Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Wednesday, September 18, 2013

Đạo Học Lão-Trang: Nguồn Hạnh Phúc.


CHƯƠNG IV


THỰC HÀNH:
THIỀN ĐẠO HỌC


Thực hành ở đây là hành thiền. Ở đây tôi cho bạn là hạng trung bình như tôi. Còn nếu bạn là thiên tài, không học mà biết, tự suy ra được Đạo như Lão Tử, hay bạn có cách nào đó để đắc Đạo mà không phải thiền thì sách này chỉ để bạn tham khảo, hay theo một cách khác, bạn thực hành và dạy người khác sự giác ngộ mà không phải thiền, là một cách mới, khác với cách tôi.Tôi thì thiền và truyền cho người khác cách đó. Thiền không chỉ có trong Phật Giáo. Yoga là một kiểu thiền. Nhân điện (bioenergy) cũng là một kiểu thiền, nhưng khác với Đạo học và Phật học là thiền của hai phương pháp sau dẫn ta tới sự giải thoát tuyệt đối, không còn bao giờ đau khổ nữa. Nhân điện thì chỉ dùng để chữa bệnh. Người có nhân điện, như tôi chẳng hạn, cũng dùng nhân điện chữa bệnh, chữa được, một số bệnh chữa khỏi, rất tốt, không tốn tiền, không đau đớn, không tác dụng phụ, dễ dàng mọi lúc mọi nơi, nhưng có một số bệnh nó không chữa được. Bác tôi, người dạy nhân điện cho tôi, chết vì bệnh, mặc dù bác là ông thầy nhân điện. Nhân điện không giải thoát tâm ta được, tâm ta trống không khi ta ra lệnh cho nhân điện vào người ta qua các luân xa nhưng cái tâm trống này có tính cưỡng bức, không tự nhiên,không 24/24, bất cứ đâu, không vậy không được như thiền Đạo học và Phật học mà ta vẫn là người thường, còn vô minh. Nhân điện gần giống với thiền Đạo học nhưng dễ hơn và “thấp” hơn nhiều. Nhân điện thì ở Việt Nam, chắc là tỉnh nào cũng có thầy dạy, có người biết, nhưng Đạo sĩ thứ thiệt thì có mấy ai ngoài Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, giáo sư Cao Xuân Huy, “thánh” Krishnamurti và thêm NNH? Bạn có thể cho rằng có nhiều Đạo sĩ nhưng ta không biết. Tôi thấy ngược lại là khi đắc Đạo rồi thì Đạo sĩ thấy ta và xã hội là một, mà ta thì đã giải thoát nên Đạo sĩ liền làm như Phật, là giảng Đạo, để giải thoát người khác. Đạo trừu tượng vậy còn thấy, huống chi là viết một cuốn sách, là việc đơn giản hơn, là một cách giảng Đạo, rồi phát hành ra, bằng mọi cách, thật rộng rãi để giúp đời. Vì thế ta dễ thấy, dễ biết khi một người đắc Đạo Lão.Tôi dĩ nhiên là đọc nhiều sách Đạo học, và luôn xem các tác giả tham khảo. Đạo sĩ mà xuất hiện, tôi biết ngay, và liên lạc ngay. Nhưng ngoài mấy ông trên, tôi chưa thấy ai là Đạo sĩ thật cả.Có mấy ông là “giáo sư”, “tiến sĩ” gì gì đó, họ viết kể cả từ điển Tam Giáo Nho, Phật, Lão, nhưng họ chỉ copy lại Lão Tử, chứ không đưa ra được định nghĩa về Đạo dứt khoát, rõ ràng như tôi. Định nghĩa như tôi thì theo đó thiền được, giải thoát được, vì chính tôi đã thiền, và đã giải thoát, hơn vậy nữa, chính cuốn sách bạn đang đọc đây, và tất cả các hành vi cũa tôi, lối sống, tư duy, thế giới quan, nhân sinh quan đều thống nhất theo định nghĩa đó. Tôi không hề kiêu ngạo khi tôi liệt tôi vào danh sách những Đạo sĩ hiếm hoi, vì tôi chứng minh được bằng cả lý thuyết và hành động sinh động tươi rói như rau sống tôi là cái không, cái không không phải là cái tốt, khác xa cái tốt, nên tôi không phải là hiếu danh, là kiêu ngạo gì cả.Việc tự xưng mình là Đạo sĩ thì phải tỏ ra xứng đáng. Tục ngữ có câu:”Cây cao thì gió càng lay/ Càng cao danh vọng, càng dày gian truân”, phải chứng minh được mình là Đạo sĩ thật thường trực, ví dụ, yêu kẻ thù thường trực. Đạo sĩ thì hiếm hoi như vậy,với tôi, Đạo rất dễ mà rất khó, nên thiền Đạo “cao cấp” hơn nhân điện nhiều. Tôi khi chưa đắc Đạo, học nhân điện sơ cấp, trình độ tự chữa bệnh thì mỗi ngày chừng vài giớ, trong một tuần là thành công. Còn thiền Đạo học thì phải tư duy, thiền không xác định thời gian, có khi suốt đời.


