Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Friday, September 27, 2013

Ðôi nét về Ðạo đức kinh của Lão Tử



Tác phẩm triết học đầu tiên của Trung Hoa ấy dài khoảng 5.000 chữ. Thượng là Ðạo kinh gồm 37 chương, bàn về Ðạo cái lớn lao mà từ đó sinh ra vũ trụ. Hạ là Ðức kinh gồm 44 chương bàn về Ðức, cái là năng lượng của Ðạo lưu hành trong vũ trụ. Các bản lưu truyền từ hơn hai ngàn năm nay chỉ khác nhau đôi chút một số chữ hoặc cách chấm câu. Hầu hết học giả đều phỏng đoán rằng thời điểm hình thành sách là khoảng giữa thời Chiến quốc nhưng cơ bản vẫn bảo lưu được tư tưởng chủ yếu của Lão Ðam trước đó. Năm 1973, tại Trường Sa, ngành khảo cổ học tìm thấy một bản bạch thư dưới một mộ cổ đời Hán, trong đó phần Ðức kinh được đặt lên trước phần Ðạo kinh. Bản khai quật này có giá trị rất lớn vì hơi khác các bản hiện hành.

Ðạo đức kinh, với tên nguyên thuỷ là sách Lão tử, được viết theo hình thức câu dài ngắn khác nhau, giàu âm điệu và đọc lên nghe như thơ tự do thời nay. Súc tích. Không chấm câu. Không lý luận. Không chứng minh dài dòng. Thể được dùng là cổ văn trường đoản cú, một loại văn ngắn gọn, ít lời, nhiều ý, dễ thuộc lòng nhưng không dễ hiểu. Vì thế, nó có vẻ như chỉ để gợi ý và buộc người đọc phải suy nghiệm, mường tượng, lắng nghe tiếng dội lại từ lòng mình. Người đọc có rất nhiều cơ hội để tiếp nối quá trình sáng tạo và tư duy, khiến tác phẩm sinh động, thấm sâu và triển khai mãi theo mỗi lần đọc. Và điều quan trọng không phải là bản thân tác giả mà là truyền thống cùng nội dung giảng dạy được tiêu biểu bằng danh xưng “Lão Tử: Ông thầy già”.

Tám mươi mốt chương của Ðạo đức kinh y hệt 81 bài thơ dài ngắn khác nhau, trong đó các châm ngôn đặt liền nhau ấy được thu thập suốt một quãng thời gian khá dài từ “Ông thầy già” tới vô số đạo gia đệ tử nhiều thế hệ sau. Chúng được sắp xếp tương đối trật tự theo từng chủ đề. Gọi là Kinh, nghĩa là qui điển có thẩm quyền ứng xử với cái cốt lõi của một truyền thống triết học hay lý thuyết của một tôn giáo. Ngoài hai vấn đề chính là Ðạo và Ðức bao hàm vũ trụ luận và trí thức luận của tác giả, sách còn chủ yếu bàn tới lối tiếp nhân xử thế đạt đạo của bậc thánh nhân, cách thức cầm quyền trị nước, và nói sơ lược về binh pháp, thiên văn, dưỡng sinh, v.v...

1. Vũ trụ luận

Học thuyết trọng tâm của Ðạo đức kinh là Ðạo và Ðức. Trình bày về Ðạo/Ðức cũng là nói tới vũ trụ luận của Lão Tử mà trước đó, tại Trung Hoa chưa triết gia nào bàn luận có hệ thống.

Mở đầu sách, Lão Tử cho rằng Ðạo là cái có tính rất nền tảng, nhưng nó ở quá bên kia những diễn đạt bằng ngôn từ:
“Ðạo nói được không phải là Ðạo thường (chân chính và bất biến) / Danh gọi được không phải là danh thường (chân chính và bất biến)/ Vô danh là khởi nguồn của trời đất / Hữu danh là mẹ của muôn vật”.

Không tin trời vì “Trời đất bất nhân, xem vạn vật như chó rơm” nên Lão Tử nêu ra Ðạo là cái “tự nhiên hỗn thành trước khi có trời đất, im lặng quạnh quẽ, đứng một mình mà không đổi, chỗ nào cũng đi khắp mà không mỏi, muôn vật trong vũ trụ đều gốc ở đó mà sinh ra”.

“Ðạo sinh một / một sinh hai / hai sinh ba / ba sinh vạn vật”.

