Will Durant
CÂU TRUYỆN TRIẾT HỌC
Trí Hải, Bửu Đích dịch
Viện Đại học Vạn Hạnh, 1971
--- o0o ---
HERBERT SPENCER
(1820-1903)
I. COMTE VÀ DARWIN
Triết học
Kant, nền triết học đã tự xem là "dẫn nhập mọi nền siêu hình học trong
tương lai", kỹ thuật đã là một mũi kiếm chết người đâm vào những hình
thái suy tư cựu truyền; và trái với ý định, đấy lại là một cú đấm tai
hại cho bất cứ nền siêu hình nào. Bởi vì siêu hình, trải qua suốt lịch
trình tư tưởng, vốn có nghĩa là một cố gắng khám phá ra bản chất tối hậu
của thực tại; bây giờ người ta lại đã nghe người có thẩm quyền khả kính
nhất bảo rằng thực tại không bao giờ có thể kinh nghiệm; rằng đấy là
một "bản thể" chỉ có thể quan niệm mà không thể tri giác; và ngay cả trí
tuệ tinh vi nhất của con người cũng không bao giờ vượt khỏi hiện tượng
giới để chọc thủng bức màn của ảo giác. Những tuồng siêu hình lố bịch
của Fichte, Hegel và Schelling, với những cách giải khai khác nhau đối
với ẩn ngữ cổ điền với "Cái Tôi" và "Ý Tưởng" và "Ý Chí" của họ, đã
triệt tiêu lẫn nhau thành số không; mãi đến hơn 30 năm sau thế kỷ 19,
mọi người vẫn cho rằng vũ trụ đang còn giữ kín những bí ẩn của nó. Sau
một thời đại bị nhiễm độc bằng Tuyệt đối, tâm thức Âu châu phản ứng lại
bằng cách thế không chấp nhận bất cứ một loại siêu hình học nào nữa.
Người Pháp vốn
dĩ đã chuyên môn về hoài nghi, nên tự nhiên họ cũng sản xuất ra nhà
sáng lập (nếu có những người như thế trong triết học, địa hạt trong đó
mọi ý tưởng trở thành thiêng liêng theo năm tháng) của phong trào "thực
nghiệm" Auguste Comte, hay, theo tên gọi móc nối do cha mẹ đặt là
Isidore Auguste Marie François Xanvier Comte, ra đời tại Montpellier vào
năm 1798. Thần tượng của ông hồi thiếu thời là Benjamin Franklin, người
mà ông cho là Socrate tái thế. "Các ngài cũng biết rằng vảo tuổi 25,
ông ta đã nuôi dự định trở thành hoàn toàn minh triết, và ông đã hoàn
thành dự định ông. Tôi cũng đã dám mạo hiểm dự trù như thế, mặc dầu tôi
chưa đến 20 tuổi. "Auguste Comte đã bước một bước đầu khả quan bằng cách
làm thư ký cho nhà chủ trương xã hội lý tưởng, Saint-Simon, người đã
trao truyền cho ông niềm hăng say cải tạo của Turgot và Condorcet, và
truyền thụ ý tưởng theo đó những hiện tượng xã hội, giống như hiện tượng
vật lý, cũng có thể quy về định luật và khoa học, và mọi nền triết học
phải nên đặt trọng tâm vào sự cải thiện nhân loại trên phương diện tinh
thần và chính trị. Nhưng cũng như phần đông chúng ta, những người bắt
tay vào việc cải cách thế giới, Comte thấy rằng "tề gia" cho xong đã là
một việc khá gay go; năm 1827 sau hai năm bất hạnh trong đời sống hôn
nhân, ông bị loạn óc và nhảy xuống sông Seine tự trầm. Bởi thế, bây giờ
chúng ta mang ơn một phần đối với kẻ đã cứu ông, khi ta đọc các tác phẩm
Triết học thực nghiệm xuất hiện giữa 1830 và 1842, và bốn cuốn Chính
thể thực nghiệm xuất hiện giữa 1851 và 1854.
Đấy là một
công trình mà trong tầm phạm vi cũng như về phương diện bền chí, chỉ
đứng sau "Triết học tổng hợp" của Spencer ngày nay. Ở đây những khoa học
được xếp hạng tuỳ theo tính cách đơn giản hoá và tổng quát hoá dần dần
của chủ đề chúng: toán học, thiên văn, lý học, hoá học, sinh vật học và
xã hội học; mỗi khoa học dựa trên những kết quả của tất cả các khoa học
trước nó, bởi thế xã hội học là tột đỉnh của các khoa học, và những khoa
khác chỉ có lý do tồn tại khi chúng có thể soi sáng cho khoa học về xã
hội. Khoa học trong ý nghĩa và sự hiểu biết đích xác, đã bành trướng từ
chủ đề này đến chủ đề khác theo trật tự trên; và điều tự nhiên là những
hiện tượng phức tạp của đời sống xã hội phải là những hiện tượng cuối
cùng nhường chỗ cho phương pháp khoa học. Trong mỗi lãnh vực tư duy, nhà
tư tưởng sử có thể tuân theo một "Định luật ba giai đoạn": đầu tiên,
vấn đề được quan niệm theo kiểu thần học, và mọi vấn đề đều được giải
thích nhờ ý chí của một thần linh nào đó - như thời kỳ xem những ngôi
sao là những vị thần hay những cỗ xe của thần linh; về sau, cũng vấn đề
ấy đi đến giai đoạn siêu hình học, và được giải thích bằng những tinh tú
xoay vòng tròn vì vòng tròn là hình toàn hảo nhất; cuối cùng vấn đề rút
giảm về khoa học thực nghiệm bằng quan sát, giả thuyết, thí nghiệm và
những hiện tượng được giải thích qua những lề luật của nhân quả tự
nhiên. "Ý chí Thượng đế" nhường chỗ cho những tính thể hão huyền như
những "Ý tưởng" của Platon hay "Ý tưởng tuyệt đối" của Hegel, và những
tính thể này đến lượt chúng lại nhường chỗ cho những định luật khoa học.
Siêu hình là một giai đoạn của sự phát triển bị dừng lại: đã đến lúc,
theo Comte, nên dẹp bỏ những trò ngây ngô ấy đi. Triết học không phải là
một cái gì khác với khoa học; đấy là một sự hợp tác của mọi khoa học
nhằm mục đích cải thiện đời sống con người.
Trong
thực-nghiệm-luận (positivism, Positivismus) này có một thứ tri thức giáo
điều có lẽ phản ảnh tâm hồn triết gia bị vỡ mộng, bị cô lập. Năm 1845,
khi bà Clotilde de Vaux (có người chồng suốt đời bị ở tù) đảm đương trái
tim của Comte, tình yêu của ông đối với bà đã làm ấm lại và tô màu cho
tư tưởng ông, đưa đến một phản ứng theo đó ông đặt cảm tính lên trên trí
tuệ trong sức cải tạo, và kết luận rằng thế giới chỉ có thể cứu chuộc
bằng một tôn giáo mới, vai trò của tôn giáo này sẽ là nuôi dưỡng và tăng
cường lòng vị tha yếu ớt của nhân tính bằng cách tán dương Nhân Loại
như là đối tượng của một nghi lễ thờ phụng. Comte đã bỏ suốt tuổi già để
tìm cho thứ Tôn giáo Nhân loại này một hệ thống phức tạp có cả giáo sĩ,
phép tuyên thệ kinh tụng và quy luật; và đề nghị làm một quyển lịch mới
trong đó tên của những thần linh tà giáo và những vị thánh trung cổ sẽ
được thay thế bằng những vị anh hùng có công tiến bộ của nhân loại. Như
lời tục nói, Comte đã cho thế giới mọi sự của Công giáo chỉ trừ đạo Công
giáo.
Phong trào
thực-nghiệm tán đồng làn sóng tư tưởng Anh quốc, khởi nguồn từ một đời
sống kỹ nghệ và mậu dịch, và nhìn những vấn đề của thực tế với một thái
độ hơi kính trọng. Truyền thống Bacon đã xoay chiều tư tưởng hướng về sự
vật, tâm hướng về vật; duy-vật-luận (Materialismus) của Hobbes,
duy-cảm-luận (Sensualismus) của Locke, hoài-nghi-thuyết (Skeptizismus)
của Hume, ích-dụng-thuyết (Utilitarismus) của Bentham, là những biến
thiên của đề tài về một cuộc sống thực tiễn bận rộn. Berkeley là một nốt
nhạc Ái-nhĩ-lan lỗi điệu trong khúc hoà âm này. Hegel chế riễu thói
quen của người Anh - thường kính trọng dụng cụ lý học và hoá học - với
danh từ "những dụng cụ của triết học"; nhưng một danh từ như thế rất tự
nhiên đến với những người đồng ý Comte và Spencer khi định nghĩa triết
học là một tổng thể những kết quả của mọi khoa học. Bởi thế mà phong
trào thực nghiệm gặp nhiều người tán đồng ở Anh hơn ở mảnh đất nó phát
sinh; những người tán đồng có lẽ không nồng nhiệt bằng Littré song có
một tinh thần kiên cố đặc biệt Anh-cát-lợi đã khiến cho John Stuart Mill
(1806 - 1873) và Fréderick Harrison (1831 -1923) trung thành suốt đời
với triết học Comte, trong khi tính cẩn thận cũng đặc biệt Anh-cát-lợi
của họ đã khiến họ "kính nhi viễn chi" đối với nền tôn giáo nghi lễ
trong triết học ấy.
