Hai khái niệm Tự do (Liberty) và Dân chủ
(Democracy) xưa nay thường được hiểu là tương tự, hoặc ít ra thì cũng
rất gần nhau, theo hướng giải phóng con người. Quả thực, trong các nước
dân chủ phương Tây thì hai yếu tố ấy cũng bện chặt vào nhau để tạo nên
một nền Dân chủ – Tự do (liberal democracy). Hầu hết chúng ta
đều hiểu Dân chủ và Tự do là hai yếu tố biến thiên cùng chiều như một
cặp bài trùng. Vì thế cũng không ai mổ xẻ tách bạch sự khác nhau giữa
hai khái niệm ấy làm gì.
Song thực tiễn chính trị đã khiến cho
hai từ Dân chủ và Tự do buộc phải được hiểu một cách chính xác hơn
(nhưng vẫn cùng chiều), rồi thật bất ngờ, dưới bàn tay nhào nặn khéo léo
của một số nhà chính trị ở một số quốc gia, Dân chủ và Tự do không bện
chặt vào nhau nữa, chẳng những rời nhau ra mà có thể còn chống lại nhau.
Từ đó hình thành và phát triển những hệ thống chính trị Dân chủ – nhưng không Tự do (illiberal democracy).
“Nhiều chính quyền được bầu lên một
cách dân chủ, thậm chí các chính quyền được bầu lại hoặc được tái xác
nhận thông qua trưng cầu dân ý, lại càng bất chấp các giới hạn quyền lực
do hiến pháp qui định và thường tước đi các quyền và những tự do căn
bản của người dân“.
Sự phát hiện điều nghịch lý và khái quát
thành lý luận này của Fareed Zakaria, một nhà báo, nhà triết học chính
trị với vốn sống chính trị phong phú, thuộc số những nhà trí thức hàng
đầu có nhiều ảnh hưởng nhất hiện nay [1], theo tôi là một phát kiến rất
lớn, mặc dù nhiều học giả của thế kỷ 18 và 19 cũng đã bắt đầu “nhìn
thấy trong Dân chủ một sức mạnh có thể gây tổn hại cho Tự do”.
Thật vậy, Dân chủ trước hết và chủ yếu
được hiểu là quyền làm chủ của dân, là sự can dự của dân vào quá trình
hình thành bộ máy cai trị. Khi một quốc gia tổ chức các cuộc bầu cử đa
đảng, có cạnh tranh, bộ máy cầm quyền do lá phiếu của người dân bầu ra,
không ai áp đặt, chúng ta gọi quốc gia đó là dân chủ.
Còn Tự do, theo nghĩa truyền thống và thường được hiến định, là các quyền tự nhiên, bất khả nhượng nên còn gọi là Tự do hiến định
(constitutional liberalism), nhằm bảo vệ tính độc lập tự chủ và nhân
phẩm của con người trước những chèn ép về chính trị, xã hội, tôn giáo và
những cái khác.
Nếu muốn coi Dân chủ cũng là biểu hiện của Tự do thì đó là Tự do chính trị, còn quyền Tự do hiến định chính là Tự do dân sự; một
đằng tạo ra chính quyền, một đằng không ngừng chỉnh lý, khống chế chính
quyền ấy. Vì Tự do là nền tảng, Dân chủ là thượng tầng nên quan hệ giữa
Tự do và Dân chủ là quan hệ hầu như một chiều: Chủ nghĩa Tự do hiến
định dẫn đến Dân chủ, nhưng Dân chủ thì dường như không mang lại chủ
nghĩa tự do hiến định. Gốc nào thì quả ấy, cho nên “Cái làm thành
nét đặc trưng và tạo ra sự khác biệt giữa các chính quyền tại châu Âu
và Bắc Mỹ với các chính quyền khác trên toàn thế giới không phải là dân chủ mà chính là chủ nghĩa tự do hiến định. Biểu tượng tốt nhất của “Mô hình phương Tây” không phải là hệ thống bầu cử đại chúng mà chính là vị quan tòa không thiên vị” (Zakaria).
Nếu vội vàng tạo lập Dân chủ nơi chính quyền trong khi chưa giành được những quyền tự do dân sự trong dân chúng thì đó là thứ Dân chủ không có gốc, nó dễ dàng trở thành phản bội.
Chúng ta vẫn thường nghĩ một cách đạo
đức và đơn giản rằng: sự cảnh giác chỉ cần khi chính quyền đối lập với
nhân dân, chứ khi nhân dân đã tự gánh vác trách nhiệm thì sự thận trọng
là không còn cần thiết. Xin thưa, Alexandr Lukashenko sau khi được bầu
làm Tổng thống Belarus một cách dân chủ với đa số phiếu áp đảo trong
cuộc bầu cử tự do năm 1994, khi được hỏi về việc giới hạn quyền lực của
ông ta, thì chính nhà độc tài này đã tuyên bố “Chế độ độc tài sẽ không có ở đây. Tôi thuộc về nhân dân, vì vậy tôi sẽ cống hiến vì nhân dân!“.