Thiền Đạo học là sự nhìn vào bên trong tâm trí mình để đạt tới sự sáng suốt, sự giác ngộ. Thiền có thể thực hành mọi lúc, mọi nơi. Vì là sự nhìn vào tâm trí bạn để đạt tới sự sáng suốt, không còn vướng mắc vào bất cứ cái gì, do đó không còn yêu ghét cái gì. Không yêu ghét cái gì thì không có cái gì gây họa cho bạn được. Muốn thế phải tự hỏi ta yêu cái gì, ta ghét cái gì và tại sao. Nói tóm lại là tìm hiểu chính tư tưởng bạn, và nhìn cho ra tất cả các ý nghĩ trong đầu bạn không có bản tính nào cả.


Tưởng là dễ, ấy vậy mà khó. Nếu bạn biết bạn yêu cái gì thì bạn sẽ dễ giỏi cái đó, do đó bạn đã đi hướng đó rồi, không đi lung tung mà đâm ra không thành công. Như bản thân tôi chẳng hạn, để biết tôi yêu cái gì thì mãi đến 30 tuổi mới biết, và chỉ một năm sau, tới 31 tuổi thì đắc Đạo. Vậy có thể nói những người không thành công là những người không biết mình yêu cái gì. Đại kiện tướng cờ vua khác với kiện tướng cờ vua điểm nào bạn biết không? Đại kiện tướng cờ vua thông minh hơn ư? Không phải đâu, mà là vì đại kiện tướng yêu cờ hơn kiện tướng. Vậy bạn phải tìm ra cho được cái bạn yêu là gì, và tương tự cái bạn ghét là gì.Bạn yêu cái gì thì bạn dễ dàng suy nghĩ về điều đó 24/24, khác với tham vọng. Hiện nay thì tôi thấy nhiều người “thích” tiếng Anh để đi làm ở các công ty nước ngoài, nhưng thật ra họ không yêu tiếng Anh, tức suy nghĩ về tiếng Anh 24/24. Họ chỉ tham vọng về tiếng Anh thôi. Tham vọng khác, yêu khác. Một cách so sánh khác là bạn xem bạn có yêu cái bạn thích như bạn yêu gia đình bạn không. Nếu bạn nói bạn thích toán học thì bạn coi nó tự nhiên như cha mẹ bạn vậy, thế mới gọi là yêu và như vậy chắc chắn bạn giỏi toán. Như tôi chẳng hạn, ngay khi chưa ngộ Đạo cũng vậy, cho tôi sống trong biệt thự đẹp, có bể bơi, có vườn hoa, có gara, có xe hơi, sáng chơi tennis, v.v... nghĩa là lối sống thượng lưu, nhàn hạ nhưng không được đọc sách triết thì tôi không thèm. Ngược lại, sống giữa những tủ sách triết học, dù ăn rau, tôi cũng vui lòng. Nhưng phải đến 30 tuổi, tôi mới phát hiện ra chính tôi như vậy. Khó, biết mình yêu cái gì là khó. Cuộc đời có quá nhiều thứ để lựa chọn, lại còn hỗn độn nữa, biết đi đằng nào bây giờ?


Tương tự như vậy, nếu tôi hỏi bạn tư tưởng của bạn là gì, thì chắc bạn không dễ dàng trả lời được. Cái ngay trong đầu nhưng không dễ dàng trả lời được. Nhưng phải tìm cho ra, vì mục đích của ta là đạt tới sự sáng suốt, sự thông suốt trong tư tưởng mà. Muốn thế phải trả lời câu hỏi “tư tưởng của ta là gì? “ Đó là cái mà nó phân biệt bạn với người khác, cái mà nó lái cuộc đời bạn đi. Tư tưởng bạn thế nào thì đời bạn thế ấy. Tư tưởng của bạn thì không thoát khỏi tư tưởng Việt Nam được. Tư tưởng Việt Nam là Nho, Phật, Lão, Cơ Đốc Giáo (gồm hai nhánh chính là Thiên Chúa Giáo và Tin Lành) và Chủ Nghĩa Mác. Đây là những nhánh chính, còn những nhánh nhỏ thì không đáng kể, chẳng hạn, Phật Giáo Hòa Hảo, hay Cao Đài. Hai tôn giáo sau thì chỉ có cả thảy chừng dưới 10 triệu tín đồ trong tổng số hơn 80 triệu người Việt Nam mà thôi mà Phật Giáo Hòa Hảo thì cũng từ Phật Giáo mà ra. Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài không thể đại diện cho tư tưởng Việt Nam, ảnh hưởng của hai tôn giáo này nhỏ, có tính khu vực ở miền Nam mà thôi. Đạo Cao Đài có truyền ra miền Bắc nhưng không có tính đại diện cao như Phật Giáo, Cơ Đốc Giáo được. Bạn nói gì thì nói, làm gì thì làm, không thoát khỏi tư tưởng Việt Nam được, trừ phi bạn điên khùng. Bạn thương yêu người khác ư? Nho Giáo, Thiên Chúa Giáo dạy bạn cái đó từ xưa. Nói bạn bất nhân, bất nghĩa tất bạn không chịu, phải không? Đó, nhân nghĩa, bạn chịu ảnh hưởng của Nho rồi. Bạn cầu tiến, bao giờ cũng cố gắng hết mình trong công việc, trong giao thiệp với người, lại thích làm việc nghĩa ư? Ấy, tư tưởng của bạn cũng không thoát khỏi Nho Giáo, vì Nho dạy ta như vậy từ xưa lắm rồi. Tư tưởng của bạn như vậy là không có gì mới lạ cả, bình thường thôi, và có thể nói là cũ mèm nữa, vì nó không vượt qua nổi ông Khổng. Bạn bị ông Khổng chặn lại, bạn không vượt qua ông Khổng được. V.v... có thể nếu ra vô số ví dụ như vậy, bất cứ cái gì bạn làm, bạn nghĩ cũng không thoát khỏi 5 luồng tư tưởng trên được.


Vậy 5 luồng tư tưởng trên có đáng học không? Đáng chứ. Bạn học chúng để xác định tư tưởng bạn ở đâu trong 5 luồng đó, và tư tưởng bạn từ đâu ra. Cái này ít được quan tâm, vậy mới kỳ lạ. Tôi đã chứng kiến nhiều. Bạn có khi gặp một tay khoa bảng, cỡ như thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) chẳng hạn, bạn hỏi cắc cớ: tư tưởng Việt Nam là gì, thì chắc rằng đa số không trả lời được. Nếu nói được tư tưởng Việt Nam là 5 luồng trên thì bạn hỏi tiếp “Nho là gì? “, “ Phật là gì? “, “Lão là gì? “, “Chúa là gi? “, “Chủ nghĩa Mác là gì? “ thì chắc tay khoa bảng nọ trả lời không rành mạch. Tư tưởng Việt Nam mà không biết thì chúng ta suy nghĩ theo kiểu gì? Theo một kiểu không phải Việt Nam chăng? Dù là kiểu không phải Việt Nam thì cũng phải chỉ ra cho được nó là cái gì. Sự không thông tư tưởng chính mình tôi gặp rất nhiều trong thực tế, kể cả những người có học vị cao, tới tiến sĩ đi Tây học. Bạn dùng 5 luồng tư tưởng trên làm những cột mốc chính để xác định tư tưởng bạn từ đãu mà ra.


