chung, và con số chiến sĩ là năm ngàn người, thay vì chỉ có một ngàn người như trong cuốn Cộng Hòa Luận.
Những bài nghị luận của Socrates luôn luôn độc đáo, phong nhã trong văn chương và sáng tạo trong tư tưởng; nhưng có lẽ ta không thể đòi hỏi mọi điều ông viết đều toàn hảo. Ta đừng quên một điều là chỉ với sự kiện năm ngàn công dân mà ông nhắc tới, ta cần phải có một lãnh thổ rộng bằng xứ Babylon, hoặc một vùng đất rộng lớn nào đó để có thể dung dưỡng chừng đó người, chưa kể đến số đàn bà, trẻ con và những kẻ hầu hạ còn nhiều gấp mấy lần số năm ngàn người. Khi cấu tạo nên một mô hình lý tưởng, ta có thể tha hồ đặt ra giả thuyết này nọ theo ý thích, nhưng cũng nên tránh những điều bất khả thực hiện.
Trong cuốn Luật Pháp có nói rằng, nhà lập pháp nên luôn để ý đến hai điều-dân chúng và lãnh thổ; nhưng cũng không được quên các nước lân cận, thứ nhất là vì một quốc gia phải có đời sống chính trị, tức là quan hệ với các nước khác, chứ không phải là một nước tự cô lập, sống riêng rẽ một mình. Vì một nước phải có một lực lượng quân sự, không phải chỉ sử dụng trong nước mà khi cần còn để đối phó với nước ngoài. Ngay cả khi ta cho rằng một đời sống bận bịu, tất bật không phải là đời sống tốt đẹp nhất đối với cá nhân hay quốc gia,[1] thì một nước phải có khả năng làm quân thù ngán sợ, dù để tấn công hay phòng thủ.
Điểm thứ hai là: số lượng tài sản [cá nhân] có nên được xác định một cách rõ ràng hơn cách thức được đề nghị trong Luật Pháp? Socrates nói rằng một người nên có đủ tài sản để có thể sinh sống một cách có chừng mực [không xa hoa cũng không bần tiện], nói một cách khác là "sống sung túc;" nhưng nói vậy thì quá tổng quát. Thêm nữa, cũng có những người sống có chừng mực nhưng vẫn khổ sở. Một định nghĩa hay hơn là người ta nên có đủ tài sản để có thể vừa sống có chừng mực vừa có được sự hào phóng. Nếu hai đặc tính này tách rời nhau, thì hào phóng sẽ đưa đến xa hoa, còn chừng mực sẽ đưa đến bần tiện. Do vậy, sự hào phóng và chừng mực là hai tính chất hợp lẽ duy nhất liên quan đến việc sử dụng tài sản. Người ta không thể vừa phung phí vừa kiệm ước tài sản, nhưng người ta vẫn có thể vừa hào phóng vừa chừng mực khi sử dụng tài sản. Vì thế không thể tách rời hai đặc tính này khỏi tài sản. Còn một điều bất cập nữa khi Socrates đề nghị chia đều đất đai cho mọi người, nhưng lại không hạn chế dân số; dù dân số sẽ gia tăng không giới hạn, nhưng ông tin rằng lâu dần dân số sẽ được cân bằng vì sẽ có nhiều cặp vợ chồng không có con cái, và dùng thí dụ về các nước đang hiện hữu để chứng minh cho lập luận này. Nhưng ở điểm này ta cần phải cẩn trọng hơn, vì như hiện nay, không cần biết có bao nhiêu dân trong nước, tài sản luôn được phân bố cho tất cả mọi người, và do vậy không có ai bị thiếu hụt; nhưng nếu tài sản không thể phân chia ra được như Luật Pháp đề nghị (đất đai được chia thành một số cố định các thửa đất nhỏ), thì số người dư ra, dù nhiều hay ít, sẽ chẳng có gì hết. Người ta có lẽ sẽ nghĩ rằng giới hạn dân số là điều cần thiết hơn là giới hạn tài sản, và giới hạn đó phải được tính toán bằng tử suất ở trẻ con và tỷ lệ các cặp vợ chồng không có con cái. Bỏ qua đề tài này, một điều vẫn thường xảy ra trong các nước hiện đại, là nguyên nhân tất yếu đưa đến sự nghèo khó của dân chúng, và nghèo khó là cha đẻ của cách mạng và tội ác. Pheidon, một trong những nhà lập pháp nhiệt thành xứ Corinth, cho rằng gia đình và dân số nên được giữ y nguyên, dù ban đầu các thửa đất có thể có kích thước khác nhau; nhưng Luật Pháp lại đề nghị nguyên tắc trái ngược với nguyên tắc này. Cơ cấu đúng đắn, theo tôi, còn cần được giải thích kỹ hơn trong các phần sau.
Còn một điểm nữa cũng bị bỏ sót trong Luật Pháp: Socrates không cho chúng ta biết người cai trị và kẻ bị trị khác nhau như thế nào; ông chỉ nói rằng họ có quan hệ đan xen với nhau như những sợi ngang và dọc trong một tấm vải làm bằng chất liệu khác nhau. Socrates cho phép toàn bộ tài sản của một người được gia tăng lên đến năm lần, nhưng lại không giải thích tại sao lại không cho gia tăng điền thổ của người đó đến một mức nào đó? Thêm nữa, cách sắp xếp nhà ở của người dân theo kiểu của Socrates có giúp cho việc quản trị hộ gia đình hữu hiệu hơn chăng? [Có lẽ là không], vì ông cho mỗi người hai căn nhà ở hai nơi khác nhau, và thật là khó chăm lo cho gia đình khi phải sống trong hai căn nhà khác nhau.
Toàn bộ hệ thống chính quyền [theo kiểu này]có khuynh hướng trở nên chẳng phải là dân chủ, cũng chẳng phải là quả đầu, nhưng là một cái gì đó ở giữa, thường được gọi là một "thể chế trung dung" (polity) bao gồm những công dân thuộc thành phần có thể tự trang bị vũ khí.[2] Ở đây, nếu Socrates muốn tạo dựng một cơ cấu chính trị thích hợp cho đa số các nước, thì mô hình này có lẽ đúng. Nhưng điều này lại không đúng nếu ông muốn dùng mô hình này để diễn tả một nhà nước lý tưởng, hay là một nhà nước đầu tiên. Bởi vì rất nhiều người sẽ thích mô hình theo kiểu Lacedaemonia (Sparta), hay nhiều người khác sẽ chọn mô hình quý tộc. Một số người khác, thực ra, lại nói rằng, cơ cấu chính trị tốt nhất là cơ cấu kết hợp tất cả các loại chính quyền, và họ ca tụng mô hình Sparta vì mô hình này được tạo thành bởi quả đầu, quân chủ, và dân chủ; ông vua thiết lập nền quân chủ, hội đồng trưởng lão tạo nên quả đầu trong khi thành phần dân chủ được đại diện bởi các giám sát viên do dân bầu ra. Lại có những người cho rằng Giám sát viện là một cơ cấu chuyên chế, và cho rằng tính chất dân chủ được thể hiện qua các bữa ăn chung và qua sinh hoạt hàng ngày. Nhưng lập luận trong Luật Pháp lại cho rằng cơ cấu chính trị tốt nhất được tạo thành bởi dân chủ và chuyên chế, một cơ chế hoặc là không hợp hiến, hoặc là một cơ chế xấu nhất.[3] Nhưng ta chỉ có thể đến gần được chân lý khi kết hợp được nhiều mô hình khác nhau, vì cơ cấu chính trị sẽ tốt hơn nếu được kết hợp bởi nhiều phần tử khác nhau. Cơ cấu chính trị đề nghị trong Luật Pháp hoàn toàn không có quân chủ, và chỉ gồm có cơ cấu quả đầu và dân chủ mà lại thiên về cơ cấu quả đầu. Điều này được thể hiện qua việc bổ nhiệm quan chức. Vì mặc dầu việc bổ nhiệm quan chức qua hình thức rút thăm trong số những người được tuyển-gồm cả hai giai cấp quý tộc và bình dân, nhưng có hai điều kiện khiến việc bổ nhiệm này mang nặng tính chất quả đầu. Đó là điều kiện buộc người giàu phải tham dự các buổi họp và bỏ phiếu chọn quan chức, và thực hiện các nghĩa vụ chính trị khác, trong khi những người khác không bị bó buộc như vậy. Thứ hai là việc cố gắng lựa ra các viên chức trong số dân giàu và các viên chức cao cấp nhất được lựa ra từ những người giàu có nhất. Nguyên tắc quả đầu còn thể hiện qua việc bầu cử nghị viên. Tất cả mọi người đều phải đi bầu, nhưng điều này chỉ bắt buộc cho việc lựa chọn ứng viên trong giai cấp thứ nhất, và cùng một số ứng viên trong giai cấp thứ hai và thứ ba. Khi chọn ứng viên trong giai cấp thứ ba và thứ tư, thì luật lại không bắt buộc nữa; thực ra trong việc lựa chọn ứng viên trong giai cấp thứ tư, chỉ có những ai thuộc giai cấp thứ nhất và thứ nhì là bị buộc phải bỏ phiếu mà thôi. Như thế, trong danh sách những ứng viên được chọn ra để bầu chọn, trong mỗi giai cấp đều có một số người bằng nhau. Kết quả là những cử tri thuộc giai cấp khá giả sẽ trở thành đa số, còn giới bình dân vì không bị bắt buộc sẽ không đi bầu.
Những điều cần chú ý như thế này và những điều khác nữa sẽ được viện dẫn khi ta xem xét các cơ cấu tương tự, đủ để chứng tỏ là cơ cấu do Plato đề nghị không nên được tạo thành bởi sự kết hợp dân chủ và quân chủ. Còn có một điều nguy hiểm nữa trong thể thức bầu cử các viên chức từ danh sách những đại biểu đã được bầu ra trước, vì chỉ cần một số nhỏ kết hợp lại cũng có thể khiến kết quả bầu cử đi theo ý họ muốn. Cơ cấu chính trị được mô tả trong Luật Pháp chứa những điều đáng quan ngại như vậy.
