Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Thursday, September 5, 2013

Học thuyết “Giá trị lao động” mới (1)

Lời mở đầu
Việc giảng dạy chủ nghĩa Marx ở Việt Nam theo phương pháp “thầy nói trò nghe” và “thầy đọc trò ghi” đã gây ra rất nhiều tai hại cho việc hiểu biết về lý luận của Marx. Trong những năm tháng dài vừa qua tại các nước xã hội chủ nghĩa, việc tuyệt đối hoá chủ nghĩa Marx, cho rằng nó luôn luôn đúng trong mọi thời kỳ và khi có ai đó phát triển hoặc bổ sung cho lý luận của Marx thì đều bị cho là “hữu khuynh”, là không có lập trường Marxist, đã làm cho lý luận của Marx bị đóng kín hoàn toàn. Mọi sự sáng tạo đều đã bị lên án hoặc cô lập. Khi cơ chế xã hội thông thoáng hơn thì ở một vài điểm nào đó cũng có sự bổ sung vào lý luận của Marx, nhưng đáng tiếc là sự bổ sung không mang tính hệ thống. Đôi khi đó chỉ là sự cóp nhặt một vài khái niệm của kinh tế học hiện đại để thay thế, mở rộng khái niệm của Marx. Điều đó là chưa đủ, bởi vì hệ thống lý luận của Marx, nếu nhìn nhận một cách hệ thống, toàn diện, là một hệ thống logic. Bổ sung mà không xây dựng lại theo logic thì sẽ biến học thuyết của Marx thành một mớ hỗn độn, thiếu tính logic và không giúp cho chúng ta hiểu rõ về những sai sót cũng như những điều cần bổ sung cho học thuyết của ông. Nó không giúp cho chúng ta hiểu rõ được bản chất của các vấn đề, hiện tượng trong thế giới hiện thực đã phần nào thay đổi hiện nay. Con đường phát triển của khoa học luôn luôn là sự sáng tạo và bổ sung những cái mới theo thực tiễn cho những học thuyết đã không còn phù hợp với thực tiễn. Chủ nghĩa Marx không phải là một chủ nghĩa đóng, là chủ nghĩa đã tuyệt đối đúng, nó cần được bổ sung theo thực tiễn, đó chính là mục đích của bài viết này.
Để đọc và hiểu bài viết này, người đọc cần có một lượng kiến thức nhất định về kinh tế chính trị Marxist cũng như những kiến thức về kinh tế học hiện đại. Nhưng cần tránh áp dụng những giáo điều của lý thuyết cũ để đánh giá cho lý luận của lý thuyết mới – lý thuyết đã bổ sung cho những giáo điều, những thiếu sót của lý thuyết cũ, vì vậy người đọc cần đứng trên quan điểm khoa học để đánh giá những lý luận mới này, tức là chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tiễn và tính logic để đánh giá. Với những kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế của mình, tôi không dám khẳng định tuyệt đối những điều mình viết ra là đúng. Nhưng tôi hy vọng những ai có kiến thức sẽ chung tay bổ sung và hoàn thiện nó để có thể góp phần làm cho xã hội công bằng và tốt đẹp hơn.
Bài viết này sẽ làm rõ những sai lầm và thiếu sót của học thuyết “giá trị lao động” của Marx đồng thời thử tìm cách bổ sung và hoàn thiện học thuyết này. Nó có thể sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang xây dựng. Đồng thời nó có thể gợi mở ra con đường tăng trưởng cân bằng mà kinh tế học hiện đại đang tìm kiếm. Đây là bài viết đã được tôi hoàn thành lần đầu tiên vào ngày 30/4/2007, khi tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh; nó được bổ sung lần thứ nhất vào ngày 23/3/2008 khi tôi làm việc cho Foxconn Technology Group tại Thâm Quyến – Trung Quốc. Và được hoàn thiện lần thứ hai vào ngày 17/4/2009 khi tôi đang làm việc tại công Silkroad Hà Nội JSC, khu công nghiệp Đại An – Hải Dương.
I. Đặt vấn đề
Cơ sở lý luận của bài viết này là học thuyết “giá trị lao động” của Karl Marx. Theo học thuyết này, lượng giá trị của hàng hoá là: W = C + V + m, với W là lượng giá trị của hàng hoá, C là tư bản bất biến, là tư liệu sản xuất như nhà xưởng, máy móc, nguyên vật liệu…; V là tư bản khả biến, là tiền để thuê công nhân; m là giá trị thặng dư của người công nhân đồng thời cũng là lợi nhuận mà nhà tư bản thu được. Theo lý luận của Marx, nhà tư bản không đóng góp vào giá trị của hàng hoá nhưng mà vẫn thu được lợi nhuận là giá trị thặng dư: P = m. Câu hỏi đặt ra là: lợi nhuận P phải chăng chỉ là giá trị thặng dư m do người công nhân tạo ra? Và công thức W = C + V + m là hoàn toàn đúng cho mọi giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế hàng hoá?