Cũng đừng tưởng rằng khi người cầm quyền
do dân bầu ra mà chống lại tự do của dân thì dân sẽ không bầu nữa. Trái
lại có thể dân vẫn bầu, mà còn bầu với số phiếu cao nữa kia! Bởi nếu
những quyền tự do hiến định không được thực hiện thì những thủ thuật để
chiếm lòng dân, để tạo sức mạnh của số đông, để dân lại tiếp tục bầu là
điều không khó khăn gì.
Đối với pháp trị, lòng tin dễ thành
thuốc độc, bởi tinh thần căn bản của luật pháp là dựa trên sự nghi ngờ.
Khi đã cố xây dựng lòng tin làm cẩm nang, làm tiên đề để điều hành xã
hội thì luật pháp sẽ bị vận dụng méo mó, sẽ mất hiệu năng và đó là mầm
mống bành trướng của quyền lực tuyệt đối.
Sau một diễn tiến Dân chủ
thường tạo được lòng tin, nhưng lòng tin lại gây mất cảnh giác nơi dân
chúng và là mảnh đất phát sinh lạm quyền, rồi sự lạm quyền sẽ quay lại
chống Tự do. Con đường Dân chủ chống lại Tự do cứ khép một đường vòng như vậy. Đừng bao giờ quên rằng khi có quyền trong tay người ta có thể biến thành một người hoàn toàn khác. Chỉ trong một xã hội có Tự do dân sự vững
chắc thì sự tha hoá của quyền lực mới được kiềm chế và đường vòng phản
hồi chống dân chủ kia mới có khả năng ngăn chặn. Biết đặt sự nghi ngờ
lên trước để xử lý thì lòng tin sẽ đến theo sau.
Bằng con mắt tinh tường và với một quan
điểm lý luận có hệ thống, Zakaria đã điểm mặt những vùng địa lý chính
trị, nơi nào có Dân chủ-Tự do điển hình, nơi nào tuy chưa thật dân chủ
nhưng lại có Tự do, ngược lại nhiều nơi chưa có Tự do nhưng lại được xếp
vào nước có Dân chủ…
Đặc biệt ông đã nhận ra sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu thế Dân chủ phi Tự do
(illiberal democracy), như một lối thoát được ngụy trang rất khôn ngoan
của những chính quyền cố giữ cho được sự cai trị độc đoán trước một
trào lưu dân chủ toàn cầu không thể chống lại. Những chính quyền ở Peru,
Palestin, Sierra Leon, Slovakia, Kazakstan, Kyrgystan, Pakistan,
Belarus,… và những nhân vật chính trị như Boris Yeltsin, Alexandr
Lukashenko, Alberto Fujimori, Carlos Menem,… là những ví dụ điển hình
(khi ấy là năm 1997, sau này phải kể thêm Vladimir Putin). Theo Zakaria
thì lúc ấy một nửa số các quốc gia đang dân chủ hoá lại là các chế độ Dân chủ phi tự do (illiberal democracy).
Trước sự trỗi dậy của xu thế có Dân chủ nhưng không có Tự do như thế, dân Việt Nam phải làm gì để khỏi sa vào?
Chính trị cũng như thị trường, chẳng qua cũng một Quy luật cung cầu chi phối cả. Có “cầu” ắt có “cung“, và thế nào cũng xuất hiện bọn “cung đểu”
(bọn làm hàng giả), quy luật cạnh tranh sinh tồn vốn tiềm tàng tính
“bất thiện” như thế. Nhân dân cần Dân chủ và Tự do ư? (và nghĩ rằng hai
thứ đó giống nhau), thì sẽ có giới cầm quyền đứng ra nhận thoả mãn nhu
cầu ấy. Nhưng đối với giới cầm quyền thì món hàng Dân chủ có “giá thành”
rẻ hơn lại ít nguy hiểm hơn so với Tự do, nên họ cứ trưng cái nửa Dân
chủ ra trước đã. Nếu dân là người tiêu dùng hồn nhiên, gặp kẻ tiếp thị
có nghề là “bập” vào ngay. Thế là dân hoan nghênh, dân bầu ngay, tín
nhiệm ngay, rất tự giác, rất dân chủ.
Nhưng như thế là “thượng đế” bị sa bẫy rồi, cái bẫy có tên là Dân chủ phi Tự do. Khi cái ghế quyền lực đã “đúc bê tông” thì số phận cái nửa Tự do kia sẽ thế nào là chuyện “hạ hồi phân giải”!
Chỉ khi nào dân trí đã khôn, đã từng trải, mới biết “nắm đằng chuôi”, mới biết khước từ món “mì chính trị ăn liền” thường rất đậm đà màu sắc địa phương, mà đòi cho được quyền Tự do hiến định, tức Tự do dân sự
như dân các nước văn minh được hưởng. Điều tưởng như rất bình dị này
mới chính là sản phẩm quốc tế chất lượng cao, đã được lịch sử kiểm định.
