Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Thursday, August 29, 2013

Parménide (phần 4) - PLATON

PARMÉNIDE
PLATON (khoảng 427-347tcn)

Giả thuyết thứ ba:
Nếu cái Đơn nhất tồn tại và không tồn tại
(Phân tích về sự thay đổi)

- “Chúng ta hãy trình bày nghiên cứu dưới một dạng thức khác. Nếu cái Đơn nhất tồn tại, như thể những lập luận của chúng ta đã chứng minh, nghĩa là một mặt nó là đơn nhất và đa tạp, một mặt nó là không đơn nhất cũng không đa tạp, đằng khác, nó còn có chân trong thời gian, thì có phải vì nó là Đơn nhất mà tất yếu đối với nó phải không tồn tại thì phải có một khoảnh khắc theo đó nó có chân trong tồn tại và vì nó không tồn tại thì phải có một khoảnh khắc theo đó nó không thông dự gì vào tồn tại cả, phải không?”
- “Phải, tất nhiên”.
- “Vậy thì đối với nó sẽ có thể rằng khi nó thông dự thì không thông dự, hoặc rằng khi nó không thông dự thì lại thông dự được không?”
- “Không thể được”.
- “Vậy thì thời gian theo đó nó thông dự lại khác: đó là cách thức duy nhất theo đó nó có thể thông dự và không thông dự vào cùng một thực tại”.
- “Ngài có lý”.
- “Vậy thì còn có một thời gian trong đó nó có chân trong tồn tại và một thời gian trong đó nó lại từ biệt nó không? Vì rằng làm thế nào có thể có một khoảnh khắc theo đó nó sở hữu, rồi một khoảnh khắc theo đó nó không sở hữu, nếu cùng có một khoảnh khắc theo đó nó tiếp thu hay từ khước?”
- “Điều đó không thể được”.
- “Có chân trong tồn tại có phải điều chàng gọi là sinh ra không?”
- “Thưa phải”.
- “Và từ biệt tồn tại có phải là tiêu vong không?”
- “Chính thế”.
- “Vậy vì từ biệt tồn tại và tiếp thu tồn tại, cái Đơn nhất mới sinh ra và tiêu vong, phải không?”
- “Tất nhiên”.
- “Vậy một khi đơn nhất và đa tạp, sinh ra và tiêu vong được, có phải sự sinh ra của nó như Đơn nhất không phải sự tiêu vong của nó như Đơn nhất, không phải sự tiêu vong của nó như đa tạp và sự sinh ra của nó như đa tạp, không phải sự tiêu vong của nó như Đơn nhất, không?”
- “Nhất định”.
- “Nhưng đối với nó, trở thành đơn nhất và đa tạp có phải tất yếu là sự ly gián và tự hòa hợp không?”
- “Thưa phải”.
- “Và trở thành tương tự và bất tương tự, có phải tự đồng hóa và tự bất đồng hóa không?”
- “Thưa phải”.
- “Trở thành to lớn hơn, nhỏ bé hơn, ngang bằng với, có phải mọc lên, héo đi, tự đặt mình ngang hàng không?”
- “Dĩ nhiên”.
- “Nhưng vì vận động là tự bất động; vì tự bất động là chuyển sang vận động; dĩ nhiên nó chỉ có thể làm điều đó vào lúc nó không tồn tại trong một thời gian nào cả?”
 - “Thưa ngài muốn nói gì ạ?”
- “Trước hết bất động, rồi sau đó tự vận động; trước hết vận động, rồi sau đó nằm im, nó chỉ có thể tiếp thu những trạng thái khác nhau đó bằng sự thay đổi mà thôi”.
- “Hiển nhiên”.
- “Dĩ nhiên không bao giờ có một thời gian trong đó cùng một sự vật có thể đồng thời không bị động mà cũng không bất động được.”
- “Hẳn nhiên không”.
- “Nhưng ngay trong khi thay đổi, nó không thể làm như thế mà không thay đổi”.
- “Nó có thể thực như vậy”.
- “Vậy khi nào nó thay đổi? Vì không phải nó thay đổi khi nó bất động hay vận động”.
- “Quả thế”.
- “Vậy có phải trong sự việc kỳ dị này mới nói được rằng nó thay đổi không?”
- “Điều kỳ dị đó là gì ạ?”
- “Là khoảnh khắc. Thực thế, hình như đây là ý nghĩa của khoảnh khắc, tức là khởi điểm của của hai sự thay đổi nghịch chiều nhau. Vì không hề bao giờ từ sự bất động còn bất động mà phôi thai ra sự thay đổi; cũng không hề bao giờ từ vận động còn bị động mà khởi phát lên được sự di chuyển. Đó mới chính là bản chất kỳ dị của khoảnh khắc, một bản chất vì nằm giữa vận động và bất động, bên ngoài mọi thời gian, nên nó mới đúng vừa là tận điểm vừa là khởi điểm cho sự thay đổi của động cơ di chuyển sang im lìm cũng như cho sự thay đổi của cái bất động di chuyển sang vận động”.
- “Điều đó rất có thể đúng”.
- “Như vậy, chính vì là sự bất động vừa vận động, cái Đơn nhất sẽ phải thay đổi để di chuyển từ một trạng thái này sang những trạng thái khác đó cũng như để di chuyển sang trạng thái khác vậy: vì chỉ với điều kiện đó nó mới có thể thực hiện cả hai trạng thái đó. Nhưng khi tiến hành sự thay đổi đó, thì chỉ trong khoảnh khắc mà nó thay đổi; và trong khi nó thay đổi, nó sẽ không ở trong một thời gian nào, cũng như nó không thể là vận động hay bất động được”.
- “Dĩ nhiên”.
- “Vậy đối với những thay đổi khác có như vậy được không?”
- “Chắc được”.
- “Vậy đối với những thay đổi khác có như vậy không? Khi nó tiến hành sự thay đổi của nó từ tồn tại sang tiêu diệt hay từ không tồn tại sang sinh ra, nó có ở trong khoảnh khắc giữa hai trạng thái vận động và im lìm không, và trái lại, nó nó không ở trong sự kiện là tồn tại hay không tồn tại, cũng không ở trong sự kiện sinh ra hay tiêu diệt không?”
- “Ít ra điều đó cũng có thể”.
- “Vậy cùng vì lý do đó, một khi nó đang trên đường di chuyển từ cái Đơn nhất và từ cái đa tạp chuyển sang cái Đơn nhất, nó không là đơn nhất cũng không là đa tạp, nó không tự phân chia cũng không tự hòa hợp. Cũng thế, trong sự chuyển hóa của nó từ cái tương tự sang cái không tương tự tự là bất tương tự, không đồng hóa cũng không bất đồng hóa. Rồi có từ cái nhỏ bé di chuyển sang cái to lớn và cái ngang bằng hay ngược lại, trong thời gian đó, nó sẽ không là nhỏ bé cũng không là to lớn cũng không là ngang bằng cũng không là thăng tiến cũng không là suy thoái, cũng không là ngang bằng”.
- “Có thể có thực”.
- “Đó là những hệ luận mà cái Đơn nhất phải chấp nhận, nếu nó tồn tại”.
- “Không có gì phải hoài nghi cả”.