Câu trả lời của tôi là không! Lợi nhuận không chỉ là giá trị thặng dư của người công nhân, cũng như công thức W = C + V + m là không đúng cho giai đoạn phát triển hiện nay của nền kinh tế hàng hoá, nó cần phải được bổ sung. Lý luận mới sẽ xây dựng trên cơ sở mở rộng khái niệm “hàng hoá”, qua đó mở rộng khái niệm “lao động tạo ra giá trị”, mở rộng khái niệm “giá trị của hàng hoá”, từ đó chúng ta sẽ có khái niệm về bản chất của “giá trị thặng dư” và “lợi nhuận”. Đồng thời có thể gợi mở về một con đường tăng trưởng cân bằng và ổn định trong kinh tế học. Để người đọc dễ hình dung, chúng ta có thể dùng sơ đồ dưới đây:
dvv
II. Giải quyết vấn đề
Hàng hóa và trao đổi hàng hoá là cơ sở tồn tại của nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa. Thế nhưng quan điểm về hàng hoá của ông lại rất hạn hẹp. Karl Marx chưa bao giờ nêu rõ khái niệm về hàng hoá. Ông cũng chưa từng chú ý đến việc xây dựng khái niệm hàng hoá, một khái niệm cơ bản của nền kinh tế hàng hoá, một phạm trù mang tính lịch sử. Trong “Lời tựa” của Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị ông viết: “Tôi xem hệ thống kinh tế tư sản theo thứ tự sau đây: tư bản, sở hữu ruộng đất, lao động làm thuê, nhà nước, ngoại thương, thị trường thế giới” [1]. Chúng ta đã không thấy khái niệm hàng hoá trong những lý luận chủ yếu mà ông quan tâm xây dựng. Marx chỉ nêu ra khái niệm về hàng hoá của các nhà kinh tế học Anh và chỉ rõ thêm về các thuộc tính của hàng hoá. Trong khi đó, khi trình bày về khái niệm hàng hoá của Marx thì các giáo trình đại học của Việt Nam về kinh tế chính trị Mác-Lênin lại trình bày khái niệm của kinh tế học hiện đại, mặc dù khái niệm mà các nhà Marxist Việt Nam trình bày cũng chưa hoàn toàn chính xác. Đây là một sự lẫn lộn nguy hiểm, họ dùng một phần khái niệm hàng hoá của kinh tế học hiện đại nhưng lại vẫn để nguyên học thuyết giá trị lao động của Marx. Nếu dùng khái niệm mới về hàng hoá thì học thuyết giá trị lao động cũng phải được xây dựng lại. Đó chính là mục đích của bài viết này, và chúng ta cần hiểu rằng khái niệm mới về hàng hoá không phải là khái niệm mới so với kinh tế học hiện nay mà là mới so với khái niệm hàng hoá của Karl Marx. Ông viết: “Thoạt nhìn, của cải trong chế độ tư sản biểu hiện ra là một đống hàng hoá khổng lồ và từng hàng hoá là hình thái tồn tại giản đơn nhất của nó. Nhưng mỗi hàng hoá lại thể hiện dưới hai mặt là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi
Theo lối nói của các nhà kinh tế học Anh, thì hàng hoá trước hết là “một vật thể nào đó, cần thiết, có ích cho đời sống hoặc làm cho đời sống dễ chịu”, là một đối tượng của nhu cầu của con người, là một tư liệu sinh hoạt hiểu theo nghĩa rộng nhất. Phương thức tồn tại ấy của hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng nhất định với phương thức tồn tại tự nhiên, có thể sờ mó được của nó. Chẳng hạn, lúa mì là một giá trị sử dụng đặc biệt, khác với giá trị sử dụng của bông, thuỷ tinh, giấy…” [2]. Theo Marx giá trị sử dụng của hàng hoá là sự cần thiết, có ích, là đối tượng của nhu cầu của con người. Và “giá  trị  trao đổi biểu hiện thành quan hệ về lượng, theo đó các giá trị sử dụng có thể trao đổi được lẫn nhau” [3]. Nhưng ngay sau đó Marx lại viết: “Các giá trị sử dụng đều trực tiếp là tư liệu sinh hoạt” [4]. Trong khi đó máy móc, nhà xưởng, nguyên vật liệu, sức lao động đều được Marx coi là hàng hoá nhưng lại không hề có thuộc tính là tư liệu sinh hoạt trực tiếp. Nhưng mâu thuẫn này không hẳn đã là quan trọng, mà quan trọng hơn là khi đọc toàn bộ chương một trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị – Lời tựa chúng ta chỉ thấy Marx nhấn mạnh đến hàng hoá hữu hình là những vật thể, có công dụng, được sản xuất bằng công cụ máy móc và được trao đổi trên thị trường tự do. Chúng ta đã hoàn toàn không thấy bóng dáng của hàng hoá vô hình là các dịch vụ và hàng hoá công cộng theo cách hiểu hiện đại – những hàng hoá đang tồn tại trong thực tiễn hiện nay.
