Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Friday, September 27, 2013

Nguyễn Thanh Giang – Trần Đức Thảo: Những phủ định trớ trêu

“Một ý thức bản ngã được thoả mãn trong một ý thức bản ngã khác hay một người được thoả mãn trong một người khác khi mà bên này được bên kia công nhận. Trong khái niệm thuần tuý của sự công nhận, có hai bước, mỗi bước có hai mặt. Bước đầu thì ý thức bản ngã gặp một ý thức bản ngã khác hay một người gặp một người khác, và hai bên trông nhau, thì một mặt mình đã mất mình vì thấy mình ở bên kia. Nhưng mặt khác mình lại phủ định bên kia, và không thấy người kia với tính chất độc lập của người ta mà lại thấy mình ở người ấy. Bước thứ hai thì một mặt mình phủ định bên kia và tin tưởng ở mình, nhưng mặt khác thì chính mình lại phủ định mình, vì mình phải tự nhận thấy mình ở bên kia.”[1]
Trên đây là triết luận của Hegel về sự phủ định trong công nhận.
Bài này nói đến một vài phủ định trớ trêu liên can đến một trí thức Việt Nam.
Góp phần xây móng cho triết học Mác-xít
Thế kỷ 19, thế giới vang động một cuộc luận chiến trong lĩnh vực triết học. Đó là cuộc luận chiến bất phân thắng bại[2] giữa hai bộ óc lớn là Trần Đức Thảo và Jean Paul Sartre, kéo dài từ đầu năm 1949 đến đầu năm 1950.
Trần Đức Thảo cho biết: “Sartre mời tôi trao đổi ý kiến vì ông muốn chứng minh rằng chủ nghĩa hiện sinh rất có thể cùng tồn tại hoà bình với học thuyết Mác”[3], nhưng trong tranh luận Sartre khẳng định: chỉ chủ nghĩa hiện sinh mới khả dĩ có giá trị về mặt triết học, chủ nghĩa Mác chỉ có thẩm quyền trong chừng mực nào đó về các vấn đề xã hội.
Cho nên, trong cuộc tranh luận này, và tiếp tục về sau, Trần Đức Thảo đã dày công làm sáng tỏ và bồi đắp ý nghĩa triết học cho chủ nghĩa Mác. Ông là người Việt Nam đầu tiên và là một vài trong số những triết gia hàng đầu thế giới góp phần xây móng cho triết học Mác-xít.
Dựa vào hiện tượng luận Husserl để xử lý mối quan hệ giữa hiện tượng và bản thể, chủ nghĩa hiện sinh chú trọng hơn đến hiện tượng, đến cái nghiệm sinh, coi hiện tượng là có trước và tạo ra bản chất.
Trên cơ sở coi bản thể là cái có trước, hiện tượng chỉ là sự hiện thực hóa nó, tháng 8 năm 1951 Trần Đức Thảo cho công bố cuốn Hiện tượng học và phép duy vật biện chứng với mục đích “tìm trong chủ nghĩa Marx cách xử lý khả thủ duy nhất những vấn đề do hiện tượng luận đặt ra”.[4]
Ông thừa nhận đóng góp hết sức có hiệu lực của Husserl về cách lý giải bản chất: “Bản chất của một vật là cái yếu tố mà thiếu nó, người ta không thể nào hình dung sự tồn tại của vật ấy”, chẳng hạn “bản chất của màu đỏ là diện tích, vì không thể có một màu nào mà không có diện tích”, tuy nhiên ông cho rằng nếu theo hiện tượng luận triệt để kiểu như Husserl thì cái bản chất cuối cùng chỉ có thể là “vật chất” với tính cách một phạm trù triết học, cho nên ông khẳng định tự thân hiện tượng luận phải dẫn tới chủ nghĩa duy vật.
Ông viết: “Những nghiên cứu tôi thực hiện ở đây vào đầu năm 1944 cho phép tôi khằng định những gì đã được dự đoán trong luận án tốt nghiệp: đó là ngược lại với những giải thích thông thường đã giới thiệu thuyết hiện tượng học Husserl là một học thuyết về những bản thể vĩnh hằng, những phân tích của Husserl hướng tới triết học về thời gian, về con người lịch sử và về lịch sử thế giới. Ông nói: ‘Cái vĩnh hằng là một thời gian tuyệt đối, chính bản thân nó chỉ là một phương thức của thời gian’. Từ đó tôi đã đi đến Hiện tượng học của trí tuệ của Hegel mà tôi đã bình luận trong bài báo đăng trên tạp chí Temps Modernes (tháng 9 năm 1948).”[5]
Hơn thế nữa, Trần Đức Thảo cũng từng đã viết: “Marx đã lộn lại biện chứng pháp Hegel, gạt bỏ cái màn duy tâm để nêu lên cái hạt nhân duy lý, thiết lập phương pháp biện chứng duy vật… Marx không phải chỉ có cải tạo một cách đơn thuần biện chứng pháp Hegel, nhưng thực ra thì đã sáng tạo lại hoàn toàn phương pháp biện chứng trên lập trường duy vật, theo một nội dung mới. Vì tuy nội dung hệ thống triết học của Hegel có bao gồm lịch sử thực tại, nhưng Hegel lại thu hẹp nó vào phần tinh thần, biến nó thành hiện tượng duy tâm thuần túy, do đấy phương pháp biện chứng cũng phải xuất hiện dưới một hình thức thần bí. Chỉ có trên lập trường duy vật mới có thể phát triển nội dung chân chính phản ánh đúng đắn thực tế khách quan, và nhờ đấy xây dựng phương pháp tư tưởng ăn khớp với quy luật mâu thuẫn và biến chuyển của thực tại. Chính như thế là “ lộn lại “ biện chứng pháp Hegel, thiết lập biện chứng pháp duy vật.”[6]
Sau “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng”, các bài biên khảo đăng trên hai số đầu của Tập san Đại học Sư phạm năm 1955: ”Nguồn gốc ý thức trong cuộc tiến hoá của hệ thần kinh” và “Biện chứng pháp của hệ thần kinh” đã phác họa lại nguồn gốc vật chất của ý thức nói chung, và đi sâu vào quá trình vật sinh tâm qua sự phát triển của bộ não nhằm chứng minh luận điểm con người sở dĩ thành người là nhờ có ý thức mà Marx đã dẫn dụ bằng sự khác nhau giữa một con ong khéo léo nhất với một kiến trúc sư tồi nhất.