Giả thuyết thứ bốn
Nếu cái Đơn nhất tồn tại, những cái Khác sẽ ra sao?

- “Có nên tranh luận về một vấn đề khác nếu như cái Đơn nhất tồn tại thì những hệ luận nào sẽ xảy ra đối với những cái Khác”.
- “Chúng ta tranh luận nào”.
- “Vậy một khi giả thiết cái Đơn nhất tồn tại, chúng ta sẽ phải nói đến hệ luận tất yếu nào sẽ xảy ra đối với những cái Khác với cái Đơn nhất?”
- “Tôi xin sẵn sàng”.
- “Vậy chính vì chúng là những gì khác với cái Đơn nhất, nên tất nhiên chúng không phải cái Đơn nhất; nếu không không bao giờ chúng sẽ là những cái Khác với cái Đơn nhất được”.
- “Đúng”.
- “Nhưng không phải chúng hoàn toàn khiếm khuyết không có gì của Đơn nhất, trái lại chúng có tham dự phần nào trong đó”.
- “Bằng cách nào nhỉ?”
- “Ta nghĩ bằng cách này: những cái Khác sở dĩ khác với cái Đơn nhất vì chúng có những thành phần, vì nếu không có thành phần, có lẽ chúng đã là đơn nhất rồi”.
- “Ngài có lý”.
- “Nhưng theo ta, chỉ có những thành phần của cái gì là một toàn bộ”.
- “Một cách tuyệt đối, theo chúng ta”.
- “Nhưng một toàn bộ xét là toàn bộ tất nhiên là đơn tính xuất phát từ cái đa tạp, đơn tính của những gì là những thành phần; vì mỗi thành phần phải là thành phần, không phải của một đa tính mà là của một toàn bộ”.
- “Như thế nào nhỉ”.
- “Thành phần của một đa tính trong đó có lẽ nó sẽ có cấp bậc của nó, thành phần sẽ là thành phần của chính mình, đó là điều không thể, và mỗi thành phần của mỗi đơn vị cái này sau cái kia, vì nó là thành phần của tất cả. Nếu nó không là thành phần của cái Đơn nhất, nó sẽ là thành phần của tất cả những cái Khác, ngoại trừ cái Đơn nhất đó; nó sẽ không là thành phần của mỗi cái Đơn nhất tiếp theo, và vì nó không là thành phần của mỗi cái, nó sẽ không là thành phần của một cái nào trong đa tính đó cả. Một khi không là thành phần của một cái nào, thì tồn tại là cái gì đối với tất cả những đơn vị trong đó nó không là gì cả đối với một cái nào, nghĩa là hoặc thành phần là cái gì khác, đó là điều không thể đối với nó”.
- “Có lẽ đúng như vậy”.
- “Vậy không phải của đa tính, cũng như không phải của tất cả các đơn vị của nó mà thành phần là thành phần: một hình thức duy nhất nào đó, một đơn nhất nào đó mà ta gọi là toàn bộ, đơn tính hoàn chỉnh xuất phát từ toàn thể, đó là cái mà thành phần là thành phần”.
- “Hoàn toàn chính xác”.
- “Vậy nếu những cái Khác có những thành phần, thì chúng cũng sẽ thông dự vào toàn bộ và vào cái Đơn nhất”.
- “Rất chính xác”.
- “Như vậy, tất yếu những cái Khác là một toàn bộ, một đơn tính hoàn chỉnh, có những thành phần”.
- “Tất nhiên”.
- “Nhưng về bất kỳ một thành phần đơn lẻ nào dù là đơn lẻ cũng phải nói như vậy; vì nó cũng sẽ tất yếu thông dự vào cái Đơn nhất. Vì nếu mỗi cái là thành phần, thì chắc chắn “là mỗi thành phần đều nói lên một cái gì của đơn nhất, rất phân biệt với cái Khác và, ngược lại, tồn tại trong tồn tại riêng tư của chúng, vì mỗi cái đều phải tồn tại”.
- “Chính xác”.
- “Nhưng để thông dự vào cái Đơn nhất, hiển nhiên nó phải khác với cái Đơn nhất; nếu không, không còn phải thông dự nữa mà là tự mình đơn nhất thôi; đang khi đó ta tưởng tượng không một cái gì ngoài cái Đơn nhất có thể là đơn nhất được”.
- “Quả là không thể”.
- “Nhưng thông dự vào cái Đơn nhất chắc chắn là một tất yếu đối với cái toàn bộ vừa đối với thành phần. Toàn bộ sẽ là toàn thể tính một, mà những thành phần sẽ là những thành phần. Còn thành phần mỗi lần nó là thành phần của một toàn bộ, sẽ là thành phần đơn nhất và cá thể của toàn bộ”.
- “Chính thế”.
- “Nhưng những thành viên thông dự vào cái Đơn nhất có sẽ khác với cái Đơn nhất trong lúc chúng thông dự vào đó không?”
- “Không thể hoài nghi được”.
- “Ta tưởng tượng, khác với cái Đơn nhất, chúng sẽ là đa tạp; vì rằng những cái Khác với cái Đơn nhất nếu không là đơn nhất cũng không là nhiều hơn đơn nhất, thì chúng sẽ không là gì cả”.
- “Chính thế”.
Giới hạn và vô giới hạn
- “Vì là những gì tham dự vào cái Đơn nhất, thành phần và là những gì tham dự vào cái Đơn nhất – toàn bộ thì chúng là những gì còn nhiều hơn cái một, vậy chúng có thiết yếu là đơn tính vô hạn, chính vì chúng có chân trong cái Đơn nhất không?”
- “Tại sao như thế được?”
- “Chúng ta hãy xem đây. Chúng có chân trong đó thật, nhưng có phải chúng không hề là một và chúng cũng không hề có chân trong cái Đơn nhất, chính vào lúc chúng có chân trong đó, không?”
- “Rất hiển nhiên”.
- “Có phải khi đó chúng là đa tính, trong đó không có mặt cái Đơn nhất không?”
- “Hiển nhiên là đa tính rồi”.
- “Vậy thì nếu bằng tư tưởng của chúng ta chiết tính từ đó ra một mẩu nhỏ nhất đi, thì cái được chiết tính đó, vì không hề thông dự vào cái Đơn nhất, sẽ thiết yếu là đa tính nữa không và không thể là cái một nữa không?”
- “Thiết yếu”.
- “Vậy nếu cân nhắc và tái cân nhắc thì cái bản chất xa lạ với hình thức vừa được chiết tính như thế, sẽ có là đa tính vô hạn theo tất cả những gì mỗi lần chúng ta nhận thức ra được không?”
- “Hoàn toàn như thế”.
- “Tuy nhiên, một khi mỗi thành phần từng cái một đã trở thành thành phần lập tức nó tự thấy mình bị giới hạn vừa bởi những thành phần khác vừa bởi cái toàn bộ; và chính cái toàn bộ này cũng bị giới hạn bởi những thành phần”.
- “Đương nhiên”.
- “Như vậy những cái Khác với cái Đơn nhất đã có cộng đồng vừa với cái Đơn nhất vừa với chúng nữa; và chính từ đó mà hình như mới nảy sinh ra một sự thặng dư kỳ dị, đó là một cái gì đem lại cho chúng sự giới hạn đối với lẫn nhau. Còn về bản chất riêng của chúng, nó chỉ mang lại cho chúng toàn những vô giới hạn mà thôi”.
- “Hình như vậy”.
- “Như thế những cái Khác với cái Đơn nhất vừa như những toàn bộ vừa như những thành phần, đều là vô hạn và là những gì thông dự vào giới hạn”.
- “Hoàn toàn đúng”.
Tương tự và bất tương tự
- “Hơn nữa, chúng có sẽ vừa tương tự vừa bất tương tự đối với chính chúng và những cái này đối với những cái kia không?”
- “Vì lý do gì?”
- “Vì lý do chính đáng là vì tất cả chúng đều bị vô giới hạn do tính bản chất riêng của chúng, nên tất nhiên chúng bị chi phối bởi cùng một đặc tính”.
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Đằng khác, chính vì tất cả chúng đều thông dự vào giới hạn thì cũng chính vì vậy tất cả chúng còn bị chi phối bởi cùng một đặc tính”.
- “Chắc chắn thế rồi”.
- “Nhưng chính vì đã được kết cấu vừa là bị giới hạn, vừa là bị vô giới hạn, nên chúng mới bị chi phối bởi những đặc tính đối nghịch với nhau đến mức đó”.
- “Đương nhiên”.
- “Nhưng những cái đối nghịch thì cũng bất tương tự đến hết mức như vậy”.
- “Làm sao như thế được nhỉ?”
- “Vậy những cái Khác với cái Đơn nhất sẽ có tương tự với chính chúng và giữa chúng với nhau do sự chi phối này hay do sự chi phối kia. Do sự chi phối này hay sự chi phối kia hợp lại, trong quan hệ này hay trong quan hệ kia chúng sẽ là đối nghịch đến cực độ và bất tượng tự đến cực độ”.
- “Đó là điều đáng ngại”.
- “Nếu những cái Khác với cái Đơn nhất vừa tương tự vừa bất tương tự đối với chính chúng và đối với lẫn nhau”.
- “Phải”.
- “Và chúng cũng sẽ là bất động và vận động; và tất cả sự đối nghịch giữa những sự chi phối đó, chúng ta sẽ dễ phát hiện ra trong những cái Khác với cái Đơn nhất, vì một lý do hiển nhiên rằng chúng ta đã phát hiện ra trong chúng cùng những sự bị chi phối như nhau”.
- “Đó là lý luận rất đúng đắn”.