Trong các giáo trình Kinh tế Chính trị Marxist đang được giảng dạy tại Việt Nam, thì hàng hoá lại được hiểu một phần theo cách hiểu của kinh tế học hiện đại: “Hàng hoá là sản phẩm của lao động có thể thoả mãn một nhu cầu nhất định nào đó của con người thông qua trao đổi mua-bán với nhau. Hàng hoá là một phạm trù lịch sử. Sản phẩm lao động mang hình thái là hàng hoá khi nó là đối tượng mua bán trên thị trường. Hàng hoá có thể ở dạng vật thể (hữu hình) hoặc ở dạng phi vật thể” [5]. Đây là một khái niệm khá rộng mặc dù nó chưa hoàn toàn chính xác vì chưa phản ánh hết khái niệm hàng hoá hiện nay. Nhưng chúng ta phải chú ý rằng đây hoàn toàn không phải là khái niệm về hàng hoá mà Marx muốn trình bày. Nếu được trình bày cụ thể thì hàng hoá có thể phân biệt thành hàng hoá dưới dạng vật thể (được thể hiện bằng các thuộc tính vật lý, hoá học, sinh học…) và hàng hoá dưới dạng phi vật thể (được thể hiện dưới dạng dịch vụ) và hàng hoá công cộng. Hàng hoá dưới dạng vật thể như là đất đai, máy móc, nguyên vật liệu, tư liệu sinh hoạt trực tiếp như cơm, áo, giấy… Hàng hoá dưới dạng phi vật thể ở dạng dịch vụ như bảo hiểm, nghệ thuật, công trình khoa học, sức lao động, chứng khoán… và hàng hoá dưới dạng công cộng như Quốc phòng, An ninh, Giáo dục, Y tế, luật pháp, cơ sở hạ tầng… Tất nhiên là chúng phải thoả mãn được yêu cầu, nhu cầu của con người cả về mặt vật chất và tinh thần, chúng trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho cuộc sống của con người.
Như vậy, hàng hoá là những vật thể hoặc dịch vụ được con người tìm ra, làm ra, nó trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho một nhu cầu, yêu cầu nhất định của con người đồng thời nó được trao đổi mua-bán trên thị trường mở rộng.
Hàng hoá là những gì có giá trị sử dụng nhưng không nhất thiết những gì có giá trị sử dụng đều là hàng hoá. Việc cái gì là hàng hoá, cái gì không là hàng hoá là do lịch sử phát triển của loài người quy định, vì vậy nó là một phạm trù của lịch sử. Hàng hoá có thuộc tính giá trị trao đổi, đó là sự trao đổi một số lượng hàng hoá này lấy một số lượng hàng hoá thông qua một loại hàng hoá đặc biệt là tiền tệ. Nhưng điều cần lưu ý ở đây là sự trao đổi không chỉ diễn ra trên thị trường tự do mà nó còn diễn ra trên “thị trường hành chính”, đó là trường hợp của hàng hoá công cộng. Thị trường tự do ở đây là thị trường mà kinh tế học vẫn đang hiểu, nó là một không gian trao đổi tự do của một nhóm hoặc một nhóm cá thể, như là chợ, siêu thị, thị trường ngoại hối, chứng khoán… Còn thị trường hành chính là sự trao đổi thông qua luật pháp về lương do toàn xã hội cùng nhau lập ra. “Thị trường mở rộng” là thị trường tự do và thị trường hành chính. Hàng hoá theo khái niệm mới sẽ có thuộc tính giá trị trao đổi trên thị trường mở rộng. (Và sự phân biệt nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với nền kinh tế tập trung bao cấp trước đây chính là phần trăm của thị trường tự do và thị trường hành chính)
Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang vấn đề “giá trị của hàng hoá”. Marx cho rằng “giá trị trao đổi” là hình thức còn “giá trị” là nội dung. Theo Marx: “Thời gian lao động được vật hoá trong các giá trị sử của hàng hoá, là cái thực thể làm cho các trị sử dụng trở thành những giá trị trao đổi, vì vậy trở thành những hàng hoá, đồng thời nó cũng đo những lượng nhất định giá trị của hàng hoá. Những lượng so sánh của các giá trị sử dụng khác nhau mà trong đó thời gian lao động giống nhau được vật hoá là những vật ngang giá, hay là tất cả các giá trị sử dụng đều là những vật ngang giá theo những tỷ lệ trong đó các giá trị sử dụng này chứa đựng nhưng lượng giống nhau về thời gian lao động đã chi phí, đã được vật hoá. Với tư cách là những giá trị trao đổi, tất cả các hàng hoá chỉ là những lượng nhất định của thời gian lao động đã kết đọng lại” [6] và “giá trị trao đổi, xét về nội dung của mình, là một lượng lao động nào đó hoặc một lượng thời gian lao động nào đó đã được vật hoá” hay “giá trị trao đổi chỉ biểu hiện ra ra với tư cách là sản phẩm của lao động” [7]
Như vậy xét về nội dung của bản thân nó thì giá trị trao đổi là do thời gian lao động quy định, mà nội dung của giá trị trao đổi là giá trị, do đó giá trị của hàng hoá do lao động kết tinh trong hàng hoá quy định, hay lao động tạo ra giá trị. Thế nhưng vấn đề cần đặt ra là: Đó là lao động nào và của ai? Karl Marx đã không có một lý luận đầy đủ về hàng hoá, do đó Ông đã trả lời không đúng cho câu hỏi này. Và việc ông không có câu trả lời đúng cho câu hỏi này đã làm cho lý luận giá trị của ông không đầy đủ, do đó từ lý luận giá trị sai lầm của mình mà Marx đã xây dựng một lý luận không đầy đủ về giá trị thặng dư và lợi nhuận. Marx lập luận rằng: “Giá trị trao đổi nảy sinh từ lưu thông, có trước lưu thông, tự duy trì trong lưu thông và tự nhân lên thông qua lao động” [8]. Có từ trước lưu thông tức là giá trị của hàng hoá có từ sản xuất, hay giá trị của hàng hoá là do lao động của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá. Theo logic suy luận của Marx thì: Giá trị của hàng hoá là lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá. Suy rộng ra từ lý luận của Marx, thì chỉ những người lao động trong lĩnh vực sản xuất (chủ yếu là công nhân) mới tạo ra giá trị của hàng hoá, còn những lao động gián tiếp như lao động trong lĩnh vực lưu thông, lao động của nhà tư bản, lao động trong lĩnh vực hàng hoá dịch vụ, lao động trong lĩnh vực hàng hoá công cộng thì không tạo ra giá trị của hàng hoá. Luận điểm này không những là sai lầm của Marx mà nó còn là sai lầm của các nhà Marxist Việt Nam, như trong giáo trình Quốc gia về Kinh tế chính trị Mác-Lênin họ viết: “Lao động hao phí để tạo ra hàng hoá kết tinh trong hàng hoá là cơ sở chung của trao đổi, được gọi là giá trị hàng hoá. Giá trị hàng hoá là lao động của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng  hoá” [9]
Theo triết học của Marx: thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Vì vậy chúng ta hãy nhìn vào thực tiễn để đánh giá lý luận của Marx, cũng như xây dựng lý luận mới. Chúng ta sẽ bắt đầu từ nền kinh tế sản xuất hàng hoá giản đơn, nền sản xuất mà ở đó có sự trao đổi trực tiếp các loại hàng hoá với nhau theo phương thức hàng đổi hàng. Đó là trường hợp trao đổi hàng hoá của một người nông dân và một người thợ rèn theo tỷ lệ: 2 cân gạo = 1 con dao. Tại sao hai hàng hoá khác nhau với số lượng khác nhau lại có thể trao đổi được với nhau? Câu trả lời là hai loại hàng hoá này có cùng một lượng giá trị hay công sức (sức lao động) mà mỗi người bỏ ra để sản xuất hàng hoá của họ là giống nhau.Thời gian lao động – lượng giá trị của hàng hoá – để làm ra hàng hoá là một đại lượng tương đối, hay đó là một sự “trừu tượng hoá”. Như Marx đã viết: “Việc quy như thế là một sự trừu tượng hoá, nhưng đó là sự trừu tượng hoá diễn ra hàng ngày trong quá trình sản xuất xã hội. Việc quy mọi hàng hoá thành thời gian lao động không phải là một sự trừu tượng hoá lớn hơn, đồng thời nó cũng không phải là một sự trừu tượng hoá kém hiện thực hơn việc quy mọi thể hữu cơ thành không khí. Thực ra lao động được đo bằng thời gian như thế không thể hiện ra như là lao động của những chủ thể khác nhau, mà ngược lại, những cá nhân lao động khác nhau thể hiện ra là những khí quan giản đơn của lao động đó. Nói cách khác, lao động như nó biểu hiện ra trong các giá trị trao đổi, có thể gọi là lao động chung của con người. Sự trừu tượng hoá đó của lao động nói chung của con người tồn tại trong thứ lao động trung bình mà mỗi cá nhân trung bình của xã hội nhất định có thể thực hiện được, đó là sự chi phí sản xuất nhất định về bắp thịt, thần kinh, óc… của con người. Đó là thứ lao động giản đơn mà mỗi cá nhân trung bình có thể học được và phải được thực hiện dưới một hình thức này hay hình thức khác. Bản thân tính chất của thứ lao động trung bình đó thay đổi tuỳ theo các nước và các thời đại văn minh, nhưng trong mỗi xã hội đang tồn tại thì nó thể hiện ra như là cái đã được xác định. Lao động đơn giản là bộ phận lớn hơn cả trong toàn khối lượng lao động của xã hội tư sản, như người ta có thể tham khảo bất kỳ thống kê nào. A sản xuất Sắt trong 6 giờ và Vải trong 6 giờ, và B cũng sản xuất Sắt trong 6 giờ và Vải trong 6 giờ, hay A sản xuất Sắt trong 12 giờ và B sản xuất Vải trong 12 giờ, thì đấy rõ ràng chỉ là cách sử dụng khác nhau của cùng một thời gian lao động giống nhau mà thôi” và ” Việc quy định giá trị trao đổi bằng thời gian lao động  còn giả định một lượng lao động ngang nhau, đã được vật hoá trong một hàng hoá nhất định, ví dụ một tấn Sắt, không kể là lao động của A hay của B, hoặc là những cá nhân khác nhau dùng một số lượng thời gian lao động bằng nhau để sản xuất ra cùng một giá trị sử dụng nhất định giống nhau về lượng và chất. Nói cách khác, người ta giả định là thời gian lao động chứa đựng trong một hàng hoá là thời gian cần thiết để sản xuất ra hàng hoá đó, nghĩa là thời gian lao động cần có để sản xuất ra cùng một loại hàng hoá giống như thế trong các điều kiện sản xuất chung đó” [10]. Những luận điểm này là hoàn toàn đúng trong nền kinh tế hàng hoá giản đơn, và lượng giá trị của hàng hoá đúng bằng thời gian để sản xuất ra hàng hoá đó. Người nông dân và người thợ cơ khí thủ công sản xuất ra hàng hoá bằng các công cụ sản xuất giản đơn, họ đem ra chợ trong làng, xã của mình để trao đổi và việc trao đổi là hợp lý với họ khi họ nhận thấy rằng giá trị của hàng hoá (sức lao động, hay thời gian lao động mà họ đã bỏ ra để làm nó) của 2 kg gạo bằng giá trị của 1 con dao. Họ thực hiện việc trao đổi này như là việc tất yếu, đã có từ trước do thế hệ cha ông để lại. Nhưng vấn đề chủ yếu là họ chưa phải suy nghĩ về thị trường tiêu thụ, về vấn đề lưu thông.
