Thứ 2, ngày 13 Tháng Năm năm 2013
Sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân Hy Lạp
Một bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng
[phần 1]
ISAIAL BERLIN
I
Những lời bàn phiếm sơ bộ
Ngọn đuốc tự do
|
Phương pháp là một kiểu bác bỏ: Galileo, Newton, Lavoisier, Darwin, Einstein, Planck và có thể cả Bertrand Russel[1] và Freud đã bác bỏ theo nghĩa đen những lý thuyết trước kia khiến cho chúng trở thành lỗi thời, thay đổi các phương pháp đạt được tri thức mới, cho nên mối quan tâm đến các phương pháp và lý thuyết đã bị thay thế hiện nay phần nhiều mang tính lịch sử, và những người kiên trì đi theo chúng bị xem là kỳ quặc và bị gạt ra ngoài giới chuyên môn nghiêm chỉnh được thừa nhận.
Dễ dàng nhận ra đây không phải là hiện trạng trong những lĩnh vực rộng lớn của tri thức không chính xác – lịch sử, triết học, nghiên cứu kinh viện, phê phán – những ý tưởng về nghệ thuật và về đời sống con người. Vật lý học của Plato hay toán học của ông có thể bị đánh đổ, nhưng cả tư tưởng của Plato lẫn Aristotle về đạo đức và chính trị vẫn còn có khả năng kích động người ta nhập vào phe nhóm bạo lực. Karl Popper hẳn đã không đả kích các lý thuyết xã hội của Plato với sự giận dữ và phẫn nộ đến thế, nếu giả sử những tư tưởng ấy chẳng còn sống động hơn, thí dụ như khái niệm của Plato về mặt trời và những vì sao đứng yên, hay như học thuyết của Aristotle cho rằng một số vật thể có tính nặng, còn các vật thể khác có tính nhẹ.
Tôi không biết một ai lại cảm thấy căm phẫn bởi những ý kiến thời trung đại về vũ trụ học hay hóa học, hay vật lý học của Descartes, hay lý thuyết phlogiston. Thế nhưng những quan điểm của Thánh Augustine[2] về đối xử với những người ngoại đạo hay đối với chế độ nô lệ, hoặc quan điểm của Thánh Thomas[3] về quyền uy chính trị, hoặc các học thuyết của Rousseau hay Hegel, đang gây ra những phản ứng bạo lực mang tính trí tuệ và cảm xúc nơi những người vẫn tương đối bình thản nhìn vào các lý thuyết thường nghiệm hay logic của các nhà tư tưởng này.
Hiển nhiên là có một ý nghĩa nào đó mà ở đấy tiêu chuẩn chân ngụy, tiêu chuẩn về tính khả dĩ biện minh hay bất khả dĩ biện minh, vận hành được ở những bộ môn nhất định và không vận hành được một cách hiển nhiên như thế, hay không chiếm được sự chấp thuận phổ biến như thế ở những lĩnh vực tư tưởng khác. Có một ý nghĩa mà theo nó một số nghiên cứu như các khoa học thường nghiệm và toán học cũng như logic học, tiến bộ lên trong sự thỏa mãn chung bằng cách giết cha, bằng cách tiêu diệt các vị tổ tiên, nhưng cũng theo ý nghĩa ấy thì một số chủ đề mới lại không tiến bộ, như các chủ đề cũ, khiến cho khó mà liệt kê được, thí dụ như các đề xuất triết học hay hệ thống triết học nào theo đồng thuận chung hoặc đã chết hẳn không thể hồi sinh, hoặc đã thiết lập nên một nền tảng vững chắc ở bất cứ mức độ nào, trong chừng mực liên quan tới tri thức hiện đại.
