Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Thursday, September 5, 2013

Học thuyết “Giá trị lao động” mới (2)

Những sai lầm của Marx đã chỉ ra ở trên đây là chưa đủ, ông còn những sai lầm quan trọng hơn, mà những sai lầm này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của ông về hàng hoá và giá trị của hàng hoá. Quá trình: T – H … Sx … H’ – T’ không phải là một quá trình tự thân vận động, nó cần những lao động khác ngoài những lao động trong các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào, đó là lao động trực tiếp của nhà tư bản trong doanh nghiệp của họ cùng toàn bộ hệ thống Nhà nước hỗ trợ gián tiếp cho quá trình vận động này được thực hiện và lặp lại trong nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa. Như đã chỉ ra ở trên, nếu không có hệ thống Nhà nước, hàng hoá công cộng thì không có nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa. Những lao động trong lĩnh vực hàng hoá công cộng là những lao động đóng góp gián tiếp cho giá trị của hàng hoá, được thể hiện qua việc đảm bảo An ninh, Quốc phòng, luật lệ, cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật công nghệ, là giáo dục, y tế, văn hoá cho người lao động… Những đóng góp này được tính vào các chi phí thành lập công ty, lệ phí, thuế, và các chi phí khác liên quan đến lĩnh vực hành chính, chi phí cho sức khoẻ thể chất và tinh thần, kiến thức của người lao động, chi phí đến cơ sở hạ tầng cho hoạt động sản xuất kinh doanh… Và các chi phí này được tính vào trong tổng giá trị của hàng hoá mà nhà tư bản đã cho ra thị trường. Những chi phí này được tính vào chi phí sản xuất K = C + V (K là chi phí để sản xuất ra một loại hàng hoá nào đó, cụ thể sau này chi phí đó sẽ được tính vào C với khái niệm C đã được mở rộng hơn so với lý thuyết của Marx). Đồng thời những chi phí mà nhà tư bản đã bỏ ra như thuế nhà đất, thuế thu nhập… lệ phí về xuất nhập khẩu, cơ sở hạ tầng… bảo hiểm cho người lao động…sẽ được dùng để trả lương cho công chức, viên chức trong bộ máy hành chính; trả cho giá trị sức lao động mà công chức, viên chức đóng góp vào giá trị của hàng hoá. Marx cho rằng đó chỉ là sự phân phối lại giá trị của người sản xuất trực tiếp; nhưng thực ra đó là việc trả cho giá trị sức lao động mà họ đã bỏ ra, một sự đóng góp vào giá trị của hàng hoá mang tính gián tiếp, nhưng thực sự cần thiết cho quá trình vận động của hàng hoá trong nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa hiện nay.
Chúng ta cần phải phân biệt lao động trong lĩnh vực tư nhân và lao động trong lĩnh vực công cộng về mặt giá trị thặng dư. Lao động trong lĩnh vực hành chính công thì không có sự bóc lột về giá trị thặng dư. Bởi vì, sức lao động được bỏ ra được đo bằng giá trị các hàng hoá do họ tạo ra, được xã hội đồng thuận đánh giá – đó là một sự trừu tượng hoá nhưng là sự trừu tượng hoá trong thực tiễn mà chúng ta không cần phải thêm hay bớt nó. Mức lương trả cho giá trị sức lao động được toàn xã hội (hay đại diện cho toàn xã hội) quy định bằng luật. Hơn nữa họ không có một ông chủ thực sự của mình, không có sự theo đuổi lợi nhuận của nhà tư bản, nên họ không hề bị bóc lột. Chỉ có những người lao động trong lĩnh vực tư nhân là thực sự bị bóc lột, trong đó công nhân (mà trong xã hội tư bản thì luôn có dư thừa lao động – một xã hội không bao giờ có toàn dụng lao động) là bị bóc lột nhiều nhất.