Nền kinh tế hàng hoá tư bản hiện nay thì không phải hoàn toàn như vậy. Trao đổi không chỉ diễn ra giữa từng cá nhân tự mình sản xuất, tự mình trao đổi trực tiếp hàng lấy hàng trong một không gian hẹp của làng xã nữa mà sự phân công lao động cùng với việc mở rộng không gian trao đổi đã làm cho nền kinh tế hàng hoá tư bản khác hẳn về bản chất với nền sản xuất hàng hoá giản đơn. Trong nền sản xuất hàng hoá tư bản, để cho ra đời một loại hàng hoá và bán được nó (thực hiện được giá trị của hàng hoá), thì nhà tư bản phải trả lời hàng loạt câu hỏi như: sản xuất cái gì? sản xuất cho ai? sản xuất như thế nào? vận chuyển và tiêu thụ ra sao? … Đó việc tìm ra loại hàng hoá nào để sản xuất, sản xuất cho đối tượng tiêu dùng nào, sản xuất như thế nào (thành lập công ty, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, chọn công nghệ, tuyển dụng lao động, xây dựng hệ thống quản trị và quản lý hệ thống đó…), tiêu thụ hàng hoá đó như thế nào, vận chuyển ra sao, cạnh tranh như thế nào… Trong khi nền kinh tế hàng hoá giản đơn thì thời gian lao động sản xuất trực tiếp là yếu tố duy nhất để tạo nên và đóng góp vào giá trị của hàng hoá (vì các lao động khác như lưu thông hay nhà tư bản chưa hề phải tính tới và do đó không được tính vào giá trị của hàng hoá) còn trong nền kinh tế hàng hoá tư bản, sản xuất trực tiếp (lao động của công nhân) chỉ là một bộ phận trong hệ thống các bộ phận khác nhau đóng góp sức lao động của mình để làm ra và thực hiện được giá trị của hàng hoá. Ngoài công nhân sản xuất trực tiếp ra chúng ta còn có sự đóng góp sức lao động của các bộ phận khác như là đội ngũ quản lý, kỹ thuật, kế toán, nhân sự, kinh doanh, vận chuyển, bảo vệ, bán hàng, giám đốc… và cả chủ sở hữu, tức là nhà tư bản nữa. Không có sự đóng góp sức lao động của tất cả các bộ phận khác nhau trong một công ty thì không bao giờ cho ra đời được hàng hoá chứ chưa nói đến thực hiện giá trị của nó. Nếu chỉ riêng có bộ phận sản xuất trực tiếp mà không có các bộ phận khác cùng bỏ sức lao động, thì  không thể sản xuất ra hàng hoá  hoặc có sản xuất một sản phẩm nào đó thì cũng không thể thực tiêu thụ được nó tức là không thể biến sản phẩm đó thành hàng hoá, hay lao động của người sản xuất trực tiếp không tạo ra được hàng hoá và lao động riêng của họ không tạo ra giá trị. Không sản xuất ra được hàng hoá và không thực hiện được giá trị của nó thì nền kinh tế hàng hoá tư bản không tồn tại, hay lý luận giá trị của Marx trở thành vô giá trị.