Để trả lời được câu hỏi “tư tưởng của ta là gì?” thì trước hết bạn tìm cho được đâu là các bài học quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Tìm được các bài học quan trọng nhất rồi, bạn tìm tiếp chúng từ đâu ra, thuộc hệ tư tưởng nào? Như hiện nay thì bài học quan trọng nhất trong đời tôi là Đạo. Trước đó, thì tư tưởng tôi phần nhiều thuộc về Nho Giáo. Không muốn vậy cũng không được, vì tôi muốn làm việc thiện, việc nhân nghĩa, việc tốt, chống cái xấu, cái ác, mà không đủ trình độ để quên chúng đi. Có quên sự làm việc thiện thì mới sống trong cõi giới “Vô” mà đủ trình độ “dĩ ân báo oán” rất cao của nhà Lão. Trước khi đắc Đạo thì tôi không đủ trình độ dĩ ân báo oán. Có lẽ cũng cần kể lại quá trình nhận thức của tôi trước khi đi vào hành thiền. Kể ra để bạn làm theo một cách tương tự mà thôi, không phải là sự phô diễn cái tôi: tôi mà muốn tốt thì hóa ra là xấu vì cái tốt là cái xấu.


Bài học thứ nhất, trích ngay truyện đầu tiên trong tập Góp Nhặt Cát Đá, có tên là Một Tách Trà.

Nan-in, một thiền sư Nhật sống vào thời Minh Trị (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền.
Nan-in mời trà. Ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm.
Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách tràn ra cho đến khi không kiềm mình được nữa: “Đầy quá rồi. Xin đừng rót nữa.”
“Giống như cái tách này,” Nan-in nói, “ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông. Làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được, trừ phi ông cạn cái tách của ông trước? “

Bài học này làm tôi có tính khiêm tốn một cách nguyên tắc. Khiêm tốn là đức tính đầu tiên cần có để học hỏi được nhiều. Trước khi đắc Đạo thì học nhiều, học mọi người xung quanh, học trong sách vở, trong thư viện, học ở nhà trường. Do bài học này mà ngay cả khi nghe một quan điểm trái ngược, tôi cũng để tâm tìm hiểu nguyên nhân tại sao, và tìm ra liệu quan điểm đó có phù hợp thực tế không, chứ không vội chỉ trích. Song, khiêm tốn là cái từ xã hội, từ bên ngoài đưa lại, bạn bắt bạn phải tuân theo, chứ nó không tự nhiên từ trong tâm trí bạn phát ra. Vì thế mà thoảng hoặc, bạn có thể quên, và vì muốn phô diễn cái hay của bạn, tức cái tôi mà bạn trở nên tự kiêu. Tín Lăng Quân, một trong “Chiến Quốc Tứ Công Tử”, nổi tiếng là hiền tài, là khiêm tốn với kẻ sĩ, vậy mà có lúc cũng kiêu ngạo, cậy công.


Bài học thứ nhì là thấy cái gì cũng hỏi “Tại sao? “. Cái gì cũng có nguyên nhân cả. Chính vì thế mà ta cũng hỏi “Tư tưởng của ta là gì và tại sao ta có tư tưởng đó? “


Bài học thứ ba là luôn quan sát sự vật, hiện tượng, con người từ nhiều khía cạnh, nếu không nói là từ tất cả các khía cạnh. Aristotle, nhà triết học cổ Hy Lạp đã dạy ta như vậy và cũng đã dùng cách đó. Chẳng hạn bạn tán gái, thì cần tìm hiểu hết những người thân của cô gái đó, tìm hiểu quá khứ, việc làm, sở thích, thói quen, yêu ghét. v.v... của cô gái đó. Nếu cô gái thích thơ thì bạn bình thơ, học làm thơ mà “tấn công”, hẳn cô gái sẽ thích bạn. Khi tìm hiểu nhiều chiều cô gái, thông qua bạn bè, người thân, hàng xóm cô gái như vậy mà bạn mới xác định được là cô gái có công, dung, ngôn, hạnh hay không để mà tiến tới tiếp.Nói cô gái có công, dung, ngôn, hạnh là vì bạn chưa giác ngộ, dễ bị những cô gái như vậy thu hút. Nho Giáo cũng nói “trí tri tại cách vật”. “Cách vật” người Mỹ dịch là “investigate things”, là điều tra sự vật. Điều tra thì cũng phải nhìn từ nhiều chiều như vậy. Tôi cũng có thời gian làm gia sư, dạy môn Anh Văn. Khi dạy, chỉ một lớp, tôi dùng nhiều sách khác nhau của các tác giả khác nhau, đâm ra bài học có bề sâu và phong phú. Học trò làm bài tập nhiều thì cũng tiến bộ hơn. Đến một hôm, qua một em học sinh hàng xóm thì tôi biết rằng cô giáo cũ của em dạy Anh Văn cho em chỉ dùng có duy nhất một cuốn sách. Vì thế mà em cho rằng tôi dạy hay. Tôi biết người khác dạy như vậy, không khỏi bật cười. Ôi trời, kiến văn mỏng, thiếu kiến thức triết học như vậy thì “chết”. Dạy mà chỉ biết có một tác giả thì như người chột vậy. Phải nhìn vào đối tượng, vào môn học từ nhiều chiều, tức học theo nhiều tác giả khác nhau chứ. Chính vì cái lối luôn nhìn sự vật, hiện tượng từ nhiều khía cạnh mà ta đọc sách báo, nghe radio, thu lượm thông tin từ internet, tiếp xúc với người giỏi, v.v... nhiều. Tóm lại, làm bất cứ việc gì cũng phải tìm hiểu sự vật từ nhiều khía cạnh.