Todd G. Buchholdz trong “Ý tưởng mới từ các nhà kinh tế tiền bối” đã viết: “Marx đã bỏ quyên điều gì? Ông đã bỏ quyên một khả năng sáng tạo và tài kinh doanh” và “Tại sao người Nga sống dưới chế độ cộng sản lại phải xin những chiếc quần bò mà người Mỹ làm ra? Không phải vì Liên Xô thiếu bông hay thiếu công nhân để sản xuất quần áo chất lượng cao, mà bởi vì họ thiếu sáng tạo, thiếu động lực làm việc và thiếu kỷ luật” [17]. Học thuyết giá trị lao động của Marx đã bỏ qua vai trò của nhà tư bản – chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân. Không có họ thì sẽ không có nên kinh tế hàng hoá tư bản. Động lực theo đuổi lợi nhuận đã thúc đẩy họ làm việc để cho ra đời hàng hoá và thực hiện giá trị của hàng hoá và lao động của họ đã không được Marx tính vào giá trị của hàng hoá, trong khi đáng ra lao động của họ phải được tính vào giá trị của hàng hoá. Khả năng quản lý kinh doanh của họ đã giúp cho doanh nghiệp ra đời cũng như cho ra đời các loại hàng hoá. Đó là việc lao động ở tầm bao quát, chiến lược. Cụ thể là họ phải suy nghĩ và làm việc để: huy động vốn, xây dựng cơ sở vật chất cho sản xuất (thuê đất đai, xây nhà xưởng, chọn máy móc công nghệ…) hiện thực hoá ý tưởng sản xuất kinh doanh của họ thành hiện thực (tuyển lao động, tìm ra cơ chế hoạt động của công ty và hiện thực hoá cơ chế đó…) giải quyết  quá trình thực hiện giá trị của hàng hoá (vận chuyển, tiêu thụ như thế nào, tìm ra đối tượng tiêu thụ, tác động tới việc cải tiến chất lượng, mẫu mã, giá thành… để cạnh tranh, tác động tới việc hình thành sản phẩm mới…). Việc quản lý tất cả các mặt của sản xuất và lưu thông không phải là làm việc, là lao động thì là gì? Họ phải bỏ công sức, phải suy nghĩ, tính toán để cho ra đời hàng hoá, đó không phải là lao động thì là gì? Lao động tạo ra giá trị của hàng hoá thì tại sao lao động của họ lại không được tính vào giá trị của hàng hoá. Thành ngữ Việt Nam có câu “Một người lo bằng một kho người làm” để nói lên rằng công sức và giá trị sức lao động của họ bỏ ra là rất lớn so với những người làm thuê. Đó là thực tiễn, Marx luôn coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, thế nhưng ông lại bỏ qua giá trị sức lao động của nhà tư bản đóng góp vào giá trị của hàng hoá, đó là điều đáng chê trách của Marx.
Như vậy, từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng tất cả mọi lao động hưởng lương, dù là lao động trong lĩnh vực tư nhân hay công cộng, và nhà tư bản đều đóng góp giá trị sức lao động của mình vào giá trị của hàng hoá. Do đó chúng ta cần xây dựng lại công thức về lượng giá trị của hàng hoá. Lao động trong lĩnh vực công cộng đóng góp gián tiếp vào giá trị của hàng hoá; đó là các chi phí về thuế, lệ phí, bảo hiểm… và vốn con người (sức khoẻ, trí tuệ của người lao động) của một xã hội nhất định. Lao động trong lĩnh vực tư nhân (gồm người làm thuê và nhà tư bản) đóng góp trực tiếp vào giá trị của hàng hoá. Nếu gọi C là tư bản bất biến, là khoản tư bản đóng góp một lượng nhất định, không tăng lên về lượng trong quá trình vận động của hàng hoá thì C không chỉ là tư liệu sản xuất như trong lý luận của Karl Marx nữa, mà C bao gồm tư liệu sản xuất, chi phí cho hành chính công (thuế, lệ phí…), chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh, marketing, quảng cáo… hay C là tất cả các chi phí của một công ty, ngoài chi phí trả lương cho người lao động. Còn V là tư bản khả biến, là phần tư bản sẽ tạo ra sự tăng thêm về lượng giá trị của hàng hoá trong quá trình vận động của hàng hoá; hiểu một cách đơn giản thì V là tiền lương và phụ cấp khác cho người làm thuê, với người làm thuê là tất cả những người làm việc trong công ty ngoài nhà tư bản – chủ sở hữu. m là giá trị thặng dư của người làm thuê chứ không phải chỉ có công nhân. Ngoài ra còn một đại lượng nữa cần được bổ sung vào công thức (1) của Marx, đó là E (Entrepreneurship). E là giá trị sức lao động của nhà tư bản đóng góp vào giá trị của hàng hoá. E bao gồm E1 và E2. E1 là những tư liệu sinh hoạt cần thiết để nhà tư bản sống và làm việc (lao động cần thiết của nhà tư bản) nó tương đương với V của người làm thuê. E2 là giá trị lao động tăng thêm ngoài những tư liệu sinh hoạt cần thiết của nhà tư bản E1, đó là lao động thặng dư của nhà tư bản và nó tương đương với m của người làm thuê (giá trị thặng dư của nhà tư bản không liên quan đến khái niệm bóc lột như của Marx). Tóm lại với những lập luận ở trên chúng ta sẽ đưa ra khái niệm mới về lượng giá trị của hàng hoá: 
Giá trị của hàng hoá là lao động trừu tượng của những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình vận động của hàng hoá kết tinh trong hàng hoá.