Đây là một nghịch lý mà tôi chưa thể thể nghiên cứu sâu hơn vào lúc này – bản thân nó là một đề tài cốt yếu đầy tăm tối và xứng đáng được chú ý nhiều hơn là sự nuông chiều đã có. Tuy nhiên tôi muốn nói đôi điều về những bộ môn không chính xác ấy, trong đó chúng ta chưa ứng phó nhiều với các đề xuất đặc thù, hay các hệ thống lớn của chúng như là cái mà thời buổi hiện nay được gọi là các hệ tư tưởng: những quan điểm, đúng hơn là các hệ thống khái niệm, các bộ khung bao gồm các phạm trù mà thông qua chúng và căn cứ vào chúng để ta phán xét các thời kỳ. Có lẽ tốt nhất là mô tả chúng như các mô thức chủ yếu, các mô thức được rút ra từ một lĩnh vực nào đó có vẻ sáng tỏ và được xác lập vững chắc đối với một nhà tư tưởng, các mô thức được ông ta áp dụng theo cung cách mà ông ta thấy có thể giải thích được và soi sáng một lĩnh vực ít sáng tỏ hơn.
Bertrand Russel có lần đã nhận xét rằng để hiểu được một nhà tư tưởng thì phải hiểu và thấu triệt được cái khuôn mẫu cơ sở, ý tưởng chủ yếu mà ông ta bảo vệ.[4] Sự tài giỏi của một nhà tư tưởng thường mở rộng ra trong việc sáng chế các luận cứ củng cố cho ý tưởng chủ chốt ấy, hay còn thường xuyên hơn là để đẩy lùi các cuộc tấn công, bác bỏ những phản đối; thế nhưng hiểu được tất cả lập luận ấy, dẫu có vững vàng và tài tình đến đâu, vẫn chưa dẫn người ta đến chỗ thấu triệt được tư tưởng của một triết gia, một sử gia, một nhà phê bình, trừ phi người ta xuyên qua được những công sự phòng thủ đầy tinh vi ấy bảo vệ cho các pháo đài của ông ta, đến được cái mà ông ta thực sự đang bảo vệ - bản thân cái thành trì bên trong, mà thường cũng tương đối đơn giản, một cảm nhận cơ bản bao trùm tư tưởng của ông ta và định hình thế giới quan của ông ta.
Sự áp dụng khuôn mẫu hình học của Plato vào đời sống xã hội, các tiên đề vĩnh cửu tiền giả định thu nhận được bằng các phương tiện trực giác, từ đó có thể diễn dịch ra mọi tri thức và mọi quy tắc của cuộc sống; mô hình sinh học của Aristotle xem mọi thực thể như đang phát triển hướng đến thể hoàn hảo riêng của nó và mục đích nội tại của nó, chỉ riêng về phương diện ấy mà nó có thể được xác định và được hiểu; mô hình kim tự tháp vĩ đại phóng chiếu từ Thượng đế cho tới sinh thể đơn bào của thời trung đại; cấu trúc cơ giới của Hobbes;[5] hình ảnh của gia đình và các mối quan hệ tự nhiên của nó thấm đượm các cấu trúc chính trị của Bodin,[6] Burke,[7] các nhà xã hội chủ nghĩa Kitô giáo của phương Tây, và các Slavophil[8] của Nga; các khuôn mẫu di truyền học, sinh học và vật lý học, chúng là phần cốt yếu của các học thuyết xã hội học thế kỷ XIX và XX; ý kiến mang tính luật pháp về khế ước xã hội: những mô thức chủ yếu ấy không bị bác bỏ đơn thuần về phương diện thực nghiệm, cái thực nghiệm bị thay đổi bởi sự biến đổi lịch sử nào đó hay bởi khám phá trí tuệ.
Các mô thức mới xuất hiện, soi sáng cho các vùng tối, giải phóng con người khỏi xiềng xích của bộ khung cũ, và hoặc là nhào nặn lại chúng hoàn toàn, hay đôi khi chỉ pha trộn chúng nửa vời thành một khuôn mẫu mới. Những mô thức mới ấy đến lượt mình lại thất bại trong việc giải thích và trả lời cho những câu hỏi mà bản thân các mô thức ấy đưa vào tồn tại. Khái niệm con người như một nguyên tử thoạt tiên đem đến sự giải phóng khỏi sự xiết chặt của mô thức thần quyền tiền giả định, và đến lượt mình lại chứng tỏ nó cũng không được thỏa đáng. Con người như một tế bào hữu cơ, con người như người sáng tạo, con người như người sản xuất, như một động vật tìm kiếm sự hợp nhất với thiên nhiên, hay như thần Promethe anh hùng – tuẫn đạo trong việc khuất phục thiên nhiên - ấy đều là những mô thức vừa tăm tối vừa soi sáng.