Giả thuyết thứ năm:
Nếu cái Đơn nhất tồn tại, một cách tiêu cực những cái Khác sẽ ra sao?

- “Vậy thôi, không triển khai những hiển nhiên đó nữa, nhưng nếu lập lại việc nghiên cứu giả thuyết của chúng ta nói rằng: cái Đơn nhất tồn tại thì những khẳng định trên đây có phải những khẳng định duy nhất có thể có, và những phủ định của chúng có thể gán ghép cho những cái Khác với cái Đơn nhất không?”
- “Chắc chắn là có thể”.
- “Vậy chúng ta hãy bắt đầu lại nói rằng: nếu cái Đơn nhất tồn tại thì những hệ luận nào sẽ do đó xuất hiện đối với những cái Khác”.
- “Xin theo lệnh của ngài”.
- “Trước hết cái Đơn nhất có tồn tại tách rời với những cái Khác và những cái Khác tồn tại tách rời với cái Đơn nhất không?”
- “Tại sao vậy?”
- “Ta nghĩ rằng vì bên ngoài chúng ra không còn cái thứ ba nào cả, tức là không còn một cái gì khác khác với cái Đơn nhất và khác với những cái Khác”.
- “Phải, chính đó là tất cả”.
- “Vậy thì ở đó không còn gì thêm nữa và khác chúng, ở đó chung cả cái Đơn nhất cả những cái Khác, có thể có được một chỗ đứng chung”.
- “Chắc chắn là không”.
- “Vậy cái Đơn nhất và những cái Khác và những cái Khác không bao giờ ở chung với nhau được.”
- “Hình như vậy”.
- “Vậy chúng tồn tại biệt lập nhau sao?”
- “Phải”
- “Đằng khác, theo chúng ta cái chính thực là Đơn nhất nhất thì chăng hề có những thành phần”.
- “Đương nhiên”.
- “Vậy cái Đơn nhất sẽ không tồn tại trong những cái Khác bằng toàn bộ của nó cũng không bằng những thành phần của nó vì nó tách biệt với những cái Khác và không hề có những thành phần”.
- “Hiển nhiên”.
- “Vậy những cái Khác sẽ không thông dự gì cả vào cái Đơn nhất, vì chúng không thông dự gì vào đó, bằng một thành phần nào hay bằng toàn bộ của nó”.
- “Có lẽ thế”.
- “Vậy chúng không là đơn nhất theo bất cứ quan hệ nào và trong chính bản thân chúng cũng không có gì là đơn nhất cả”.
- “Dĩ nhiên không”.
- “Vậy chúng cũng không là đa tính nữa. Vì mỗi cái trong đó có thể là thành phần của toàn bộ, nếu chúng là đa tính; nhưng những cái Khác với cái Đơn nhất không là đơn nhất cũng không là nhiều cái, không là cái toàn bộ cũng không là những thành phần, vì chúng không thông dự gì cả với những cái Đơn nhất theo bất cứ quan hệ nào”.
- “Đúng thế”.
- “Vậy thì chúng cũng không là và hơn nữa cũng không chứa đựng hai hay ba, vì tất cả mọi phương diện chúng đều khiếm khuyết không có cái Đơn nhất”.
- “Chắc thế”.
- “Chính những cái Khác cũng không tương tự và bất tương tự với cái Đơn nhất, và không hề chứa chấp tính tương tự và tính bất tương tự. Vì nếu là tương tự thì có thể nói rằng những cái Khác với cái Đơn nhất có thể có trong chính chúng, tính tương tự và tính bất tương tự là hai hình thức đối nghịch nhau”.
- “Hình như vậy”.
- “Nhưng dù có dự phần vào hai dù những cái hai đó là đi nữa thì đó là một điều chủ yếu không thể đối với cái gì không hề dự phần vào cái Đơn nhất”.
- “Hoàn toàn không thể”.
- “Vậy những cái Khác không là tượng tự cũng không là bất tương tự, không là thế này hay thế kia đồng thời. Là tương tự hay bất tương tự với cái Đơn nhất, chúng sẽ không dự vào một hay hai hình thức; tương tự và bất tương tự chúng sẽ có chân trong cả hai hình thức đối nghịch nhau. Nhưng đó là điều tỏ ra không thể”.
- “Đúng”.
- “Vậy chúng không là đồng tính cũng không là dị tính, không là vận động cũng không là bất động, không là sinh ra cũng không là tiêu vong, không là lớn cũng không là nhỏ cũng không là ngang bằng và chúng không bị chi phối bởi một đặc tính nào loại đó cả, thì khi đó chúng sẽ tham dự vào một, vào hai, vào ba, vào số chẵn và vào số lẻ; một sự tham dự mà ta đã nói là không có thể đối với chúng, vì chúng khiếm khuyết không có cái Đơn nhất theo tất cả mọi quan hệ và trong tất cả mọi mức độ”.
- “Đó là điều không gì đúng hơn”.
- “Như vậy nếu cái Đơn nhất tồn tại, nếu so sánh nó với chính nó hay với những cái Khác thì cái Đơn nhất là tất cả chúng và không phải đơn nhất”.
- “Hoàn toàn chính xác”.