Trong khi đó
thì phong trào cách mạng kỹ nghệ, phát xuất từ một chút đỉnh khoa học,
trở lại khởi hứng cho khoa học. Newton và Herschel đã mang những vì sao
đến Anh quốc, Boyle và Davy đã mở ra những kho tàng của hoá học, Faraday
đang nghiên cứu tìm tòi để điện năng hoá cả thế giới, Rumford và Joule
đang chứng minh tính chất khả biến và sự tương đương giữa năng lực và sự
bảo tồn năng lượng. Các khoa học đang tiến đến một giai đoạn phức tạp
có thể khiến cho một thế giới phân vân sẽ vui mừng đón nhận một thể tổng
hợp. Nhưng trên tất cả những ảnh hưởng tri thức này - những ảnh hưởng
đã khuấy động Anh quốc trong thời niên thiếu của Herbert Spencer - chính
là sự phát triển của sinh vật học và thuyết tiến hoá. Khoa học đã trở
thành quốc tế một cách gương mẫu trong sự bành trướng chủ thuyết này.
Kant đã nói chuyện khỉ có thể trở thành người; Erasmus Darwin và Lamarck
đã tuyên dương lý thuyết theo đó các loài đã tiến hoá từ những hình
thức đơn giản bằng cách hưởng thụ những hậu quả của sự hữu dụng và vô
dụng; vào năm 1830 Saint Hilaire đã khiến cho Âu châu phải choáng váng
và ông già Goethe vui mừng, khi ông hầu như thắng Cuvier trong cuộc
tranh luận nổi tiếng về tiến hoá như một Ernani thứ hai (tên một vở
Opera của Giuseppe Verdi năm 1844 dựa trên một tác phẩm của V. Hugo -
chú thích của người đánh máy-), một cuộc phản kháng mới chống lại những
tư tưởng cổ điển về định luật và trật tự bất di dịch trong một thế giới
bất dịch.
Vào những năm
1850, thuyết tiến hoá đã manh nha, Spencer diễn tả ý tưởng về tiến hoá,
rất lâu trước Darwin, trong một tiểu luận về "Giả thuyết về sự phát
triển" (Development Hypothesis, 1852) và trong cuốn Nguyên tắc tâm lý
học của ông (1855). Năm 1855 Darwin và Wallace đọc những tiểu luận thời
danh của họ trước Hội Linnacan Society năm 1859, thế giới cũ, như những
vị giám mục tử tế nghĩ, đã bị đập tan từng mảnh khi tác phẩm Nguồn gốc
các loài xuất bản. Ở đây không còn chỉ là quan niệm mơ hồ về tiến hoá,
về những loài vật cao đẳng tiến triển từ những loài thấp hơn theo một
cách thế nào đó, mà đây là một lý thuyết có đầy đủ tài liệu và chi tiết
dồi dào về cách thế và quá trình thực thụ của sự tiến hoá "bằng luật đào
thải tự nhiên, hay sự bảo tồn những giống loại được ưu đãi trong cuộc
tranh đấu sống còn". Trong suốt mười năm cả thế giới đều nói về tiến
hoá. Yếu tố đã nâng Spencer lên đến tột đỉnh của làn sóng tư tưởng này
chính là tinh thần sáng sủa khúc triết trong việc đề nghị áp dụng ý
tưởng tiến hoá vào mọi ngành nghiên cứu, và tầm trí thức rộng lớn đã
khiến cho hầu hết mọi ngành hiểu biết phải tôn trọng lý thuyết ông. Cũng
như toán học đã ngự trị vào thế kỷ thứ mười bảy, cống hiến cho nhân
loại Descartes, Nobbes, Spinoza, Leibnitz và Pascal, cũng như tâm lý học
đã viết triết lý với Berkeley, Hume, Condillac và Kant; vào thế kỷ mười
chín cũng thế, với Schelling, Schopenhauer, Spencer, Nietzsche và
Bergson, sinh lý học chính là bối cảnh của tư tưởng triết học. Trong mỗi
trường hợp, những ý tưởng thuộc từng thời kỳ là sản phẩm phân đoạn của
những người riêng rẽ, có phần mơ hồ; nhưng những ý tưởng được gắn liền
với những người đã phối hợp và làm sáng tỏ chúng; như Tân thế giới đã
lấy tên của Amerigo Vespucci vì ông ta đã vẽ một bản đồ. Herbert Spencer
chính là Vespucci của thời đại Darwin, và một phần nào cũng là
Christophe Colomb của thời đại ấy.
II. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA SPENCER
Ông sinh ở
Derby năm 1820. Về cả hai bên nội ngoại tổ tiên ông là những người ly
khai với tôn giáo chính thống. Ông ngoại Spencer là một đồ đệ trung
thành của John Wesley; bác ông, Thomas, mặc dù là một linh mục thuộc
giáo đường Anh-cát-lợi, đã lãnh đạo một phong trào theo Wesley ngay
trong khuôn khổ giáo đường, không bao giờ dự một buổi hoà nhạc hay kịch
nghệ, và đóng vai trò tích cực trong những phong trào yêu sách cải tổ
nền chính trị. Khuynh hướng phản động này càng mạnh hơn đến đời thân phụ
ông, và đạt đến tột đỉnh nơi Spencer với một cá nhân chủ nghĩa hầu như
ương ngạnh. Thân phụ ông không bao giờ dùng tiếng siêu nhiên để giải
thích sự việc gì; một người quen đã mô tả ông ta là một người "không có
một đức tin, một tôn giáo nào cả, như chỗ người ta có thể thấy"
(Spencer, Tự truyện, N.Y., 1904; vol. 1, tr. 51) (mặc dù điều này
Herbert cho là quá đáng). Ông thiên về khoa học và viết một cuốn Hình
học phát minh. Về chính trị ông là một người theo chủ nghĩa cá nhân như
con trai ông, và "không bao giờ cất nón mũ chào người nào bất luận địa
vị cao đến đâu" (tr. 53). "Nếu ông không hiểu một câu hỏi nào của mẹ
tôi, ông sẽ im lặng, không hỏi bà hỏi gì, và cứ để mặc không trả lời.
Ông cứ tiếp tục kiểu ấy suốt đời, mặc dù nó không đưa đến đâu" (tr. 61).
Ngoài tính im lặng ấy người ta còn nhớ đến sự phản kháng của Herbert
Spencer, vào những năm ông về già, trước sự bành trướng những vai trò
của quốc gia.
Thân phụ ông,
cũng như một người chú và tổ phụ của ông, đều là những giáo chức trường
tư thục; tuy nhiên người con trai mà sau này sẽ là triết gia Anh nổi
tiếng nhất của thế kỷ, lại vẫn bị thất học cho đến năm 40 tuổi. Herbert
vốn lười biếng, thân phụ ông thì lại nhu nhược dễ tánh. Cuối cùng, năm
ông 13 tuổi, Herbert được gởi đến Hinton để theo học với người chú nổi
tiếng là nghiêm khắc. Nhưng Herbert trốn thoát người chú ngay sau đó, và
bôn tẩu một mình trở về nhà cha ở Derby - đi 48 dặm Anh ngày đầu, 47
dặm ngày hôm sau, 20 dặm ngày thứ ba, chỉ ăn một ít bánh mì và uống bia.
Dù sao sau đó vài tuần, ông cũng trở lại Hinton và ở đấy 3 năm. Đó là
khoảng thời gian độc nhất ông được hấp thụ một lối học tập có hệ thống
đàng hoàng. Về sau nội một điều ông đã học những gì ở đấy ông cũng không
thể nhớ; không có sử ký, vạn vật, văn chương tổng quát. Ông nói với
niềm kiêu hãnh điển hình: "Điều cần nhớ là tôi đã không hấp thụ một bài
học nào về Anh ngữ, trong thuở ấu thời cũng như thiếu thời, và tôi hoàn
toàn không có một kiến thức chỉnh đốn nào về ngữ pháp cho đến bây giờ.