II
Những thời điểm vĩ đại là những thời điểm khi một thế giới tiêu vong và
một thế giới khác kế tiếp nó. Điều này đánh dấu bởi một sự thay đổi
trong mô thức chủ yếu. Những thời điểm vĩ đại của sự biến đổi xảy ra,
thí dụ như khi các định luật chu kỳ của người Hy Lạp được kế tục bởi
đường tuyến tính đi lên, cứu cánh luận lịch sử của người Do thái và các
tín đồ Kitô giáo, hay khi cứu cánh luận đến lượt mình lại bị đánh đổ bởi
mô thức toán học nhân quả của thế kỷ XVII; hay là khi những cấu trúc
tiền giả định nhường chỗ cho các phương pháp khám phá thường nghiệm và
kiểm chứng. Có những người giống như Condorcet[9] hay Hegel, Bucke hay Marx, Spengler[10] hay Toynbee[11] tự cho là có khả năng nắm bắt được khuôn mẫu duy nhất của sự phát triển trong sự kế tục nhau của bức tranh nhân loại.Tôi không muốn xác nhận rằng những nỗ lực đầy tham vọng như thế nhằm quy giản một sự đa dạng rộng lớn của trải nghiệm ý thức con người, đưa về một khuôn mẫu khổng lồ vượt trội, nhất thiết phải bị thất bại; tôi tự giới hạn mình trong việc đơn thuần nói rằng ba cuộc khủng hoảng lớn mà tôi sẽ thảo luận không giải thích được một cách thỏa đáng bằng các giả thuyết của bất cứ ai trong các nhà tư tưởng ấy, và điều này làm giảm giá trị của những giả thuyết ấy trong mắt tôi một cách tự nhiên.
Tôi không muốn chỉ trích những người giải đáp các câu hỏi của riêng họ vì họ thất bại trong giải đáp các câu hỏi của tôi, nhưng tôi không sao tránh được định kiến thuận lợi đối với các tác giả khiêm nhường và thận trọng nhiều hơn, mà những suy tư của họ cố thử xử lý ít vấn đề hơn, dẫu cho có phải vì lý do đó hay không mà đạt được kết quả nhiều hơn).
Tolstoy có lần đã nhận xét rằng lịch sử giống như một người điếc, cứ trả lời những câu hỏi không một ai hỏi cả. Tôi không cho rằng đó là những trước tác gia lịch sử chân chính, nhưng điều này không phải hoàn toàn bất công đối với khá nhiều các triết gia lịch sử, những người nhân danh khoa học mà tìm cách nhào nặn sự đa dạng của các hiện tượng thành một sơ đồ vũ trụ đơn giản – “những kẻ đơn giản hóa khủng khiếp” cả trong các vấn đề lý thuyết lẫn thực hành mà Montesquieu[12] đã cảnh báo chúng ta từ hơn hai thế kỷ trước chống lại họ.[13]
III
Ba cuộc khủng hoảng trong lý thuyết chính trị phương Tây, khi mà ít
nhất một phạm trù chủ yếu bị biến đổi không sao cứu vớt được nữa, khiến
cho mọi tư tưởng hệ lụy bị thay đổi, đã xảy ra ở thế kỷ IV trước công
nguyên, trong thời kỳ Phục hưng ở Italia và vào cuối thế kỷ XVIII ở Đức.Lý thuyết chính trị cổ điển phương Tây có thể liên hệ với một giá đỡ ba chân – tức là dựa trên ba giả định chủ yếu. Lẽ dĩ nhiên chúng không đại diện cho toàn bộ các niềm tin mà truyền thống chủ yếu dựa vào, nhưng chúng nằm trong số những trụ cột hùng mạnh nhất, khiến cho sự sụp đổ hay suy yếu của bất cứ trụ cột nào trong chúng cũng phải tác động lên truyền thống và quả thực đã biến đổi truyền thống ở mức độ đáng kể.