Giả thuyết thứ sáu:
Nếu cái Đơn nhất không tồn tại, những hệ luận gì sẽ xảy ra đối với nó?

- “Thôi được. Nhưng chúng ta có phải cứu xét xem những hậu quả nào sẽ xảy ra, nếu cái Đơn nhất không tồn tại không?”
- “Lẽ tất nhiên phải cứu xét”.
- “Vậy tự nó giả thuyết đó là gì, tức là nếu cái Đơn nhất không có? Nó có khác gì với một giả thuyết khác: tức là cái không Đơn nhất không có, không?”
- “Chắc chắn là có khác”.
- “Nó chỉ khác thôi sao một đằng, cái không Đơn nhất không có, một đằng cái Đơn nhất không có, đó không phải là hai phát biểu hoàn toàn đối nghịch sao?”
- “Hoàn toàn đối nghịch nhau”.
- “Nhưng hãy giả thuyết những phát biểu khác đi: nếu sự to lớn không có, nếu sự nhỏ bé không có, nếu cái gì khác như vậy không có. Ở đó chủ ý há không rõ rệt muốn nói rằng cái gì không có một cái gì mỗi lúc mỗi khác biệt hay sao?”
- “Rất rõ rệt”.
- “Vậy phát biểu đang nói tới đây: “nếu cái Đơn nhất không tồn tại” há không rõ rệt sao, nghĩa là khi nói nó không tồn tại tức là muốn hiểu đó là cái gì khác biệt với những cái Khác? Và chúng ta biết nó muốn nói gì rồi?”
- “Chúng ta biết”.
- “Vậy đó là nói tới một cái gì, trước hết là khả tri, thứ đến là khác biệt với những cái Khác, khi phát biểu về cái Đơn nhất bằng cách gán thêm cho nó hoặc tồn tại, hoặc không tồn tại; vì không phải chúng ta không biết được cả chủ thể của cái không tồn tại đó là gì, và rằng nó khác biệt với những cái Khác nữa, phải thế không?”
- “Tất nhiên”.
Nhiều cách thái thông dự
- “Vậy chính theo ý nghĩa đó mà chúng ta sẽ trình bày ngay từ đầu những điều cần công nhận trước hết cho nó là: khi nói rằng “nếu cái Đơn nhất không tồn tại” thì đương nhiên đã công nhận rằng chúng ta có thể nhận thức về nó, nếu không không ai sẽ hiểu mình muốn nói gì”.
- “Đúng thế”.
- “Vậy cũng đúng nữa khi nói rằng những cái Khác biệt với nó, nếu không cũng không thể nói chúng khác biệt với những cái Khác”.
- “Chắc thế”.
- “Vậy thêm vào sự có thể nhận thức được, còn áp dụng được cho nó sự khác biệt nữa. Vì không phải về sự khác biệt của những cái Khác mà người ta nói tới khi nói rằng cái Đơn nhất khác biệt với những cái Khác: nhưng đó là về sự khác biệt của cái đó tức là của cái Đơn nhất”.
- “Hình như vậy”.
- “Hơn nữa, một cách chính xác, cái Đơn nhất không tồn tại có thông dự vào cái “của cái đó”, vào “của cái gì đó”, vào “của cái này, đối với cái này, của những cái này” định tương tự. Vì có lẽ sẽ không thể nói về cái Đơn nhất hay những cái Khác với cái Đơn nhất, có lẽ không có gì thuộc về nó hay của nó, có lẽ cũng không thể gọi nó là một cái gì được, nếu chính nó đã không có thông dự vào “một cái gì” hoặc vào tất cả những cái Khác đi trước”.
- “Đúng”.
- “Như vậy cái Đơn nhất không được phép tồn tại, chính vì nó không tồn tại. Nhưng không có gì cấm đoán nó thông dự rất nhiều, trái lại, một cách bó buộc, còn cưỡng bức nó phải thông dự nhiều, một khi cái Đơn nhất không tồn tại; chính là cái Đơn nhất – chứ không phải một cái khác. Nếu không phải cái Đơn nhất đó, nếu không phải chính nó mà người ta muốn nó tồn tại, nếu là một cái gì khác mà người ta nghe nói tới, thì trong những trường hợp đó không nên phát biểu một điều gì nữa. Còn nếu là đúng cái Đơn nhất – đó chứ không phải một cái khác mà người ta giả định là không có, thì tất nhiên bó buộc nó phải thông dự vào “một cái nào đó” nhất và vào nhiều vô số những cái Khác”.
- “Dĩ nhiên nó phải thông dự rất rộng rãi”.
Tính tương tự và tính bất tương tự
- “Vậy cũng có tính bất tương tự đối với những cái Khác; vì những cái Khác chính vì khác biệt với cái Đơn nhất, chúng cũng sẽ thuộc loại khác”.
- “Phải”.
- “Thuộc loại khác có phải là muôn vẻ không?”
- “Đó là một cách để khỏi nói như thế”.
- “Và muôn vẻ có phải là bất tương tự không?”
- “Là bất tương tự, dĩ nhiên”.
- “Vậy nếu chúng bất tương tự với cái Đơn nhất thì hiển nhiên những cái bất tương tự đó sẽ bất tương tự đối với một cái bất tương tự”.
- “Hiển nhiên”.
- “Vậy sẽ có sự bất tương tự nơi chính cái Đơn nhất, và để đối đáp lại sự bất tương tự của nó mà những cái Khác sẽ bất tương tự đối với nó”.
- “Có lẽ như vậy”.
- “Vậy nếu nó có sự bất tương tự với những cái Khác có phải sẽ bó buộc nó bất tương tự với chính mình không?”
- “Bó buộc như thế nào chứ?”
- “Nếu cái Đơn nhất có sự bất tương tự của cái một, thì ta nghĩ rằng đó sẽ không còn là một cái gì như cái Đơn nhất mà ta sẽ bàn cãi nữa, trái lại, đó là cái gì khác cái Đơn nhất rồi”.
- “Dĩ nhiên”.
- “Nhưng nếu vậy thì không nên”.
- “Chắc chắn không nên”.
- “Vậy cần thiết cái Đơn nhất phải có sự tương tự với chính bản thân mình”.
- “Cần thiết”.
Tính ngang bằng – Tính bất ngang bằng
- “Nó cũng không ngang bằng đối với những cái Khác; vì ngay chính lúc nó là ngang bằng thì do đó nó sẽ là tương tự và hơn nữa, sẽ là tương tự với chúng chính vì sự ngang bằng đó rồi. Nhưng cả hai cái cùng không có thể, một khi cái Đơn nhất không tồn tại”.
- “Rõ là không thể”.
- “Chính vì nó không là ngang bằng với những cái Khác, thì bó buộc chính chúng cũng không ngang bằng với nó không?”
- “Có”.
- “Và vì bất ngang bằng, có phải nói chúng bất ngang bằng với một cái bất ngang bằng không?”
- “Hiển nhiên”.
- “Như thế, cái Đơn nhất còn tham dự vào tính bất ngang bằng và chính để đối đáp lại tính bất ngang bằng của nó mà những cái Khác bất ngang bằng với nó sao?”
- “Phải, nó tham dự”.
- “Nhưng quả nhiên trong tính bất ngang bằng, có sự to lớn và sự bé nhỏ”.
- “Rất quả nhiên”.
- “Vậy có sự to lớn và sự bé nhỏ trong một cái Đơn nhất như thế chăng?”
- “Nghĩ là phải có”.
- “Nhưng luôn luôn sự to lớn và sự nhỏ bé xa cách với nhau”.
- “Hoàn toàn xa cách”.
- “Vậy giữa chúng luôn luôn có một trung gian nào đó”.
- “Luôn luôn”.