Người ta cần biết như vậy, vì những sự kiện này thật tương phản với
những giả thuyết mọi người đều chấp nhận". Năm 40 tuổi, ông cố đọc
Illias, nhưng "sau khi đọc chừng sáu cuốn, tôi có cảm tưởng thật là một
công việc khổ nhọc nếu phải tiếp tục - tôi cảm thấy chẳng thà phải trả
một số tiền lớn còn hơn là phải đọc cho đến hết" (tr. 300). Collier, một
trong những viên thư ký của Spencer, cho chúng ta biết rằng Spencer
không bao giờ đọc hết một cuốn sách nào về khoa học (Phần phụ trương
trong cuốn Herbert Spencer của Royce). Ngay cả trong những địa
hạt mà ông ưa thích, ông cũng không được hấp thụ một sự học hỏi có hệ
thống nào cả. Ông bị phỏng tay và nhân đó tìm ra một vài chất nổ trong
hoá học; ông nhai gặm lá non như những côn trùng ở quanh nhà và trường,
và biết được một vài điều về hoá thạch và kim khoáng trong công việc của
ông về sau khi làm kỹ sư kiều lộ; ông lượm lặt kiến thức của mình dọc
đường một cách tình cờ. Cho đến năm 30 tuổi, ông vẫn không có một ý
tưởng nào về triết học (Tự truyện, tr.438). Rồi ông đọc Lewes, và
cố gắng đọc qua Kant; nhưng khi thấy Kant xem không gian và thời gian
là những hình thái của nhận thức giác quan hơn là những sự vật khách
quan có thật; ông quyết ngay rằng Kant là một lão ngốc, và ném cuốn sách
ra cửa sổ (tr. 289 - 291). Viên thư ký kể lại rằng Spencer đã viết tác
phẩm đầu tiên của ông, Social Statics mà không đọc một khảo luận
về đạo đức học nào ngoài ra một cuốn sách cũ giờ đã bị bỏ quên là cuốn
của Jonathan Dymond". Ông viết cuốn Tâm lý học sau khi chỉ đọc Hume,
Mansel và Reid; cuốn Sinh vật học sau khi đọc Sinh lý học tỉ giảo của
Carpenter (chứ không phải tác phẩm Nguồn gốc các loài giống); viết cuốn
Xã hội học mà không đọc Comte hay Taylor; Đạo đức học mà không đọc Kant
hay Mill hay bất cứ nhà đạo đức học nào trừ Sedgwick (Collier, trong
Royce, 210). Thật là tương phản với nền học vấn dồi dào say sưa của John Stuart Mill !
Thế thì
Spencer tìm ở đâu ra những sự kiện hằng hà sa số kia để bênh vực cho
hàng nghìn luận cứ của ông ? Phần lớn ông "lượm lặt" chúng nhờ quan sát
trực tiếp hơn là qua sách vở. "Tính tò mò của ông luôn thức tỉnh, ông
luôn luôn làm cho người bạn của ông phải chú ý đến một hiện tượng đặc
biết nào đó ... mà cho đến bây giờ chỉ có mắt ông trông thấy". Ở hội
Athenaeum ông bơm cạn túi tri thức quảng bá của Huxley và các bạn khác,
ông đọc lướt qua những tạp chí ở Hội cũng như đã đọc lướt qua những tạp
chí qua tay thân phụ ông để đến hội Triết học ở Derby, "có đôi mắt của
con chồn đèn đối với mọi sự kiện mà ông có thể sử dụng" (Ibid.).
Sau khi đã quyết định những gì ông muốn làm, và tìm ra quan niệm tiến
hoá, ý tưởng nòng cốt cho toàn bộ tác phẩm ông, thì mọi tài liệu liên
hệ, và tính ngăn nắp không tiền khoáng hậu của tư tưởng ông xếp loại
ngay tài liệu hầu như một cách máy móc khi nó đến. Thảo nào người vô sản
và thương gia nghe ông một cách hoan hỉ; đây chính thật là một khối óc
như khối óc của họ - một kẻ xa lạ đối với cái học sách vở, không biết gì
về "văn hoá" nhưng lại có sẵn một tri thức tự nhiên, thực tế của con
người biết học trong khi làm lụng và sống.
Bởi vì Spencer
phải làm việc để sống: và nghề nghiệp ông làm tăng cường khuynh hướng
thực tiễn của tư tưởng ông. Ông làm giám thị, cai quản và vẽ kiểu cho
những đường hoả xa và cầu cống, nói chung ông là một kỹ sư kiều lộ. Ông
phát minh luôn luôn, những cuộc phát minh của ông đều thất bại, nhưng
ngoái nhìn lại chúng trong cuốn Tự thuật, ông có niềm thích thú của một
người cha đối với đứa con ương ngạnh. Những trang hồi ký của ông nhan
nhản những sáng chế hầm chứa muối, chum, độ tắt nến, xe cho người què,
và những thứ tương tự. cũng như phần đông chúng ta hồi niên thiếu, ông
đã đặt ra những cách ăn kiêng; ông ăn chay một thời gian; nhưng liền bỏ
ăn khi thấy một người bạn ăn chay bị thiếu máu, và chính ông cũng mất
sức: "Tôi thấy mình phải viết lại những gì đã viết trong thời gian ăn
chay, vì chúng thiếu hẳn dũng lực" (Tự thuật). Vào thời kỳ ấy ông
sẵn sàng làm thử bất cứ điều gì, ông lại còn nghĩ đến việc di cư sang
Tân-tây-lan, quên bẵng rằng một xứ còn trẻ không cần đến triết gia. Một
việc làm điển hình của Spencer là ông đã lập thành một bản kê đối chiếu
những lý do nên và không nên đi, cho điểm đánh giá một lý do. Tổng kết
có 110 điểm nên ở lại Anh quốc và 301 điểm nên đi. Ông đã ở lại !
Cá tính của
ông có những khuyết điềm trong những đức tính. Ông phải trả giá tính
thực tế cả quyết và óc thực tiễn bằng sự thiếu tâm hồn nghệ sĩ. Ông có
một tính cả quyết rất tốt nhưng mặt trái của nó lại là sự ngoan cố độc
đoán; ông có thể càn quét cả vũ trụ để kiếm những bằng chứng cho giả
thuyết của mình, nhưng không thể nhìn thấy một cách sâu sắc quan điểm
của người khác; ông có tính duy ngã gây phấn khởi cho những kể không
theo quy củ, nhưng ông không thể mang sự vĩ đại của mình mà không xen
lẫn một ít tự phụ. Ông có những giới hạn của một nhà tiền phong: một sự
hẹp hòi giáo điều với một tính hồn nhiên can đảm và tính cách độc đoán
mãnh liệt; cương quyết phản đối mọi sự nịnh hót, từ chối những vinh dự
mà chính quyền đề nghị tặng cho ông, theo đuổi một công trình khó nhọc
trải qua bốn mươi năm trong bệnh hoạn kinh niên và ẩn dật, tuy thế ông
vẫn bị một nhà nghiên cứu não tướng học (phrenologe) cho là "quá nhiều
tự cao" (tr, 228). Vốn là con và cháu của những nhà giáo, ông cũng múa
một con roi gõ đầu trẻ trong sách ông viết, và nện một giọng điệu rât mô
phạm thầy đời. "Tôi không bao giờ bối rối", ông bảo chúng ta (tr. 464).
Cuộc sống cô quạnh độc thân làm ông thiếu những đức tính nồng nàn của
tình người, mặc dù ông có thể nhân đạo trong phẫn nộ. Ông đã từng dây
dưa với con người Anh quốc vĩ đại là George Elliot, nhưng bà ấy trí thức
quá, không làm ông hài lòng. Ông thiếu óc khôi hài, và không có sự tế
nhị trong lời văn. Khi ông đánh thua một ván bi-da, trò chơi ông rất
khoái, ông chỉ trích đối thủ của mình đã bỏ quá nhiều thì giờ vào một
trò chơi cho đến nỗi trở thành một người chơi giỏi. Trong cuốn Tự thuật
ông viết những bài điểm sách về những tác phẩm đầu tiên của chính ông,
để chỉ cho ta thấy phải nên viết như thế nào.