[1] Người Hy Lạp cho rằng đời sống tất bật không phải là đời sống lý tưởng; họ cho rằng con người cần có thì giờ nhàn rỗi để suy tưởng. Các hoạt động quân sự là các hoạt động làm người ta bận rộn (Ghi chú của Barker).
[2] Thể chế trung dung, sẽ được Aristotle giảng giải kỹ hơn trong Quyển IV. Thể chế trung dung dựa trên thành phần trung lưu trong xã hội, là những người có khả năng để trang bị vũ khí (Ghi chú của Barker).
[3] Theo Barker, nhận xét này không công bằng cho Plato (Plato viết sách theo kiểu đối thoại, thuật lại lời của Socrates), vì ông không nhằm tới việc mô tả một cơ cấu lý tưởng như Aristotle ám chỉ, nhưng nhắm tới mô hình gần với lý tưởng nhất. Mô hình này là mô hình hỗn hợp của quân chủ và dân chủ có điều tiết (Ghi chú của Barker, trang 60).
Chương VII
Cũng có một số cơ cấu chính trị được một số người khác đề nghị; trong số này một số là các nhà nghiên cứu tài tử, những người khác là triết gia hoặc chính trị gia. Những cơ cấu do họ đề nghị cũng gần giống như các cơ cấu đã được thiết lập trong quá khứ hoặc đang hiện hữu, và không giống như cả hai cơ cấu do Plato đề nghị. Cũng chẳng có ai đưa ra các đề nghị mới mẻ như tạo lập một cộng đồng vợ chung, con chung, hay là tổ chức các bữa ăn chung cho phụ nữ: các nhà lập pháp bắt đầu bằng những nhu cầu thiết yếu của đời sống. Theo quan điểm của một số người, việc quy định tài sản là điểm chính yếu và là vấn đề đưa đến cách mạng. Phaleas, người xứ Chalcedon, nhận ra điều nguy hiểm này, và là người đầu tiên khẳng định rằng mọi công dân nên có tài sản bằng nhau. Ông nghĩ rằng điều này có thể được thực hiện không khó lắm tại những thuộc địa mới thành lập, nhưng lại là điều khó khăn khi một nước đã được thành lập lâu rồi; và cách ngắn nhất để hoàn thành mục đích mong muốn là những người giàu chỉ được cho chứ không được nhận của hồi môn, và người nghèo được nhận chứ không cần phải cho của hồi môn. Trong cuốn Luật Pháp, Plato cho rằng, trong một chừng mực nào đó, người dân nên được quyền tích trữ của cải, và như tôi đã trình bày, không cho phép người dân được sở hữu quá năm lần mức quy định tối thiểu. Thế nhưng những người lập ra những luật lệ như vậy thường hay quên rằng khi ấn định một mức tài sản nào đó, thì cũng phải ấn định luôn số con cái; chỉ vì nếu có nhiều con hơn số tài sản được quy định, thì điều luật đó phải bị vi phạm. Bên cạnh sự vi phạm luật lệ đó, một điều tệ hại khác sẽ xảy ra khi người giàu biến thành kẻ nghèo khó; những người mà tài sản bị thiệt hại chắc chắn sẽ khuấy động cách mạng. Các chính trị gia lão thành đã nhận thức được ảnh hưởng của việc bình đẳng hóa tài sản trên xã hội chính trị. Solon và các chính trị gia khác không cho phép cá nhân được sở hữu quá nhiều đất đai theo ý muốn, và còn có những đạo luật cấm bán điền sản: thí dụ như trong xứ Locris,[1] người dân xứ này không được bán điền sản nếu không chứng minh được rõ ràng là đã gặp vận rủi [về tài chánh]. Ngoài ra còn có những luật lệ buộc người dân phải bảo toàn nguyên vẹn phần đất mà họ được trao truyền (nghĩa là không được bán bớt đi một phần đất đai). Những đạo luật như vậy ta có thể tìm thấy ở đảo Leucas, và khi luật lệ này bị hủy bỏ đã khiến cho cơ cấu chính trị trở nên quá dân chủ, vì ai cũng có thể trở thành viên chức cai trị [khi điều kiện (đất đai) xác định tư cách đại biểu đã bị hủy bỏ].
Lại còn một điều nữa là sự bình đẳng về điền sản dẫn đến trường hợp hoặc là điền sản quá lớn hoặc quá nhỏ; như thế, người dân sẽ hoặc là sống xa hoa hoặc là trong nghèo khó. Như vậy thật rõ ràng là nhà chính trị phải, không những nghĩ đến việc bình đẳng hóa điền sản, mà còn điều chỉnh một số lượng vừa phải nữa. Nhưng ngay cả khi đã quy định một số lượng vừa phải đồng đều cho mọi người, vấn đề cũng vẫn chưa được giải quyết. Bởi vì không phải là sự tư hữu điền sản mà lòng ham muốn của con người mới cần được bình đẳng hóa, và đó là điều bất khả thực hiện, trừ phi luật pháp tạo nên một nền giáo dục đầy đủ cho mọi người dân. Nhưng Phaleas có lẽ sẽ trả lời rằng đó chính là điều ông muốn thực hiện; nghĩa là, một nước không những cần phải có bình đẳng về tài sản, mà còn bình đẳng về giáo dục. Nhưng ông cũng nên nói cho rõ hơn những điều ông muốn nói thực sự nghĩa là gì. Một nền giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi người sẽ chẳng có lợi gì hết, nếu nền giáo dục đó dạy người ta tham danh, hoặc tham lợi, hoặc cả hai. Thêm vào đó, những rắc rối xã hội xảy ra không phải chỉ vì bất bình đẳng về tài sản mà còn do bất bình đẳng về danh vọng và chức vụ trong xã hội. Hai sự bất bình đẳng này ngược với nhau. Dân thường tranh cãi vì sự bất bình đẳng về tài sản, còn dân thượng lưu lại tranh cãi vì có sự bình đẳng về chức vụ,[2] như Homer đã từng nói: "Kẻ sang người hèn đều có danh vọng như nhau."
Có những tội ác gây ra bởi sự thiếu thốn, và Phaleas nghĩ rằng bình đẳng hóa tài sản sẽ là phương thuốc chữa trị, vì bình đẳng hóa tài sản sẽ khiến người ta mất đi sự cám dỗ trở thành kẻ cướp vì đói lạnh. Nhưng sự thiếu thốn không phải là động cơ duy nhất khiến người ta phạm tội. Người ta cũng phạm tội chỉ vì tội ác đem lại cho họ khoái lạc và giải thoát cho họ những ham muốn không được thỏa mãn (bị ám ảnh bởi những ham muốn vượt quá nhu cầu đơn giản của đời thường, họ trở thành những tên tội phạm để giải tỏa những ham muốn này). Người ta cũng phạm tội không những chỉ để giải tỏa những ham muốn đang thôi thúc: họ phạm tội vì một nỗi ham muốn nào đó và phạm tội để thỏa mãn những ham muốn đó để không còn bị đau khổ vì những ham muốn đó dằn vặt.[3]
Như vậy phương pháp nào trị được ba loại tội ác vừa kể? Loại thứ nhất, ta có thể giới hạn tài sản và một số nghề nào đó; còn loại thứ hai, tập cho [dân] có tính tự chủ, tiết độ; còn loại thứ ba, nếu con người muốn tìm những ham muốn nào mà tự nó đem đến khoái lạc, thì chỉ có cách là tìm đến triết học, vì ngoài triết học ra, tất cả mọi khoái lạc đều lệ thuộc vào những điều kiện khác. Một sự thật là những tội phạm ghê gớm nhất được gây ra không phải vì thiếu thốn mà vì thừa thãi. Người ta không trở thành bạo chúa để khỏi bị đói lạnh, [người ta trở thành bạo chúa vì muốn có nhiều của cải hơn nữa]. Đó cũng là lý do tại sao những ai dám hành thích một bạo chúa được người đời ca tụng hơn là giết một tên đạo tặc. Do đó, ta thấy các định chế do Phaleas đề nghị chỉ giải quyết được các tội ác lặt vặt mà thôi.
Đối với các định chế của Phaleas, còn một điểm nữa khiến tôi không đồng ý. Đó là phần lớn các định chế này được thiết lập để thúc đẩy phúc lợi nội tại của quốc gia, chứ không xét đến mối quan hệ với các nước láng giềng và những ngoại bang khác ở xa hơn. Một chính quyền phải được tổ chức với mối quan tâm đến sức mạnh quân sự; nhưng điều này Phaleas lại chẳng đả động gì đến. Đối với tài sản cũng vậy: không những tài sản phải có đủ dùng cho trong nước mà còn phải có đủ để đối phó với những nguy hiểm đến từ bên ngoài. Tài sản của một nước không nên có quá nhiều để gợi lòng tham khiến nước khác xâm lăng mà mình không đủ sức chống lại; nhưng cũng không nên có quá ít khiến cho không đủ sức để kéo dài chiến tranh ngay cả đối với những nước có lực lượng và đặc tính tương đương. Phaleas không nói gì về điểm này, nhưng ta nên nhớ rằng tài nguyên dồi dào là một lợi điểm. Tài nguyên của một nước nên ở mức mà các nước mạnh lân bang phải cảm thấy là lý do gây chiến với ta hòng chiếm đoạt của cải dư thừa của ta không đủ sức thuyết phục bằng gây chiến khi nước đó có tài nguyên kém hơn. Lịch sử đã có trường hợp minh chứng cho lập luận này. Khi vua Autophradates của xứ Ba Tư chuẩn bị bao vây thành Artenus, thì vua của Artenus là Eubulus nói với Autophradates nên nghĩ lại xem cuộc vây thành như vậy sẽ kéo dài bao lâu và tốn kém như thế nào. Eubulus nói thêm, "Ta sẵn sàng dâng thành ngay lập tức nếu bệ hạ trả một giá tương đương với phí tổn chiến tranh." Những lời này khiến Autophradates nghĩ lại và bỏ ý định bao vây thành Artenus.