- “Ngài có thể chỉ ra giữa chúng một trung gian nào khác hơn là tính ngang bằng không?”
- “Ngoài nó ra, không một trung gian nào khác”.
- “Vậy ở đâu có sự to lớn và sự nhỏ bé thì ở trung gian giữa chúng, thì ở đó cũng có tính ngang bằng”.
- “Hình như thế”.
- “Như vậy hình như cái Đơn nhất không tồn tại, có chân trong tính ngang bằng, trong sự to lớn và trong sự nhỏ bé”.
- “Hình như vậy”.
Tồn tại và không tồn tại
- “Hơn nữa, bằng một giác độ nào đó nó còn phải tham dự vào chính tồn tại nữa”.
- “Bằng giác độ nào nhỉ?”
- “Đối với nó thì phải như vậy rồi, như chúng ta đã nói. Nếu nó không như vậy thì khi nói rằng cái Đơn nhất không tồn tại là chúng ta nói không đúng. Nếu chúng ta nói đúng thì rõ rệt chúng ta nói điều có thực. Có phải như thế không?”
- “Phải lắm”.
- “Vậy vì chúng ta khẳng định rằng mình nói đúng thì cũng bó buộc chúng ta phải khẳng định rằng mình nói điều có thực”.
- “Tất nhiên”.
- “Vậy hình như nó là cái Đơn nhất không hiện có; vì là không tồn tại như không hiện có, một khi tự thoát ly cách nào đó từ tồn tại tới không tồn tại, thì lập tức nó là hiện có”.
- “Hoàn toàn chính xác”.
- “Vậy nếu nó phải là không tồn tại, thì cần thiết nó phải có một cái gì như dây liên hệ ghìm chặt nó vào sự không tồn tại đó. Dây liên hệ đó chỉ có thể là “tồn tại như không hiện có”, không khác gì tất cả những gì tồn tại, về phía chúng, để chúng có thể tồn tại một cách đầy đủ, cũng sẽ có cái “không tồn tại như cái không hiện có”. Vì chỉ với điều kiện đó cái gì tồn tại mới có thể tồn tại một cách hoàn hảo nhất và cái gì không tồn tại cũng không tồn tại một cách hoàn hảo nhất. Chỉ bằng cách thông dự vào tồn tại của tồn tại hiện có và vào không tồn tại của tồn tại không hiện có, cái gì tồn tại mới có thể tồn tại đầy đủ được. Và cái gì không tồn tại sẽ phải thông dự vào không tồn tại của tồn tại không hiện có, nếu muốn rằng về phía nó, cái không tồn tại thực hiện sự hoàn hảo của sự không tồn tại của nó”.
- “Đó là điều không gì đúng bằng”.
- “Như vậy cái gì tồn tại có tham dự vào không tồn tại, và cái gì không tồn tại có tham dự vào tồn tại, nên chính vì nó không tồn tại, cái Đơn nhất mới tất yếu có dự phần vào tồn tại để thực hiện cái không tồn tại của nó”.
- “Tất nhiên”.
- “Vậy trong cái Đơn nhất, nếu nó không tồn tại. Chính tồn tại cũng xuất hiện”.
- “Phải nó xuất hiện”.
- “Nhưng cái không tồn tại cũng vậy, vì nó không tồn tại”.
- “Quá rõ rệt!”.
Vận động và bất vận động
- “Có trạng thái này hay trạng thái kia và không có trạng thái này hay không có trạng thái kia, vậy đối với cái có trạng thái như vậy có thể nào nó lại không hề thay đổi được không?”
- “Không thể nào được cả”.
- “Vậy tất cả những gì như vậy, tất cả những gì có và không có một trạng thái nào đó cả, đều biểu hiện sự thay đổi hay sao?”
- “Không thể chối cãi được”.
- “Nhưng thay đổi là vận động: còn đồng hóa nó với cái gì khác được không?”
- “Đó là vận động”.
- “Há chúng ta đã không thấy rằng cái Đơn nhất tồn tại và không tồn tại sao?”
- “Thấy chứ”.
- “Vậy rõ rệt nó tỏ ra có một trạng thái và không có một trạng thái”.
- “Rõ rệt nó tỏ ra như thế”.
- “Vậy cái Đơn nhất không tồn tại đã biểu lộ là vận động được vì nó đã tự biểu lộ đã có sự thay đổi tồn tại sang không tồn tại”.
- “Nó có đủ cơ may”.
- “Nhưng nếu nó không tồn tại ở đâu cả và không đâu thấy có nó cả, vì rằng nó không tồn tại, nó cũng không di chuyển từ này sang chỗ khác được”.
- “Làm sao có thể có được”.
- “Vậy thì không phải bằng sự di chuyển mà nó sẽ vận động”.
- “Chính thế”.
- “Nó cũng sẽ không có quay tròn cái này trong cái y nguyên; vì nó không có đụng chạm với cái y nguyên ở một điểm nào cả. Vì cái y nguyên đó là tồn tại, và cái gì không hề tồn tại sẽ không thể ở trong một cái gì cả”.
- “Quả vậy, không thể”.
- “Như thế, vì nó không hề tồn tại, cái Đơn nhất sẽ không quay tròn được trong một cái gì không tồn tại cả”.
- “Chắc chắn là không”.
- “Cũng phải nghĩ rằng cái Đơn nhất không có sự đổi khác đối với chính mình, cả cái Đơn nhất tồn tại, cả cái Đơn nhất không tồn tại. Vì nếu nó tự đổi khác được thì chúng ta sẽ không còn bàn luận gì về cái Đơn nhất nữa, mà là về một cái gì khác”.
- “Đúng”.
- “Nhưng nếu không có đổi khác, không có quay tròn tại chỗ, cũng không có di chuyển, thì còn có thể có một hình thức vận động nào không?”
- “Hình thức vận động nào bây giờ”.
- “Và cái gì không vận động thiết yếu phải đứng yên; cái gì đứng yên là bất động”.
- “Tất nhiên”.
- “Vậy hình như cái Đơn nhất không tồn tại thì không bất động và không vận động”.
- “Hình như vậy”.
- “Nhưng, chính sự kiện nó vận động cũng đã bó buộc nó phải tự đổi khác rồi; vì một khi nó đã không còn trong trạng thái khác biệt thì một sự vận động đã có tự vận động một cách nào rồi”.
- “Đúng”.
- “Vậy một khi có tự động, cái Đơn nhất cũng tự đổi khác”.
- “Phải”.
- “Đằng khác, nếu nó không tự vận động một cách nào đó, nó cũng không tự đổi khác một cách nào đó được”.
- “Phải, không một cách nào được”.
- “Vậy cái Đơn nhất không tồn tại mà có tự vận động thì nó tự đổi khác; còn nếu không tự vận động thì nó cũng không tự đổi khác”.
- “Quả thế”.
- “Như vậy cái Đơn nhất không tồn tại tự đổi khác và không tự đổi khác”.
- “Hình như vậy”.
- “Nhưng tự đổi khác há không phải tất yếu trở thành với trước kia và chết đối với trạng thái ban đầu của nó sao; và không tự đổi khác há không phải thoát ly cả trở thành cả tiêu diệt sao?”
- “Tất yếu”.
- “Vậy cái Đơn nhất không tồn tại, vì không tự đổi khác, nên có sinh ra và tự có tiêu diệt; vì nó không tự đổi khác, nên nó không sinh ra cũng không tiêu diệt. Như vậy cái Đơn nhất không tồn tại, sinh ra và tiêu diệt và không sinh ra không tiêu diệt”
- “Hoàn toàn đúng”.