Sự vĩ đại của
công việc ông quả đã khiến ông nhìn đời với sự nghiêm trọng quá mức. Ở
Paris ông viết: "Tôi đi dự lễ St. Cloud hôm chủ nhật, và rất đỗi thích
thú trước tính cách trẻ trung của những người lớn. Người nước Pháp không
bao giờ chấm dứt hẳn giai đoạn con trai; tôi thấy những người tóc đã
hoa râm cưỡi trên những con ngựa gỗ giống như chúng ta có ở những hội
chợ ở nhà" (I,533). Ông quá bận phân tích và mô tả cuộc đời đến nỗi
không có thì giờ để sống. Sau khi nhìn thác Niagara ông đã nguệch ngoạc
vào nhật ký: "Cũng gần như những gì tôi đã chờ đợi". Ông mô tả những sự
việc thông thường nhất với vẻ mô phạm thầy đời -như khi ông cho chúng ta
biết về cái lần độc đáo nhất trong đời khiến ông chửi thề (Tyndall đã
có lần nói về Spencer rằng ông ta đã khá hơn nếu thỉnh thoảng chịu văng
tục một lần - Eliot, H. Spencer, tr. 61). Ông không bị những cuộc
khủng hoảng, không thích phiêu lưu lãng mạn (nếu hồi ký của ông nhớ
đúng), ông có vướng vào một vài vụ yêu đương, nhưng ông viết về chúng
hầu như một cách máy móc; ông phác họa những khúc quanh của những tình
bạn nhạt nhẽo trong đời mà không thêm một chút đam mê nào để nâng cao
chúng. Một người bạn bảo ông rằng y không thể sáng tác được gì đặc sắc
khi đọc cho một người đàn bà trẻ tốc ký; Spencer nói rằng điều đó không
trở ngại cho ông chút nào cả. Thư ký của Spencer nói về ông như sau:
"Đôi môi mỏng vô dục nói lên sự hoàn toàn thiếu vắng dục tình, và đôi
mắt sáng biểu lộ sự thiếu chiều sâu cảm xúc" (Royce, 188). Do đó mà văn
ông có tính chất bằng phẳng đều đặn: ông không bao giờ bay bổng khơi
vơi, không cần đến những dấu chấm than; giữa một thế kỷ lãng mạn ông
đứng riêng rẽ như một bức tượng thể hiện gương mẫu của tư cách và tính
dè dặt.
Ông có một bộ
óc luận lý phi thường; ông sắp đặt những tiên nghiệm và hậu nghiệm của
ông một cách khúc triết, minh bạch như người chơi cờ. Ông là người bình
giải sáng sủa nhất về những đề tài phức tạp mà lịch sử có thể nêu lên.
Ông viết về những vấn đề khó khăn bằng những từ ngữ sáng sủa đến nỗi
suốt một thời, cả thế giới đều thích triết học. Ông nói: "Người ta đã
nhận xét rằng tôi có một khả năng trình bày hiếm có - đưa ra những dữ
kiện và lý luận cùng kết luận một cách rõ ràng mạch lạc ít thấy" (Tự thuật,
tr. 511). Ông thích tổng quát hoá một cách dài dòng, làm cho tác phẩm
của ông thú vị nhờ những giả thuyết ông đặt ra hơn là những bằng cớ dẫn
giải. Huxley nói rằng Spencer quan niệm bi kịch là khi một lý thuyết bị
một sự kiện giết chết; và có quá nhiều lý thuyết trong đầu óc Spencer
đến nỗi ông ta buộc lòng phải gặp mỗi ngày một bi kịch. Huxley, ngạc
nhiên trước dáng đi yếu đuối không vững của Buckle, đã bảo Spencer "A,
tôi thấy anh chàng thuộc loại người nào rồi, anh ta bị đầu nặng đuôi
nhẹ". Spencer thêm "Buckle đã thu vào một số lượng vật chất quá nhiều
hơn ông có thể tổ chức". Với Spencer thì trái lại: ông ta tổ chức quá
nhiều hơn ông đã thu vào. Cái gì ông ta cũng phối trí và tổng hợp; ông
chê bai Carlyle vì thiếu lối làm việc như thế. Nơi ông, tính yêu thích
trật tự đã trở thành một đam mê trói buộc, tính quy nạp xuất sắc đã chế
ngự ông. Nhưng thế giới đang cần một bộ óc như ông, một khối óc có thể
biến đổi những sự kiện trong tình trạng hoang dã trở thành ý nghĩa được
khai hoá một cách sáng sủa. Những gì Spencer đã hoàn tất được cho thế hệ
ông cũng khiến ông có quyền có những khuyết điểm làm cho ông rất
"Người". Nếu ở đây chúng ta đã mô tả hình ảnh ông một cách khá chân
thực, ấy chính bởi vì thường chúng ta yêu một vĩ nhân nhiều hơn nếu
chúng ta biết rõ những chỗ yếu của họ, và ta không ưa gì một vĩ nhân
-còn hơi ngờ vực họ nữa là khác- khi họ quá sáng chói trong sự toàn
thiện toàn mỹ không có chỗ chê.
Năm 40 tuổi,
Spencer viết: "Cho đến ngày nay cuộc đời tôi có thể được gọi rất đúng là
một cuộc đời tạp lục" (II,67). Hiếm khi ta thấy một triết gia có nhiều
do dự rời rạc như thế trong sự nghiệp. "Vào khoảng thời gian này (năm 23
tuổi) tôi xoay sang chú ý đến việc ráp đồng hồ". Nhưng dần dà, ông tìm
ra địa hạt ông và cẩn thận chăm bón nó. Vào năm 1842 ông đã viết cho tờ Non-Conformist
(hãy để ý môi trường trung gian ông chọn lựa), vài bức thư về "Địa hạt
đúng chổ cho chánh quyền" trong ấy chứa đựng mầm móng triết lý tự do mậu
dịch của ông sau này. Sáu năm sau ông bỏ ngành kiều lộ để làm chủ bút
tờ The Economist. Vào năm 30 tuổi, khi ông mạt sát tập Tiểu luận
về những nguyên tắc đạo đức của J. Dymond, và thân phụ ông thách ông
viết cho được như thế về đề tài ấy, ông đã nhân sự thách đố và viết cuốn
Social Statics. Sách chỉ bán được một ít, nhưng cũng khiến ông được các tạp chí để ý. Năm 1852 tiểu luận của ông về Lý thuyết về dân cư
(một trong nhiều tỉ dụ về ảnh hưởng của Malthus trên tư tưởng thế kỷ
19) cho rằng sự tranh đấu sống còn đưa đến sự sống sót của con vật thích
nghi nhất, và đặt ra những giai đoạn lịch sử ấy. Cũng trong năm đó tiểu
luận ông về "Giả thuyết tiến triển" chống lại bác luận thông thường -
cho rằng người ta chưa hề thấy những loài mới nào được sinh ra do sự
biến đổi dần dần của những loài cũ- bằng cách nêu rõ rằng chính lập luận
ấy càng dễ bác bỏ một cách hùng hồn lý thuyết cho rằng Thượng đế sinh
ra loài mới do sự "sáng tạo đặc biệt"; bài tiểu luận tiếp tục chứng minh
rằng sự phát triển những loài mới không kỳ diệu hay khó tin gì hơn
chuyện một con người phát triển từ noãn và tinh trùng, hay cây phát
triển từ một hạt giống. Năm 1855, tác phẩm thứ hai của ông Nguyên tắc tâm lý học,
làm cái việc theo dõi tiến hoá của trí óc. Năm 1857, một tiểu luận ra
đời nhan đề "Sự tiến bộ: Định luật và nguyên nhân" lấy ý của Von Baer về
sự phát triển của mọi hình thể sinh sống từ những khởi thuỷ đồng tính
đến những phát triển dị tính, và nâng cao ý ấy lên thành một nguyên tắc
chung về lịch sử và tiến bộ. Tóm lại Spencer đã phát triển theo tinh
thần của thời đại mình, và bây giờ ông cũng sẵn sàng trở thành triết gia
của luật tiến hoá vũ trụ.
Năm 1858 khi
xem lại những bài khảo luận của mình để in thành tập, Spencer lấy làm
ngạc nhiên trước sự nhất tính và liên tục của những ý tưởng ông đã diễn
đạt, và một ý niệm phát sinh trong trí ông, như một ánh nắng ùa vào cửa
mở, ý niệm cho rằng thuyết tiến hoá có thể được áp dụng trong mọi khoa
học cũng như trong sinh vật học; rằng không những thuyết ấy có thể giải
thích loài, giống mà còn giải thích những hành tinh, địa tầng, lịch sử
xã hội và chính trị, những quan niệm đạo đức và thẩm mỹ. Ông vô cùng
hăng hái khi nghĩ đến một loạt tác phẩm trong đó ông sẽ chứng minh sự
tiến hoá của vật chất và trí óc từ tinh vân cho đến con người, và từ
người sơ khai cho đến Shakespeare. Nhưng ông gần như tuyệt vọng khi nghĩ
đến cái tuổi xấp xỉ tứ tuần của mình. Làm sao một con người già cả như
thế, lại bệnh hoạn có thể băng qua mọi lãnh vực của kiến thức nhân loại
trước khi chết ? Chỉ ba năm trước đấy, ông đã bị một chuyến suy sụm hoàn
toàn; trong mười tám tháng dài ông đã trở thành bất lực, tâm trí lụn
bại, mất hết can đảm, đi lang thang không mục đích và vô vọng từ chỗ này
qua chỗ khác. Ý thức về những năng lực tiềm tàng của mình lại làm cho
sự yếu bệnh của ông trở thành một điều chua chát. Ông biết ông sẽ không
bao giờ trở lại hoàn toàn mạnh khoẻ, và biết ông không thể làm việc tinh
thần quá một tiếng đồng hồ. Chưa ai từng bị bất lợi như thế cho công
việc mình đã chọn, cũng chưa ai từng chọn một công việc quá lớn lao như
thế vào một lúc quá muộn trong đời.