Lão Tử đếm, có lẽ chỉ để tượng trưng, ba con số rồi phán như thế và ta hiểu tác giả có ý nói rằng Ðạo tuy không thể định nghĩa nhưng nó có trước vũ trụ, và Ðạo là nguồn gốc của vũ trụ. Theo Lão Tử, trời đất muôn vật do Ðạo mà sinh thành. Ðạo là cái hỗn mang chưa phân, là cái nguyên thuỷ và cũng là sự vận động hằng cửu mà ta không thể cảm, không thể biết. Tuy vô danh vô hình, nhưng Ðạo là căn nguyên và cốt lõi của muôn vật. Muôn vật đều khởi đi từ Ðạo, đi theo Ðạo và quay về Ðạo.

Còn Ðức? Chữ Ðức ở đây không phải là đức hạnh hiểu theo lối luân lý thông thường, thuộc phạm trù tự tu dưỡng và giao tế xã hội. Ta phải hiểu theo ý nghĩa của Lão Tử là “mầm sống ngấm ngầm” trong vạn vật, có phần nào giống như “đức tính” bẩm sinh.

“Nên đạo sinh ra / đức nuôi nấng / trưởng thành dưỡng dục / nuôi lớn thành thục / chở che vạn vật / tuy nuôi mà không chiếm hữu / tuy làm mà không cậy công / cứ để tự nhiên không chủ động / đó chính là cái đức sâu thẳm”.
Người sống có Ðức tức là sống theo Ðạo. Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước Ðạo, Ðạo bắt chước tự nhiên. Cái Ðạo “phi thường Ðạo” được Lão Tử nói đến là thiên nhiên, năng lượng sức sống và sự vận hành của thiên nhiên. Cũng có thể gọi là tự nhiên hay thiên lý. Và Ðức là cứ theo tự nhiên mà sống, thuận theo thiên lý mà lưu hành. Trong cái Ðạo vũ trụ ấy, thiên nhiên và những qui luật của chúng tập hợp thành cái trụ cốt, cái bản thể, còn đất trời và sinh linh, v.v... là những thực thể có vị trí thích hợp và chức năng thích hợp, thao tác theo một thể thức tự nhiên.

2. Tri thức luận

Con người chỉ có thể biết tới Ðạo ấy bằng trực quan, không bằng lý trí. Vì chống lại lý trí nên Lão Tử không lập luận về Ðạo. Theo tác giả Ðạo đức kinh, bằng lý trí ta nhìn cuộc đời với con mắt nhị nguyên chủ nghĩa, khiến phân chia cái duy nhất thể thành hai: thế giới nội tâm và ngoại giới, con người với thiên nhiên, thế gian và vũ trụ, thiện và ác, vinh và nhục, đúng và sai, cao và thấp... làm ta xa lìa Ðạo. Phủ định kinh nghiệm cảm giác vì “càng đi xa, càng biết ít”, Lão Tử cho rằng với phương pháp nhận thức tâm linh, được gọi là Huyền lãm, nghĩa là giữ cho nội tâm hư tĩnh để có thể cảm nhận sự vật tới cả mặt bên kia, mặt bí nhiệm của chúng:

“Thường có bỏ hết được lòng ham muốn, mới biết được chỗ huyền diệu của đạo”.

“Người giữ được đạo thì không ra khỏi cửa mà biết được muôn vật trong thiên hạ, không nhìn ra ngoài cửa sổ mà biết được đạo trời đang thống trị thế gian: người ta hễ muốn càng đi xa bao nhiêu thì lại càng biết ít bấy nhiêu”.

“Càng học càng biết nhiều mối đã vô ích mà còn hại cho mình; ngược lại, đem tâm trí chú mục vào đạo thì cái biết càng ngày càng ít đi, càng ít mãi cho đến bậc vô vi; tuy vô vi nhưng không có cái gì là không chịu ảnh hưởng của mình”.
Lão Tử không mất công giảng giải về Ðạo. Triệt để chống tri thức và trí năng, Lão Tử cho rằng tri thức không giúp cho con người sống theo Ðạo với Ðức. Nó chỉ khiến cuộc sống thêm phức tạp. Nó chế tạo cơ khí khiến con người phát sinh ‘cơ tâm’. Nó bày đặt lý thuyết này nọ đưa tới xung khắc... Trí năng khiến người ta phân biệt cái hay cái dở nên sinh ra ham muốn. “Huệ trí xuất, hữu đại nguỵ: vì trí mưu xuất hiện mới có cực kỳ dối trá”. Lão Tử chủ trương bỏ trí năng, bỏ văn tự, bỏ việc dạy dỗ dân, để dân chúng sống hồn nhiên mộc mạc.