Giả thuyết thứ bảy:
Nếu cái Đơn nhất không tồn tại, nó không có một thuộc tính nhất định nào cả

- “Vậy một lần nữa chúng ta hãy trở lại lúc khởi đầu để xem chúng ta sẽ gặp cùng những kết luận như hiện giờ hay những kết luận khác hẳn”.
- “Cần thiết phải xem”.
- “Vậy phát biểu của chúng ta là nếu cái Đơn nhất không tồn tại thì tất yếu sẽ xảy ra kết quả gì cho nó?”
- “Đúng thế”.
- “Khi chúng ta phát biểu cái “không tồn tại đó, có nghĩa gì khác ngoài nghĩa khiếm diện tồn tại trong điều ta nói là không tồn tại không?”
- “Không có nghĩa gì khác”.
- “Điều chúng ta nói là không tồn tại, chúng ta có nói là nó không tồn tại theo một quan hệ nào đó và tồn tại theo một quan hệ nào đó không? Hoặc phát biểu “cái không tồn tại” này có một ý nghĩa tuyệt đối dứt khoát như phát biểu sau đây không: cái gì thực sự không có thì không có bằng cách nào cả, hay theo một quan hệ nào cả, và không thông dự vào đó bằng một góc độ nào cả”.
- “Ý nghĩa của nó là một ý nghĩa tuyệt đối, dứt khoát nhất rồi”.
- “Cái gì không hề tồn tại, thì sẽ không thể tồn tại, cũng không thể thông dự vào tồn tại một cách nào được cả”.
- “Nhất định không”.
- “Sinh ra và chết đi có khác gì đi vào thông dự với tồn tại và mất đi tồn tại không?”
- “Không khác gì cả”.
- “Nhưng cái gì không dự phần nào trong đó cả thì không thể tiếp thu cũng không thể mất mát”.
- “Hiển nhiên”.
- “Vì nó không tồn tại dưới bất kỳ một quan hệ nào cả, cái Đơn nhất sẽ không thể có cũng không thể thôi không có cũng không thể thông dự vào cái tồn tại bất kỳ bằng cách nào cả”.
- “Hẳn có thể có thực như vậy”.
- “Vậy cái Đơn nhất vì không tồn tại, sẽ không diệt cũng chẳng sinh, vì nó không thông dự vào tồn tại bằng cách nào cả”.
- “Hình như vậy”.
- “Vậy nó cũng không tự đổi khác ở một góc độ nào cả; vì chịu đựng một sự đổi khác thì lập tức nó sẽ có sinh và tử”.
- “Đúng vậy”.
- “Thoát ly đổi khác có tất yếu thoát ly vận động không?”
- “Tất yếu”.
- “Tuy nhiên chúng ta sẽ không khẳng định là bất động cái gì không ở đâu cả, vì cái bất động luôn luôn phải ở cùng một chỗ, nghĩa là cùng ở một chỗ nào đó”.
- “Dĩ nhiên ở cùng một chỗ, nghĩa là ở một chỗ nào đó”.
- “Như vậy ở đây chúng ta phải nói rằng cái gì không hề tồn tại thì không bất động cũng không bị động được”.
- “Dĩ nhiên nó không thể là thế này hay thế kia được”.
- “Đàng khác không cái gì thuộc tồn tại lại là của nó được; vì thông dự như thế vào một cái gì lập tức làm cho nó thông dự vào tồn tại”.
- “Hiển nhiên”.
- “Vậy thì nó không có sự to lớn, không có sự nhỏ bé, không có sự ngang bằng”.
- “Dương nhiên”.
- “Nó cũng sẽ không có tính tương tự, không có tính khác biệt đối với chính mình hay đối với những cái Khác”.
- “Hình như vậy”.
- “Nhưng có gì trong những cái Khác có thể tồn tại đối với nó được không vì không có gì phải tồn tại đối với nó cả, không?”
- “Không có gì cả”.
- “Vậy những cái Khác không tương tự, không bất tương tự, không dị tính gì cả đối với nó”.
- “Không”.
- “Vậy thì, về cái đó và đối với cái đó, một cái gì đó, cái này và về cái này, về một cái gì khác và đối với một cái Khác, mai kia và về sau này và hiện giờ, nhận thức và ý kiến và cảm giác, định nghĩa hay danh xưng, tất cả những cái đó hay bất cứ những gì không tồn tại có thể quy kết về cho cái gì không tồn tại không?”
- “Không thể nào”.
- “Như vậy cái Đơn nhất mà không tồn tại thì bất cứ dưới quan hệ nào cũng không có một thuộc tính nhất định nào cả”[1].
- “Đó chính là kết luận, nghĩa là không có một thuộc tính nhất định nào cả và cũng không dưới một quan hệ nào cả”.