Ông nghèo
túng. Ông không để ý đến việc kiếm sống. "Tôi không muốn làm ăn, -ông
nói- tôi không nghĩ chuyện làm ăn là đáng bận tâm" (J.A. Thomson, H. Spencer, p. 71). Ông từ chức chủ bút tờ Economist
khi nhận được khoảng nửa triệu đồng di sản của một ông chú để lại;
nhưng sự ngồi không của ông đã tiêu hết món tiền di tặng ấy. Bây giờ ông
chợt nghĩ ra rằng ông có thể kiếm ra được tiền trả trước cho những cuốn
sách ông định viết, rồi cứ thế mà sống qua ngày. Ông soạn một bản đại
cương rồi đưa cho Huxley, Lewes và những người bạn khác xem; những người
này kiếm được cho ông một danh sách "rân rác" (?) những người đặt mua
đầu tiên mà tên họ có thể tô điểm tờ quảng cáo sách ông : Kingsney,
Lyell, Hooker, Tyndall, Buckle, Froude, Bain, Herschel ... In năm 1860,
tờ quảng cáo này mang lại 440 phiếu đặt mua từ Âu châu, 200 từ Mỹ; tổng
cộng hứa hẹn được khoảng 300 ngàn đồng mỗi năm. Spencer hài lòng, và
khởi sự làm việc với ý chí hăng hái.
Nhưng sau khi
ấn hành quyển Nguyên lý đầu tiên năm 1862, nhiều người đặt mua rút tên
ra vì cái "Phần thứ nhất" thời danh đã làm mếch lòng các giám mục và học
giả vì nó cố hoà giải khoa học và tôn giáo. Con đường của người hoà
giải vốn khó khăn. Cuốn Nguyên lý đầu tiên và Nguồn gốc giống loài trở
thành trung tâm của một chiến trận lớn của sách vở, trong trận tuyến này
Huxley làm vị tổng tư lệnh cho những lực lượng của thuyết Darwin và bất
khả tri luận. Trong một thời gian, những tông đồ của thuyết tiến hoá bị
những người đáng kính tẩy chay một cách nghiêm khắc; họ bị tố là những
con quỷ vô luân, và người ta nghĩ nên nhục mạ họ một cách công khai. Mỗi
kỳ trả tiền, khách hàng của Spencer thưa thớt dần như lá mùa thu, và
nhiều người lại không trả tiền cho những kỳ sách họ nhận được. Spencer
cố gắng tiếp tục, bỏ tiền túi bù vào chỗ tiền thiếu mỗi kỳ. Nhưng cuối
cùng túi tiền và túi nghị lực của ông kiệt quệ, ông cho ra một bố cáo
gửi cho những khách còn đặt cọc nói rằng ông không thể tiếp tục công
việc được nữa.
Khi ấy xảy đến
một trong những biến có đầy khích lệ của lịch sử. Kẻ đối thủ lớn nhất
của Spencer -người đã nắm giữ địa hạt triết học Anh quốc trước khi cuốn Nguyên lý đầu tiên xuất
bản, giờ bỗng thấy mình bị ra rìa, bị thay thế bởi vị triết gia của
tiến hoá -, đã viết cho Spencer như sau, vào ngày 4 tháng 2 năm 1866.
“Thưa tôn ông,
Khi đến đây
tuần trước, tôi có gặp số tháng 12 của cuốn Sinh vật học của tôn ông, và
thật khỏi phải nói tôi hối tiếc đến mức nào khi đọc lời bố cáo trong
mảnh giấy đính kèm ... Tôi xin đề nghị tôn ông nên tiếp tục viết thêm
khảo luận ấy, và tôi sẽ bảo đảm với người xuất bản trường hợp họ lỗ vốn.
Tôi xin tôn ông đừng xem lời đề nghị này là vì lòng yêu chuộng riêng
tư, mặc dù nếu thật có trường hợp ấy, tôi cũng hy vọng được tôn ông cho
phép cống hiến lời đề nghị trên. Nhưng đây tuyệt nhiên không phải thế -
đây chỉ đơn thuần là một lời đề nghị xin hợp tác trong một mục đích
chung tối quan trọng, trong một công trình mà tôn ông đang cống hiến cho
nó tất cả lao nhọc và đã bỏ vào đấy sức khoẻ của tôn ông.
Rất chân thành,
J.St. Mill” (Tự thuật, ii, 156)
Spencer đã
lịch sự chối từ, nhưng Mill đã đi đến các bạn thuyết phục người đặt mua
250 ấn bản mỗi kỳ. Spencer vẫn từ chối, không thể bị lay chuyển. Nhưng
bỗng ông nhận được bức thư của giáo sư Youmans nói rằng những người Mỹ
hâm mộ ông đã mua để tên ông 7.000 Mỹ kim chứng khoán, lợi tức hoặc phần
chia của nó sẽ thuộc về ông. Lần này thì ông nhượng bộ. Tinh thần của
tặng vật ấy gây lại một cảm hứng cho ông; ông trở lại công việc, và
trong bốn mươi năm ông làm việc hết sức bình sinh, cho đến khi tất cả
nền Triết học Tổng hợp được ấn loát hoàn bị. Sự chiến thắng của tâm thức
và ý chí này đối với bệnh hoạn và muôn nghìn chướng ngại vật quả là một
điểm sáng rỡ trong lịch sử loài người.
III. NGUYÊN LÝ ĐẦU
1. Cái bất khả tri
Spencer nói
ngay từ đầu: "Quá thường khi chúng ta quên rằng không những có một linh
hồn của cái thiện trong những sự việc xấu xa, mà nói chung còn có một
linh hồn của chân lý trong những điều lầm lạc". Bởi thế, ông đề nghị xét
những ý tưởng tôn giáo, với mục đích tìm ra trọng tâm của chân lý,
trọng tâm mà, dưới hình thức biến thiên của nhiều tín ngưỡng, đã đem lại
cho tôn giáo cái quyền năng bền bỉ đối với linh hồn con người.
Điều ông tìm
thấy ngay là: mọi lý thuyết về nguồn gốc vũ trụ đều đưa chúng ta đến
những cái không thể quan niệm được. Nhà vô thần cố nghĩ đến một thế giới
tự hữu, không nguyên nhân, không có bắt đầu, nhưng ta không thể quan
niệm được một cái gì không có khởi thuỷ hoặc không có nguyên nhân. Nhà
thần học chỉ đẩy lui sự khó khăn có một bước; và khi nhà thần học nói
"Thượng đế tạo ra vũ trụ" thì câu hỏi không thể trả lời đã đứa trẻ sẽ
đến kế đó: "Ai tạo ra Thượng đế ? ". Mọi ý tưởng tối hậu của tôn giáo
đều không thể quan niệm được trên phương diện luận lý.
Mọi ý tưởng
tối hậu của khoa học cũng vượt ngoài quan niệm thuần lý. Vật chất là gì ?
Chúng ta quy nó về nguyên tử, nhưng rồi ta tự thấy bắt buộc phải chia
nguyên tử ra như chúng ta đã chia tế bào; chúng ta bị vướng vào thế
lưỡng nan là: vật chất có thể phân tán đến vô hạn cho sự phân chẻ vật
chất, nhưng điều này lại cũng không thể quan niệm. Tính cách khả phân
của không gian và thời gian cũng thế; cả hai xét cho cùng, đều là những ý
niệm phi lý. Chuyển động bị bao phủ bởi ba màn tối, vì nó gồm vật thể
thay đổi theo thời gian vị trí của nó trong không gian. Khi chúng ta
phân tích vật chất một cách rốt ráo, cuối cùng chúng ta không tìm thấy
gì ngoài ra năng lực - một thứ năng lực in dấu vết lên các giác quan ta,
hay một thứ năng lực đối kháng lại những quan năng hoạt động của chúng
ta ; và ai sẽ giải thích cho ta năng lực là gì ? Từ vật lý chuyển sang
tâm lý, ta sẽ gặp tâm não và ý thức: ở đây những bí ẩn lại còn to lớn
hơn trước. Vậy thì, "những ý niệm khoa học tối hậu đều là những hình ảnh
của thực tại không thể lĩnh hội được ... Trong mọi chiều hướng, những
sưu tầm của nhà khoa học đưa ông đến đối diện với một bí ẩn không thể
giải. Ông ta nhận ngay ra sự vĩ đại và sự nhỏ bé của tri thức con người -
khả năng của nó đối với mọi sự vật trong tầm kinh nghiệm, sự bất lực
của nó đối với những gì siêu việt kinh nghiệm. Hơn ai hết, nhà khoa học
thật sự biết rằng ta không thể biết được cái gì hết trong bản chất tối
hậu của nó (Nguyên lý đầu tiên , NY, 1910, tr. 56). Nền triết học thành thực độc nhất, để dùng từ ngữ của Huxley chính là thuyết bất-khả-tri.