1. Giả định đầu tiên là: các câu hỏi về giá trị, về mục đích tối hậu hay giá trị, về tính đúng đắn hay tính đáng mong đợi của hành động con người, bao gồm cả hành động chính trị, là những câu hỏi đích thực; những câu hỏi đích thực là những câu hỏi mà lời giải đáp đích thực hiện hữu, dù nó có được nhận thức hay không. Những lời giải đáp ấy là khách quan, phổ quát, có giá trị vĩnh viễn và có thể nhận thức được về nguyên tắc. Mỗi câu hỏi đích thực chỉ có một lời giải đáp khả dĩ đúng, mọi lời giải đáp khác nhất thiết là sai – hoặc là sai ở các mức độ khác nhau, ở những khoảng cách khác nhau so với chân lý, hoặc là sai tuyệt đối, xét theo học thuyết về logic được chấp nhận.
Con đường đi đến chân lý trong lịch sử từng là chủ đề gây bất đồng sâu sắc nhất giữa con người. Một số người đã tin rằng các lời giải đáp phải được khám phá bằng lý lẽ, một số khác bằng sự tin tưởng hay bằng mặc khải, hay bằng quan sát thường nghiệm, hay bằng trực giác siêu hình. Một số cho rằng chân lý mở ngỏ cho mọi người ít nhất cũng về nguyên tắc, nếu họ theo đuổi phương pháp đúng đắn – bằng cách đọc các sách thiêng, hay bằng giao tiếp với thiên nhiên, hay bằng tính toán duy lý, hay bằng cách nhìn vào bên trong trái tim mình; một số khác lại cho rằng chỉ có những nhà chuyên môn mới có thể khám phá ra lời giải, hay những nhân vật có đầu óc đặc biệt, hay ở những thời điểm nhất định, hay tại những nơi chốn nhất định.
Một số cho rằng các chân lý ấy có thể được khám phá trong thế giới này; đối với số khác chúng chỉ có thể được phát giác đầy đủ trong cuộc sống tương lai nào đó. Một số giả định rằng những chân lý ấy đã được nhận biết ở thời hoàng kim trong quá khứ xa xôi, hay sẽ được nhận biết trong thời kỳ hoàng kim ở tương lai; theo một số người thì các chân lý ấy không có tính thời gian, theo một số khác thì chúng được phát giác bằng cách đi lên từng bước; theo một số người, về nguyên tắc, chúng có thể được con người nhận biết, theo số khác thì chỉ có Thượng đế nhận biết được chúng mà thôi.
Dù cho những khác biệt ấy có sâu sắc đến đâu và đôi khi là nguồn gốc của xung đột bạo lực, không phải chỉ về trí tuệ mà còn mang tính chính trị và xã hội nữa, thì chúng vẫn là những khác biệt bên trong một niềm tin rằng những câu hỏi là những câu hỏi đích thực, và những lời giải đáp cho chúng, giống như kho báu bị che giấu, là hiện hữu, dù cho những lời giải đáp ấy có được tìm thấy hay không; cho nên vấn đề không phải là những lời giải đáp có hiện hữu hay không, mà chỉ là phương tiện nào tốt nhất để tìm thấy chúng.
Các giá trị có thể khác biệt với các sự kiện hay khác với các chân lý tất yếu, theo cách thức mà Aristotle hay các giáo phụ của Giáo hội, hay Hume[14] hay Kant hay Mill đã cho là chúng khác nhau; nhưng những đề xuất khẳng định hay mô tả chúng vẫn không kém phần khách quan, và chúng tuân theo một cấu trúc logic không kém phần mạch lạc và nghiêm ngặt, so với những đề xuất khẳng định các sự kiện – dù là sự kiện thường nghiệm hay tiền giả định hay theo logic – và các chân lý toán học. Đây là giả định đầu tiên và sâu sắc nhất làm nền tảng cho hình thức cổ điển của lý thuyết chính trị.