Không chỉ nhìn theo nhiều chiều như vậy mà theo Mạnh Tử, ta cũng cần kiên nhẫn nữa, như trong bài tôi gọi là “Ba câu phản tỉnh của Mạnh Tử” trích trong sách Cổ học Tinh hoa. Trong sách này bài viết ấy có tên gọi là Tự xét lại mình:


“ Người quân tử sở dĩ khác người là vì lúc nào cũng để tâm tới việc “nhân”, để tâm tới việc “lễ”.


Đã là người có nhân, thì yêu người, đã là người có lễ thì kính người. Mà theo nhẽ thường, yêu nguời thì người tất yêu lại, kính người thì người tất kính lại.


Người quân tử ăn ở như vậy, mà gián hoặc còn có kẻ đem thói ngang ngược đối đãi lại thì tất nhiên tự xét ngay mình lại, chắc mình còn bất nhân, chắc mình còn vô lễ, thì họ mới xử với mình như thế, chứ tự dưng thì có khi nào họ ngang ngược với mình được.


Người quân tử xét lại thật mình có nhân, thật mình có lễ, mà người ta đối đãi với mình vẫn ngang ngược như trước thì, thì tất lại xem xét lại mình ta nhân, ta lễ thật, nhưng ta chưa được hết lòng chăng?


Nếu người quân tử xét rằng thật đã hết lòng mà thói người ngang ngược vẫn như trước, thì bấy giờ người quân tử nói:


“Hạng này thật là càn dỡ. Người mà đến như vậy thì khác gì loài vật. Đối với loài vật thì ta còn so kể làm chi! “ “


Bài học này ích lợi trong việc giao tiếp. Nó làm ta khảo sát đi khảo sát lại một con người nhiều lần trước khi kết luận một người là tốt hay xấu. Biết người khó lắm. Vì thế mà không vội vàng, không nghe tin đồn, sự phán đoán của ta về con người ít sai sót. Ít chứ không phải hết, vì có khi phản tỉnh tới 3 lần rồi nhưng có thể ta vẫn lầm bản chất con người. Ví dụ, Pê Tanh là vị cứu tinh nước Pháp trong Thế Chiến thứ nhất, nhưng lại là tên phản quốc nhục nhã, đầu hàng phát xít Đức trong Thế Chiến thứ hai.


Mạnh Tử còn dạy tôi bài học sau: Những tật xấu của ta ngăn cản ta trên đường thành công mà ta không biết. Ta hãy xem danh nhân như Benjamin Franklin, ông ghi lại các tật xấu của ông, rồi ông diệt chúng mà thành một người rất dễ thương. Hơn nữa, còn là một người minh triết, dù là minh triết kiểu nhị nguyên.


Đọc Nho Giáo của Trần Trọng Kim thì tôi biết bài học sau: Vương Dương Minh ở Trung Quốc là một đại thần, một triết gia. Có lần ông phải đi đánh giặc cướp, tóm được tên cừ khôi của giặc , Hỏi vì sao mà tài vậy, tên cướp đáp: “Nghe nói có ai là người tài thì tìm mọi cách kết giao rồi cùng họ mưu việc lớn.”