Công thức về lượng giá trị của hàng hoá có thể viết lại theo khái niệm mới này là:    
W = C + V + E + m                                                   (2)
Trong đó quá trình vận động của hàng hoá bao gồm cả quá trình sản xuất và lưu thông.
Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao Karl Marx lại không đưa đại lượng E vào công thức (1) và vì sao Ông lại cho rằng số tiền tăng lên so với tư bản ban đầu chỉ là giá trị thặng dư?
Karl Marx đưa ra giả thuyết: “Nếu ban đầu tư bản bằng 100 ta-le thì nó vẫn tiếp tục bằng 100 ta-le, mặc dù trong quá trình sản xuất 100 ta-le ấy đã tồn tại dưới hình thức 50 ta-le bông, 40 ta-le tiền công, 10 ta-le máy kéo sợi, còn giờ đây tồn tại dưới hình thức sợi bông trị giá 100 ta-le. Sự tái sản xuất ấy ra 100 ta-le chỉ là việc 100 ta-le ấy duy trì sự ngang bằng với bản thân, chỉ với một sự khác biệt là sự duy trì ấy ở đấy phải thông qua khâu trung gian là quá trình sản xuất vật chất” [18]. Và ông viết tiếp: “Khi người ta nói rằng chi phí sản xuất, hay giá cả tất yếu của hàng hoá, bằng 110 thì tính toán được thực hiện như sau: tư bản ban đầu 100 (như vậy, thí dụ nguyên liệu bằng 50, lao động bằng 40, công cụ lao động bằng 10) + 5% (lợi tức) + 5% (lợi nhuận). Có nghĩa là, chi phí sản xuất bằng 110; chứ không phi bằng 100; do đó chi phí sản xuất lớn hơn giá thành” [19]. Và Marx, cũng như chúng ta vẫn coi rằng 10 ta-le tăng thêm đó chỉ là giá trị thặng dư của người công nhân sản xuất tạo ra. Thực ra, việc chuyển 100 ta-le tư bản ban đầu thành 100 ta-le bông chỉ là sự tính toán ở trong đầu nhà tư bản và 100 ta-le cũng không thể coi là “giá thành sản xuất”. Bởi vì “giá thành sản xuất” không phải chỉ là 100 ta-le tư bản ban đầu cũng như không phải chỉ qua “khâu trung gian là quá trình sản xuất vật chất” thì hàng hoá đã thực hiện được giá trị mà giá thành sản xuất còn bao gồm sức lao động của nhà tư bản bỏ ra (tôi gọi nó là E1) và còn phải trải qua khâu vận chuyển, tiêu thụ nữa chứ không phải chỉ có khâu “sản xuất vật chất”. Như vậy giá thành của sản xuất phải lớn hơn 100 ta-le nhưng nó cũng không thể bằng 110 ta-le được. Và 10 ta-le tăng thêm cũng không thể lý giải đó là 5% lợi tức + 5% lợi nhuận. Thực chất, 10 ta-le tăng thêm bao gồm: chi phí sản xuất tăng thêm ngoài tư bản ban đầu, chi phí tăng này bao gồm sức lao động của nhà tư bản E1 và sức lao động của khâu vận chuyển tiêu thụ (tôi gọi là V2, còn V trong (2) được gọi là V1 và từ bây giờ trở đi chúng ta thống nhất với nhau V = V1 + V2); giá trị thặng dư do nhà tư bản tạo ra E2 (vì nhà tư bản cũng là một người lao động, có sức lao động và sức lao động thì có đặc điểm khi tiêu dùng thì tạo ra giá trị lớn hơn giá trị ban đầu – giá trị của những tư liệu cần thiết để sản xuất và tái sản xuất sức lao động E1); giá trị thặng dư của người làm thuê m; cùng với đó là các chi phí cho hàng hoá công cộng G. Hay G + E1 + E2 + V2 + m = 10 hay G + E + V2 + m = 10. Trên đây là những lập luận theo cách đặt vấn đề của Mác. Còn trên thực tế ngày nay, V đã bao gồm tiền công ở tất cả các khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ; và G cùng những chi phí khác đã được tính vào C. Do vậy, 10 ta-le dư ra so với tư bản ban đầu, về thực chất chỉ là: E + m.