Sự bình đẳng hóa tài sản là một trong những điều giúp cho công dân khỏi tranh cạnh và gây gổ với nhau, nhưng lợi ích về điểm này thì cũng chẳng được là bao. Những nhà quý tộc sẽ bất mãn vì họ nghĩ là họ xứng đáng được hưởng nhiều hơn sự bình đẳng về tài sản. Ta cũng thường thấy đây là điều gây ra loạn lạc và cách mạng. Và lòng tham của con người thì không thể thỏa mãn được. Có lúc hai đồng tiền obol[4] cũng đủ trả công, nhưng khi người ta quen dần với số tiền này, người ta lại muốn được hơn như thế và không biết khi nào là đủ. Bản chất của lòng ham muốn là vô hạn và phần lớn người ta sống chỉ để thỏa mãn những ham muốn này. Sự khởi đầu của cải cách chính trị không phải là bình đẳng hóa tài sản mà là huấn luyện để phần hướng thượng của bản chất con người được nâng cao khỏi những ham muốn, và phần hướng hạ không còn khả năng để chiều theo dục vọng. Ngoài ra, chính sách bình đẳng hóa của Phaleas cũng không được hoàn hảo, vì ông chỉ bình đẳng hóa đất đai, trong khi đó người ta có thể trở nên giàu có nhờ vào nô lệ, gia súc và tiền bạc, và còn vào vô số những động sản khác. Như thế hoặc là những thứ này cũng phải được bình đẳng hóa, hoặc là phải ấn định một giới hạn nào đó, hoặc là cứ để như vậy. Chính sách của Phaleas cũng cho thấy rõ ràng là chỉ áp dụng cho một nước nhỏ, vì như ông đề nghị, thành phần thợ được coi là công bộc chứ không phải là một bộ phận tạo nên công dân của đất nước. Nhưng nếu có một đạo luật quy định giai cấp thợ thuyền là công bộc của đất nước, thì chỉ nên áp dụng cho một thành phần nào đó phụ trách những dịch vụ công cộng mà thôi, như ở Epidamus, hay ở Athens theo như kế hoạch do Diophantus đã từng đề nghị.
Từ những nhận xét trên ta có thể nhận định những đề nghị của Phaleas là đúng hay sai.
[1] Locrian là một sắc dân cổ Hy Lạp thuộc xứ Locris ở miền nam Hy Lạp bây giờ.
[2] Theo Aristotle, chức vụ nên được tưởng thưởng theo khả năng, và như vậy căn cứ trên nguyên tắc bình đẳng theo tỷ lệ. Những ai đã đóng góp công sức cho quốc gia tới mức nào thì đáng hưởng chức vụ tới mức đó (Ghi chú của Barker).
[3] Đoạn này Jovett dịch rất khó hiểu, người dịch đã phải tham khảo thêm bản dịch của Enerst Barker, ấn bản đầu tiên do nhà Oxford University Press, 1958.
[4] Đồng tiền bằng bạc thời cổ Hy Lạp.
Chưong VIII
Hippodamus, con của Euryphon, là một công dân của xứ Miletus; ông là người đã phát minh ra nghệ thuật quy hoạch thành phố, và cũng là người đã quy hoạch thành phố Piraeus. Hippodamus là một người kỳ lạ, một người thích được thiên hạ chú ý tới nên có những hành vi lập dị khiến cho người khác nghĩ rằng ông là người màu mè, giả tạo, như tóc thì để dài; quần áo thì may bằng loại vải len rẻ tiền nhưng lại được đính đồ trang sức mắc tiền, và quanh năm ông mặc như vậy, bất kể mùa nóng hay mùa lạnh. Hippodamus, ngoài hoài bão trở thành một học giả về thiên nhiên, cũng là người đầu tiên, dù không phải là một nhà lãnh đạo quốc gia, cũng nghiên cứu về mô hình chính trị.
Nhà nước mà Hippodamus muốn quy hoạch là một nước có mười ngàn dân và được chia làm ba phần: một phần dành cho dân thợ, một phần dành cho nông dân, và phần còn lại dành cho lực lượng võ trang để bảo vệ đất nước. Đất đai cũng được chia làm ba phần: một phần là linh điền dùng để tế tự, công điền dùng để nuôi quân, và tư điền là tài sản của nông dân. Ông cũng chia luật pháp làm ba loại, chứ không có hơn nữa, vì theo ông chỉ có ba loại kiện tụng: ẩu đả, gây thương tích, và án mạng. Cũng vì thế mà Hippodamus chỉ thiết lập có duy nhất một tòa tối cao để tái thẩm những trường hợp tòa dưới đã xét xử không đúng. Thẩm phán của tòa này là những bậc trưởng lão [xứng đáng] được chọn lựa cho nhiệm vụ này. Thêm vào đó ông cũng đề nghị rằng những quyết định của tòa án không nên dùng phương thức các quan tòa dùng những viên sỏi bỏ vào trong một cái bình nếu thấy bị can có tội, mà thay vào đó nên dùng một tấm bảng và viết vào đó là chắc chắn có tội, hoặc để trống, nếu thấy bị can hoàn toàn vô tội. Nhưng nếu quan tòa cảm thấy không thể phán quyết một cách chắc chắn là bị can có tội hay vô tội, thì cũng phải viết như vậy vào tấm bảng. Ông phản đối phương thức hiện hành [dùng những viên sỏi để biểu quyết có tội hay không] vì phương thức này sẽ khiến các quan tòa mắc tội bội thệ, dù họ có bỏ phiếu cách nào đi nữa.[1] Hippodamus còn đưa ra đạo luật tưởng thưởng cho những ai khám phá được những điều gì mang lại lợi ích cho quốc gia; và nhà nước phải nuôi nấng cho con em của tử sĩ, làm như những điều này trước đây chưa từng được áp dụng, nhưng đã thực sự xảy ra tại Athens và các nơi khác. Còn đối với các quan lại, ông đề nghị là để cho toàn dân, nghĩa là do ba giai cấp tôi nhắc tới ở trên, bầu ra người xứng đáng. Các quan lại sau khi được bầu vào các chức vụ có nhiệm vụ chăm lo cho các lợi ích công cộng, quyền lợi của ngoại kiều, và của cô nhi. Đó là tất cả những điểm nổi bật trong cơ cấu chính trị do Hippodamus đề nghị. Ngoài ra không còn điều gì đáng bàn.
Điều đầu tiên tôi không đồng ý với những đề nghị của Hippodamus là sự phân chia công dân thành ba loại, gồm có thợ thuyền, nông dân, và chiến sĩ; tất cả đều có tiếng nói trong chính quyền. Nhưng người nông dân không được quyền mang vũ khí, người thợ thì vừa không được mang vũ khí vừa không có đất đai, và như vậy thì họ có khác gì hơn là nô lệ của giai cấp quân nhân đâu. Cho nên bảo rằng họ đều được dự phần vào chính sự chỉ là chuyện bất khả thi, vì các tướng lãnh và những người bảo hộ cho dân cùng hầu như tất cả các quan lại đều xuất thân từ giai cấp được mang vũ khí. Chưa hết, nếu hai giai cấp này không được dự phần vào chính sự, thì làm sao mà họ có thể trở thành những công dân trung thành cho được? Người ta thường nói rằng những người được mang vũ khí là những người tài giỏi hơn các giai cấp khác và như vậy nhất thiết phải là giai cấp cai trị. Nhưng điều này chỉ dễ xảy ra khi họ có đông người hơn các giai cấp khác; ngay cả khi điều này xảy ra thì tại sao các giai cấp khác phải dự phần vào chính sự, hay là có quyền bổ nhiệm các quan chức? Thêm nữa, những người nông dân có ích lợi gì cho quốc gia? Thợ thuyền luôn luôn cần thiết trong mọi nước và họ có thể sinh sống bằng nghề của họ, và cả những người nông dân nữa, nếu họ cung cấp lương thực cho thành phần chiến sĩ, và cả hai giai cấp này có thể tham gia một phần nào vào chính sự. Nhưng theo cơ cấu của Hippodamus thì nông dân là những người sở hữu tư điền và canh tác cho tư lợi. Chưa hết, còn phần công điền dành cho giai cấp quân nhân, ai sẽ là người canh tác đất đai này? Nếu quân nhân đi làm ruộng thì có khác gì nông dân đâu, dù chính quyền có thể ban luật để phân biệt. Còn nữa, nếu những người canh tác số công điền này không phải là nông dân và cũng không phải là quân nhân, thì ta lại có giai cấp thứ tư, một giai cấp không có chỗ đứng trong quốc gia và cũng chẳng dự phần vào việc gì hết. Hoặc là giai cấp nông dân vừa làm ruộng của nhà vừa làm ruộng công; trong trường hợp này họ sẽ gặp khó khăn để sản xuất đủ dùng cho gia đình mình và cho gia đình của người quân nhân họ phải nuôi. Đã thế thì còn chia đất làm ba loại để làm gì vì người nông dân có thể vừa canh tác để nuôi sống chính gia đình mình và gia đình người lính trên cùng một mảnh đất! Phân chia theo kiểu này thật là rối rắm.
Luật lệ mà ông đề nghị liên quan đến các quan tòa cũng có nhiều rắc rối. Khi có một vụ kiện đơn giản được trình tòa, theo phương thức Hippodamus đề nghị, thì quan tòa phải phân biệt ai đúng ai sai và như vậy trở thành trọng tài. Khi phân xử, các trọng tài dù có thể có nhiều người nhưng họ vẫn có thể thảo luận với nhau để đưa ra một quyết định chung để phân biệt [ai đúng ai sai]. Nhưng trong tòa án xét xử theo luật pháp thì điều này không thể làm được, vì thực ra, các nhà lập pháp đã đưa ra các đạo luật không cho phép các quan tòa hội ý với nhau. Như thế chẳng phải là tạo nên các sự rối rắm ư nếu quan tòa nghĩ rằng thiệt hại [cho nguyên đơn] phải được bồi thường, nhưng không nhiều như nguyên đơn đòi hỏi? Thí dụ nguyên đơn đòi bồi thường hai chục đồng minae, và quan tòa chỉ cho phép có mười đồng minae (hay nói một cách tổng quát, nguyên đơn đòi nhiều, nhưng quan tòa chỉ cho phép ít), trong khi đó, một vị quan tòa khác cho năm dồng, người khác lại chỉ cho bốn. Như thế thì số tiền bồi thường thiệt hại bị chia năm xẻ bảy; rồi số tiền bồi thường được quyết định như thế nào đây? Chưa hết, chẳng ai có thể khẳng định rằng những quan tòa bỏ phiếu hoàn toàn có tội hay hoàn toàn vô tội là phạm tội bội thệ, vì phán quyết tha bổng của quan tòa không có nghĩa là bị can vô tội và không bồi thường gì hết, mà phán quyết này chỉ có nghĩa là bị can không phải bồi thường 20 đồng minae. Vị quan tòa chỉ phạm tội bội thệ khi nghĩ rằng bị can không đáng bị phạt hai mươi đồng minae mà vẫn tuyên án như vậy.