Hơn thế nữa học thuyết giá trị lao động của Marx là rất phiến diện, không đầy đủ khi nó đã không tính đến hàng hoá công cộng và lao động tạo ra giá trị trong lĩnh vực hàng hoá công cộng. Bản thân hàng hoá tư nhân (hàng hoá do doanh nghiệp tư nhân làm ra) và bản thân doanh nghiệp tư nhân chưa đủ để tạo nên nền kinh tế hàng hoá tư bản. Tự bản thân mình, các doanh nghiệp tư nhân không thể làm nên được điều gì cả, các doanh nghiệp tư nhân và hàng hoá tư nhân chỉ là điều kiện cần cho sự tồn tại của nền kinh tế hàng hoá tư bản. Các doanh nghiệp tư nhân (hiểu theo nghĩa là có một hoặc một vài chủ sở hữu nhưng không phải là sở hữu toàn xã hội như doanh nghiệp nhà nước) đã và đang tồn tại trong một hệ thống Nhà nước nhất định, trong một thể chế nhất định. Không có hệ thống Nhà nước với các luật lệ, các điều kiện cơ sở vật chất, xã hội được Nhà nước nhất định cung cấp thì không thể có hàng hoá tư nhân và doanh nghiệp tư nhân (tức là không tồn tại Chính phủ với các luật lệ, các cơ sở vật chất xã hội do Chính phủ cung cấp). Mà không có doanh nghiệp tư nhân và hàng hoá tư nhân, không có sự trao đổi tự do trong một hệ thống luật lệ nhất định thì cũng không có nền kinh tế hàng hoá tư bản. Nhà nước, thể chế xã hội là điều kiện đủ để có nền kinh tế hàng hoá tư bản. Như vậy, ngoài những lao động trong doanh nghiệp tư nhân (cả lao động trực tiếp và gián tiếp trong doanh nghiệp sản xuất hàng hoá và dịch vụ) đóng góp sức lao động vào giá trị của hàng hoá thì những lao động trong lĩnh vực hành chính công như nhà làm luật, nhà quản lý xã hội, ngân hàng, bác sĩ công, giáo viên công, nhà khoa học… cũng đóng góp sức lao động của mình vào giá trị của hàng hoá. Mỗi công chức, viên chức trong các lĩnh vực làm việc của mình sẽ đóng góp sức lao động vào một khâu, một công đoạn nhất định để vận hành nền kinh tế thị trường và qua đó đóng góp vào giá trị của hàng hoá, tất nhiên sự đóng góp này là gián tiếp. Từ việc đảm bảo An ninh, Quốc phòng, luật lệ, cung cấp sức khỏe thể chất, tinh thần, kiến thức cho người lao động, khoa học kỹ thuật công nghệ cho sản xuất đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc sản xuất và trao đổi hàng hoá. Sức lao động của họ đóng góp cho giá trị của hàng hoá sẽ được tính gián tiếp vào chi phí thành lập và hoạt động của doanh nghiệp tư nhân liên quan đến lĩnh vực hành chính công, đóng góp cho sức khoẻ thể chất, tinh thần và kiến thức của người lao động… Và giá trị do họ đóng góp vào giá trị của hàng hoá sẽ được họ nhận lại bằng tiền lương từ các khoản thuế, lệ phí, bảo hiểm,… mà doanh nghiệp tư nhân phải trả và đóng góp cho Chính phủ. Marx cho rằng chỉ lao động trực tiếp mới đóng góp sức lao động vào giá trị của hàng hoá và các bộ phận khác chỉ nhận phần giá trị được phân phối lại do bộ phận sản xuất tạo ra. Nhưng nếu nhìn một cách hệ thống, tổng thể như ở trên thì lao động của những người được hưởng lương (cả tư nhân và chính phủ) và nhà tư bản đều đóng góp sức lao động vào giá trị của hàng hoá.
Việc Marx hiểu một cách không đầy đủ về hàng hoá và việc xây dựng khái niệm giá trị của hàng hoá trên khái niệm hàng hoá không đầy đủ, việc áp dụng lý luận giá trị trong nền sản xuất hàng hoá giản đơn cho nền kinh tế hàng hoá tư bản đã dẫn đến sai lầm, theo logic, cho khái niệm giá trị thặng dư và lợi nhuận. Để hiểu được lý luận về giá trị thặng dư của Marx chúng ta cần bắt đầu từ công thức chung của tư bản. Tiền tệ trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ vân động theo công thức:
 T – H … Sx … H’ – T’
Như ông đã viết: “Quá trình tuần hoàn của tư bản trải qua ba giai đoạn; căn cứ vào sự trình bày ở tập thứ nhất, thì các giai đoạn ấy hình thành nên chuỗi sau đây:
Giai đoạn thứ nhất: Nhà tư bản, với tư cách là người mua, xuất hiện trên thị trường hàng hoá và thị trường lao động; tiền của hắn chuyển hoá thành hàng hoá, hay thông qua hành vi lưu thông T – H.
Giai đoạn thứ hai: Nhà tư bản tiêu dùng một cách sản xuất những hàng hoá mà hắn đã mua. Hắn hoạt động với tư cách là người sản xuất hàng hoá tư bản chủ nghĩa; tư bản của hắn thực hiện quá trình sản xuất. Kết quả là có một hàng hoá có giá trị lớn hơn giá trị của các yếu tố sản xuất ra hàng hoá đó.
Giai đoạn thứ ba: Nhà tư bản trở lại thị trường với tư cách là người bán; hàng hoá của hắn chuyển hoá thành tiền, hay thực hiện hành vi lưu thông H – T.