Đến cuốn Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức thì Trần Đức Thảo đã vượt qua những khống chế áp đảo của chủ nghĩa duy tâm thời ấy, vận dụng Marx để giải đáp vấn đề hóc búa nhất của triết học là về nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, bằng hai chương trình nghiên cứu: qua cử chỉ và ngôn ngữ ở trẻ nhỏ và qua những tư liệu về người tiền sử trên cơ sở coi sự phát sinh tộc loại luôn luôn lặp lại trong sự phát sinh cá thể.
Ông viết: “Kinh nghiệm của các đứa trẻ sống hoang dã chứng tỏ ở con người và chỉ ở con người mới có một tâm lý khởi nguyên được tạo lập bắt đầu từ lớp người thứ nhất – Con người khéo léo – bằng lao động sản xuất và các quan hệ xã hội bao hàm trong việc phân công các nhiệm vụ cá nhân và phân chia sản phẩm. Tính xã hội tự phát ấy trong lao động tập thể đem lại cho các cử động của mỗi người lao động một giá trị biểu cảm chuyển chúng thành ngôn ngữ của đời sống hiện thực. Ngôn ngữ ấy được lắp đi đi lắp lại ở trình độ tiếng vang vỏ não trong hình ảnh bên trong của chính cơ thể, mà các quan hệ qua lại với hình ảnh xã hội bên trong của chính cơ thể hướng tới hình ảnh xã hội bên trong được gửi trả trở về cho chính nó như là hình ảnh của hình ảnh hay hình ảnh đã sống trải. Và chính cái sống trải tín hiệu học ấy được diễn đạt trong ngôn ngữ ngôn ngữ học là sự có ý thức trong đó nó được nâng lên thành trạng thái ý thức thật  sự.”[7]
Để xác định nguồn gốc của ý thức, Trần Đức Thảo không xuất phát từ những hiện tượng khác biệt như ngôn ngữ và cách chế tạo công cụ chỉ có được ở con người mà đào sâu tìm cái tế bào bản chất của ý thức ở một biểu hiện có chung giữa con người và con vượn: động tác chỉ trỏ.
Nghiên cứu thứ nhất của ông có tiêu đề “Hành động chỉ dẫn như là hình thức gốc của ý thức”. Sự phân tích trong phần này của Trần Đức Thảo soi sáng cho luận điểm của Marx: “Ý thức ngay tức khắc là một sản phẩm xã hội nhất thời”.
Trong phần “Ngôn ngữ hỗn hợp” ông sử dụng phương pháp duy vật biện chứng để vạch ra quá trình sinh thành của ngôn ngữ như là vật chất của tư tưởng. Công trình này góp phần soi sáng cho luận điểm “Ngôn ngữ là ý thức thực (Marx).
Khi nghiên cứu về “Những nguồn gốc của khủng hoảng Œdipe”, tuy xuất phát từ sơ đồ của Sigmund Freud, nhưng Trần Đức Thảo tỉnh táo nhận ra rằng “Chắc chắn sự nghiệp của Freud bị thiệt thòi bởi hệ tư tưởng thời đại ông: Tâm lý học sinh vật luận và xã hội học luận kiểu Durkheim. Do đó học thuyết này không có năng lực hiểu đời sống trong bản chất hiện thực của mình là bản chất xã hội, cơ sở thực sự của tâm thần cá nhân.”[8] Ông không cho rằng Œdipe là một nguyên bản có nguồn gốc từ quan hệ của trẻ em với cha mẹ và cần thiết cho sự phát triển cái tôi của nó, mà là một dư sinh của những giai đoạn nhất định trong sự phát sinh loài. Cũng từ luận điểm cơ bản này, tác giả giải thích mặc cảm Œdipe ở bé gái và những mặc cảm khác như mặc cảm thiến hoạn… tất cả đều bằng lao động xã hội.
Maurice Caveing đã xem phần biên khảo của ông về phức cảm Œdipe như một công trình lớn độc đáo: “Chúng tôi tin không cần phải viết thêm, đến mức nào những kết luận của Trần Đức Thảo đã ăn khớp với cả những nghiên cứu gần đây về luyến ái  lẫn các công trình của một số nhà phân tâm học hiện đại về cấu trúc ngôn ngữ của vô thức, mặc dù khởi đi từ một phương pháp duy vật, biện chứng và lịch sử.”