Vinh danh những người có công khám phá ra điều gì đó có lợi cho nhà nước là một đề nghị nghe rất hay nhưng rỗng tuếch và không thể nào biến thành luật được; luật lệ như vậy sẽ chỉ gây nên xáo trộn chính trị vì sẽ có những kẻ chỉ điểm tố cáo những người có tư tưởng cải cách là âm mưu làm loạn. Câu hỏi này lại liên quan đến một vấn đề khác. Xưa nay ta vẫn nghi ngờ rằng thay đổi luật lệ của một nước có mang lại lợi ích hay không, ngay cả bằng một đạo luật tốt hơn. Hãy xét xem, nếu những thay đổi không mang lại lợi ích, ta khó có thể tán thành đề nghị của Hippodamus, bởi vì, người ta có thể dùng danh nghĩa làm lợi cho quốc gia để đưa ra những thay đổi có hại cho luật pháp hoặc cho cơ cấu chính trị. Nhưng vì ta đang bàn đến vấn đề này, có lẽ ta cũng nên đi sâu vào chi tiết thêm một chút. Bởi vì cũng có những ý kiến khác nhau rằng đôi khi cũng cần có những sự thay đổi, như trong các loại nghệ thuật hoặc khoa học khác có những sự thay đổi mang lại lợi ích, thí dụ như trong ngành y khoa hoặc thể dục, có những thay đổi khác hẳn cách sử dụng theo truyền thống. Và nếu chính trị cũng là một nghệ thuật, thì tương tự như vậy, sự thay đổi cũng cần thiết trong chính trị. Thực tế đã chứng minh là thay đổi các phong tục đơn sơ và man rợ thời cổ là một sự cải thiện, thí dụ như tục lệ người Hy Lạp thời cổ đi đâu cũng đeo theo vũ khí và mua vợ của nhau. Những tục lệ cổ còn truyền lại cho chúng ta cũng khá vô lý, như tại Cumae có một đạo luật về sát nhân, theo đó nếu kẻ tố cáo tìm đủ số nhân chứng trong vòng họ hàng của hắn, thì kẻ bị cáo bị coi như là phạm tội sát nhân. Còn nữa, con người nói chung mong muốn điều tốt chứ không phải chỉ làm theo những gì ông cha đã làm. Nhưng những người tiền sử, dù là con người từ thuở sơ nguyên hay sống sót sau thiên tai, ta có thể nghĩ rằng họ cũng không khôn ngoan hơn những người bình thường hay những kẻ ngớ ngẩn trong chúng ta ngày nay (cứ xem những truyền thống của người thái sơ thì rõ); cho nên, thật là khôi hài nếu ta cứ theo những tục lệ này. Ngay cả đối với luật lệ đã được viết xuống thành văn, cũng không có nghĩa là chúng không thể thay đổi được. Chính trị, cũng giống như khoa học, chẳng ai có thể viết xuống một cách chính xác mọi điều. Pháp lệnh phải mang tính tổng quát, nhưng hành động thì lại phải cụ thể. Do đó, ta suy ra rằng đôi khi và trong một số trường hợp chắc chắn, luật pháp có thể được sửa đổi; nhưng nếu ta nhìn vấn đề dưới góc cạnh khác, thì ta cần phải thận trọng. Vì thói quen thay đổi luật lệ dễ dàng là một điều xấu, và khi mà những lợi ích do sự thay đổi này đem lại tương đối nhỏ, thì một số những khuyết điểm của nhà cầm quyền hay nhà lập pháp nên được để yên. Lý do là vì những lợi ích mà người dân có được qua sửa đổi nho nhỏ như vậy không sánh được với những mất mát sẽ xảy ra vì người dân lúc đó đã có thói quen bất phục tùng. Thật là sai lầm khi so sánh sự thay đổi trong nghệ thuật với sự thay đổi trong luật pháp; sự thay đổi trong luật pháp khác xa với thay đổi trong nghệ thuật. Luật pháp không có quyền lực nào để bắt buộc người dân phục tùng ngoại trừ quyền lực của tập quán, vốn dĩ đòi hỏi thời gian, cho nên giai đoạn chuyển tiếp từ luật cũ sang luật mới làm suy yếu quyền lực của luật pháp. Ngay cả khi ta đồng ý rằng cần phải sửa đổi luật pháp, có phải tất cả mọi đạo luật, trong mọi cơ cấu chính trị đều phải được thay đổi hay chăng? Và có phải là hễ ai thích thì cũng thay đổi được luật hay chỉ có một số người nào đó [có quyền thay đổi] thôi? Đây là những câu hỏi quan trọng, cho nên ta dành phần thảo luận này vào dịp khác thích hợp hơn.
[1] Các quan tòa thề là sẽ đưa ra phán quyết khi đã biết chắc chắn 100% là bị cáo có tội hay không. Nhưng trong trường hợp quan tòa không chắc chắn mà vẫn phải bỏ phiếu hoặc là có tội hoặc là vô tội, thì theo Hippodamus đó là sự bội thệ.
Chương IX
Khi quan sát các chính quyền của xứ Lacedaemon (Sparta) và Crete, và thực ra trong tất cả các chính quyền hiện hữu, có hai điểm cần để ý: thứ nhất, khi so sánh với một nhà nước toàn hảo, có bất kỳ một đạo luật nào là xấu hay tốt không; thứ hai, có đạo luật nào tương phản với nguyên tắc và đặc tính của hiến pháp không. Ai cũng công nhận rằng trong một nhà nước được tổ chức tốt, mọi công dân đều có thì giờ nhàn rỗi và không phải bận tâm đến việc phải lo lắng đến cái ăn, cái mặc. Nhưng có điều khó khăn là làm cách nào để bảo đảm là công dân có được thì giờ nhàn rỗi như vậy. Những nông nô xứ Thessaly vẫn thường nổi dậy chống lại chủ nhân, và những nông nô xứ Lacedaemon cũng thường nổi dậy chống lại chủ nhân, vì hoàn cảnh khốn khổ của họ khiến cho họ luôn chờ cơ hội để nổi dậy. Thế nhưng, những điều như vậy lại chưa hề xảy ra với người Crete; có lẽ là vì các lân quốc của Crete, ngay cả khi đánh lẫn nhau, cũng chưa bao giờ liên kết với các phần tử nông nô nổi loạn, họ không muốn khuyến khích nổi loạn vì ngay trong nước họ cũng có nông nô. Trong khi các lân bang của Sparta-Argos, Messenia, hay Arcadia-đều là kẻ thù của nước này. Ở Thessaly cũng thế, cuộc nổi dậy của nông nô xảy ra khi Thessaly đang giao chiến với các lân bang Achae, Magnesia, và Perrhaebi.[1] Hơn thế nữa, nếu không còn sự khó khăn nào khác, thì nguyên việc quản trị nô lệ đã là điều rắc rối rồi; bởi vì, nếu không dùng kỷ luật, thì bọn nô lệ trở thành láo xược và nghĩ rằng chúng cũng giỏi giang như chủ nhân, nhưng nếu đối xử với chúng khắc nghiệt một chút, thì chúng đâm ra căm tức và âm mưu làm phản. Như vậy, thật là rõ ràng khi xảy ra những việc nông nô gây loạn, điều này cho thấy là những nước có nô lệ chưa tìm được bí quyết để cai quản dân cư của mình.
Ngoài ra, phụ nữ Sparta lại được sống một cách phóng túng; điều này làm hỏng ý định của hiến pháp Sparta và đi ngược lại với hạnh phúc của quốc gia. Bởi vì chồng và vợ, mỗi người là một phần của gia đình, cho nên, quốc gia được chia đều ra làm hai phần: đàn ông và đàn bà. Vì vậy, tại những nước mà phụ nữ sống buông thả, phóng túng, thì một nửa nước phải coi như là chẳng có pháp luật gì hết. Và đó chính là điều đã thực sự xảy ra tại Sparta; các nhà lập pháp muốn cả nước trở nên mạnh mẽ và điều độ nên đã áp dụng các luật lệ đó trên đàn ông, nhưng lại quên không chú ý đến phụ nữ, để mặc họ sống xa hoa và phóng túng.