Người khôn ngoan không đòi ngay con cá mà cố giành lấy chiếc cần câu
chính là như vậy.
Trong lúc tôi đang băn khoăn, thai nghén
những ý tưởng về chủ đề này thì may mắn thay, cùng một lúc tôi được đọc
hai tài liệu cùng của Fareed Zakaria: cuốn Tương lai của Tự do (The Future of Freedom) do trang mạng X-café dịch và đăng nhiều kỳ và bài tiểu luận “Sự trỗi dậy của các chế độ Dân chủ phi tự do” (The Rise of Illiberal Democracy) do Phạm Hồng Sơn dịch và Mai Thái Lĩnh hiệu đính (và được phép chính thức của tạp chí Foreign Affairs). Bài tiểu luận này viết năm 1997 chính là nòng cốt để tác giả phát triển thành cuốn The Future of Freedom năm 2003.
Với những độc giả không có nhu cầu tìm
hiểu rộng và chi tiết, chỉ cần nắm được luận điểm chính và những ví dụ
điển hình, tôi nghĩ đọc bài tiểu luận “Sự trỗi dậy của các chế độ Dân
chủ phi tự do” là thích hợp, trong đó tác giả trình bày ý tưởng một cách
ngắn gọn, súc tích và sắc xảo.
Xin chân thành cảm ơn cả hai dịch giả của hai tác phẩm nói trên.
Tháng 5-2009
© 2009 Hà Sĩ Phu
© 2009 talawas blog
________
[1] Fareed Zakaria là một nhà báo Mỹ gốc
Ấn Độ. Ông sinh năm 1964 tại thành phố Mumbai (tên cũ là Bombay) thuộc
bang Maharashtra – Ấn Độ, trong một gia đình Hồi giáo. Cha ông là Rafiq
Zakaria (1920-2005), một học giả Hồi giáo và là một chính trị gia của
Đảng Quốc Đại Ấn Độ (Indian National Congress). Mẹ ông, Fatima Zakaria,
đã có thời là biên tập viên của tuần báo Times of India (Thời
báo Ấn độ). Sau khi học trung học tại Ấn Độ, Zakaria du học tại Hoa Kỳ,
tốt nghiệp Cử nhân (B.A.) tại Đại học Yale và lấy bằng tiến sĩ chính trị
học (Ph.D. in Political Science) tại Đại học Havard – nơi đây ông được
hướng dẫn bởi các vị giáo sư chính trị học nổi tiếng như Samuel P.
Huntington và Stanley Hoffmann. Ông nhập quốc tịch Hoa Kỳ vào năm 2001.
Sau khi tham gia một công trình nghiên
cứu của Đại học Havard về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Zakaria trở
thành biên tập viên điều hành (managing editor) của tạp chí Foreign Affairs
(Các vấn đề đối ngoại) và giữ chức vụ này trong 7 năm (từ năm 1993 đến
năm 2000). Tạp chí này là một tập san chuyên đề bàn về các quan hệ quốc
tế và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, được phát hành hai tháng một lần
bởi Hội đồng về Các Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations, CFR). Tháng 10 năm 2000, ông được bổ nhiệm làm tổng biên tập (editor) của tạp chí Newsweek International (tức ấn bản quốc tế của tạp chí Newsweek).
Với chức vụ này, ông chịu trách nhiệm trông nom các ấn bản tiếng Anh ở
hải ngoại của tờ tạp chí nổi tiếng này, được phát hành khắp châu Âu,
châu Á, châu Phi và vùng Trung Đông với trên 3 triệu ruỡi độc giả. Ngoài
nhiệm vụ đó, ông còn thường xuyên viết bài cho các tờ báo nổi tiếng ở
Mỹ như New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, New Republic,
v.v… Ông còn cộng tác với nhiều đài truyền hình nổi tiếng như PBS
(2005-2007), ABC (2002-2007) và CNN (từ tháng 6 năm 2008). Không chỉ là
nhà báo, Zakaria còn là tác giả của một số cuốn sách nổi tiếng như: The Future of Freedom (Tương lai của Tự do, 2003) và The Post-American World (Thế giới hậu – Hoa Kỳ, 2008).
Năm 1999, tạp chí Esquire vinh danh ông là “một trong 21 nhân vật quan trọng của thế kỷ 21″. Năm 2007 ông được các tạp chí Foreign Policy và Prospect xếp vào danh sách 100 nhà trí thức hàng đầu được nhiều người biết đến của thế giới. Tháng 1 năm 2009, tạp chí Forbes xếp Zakaria vào danh sách 25 nhà tự do (liberals) có ảnh hưởng nhất trong giới truyền thông Hoa Kỳ.
Bài báo “Sự trỗi dậy của nền dân chủ phi-tự do” (The Rise of Illiberal Democracy) công bố trên tạp chí Foreign Affairs vào tháng 11 năm 1997 là tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất của Zakaria.
(Tư liệu do nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh cung cấp.)
0 comments
Post a Comment