2. Giả định thứ hai là: những lời giải đáp có tính chân lý cho những câu hỏi nêu ra trong lý thuyết chính trị, không được xung đột nhau. Điều này suy ra từ quy tắc logic đơn giản là một chân lý không thể nào lại bất tương hợp với một chân lý khác. Nhiều câu hỏi giá trị buộc phải nêu ra trong quá trình tìm hiểu chính trị: những câu hỏi như “Sự công bằng là gì và có nên theo đuổi nó không?”, “Liệu quyền tự do có phải là mục đích [tối hậu] cần phải theo đuổi vì chính bản thân nó hay không?”, “Các quyền là gì, và trong những tình huống nào chúng có thể bị bỏ qua, và ngược lại, [trong những tình huống nào chúng có thể] được khẳng định đối lập với những đòi hỏi của tính hữu ích hay tính an toàn hay chân lý hay hạnh phúc?”
Những lời giải đáp cho những câu hỏi ấy, nếu là chân lý, đều không thể đụng độ với nhau; theo những quan điểm khác chúng tạo thành một chỉnh thể duy nhất liên quan với nhau, đòi hỏi lẫn nhau và cái này kế thừa cái kia, khiến cho phủ nhận bất cứ cái nào trong chúng cũng dẫn đến sự không đồng bộ hay mâu thuẫn bên trong hệ thống.
Bất cứ quan điểm nào trong những quan điểm ấy mà đúng, thì giả định tối thiểu cũng là một chân lý này không thể nào mâu thuẫn với một chân lý khác về mặt logic. Từ đó suy ra rằng, nếu mọi vấn đề của chúng ta được giải đáp thì bộ sưu tập hay khuôn mẫu hay một hệ thống kết nối logic với nhau của các lời giải đáp chân lý ắt sẽ cấu thành một lời giải đáp tổng thể cho mọi câu hỏi về giá trị - cho những câu hỏi phải làm gì, phải sống thế nào, phải tin vào cái gì. Nói ngắn gọn, đây hẳn là sự mô tả trạng thái lý tưởng mà tất cả các điều kiện nhân bản hiện có vẫn còn chưa đạt tới.
Đây có thể gọi là quan điểm trông như đánh đố lắp hình (jigsaw-puzzle) về đạo đức học, về chính trị và về mỹ học. Vì mọi lời giải đáp chân lý đều khớp được với nhau, vấn đề chỉ còn là sắp xếp các mảnh vỡ mà chúng ta trải nghiệm được hàng ngày, hay vào những thời khắc bừng sáng hay sau một khảo cứu trí tuệ đầy nỗ lực nhưng thành công – sắp xếp những mảnh vỡ ấy theo một cách thức duy nhất, trong đó chúng hợp thành một khuôn mẫu tổng thể, tức là lời giải đáp cho mọi nhu cầu và mọi rắc rối của chúng ta.
Lại một lần nữa xuất hiện vấn đề liệu có phải bất kỳ người nào cũng có thể làm được điều này, hay chỉ một số người nào đó – các nhà chuyên môn hay những người có đặc huệ tinh thần hay những người tình cờ ở vào đúng chỗ để hoàn tất lời giải cho câu đố. Liệu lời giải đáp được dành cho bất kỳ người nào sử dụng phương pháp đúng, hay chỉ cho một nhóm đặc biệt ở một vị thế thuận lợi đặc thù – một Giáo hội đặc biệt hay một nền văn hóa hay một giai cấp? Lời giải đáp là bất biến, không thay đổi, dù nó có được khám phá khi nào hay ở đâu đi nữa, hay là nó mang tính linh động – tức là một khi nó được khám phá bởi một người tìm kiếm chân lý tiến bộ và hoàn thiện, người đã rất nỗ lực tìm ra nó, thì sau đó nếu hóa ra nó không phải là lời giải đáp chung cuộc trong hình thức mà ông ta đã ban cho nó thì liệu nó có tạo điều kiện dễ dàng cho quá trình biến đổi cần thiết bằng việc tiếp tục tìm kiếm lời giải đáp chung cuộc hay không?