Hậu quả của điều này là sự sùng phụng của cải, nhất là khi người công dân lại bị vợ chi phối, một điều rất thường xảy ra trong các dân tộc hiếu võ, ngoại trừ người Celts và một số sắc dân khác công khai chấp nhận đồng tính luyến ái nam.[2] Tác giả các câu chuyện thần thoại đã có lý khi kết hợp Ares và Aphrodite,[3] vì các dân tộc hiếu võ đều có khuynh hướng yêu cả đàn ông lẫn đàn bà. Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng nổi bật trong thời hoàng kim của Sparta; hầu như mọi điều trong xứ này đều do phụ nữ quản trị. Nhưng mà liệu có khác gì không giữa việc phụ nữ cai trị và người cai trị lại bị phụ nữ cai trị? Không có gì khác hết, kết quả như nhau. Ngay cả đức tính can đảm, một đức tính không cần thiết trong sinh hoạt thường nhật, nhưng lại rất cần trong thời chiến, thì đức tính này cũng bị ảnh hưởng của phụ nữ Sparta làm hỏng. [Thí dụ như] trong cuộc xâm lăng của Theban vào Sparta, không giống phụ nữ các nước khác, phụ nữ Sparta hoàn toàn vô dụng trong việc ngăn giặc và còn tạo ra nhiều rối rắm hơn là sự tấn công của địch quân. Sự phóng túng của phụ nữ Sparta đã có từ xa xưa và cũng là điều dễ hiểu, vì trong những cuộc chiến tranh của Sparta, đầu tiên là chống lại xứ Argives, rồi sau đó đánh nhau với các xứ Arcadia và Messenia, nam giới phải đi chinh chiến xa nhà lâu ngày và quen với đời sống theo quân kỷ; cho nên, khi hết chiến tranh, họ trở về sẵn sàng sống dưới luật lệ do các nhà lập pháp đặt ra. Phụ nữ Sparta thì không thế, họ sống phóng túng quen rồi, thành thử khi Lycurgus dự định bắt buộc phụ nữ phải tuân theo luật lệ, ông bị chống đối dữ dội và đành bỏ ý định này. Những điều này là nguyên nhân của những điều đã thực sự xảy ra, và khuyết điểm của cơ cấu chính trị Sparta cũng từ đó mà sinh ra. Điều cần để ý ở đây không phải là nêu ra những điểm này để bào chữa cho khuyết điểm của cơ cấu chính trị, mà để xét xem điều gì là đúng và điều gì là sai. Sự phóng túng của phụ nữ [Sparta], như tôi đã trình bày ở trên, không những chỉ tạo ra những sự lộn xộn trong cơ cấu chính trị, mà còn có khuynh hướng làm tăng trưởng lòng tham nơi con người.
Dĩ nhiên khi nhắc đến lòng tham ta cũng phải nhắc đến những chỉ trích về sự bất bình đẳng tài sản. Trong lúc một số người có rất ít tài sản, thì những người khác lại có rất nhiều, như thế điền sản đã bị chuyển sang tay của một thiểu số. Sự kiện này là kết quả trực tiếp của những luật lệ sai lầm; vì, mặc dù nhà lập pháp[4] đã nêu rõ là việc buôn bán tài sản gia truyền là điều xấu xa, đáng khinh bỉ, nhưng mặt khác lại cho phép người dân được quyền cho tài sản hay để di chúc cho người khác. Cả hai cách này đều dẫn đến cùng một kết quả là có đến hai phần năm điền sản của Sparta thuộc quyền sở hữu của phụ nữ. Lý do là vì phong tục cho phụ nữ được thừa hưởng tài sản và nhận số hồi môn kếch xù. Tốt hơn hết là không nên đưa của hồi môn, hoặc là, nếu có phải đưa đi nữa, thì cũng chỉ nho nhỏ hay vừa phải thôi. Theo luật hiện hành thì người cha có quyền gả con gái (được thừa hưởng tài sản) cho bất cứ ai hợp ý mình, và nếu người cha chết trước khi để lại di chúc, người thừa kế được thừa hưởng quyền gả người con gái. Như thế, mặc dù Sparta có khả năng để duy trì 1500 kỵ binh và 30 ngàn bộ binh, nhưng tổng số công dân của Sparta đã xuống dưới mức 1000 người. Kết quả này chứng minh là luật pháp của Sparta nhiều lầm lỗi, và chỉ cần thua một trận thôi thì cũng đủ tiêu vong vì thiếu lính. Có một truyền thống trong đời các vị vua thời cổ, là cho phép người ngoại quốc được nhập tịch thành công dân Sparta, và vì vậy mà Sparta dù có phải chinh chiến lâu dài cũng không thiếu lính; thực ra, đã có lúc dân số lên tới mười ngàn người. Không biết điều này có đúng hay không, nhưng để duy trì dân số, thì tốt hơn vẫn là phân phối tài sản đồng đều. Nhưng khó lòng chỉnh sửa lại sự bất bình đẳng về tài sản vì bị điều luật liên quan đến sinh sản làm trở ngại. Các nhà lập pháp muốn gia tăng dân số càng nhiều càng tốt nên khuyến khích sinh sản; theo một đạo luật là hễ người cha nào có ba người con trai thì được miễn quân dịch, còn có tới bốn con trai, thì được miễn hết mọi nghĩa vụ công dân. Thế nhưng điều hiển nhiên là gia đình càng đông con, thì đất đai chia ra cho các con càng nhỏ lại, và thế là chẳng thể nào tránh được nhiều người sẽ lâm vào cảnh nghèo túng.
Cơ cấu chính trị của Sparta còn một khuyết điểm nữa; tôi muốn nói đến cơ quan Giám Sát Viện. Đây là một cơ quan có quyền lực cao nhất, nhưng Giám sát viên lại do toàn dân bầu ra trong đám thứ dân, cho nên các chức vụ này dễ rơi vào tay của những người nghèo túng, và những người nghèo thì lại dễ bị hối lộ. Điều tệ hại này đã thường xảy ra trong quá khứ, và gần đây nhất là sự việc liên quan đến người Andrian, một số Giám sát viên đã ăn hối lộ để làm cho quốc gia suy vong. Quyền lực của Giám Sát Viện quá lớn lao và độc đoán đến nỗi các vị vua còn phải tìm cách lấy lòng họ. Kết quả là quyền lực của hai cơ cấu này khiến cho cơ cấu chính trị bị suy đồi từ chế độ quý tộc biến sang dân chủ. [Dù sao] Giám Sát Viện cũng có vai trò giữ cho cơ cấu chính trị được tồn tại, vì thứ dân cảm thấy hài lòng khi thấy họ được dự phần vào cơ quan cao nhất nước; sự kiện này dù là do ý định của nhà lập pháp hay vì tình cờ mà quyết định như vậy, cũng có lợi cho đất nước. Một cơ cấu chính trị muốn được tồn tại, thì mọi thành phần dân chúng đều phải có ý thức và ý chí bảo vệ nó. Đối với Sparta điều này ta thấy hiển nhiên, trước hết là hai ông vua[5] muốn bảo vệ ngai vàng của họ, vì họ được hưởng mọi vinh dự, thứ đến là quý tộc vì họ được đại diện trong Nguyên lão Thượng viện (một hình thức tưởng thưởng cho tài năng và đức hạnh), và sau cùng là thứ dân, vì mọi người dân đều có thể được bầu vào Giám Sát Viện. Việc bầu giám sát viên từ trong đám thứ dân là một việc hoàn toàn đúng, nhưng không nên được thực hành theo cung cách hiện tại, vì cung cách này quá ấu trĩ.[6] Thêm nữa, các giám sát viên là những thứ dân, lại có quyền quyết định những việc hệ trọng, cho nên họ không nên tùy tiện quyết định theo ý riêng [như đang làm hiện nay], mà phải căn cứ vào các luật lệ đã được thành văn bản. Chưa hết, giám sát viên còn tùy tiện trong lối sống không phù hợp với tinh thần của hiến pháp. Họ có tự do muốn sống phóng túng như thế nào thì làm thế ấy, trong khi người dân thì lại bị luật lệ nghiêm khắc ràng buộc đến nỗi phải lén lút tìm cách thỏa mãn nhục dục.
Chưa hết, hội đồng trưởng lão (thượng viện) không phải là không có khuyết điểm. Mặc dù trưởng lão là những người có tài năng và được huấn luyện kỹ càng về các đức tính nam nhi, nên về phương diện này phải công nhận là có lợi cho quốc gia. Nhưng quy luật cho những trưởng lão này tại chức đến mãn đời là một điều cần phải bàn lại, vì trí óc cũng già đi theo thể chất. Và khi mà ngay cả nhà lập pháp cũng không thể tin được phương thức mà những trưởng lão đã được huấn luyện, thì đó là điều nguy hiểm. Nhiều nguyên lão đã mang tiếng là nhận hối lộ và mang tội thiên vị trong các vấn đề công cộng. Và như vậy họ phải chịu trách nhiệm trước những hành vi của họ, chứ không phải như hiện nay [dù gì đi nữa vẫn được tại chức cho đến mãn đời]. Nhưng (cũng có người lập luận), tất cả mọi viên chức đều chịu sự giám sát của Giám Sát Viên. Đúng thế. Nhưng đó là một đặc quyền quá lớn so với khả năng của họ, và tôi chủ trương rằng việc kiểm soát phải được thực hiện theo kiểu khác. Hơn nữa cách bầu cử trưởng lão cũng ấu trĩ vì theo luật hiện hành là những ai muốn được bầu thì phải ra ứng cử, trong khi những người thực sự tài đức phải được bổ nhiệm, dù có muốn làm hay không. Ở đây cũng như trong những phần khác của hiến pháp, hiển nhiên nhà lập pháp cho thấy ý định của mình là muốn công dân phải có lòng khát khao danh vọng và chức vụ, và ấn định đó là một tiêu chuẩn mà một trưởng lão cần phải có, vì chẳng có ai tự ra ứng cử nếu không muốn có danh vọng. Tuy nhiên, tham danh và tham lợi, hơn bất cứ nhiệt tình nào khác của con người, chính là động lực đưa đến tội ác.
Việc thiết lập các vị vua có lợi cho nhà nước hay không, tôi sẽ đề cập đến trong một dịp khác; nhưng các vị vua nên được lựa chọn theo tư cách và đời sống cá nhân thay vì cách thức hiện hành.[7] Nhà lập pháp hiển nhiên biết rằng không thể bắt các ông vua này trở thành người tốt được và rất nghi ngờ đức hạnh của họ. Vì lý do đó mà dân Sparta thường cấu kết với kẻ thù của nhà vua tại các sứ quán ở nước ngoài, và việc mà hai vua thường tranh cãi nhau lại được xem là một biện pháp bảo vệ an toàn cho nền chính trị.
