Kỉ niệm 80 năm ngày sinh của Jürgen Habermas
Trương Hồng Quang dịch
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Jürgen
Habermas (*18.06.2009), triết gia Đức lớn nhất hiện còn sống, xin lần
lượt giới thiệu một số ý kiến đánh giá của các học giả quốc tế về ảnh
hưởng của Habermas đối với các nền văn hóa triết học khác nhau. Mở đầu
là bài của Cristina Lafont, nữ Giáo sư Triết học gốc Tây Ban Nha, hiện
giảng dạy tại trường Northwestern University, Evanston, Hoa Kỳ.
Người dịch
____________________
So sánh với Pháp hay Hoa Kỳ chẳng hạn,
tác động của Habermas đối với công chúng Tây Ban Nha và khu vực nói
tiếng Tây Ban Nha sinh động, rộng rãi và mạnh mẽ hơn nhiều. Ở Tây Ban
Nha quả thật mỗi một học sinh hệ tú tài đều biết đến tên Habermas ở bộ
môn triết học bắt buộc. Mỗi một thầy giáo triết tương lai trong các kỳ
thi đều phải nắm được các nội dung triết lý căn bản của Habermas, như lý
thuyết truyền thông và lý thuyết công luận cũng như sự phê phán của ông
đối với lý thuyết nhận thức truyền thống, tương tự như họ phải biết đến
biểu tượng cái hang của Platon vậy. Từ cuối những năm tám mươi các bản
dịch tiếng Tây Ban Nha các tác phẩm của ông đã được xuất bản trước cả
các bản dịch tiếng Anh. Tính chất phi thường trong tác động rộng rãi của
ông được thể hiện chẳng hạn thông qua việc vào năm 1984 Habermas là
triết gia ngoại quốc đầu tiên đã được Nghị viện Tây Ban Nha mời diễn
thuyết và vào năm 2003 ông đã nhận giải thưởng Nobel của thế giới nói
tiếng Tây Ban Nha, giải Premio Prínzip de Asturias. Có thể nói là ở Tây
Ban Nha Habermas là người luôn chơi trên sân nhà. Kể cả trong các tranh
luận thời sự – chẳng hạn về kỹ thuật gien hay về vai trò của tôn giáo –
cũng như trong các cuộc thảo luận chuyên môn, các ý tưởng của ông đều
giành được một mức hiện diện và uy tín như ở trong khu vực nói tiếng Đức
vậy.
Sở dĩ các tác phẩm của ông có được thành
công lâu bền như vậy là nhờ có một cặp trùng may mắn. Vào thời hậu kỳ
của nền độc tài Franco, Habermas được đọc như một giải pháp thay thế
theo định hướng dân chủ cánh tả. Cuốn sách Các vấn đề hợp thức hóa của chủ nghĩa tư bản hậu kỳ
của ông ngay lập tức được giới trí thức đón nhận một cách nồng nhiệt.
Khác hẳn các nhà cánh tả cũ, các nhà hiện sinh Pháp và các nhà hiện
tượng học, đối với phong trào dân chủ đang lên và giới sinh viên đang
đói khát triết học phản truyền thống, nhà hậu marxist Habermas không chỉ
là người đồng chí, mà cũng là người đồng thời. Khi vụ đảo chính năm
1983 bị dập tắt và Tây Ban Nha rốt cuộc đã trở thành một thể chế dân
chủ, tại các vùng nói tiếng Catalan ở Levant bị đàn áp khốc liệt trước
đây đã xuất hiện nhiều phân khoa triết học thực hiện sự đoạn tuyệt một
cách ý thức với quá khứ Franco bằng cách dựa vào Habermas. Những phân
khoa này cũng như các trường đại học mới thành lập ở Madrid và khu vực
lân cận trước sau vẫn được hưởng tiếng tăm như là một phần của một nước
Tây Ban Nha tốt đẹp hơn, hiện đại hơn, một nước Tây Ban Nhà theo định
hướng châu Âu khai sáng. Điều này cũng có ý nghĩa tương tự đối với các
nền độc tài nói tiếng Tây Ban Nha ở châu Mỹ Latinh vào các năm cuối bảy
mươi và đầu tám mươi; kể cả ở đây Habermas cũng là một nhân vật trung
tâm mang tính định hướng của phong trào đối lập.
May mắn thứ hai liên quan đến thành tựu
tổng hợp lớn lao của Habermas. Để hiểu được điều này người ta phải biết
rằng: Các nền độc tài cánh hữu ở khu vực nói tiếng Tây Ban Nha chỉ đặt
niềm tin ở một nền triết học trung thành với chế độ một khi nó vận động
trong khuôn khổ của các truyền thống Cơ đốc giáo truyền thống, chẳng hạn
trường phái tân Thomas von Aquin và chủ nghĩa hiện thực kinh viện. Để
tìm một lối thoát từ các truyền thống này, vào cuối những năm sáu mươi
các trí thức bị áp bức chỉ có ba trường phái lý thuyết để lựa chọn. Hoặc
là người ta định hướng theo chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hiện sinh hoặc hay
là triết học phân tích. Tuy nhiên sự khác biệt một cách tối đa giữa
những phương thức tư duy này đã gây nên sự hạn chế khả năng đối thoại
giữa các trí thức đối lập. Nói một cách khác: Đã xuất hiện nhu cầu cấp
thiết phải xây dựng một lý thuyết có khả năng kết hợp một cách hợp lý ba
truyền thống này. Đây chính là thành công của Habermas. Thông qua đó,
như ở chính các tác phẩm của ông, ít nhất là ở Tây Ban Nha đã hình thành
nền một nền văn hóa triết học cởi mở và có khả năng liên kết.
Các bài liên quan:
- Jürgen Habermas, “Dường như người ta không còn nghe được giọng nói của chính mình nữa”
- Jürgen Habermas, “Mở hướng tới Ðức tin và Tri thức”
- Jürgen Habermas, “Một lời chào cuối”
- Jürgen Habermas, “Mở hướng tới Ðức tin và Tri thức”
- Jürgen Habermas, “Một lời chào cuối”
0 comments
Post a Comment