Có lẽ vì hiểu rõ giới hạn truyền đạt của ngôn ngữ nên Lão Tử không chịu nói nhiều về Ðạo. Tóm lại, Ðạo, cái lý tự nhiên trong con người và vũ trụ, thì hư vô, mênh mông, sâu thẳm và ngập tràn tới độ nằm ngoài tầm nắm bắt của lý trí, nhận biết của tri thức và diễn đạt của ngôn từ.

Nhìn sự vật thường xuyên biến đổi, Lão Tử nhận ra luật mâu thuẫn nơi vẻ ngoài của vạn vật:

“Cái yên tĩnh là chủ của cái xáo động, cái cao quí lấy cái hèn mọn làm gốc, cái cao lấy cái thấp làm gốc, cái thật đầy thì giống như trống không, con người thật khôn khéo thì trông giống như vụng về...”

Vạn vật bên ngoài thì mâu thuẫn nhưng bên trong thì phản phục, “vật gì phát tới cực điểm thì phản hồi, hễ tăng tới cực độ thì phải hao giảm – trăng tròn rồi lại khuyết, hết mùa đông phải sang xuân... Cùng tắc biến, biến tắc thông...”

Trong cùng một lúc bị chi phối bởi luật mâu thuẫn và luật phản phục, vũ trụ vận hành với Ðạo. Vạn vật đều nương tựa nhau mà sinh tồn và tương tác, tạo điều kiện cho nhau “có và không cùng sinh, khó và dễ cùng thành, dài và ngắn cùng hình, cao và thấp cùng nghiêng, thanh và âm cùng hoạ, trước và sau cùng theo”, và nhất là “Trở lại là cái động của Ðạo”.

Tuy Ðạo không thể hiểu thấu, không thể bàn luận, không thể diễn tả, nhưng Lão Tử cho rằng loài người chỉ tự mình phục vụ tốt nhất bằng cách đi theo con đường Ðạo. Nếu gặp tình cảnh nan giải cần phải xoay xở, thì đã sẵn có Ðức. Lúc ấy bạn chỉ việc sống có Ðức. Sống có Ðức nghĩa là sống theo bản tính của mình, không phân biệt nhị nguyên, không khiên cưỡng; sống tự nhiên “vi vô vi: làm một cách tự nhiên”. Và như thế tức là bạn đi đúng con đường vận hành của Ðạo.

Ðức là cái biểu hiện sự có mặt của Ðạo trong các sự vật cá thể. Ðức là năng lượng của Ðạo thao tác trong thế giới. Lời phát biểu ấy không chỉ có tính siêu hình học về nguyên lý tổng quát quyết định cách hiện hữu của thế giới, nó còn mang tính thực tiễn. Phùng Hữu Lan phân tích rằng:

“Theo sách Lão tử thì đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra. Khi sinh ra, riêng mỗi vật đều nhận từ cái ‘Ðạo’ phổ biến một phần gọi là ‘Ðức’. ‘Ðức’ có nghĩa là ‘tiềm thế’ hay ‘đức tính’, cả hai đều dùng theo nghĩa vừa đạo đức vừa phi đạo đức của từ ngữ. ‘Ðức’ của mỗi vật là cái mà tự nhiên đã phó cho riêng mỗi vật. Lão Tử nói: Mọi vật đều tôn Ðạo và quý Ðức (ch. 51), vì Ðạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra, và ‘Ðức’ là cái làm cho mọi vật trở thành vật”.

Nếu ta đi theo con đường Ðạo, tức là hành động một cách tự nhiên, lúc ấy ta sẽ dồi dào Ðức. Ðây là một sức mạnh tự nhiên, khiến ta ung dung hành động mà phát huy hết tiềm năng của nó. Nếu Ðạo là nước đang chảy thì Ðức là bản tính, là năng lượng, là sức mạnh của dòng nước ấy, tác động ở vị trí đặc thù trong sự tuôn trào của Ðạo.

Nếu hiểu đúng ý của Lão Tử mà nghĩ rằng Ðạo có tính sáng tạo, ta không nên đồng hoá Ðạo ấy với Thượng đế của Tây phương. Trong tư tưởng Do thái-Kitô giáo và ngay cả Hồi giáo, Gia-vê hay Thiên Chúa hay Ðấng Allah, được hiểu là đấng sáng thế, một hữu thể, bằng cách nào đó, độc lập và ngoại tại đối với sự sáng tạo của ngài. Trái lại, Ðạo của Ðạo đức kinh là nền tảng sáng tạo tự phát và là căn bản của vạn vật.