Giả thuyết thứ tám:
Nếu cái Đơn nhất không tồn tại, những cái Khác sẽ ra sao?

- “Một lần nữa chúng ta hãy nói xem những cái Khác sẽ tiếp thu được những thuộc tính nào, nếu cái Đơn nhất không tồn tại?”
- “Tôi sẵn sàng”.
- “Trước hết, ta nghĩ rằng chúng phải là những gì khác, vì nếu chính chúng cũng không là những cái khác, thì không thể nói đến những cái Khác được”.
- “Đúng”.
- “Vậy nếu người ta nói về những cái Khác, thì những cái Khác được nói về ấy phải là khác biệt. Hay chàng sẽ áp dụng những tiếng khác và khác biệt đó cho cùng một thuộc tính?”
- “Trong tư tưởng của tôi thì chắc chắn như thế”.
- “Nhưng ta nghĩ theo chúng ta thì cái khác biệt là cái khác biệt với một cái hác biệt, và cái khác, khác với một cái khác, phải không?”
- “Phải”.
- “Vậy những cái Khác nêu đã có mệnh lệnh cho chúng phải là khác, thì chính chúng sẽ có cái gì mà đối với nó chúng sẽ là khác”.
- “Tất nhiên”.
- “Vậy cái gì sẽ đúng là cái đó sao? Chắc chắn không phải cái Đơn nhất là cái gì đối với chúng nó sẽ là khác, vì nó không hề là tồn tại”.
- “Tất nhiên không”.
- “Vậy chỉ đối với lẫn nhau mà chúng là khác; đó là cơ sở duy nhất còn lại cho chúng, nếu không chúng không là gì khác với gì cả”.
- “Đúng”.
- “Vậy thì chúng là khác đối với lẫn nhau từ đa số đến đa số, vì tồn tại là đơn nhất đối với đơn nhất là không thể đối chúng, vì không có cái Đơn nhất. Hình như những khối của chúng là cá biệt thì mỗi cái chúng là đa số vô hạn. Người ta sẽ mất công chọn lựa cái gì hình như tí hon nhất; không khác gì một giấc mộng ban đêm tức khắc của một cái Đơn nhất mà như nó là nó lại xuất hiện là đa tạp và từ cái cực nhỏ bé nó xuất hiện là cái cực lớn đối diện với sự phân tán mỏng của nó”.
- “Rất đúng”.
- “Vậy thì theo từng những khối loại đó mà những cái Khác là khác đối với lẫn nhau, nếu chúng là khác trong khi không có cái Đơn nhất”.
- “Dĩ nhiên”.
- “Vậy thì phải có đa số những khối, trong đó mỗi cái sẽ xuất hiện là cái Đơn nhất, nhưng nó sẽ không là thế, vì không có đơn nhất, phải không?”
- “Phải”.
- “Hình như chúng cũng có số nhiều, theo tính cách mỗi cái sẽ là đơn nhất vì sự kiện đa số đó”.
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Và một số nào đó là chẳng còn bao nhiêu là lẻ, đó sẽ là bào ảnh chứ không phải sự thật, vì sẽ không có cái Đơn nhất”.
- “Chắc chắn thế”.
- “Hình như trong chúng chúng cũng có cái cực nhỏ, đang khi nó xuất hiện là đa tính, và đa tính của những sự to lớn, đối diện trước những cái đa tạp, là những gì nhỏ bé”.
- “Hiển nhiên”.
- “Mỗi khối cũng sẽ được quan niệm là ngang bằng đối với những cái nhỏ bé đa tạp, vì nó sẽ chỉ có thể chuyển từ cái bề ngoài sang cái bề ngoài nhỏ sau một sự giả bộ đi vào cái trung gian; và đó sẽ là một giả mạo của tính ngang bằng”.
- “Dường như vậy”.
- “Người ta cũng có thể tưởng tượng nó bị hạn chế đối với một quan hệ khác, trong khi từ chính nó đến chính nó, nó không có khởi đầu, cũng không có tận cùng, cũng không có khoảng giữa, phải không?”
- “Vì lí do gì?”
- “Vì lí do này: tuy rằng không bao giờ tư tưởng muốn lĩnh hội một cái gì như thế nhưng ở đó cái khởi đầu luôn luôn xuất hiện như đã có một khởi đầu khác đi trước nó, cái kết thúc được nối dài bằng một cái kết thúc khác, cái khoảng giữa được chiếm cứ bằng một cái gì bằng trung tâm hơn cả chính khoảng giữa đó và nhỏ bé hơn, vì những giới hạn như thế không thể lãnh hội trong từng cái một của những khối đó, vì rằng không hề có cái Đơn nhất”.
- “Đó là sự thật trần trụi”.
- “Như thế ta nghĩ rằng tất nhiên tất cả những gì có thể lĩnh hội được bằng tư tưởng đều tự bẻ gãy và tự thân vụt ra; vì cái gì mỗi lần sẽ được lãnh hội đều giống như một khối đặc trong đó không có gì thuộc cái Đơn nhất cả”.
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Như vậy hẳn nhiên không thể tránh được rằng trong những điều kiện đó, đối với một nhan quan đã mệt mỏi của cái nhìn từ đằng xa, nó phải xuất hiện là đơn nhất, nhưng đối với cái nhìn gần gũi và sâu sắc của tư tưởng, mỗi một đơn vị lại xuất hiện là đa tính vô hạn, vì nó thiếu mất cái Đơn nhất không tồn tại, phải không?”
- “Đó là tất cả những gì không tránh được”.
- “Vậy cần thiết những cái Khác phải xuất hiện là như thế, tức là mỗi cái vô hạn và có hạn; đơn nhất và đa tạp, trong trường hợp cái Đơn nhất không tồn tại, những cái Khác với cái Đơn nhất có thể tồn tại”.
- “Chắc chắn cần thiết”.
- “Hình như chúng cũng là tương tự và bất tương tự, phải không?”
- “Bằng những giác ngộ nào?”
- “Không khác gì trong một bức họa viễn thị: từ đằng xa, mọi sự xuất hiện như kết cấu nên một đồng nhất và như thể ở đó sẽ có cả vẻ ngoài của tính đồng nhất và tính tương tự.”
- “Hoàn toàn đúng”.
- “Nhưng đối với những ai lại gần thì tất cả đều xuất hiện là đa tạp và khác biệt; và sự khác biệt giả mạo đó lại đem vào đó một vẻ ngoài của muôn vẻ và của tính bất tương tự”.
- “Phải”.
- “Vậy không thể tránh được rằng: những khối đặc đó xuất hiện là tương tự và bất tương tự, từng cá thể và một cách hỗ tương với nhau”.
- “Chắc chắn không thể tránh được”.
- “Vậy chúng sẽ xuất hiện là đồng tính và khác biệt, kế cận và li gián, và vận động bằng mọi loại vận động, cũng như bất động về mọi phương diện và bị phục tòng cũng như thoát li được cả sự sinh và sự tử, và cũng bao hàm tất cả mọi đối kháng có thể có, một cách cũng hỗ tương. Kê khai chúng ra một cách chi tiết là một chuyện để một khi ở đó không hề có cái Đơn nhất mà chỉ có đa tính”.
- “Đó là một chân lý tuyệt đối”.