Ấy, việc kết giao với người giỏi quan trọng như vậy. Có kết giao với người tài thì mới đa mưu túc trí được. Truyền thống của Nho Giáo là “thượng hiền” (tiến cử người hiền tài). Cứ thấy ai là người giỏi thì tôi không xu nịnh, nhưng tôn trọng, đánh giá cao khả năng của họ và làm bạn. Chính vì trước khi giác ngộ, tôi cực kỳ khâm phục anh Độ, vì thấy những gì anh nói và làm rất giống Chân Nhân, mà tôi mới học và thành Chân Nhân vậy.


Cách tôi giành chiến thắng là tôi áp dụng binh pháp Tôn Tử: tìm điểm yếu của đối phương rồi đánh vào đó. Chơi cờ, tán gái, đá banh, làm việc, v.v… thảy đều áp dụng cách này.


Và nếu tôi làm công nhân viên chức thì áp dụng bài học sau của Khổng Tử, trích trong Luận Ngữ:


“Ông Tử Trương trong khi đi học có ý muốn làm quan hưởng lộc. Biết rõ mục đích của ông, Khổng Tử dạy rằng: “Nên nghe cho nhiều. Những điều chi mình nghe chẳng tỏ, hãy còn hồ nghi thì dẹp lại một bên, đừng có nói. Còn những điều chi mình nghe được minh bạch, mình nên nói một cách dè dặt. Như vậy, ít có dịp người ta quở trách mình. Nên thấy cho nhiều. Những điều chi mình thấy chẳng rõ, có thể nguy hại thì dẹp lại một bên, đừng có làm. Còn những điều chi mình xét chẳng có hại, mình nên làm một cách dè dặt. Như vậy, ít có dịp mà mình ăn năn. Nói mà ít bị quở, làm mà ít ăn năn, bổng lộc tự nhiên ở đó rồi.”


Ở công sở, nghe nhiều, thấy nhiều tức là học nhiều từ nhiều khía cạnh, nếu không nói là tất cả các khía cạnh, rồi việc gì biết chắc đúng thì mới nói, mới làm. Việc gì còn lờ mờ thì không nói, không làm. Như vậy ít mắc lỗi.


Khổng Tử còn dạy tôi bài học rất quan trọng này: “Đương nhân bất nhượng ư sư”, nghĩa là làm điều nhân thì không cần nhường thầy. Nói rộng ra, làm điều phải, làm chân lý thì không nhường thầy. Ta vì chân lý chứ không vì thầy, vì thế, khi còn là sinh viên, tôi tranh luận với các thầy giáo, dù là tiến sĩ, dù là giáo sư, v.v… rất hăng. Tôi dùng hết sức lực, hết khả năng hiểu biết của tôi để dồn các thầy tôi vào góc như tranh luận với bạn bè ngang ngửa vậy. Tôi chưa bao giờ là kẻ tiếp thu kiến thức thụ động mà luôn phê phán các kiến thức đó trước khi cho nó nhập vào mình. Thầy giỏi là thầy dạy tốt tới nỗi đào tạo được học trò giỏi hơn mình. Và mục đích của giáo dục là để cho thế hệ sau giải quyết những vấn đề thế hệ trước chưa giải quyết được, ví dụ như thế hệ hiện nay giải quyết vấn đề ung thư, AIDS, v.v…, chứ không phải lặp lại cái thế hệ trước đã làm rồi, như chết tạo bộ xử lý Pentium IV chẳng hạn. Vậy trò giỏi hơn thầy là bình thường. Vì thế trong học tập tôi luôn tranh luận thoải mái với thầy tôi.


Một bài học khác học từ Chúa Jesus là đi sau và phục vụ người khác, chứ không kiêu ngạo đứng trước người khác. Theo Kinh Thánh thì Chúa luôn đi sau và phục vụ các tín đồ của mình. Lão Tử cũng nói như vậy.


Không chỉ đi sau và phục vụ người khác mà tôi còn làm tốt đừng cho người khác biết như bác tôi nói.


Và vì mê đọc sách báo ngay từ nhỏ, thêm nữa, sách báo này được chế độ Cộng Sản trong nước kiểm duyệt nên từ bé tôi có tư tưởng duy vật. Tuy vậy, từ nhỏ, tôi xem Phật Thích Ca như thần, có phép màu, có thể trừng trị ta, tức là tôi rất mê tín Phật Giáo chứ không xem Phật như ông hàng xóm như bây giờ.