Nguyên nhân
chung cho mọi màn tối này là tính cách tương đối của mọi hiểu biết. "Vì
suy tưởng là đặt tương quan, nên không ý tưởng nào có thể diễn tả được
gì ngoài ra những mối tương quan... Tri thức đã bị đóng khung bởi và cho
cuộc đối thoại với hiện tượng nên nó chỉ làm ta rơi vào những cái vô
nghĩa nếu ta cố sử dụng nó để tìm hiểu bất cứ gì ngoài hiện tượng giới"
(tr. 107 - 108. Điểm này vô tình tương đồng với Kant và báo trước học
thuyết Bergson). Tuy nhiên cái tương đối và hiện tượng, ngay ở cái tên
gọi và bản chất của chúng, đã bao hàm một cái gì vượt ngoài chúng, một
cái gì tối hậu và tuyệt đối. "Khi quan sát tư tưởng chúng ta, ta thấy
thật không có thể nào xua đuổi cái ý thức về một Thực hữu nằm sau Giả
tướng và từ chỗ bất khả ấy kết quả là ta có một niềm tin kiên cố vào cái
Thực hữu kia" (tr. 83). Song cái thực hữu ấy là gì chúng ta không thể
biết.
Từ quan điểm
này, sự hoà giải khoa học và tôn giáo không còn quá khó. "Chân lý thường
nằm trong sự phối trí những quan niệm đối nghịch" (Tự thuật, tr. 16).
Khoa học hãy nhận rằng những "định luật" của nó chỉ áp dụng cho hiện
tượng giới và cái tương đối; tôn giáo hãy nhận rằng thần học của nó là
một huyền thoại hợp lý hoá dành cho một đức tin bất khả tư nghị. Nhưng
xin tôn giáo thôi đừng phác hoạ Tuyệt đối như một con người phóng đại;
tệ hơn nữa, như một con quỷ, tàn ác, khát máu bội phản, buồn khổ vì
"tính yêu chuộng sự nịnh hót, một tính xấu vốn bị khinh bỉ nếu nó hiện
diện nơi một con người" (Nguyên lý đầu tiên, 103). Xin khoa học
thôi phủ nhận thần tính, hay xem duy vật luận là chân lý chắc chắn đương
nhiên. Tâm và vật đều là những hiện tượng tương đối y như nhau, đều là
hai hậu quả của một nguyên nhân tối hậu mà bản chất của nó ta đành phải
không biết được. Sự công nhận Quyền năng Khôn dò này là trọng tâm chân
lý trong mọi tôn giáo và là khởi thuỷ của mọi nền triết học.
2. Tiến hoá
Sau khi chỉ rõ
cái bất khả tri, triết học đầu hàng cái bất khả tri ấy và xoay về những
gì có thể biết được. Siêu hình học là một ảo ảnh: nói như Michelet, đấy
là "nghệ thuật đánh thuốc mê một cách có phương pháp". Lãnh vực và
nhiệm vụ đúng mức thích hợp cho triết học nằn trong việc tóm lược và hợp
nhất những kết quả của khoa học, "kiến thức loại thấp nhất là kiến thức
không được thống nhất, khoa học là kiến thức được thống nhất một phần;
triết học là kiến thức hoàn toàn được thống nhất". Một việc thống nhất
toàn bộ như thế, đòi hỏi nguyên tắc phổ quát và rộng rãi có thể bao gồm
hết mọi kinh nghiệm, và mô tả những nét tính yếu của mọi kiến thức. Có
chăng một nguyên tắc thuộc loại ấy ?
Có lẽ chúng ta
có thể tiến đến gần một nguyên tắc như thế bằng cách nỗ lực hợp nhất
những quy nạp cao nhất của lý học. Đó là: tính cách bất khả hoại của vật
chất, sự bảo tồn năng lượng, sự liên tục chuyển động, sự bền bỉ của
những tương quan giữa những năng lực (nghĩa là tính bất khả xâm phạm của
định luật tự nhiên), tính khả biến và tương đương giữa những năng lực
(ngay cả giữa những năng lực tâm lý và vật lý), và nhịp của chuyển động.
Sự quy nạp cuối cùng này -không phải thường được công nhận- chỉ cần
được nêu rõ. Toàn thể thiên nhiên đều có tiết nhịp, từ nhịp chập chờn
của hơi nóng đến nhịp rung của dây vĩ cầm, từ những gợn sóng của ánh
sáng, hơi nóng và âm thanh đến thuỷ triều của biển, từ những cơn dao
động của nhục dục đến những dao động định kỳ của những hành tinh, sao
chổi và tinh tú; từ sự tuần hoàn của ngày đêm đến sự nối tiếp của bốn
mùa, và có lẽ đến những nhịp điệu của sự thay đổi khí hậu; từ những rung
động của tế bào đến cuộc thăng trầm của các quốc gia và sinh diệt của
những vì sao.
Tất cà những
"định luật về cái khả tri" này đều có thể quy về (qua một phân tích
không cần theo dõi ở đây) định luật tối hậu là sự kiên cố bền bỉ của
năng lực. Nhưng trong nguyên tắc này có một cái gì tĩnh và trơ lỳ; nó
không ám chỉ được bí mật của sự sống. Cái gì là nguyên lý động về thực
tại ? Đâu là công thức về sự tăng trưởng và hoại diệt của mọi sự vật ?
Đấy phải là một công thức của sự tiến hoá và tan rã, bởi vì "một lịch sử
toàn vẹn của bất cứ sự vật gì đều phải bao gồm sự xuất hiện của nó từ
chỗ vô hình cũng như sự tan biến của nó vào chỗ vô hình" (tr.253).
Thế là Spencer
cho chúng ta công thức tiến hoá thời danh của ông, một công thức đã
khiến cho giới trí thức Âu châu phải kinh ngạc đến ngộp thở, và đã phải
cần đến bốn mươi năm và mười pho sách để giải thích. "Tiến hoá là một
phối hợp của vật chất và một sự phân tán đồng lúc của chuyển động; trong
quá trình ấy vật chất di chuyển từ một khối đồng tính bất định, rời rạc
đến một khối dị tính nhất định, chặt chẽ, và trong quá trình ấy chuyển
động trải qua một cuộc biến đổi song hành (tr.367). Điều này có nghĩa gì
?
Sự phát xuất
của những hành tinh từ tinh vân; sự thành hình của đại dương và núi trên
mặt đất, sự phát triển của trái tim trong bào thai, và sự dính liền của
xương cốt sau khi sinh; sự phối hợp cảm giác và ký ức thành tri thức và
tư tưởng, sự phối hợp của tri thức thành khoa học và triết học; sự phát
triển từ gia đình thành bộ tộc, đô thị quốc gia, liên minh và "liên
bang thế giới"; đây là sự phối hợp của vật chất, "sự nhóm tụ những phần
tử rời rạc thành ra khối nhóm và toàn bộ. Một sự phối hợp như thế dĩ
nhiên bao gồm sự giảm thiểu" chuyển động trong những phần tử, như quyền
lực gia tăng của quốc gia sẽ làm giảm bớt tự do của cá nhân, nhưng đồng
thời nó cũng đem lại cho những phần tử một sự hỗ tương phụ thuộc, một
màn lưới bảo vệ của tương giao, điều này làm nên sự "chặt chẽ" và nâng
đỡ sự sống còn của đoàn thể. Quá trình này còn đem lại một tính cách
nhất định về hình thể và nhiệm vụ : khối tinh vân thì không có hình thù,
u ám; song từ đó sinh ra hình thể đều đặn bầu dục của những hành tinh,
những đường nét rõ rệt của những rặng núi, hình thể và tính chất đặc thù
của những cơ thể và cơ quan, sự phân công và chuyên môn hoá của nhiệm
vụ trong các cơ cấu sinh lý học và chính trị v.v. Và những phần tử của
toàn bộ tổng hợp này trở thành không những chỉ có tính cách xác định hơn
mà lại còn đổi khác về bản chất và vận hành. Khối tinh vân sơ khai thì
đồng tính, nghĩa là nó gồm những phần tử giống hệt nhau; nhưng nó liền
được phân biệt thành chất hơi, chất lỏng và chất đặc; mặt đất trở thành
nơi thì xanh um cỏ dại, chỗ lại trắng phau đỉnh núi hay lục biếc đại
dương; sự sống tiến hoá từ một nguyên sinh chất tương đối đồng tính đến
những cơ quan khác nhau của sự dinh dưỡng, sinh sản, vận động, tri giác;
từ một ngôn ngữ đơn thuần, sinh ra những thổ ngữ thiên hình vạn trạng
lan đầy các vùng đất; từ một khoa học duy nhất sinh sản trăm khoa, nền
văn chương bình dân của một quốc gia triển khai thành muôn ngàn hình
thái văn nghệ; trăm hoa đua sắc, cá tính nổi bật độc đáo, và mỗi nòi
giống, mỗi dân tộc phát triển thiên tài kỳ đặc của mình. Sự phối hợp và
dị tính, sự nhóm tụ những phần tử vào những toàn bộ mãi mãi rộng lớn
hơn, sự phân biệt những phần tử thành những hình thái mãi mãi đổi khác
thêm: đấy là những trọng tâm của quỹ đạo tiến hoá. Bất cứ cái gì đi từ
sự khuếch tán đến sự phối hợp, từ một đơn thể đồng tính đến một phức thể
sai biệt (Mỹ châu, 1600 - 1900), đều ở trong dòng triều lên của tiến
hoá; bất cứ gì đang từ phối hợp trở về phân tán, từ phức thể trở về đơn
thể (Âu châu từ năm 200 - 600), đều rơi vào trong dòng nước ròng của tán
hoại.