Thần học Do thái-Kitô giáo cũng cho rằng chính Thiên Chúa là sức mạnh chủ yếu, con người chỉ là phụ thuộc. Khi người tín hữu hoàn toàn qui thuận Thiên Chúa, sống theo “thánh ý quan phòng”, lúc ấy, đương sự hội nhập vào sức mạnh vô song của Thiên Chúa.

Về khái niệm Ðức của Lão Tử như là bản tính tự nhiên tiềm ẩn trong mỗi vật hay như là cái bởi đó mỗi vật trở thành vật, ta có thể thăm dò và đối chiếu với khái niệm “dạng thức” (form) của Aristotle khi triết gia Hi Lạp ấy cho rằng mỗi vật đều tiến hoá theo một chiều hướng riêng biệt của nó, tiềm ẩn trong mầm của nó, như hạt bắp không thể nào mọc thành cây lúa.

Cái Hỗn mang trong Ðạo đức kinh của Lão Tử có cái gì đó từa tựa Chaos của Hesiod (khoảng tk 8 tr.C.N.) trong Theogony (Thần linh phả hệ) của thần thoại Hi Lạp.

Chữ Ðạo của Ðạo đức kinh cũng làm ta liên tưởng đến chữ logos của Heraclitus (?- 460 tr.C.N.). Theo nhà triết học Hi Lạp cổ đại thời tiền Socrates ấy, logos (nguyên ngữ Hi Lạp có nghĩa là lý trí), là nguyên lý của trật tự và khả tri; nó chi phối sự biến đổi của vạn vật. (Chú ý: Khái niệm logos của Heraclitus có lẽ khác với khái niệm Logos: Ngôi Lời, chỉ Ðức Giê-su, trong Tân ước theo Gio-an (chương 1) của Kitô giáo, và chắc chắn khác với logos trong logoscentrism: quan niệm lấy ngôn từ làm trung tâm, thuật ngữ Jacques Derrida (1930-2007) dùng để gọi các tác phẩm triết học từ Plato tới Heidegger).

Khi Lão Tử mô tả Ðạo là “căn nguyên và mẹ của vạn vật”, ta thấy cụm từ ấy có tính định chuẩn để chỉ mọi sự hiện hữu. Ðạo thành tựu mọi sự mà không dùng tới lực tác động, cung cấp sự sống mà không sở hữu những gì nó sinh thành. Ðạo chính là cốt lõi của tính tự nhiên, qua đó vạn vật trở thành cái chúng đang là. Vì vô biên nên Ðạo sản sinh dòng chảy liên tục của các sự vật hữu hạn và thông thường.

Có một hình ảnh dễ hiểu thường được dùng để so sánh với Ðạo, đó là nước. Nước mềm mại uyển chuyển, nhưng có sức mạnh vô song. Nước có khả năng làm sụp đổ thành quách và có sức tiêu hao tới độ “nước chảy đá mòn”. Ði theo Ðạo tức là tìm thấy con đường tự nhiên, sống như nước, để đạt được cứu cánh với những phẩm tính cũng tự nhiên không kém.

Lão Tử còn dùng đến hình ảnh của ống bễ lò rèn. Bên trong ống trống mà không cùng, càng thụt cho hơi ra ngoài để làm hồng lửa thì ống càng thông và lại đầy hơi. Cũng không thể mô tả Ðạo như một ‘hữu thể’; nó cũng chẳng phải ‘phi hữu thể’. Ðạo là cái từ đó xuất hiện các hữu thể. Về mặt này, Ðạo của Lão Tử giống với khái niệm “sunyata: tính không” của Phật giáo Ðại thừa. Ðạo có tính phổ quát và tràn ngập khắp nơi nhưng không gì có thể huỷ hoại nó.

Về mặt siêu hình học, Ðạo biểu hiện một bối cảnh im lặng từ đó vạn vật xuất hiện và qui hồi. Không là cái hiện hữu tách biệt, Ðạo là cơ sở đến và đi của mọi vật hiện hữu. Theo Ðạo học, lặng yên có trước chuyển động, và như thế tĩnh hiện hữu trước động, do đó Ðạo trong trạng thái tĩnh là căn nguyên của mọi sự. Dù tự thân bất động, Ðạo cống hiến cơ sở cho hết thảy các chuyển động khác. Trong ý nghĩa ấy, Ðạo là cái có tính tự nhiên tuyệt đối:

“Trở về là cái động của Ðạo, yếu nhược là cái dụng của Ðạo, vạn vật trong thiên hạ sinh ra từ ‘có’, ‘có’ lại sinh ra từ ‘không’’.