Còn chính sách tạo nên những bữa ăn chung, còn được gọi là "phiditia," cũng không được điều hành tốt. Phí tổn cho những bữa ăn này nên được công quỹ đài thọ như ở Crete, nhưng ở Sparta thì mỗi người phải mang phần của mình đóng góp vào bữa ăn chung, việc này tạo ra khó khăn cho những người nghèo khó; cho nên, ý định tạo nên một định chế bình đẳng và phổ thông cho mọi người của nhà lập pháp hóa ra lại đưa đến phản tác dụng. Vì những người nghèo khó hầu như không thể tham dự vào các bữa ăn này, và theo tục lệ cổ truyền, những ai không góp phần vào bữa chung sẽ mất quyền giữ quốc tịch.
Luật pháp Sparta về chức vụ đô đốc hải quân cũng từng bị chỉ trích, mà chỉ trích thì cũng phải thôi, vì điều luật đó là nguồn gốc của bất đồng, chia rẽ. Hai ông vua là thống chế quân đội cho đến chết, cho nên lập nên đô đốc hải quân cũng như là lập nên một vị vua khác.
Điều mà Plato phê phán nhà lập pháp trong Luật Pháp cũng là những phê phán chính đáng. Toàn bộ cơ cấu chính trị của Sparta chỉ xiển dương một đức tính duy nhất; đó là đức tính của quân nhân - đức tính cần thiết để chiến thắng trong chiến tranh. Khi chiến tranh tiếp diễn, đức tính này giúp quân đội duy trì sức mạnh, nhưng khi đã tạo nên được đế quốc rồi, thì họ lại thất bại trong hòa bình vì không biết làm gì hết vì cả cuộc đời chỉ được huấn luyện để đánh nhau. Còn một lầm lỗi nữa, cũng lớn lao không kém; đó là, dù họ nhận thức đúng đắn là những điều tốt đẹp mà người ta mong muốn, như là hạnh phúc, danh vọng, hay những điều tương tự, chỉ đạt được bằng điều thiện và đức hạnh, nhưng họ lại lầm lẫn rằng những điều tốt đẹp mà họ mong muốn đó lại là những điều cao cả hơn đức hạnh.
Thêm một điểm nữa: tiền thuế nhà nước thu được đã bị quản trị quá tồi. Ngân khố không còn tiền bạc vì nhà nước phải lo chiến phí, nhưng người dân lại không muốn đóng thuế. Tiền thuế đóng cho nhà nước là thuế đánh trên điền sản, và dù đa số công dân Sparta là chủ điền, họ chẳng buồn quan tâm xem những người khác đóng thuế như thế nào. Kết quả mà nhà lập pháp định làm đã bị đảo ngược lại: làm cho nhà nước nghèo đi và người dân thêm tham lam.
Đến đây đã đủ cho những nhận xét của chúng ta về cơ cấu chính trị và những khuyết điểm chính
của Sparta.
[1] Perrhaebi là một tiểu quốc ở phía bắc Thessaly và luôn bị Thessaly kiểm soát.
[2] Phụ nữ Sparta có một vai trò rất đặc biệt. Họ được đối xử hầu như là bình đẳng với nam giới. Các bé gái được đi học như con trai (dù thời gian đi học có ngắn hơn con trai). Vì bản chất hiếu võ, đàn ông Sparta phải đi lính cho đến năm 31 tuổi, và phải ở trong trại lính; cho nên, việc nhà được các bà quán xuyến. Gia đình giàu hay nghèo là kết quả của tài quản trị của các bà nội trợ. Sự kiện này dẫn đến tình trạng các đấng nam nhi lại bị lệ thuộc vào vợ, từ chuyện gia đình cho đến quốc sự. Chính điều này khiến cho Aristotle lên án vai trò của phụ nữ trong chính trị Sparta. (theo tài liệu của Helen P. Schrader: http://elysiumgates.com/~helena/Women.html ).
[3] Ares (đọc theo tiếng Anh là ‘a: riz) là Thần Chiến tranh trong thần thoại Hy lạp, thường được mô tả là có tính khí nóng nảy, thất thường. Thần thoại La mã gọi Thần Chiến tranh là Mars. Aphrodite (đọc theo tiếng Anh: \a-frə-dai-ti\) là nữ thần tình yêu, tương đương với thần Vệ Nữ trong thần thoại La mã (Venus). Trong trường ca Iliad của Homer, Ares đã nhận lời của Athens để giúp phe Alchean chống lại phe Trojan, nhưng Aphrodite lại thuyết phục được Ares qua bên phía Trojans.
[4] Ám chỉ Lycurgus, còn được biết tới qua các tên Herodotus, Xenophon, và Plutarch, là nhà lập pháp của Sparta; tương truyền Lycurgus là hậu duệ đời thứ 11 của thần Hercules.
[5] Cơ cấu chính trị của Sparta gồm có 2 ông vua cùng trị vì, nguyên lão thượng viện, giám sát viện, và quốc hội. Nguyên lão thượng viện gồm 28 người từ 60 tuổi trở lên do quốc hội bầu ra và tại chức cho đến mãn đời. Nhiệm vụ của Viện Nguyên lão là xét xử về tư pháp và phê chuẩn các điều luật của quốc hội. Quốc hội gồm tất cả nam công dân từ 30 tuổi trở lên.
[6] Aristotle không giải thích thêm phương pháp bầu cử giám sát viên ấu trĩ như thế nào.
[7] Nền quân chủ của Sparta có hai vua đồng trị vì, hai vua này là dòng dõi của hai họ Agiads và Eurypontids, tương truyền là hậu duệ của cặp song sinh Eurythenes và Procles, con cháu của thần Hercules.
Chương X
Cơ cấu chính trị của Crete cũng gần giống như của Sparta, và ở một vài điểm cũng tốt bằng Sparta, nhưng phần lớn thì kém hơn về phần hình thức. Những bản hiến pháp cũ thường không chi tiết bằng bản hiện nay, và bản hiến pháp của Sparta thường được xem như là bản sao của Crete. Tương truyền, Lycurgus khi thôi không làm phụ chính cho vua Charillus, đã xuất ngoại và sống ở Crete một thời gian dài, vì hai nước có tương quan mật thiết với nhau. Lyctius [một thành phố của Crete] là thuộc địa của Sparta, và những người Sparta khi sang sinh sống ở đó sử dụng luôn hiến pháp đã có sẵn của dân Crete. Ngay cả cho đến bây giờ, người Perioeci, tức là dân Crete đã bị đô hộ, vẫn tuân theo những luật lệ nguyên thủy do Vua Minos[1] ban hành. Đảo quốc này, hình như vì thiên nhiên đặt định, nằm ở một vị trí dễ trở thành thuộc địa của Hy lạp. Chung quanh đảo quốc [về phía đông của Địa trung hải] là những vùng đất đã do người Hy lạp đến cư ngụ; về phía tây thì cũng không cách Peloponnese bao xa, còn về phía đông thì lại gần với Á châu ở vùng Triopium và Rhodes. Như thế, Minos đã chiếm được một đế quốc trên biển, chinh phục một số đảo và chiếm làm thuộc địa một số đảo khác, và cuối cùng [dùng vùng này làm bàn đạp] tiến công Ý đại lợi; Minos chết gần vùng Camicus, vùng đất gần đảo Sicily của Ý đại lợi.
Có nhiều điểm tương đồng giữa hiến pháp của Crete và Sparta. Nếu Sparta có những nông nô gọi là helots, thì Crete có những nông nô Perioeci. Dân cả hai xứ đều có những bữa ăn chung, người Sparta xưa kia gọi là "andria" (thay vì phiditia như ngày nay), và người Crete cũng gọi như vậy. Việc sử dụng từ ngữ như vậy chứng tỏ hệ thống dùng bữa ăn chung bắt nguồn từ Crete. Sự tương đồng giữa hai hiến pháp còn ở cơ cấu Giám Sát Viện mà người Crete gọi là Cosmi, điều khác nhau duy nhất là có 5 giám sát viên ở Sparta, và 10 người ở Crete. Nguyên lão thượng viện cũng tương tự như nhau, người crete gọi là hội đồng nguyên lão. Trước kia Crete cũng có quân chủ, nhưng sau này bị bãi bỏ, và cơ cấu Cosmi kiêm thêm nhiệm vụ lãnh đạo trong chiến tranh. Mọi công dân đều có quyền tham dự quốc dân đại hội (giống như dân Sparta), nhưng chỉ là để phê chuẩn các quyết định của hội đồng trưởng lão và giám sát viện Cosmi.
Bữa ăn chung của dân Crete cũng được tổ chức hay hơn ở Sparta; vì ở Sparta mỗi người đều phải đóng tiền cho phần ăn tiêu chuẩn của mình, và nếu mà không có đủ phương tiện để đóng tiền ăn, thì, theo luật, sẽ bị mất quyền công dân. Còn ở Crete thì bữa ăn chung đúng nghĩa là ăn chung hơn. Tất cả hoa màu, gia súc nuôi trên đất công, cùng với những tô tức do nông nô Perioeci trả cho chủ điền được chia làm ba phần: một phần là đồ tế lễ thần linh, một phần cho công quỹ, và một phần cho các bữa ăn chung. Vì thế mà đàn ông, đàn bà và con trẻ đều được hưởng sự hỗ trợ từ của công. Nhà lập pháp của Crete còn nhiều cách thức khôn khéo để giúp dân chúng giữ được chừng mực trong ăn uống, đó cũng là cách để giúp cho đất nước; tương tự như vậy, ông cũng khuyến khích vợ chồng không nên ở chung với nhau để tránh tình trạng có quá nhiều con cái, và cho phép đàn ông có quan hệ đồng tính với nhau - điều này tốt hay xấu, tôi sẽ có dịp bàn tới vào lúc khác. Nhưng bữa ăn chung của người Crete rõ ràng là được tổ chức tốt hơn ở Sparta.
Nhưng về khía cạnh khác, định chế Giám sát viện Cosmi của Crete lại tệ hơn Giám sát viện Ephor của người Sparta. Cũng giống như ở Sparta, giám sát viên do dân bầu ra và cũng không có tiêu chuẩn về khả năng nào được đề ra, nhưng ở Crete, khuyết điểm này không có được lợi thế chính trị như ở Sparta. Ở Sparta mọi người dân đều có tư cách được bầu vào Giám sát viện, vì vậy mọi người [đều cảm thấy là] mình có được dự phần vào việc nước, và như thế muốn gìn giữ hiến pháp được lâu dài. Còn ở Crete thì khác, giám sát viên được bầu ra từ một số gia đình mà thôi, chứ không phải cho tất cả mọi người, và các trưởng lão lại được bầu ra từ những cựu giám sát viên.