Khẳng định nguồn gốc của ý thức do ngôn ngữ và lao động xã hội, phủ nhận một bản chất người phi lịch sử, phủ nhận khủng hoảng Œdipe theo lý giải Freud, Trần Đức Thảo không chỉ công khai biểu hiện tín đồ của chủ nghĩa duy vật biện chứng mà cả chủ nghĩa duy vật lịch sử, từ đấy góp phần xây móng cho triết lý Mác-xít.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc đánh giá: “Ông muốn dùng chủ nghĩa Mác để trả lời chính vấn đề hóc búa nhất của triết học là nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, ở đấy các học thuyết duy tâm còn làm bá chủ. Tuy Mác và Lênin có đưa ra những nhận xét hết sức quan trọng về cách tiếp cận, nhưng đó chỉ mới là nhận xét chưa phải là một sự nghiên cứu xong xuôi như hai người đã làm đối với chính trị và kinh tế học. Cách làm của Trần Đức Thảo không phải là minh hoạ chủ nghĩa Mác bằng những luận điểm tuy là rất đúng của Mác mà chính là sử dụng phương pháp luận của Mác, cụ thể là trong bộ Tư bản để chứng minh giá trị của chủ nghĩa duy vật biện chứng ngay chính trên cơ sở những thành tựu khoa học của thế kỷ XX về khảo cổ học, nhân chủng học, tâm lý trẻ em, ngôn ngữ học, nhằm chứng minh chính quan điểm duy vật biện chứng cung cấp cách lý giải đúng đắn nhất cho phép ta tiếp cận vấn đề ngôn ngữ và ý thức con người một cách khoa học.”[9]
“Mặt khác thì chính mình lại phủ định mình”[10]
Trần Đức Thảo không chỉ tích cực góp phần xây móng triết lý cho chủ nghĩa Mác mà từng có thời kỳ ông để cho chủ nghĩa Mác ngấm vào máu thịt ông, làm ông mê muội.
Hãy nghe ông bình phẩm bài “Hịch tướng sĩ”: “Bài Hịch của Trần Hưng Đạo là một sản phẩm điển hình của tinh thần quốc gia phong kiến. Đứng về mặt giá trị tư tưởng, nó tỏ lòng ái quốc, tinh thần hy sinh và quyết chí tiêu diệt xâm lăng. Nhưng xét đến nội dung thiết thực và động cơ tư tưởng, thì chúng ta lại thấy biểu lộ một cách có thể nói là ‘trắng trợn’, những ý nghĩ của một giai cấp chuyên môn bóc lột. Đành rằng đoạn đầu có nêu gương hy sinh của những anh hùng thời xưa, ‘bỏ mình vì nước’, nhưng đến mấy đoạn sau lại thấy rõ cái ‘nước’ đây chỉ được quan niệm như tổng số những thái ấp và bổng lộc của bọn phong kiến thống trị, mà chúng cần phải bảo vệ để hưởng một đời phú quí xa hoa với vợ con. Không có một câu nói đến những nỗi gian khổ của nhân dân, không được một câu biểu lộ tư tưởng cứu dân… Những mối lo lắng của Trần Hưng Đạo kêu gọi tướng sĩ, quy lại chỉ là sợ mất địa vị!”[11]
Hãy xem ông diễn tả cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt… quanh một chiếc quạt mo: “Bài         ‘Thằng Bờm’ lại đứng vào một trình độ thấp hơn. Đây trật tự phong kiến được tôn trọng. Quan hệ ‘Thằng Bờm’ và ‘Phú ông’ là quan hệ mà chế độ phong kiến đã quy định giữa nông dân và địa chủ. Nhưng trong phạm vi quan hệ đó người nông dân cũng có đấu tranh và bắt buộc phải đấu tranh. Bản chất chiếm đoạt của địa chủ được diễn tả đây một cách sâu sắc, vì đến cái quạt mo của một em bé cố nông mà tên địa chủ cũng còn muốn lấy không. Tức là trong đời sống hàng ngày tôn trọng ngôi thức phong kiến, người nông dân vẫn phải luôn luôn cảnh giác, và muốn giữ một vật nhỏ, hoặc trao đổi hợp lịch sử thì cũng phải tranh giành gay go. Đây không phải là tên địa chủ đã ‘quỳ gối đầu hàng’, mà nếu có bực tức thì cũng chỉ đi đến chỗ cười nhạt. Nhưng dưới cái vỏ tôn ti trật tự, đã phát hiện đời sống thực sự trong xuất hiện phong kiến, tức là một cuộc đấu tranh không ngừng giữa một bọn kẻ cướp lòng tham không đáy và nông dân lao động bắt buộc phải bảo vệ từng giờ từng phút điều kiện sinh sống tối thiểu.”[12]
Ông xác định thành phần giai cấp cho Kim Trọng và Thúy Kiều để được phép bầy tỏ lòng cảm thương thân phận một người “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”: “Gia đình viên ngoại họ Vương thuộc về thành phần trung gian trong xã hội phong kiến. Kiều đã được luyện tập trong mọi nghề phong lưu: thi, hoạ, ca, nhạc. Nhưng phương thức sinh hoạt còn giản dị: ngày hội Đạp Thanh, ba chị em bộ hành chơi xuân’, trong khi bọn giàu có thì ‘ngựa xe như nước, áo quần như nêm’. Thậm chí phụ nữ trong nhà còn có phần tham gia lao động, và hôm bọn sai nha đến cướp phá thì chúng đã làm ‘Rụng rời khung cửi, tan tành gói may’. Tuy nhiên, trước ngày sa sút, không ai trong gia đình phải sản xuất để sinh sống, vậy họ Vương chắc cũng có ruộng phát canh, nhưng phần này không thể có nhiều, vì đến lúc có việc lễ quan, thì không thấy đặt vấn đề bán ruộng và sau đấy cả nhà lại tìm cách sinh nhai trong nghề thủ công: ‘Thuê may bán viết, kiếm ăn lần hồi’. Chúng ta có thể nhận định: Kiều xuất thân ở tầng lớp tiểu phong kiến, có thể là vào hạng dưới.”[13]
“Cụ thể thì tiếng đàn của Kiều cũng là xuất phát từ những bài nhạc thông thường: ‘Khúc nhà tay lựa nên chương’. Tức là con người tài hoa, đa tình đa cảm của Kiều có gốc rễ trong quần chúng, và cũng vì thế mà đến bây giờ chúng ta còn thông cảm, và cho yêu cầu tình cảm của nàng là tiêu biểu cho quyền sống của con người dưới chế độ phong kiến.”[14]
Ông không dám suy tôn mà như chỉ xin phép Karl Marx để bảo vệ đại văn hào của dân tộc mình: “Kinh tế hàng hoá là một lực lượng tiến bộ trong xã hội phong kiến, đồng thời cũng là một phương thức bóc lột nặng nề. Giai cấp thương nhân một mặt tăng cường cơ sở nhân dân chống chế độ phong kiến thống trị, xây dựng những yếu tố tiền tư bản chủ nghĩa, nhưng một mặt khác thì nó lại cấu kết với giai cấp thống trị, tăng cường chế độ tham quan ô lại. Nguyễn Du, nói chung, không thấy phần tích cực của kinh tế hàng hoá, và chỉ chú trọng lên án lòng tham vô đáy của bọn sai nha, của những phường ‘buôn thịt bán người’. Về phần này, nhiều câu phản kháng của Truyện Kiều phù hợp với lòng căm thù của nhân dân. Nhưng cũng phải nhận rằng Nguyễn Du chưa phải là đã đứng trên lập trường một giai cấp tiến bộ trong nhân dân mà đấu tranh. Thực tế thì Nguyễn Du đã coi giai cấp thương nhân với tất cả những thiên kiến và lòng khinh miệt của con người phong kiến, và tuy có kết án cái tập quán hối lộ của bọn quan lại, nhưng vẫn coi trọng giai cấp phong kiến, vẫn bảo vệ lý tưởng phong kiến.”[15]