Sau hết và cơ bản nhất là làm phải nhân ái. Bài học này tôi không học một cách có ấn tượng từ Nho Giáo mà học từ Binh Pháp Tôn Tử và Nguyễn Trãi. Theo Tôn Tử thì làm tướng phải nhân hậu. Còn Nguyễn Trãi thì viết “Đạo làm tướng, nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành.” Làm người cũng như làm tướng, phải ứng xử với bao nhiêu người xung quanh như một viên tướng ứng xử với bao người xung quanh. Đạo làm tướng mà nhân ái thì đạo làm người cũng nhân ái.


Sau khi tìm ra các bài học quan trọng trong đời ta, những bài học quyết định tính cách ta và nguồn gốc của chúng rồi thì ta phê bình gắt gao các bài học đó. Chẳng hạn, bài học “Ba câu phản tỉnh” có thể lầm, vì người xấu có thể làm việc tốt và người tốt có thể mắc lỗi, có thể làm việc xấu. Bài học của Khổng Tử về chốn quan trường cũng có thể mang họa, vì làm tốt thì thăng tiến, mà thăng tiến có nghĩa là cản mũi, vượt qua mặt nhân viên khác mà bị vu oan, bị đặt điều. Nhân ái lại là cái ác. Người ác có thể có một cuộc đời an lành, vui vẻ trong khi người thiện thì cứ bị khổ sở. Ấy, chợ đời này như vậy, chứ không phải câu tục ngữ ngây thơ “Ở hiền gặp lành” luôn luôn đúng. Luôn khiêm tốn đi sau phục vụ người khác thì cũng bị oán đấy, một khi bạn phục vụ cơ quan bạn, gia đình bạn tốt. Một viên chức tốt, khiêm tốn là cái cản trở ghê gớm cho sự tiến thân của viên chức khác. Sau khi phê phán các tư tưởng của ta rồi thì thiền.


Thiền là sự nhìn vào tâm trí mình tìm ra các tư tưởng của mình từ đâu đến và chúng có bản tính gì không. Như đã nói trên, các tư tưởng trước khi đắc Đạo của tôi chắc bạn dễ dàng nhận ra chúng không có bản tính gì. Người có những tư tưởng đó có thể thành công mà cũng có thể thất bại. Khi nào bạn nhìn ra rằng cái tốt và cái xấu của những tư tưởng đó nhập lại làm một thì đó chính là cái một của Đạo, hay nói cách khác, bạn đắc Đạo.


Trực tiếp hơn thì bạn đem những mâu thuẫn nội tâm của bạn ra mà thiền. Khi những ý nghĩ đó tới, bạn cứ mặc nó tới, như những đám mây bay trên trời, bay tới một vùng trời rồi bay đi, chứ không ở hoài một chỗ. Chỉ khi bạn bị tâm thần phân liệt thì ý nghĩ mới dừng lại một chỗ. Khi những ý nghĩ của mâu thuẫn nội tâm đến thì bạn tự hỏi chúng từ đâu đến, bản chất của chúng là gì. Bạn có thể nghĩ như vậy khi lên giường ngủ, khi đang trên đường đi làm, khi đang tắm, khi đang sửa một cái ghế, v.v... Vì thế mà tôi nói có thể thiền ở mọi nơi, mọi lúc, dễ dàng, tự nhiên. Và ở Đạo học thì bạn không cần phải ngồi theo tư thế nào cả, khác Phật học. Cứ tư thế nào thoải mái nhất cho bạn thì bạn trầm tư. Tôi chưa bao giờ biết “tọa vong”, biết “ngồi thiền” là gì. Tôi đắc Đạo khi tôi nằm tay chân co quắp, không theo kiểu gì cả, và khi đắc Đạo rồi thì làm gì cũng là thiền, tức là càng không theo một tư thế, một kiểu cách nào để “dễ thiền”, “khó thiền” gì cả! Không chấp mà, không chấp cái gì cả, không theo một kiểu nào cả, không theo một tư thế nào cả. Đừng có mong muốn trở thành một Chân Nhân, một Trang Tử thứ nhì. Ngay cả muốn trở thành một cái không cũng không. “Còn muốn thành Phật thì không bao giờ thành Phật.” Đã là Đạo sĩ thì không muốn gì cả. Khi thiền bạn cũng không muốn gì cả, cứ mặc cho các ý nghĩ nó đưa đến, rồi bạn suy luận, phân tích để thấy các mặt tốt xấu, lợi hại của chúng để thấy chúng hỗn độn, hay nói cách khác, chúng không có một tính chất gì thuần nhất, tuyệt đối cả.