Hội đồng Nguyên lão của Crete cũng mắc những khuyết điểm như của Sparta. Sự kiện giữ chức vụ trọn đời và không bị chế tài [vì xét đoán sai lầm], cộng với quyền được tùy nghi xét xử theo ý riêng và không cần đếm xiả gì đến văn bản luật lệ, là điều nguy hiểm. Không thể viện lẽ rằng dù toàn thể dân chúng không được tham gia vào việc chọn lựa trưởng lão mà vẫn không bất mãn để cho rằng đó là một định chế tốt. Thực ra, điều khác biệt giữa Giám sát viện Cosmi và Ephor nằm ở chỗ Crete là một hòn đảo nên chẳng có lợi lộc gì và giám sát viên cũng không có cơ hội để tham nhũng.
Phương thuốc mà họ dùng để chữa điều xấu xa của cơ cấu chính trị này là một phương thuốc lạ lùng, thích hợp cho cơ cấu quả đầu hơn là cho một nhà nước theo hiến pháp. Vì các giám sát viên thường bị những người đồng viện hoặc dân thường âm mưu trục xuất ra khỏi Giám Sát Viện, và được phép từ chức trước khi mãn nhiệm. Chắc chắn rằng những việc như vậy tốt nhất vẫn là do luật pháp ấn định hơn là do ý định của con người. Tệ hơn cả là sự kiện cho phép Giám Sát Viện bị đình chỉ công tác, một phương thúc mà các nhà quý tộc thường sử dụng khi không chịu tuân phục theo quyết định của công lý. Điều này cho thấy chính quyền của Crete dù có những đặc tính của một nhà nước theo hiến pháp, thực ra là một chế độ quả đầu.
Những nhà quý tộc cũng có thói quen bầu ra người đầu đàn; họ tụ họp thành bè phái gồm dân thường và những bạn bè của họ, rồi tranh cãi lẫn nhau. Trong những lúc tranh cãi như vậy chẳng phải là nhà nước bị tiêu vong và xã hội bị phân rã? Một nước bị lâm vào cảnh nguy hiểm khi những kẻ nào muốn đánh đều có thể tấn công. Nhưng, như tôi đã nói rồi, đảo Crete được an ninh hoàn toàn nhờ vào địa thế của nó: khoảng cách giữa Crete đến các nước khác cũng giống như dân Sparta có luật cấm không cho người lạ vào trong nước; và người Crete cũng không bị ngoại bang đô hộ. Đó cũng là lý do tại sao nông nô Perioeci của Crete chấp nhận số phận của họ, trong khi nông nô Helot của Sparta lại thường hay nổi loạn. Nhưng sau này khi quân ngoại bang xâm lược tìm được cách tiến vào hòn đảo, thì những nhược điểm của cơ cấu chính trị Crete bị bộc lộ hoàn toàn. Tới đây, ta bàn cũng đã đủ về hiến pháp của Crete.
[1] Theo thần thoại Hy lạp, Minos là con của Zeus (chúa tể các thần linh) và nữ thần Europa. Sau khi chết Minos trở thành phán quan của Địa ngục (Hades).
Chương XI
Người Carthage[1] cũng được xem là có một mô hình chính trị tuyệt hảo, khác hẳn các nước khác về nhiều phương diện, dù trên vài phương diện lại rất giống Sparta. Thực ra, cả ba nước-Sparta, Crete và Carthage-đều gần giống nhau về cơ cấu chính trị, và rất khác biệt với các nước khác. Rất nhiều định chế của Carthage được xem là tuyệt hảo. Điều này được chứng minh bởi sự kiện là thường dân Carthage luôn trung thành với hiến pháp và người Carthage chưa bao giờ có cuộc nổi loạn đáng kể nào, và chưa hề bị cai trị bởi một bạo chúa.
Trong những điểm giống nhau giữa hiến pháp Carthage và Sparta có những điểm sau đây: bữa ăn chung tương tự như của Sparta, quan chức gồm 104 người tương tự như Giám sát viên của Sparta, nhưng khác ở chỗ giám sát viên của Sparta được lựa chọn theo bốc thăm, ai trúng thì được, còn Carthage lựa chọn quan chức theo tài năng, và đây là một sự cải thiện. Carthage cũng có vua và hội đồng trưởng lão tương tự như vua và hội đồng trưởng lão của Sparta. Nhưng vua của Garthage không giống như vua của Sparta, không theo cha truyền con nối trong một dòng họ; vua Carthage có thể được bầu ra từ bất kỳ gia đình nào nổi trội trong giai đoạn đó và theo tài năng chứ không theo tuổi tác-sự kiện này hay hơn Sparta rất nhiều. Vua chúa là những người nắm giữ quyền lực lớn lao, và vì thế, nếu họ là những kẻ chẳng ra gì, thì sẽ gây ra họa hoạn nhiều hơn lợi ích cho dân chúng, như đã xảy ra tại Sparta.
Phần lớn những khuyết điểm hay xa rời các nguyên tắc xây dựng một nhà nước toàn hảo mà hiến pháp Carthage mắc phải, cũng là những điều đã xảy ra cho các mô hình chính quyền ta đã bàn tới. Nhưng đối với Carthage, điều đáng nói là dù hiến pháp được xây dựng theo hình thức quý tộc, nhưng khi thì chính quyền lại đi chệch sang hướng dân chủ, khi khác lại đi theo hướng quả đầu. Khi nhà vua và các trưởng lão cùng nhất trí về một vấn đề nào đó, họ có thể xét xem nên hay không đưa vấn đề đó ra cho toàn dân bàn thảo, nhưng khi mà họ không nhất trí được với nhau, thì nhân dân vẫn có quyền bàn thảo và quyết định các vấn đề đó như thường. [Thêm nữa,] bất cứ vấn đề nào mà nhà vua và trưởng lão đưa ra, quốc dân không những bàn thảo mà còn quyết định các vấn đề đó, và bất cứ ai nếu thích cũng có thể phản đối các quyết định đó như thường. Điều này không được cho phép tại Sparta và Crete.
Mặt khác, Carthage cũng thiên về thể chế quả đầu, khi một ủy ban 5 người, một ủy ban đầy quyền lực, được hình thành bởi sự kết nạp, và có quyền lực chọn lựa hội đồng tối cao gồm 100 người, [không những thế] họ còn được giữ chức vụ lâu hơn các quan chức khác (vì họ thực sự là những nhà cai trị trước và sau khi giữ chức vụ). Còn sự kiện họ không lãnh lương và do dân bầu ra cùng các yếu tố khác như mọi vụ kiện tụng đều do các quan chức phân xử chứ không phải có vụ thì do quan tòa xử, có vụ lại do bồi thẩm xử như ở Sparta, là các đặc tính của chế độ quý tộc.
Hiến pháp Carthage còn rẽ từ quý tộc sang quả đầu, nhất là khi được công luận ủng hộ: bởi vì người dân thường nghĩ là các quan chức phải được lựa chọn không những vì tài đức mà còn vì họ là những người có của cải; họ nghĩ rằng người nghèo không thể cai trị giỏi vì không có thì giờ nhàn rỗi để suy nghĩ (vì còn bận lo sinh kế). Do đó, nếu quan chức được bầu chọn theo tài sản là đặc tính của chế độ quả đầu, và bầu chọn theo tài năng là đặc tính của quý tộc, thì phải có một hình thức thứ ba nữa cho hiến pháp của Carthage, vì tại đây, quan chức, đặc biệt là hàng cao nhất như vua và các đại tướng, được dân bầu ra theo cả tài năng và tài sản.
Nhưng ta phải nhận ra rằng, khi đi chệch hướng từ quý tộc sang quả đầu, nhà lập pháp đã phạm phải một sai lầm. Không có gì lại tuyệt đối cần thiết đối với thành phần thượng lưu, cả khi còn tại chức, lẫn khi thôi việc, cho bằng có được thì giờ nhàn tản và không phải làm những việc [để sinh sống] không xứng với địa vị của họ. Đó là việc mà nhà lập pháp phải lưu ý đầu tiên. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là dù của cải là điều cần thiết để bảo đảm cho các quan chức có thì giờ nhàn rỗi, nhưng đó cũng lại là điều xấu xa nếu để cho những kẻ có tiền có thể mua những chức vụ cao cấp nhất, như vua hay đại tướng. Điều luật cho phép điều này xảy ra sẽ khiến cho tiền của được coi trọng hơn đức hạnh, và khiến cho cả nước trở thành tham lợi. Bởi vì, khi những người đứng đầu quốc gia xem trọng điều gì, thì người dân sẽ lấy đó làm gương để bắt chước, và nếu tài đức không phải là điều được coi trọng bậc nhất, thì thể chế quý tộc sẽ không thành hình được. Ngoài ra, những kẻ dùng tiền của để mua địa vị, chắc chắn sẽ tìm cách để kiếm lại lời; vì khi người nghèo và trung thực còn muốn kiếm lợi, thì thật là khó tin nếu những kẻ xấu xa và lại tốn kém tiền của để mua chức vụ lại không [lợi dụng chức vụ] để kiếm lời. Như thế, ta nên kết luận rằng chỉ những người tài đức nhất mới xứng đáng là người cai trị. Và nếu nhà lập pháp không quan tâm đến việc bảo vệ những người tài không bị nghèo khó (khi nghỉ việc quan), thì ít nhất cũng phải cung cấp cho họ đủ ăn, đủ mặc (không bận tâm về sinh kế) khi tại chức.