“Chúng ta có thể dứt khoát: lập trường Nguyễn Du căn bản là phong kiến, và việc tố cáo tác hại của đồng tiền là thực hiện trên lập trường phong kiến. Nhưng phải chăng đó là lập trường phong kiến phản động nhất, ‘thuần phong kiến’ đả phá bọn phong kiến quan liêu vì chúng cấu kết với thương nhân? Trong suốt Truyện Kiều chúng ta không thấy đoạn nào tỏ lòng ao ước trở lại một chế độ phong kiến ‘thuần’ hơn là chế độ quan liêu, tức là chế độ quý tộc lãnh chúa.”[16]
Mác-xít đến thế mà rồi ông vẫn bị những “đồ đệ trung thành” của Karl Marx trong hàng lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam cho đi… chăn bò.
(Mà chăn bò không nên hồn[17]. Trong hồi ký Chiều chiều, Tô Hoài “phê bình” rằng đàn bò của Trần Đức Thảo không chỉ “móp bụng” mà còn để cho hổ vồ mất mấy con.)
Vì sao bộ óc lớn ngang tầm người chủ xướng thuyết hiện sinh phải đi chăn bò? Phải chăng vì:
Dám phê bình lãnh đạo Đảng dù chỉ rất dè dặt: “Tự do của quảng đại quần chúng, đấy là một nội dung chân chính mà chế độ ta thực hiện về căn bản, và có điều kiện để phát triển không ngừng. Nhưng đây là tổ chức chúng ta, tuy xét về nội dung là dân chủ thực sự, nhưng lại bị lũng đoạn bởi những bệnh nặng nề: quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều, bè phái, sùng bái cá nhân.”[18]
“Đây là một cuộc đấu tranh cách mạng tiến hành trong nội bộ nhân dân bằng phê bình và tự phê bình, đặng tranh thủ cho mỗi công dân những điều kiện hoạt động chính đáng và cần thiết để góp phần vào nhiệm vụ chung, chống sự kìm hãm và lấn át của những phần tử lạc hậu: quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân ở mọi cấp lãnh đạo. Phải nói rõ ở mọi cấp lãnh đạo,… Những sai lầm nghiêm trọng phạm phải trong Cải cách Ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, kiến thiết kinh tế và văn hoá là những dẫn chứng hùng hồn.”[19]
“Rõ ràng những phần tử quan liêu bè phái đã lấy thành kiến của họ làm đường lối của lịch sử, biến những sai lầm của họ thành bánh xe vô tình của lịch sử. Một bộ máy hùng mạnh, xây dựng để diệt thù, đến lúc không thấy thù thì lại quay về bạn lấy bạn làm thù mà đập phá bừa bãi.”[20]
Dám đòi tự do cho văn nghệ sĩ sáng tác và nhà khoa học nghiên cứu qua một bài báo có tiêu đề như một khẩu lệnh: “Nỗ lực phát triển tự do dân chủ”: “Trong nhiệm vụ thực hiện phương châm của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, đặng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Lao động Việt Nam, hưởng ứng phong trào phát triển tự do dân chủ trong những nước dân chủ nhân dân anh em, người trí thức Việt Nam có phần trách nhiệm quan trọng. Người trí thức hoạt động văn hoá, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do thì mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời là nhiệm vụ số một của người trí thức cũng như của toàn dân.”[21]
Trong khi nhà thơ – ủy viên Bộ Chính trị của Đảng chỉ thỉ cho toàn dân phải biết “Thương mình thương một, thương ông thương mười” thì đàng này lại phỉ báng Stalin: “Những nghị quyết lịch sử của Đại hội (Đại hội XX của ĐCS Liên Xô) đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nước dân chủ nhân dân anh em và phong trào công nhân và nhân dân thế giới. Nước ta không thể nào đứng riêng: Chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã gột rửa những nét xấu của đời Stalin, với nội dung chân chính xây dựng trên kinh nghiệm kiến thiết chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, trong ấy dưới hình thức này hay hình thức khác, nhiệm vụ của vô sản chuyên chính là phát triển tự do cá nhân.”[22]
Những biểu hiện trên cho thấy, độ phức tạp trong tư duy Trần Đức Thảo đến mức tuồng như không lý giải nổi. Ở ông có hiện tượng phủ định trong công nhận, công nhận trong phủ định như kiểu Hegel: “một mặt mình đã mất mình vì thấy mình ở bên kia. Nhưng mặt khác mình lại phủ định bên kia”.[23]
Trong khi ông mang cặp mắt của Karl Marx để soi xét tính giai cấp của Truyện Kiều thì ông cũng lại viết: “Giá trị văn nghệ là diễn tả hiện thực tiến hoá của xã hội trong giới hạn của điều kiện lịch sử, với khía cạnh hữu hạn nhưng chân thực. Những quan điểm sai lệch của tác giả đời xưa cũng phải được tính trong giới hạn đó, vì những sai lầm này là do ở chế độ áp bức bóc lột gây ra một cách tự nhiên. Vậy một tác phẩm đời phong kiến có thể có giá trị văn nghệ với một nội dung đấu tranh rất thấp và trình bày theo quan điểm sai lầm, nếu nội dung đó vẫn được biểu diễn một cách sinh động”. “Về phần lý luận, Truyện Kiều biện hộ chế độ thống trị, nhưng trong cảm hứng thi văn, Nguyễn Du lại chuyển sang phe nhân dân, phản ánh thực tế xã hội đương thời với những nét thối nát và những lực lượng tiến bộ của nó, đề cao giá trị nhân đạo chân chính: tự do, công lý, chính nghĩa. Mà vì Truyện Kiều là một trước tác văn nghệ, không phải là một cuốn sách lý luận, phần tiến bộ phải được coi là phần chủ yếu, vì chính đây là phần có giá trị thi văn, phần mà chúng ta thông cảm và thưởng thức.”[24]
Thế là ông bị quy tội đòi hỏi Đảng “trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ” và tuyên truyền cho quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” của mỹ học tiểu tư sản.