Do đó, công thức có thể ứng dụng cho tuần hoàn của tư bản tiền tệ là: T – H … Sx – H’ … T’, đường chấm chỉ ra rằng quá trình lưu thông bị đứt quãng, còn H’ và T’ là H và T đã tăng thêm giá trị thặng dư” [11]. T là số tiền – tư bản (với tư bản được hiểu là giá trị đem lại giá trị thặng dư) ban đầu được dùng vào việc thành lập công ty, thuê đất đai, xây nhà xưởng, mua máy móc, nguyên vật liệu,  mua lao động… (tất cả các hàng hoá này đều là H). Sau đó nhà tư bản sẽ sản xuất ra hàng hoá mới là H’. Khi nhà tư bản bán được hàng hoá H’ và thu được số tiền mới là T’, và lợi nhuận là: P = T’ – T.  P là số tiền dôi ra so với số tiền ban đầu nhà tư bản đã đầu tư, và Marx gọi đó là giá trị thặng dư. Nếu tính trên quy mô toàn xã hội và nếu giá trị của hàng hoá bằng với giá cả của nó thì lợi nhuận P cũng chính là giá trị thặng dư m, hay P = m. Karl Marx đã viết: “Giá trị thặng dư được quan điểm là con đẻ của toàn bộ tư bản ứng trước, mang hình thái chuyển hoá là lợi nhuận” [12]
Từ lý luận giá trị và giá trị thặng dư của mình, Marx đã đưa ra công thức về lượng giá trị của hàng hoá:
W = C + V + m                                                               (1) [13]
Với W là lượng giá trị của hàng hoá.
C là tư bản bất biến, là bộ phận tư bản tồn tại dưới hình thái tư liệu sản xuất mà giá trị được bảo tồn và chuyển hoá vào sản phẩm, tức là giá trị không biến đổi về lượng trong quá trình sản xuất.
V là tư bản khả biến, là bộ phận tư bản tồn tại dưới hình thái sức lao động của những người làm thuê. Những người làm thuê được Marx hiểu là những người làm việc trong lĩnh vực sản xuất trực tiếp (chủ yếu là công nhân) chứ không phải là những người làm việc trong lĩnh vực ngoài sản xuất trực tiếp như là lưu thông… và những người làm việc trong lĩnh vực hành chính công thì càng không được tính.
Còn m là giá trị thặng dư của người công nhân và nó bị nhà tư bản chiếm không, hay m là lượng giá trị dôi ra mà nhà tư bản đã bóc lột từ người công nhân.
Bây giờ chúng ta sẽ làm rõ hơn những hạn chế trong lý luận của Marx về giá trị và giá trị thặng dư. Trong khái niệm giá trị của hàng hoá, Marx cho rằng chỉ lao động tham gia vào quá trình sản xuất mới tạo ra giá trị của hàng hoá, nên Ông cho rằng các lao động khác không tạo ra giá trị, hay giá trị thặng dư chỉ là lượng giá trị lao động dôi ra trong lĩnh vực sản xuất; hay giá trị thặng dư không nảy sinh trong quá trình lưu thông mà nảy sinh trong quá trình sản xuất. Marx viết: “nếu chúng ta so sánh quá trình tạo ra giá trị với quá trình làm tăng giá trị, thì chúng ta sẽ thấy rằng, quá trình làm tăng giá trị chẳng qua cũng là quá trình tạo ra giá trị được kéo dài quá một thời điểm nào đó mà thôi. Nếu quá trình tạo ra giá trị kéo dài đến thời điểm ở đó giá trị sức lao động do tư bản trả được hoàn lại bằng một vật ngang giá mới thì đó là quá trình giản đơn tạo ra giá trị. Còn nếu như quá trình tạo ra giá trị vẫn tiếp diễn quá thời điểm đó, thì nó trở thành một quá trình làm tăng giá trị” [14]. Và nguyên nhân cơ bản của việc tăng giá trị là do hàng hoá sức lao động có một thuộc tính cơ bản là khi được đưa vào tiêu dùng thì nó có thể tạo ra một lượng giá trị mới lớn hơn lượng giá trị ban đầu được mua. Marx lập luận rằng: “Các giá trị chỉ có thể tăng lên nhờ giá trị nào đó xuất hiện, có nghĩa là được tạo ra trội thêm ngoài vật ngang giá” và “Giá trị thặng dư – xét chung đó là giá trị trội thêm ngoài vật ngang giá. Xét theo đúng định nghĩa thì vật ngang giá chỉ đồng nghĩa với chính nó. Vì vậy giá trị thặng dư không bao giờ có thể xuất hiện từ vật ngang giá; có nghĩa là giá trị thặng dư thoạt đầu không thể xuất hiện từ lưu thông được; nó phải xuất hiện từ chính quá trình sản xuất của tư bản” [15]. Đúng là “giá trị thặng dư không bao giờ có thể xuất hiện từ vật ngang giá” và nếu lưu thông ở đây chỉ là đơn thuần là trao đổi trực tiếp hàng hoá lấy hàng hoá như trong nền sản xuất hàng hoá giản đơn thì không bao giờ giá trị thặng dư có thể xuất hiện từ lưu thông được. Nhưng trong nền kinh tế hàng hoá tư bản thì lưu thông là một quá trình có sự đóng góp sức lao động của nhiều người lao động. Không có sự đóng góp sức lao động của họ thì hàng hoá không thể thực hiện được giá trị. Họ “tạo ra” giá trị và “làm tăng” giá trị như lao động trong lĩnh vực sản xuất vậy. Trong lưu thông giá