Marx đặt ra vấn đề: “người ta có thể nói rằng nhà tư bản phải được trả công lao động, lao động ấy thể hiện ở chỗ là nó ném 100 ta-le, với tư cách là tư bản, vào quá trình sản xuất, chứ không phải ăn tiêu vào số tiền đó. Nhưng lấy đâu ra nguồn trả công cho hắn”[20] . Nhưng trên thực tế, lao động của nhà tư bản đâu chỉ là “bỏ ra 100 ta-le” và “không ăn tiêu số tiền đó” mà lao động của nhà tư bản là lao động thực sự như ở phần trên đã phân tích. Còn nguồn trả cho nhà tư bản chính là một phần trong 10 ta-le tăng thêm sau khi giá trị của hàng hoá được thực hiện. Thực vậy, bây giờ chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi, thế nguồn trả cho công nhân là từ đâu? Câu trả lời là từ tư bản ban đầu 100 ta- le. Thế 100 ta-le đó ở đâu ra? Câu trả lời là do tích luỹ, do dư thừa. Hay chính là tiền (giá trị) do sức lao động của con người tạo ra. Như vậy lao động tạo ra giá trị, hay hiển nhiên nhà tư bản bỏ sức lao động để tạo ra giá trị và phải được hưởng nó!
Ông viết tiếp: “Và lao động của hắn liệu có tỏ ra là hoàn toàn vô ích không, bởi vì tư bản bao gồm tiền công, và do đó công nhân có thể sống nhờ vào tái sản xuất giản đơn ra số chi phí sản xuất, mà điều này thì nhà tư bản không thể làm được. Như vậy, nhà tư bản được ghi ở cột những hư phí của sản xuất”[21]. Đúng vậy, người công nhân là những người vô sản, phải bán sức lao động để lấy tiền kiếm sống. Nhưng nhà tư bản thì không, họ không phi là vô sản, họ có tiền riêng để sống và số tiền này không nằm trong tư bản ban đầu. Và số tiền này được lấy lại sau khi giá trị của hàng hoá được thực hiện – nó chính là E1. Còn việc Marx nói lao động của nhà tư bản thuộc vào “những hư phí của sản xuất” là không đúng. Bởi vì, một lao động mà không đóng góp vào giá trị của hàng hoá chỉ khi lao động ấy không tạo ra giá trị sử dụng hoặc giá trị của hàng hoá không thực hiện được, còn nếu hàng hoá thực hiện được giá trị thì mọi lao động tham gia vào quá trình vận động của hàng hoá đều đóng góp vào giá trị của hàng hoá. Cho nên, lao động của nhà tư bản có đóng góp vào giá trị của hàng hoá.