Giả định ở đây là có một lời giải đáp chung cuộc, là nếu như mọi lời giải đáp cho mọi câu hỏi có thể được tìm thấy, dù đó là việc bất khả dĩ (per impossibile), và liên hệ với nhau một cách đúng đắn, thì đó là lời giải đáp tổng thể, cả trên lý thuyết lẫn trong thực tiễn, một lần cho mãi mãi. Dù cho lời giải đáp ấy có khả dĩ khám phá được trên trái đất hay không, thì tất cả các cố gắng giải đáp những câu hỏi như thế có thể được miêu tả như có nhiều con đường đi đến tính tổng thể chủ yếu này, thỏa đáng hay không thỏa đáng phụ thuộc tỷ lệ thuận vào sự mạch lạc nội tại và tính bao quát của những lời giải đáp được đề xuất.
3. Giả định thứ ba là con người có một bản chất có thể khám phá được và có thể mô tả được, và bản chất ấy mang tính xã hội một cách tự nhiên, chứ không chỉ đơn thuần mang tính ngẫu nhiên. Có những thuộc tính nhất định thuộc về con người như là con người, thí dụ như khả năng tư duy hay liên lạc; vì một vật tạo không tư duy hay không liên lạc thì không thể gọi là con người được. Theo định nghĩa liên lạc là mối quan hệ với những người khác, cho nên mối quan hệ với những con người khác theo một kiểu có tính hệ thống không chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên về con người, mà là bộ phận của cái mà chúng ta hàm nghĩa con người như một giống loài.
Nếu là thế, thì lý thuyết chính trị, là thứ lý thuyết về việc con người có hành vi ra sao hay phải có hành vi ra sao đối với nhau, và đặc biệt là về việc tại sao một người nào đó lại phải tuân theo một người nào đó khác, thay vì làm theo ý thích của mình (chuyện này đặt ra mọi câu hỏi về quyền uy và chủ quyền, về các loại chính thể và cơ sở của nghĩa vụ - những vấn đề ấy tất yếu được đặt ra bất cứ khi nào mà các câu hỏi về bản chất và mục đích của con người được nêu ra) – lý thuyết chính trị không phải là một học thuyết hay một kỹ thuật đặc biệt mà con người có thể sử dụng hay không sử dụng, giống như lý thuyết hàng hải (suy cho cùng thì con người không nhất thiết phải dùng tàu biển nếu họ không muốn), nhưng giống nhiều hơn với các lý thuyết về tư duy (những thứ không trợ giúp cho làm công việc), hay các lý thuyết về tăng trưởng hay lịch sử, hay các lý thuyết về các thuộc tính không thể chuyển nhượng được của loài người.
Vì thế những phân ngành truyền thống của triết học đề cập đến các đặc trưng bền vững không thể di dời của đời sống con người: logic, siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức học, chính trị, mỹ học.
Mỗi một trụ cột như thế mà lý thuyết chính trị dựa vào, đều đã bị tấn công. Về mặt lịch sử chúng bị tấn công và điều này càng làm gia tăng tầm quan trọng của chúng, trong trật tự ngược lại với trật tự mà tôi đã trình bày chúng. Quan điểm về con người như một thực thể mang tính xã hội nội tại, và quan điểm về lý thuyết chính trị như lý thuyết bao gồm các câu hỏi xuyên thấu vào tâm điểm của vấn đề bản chất con người là gì, đã bị tấn công vào cuối thế kỷ thứ tư.