Phê phán tư tưởng giáo điều, cực đoan của Stalin biểu hiện trong cuốn Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, Trần Đức Thảo thẳng thừng: “Stalin chỉ có thể chủ trương một thứ biện chứng duy tâm chứ không thể nào là duy vật. Và từ quan điểm duy tâm này, tất cả các nguyên tắc hay quy luật của biện chứng pháp như Marx và Engels đã truyền đạt đều bị bóp méo. Nguyên tắc ‘thế giới là một chỉnh thể hợp nhất và chặt chẽ trong đó tất cả mọi vật đều tương quan với nhau’ biến thành giáo điều giới hạn ‘bất cứ hiện tượng nào cũng có thể được hiểu và biện minh, nếu quan sát trong quan hệ thiết yếu với các hiện tượng chung quanh’. Nguyên tắc ‘thế giới là một hệ thống trong đó mọi vật đều tương quan với nhau, tác động lên nhau, và tác động qua lại này chính là vận động’ trở thành hai phần rời rạc, một bên là liên hệ bất động và một bên là vận động, tác động hỗ tương không hề được nhắc đến. Nguyên tắc hai vế ‘chuyển hoá từ lượng thành phẩm và ngược lại’ cũng bị giản lược thành quy luật ‘phát triển từ lượng sang phẩm’ một chiều. Và cuối cùng, nguyên tắc ‘đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập’ cũng bị cắt mất nửa thống nhất; công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa chẳng hạn chỉ còn là cuộc đấu tranh không ngừng giữa quá khứ với tương lai mà không có hiện tại. Từ những méo mó tai hại này, nhất là giáo điều cuối, mọi đòi hỏi dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa ló dạng đều đã bị chụp mũ là loại tàn dư của tự do tư sản cần phải triệt tiêu.”[25]
Hàn lâm hơn, ở cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa “Lý luận không có con người” thì Trần Đức Thảo đả phá quan điểm của triết gia Mác-xít người Pháp L. Althusser, cha đẻ của chủ nghĩa “Lý luận không có con người”, ông này cho rằng không có con người nói chung mà chỉ có con người giai cấp. Theo Trần Đức Thảo, con người có bản chất nhiều tầng (đa nguyên) được hình dung như một mặt cắt địa tầng địa chất mà lớp trầm tích trên cùng là “con người giai cấp”, dưới đó là tầng nền của “con người nói chung”, tầng thứ ba là “con người sinh vật”, tầng đáy là “con người hóa lý”.
Không chỉ bác bỏ con người giai cấp và xác định sự tồn tại của bản chất hàng hai của con người mà về vấn đề dân tộc Trần Đức Thảo cũng đã viết: “Con người theo nghĩa chung của loài người là con người nguyên thủy tái diễn ở thời văn minh trong quá trình thành người ở tuổi nhi đồng, rồi một mặt trở thành con người giai cấp, và một mặt trở thành con người dân tộc. Sự liên hệ giữa con người giai cấp với con người dân tộc, về thực chất có thể coi như sự liên hệ mà Marx đã nêu lên giữa cá nhân lệ thuộc điều kiện giai cấp và cá nhân nhân cách.”[26]
Ngay trong tác phẩm Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học viết năm 1946 người ta đã thấy: “một mặt, triết gia không ngừng đối lập chủ nghĩa Marx với chủ nghĩa cộng sản thô sơ, hoặc chủ nghĩa duy vật ‘thông tục’; mặt khác, bởi vì một học thuyết thật sự lấy con người làm gốc không thể chỉ dừng lại ở những quy định vật chất khách quan, mà phải ‘truy tìm trong cái thế giới đã được thực hiện tất cả ý nghĩa của cuộc đời mà chúng ta cưu mang’, ông chờ đợi là ‘sự phân tích hiện tượng học về lao động tinh thần cụ thể’ (kinh nghiệm tôn giáo, sự tìm kiếm lý tưởng cuộc đời chẳng  hạn), như một thời kỳ của tồn tại hiện thực, sẽ mang lại cho biện chứng về quan hệ sản xuất cái ý nghĩa trọn vẹn của một sự chiếm hữu phổ quát’, hiểu theo nghĩa tích cực (hưởng thụ bằng sự nhận chân tính người trong những sản phẩm đã được con người tạo tác). Có lẽ chính những dòng này, cùng với một số ý kiến không mấy chính thống khác, đã khiến Jean-François Lyotard nhìn thấy ở tác giả “một ý đồ xét lại chủ nghĩa Marx”[27].