Tiếp đến, ông viết: “Và cho dù nhà tư bản có những công lao như thế nào đi nữa thì tái sản xuất vẫn có thể được thực hiện không cần đến hắn ta, bởi vì trong quá trình sản xuất công nhân chỉ đưa vào đó cái giá trị mà họ rút ra từ quá trình ấy, nghĩa là công nhân hoàn toàn không cần đến quan hệ tư bản chủ nghĩa cũng có thể thường xuyên lặp lại quá trình sản xuất” [22]. Những suy nghĩ này của Mác là quá giản đơn và xa rời thực tế. Bởi vì, trên thực tế, nếu một tổ chức, một hệ thống mà không có người lãnh đạo, quản lý thì tổ chức, hệ thống đó làm sao mà hoạt động được; còn nếu như Nhà nước hay tập thể tự đứng lên để tổ chức quá trình sản xuất như trong nền kinh tế tập trung, bao cấp của chúng ta trước đây thì kết quả như thế nào có lẽ không cần phải nói thêm nữa. Nếu công nhân không cần đến quan hệ tư bản chủ nghĩa mà vẫn có thể lặp lại thường xuyên quá trình sản xuất và tái sản xuất thì quá trình ấy cũng chỉ mang tính máy móc, dập khuân. Mà một quá trình sản xuất chỉ mang tính dập khuân, máy móc thì trên thực tế sẽ không bao giờ tồn tại được trong nền kinh tế thị trường luôn luôn vận động và phát triển không ngừng. Lý luận của Marx trong trường hợp này trở lên không còn là lý luận về nên kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa nữa.
Tiếp theo, Marx cho rằng: “vả lại, ngoài ra, cũng không có một nguồn quỹ nào có thể rút từ đó ra để trả những đóng góp của nhà tư bản, bởi vì như thế giá cả của hàng hoá sẽ bằng chi phí sản xuất”[23] . Phải chăng, Marx viết “bởi vì như thế” là có ý nói tới việc nếu lấy 10 ta-le tăng thêm để trả công cho nhà tư bản thì giá cả của hàng hoá sẽ bằng chi phí sản xuất? Phải chăng Marx muốn nói chi phí sản xuất là: C + V + E? Quả thật, nếu cho rằng chi phí sản xuất bằng giá cả của hàng hoá thì không đúng. Bởi vì lượng giá trị của hàng hoá (giá cả) bao gồm không chỉ chi phí sản xuất mà còn có giá trị thặng dư của nhà tư bản cộng với giá trị thặng dư của người làm thuê. Như chúng ta đã biết, lượng giá trị của hàng hoá là tổng giá trị ban đầu đã được đưa vào trong hàng hóa (đó chính là sự bảo toàn của lượng giá trị của hàng hóa), ở đây lượng giá trị của hàng hoá bao gồm: tư bản bất biến C, với C hiểu theo nghĩa mới ở trên, nó bao gồm tất tư liệu sản xuất và tất cả các chi phí khác ngoài V; giá trị sức lao động của người làm thuê (bao gồm phần được nhà tư bản mua V và phần giá trị thặng dư m); giá trị sức lao động của nhà tư bản (bao gồm E1 – những tư liệu cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động của nhà tư bản và phần giá trị thặng dư của nhà tư bản E2). Vì vậy, nếu Marx cho rằng công để trả cho nhà tư bản là 10 ta-le trội thêm thì Mác đã sai và nếu ông cho rằng giá cả của hàng hoá bằng chi phí sản xuất: W = C + V + E thì ông lại càng sai. Do đó những lập luận phủ định này của Mác trở lên vô nghĩa, nó không giải thích được điều gì, cũng như nó chẳng phản bác được điều gì cả.
Còn một điều nữa mà Marx đã nghĩ tới nhưng ông đã không thừa nhận nó (có lẽ là do định kiến, do căm hận bọn tư sản đến tận xương tủy vì mỗi đồng tiền chúng kiếm được đều chứa đầy máu và nước mắt của người lao động, trong thời đại mà ông sống), đó là: Nhà tư bản vừa là người đối lập với người lao động (vì đã chiếm hữu phần giá trị thặng dư của người lao động) đồng thời cũng là người lao động (vì ông ta cũng lao động để thu được phần bỏ ra E1 và phần giá trị thặng dư của mình E2). Ông viết: “Nếu ta coi lao động của nhà tư bản là một thứ lao động đặc biệt bên cạnh lao động của công nhân và ngoài lao động của công nhân, thí dụ là lao động giám sát v.v. , thì nhà tư bản sẽ nhận được – cũng như công nhân – một khoản tiền công nào đó, cũng thuộc vào một phạm trù như công nhân, và nhà tư bản quan hệ với lao động tuyệt nhiên không phải với tư cách là nhà tư bản”[24]. Karl Marx là người khai sinh ra logic học biện chứng, nhưng Ông lại không áp dụng nó cho thực tiễn này thì thật là một điều đáng trách. Chúng ta nghe tới điều này có vẻ hơi lạ: nhà tư bản vừa là nhà tư bản lại không phải là nhà tư bản mà lại là người lao động. Nhưng trên thực tế, nếu chúng ta hiểu biết về Vật lý hiện đại thì chúng ta sẽ thấy: một thực thể vừa là hạt nhưng lại cũng không phải là hạt mà lại là sóng, như photon chẳng hạn (lưỡng tính sóng – hạt của vật chất).