trị của hàng hoá sẽ tăng lên chứ không phải là sự bảo toàn giá trị của hàng hoá như trong lưu thông của nền sản xuất hàng hoá giản đơn – khi mà lưu thông không có gì khác hơn là hành động trao đổi trực tiếp của hàng hoá, hành động không cần đóng góp của lao động nào và không mất thời gian lao động như trong nền kinh tế hàng hoá tư bản. Với lưu thông ở đây được hiểu là quá trình chuẩn bị sản xuất T – H và quá trình tiêu thụ hàng hoá H’ – T’. Marx đã liên tiếp mắc phải sai lầm khi Ông viết: “Giá trị thặng dư mà nhà tư bản có được vào giai đoạn cuối của quá trình sản xuất, – là giá trị thặng dư, với tư cách là giá cả đã tăng lên của sản phẩm, chỉ được thực hiện trong lưu thông, song chỉ được thực hiện như kiểu tất cả các giá cả đã được thực hiện trong lưu thông chỉ vì lý do những giá cả ấy đã có trước lưu thông trên ý niệm, đã được quyết định từ trước khi chúng được ném vào lưu thông” [16]. Marx đã ngụy biện khi cho rằng giá trị thặng dư mà nhà tư bản thu được là ở cuối giai đoạn sản xuất. Ở cuối giai đoạn sản xuất, một sản phẩm chưa trở thành hàng hoá, tức là chúng chưa thực hiện được giá trị (chưa được bán đi); một sản phẩm mà chưa được bán thì lấy đâu ra giá trị của nó, chứ chưa nói đến giá trị thặng dư. Marx đã nhìn vào hiện tượng mà chưa hiểu bản chất của vấn đề, việc “giá cả đã có từ trước lưu thông trên ý niệm” và “được quyết định từ trước khi chúng được ném vào lưu thông” (trước khi đưa vào tiêu thụ) không đồng nghĩa với việc lưu thông không đóng góp vào quá trình “tạo ra” và “làm tăng” giá trị. Tất cả những người hiểu biết về kinh tế thị trường ngày nay đều biết rằng, khi hàng hoá được sản xuất và tiêu thụ thì nhà tư bản đã tính toán được trong đầu của mình là họ sẽ sản xuất và tiêu thụ như thế nào, và khi đưa ra giá cả của hàng hoá thì nhà tư bản đã tính toán được tất cả các chi phí từ giai đoạn chuẩn bị sản xuất (T – H  giai đoạn lưu thông trước sản xuất), giai đoạn sản xuất và giai đoạn tiêu thụ (H’- T’ giai đoạn lưu thông sau sản xuất). Những chi phi được tính đó chính là giá trị sức lao động của các bộ phận khác nhau đã đóng góp vào giá trị của hàng hoá. Nếu lao động trong lưu thông không tạo ra giá trị thì nhà tư bản chẳng khi nào chịu trả lương cho những lao động không đóng góp vào giá trị của hàng hoá của ông ta sơ hữu, mặt khác giá trị là do lao động tạo ra thì chẳng có lý do nào mà lao động trong lưu thông lại không tạo ra giá trị. Lao động trong lưu thông “tạo ra” giá trị thì theo suy luận logic lao động trong lưu thông cũng “làm tăng” giá trị, hay lao động này cũng đóng góp vào giá trị thặng dư. Như vậy cả lý luận lẫn thực tiễn của nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa đã chỉ ra rằng lý luận của Marx là không chính xác.
Tài liệu tham khảo
[1] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13 trang 13
[2] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13 trang 21-22
[3, 4] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13 trang 23
[5] Giáo trình Kinh tế học chính trị Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999  trang 120
[6] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 26-27
[7] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999, tập 46 (phần I), trang 352-353
[8] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999, tập 46 (phần I), trang 353
[9] Giáo trình Kinh tế học chính trị Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999 trang 123
[10] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, tập 13, trang 27
[11] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1994, tập  24, trang 45
[12] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1994, tập 25 (phần I), trang 65
[13] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1994, tập 25 (phần I), trang 47
[14] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1994, tập 23, trang 291-292
[15] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999, tập 46 (phần I), trang 461
[16] C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999, tập 46 (phần I), trang 454
[17] Chương VI, Phần chưa được Nhà xuất bản Tri thức dịch. http://www.scribd.com/doc/6546651/Karl-MarxNew-Ideas-From-Dead-Economists?__cache_revision=1231652476&__user_id=-1&enable_docview_caching=1
(Còn 1 kì)
© 2009 Đàm Văn Vĩ
© 2009 talawas blog

0 comments

Post a Comment