Đề xuất cho rằng mọi giá trị đều tương hợp với nhau, và rằng về nguyên tắc có một lời giải tổng thể cho các vấn đề con người, chỉ cần giả sử nếu chúng ta có thể khám phá ra lời giải ấy – cùng lắm ắt phải có một phương pháp tìm kiếm nó - đã bị Machiavelli[15] tra vấn, tra vấn hiệu quả đến nỗi sự tin chắc đã từng kéo dài suốt hơn hai ngàn năm không bao giờ còn trở lại nữa. Đề xuất cho rằng về nguyên tắc có thể không có lời giải chung cuộc cho các vấn đề con người, và rằng một số giá trị nào đó có thể không tương hợp được với các giá trị khác, đòi hỏi phải có những xem xét mà không mấy người có khả năng vừa đối diện với chúng lại đồng thời không cảm thấy bị xáo trộn thêm lên.
Cuối cùng thì đòi hỏi rằng các câu hỏi về giá trị là những câu hỏi đích thực và có khả năng giải đáp được, ít nhất cũng về nguyên tắc, và rằng chính trị là một nhánh của nhu cầu trí tuệ, có khả năng đem lại những đề xuất khả dĩ là đúng hay sai, bởi những người theo chủ nghĩa lãng mạn Đức vào cuối thế kỷ XVIII gắn nối với kết quả thuộc loại rất bạo lực, cách mạng. Những hệ quả [hiện nay] vẫn còn theo với chúng ta; chúng đã phá hủy những cơ sở của những niềm tin xưa cũ, và chúng đánh dấu những biến động bạo lực chính trị và đạo đức thời hiện nay của chúng ta, dù trong tư cách là nguyên nhân hay triệu chứng.
Tôi sẽ thảo luận ba cuộc khủng hoảng vĩ đại ấy từng cái một.[16] Tôi bắt đầu với cuộc khủng hoảng thứ nhất – câu hỏi về chuyện con người là một thực thể xã hội.
(xem tiếp phần 2)
NGUYỄN VĂN TRỌNG
dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Nguồn phunutoday.vn
[1] Bertrand Russel (1872-1970) nhà logic học và triết gia Anh theo chủ nghĩa hòa bình; giải thưởng Nobel văn học năm 1950. (ND)
[2] Augustine (354-430) nhà thần học Kitô giáo. (ND)
[3] Thomas Aquinas (1224-1323) nhà thần học Kitô giáo. (ND)
[4] History of Western Philosophy (New York, 1945; London, 1946), p.226 (TG = tác giả chú thích)
[5] T. Hobbes (1588-1679) triết gia Anh, tạo ra hệ thống chủ nghĩa duy vật cơ giới hoàn chỉnh đầu tiên.(ND)
[6]
Jean Bodin (1530-1569) triết gia Pháp định ra các nguyên lý chính trị
ổn định, ảnh hưởng nhiều tới thời đạo phong kiến tập quyền trung đại.
(ND)
[7]
Edmund Burke (1729-1797) chính khách và nhà tư tưởng chính trị Anh, có
lập trường bảo thủ chống phái Jacobin trong cách mạng Pháp.(ND)
[8] Những người chủ trương trở về truyền thống Slave (ND)
[9] Condorcet (1743-1794) triết gia Pháp chủ trương cải cách giáo dục và đề ra ý tưởng “sự tiến bộ”.(ND)
[10] Oswald Spengler (1880-1936) triết gia Đức nổi tiếng với tác phẩm Buổi chiều tàn của phương Tây (ND)
[11] Arnold Toynbee (1889-1975) sử gia Anh nổi tiếng với tác phẩm ”Nhận chân lịch sử” (ND)
[12] Montesquieu (1689-1755) triết gia Pháp nổi tiếng với tác phẩm De l´esprit des lois.(ND)
[13] De l´esprit des lois, quyển 24, chương 18 (TG)
[14] David Hume (1711-1776) triết gia người Scottland theo chủ nghĩa duy nghiệm và hoài nghi.(ND)
[15] Niccolo Machiavelli (1469-1527) lý thuyết gia chính trị độc đáo người Ý, bị xem là kẻ chủ trương chính trị vô liêm sỉ (ND)
[16] Chỉ có cuộc khủng hoảng thứ nhất được xem xét ở đây (Chú thích của Biên tập NXB Oxford)
0 comments
Post a Comment