Và cuối cùng Marx khẳng định: “nhà tư bản cũng sẽ không làm giàu được, mà chỉ thu được một giá trị trao đổi mà hắn ta sẽ phải tiêu dùng thông qua lưu thông”[25] . Điều khẳng định này của Marx là sai. Bởi vì, trên thực tế, khi hàng hoá được bán nhà tư bản không chỉ thu được giá trị do mình tạo ra mà còn thu được cả giá trị thặng dư của người làm thuê, do đó mà ông ta vẫn làm giàu được. Vì vậy mà quy luật giá trị thặng dư, với nội dung: Sản xuất ra giá trị thặng dư tối đa bằng cách tăng quy mô sản xuất và nâng cao trình độ bóc lột dựa trên cơ sở mở rộng sản xuất, phát triển kỹ thuật, tăng năng suất lao động, tăng cường độ lao động và kéo dài ngày lao động, vẫn là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản bởi vì nó phản ánh bản chất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và nó phản ánh được động lực, mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Từ những lập luận ở trên, chúng ta sẽ xem lợi nhuận bao gồm những gì? Theo công thức chung của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa: T – H – T’, nếu số tiền bỏ ra ban đầu là T = K = C + V (chi phí sản xuất), thì số tiền thu được là: T’ = C + V + E + m, suy ra lợi nhuận là: P = T’ – T = E + m.
Như vậy lợi nhuận của nhà tư bản thu được (nếu giá cả của hàng hoá bằng giá trị của hàng hoá) không phải chỉ là giá trị thặng dư m của người làm thuê tạo ra mà còn có cả giá trị do nhà tư bản tạo ra E.
III. Kết luận và một số hướng mở
1. Giá trị của hàng hóa là lao động trừu tượng của những người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình vận động của hàng hóa kết tinh trong hàng hoá.
Lượng giá trị của tổng số hàng hóa được sản xuất ra trong một khoảng thời gian là: W = C + V + E + m. Với C là tư bản bất biến. V là tư bản khả biến hay chính là sức lao động của người làm thuê đóng góp vào giá trị của hàng hoá. E là sức lao động của nhà tư bản kết tinh vào hàng hoá, E = E1 + E2, với E1 là giá trị để sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động của nhà tư bản (lao động cần thiết), E2 là giá trị thặng dư (giá trị tăng thêm ngoài E1) của nhà tư bản tạo ra (lao động thặng dư). Còn m là giá trị thặng dư của những người làm thuê.
2. Lợi nhuận mà nhà tư bản thu được là: P = E + m. Lợi nhuận này bao gồm giá trị do nhà tư bản tạo ra E và giá trị thặng dư của người làm thuê m.
3. Từ những bổ sung vào khái niệm giá trị và giá trị thặng dư chúng ta sẽ phải thay đổi nhiều vấn đề khác trong kinh tế chính trị Marxist và kinh tế học.