Xét lại chủ nghĩa Marx, phủ định chủ nghĩa Marx là biện chứng. Chính Trần Đức Thảo đã viết: Sự phủ định chủ nghĩa tư bản trong chủ nghĩa xã hội kéo theo sự phủ định của chính cái phủ định ấy, trong mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa xã hội, điều đó thúc đẩy sự phát triển… Cái trung gian như là phép biện chứng của sự quá độ chuyển một chế độ lên một chế độ khác cao hơn, điều đó nằm trong sự thống nhất của việc phủ định chế độ thứ nhất bởi chế độ thứ hai với việc phủ định chính sự phủ định này.”[28]
Ông Phạm Trọng Luật kể lại rằng: Cũng là triết gia nghiệp dư, song tình cờ được gặp Trần Đức Thảo vài tháng trước khi ông mất… hỏi ông về trước tác của ông, và nói thực là tôi thấy chúng máy móc. Ông khóat tay như muốn gạt chúng đi và đưa cho tôi một phần tác phẩm cuối cùng, còn dưới dạng bản nháp…”[29]
“Gục bên súng mũ bỏ quên đời”
Trong những ngày oi nồng của hè 1993, một chiếc bình sơn xanh đậm được đem bỏ chỏng trơ nhiều ngày trong góc tối dưới gầm cầu thang nhà tang lễ 125 Phùng Hưng.
Chiếc bình ấy đựng tro thiêu của một người được “Hy vọng chân thật rằng Trần Đức Thảo, nhà Marxist và nhà hiện tượng học đặc sắc, cuối cùng sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử tổng quát của ý nghĩa”.
Đó là câu kết trong bài viết của Daniel J. Herman về Trần Đức Thảo. Từ điển các nhà triết học là một công trình hàn lâm đồ sộ, dày 2.725 trang, giới thiệu thân thế và sự nghiệp của các nhà triết học trên thế giới từ thời cổ đại cho đến thời nay. Có những tên tuổi chỉ được dành cho 2-3 dòng ngắn ngủi. Nhưng Trần Đức Thảo được trang trọng giới thiệu tới 3 trang khổ lớn.
Năm 2000, nhà nước CHXHCN Việt Nam cũng truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội cho các công trình của Trần Đức Thảo.
Tôi mượn câu thơ Quang Dũng để đặt tên cho tiểu mục này bởi liên tưởng đến những chiến sĩ “Tây tiến”. Họ trong sáng quá, hồn nhiên quá, cho nên có nhẽ vong linh họ được mát mẻ bởi họ đã quên không còn nhớ đến cái ngày hôm nay trong tâm niệm ngày nào của họ.
Trần Đức Thảo cũng vậy, cầu mong và hy vọng hương hồn ông mát mẻ bởi ông cũng đã bỏ quên Karl Marx, có như vậy mới có thể đạt được điều này: “Trên nền tảng các tiếng gọi của hình ảnh xã hội bên trong, ý thức trong tiếng gọi của nó với bản thân đặt ra yêu cầu về cái thiện trong hành động, cái đúng trong nhận thức, và cái đẹp trong việc hoàn tất các quá trình sống trải. Do vậy ý thức làm cho thế giới tự nhiên trở thành thế giới con người, có giá trị với con người.”[30]
Bà Nguyễn Thị Nhất, vợ cũ của Trần Đức Thảo đề nghị mai táng ông ở nghĩa trang Mai Dịch nhưng người ta không đồng ý. Thật may cho ông. Không biết những người đang nằm trong nghĩa trang Mai Dịch kia có dám ngạo mạn xem thường ông hay xấu hổ nếu dám nằm cạnh ông?
Trần Đức Thảo sinh ngày 26-09-1917 tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, trong một gia đình viên chức. Năm 1935, sau khi đỗ tú tài vào loại xuất sắc, ông theo học trường Luật tại Hà Nội. Năm 1936, ông sang Pháp và thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm phố d’Ulm. Đây là một trong những trường nổi tiếng của Pháp, chỉ tuyển dụng những người xuất sắc nhất của đất nước. Có thể nói, đó là một thứ “siêu đại học”. Sau non một thế kỷ, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng làm luận án tiến sỹ tại trường này.
Ông kể: “Tôi đã được bầu là Uỷ viên của Tổng Liên đoàn người Đông Dương ở Pháp và phụ trách nghiên cứu những vấn đề chính trị. Đầu năm 1945 với tư cách uỷ viên Tổng Liên đoàn người Đông Dương, tôi đã có một cuộc tiếp kiến với ngài Tổng bí thư Maurice Thorez tại trụ sở của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Pháp. Chúng tôi đã thống nhất đường lối chung trong cuộc đấu tranh vì các dân tộc bị áp bức, chống lại chủ nghĩa đế quốc: cuộc đấu tranh nhằm giải phóng cho các dân tộc ấy, do những điều kiện khách quan của thế giới đương thời sẽ nhất thiết dẫn đến chủ nghĩa cộng sản. Ngài Maurice Thorez đã hứa rằng các tổ chức của Đảng Cộng sản Pháp sẽ có những giúp đỡ cụ thể dành cho các tổ chức địa phương do Tổng Liên đoàn người Đông Dương ở Pháp làm đại diện. Lời hứa này đã hoàn toàn được tôn trọng…”[31]
“Một bài báo đăng trên tờ Le Monde đã thuật lại cuộc họp báo của tôi, bài báo đó đã nhắc lại một câu hỏi của một nhà báo đã hỏi tôi: ‘Những người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh đổ bộ?’, tôi đã trả lời: ‘Phải nổ súng’. Vì lời đối đáp này, tôi đã phải trả giá là bị bắt giam giữ tại nhà tù Príson de la Santé từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 năm 1945, với lý do xâm phạm an ninh nước Pháp trong những lãnh thổ có chủ quyền của Pháp.”[32]
Thế mà chỉ vì hai bài báo viết cho Nhân văn-Giai phẩm có nội dung đã lược trình trên kia, nhà khoa học mẫn tiệp, người đã dốc hết trí lực cao cường thời trẻ cho chủ nghĩa Mác Trần Đức Thảo lại bị các lãnh tụ Mác-xít Việt Nam tống đi đầy đằng đẵng một thời gian dài gấp chục lần nhà cầm quyền Pháp đã tống giam ông.