Chưa thoả mãn
với công thức tổng hợp này, Spencer nỗ lực chứng minh làm thế nào nó là
kết quả tất yếu của sự vận hành tự nhiên những năng lực cơ giới. Trước
hết, có một tính chất có thể gọi là "Tính bất ổn định của thể đồng
tính": nghĩa là, những phần tử giống nhau không thể giống nhau lâu dài
bởi vì chúng phải chịu không đồng đều những sức mạnh ngoại giới; chẳng
hạn những phần ở bên ngoài bị tấn công trước hết, như những thành phố
miền duyên hải vào thời chiến; những công việc khác nhau uốn nắn những
con người giống nhau thành vô số hiện thân của hàng trăm nghề nghiệp và
tài khéo - lại nữa, có một sự "Tăng bội những hậu quả": một nguyên nhân
có thể phát sinh ra rất nhiều hậu quả khác nhau, và trợ lực làm cho thế
giới thành ngàn sai muôn khác, một lời nói nhầm, như lời của Marie
Antoinette, hay một bức điện tín bị sửa đổi ở Ems, hay một cơn gió ở
Salamis, có thể đóng một vai trò bất tận trong lịch sử. Rồi còn có định
luật về "Sự tách riêng" (segregation): những phần tử của một toàn khối
tương đối đồng tính, bị tách rời nhau để đi vào những lãnh vực khác
nhau, sẽ do hoàn cảnh sai khác mà biến thành những sản phẩm bất đồng,
-như người Anh trở thành người Mỹ, hay Gia nã đại hoặc Úc, tuỳ theo đặc
tính của nơi chốn-. Trong vô số cách thức ấy, những năng lực của thiên
nhiên tạo nên muôn hồng nghìn tía của thế giới trong đà tiến hoá này.
Nhưng cuối
cùng và không thể tránh được, phải đến sự "làm thăng bằng". Mọi chuyển
động vì là chuyển động dưới kháng lực, nên sớm muộn cũng phải đến chỗ
dừng; mọi dao động theo tiết nhịp (nếu không được thêm sức từ bên ngoài)
đều phải chịu ít nhiều mất mát về tốc độ và biên độ chấn động. Những
hành tinh đang hoặc sẽ quay qua một quỹ đạo nhỏ hơn trước, mặt trời sẽ
ít nóng hơn và ít sáng hơn theo nhịp thế kỷ đi qua; sự cọ sát của thuỷ
triều sẽ làm chậm vòng quay của quả đất. Trái địa cầu này, đang rung
động và thì thào với hàng triệu chuyển động nẩy nở xum xuê thành hàng
triệu hình thái sinh hoá xô bồ, một ngày kia sẽ xê dịch chậm hơn trong
quỹ đạo và trong những phần tử của nó; máu sẽ chảy lạnh hơn, chậm hơn
trong những tĩnh mạch già cỗi của chúng ta, chúng ta sẽ không còn vội
vàng nữa; như những dân tộc đang chết, chúng ta sẽ nghĩ đến thiên đường
bằng hình ảnh của sự an nghỉ chứ không phải hình ảnh của sự sống; chúng
ta sẽ mơ về Niết bàn. Dần dần, rồi rất nhanh, sự thăng bằng sẽ trở thành
sự tán hoại, kết thúc bất hạnh của tiến hoá. Những xã hội sẽ phân hoá,
dân chúng sẽ di cư, đô thị sẽ phai tàn thành nội địa đen tối của đời
sống nhà quê; sẽ không còn chính thể nào mạnh đủ để kết hợp những phần
tử lỏng lẻo vào với nhau; ngay cả việc nhớ đến trật tự xã hội người ta
cũng sẽ không còn nhớ. Và trong cá nhân cũng vậy, sự hợp nhất sẽ nhường
chỗ cho sự tan rã; và sự phối hợp -tức là sự sống- sẽ bước qua giai đoạn
vô trật tự phân tán tức là cái chết. Trái đất sẽ là một sân khấu hỗn
độn của sự tan rã, một tấn tuồng thê lương của nghị lực trên đường thoái
hoá không thể xoay chiều; và chính nó, trái đất, cũng sẽ tan thành cát
bụi và tinh vân từ đấy nó đã đến. Chu kỳ sẽ bắt đầu trở lại, và trở lại
liên miên bất tận; nhưng luôn luôn đây sẽ là kết thúc. Thông điệp nhắc
nhở cái chết được viết trên mặt đời sống; và mỗi sự sơ sanh là một tiền
đề cho tán hoại và chết chóc.
Nguyên lý đầu tiên là
một vở kịch vĩ đại được kể với vẻ bình thản cổ điển, câu chuyện về sự
thăng và trầm, tiến hoá và hoại diệt của những hành tinh của cuộc đời,
của con người, Nhưng đấy là một vở kịch bi thiết, hậu ngôn thích hợp
nhất cho nó là lời của Hamlet: "Còn lại chỉ là im lặng". Có gì đáng ngạc
nhiên không khi những người đàn ông đàn bà sống bằng tin tưởng và hy
vọng, đã phản đối kịch liệt lối tóm lược này về cuộc đời ? Chúng ta biết
rằng ta phải chết; nhưng vì đấy là một vấn đề sẽ tự giải quyết lấy nó,
nên chúng ta thích nghĩ về sự sống hơn. Ở Spencer có một cảm thức gần
giống của Schopenhauer về tính cách bất tất của nỗ lực con người. Vào
đoạn cuối sự nghiệp lẫy lừng của ông, ông đã diễn đạt cảm tưởng của mình
rằng cuộc đời không đáng sống. Ông có căn bệnh của triết gia là thấy
quá xa ở đàng trước đến nỗi mọi hình dáng sắc màu mỹ miều của cuộc sống
lướt qua duới mắt ông mà ông không trông thấy.
Ông biết rằng
người ta sẽ không thích thưởng thức một thứ triết lý mà từ ngữ tối hậu
không phải là Thượng đế và Thiên đường, mà là thăng bằng và tán hoại;
nên khi kết luận "phần thứ nhất" này ông đã bênh vực - với một tài hùng
biện và hăng hái phi thường - cái quyền ông được nói những sự thật đen
tối mà ông thấy.
"Kẻ nào ngần
ngại không chịu nói ra những gì mình nghĩ là chân lý cao nhất, vì sợ nó
đi quá xa trước thời đại, kẻ ấy có thể tự trấn an bằng cách nhìn hành vi
mình từ một quan điểm vô tư. Kẻ ấy nên nhớ rằng quan niệm của y là một
trong những đơn vị năng lực tạo nên năng lực tổng thể làm ra những biến
chuyển xã hội; và kẻ ấy sẽ thấy rằng mình có thể nói lên niềm xác tín
sâu xa nhất của mình; cứ để mặc nó kết quả ra sao thì ra. Không phải là
điều vô ích khi kẻ ấy có những hảo cảm đối với vài nguyên lý và ác cảm
với vài nguyên lý khác. Kẻ ấy, với tất cả khả năng, ước vọng và niềm tin
của y, không phải là một sự ngẫu nhiên mà là một sản phẩm của thời
gian. Trong khi y là một hậu duệ của quá khứ thì y cũng là một kẻ tiền
bối của tương lai; và những tư tưởng y cũng như những đứa con y sinh ra,
y không thể cẩu thả để chúng chết. Như mọi người khác, y có thể tự xem
mình như một trong muôn vàn môi trường qua đó Nguyên Nhân Bí Ẩn tác
động; và khi Nguyên nhân bí ẩn ấy sinh khởi trong một niềm tin nào, thì y
có quyền tuyên dương và thi hành niềm tin ấy... Bởi thế người minh
triết sẽ không xem niềm tin có trong y là một cái gì ngẫu sinh. Nếu y
thấy chân lý cao cả nhất, y sẽ mạnh dạn nói lên; biết rằng nó sẽ ra sao
thì ra, y chỉ đang đóng vai trò đích thực dành cho y trong vũ trụ; biết
rằng nếu y có thể thực hiện sự cải tổ mà y nhắm đến thì tốt, bằng không
thì cũng tốt, mặc dù không tốt lắm."