Hiểu Ðạo của Lão Tử như thế thì thấy nó có điểm tương đồng với một động cơ không bị chuyển động và một nguyên nhân không bị tác động của Aristotle và Thomas Aquinas. Ðạo thao tác, một cách chính xác, như là nền tảng không bị chuyển động và không bị tác động của bất cứ cái nào khác.

Khác biệt duy nhất và chủ chốt ở đây là các nhà tư tưởng Tây phương liên tục cho rằng nguyên nhân không bị tác động ấy là Thượng đế, do đó, họ đặt Thượng đế đối lập với các sự vật được tạo dựng, trong khi đó, đối với Ðạo học và các triết thuyết Ðông phương khác, cội nguồn của sự sống không bị đặt đối lập với các hữu thể cá thể, mà được xem là bản tính chân chính của chúng. Càng nhận biết Ðạo tức là càng nhận biết cái là bản thân mình, thí dụ, người Phật giáo Ðại thừa càng nhận biết và sống theo Phật tính (buddha-svabhâva) trong bản thân mình, hay người Ðạo giáo càng nhận biết Ðạo thì càng sống mộc mạc theo bản tính tự nhiên của mình. Khái niệm ấy tương tự bán phiếm thần thuyết (panentheism) của Tây phương: Thượng đế là mọi sự nhưng không bị đồng hoá với mọi sự.

Cái tĩnh và động của Ðạo trong Ðạo đức kinh cũng làm ta liên tưởng tới một câu của Isaiah, tiên tri Do Thái sống khoảng thế kỷ 8 tr.C.N khi ông nói tới quyền năng của Thượng đế, đấng sáng tạo vũ trụ: “Trong tĩnh lặng và tự tin sẽ hiện hữu sức mạnh của ngài” (Isaiah 30:15).

3. Sống mộc mạc hồn nhiên

Lấy vũ trụ quan về Ðạo làm cơ sở và áp dụng Ðức tức là vận dụng Ðạo vào cuộc sống đời thường. Người mà mọi động thái đều thông suốt lẽ Ðạo được Lão Tử gọi là thánh nhân. “Lòng thánh nhân vô thường, dùng lòng trăm họ làm lòng mình. Thiện với người thiện, thiện cả với người không thiện vậy nên ai cũng thiện. Tin người đáng tin, tin cả người không đáng tin vậy nên ai cũng đáng tin. Thánh nhân không lo nghĩ không ham muốn, hồn nhiên vì mọi người. Thánh nhân như trẻ sơ sinh”.

Cực lực phản bác Nho giáo, Lão Tử khinh miệt những phẩm tính của “bậc quân tử” và cho rằng chúng chỉ làm suy đồi Ðạo và Ðức. “Mất Ðạo mới có Ðức. Mất Ðức mới có Nhân. Mất Nhân mới có Nghĩa. Mất Nghĩa mới có Lễ. Lễ là sự suy đồi của trung tín, bước đầu của rối loạn”. Và “Nếu thiên hạ đều biết đẹp là đẹp, ấy là có xấu. Nếu thiên hạ biết thiện là thiện, ấy là có bất thiện”.

Theo Lão Tử, sống với Ðạo là sống đúng nguyên lý “quân bình”, luôn luôn chừng mực, không bao giờ thái quá cũng chẳng lúc nào bất cập. Vì “muốn thu rút lại là sắp mở rộng ra; muốn làm yếu lại là sắp làm mạnh lên; muốn vứt bỏ là sắp đưa lên; muốn cướp đoạt là sắp cho thêm. Ðó là sáng suốt tinh tế, mềm yếu thắng cứng mạnh”. Như thế, sống hợp với Ðức thì ở ngoài vòng phân biệt thiện ác.

Noi theo gương mẫu thánh nhân và giữ nguyên lý “quân bình”, người theo Ðạo không ham can thiệp vào việc đời. Nếu cần phải hành động thì “vô vi”. Vô vi thoạt nghe có vẻ như không làm gì cả. Nhưng vô vi nằm trong câu “Vi vô vi tắc vô bất trị: làm vô vi là không gì không làm”, phải được hiểu là “làm mọi sự mà như không làm”, hoặc nói gọn là “làm mà như không làm”, nghĩa là làm một cách tự nhiên, không giả tạo, không cưỡng chế, không rán sức. Vì cũng như Ðạo, vô vi là hành động không có vẻ tác động nhưng không có gì không bị tạo tác. “Cho nên bậc thánh nhân, lấy vô vi mà ứng xử, dùng bất ngôn mà giáo hoá, khiến vạn vật tự làm”.