Giả thuyết thứ chín:
Nếu cái Đơn nhất không tồn tại, những phủ định nào sẽ xảy đến cho những cái Khác?

- “Vậy một lần nữa chúng ta hãy trở về khởi đầu và hãy nói xem cái gì phải xảy ra nếu cái Đơn nhất không tồn tại và chỉ duy những cái Khác với cái Đơn nhất tồn tại”.
- “Nào chúng ta hãy nói”.
- “Những cái Khác không hề là cái một”
- “Làm thế nào chúng lại như thế được?”
- “Chúng cũng không hề là nhiều cái; vì ở đâu có nhiều cái thì ở đó phải có cái một. Nhưng nếu không một cái nào trong chúng là cái một thì toàn thể của chúng cũng không là gì cả và vì vậy cũng sẽ không là đa số nữa”.
- “Đúng thế”.
- “Nếu trong những cái Khác không có cái Đơn nhất, thì những cái Khác không phải nhiều cái không phải một cái”.
- “Quả vậy”.
- “Và chúng cũng không có cả dáng vẻ của tồn tại là cái một hay nhiều cái”.
- “Tại sao vậy?”
- “Với cái gì không hiện hữu, những cái Khác không có một cộng đồng nào cả, bất cứ trong trường hợp nào, bất cứ dưới quan hệ nào, bất cứ bằng cách nào; từ cái không tồn tại không một thành phần nào được dành lại cho một cái nào bất cứ trong số những cái Khác; vì không thể có những thành phần từ cái gì không tồn tại được”.
- “Đúng thế”.
- “Vậy nơi những cái Khác, không có ý kiến, không có dáng vẻ của cái không tồn tại, và không dưới một quan hệ nào, cũng không bằng cách nào cả, cái không tồn tại lại có thể được được quan niệm do những cái Khác”.
- “Quả nhiên”.
- “Vậy nếu cái Đơn nhất, không có, thì không một cái gì trong những cái Khác có thể được quan niệm hoặc là một hoặc là nhiều được; vì nếu không tưởng tượng được cái một thì cũng không quan niệm được đa số”.
- “Hoàn toàn không thể”.
- “Vậy nếu cái Đơn nhất không có, thì những cái Khác cũng không có, cũng không được tưởng tượng là một hay là nhiều được”.
- “Phải nghĩ như vậy”.
- “Cũng không  tương tự không bất tương tự”.
- “Không đồng tính cũng không khác biệt, không kế cận cũng không li gián; và tất cả những gì chúng ta nói, chúng xuất hiện, xuyên qua một chuỗi dài những suy luận trên đây, những cái Khác không có và cũng không xuất hiện gì như thế cả, nếu cái Đơn nhất không có”.
- “Đúng”.
- “Vậy để tóm tắt lại: nếu cái Đơn nhất không có, thì sẽ không có gì cả, như thế chúng ta sẽ nói đúng?”
- “Thực rất đúng”.
- “Sau điều đó còn điều sau đây còn nói nữa: nói rằng: cái Đơn nhất có và không có, thì hình như nó và những cái Khác, vừa trong quan hệ giữ chúng với nhau, vừa trong quan hệ giữa chúng với mình, theo tất cả mọi quan điểm có thể có, chúng đều là tất cả và đều là không gì cả, hình như là tất cả và hình như là không gì cả”.
- “Đó là chân lí tuyệt đối”.
HẾT

Nguồn : Lê Tôn Nghiêm dịch từ: Platon. Oeuvres complètes. Traduction nouvelle et notes par Léon Robin. Gallimard. 1950. Phiên bản điện tử tiếng Việt do bạn Nguyễn Văn Sướng thực hiện.


[1]  Giả thuyết thứ nhất và giả thuyết thứ bảy, mỗi cái đều kết thúc ở một Vô thể, một vô thể mà người ta không thể suy tư và cũng không thể nói năng gì về được. Các nhà theo chủ thuyết Platon-mới sẽ phân biệt một vô thể kép: vô thể thứ nhất thì ở bên trên tồn tại, có tính bất khả diễn tả vì siêu việt; vô thể thứ hai thì ở bên kia tồn tại, đó là “hố thẳm hư vô”. Giả thuyết thứ nhất thì “giả thiết cái Đơn nhất như một tận điểm, mà nỗ lực thai nghén của linh hồn vươn tới, thế rồi lại xóa bỏ nó để chỉ thị tính siêu việt không thể lãnh hội được của cái Đơn nhất”. Còn giả thuyết thứ bảy thì xóa bỏ tất cả, kể cả nỗ lực của tư tưởng (Damascius, Ruelle, II, 310).
 

0 comments

Post a Comment