Tôi chỉ giải quyết một mâu thuẫn nội tâm mà đắc Đạo. Tôi có mua một CD-ROM học tiếng Anh của một gã hàng xóm. Về nhà, cài vô máy tính không được. Tôi đưa cho một tay kỹ thuật cài vô máy anh ta để test, cũng không được. Thế là tôi mang lại cho gã hàng xóm để xem. Anh ta cài được. Cài xong, chạy ổn thỏa rồi, anh ta đưa lại cho tôi, buộc phải lấy. Chuyện đó đối với tôi là tất nhiên, tôi nào phàn nàn gì. Song, gã nói là khi mua, tôi bố láo, và khi đem trả, tôi cũng bố láo. Tôi không biết tôi bố láo gì. Gã đòi đánh tôi. Tôi tức ghê lắm. Cố nhịn. Tôi về hỏi thiền sư Độ:”Vì sao em còn tức thằng đó? “ Thiền sư trả lời: “Vì mày còn coi mày quan trọng hơn nó.” Tối đó, khi lên giường, tôi nằm tay chân co quắp, không theo tư thế nào cả, và xem ý nghĩ mình ghét thằng hàng xóm từ đâu đến và có bản tính gì không:”Ừ đúng. Mình coi mình quan trọng hơn nó. Thật ra mình với nó là một.” Tới đó, tất cả các mâu thuẫn nội tâm của tôi không còn nữa, do trước đó tôi ghét tên hàng xóm là tôi dựa trên âm dương, dựa trên yêu ghét, dựa trên hai, chứ không phải trên một. Tôi thấy tôi và gã nhập thành một. Trong chừng hai phút, tôi thấy có một cái gì đó vỡ ra trong tôi. Trở dậy, tôi đi lại, và bỗng thấy mình không yêu tiền nữa khi nghĩ tới nó, và cũng không ghét những thứ đáng ghét, như ghét rác chẳng hạn. Tôi thấy cái gì cũng hỗn độn, không bản tính. Sáng ra, tôi tuyên bố với anh em, với hàng xóm là tôi thiền được rồi, đã được giải thoát rồi. Nhưng mọi người xung quanh tôi chưa ai hiểu tôi cho rốt ráo hết cả. Dù vậy, tôi vẫn nhìn thấy mọi người xung quanh có một phần của tôi, chỉ khác là họ không nhận ra mình là cái không mà thôi.


Khác Phật giáo, khi thiền không được vọng tưởng. Vọng tưởng, chẳng hạn bạn thấy một phụ nữ đẹp, đâm ra bạn có đam mê với cô ta, rồi mơ mộng được nắm tay cô ta, được hôn cô ta. Thấy người có nhà đẹp, bạn mơ mộng được sống trong căn nhà đẹp như vậy. Thiền trong Phật giáo là làm việc gì thì khuôn tâm mình trong một việc đó thôi. Với Đạo học, qua ba nhà Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử tôi không thấy bàn về điểm này. Và ngay cả bản thân tôi, dù nhận ra mình là cái không rồi, có khi tôi cũng vọng tưởng. Tôi cho việc này không quan trọng. Vọng với thực là một. Bạn vọng tưởng một cô gái đẹp là vợ bạn thì bạn mới yêu cô ấy, rồi cưới cô ấy. Đạo học không có pháp quy, tôi cho là điểm chính là bạn dùng lý luận của Đạo học của ba nhà nói trên, và phần Đạo và Đức mà tôi trình bày trên để phân loại tất cả các ý nghĩ bạn có trong đầu là tốt hay xấu, lợi hay hại, vinh hay nhục, v.v… rồi suy luận để thấy rằng cái tốt là cái xấu, cái xấu dẫn tới cái tốt mà thấy rằng tất cả các vướng mắc trong tư tưởng bạn đều không có bản tính gì cả. Khi bạn không còn vướng mắc gì thì bạn thông suốt mọi lẽ, bạn nhận ra bạn là cái không, trở nên hạnh phúc.


0 comments

Post a Comment