IV. SINH VẬT HỌC: QUÁ TRÌNH TIẾN HOÁ CỦA SỰ SỐNG
Những cuốn thứ
hai và ba của Nền Triết học Tổng hợp xuất hiện vào năm 1872 dưới nhan
đề Những nguyên lý sinh vật học. Chúng cho thấy những giới hạn tự nhiên
của nhà triết học xâm phạm lãnh vực của nhà chuyên môn; nhưng chúng bù
lại những lỗi lầm về chi tiết bằng những quy nạp rọi ánh sáng và đem lại
một nhất tính mới mẻ và dễ hiểu cho những phạm vi rộng lớn của dữ kiện
sinh vật học.
Spencer mở đầu
với một định nghĩa thời danh: "Sự sống là sự thích ứng liên tục của
những tương quan nội giới với những tương quan ngoại giới" (Nguyên lý sinh vật học,
N.Y. 1910, I, 99). Tính cách toàn vẹn của sự sống tuỳ theo tính cách
toàn vẹn của mối tương giao này; và sự sống hoàn mỹ khi mối tương giao
được hoàn mỹ. Sự tương giao không phải chỉ là sự thích ứng của những
tương quan nội giới biết trước một đổi thay trong những tương quan ngoại
giới, như một con vật thu hình lại để tránh một vố đánh đập hay một con
người nhóm lửa để hâm nóng thức ăn. Khuyết điểm của định nghĩa này
không những nằm trong khuynh hướng bỏ quên hoạt động cải tạo của cơ thể
đối với hoàn cảnh, mà còn nằm ở chỗ nó không giải thích được cái gì là
năng lực tinh vi nhờ đó một cơ thể hoàn thành được những sự thích ứng có
tính cách tiên tri - đặc tính của sự sống. Trong một chương thêm vào
những lần in về sau, Spencer bắt buộc phải bàn đến "Yếu tố động trong sự
sống" và phải nhận rằng định nghĩa của ông đã không biểu thị trung thực
bản chất của sự sống. "Chúng ta buộc lòng phải thú nhận rằng sự sống,
trong tinh thể của nó, không thể quan niệm theo phương diện lý hoá được"
(I, 120). Ông không nhận ra rằng một lời công nhận như thế sẽ tai hại
đến mức nào đối với sự nhất thể và toàn triệt của hệ thống ông.
Cũng như
Spencer thấy trong đời sống của cá nhân, sự thích nghi của những tương
quan ngoại giới, ông thấy trong đời sống các giống loài một sự thích
nghi đặc biệt của sự dồi dào sinh sản đối với những điều kiện của môi
trường sống. Sự sinh sản khởi thuỷ phát hiện như một sự tái thích nghi
của lớp mặt trên dinh dưỡng đối với khối được dinh dưỡng; sự tăng trưởng
của một biến hình trùng, chẳng hạn, bao hàm một sự gia tăng của khối vô
cùng nhanh hơn sự gia tăng trong lớp trên mặt, qua đó khối phải hấp thụ
chất dinh dưỡng. Sự phân chia, sự nẩy mầm, sự tạo thành bao tử, và sự
sinh sản hữu dục có một điểm chung này là tỉ lệ của khối đối với mặt
trên bị giảm rút, và thế quân bình dinh dưỡng được phục hồi. Bởi thế mà
sự phát triển của cơ thể cá biệt vượt ngoài một mức nào đó sẽ thành nguy
hiểm, và thông thường sau một thời gian sự lớn lên nhường chỗ cho sự
sinh sản.
Trung bình sự
tăng trưởng biến thiên ngược chiều với tốc độ của sự tiêu hao năng lực,
và tốc độ của sự sinh sản biến thiên ngược chiều với độ tăng trưởng.
"Một điều những người nuôi ngựa đều biết là nếu một chị ngựa cái được
chuẩn bị để sinh một chú ngựa con, thì chị ấy được ngăn ngừa cho khỏi
lớn đến tầm vóc thật sự của mình ... Ngược lại những con vật bị thiến,
như gà trống thiến, và nhất là mèo thiến, thường trở nên to lớn hơn
những đồng bạn không bị thiến" (II, 459). Tốc độ của sự sinh nở có
khuynh hướng giảm xuống khi sự phát triển và khả năng của cá thể tăng
lên. "Khi tổ chức thấp kém, thiếu khả năng để chiến đấu với những hiểm
nguy bên ngoài (đánh đâu thua đó), thì phải có một sự dồi dào sinh sản
để bù lại số tử vong; nếu không giống nòi sẽ phải tiêu mòn lần. Trái lại
khi có nhiều tài năng thừa sức để tự tồn thì phải cần một độ sinh sản
thấp tương ứng", nếu không , tỉ số sinh sản có thể vượt trên mức cung
cấp thức ăn (II,421). Như vậy, nói chung có một sự chống đối giữa cá thể
và giòng giống, hay giữa sự phát triển cá thể và sự sinh sản. Định luật
này thường đúng cho tập đoàn và giống nòi hơn là cho cá thể: giống nòi
hay tập đoàn càng phát triển cao chừng nào thì tỉ số sinh sản của nó
càng thấp chừng ấy. Nhưng trung bình nó cũng đúng cho cá thể nữa. Chẳng
hạn sự phát triển tri thức hình như thù nghịch với mức độ sinh sản. "Ở
đâu có sự sinh sản đặc biệt dồi dào, ở đấy có sự chậm lụt về tâm trí, và
ở đâu có sự tiêu hao sinh lực quá độ vào hoạt động tinh thần, thì ở đấy
kết quả thường là một sự cằn cỗi về phương diện sinh sản. Do đó, loại
tiến hoá xa hơn, loại tiến hoá đặc biệt, mà con người sau này phải vươn
đến là một lối tiến hoá có thể gây nên một sự thoái bộ trong năng lực
sinh sản" (II, 530). Những triết gia đã nổi tiếng là những người tránh
làm cha mẹ. Mặt khác, nơi đàn bà, giai đoạn làm mẹ thường gây nên một
tình trạng giảm sút về hoạt động tri thức (Tự thuật, tr. 62), và có lẽ thời kỳ thanh niên tương đối ngắn ngủi của họ là do sự hy sinh sớm sủa cho việc sinh sản.
Mặc dù có sự
thích ứng gần khít này giữa tốc độ sinh sản với nhu cầu của sự sống còn
tập thể, sự thích ứng cũng không bao giờ hoàn toàn, và Malthus đã đúng
trong nguyên lý tổng quát của ông, theo đó mật độ dân chúng có khuynh
hướng vượt quá những phương tiện nuôi sống. "Từ khởi thuỷ mật độ dân
chúng đã là nguyên nhân gần của tiến bộ. Nó phát sinh ra sự phân tán đầu
tiên của giống nòi. Nó buộc con người phải bỏ những thói cướp bóc và
khởi sự cày cuốc. Nó đưa đến sự khai quang mặt đất, nó buộc người ta vào
trong tình trạng xã hội ... và phát triển những tình cảm xã hội. Nó đã
khơi nguồn cho những cải tiến về sản xuất, và làm tăng trưởng tài khéo
léo và trí thông minh" (Sinh vật học , II, 536). Nó là nguyên nhân chính
của sự cạnh tranh sinh tồn qua đó kẻ thích nghi nhất có thể sống sót và
qua đó trình độ của giống nòi được nâng cao.
Sự xuất hiện
của loài thích nghi nhất là do những biến thiên thuận lợi ngẫu nhiên,
hay do thụ hưởng một phần những đặc tính hay khả năng mà nhiều thế hệ kế
tiếp đã đạt được ? Về vấn đề này, Spencer không giữ lập trường độc
đoán, ông sẵn sàng chấp nhận lý thuyết Darwin, nhưng nghĩ rằng có những
sự kiện mà lý thuyết ấy không thể giải thích, và buộc lòng phải chấp
nhận, với ít nhiều châm chước, quan điểm của Lamarck. Ông bênh vực
Lamarck một cách hùng hồn trong cuộc tranh luận với Weismann; và nêu rõ
vài khuyết điểm trong lý thuyết Darwin. Vào thời ấy Spencer hầu như là
người duy nhất đứng về phe Lamarck. Một điểm đáng ghi là ngày nay, trong
số những tân môn đồ của Lamarck có cả những hậu duệ của Darwin, trong
khi nhà sinh vật học Anh quốc vĩ đại nhất đương thời cho rằng lý thuyết
đặc biệt (dĩ nhiên không phải lý thuyết đại cương) của Darwin về tiến
hoá cần phải phế bỏ (xem diễn từ của Sir W. Bateson trước "Hội những
người Mỹ xúc tiến khoa học" - Toronto, Dec. 28-1921, trong báo Science, Jan.20.1922).
0 comments
Post a Comment