[Thêm vào đó,] hiến pháp Carthage còn một khuyết điểm nhưng lại rất thịnh hành là để cho một người giữ nhiều chức vụ cùng một lúc; đây là một khuyết điểm vì bất cứ việc nào cũng vậy, chỉ được thực hiện tốt bởi một người mà thôi. Nhà lập pháp phải để ý đến việc này và không thể bổ nhiệm một người vừa làm nhạc sĩ thổi sáo vừa làm thợ đóng giày. Như thế, nếu đất nước rộng lớn, thì phương cách phân phối các chức vụ cho nhiều người sẽ phù hợp với hiến pháp và nguyên tắc dân chủ hơn. Vì như tôi đã nói, sự sắp đặt như vậy sẽ công bình hơn đối với tất cả mọi người, và bất cứ hành vi nào được lập đi lập lại thành thói quen sẽ được thực hiện tốt hơn và mau chóng hơn. Ta có bằng chứng về việc này trong phạm vi quân sự và hải quân; trong hai lãnh vực này bổn phận chỉ huy và phục tùng được áp dụng toàn bộ từ trên xuống dưới.
Chính quyền Carthage theo chính thể quả đầu, nhưng họ thực sự tránh được những điều xấu xa của thể chế này bằng cách gởi từng đợt dân chúng sang định cư tại các thuộc địa. Chính sách này xem ra là một phương thuốc tuyệt hảo và là một cách giúp cho đất nước được ổn định.[2] Nhưng chính sách này chỉ là một sự ngẫu nhiên mà có chứ không do ý định của nhà lập pháp, và nhà lập pháp phải có những biện pháp tiên liệu phòng ngừa khi dân chúng bất mãn nổi dậy chứ không thể cứ dựa vào ngẫu nhiên mà được. Một khi bạo loạn đã xảy ra thì khó mà vãn hồi lại được trật tự bằng pháp luật.
Đó là đặc tính đáng ca ngợi của cơ cấu chính trị Sparta, Crete và Carthage.
[1] Carthage là một thị-quốc nằm trên bờ biển Bắc Phi, nay thuộc Tunisia. Carthage, theo truyền thuyết La Mã được nữ hoàng Dido thành lập năm 814 BC. Vì nằm giữa vùng tranh chấp của các đế quốc Syracuse (nay là xứ Sicilia) và La Mã, Carthage nhiều lần bị xâm chiếm và cuối cùng bị người La Mã tiêu diệt vào năm 146 BC.
[2] Chính sách đưa dân sinh sống tại thuộc địa giúp cho tài sản được phân phối rộng rãi trong quần chúng, và do đó giữ cho xã hội được ổn định.
Chương XII
Trong số những nhân vật đã từng luận về chính quyền, một số chưa từng bao giờ tham chính và sống ẩn dật trong đời tư của họ; hầu như những điều đáng nhắc nhở về đóng góp của họ [cho học thuyết chính trị] đã được nhắc tới rồi. Những người khác là những nhà lập pháp tại nước của họ hay tại các nước ngoài; trong số những người này có người soạn thảo hiến pháp, có người giữ chức vụ trong ngành lập pháp; nhưng cũng có người làm cả hai việc như Lycurgus và Solon chẳng hạn.
Tôi đã bàn qua hiến pháp của Sparta [và Lycurgus]. Còn về Solon, ông được người đương thời coi trọng là một nhà lập pháp giỏi, là người đã chấm dứt sự độc quyền của chế độ quả đầu, giải phóng dân chúng, thiết lập nên nền dân chủ cổ đại của Athens, và hòa hợp được các phần tử khác nhau của quốc gia. Theo quan điểm của những người này, [những việc Solon đã làm như thiết lập] Hội đồng Areopagus mang tính chất quả đầu, các quan chức được bầu qua tài năng mang tính chất quý tộc, và tòa án nhân dân[1] mang tính chất dân chủ. Thực sự không phải vậy. Hội đồng và các quan chức được bầu cử đã diễn ra từ trước thời của Solon, và chỉ được Solon giữ lại mà thôi, nhưng chính ông thiết lập tòa án nhân dân, và như thế được coi như dựng lên nền dân chủ cho Athens, và cũng là lý do mà đôi khi ông bị chỉ trích vì khi cho tòa án nhân dân quyền tối cao, ông đã vô hình trung triệt tiêu quyền hành của các cơ cấu khác. Khi tòa án nhân dân trở nên quá mạnh, nhân dân trở nên một quyền lực chuyên chế, và những người kế nhiệm Solon đã chuyển hiến pháp cũ sang thể chế dân chủ hiện nay tại Athens. Ephialtes và Pericles hạn chế quyền lực của Hội đồng; Pericles còn bầy ra cách trả lương cho bồi thẩm, và như thế những kẻ mị dân theo sau cứ tăng thêm quyền lực của dân chủ như ta thấy ngày nay. Tất cả những điều này, dẫu sao, cũng chỉ là kết quả ngẫu nhiên chứ không phải do ý định của Solon. Chỉ vì nhân dân, sau khi đã đạt được vị thế bá chủ trên biển sau trận chiến với Ba Tư, cứ ngỡ mình là vĩ đại và đi theo sự lãnh đạo của những tên mị dân vô giá trị, thành phần mà những giai cấp thượng lưu coi chẳng ra gì. Riêng đối với Solon, ông là người đã tạo cho dân Athens một quyền lực duy nhất là bầu ra các quan chức và buộc quan chức phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình; nếu không có quyền này thì người dân sẽ vẫn ở tình trạng nông nô và trở thành kẻ thù của nhà nước. Tuy vậy, Solon vẫn không hoàn toàn tin tưởng vào sự sáng suốt của quần chúng. Tất cả quan chức đều xuất thân từ dòng dõi quý tộc và có tài sản như giai cấp pentacosio-medimni [có lợi tức từ đất đai từ 500 đơn vị trở lên], hoặc từ giai cấp zeugitae [lợi tức từ 200 đơn vị], hoặc từ giai cấp Hippeis (hiệp sĩ) [có lợi tức từ 300 đơn vị]. Giai cấp thứ tư, Thetes, [có lợi tức dưới 200] là thành phần lao động không được dự phần vào chính trị.
Những nhà lập pháp khác là Zaleucus, người làm luật cho xứ Epizephyrian Locrians [thuộc miền nam nước Ý], và Charondas, người làm luật cho xứ Catana và các xứ khác của Chalcidian thuộc Ý và Sicily. Có người lại cho rằng Onomacritus mới là người đầu tiên có khả năng lập pháp, và ông ta, dù sinh ra tại Locrian, lại được huấn luyện tại Crete về nghệ thuật tiên tri, và Thales là bạn đồng song, và Lycurgus cùng Zaleucus là học trò của Thales, cũng như Charondas là học trò của Zaleucus. Nhưng những điều này không phù hợp với những gì sử sách ghi chép lại.
Ngoài ra còn có Philolaus, người xứ Corinth, là nhà lập pháp của xứ Thebes. Nhân vật Philolaus thuộc dòng dõi Bacchiadae và là tình nhân của Diocles, nhà vô địch chạy bộ Olympic (kỳ thứ bảy năm 752 B.C.) Diocles đã phải bỏ xứ Corinth vì muốn tránh tình yêu trái luân thường của bà mẹ Halcyone dành cho ông nên sang sinh sống tại Thebes, Philolaus cũng đi theo sang Thebes và hai người sống với nhau cho đến cuối đời. Mộ của hai người còn tồn tại cho đến nay, truyền thuyết cho rằng trước khi chết hai người để di chúc xây mộ theo hai hướng khác nhau; ngôi mộ của Diocles xoay về hướng đối nghịch với Corinth vì ông không muốn nhìn thấy Corinth nữa. Mộ của Philolaus được xây theo hướng ngược lại. Đó là lý do tại sao họ đến sống tại Thebes, và Philolaus trở thành nhà lập pháp cho xứ này. Một trong những luật lệ Philolaus làm ra là luật giới hạn nhân số trong gia đình.[2]
Luật lệ do Charondas lập ra không có gì đặc biệt, ngoại trừ luật trừng phạt những kẻ làm chứng gian. Ông là nhà lập pháp đầu tiên lên án việc làm chứng gian và luật lệ ông đặt ra còn chính xác và được diễn tả chi tiết hơn cả luật lệ của các nhà làm luật hiện đại.
(Đặc tính của luật Phaleas là sự bình quân hóa tài sản; của Plato là thiết lập cộng đồng chung vợ, con, tài sản, phụ nữ dùng bữa ăn chung, và luật về uống rượu, theo đó kẻ tỉnh táo sẽ làm chủ buổi tiệc rượu, và quân lính phải được huấn luyện để sử dụng vũ khí thuần thục cả hai tay).
Draco cũng làm luật, nhưng luật lệ ông làm ra đều hợp với hiến pháp hiện hành nên không có gì đáng nói tới, ngoại trừ các hình phạt thật nặng cho các tội phạm.
Pittacus[3] cũng là một nhà lập pháp chứ không phải là nhà lập hiến. Ông đưa ra một đạo luật rất đặc biệt là nếu người say phạm tội , thì sẽ bị phạt nặng hơn người tỉnh. Ông không chấp nhận lý do bào chữa là vì say nên người ta phạm tội, mà cho rằng người say thì dễ phạm tội hơn là người tỉnh.
Androdamas của xứ Rhegium là nhà làm luật cho dân Chalcidian thuộc xứ Thrace. Một số những luật lệ này liên quan đến án mạng và quyền thừa kế của phái nữ; ngoài ra không có gì đặc biệt.
Tới đây chúng ta hãy ngừng việc khảo sát những hiến pháp khác nhau đã từng được thực thi hay do các nhà lý luận đề ra.
[1] Thẩm phán của tòa án nhân dân do dân bầu ra theo lối rút thăm chính là hình thức dân chủ.
[2] Philolaus muốn hạn chế nhân số trong gia đình tương ứng với tài sản mà gia đình đó sở hữu. Có lẽ Philolaus nhớ tới những điều Aristotle chỉ trích Phaleas (chương VII) về việc bình quân tài sản của các hộ gia đình mà không để ý tới mức sinh sản của từng hộ. Một gia đình càng đông con thì tài sản chia cho chúng càng ít đi.
[3] Pittacus là một trong Thất Hiền của Hy Lạp: Solon, Thales, Pittacus, Cleobulus, Bias, Myson, và Chilon
0 comments
Post a Comment