4. Nếu chúng ta tính được tỷ lệ E/m trên lý thuyết và áp dụng được vào thực tế thì chúng ta sẽ có cơ sở lý luận rõ ràng cho việc đảng viên làm kinh tế tư nhân. Và hơn thế nữa chúng ta sẽ sử dụng được một nền kinh tế thị trường mang bản chất xã hội chủ nghĩa đó là làm theo lao động và hưởng theo lao động, tức là E nhà tư bản giữ còn m nhà tư bản trả lại cho người làm thuê. Do đó, nền kinh tế thị trường này sẽ khác hẳn về chất so với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mang bản chất bóc lột. Khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ rất đơn giản: đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, trong đó mọi người làm theo lao động và hưởng theo lao động. Chúng ta sẽ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội bằng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với một lý luận rõ ràng, khoa học chứ  không mơ hồ, gượng ép như hiện  nay.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           
Toàn cầu hoá, mà về thực chất là sự mở rộng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra toàn thế giới, đang là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Việc tất cả các nước sẽ phải sử dụng nền kinh tế thị trường là một điều chắc chắn. Nền kinh tế của tất cả các nước sẽ chịu sự tác động, phụ thuộc lẫn nhau, sẽ phải kết hợp lại với nhau để tạo thành một chỉnh thể thống nhất – một nền kinh tế toàn thế giới. Một nền kinh tế thị trường toàn thế giới (mà ở đó không còn bóc lột vì mọi người làm theo lao động và hưởng theo lao động, tức là E nhà tư bản giữ và m trả lại cho người làm thuê) kết hợp với xu thế cổ phần hoá (tài sản, của cải được phân chia lại cho mọi người chứ không còn tập trung vào một số ít người) và xu thế phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học, kỹ thuật, công nghệ (phát triển lực lượng sản xuất) phải chăng chính là ba xu thế sẽ đưa loài người tiến lên chủ nghĩa xã hội từ chủ nghĩa tư bản ở trên quy mô toàn thế giới – điều mà Marx đã dự đoán cách đây hơn 100 năm!                              
Khủng hoảng trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là một điều tất yếu. Trong bài nghiên cứu “Nguyên nhân của khủng hoảng toàn cầu”, nhóm “Cộng sản trẻ” chúng tôi đã chỉ ra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay. Việc hạn chế khủng hoảng có thể thực hiện được khi Nhà nước kiểm soát được thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, và việc đầu cơ. Đồng thời sử dụng lý thuyết tiền tệ của Milton Friedman (với lượng cung tiền không đổi). Lượng cung tiền không đổi sẽ tạo ra sự tăng trưởng cân bằng, ổn định mặc dù có thể tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao. Nó sẽ hạn chế sự tăng trưởng quá “nóng”, vì sau khi quá “nóng” sẽ là quá “lạnh”. Ngoài ra việc tính được E và m và phân phối theo đúng tính toán đó “có thể” sẽ giúp cho việc tiêu dùng ổn định hơn, tránh việc tiêu dùng bùng phát – thu hẹp. Đồng thời nó có thể hạn chế sự mất cân bằng giữa hai khu vực tiêu dùng hàng hoá tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt, theo lý luận mất cân bằng giữa hai khu vực sản xuất tư liệu sản xuất và khu vực sản xuất tư liệu tiêu dùng của Karl Marx.     
IV. Một số lưu ý
1. Trong bài viết này ngoài những khái niệm mới đã giải thích cũng như những khái niệm cũ đã được bổ sung, còn tất cả các khái niệm khác tôi đều sử dụng theo cách hiểu của Marx.
2. Với điều kiện và khả năng của mình, tôi chưa tính được tỉ lệ E/m trên lý thuyết và tôi cũng chưa biết áp dụng như thế nào vào thực tế ở Việt Nam và trên thế giới (nếu lý luận của tôi là đúng). Khi mà chúng ta chưa tính được trên lý thuyết tỉ lệ E/m và chưa áp dụng được vào thực tế thì tôi phản đối việc dùng lý luận này để ngụy biện cho việc đảng viên làm kinh tế tư nhân. Việc đảng viên không nên làm kinh tế tư nhân đã được tôi phân tích trong bài viết “Tương lai nào cho chủ nghĩa xã hội?” (talawas, 18.6.2009).       
Tài liệu tham khảo
[18] C. Mác và Ph. Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 2004, tập 2, trang 762
[19] C. Mác và Ph. Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 2004, tập 2, trang 765
[20 - 25] C. Mác và Ph. Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 2004, tập 2, trang 768
Ngày 17/4/2009
© 2009 Đàm Văn Vĩ
© 2009 talawas blog

0 comments

Post a Comment