Một nhà báo khi viết về vợ ông có kể rằng:
Sống chung được mấy tháng, triết gia Trần Đức Thảo vướng vào phong trào Nhân văn-Giai phẩm. Đang từ Chủ nhiệm khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp, mà rồi bị cấm giảng dạy. Để kiếm sống, ông phải dịch thuật lặt vặt, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển để lấy tiền mua thức ăn. Một thời gian sau, ông còn bị bắt. Tất cả những ai liên quan đến ông đều bị thẩm vấn, điều tra. Nhất là vợ ông, cũng không tránh khỏi những phiền phức.
Khi đó, những người thân quen trước kia của ông Thảo đều lẩn tránh. Những đồng nghiệp trong cơ quan vốn không ưa cô nay lại càng xa lánh. Nhất đi sang bên phải đường, ngay lập tức họ đi sang bên trái hoặc bỏ đi đường khác. Tủi hận nhưng Nhất không bi lụy. Không khóc than. Không oán trách. Mà cô vẫn làm việc hăng say.
Thời gian đó quả là địa ngục. Ngày ngày đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Cuối tháng khăn gói theo xe quân đội thăm ông Thảo. Một hôm, quá chán nản và thất vọng, cô đạp xe đạp lang thang khắp phố phường. Trời trưa nắng. Ánh nắng gay gắt khiến làn da trắng xạm đen nhiều. Mệt bã bời do say nắng, nhưng cái đau đầu do say nắng không đau bằng cách con người ứng xử với nhau. Nhất đi chầm chậm, như muốn ngã quỵ xuống đường.
Bỗng dưng, một chiếc xe ôtô rẽ sát lề đường, chặn xe Nhất lại. Hóa ra là Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa đi họp về. Còn nhớ năm 1955, khi Nhất cùng đoàn trí thức Việt kiều Pháp về nước, cô đã được gặp Thủ tướng. Cách đây mấy tháng, ông Đồng cũng có ghé thăm nhà triết gia nên nhận ngay ra cô. Ông hỏi:
“Tình hình chị dạo này sao rồi?”
“Tôi cũng ổn.” – Nhất trả lời. “Nhưng anh Thảo thì bi đát quá. Người ta nghi ngờ anh ấy đủ thứ. Thực tình anh ấy ngây thơ lắm. Mới về chân ướt chân ráo, như cục gỗ chẳng biết gì đâu.”
“Tôi cũng biết là anh Thảo hiền lành, cũng chẳng có gì.” Thủ tướng an ủi. “Anh ấy là một trong những nhà triết học lớn nhất của thế kỷ XX[33], lớn nhất châu Âu chứ không phải Việt Nam.” Ông nói tiếp: “tôi sẽ tìm cách cứu ông ấy.”
Năm 1992, ông xin được cho phép sang Paris chữa bệnh gan và lấy tư liệu thực hiện công trình nghiên cứu Logic của cái hiện tại sống động.
Tại Paris, ông Nguyễn Đức Hiền có dịp gặp và kể: “Một ông già ở độ tuổi cổ lai hy khoác chiếc áo dạ cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh đủ thứ xoong, chảo, chai, lọ leo lên leo xuống hàng trăm bậc thang gác, tự lo lấy bữa ăn cho mình… Ông già ấy cứ hành trình chừng mười lăm bậc thì dừng lại, tựa người vào hành lang đứng nhắm mắt há miệng thở như thổi bễ.”
*
Nhờ sự can thiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông được chữa bệnh ở bệnh viện Việt – Xô. Năm 1981, tình cờ tôi được nằm cùng phòng với ông trong bệnh viện. Phòng chỉ có hai người mà tôi lúc ấy thì khá trẻ so với những người đủ tiêu chuẩn nằm bệnh viện này nên hình như ông có ý cảnh giác tôi.
Cả tuần lễ hầu như không có ai vào thăm ông. Ông nằm thui thủi và thường quay mặt vào tường. Thỉnh thoảng lại giơ bàn tay trái lên, nhìn chằm chằm qua kẽ tay lẩm bẩm một câu tiếng Pháp    “Một giọt nước trong suốt đang từ từ rơi”. Rồi ông khóc rưng rức, nho nhỏ. Tôi gợi chuyện song ông không mặn mà. Mãi đến một hôm tôi nhờ ông sửa một bức thư bằng tiếng Pháp để trả lời thư trao đổi từ nước ngoài với tôi về vấn đề cổ địa từ học ông mới dần dần trở nên thân tình.
Không ai quan tâm đến ông. Mấy cô y tá rất tận tình chăm sóc tôi nhưng lại hay vùng vằng, thậm chí xấc xược với ông. Họ vẫn cho ông là tên phản động vừa bị đi cải tạo về.
Không cốc chén, khi khát ông với tay xuống gậm giường bưng cái nồi nhôm ám khói đen sì đựng nước đun sôi để nguội, mở vung uống ừng ực…
Viết đến dòng này tôi bỗng trào nước mắt. Nhẽ ra ngày ấy tôi phải thật sự ân cần đối với ông, đỡ đần ông, bầy tỏ sự kính phục, quý mến bằng những cử chỉ, hành động cụ thể chứ không chỉ có một lần chạy đi gọi bác sĩ khi cái chai đạm tiếp cho ông đã cạn kiệt mà y tá không ngó ngàng tới.[34]
Bù đắp cho nỗi ân hận chưa nguôi ngoai suốt từ ngày ấy, bài viết này như một nén tâm nhang kính dâng ông nhân kỷ niệm thứ 93 ngày sinh của ông.[35]
Tưởng niệm ông, “Tôi hồi tưởng đôi mắt ông, đôi mắt sáng, thơ ngây như mắt trẻ con. Và, tôi tự nhủ, xét cho cùng, đời ông thật buồn mà đẹp, và ông biết chết như chẳng mấy người biết sống, sống mà không hề biết bán mình. Trần Đức Thảo là một nhà triết học chân chính.”[36]
Hà Nội ngày 26 tháng 9 năm 2010
© 2010 Nguyễn Thanh Giang
© 2010 talawas

[1] Hegel, Hiện tượng luận của tinh thần
[2] Khi cần viện dẫn đến khái niệm “Ý thức đầu tiên” khởi sinh trong con người được trình bày trong cuốn Trải nghiệm và luận giải của Husserl thì vì J. P. Sartre không nắm rõ cuốn đó nên cuộc tranh luận phải tạm ngừng lại.
[3] Trần Đức Thảo, Tiểu sử tự thuật
[4] Trần Đức Thảo, Lời mở đầu của cuốn Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng
[5] Trần Đức Thảo, Tiểu sử tự thuật
[6] Trần Đức Thảo, “Hạt nhân duy lý trong triết học Hegel”
[7] Trần Đức Thảo, Sự hình thành con người
[8] Trần Đức Thảo, Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng
[9] Phan Ngọc, “Về công trình nghiên cứu Tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức của cố giáo sư Trần Đức Thảo”
[10] Hegel, Hiện tượng luận của tinh thần
[11] Tạp chí Nghiên cứu Văn Sử Địa số 3-1954
[12] Tạp chí Nghiên cứu Văn Sử Địa số 4-1955
[13] Tập san Đại học Sư phạm số 5, tháng 1-2-3 –1956
[14] Tập san Đại học Sư phạm số 5, đã dẫn
[15] Tập san Đại học Sư phạm số 5, đã dẫn
[16] Tập san Đại học Sư phạm số 5, đã dẫn
[17] Về tệ lơ đãng của chàng chăn bò này: Hồi bao cấp ông thường phải ra chợ Hàng Bè mua củi về đun. Ông buộc củi sau poóc-ba-ga xe đạp nhưng có hôm về đến nhà giở ra chỉ thấy sợi dây buộc tấm bìa. Ông ở tầng ba, khu tập thể Kim Liên, một hôm đi đâu về, thấy căn hộ tầng hai tại vị trí tương tự cửa chỉ khép hờ, ông đàng hoàng bước vào, để nguyên đôi giầy lấm lem lăn ềnh ra giường. Chủ nhà về, ông khoát tay xua: “Tôi đang mệt, cần trao đổi gì đến mai mời chị quay lại!”. “Nhưng đây là nhà của em mà bác”, người chủ nhà phải nhắc ông.
[18] Giai phẩm mùa Đông, tập 1-1956
[19] Giai phẩm mùa Đông, tập 1-1956
[20] Giai phẩm mùa Đông, tập 1-1956
[21] Báo Nhân văn số 3, ra ngày 15 tháng 10 năm 1956
[22] Báo Nhân văn số 3, ra ngày 15 tháng 10 năm 1956
[23] Hegel, Hiện tượng luận của tinh thần
[24] Báo Nhân văn số 3, ra ngày 15 tháng 10 năm 1956
[25] Phạm Trọng Luật, “Triết lý của Trần Đức Thảo đã đi đến đâu?”
[26] Trần Đức Thảo, Vấn đề con người và chủ nghĩa “Lý luận không có con người”
[27] Phạm Trọng Luật, “Triết lý của Trần Đức Thảo đã đi đến đâu?”
[28] Trần Đức Thảo, Sự hình thành con người
[29] Trần Đức Thảo, Sự hình thành con người
[30] Trần Đức Thảo, Sự hình thành con người
[31] Trần Đức Thảo, Tiểu sử tự thuật
[32] Trần Đức Thảo, Tiểu sử tự thuật
[33] Trong những người lãnh đạo Đảng CSVN, chỉ Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người còn biết thương mến, quý trọng trí thức. Năm 1980 tôi được tổ chức CCOP của Liên Hợp Quốc mời đi trình bày công trình nghiên cứu về cổ địa từ. Công an quyết liệt ngăn cản. Giáo sư Tạ Quang Bửu phải viết thư tay cho Thủ tướng. Thủ tướng không chỉ tích cực can thiệp mà còn bảo thư ký theo dõi, nhắc nhở việc chuẩn bị rất khẩn trương cho tôi. Nhờ chuyến đi đó, không những sự nghiệp khoa học của tôi thêm thành đạt mà vì được thế giới phương Tây biết đến rất sớm nên công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước của tôi cũng thuận lợi hơn nhiều người khác.
[34] Thuở ấy tôi học, rồi làm khoa học tự nhiên, không hiểu biết nhiều về triết học nói chung và giáo sư Trần Đức Thảo nói riêng.
[35] Trần Đức Thảo sinh ngày 26/11/1917, mất ngày 24/4/1993.
[36] Trần Đạo, “Trần Đức Thảo – một đời người”

0 comments

Post a Comment