Cuộc đời cứ thế tự nhiên mà sống. Ðạo thì vô danh, nguyên sơ, mộc mạc; Ðức cũng là cái chân chất theo liền với Ðạo, nên người có “đức” thì sống càng giản dị càng tốt. Bên ngoài mộc mạc nhàn nhã, bên trong phong phú thâm hậu vì luôn luôn tươi mới theo vận hành của thiên nhiên. Ðây là một lối sống hồn nhiên, không dựa vào lý trí, cũng không dựa vào tri thức. Ðối với người sống làm một với Ðạo, không có nhu cầu phấn đấu cho các cứu cánh nhân tạo. Trạng thái lý tưởng ấy được gọi là “Minh: sáng suốt”, trong đó ta nhận biết luật tự nhiên và để cho hành động của mình diễn ra phù hợp với luật ấy.

Vì Ðạo không thiên vị ai nên ta trước tiên sống với một chữ “tư”, một tình thương yêu giúp đỡ mọi người, không phân biệt kẻ lành người dữ. Ta nên trọng “tồn” và “tĩnh”’. Tồn là khiêm tốn, đừng mong phát đạt tới cực điểm. Hễ hơi quá thì nên giảm rút ngay. Tĩnh là ung dung nhàn nhã, là “vô vi”. Cứ thuận theo tự nhiên, chớ ra tay nhắm chuyện tạo thời thế vì chẳng thể nào xoay chuyển nổi cơ trời, cái được hiểu theo nghĩa của Lão Tử là quá trình diễn biến tự nhiên.

Người hiểu Ðạo luôn luôn giữ phận mình hèn mọn. “Giữ chậu đầy hoài, chi bằng bỏ thôi. Mài cho bén nhọn, đâu bén mãi hoài. Vàng ngọc đầy nhà, đâu giữ được mãi. Sang giàu mà kiêu, tự rước hoạ tai. Công thành sớm lui, đó là đạo trời”. Thông minh đại trí thì nên sống như kẻ ngu ngơ đần độn. Không khoe khoang, không tranh đua với người khác. Minh triết là an mệnh, giữ thinh lặng, sống lặng lẽ với thiên nhiên. Không ôm hết vào mình, không tích luỹ của cải. “Thánh nhân giấu thân ở sau nên thân ở trước, đưa thân ra ngoài nên thân được còn. Phải chăng vì không riêng tây mà thánh nhân làm được điều riêng tây”.

Tóm lại, mềm thì thắng cứng, yếu thì thắng mạnh. Sống như nước. Nước làm lợi cho mọi vật mà không tranh giành với vật nào, ở chỗ thấp trũng chẳng ai ưa nên cũng chẳng ai ganh. Trong thiên hạ không có gì nhu nhược như nước nhưng dùng để công phá những cái chắc và mạnh thì không gì có thể hơn nước.

4. Lý thuyết chính trị

Người đọc Ðạo đức kinh có thể tìm thấy rất nhiều lời dạy của Lão Tử về thuật cai trị, tới độ có người cho rằng dụng ý của Lão Tử là để lại cho đời một cuốn cẩm nang trị quốc. Ở đây, Lão Tử hình dung một nước nhỏ đất không rộng, dân không đông, nhưng được đặt dưới sự cai trị lý tưởng của thánh nhân. Ðể dễ tiếp cận lý thuyết chính trị của Lão Tử, ta có thể rút từ những điều đã trình bày rải rác trong các đoạn trên thành ba điểm:

Tư tưởng xuất thế của Ðạo gia hoàn toàn đối lập với tư tưởng nhập thế của Nho gia;

Ðạo đức học của Lão Tử không đặt căn bản trên các khái niệm luân lý theo lối thiện ác, mà trên việc hành xử theo luật tự nhiên;

Con người lý tưởng thì “vô vi”, sống hồn nhiên mộc mạc.

Lấy khái niệm Ðạo và Ðức ấy làm hệ qui chiếu, Lão Tử cho rằng thế giới rối loạn vì người cai trị làm quá nhiều việc. Thế nên thánh quân là kẻ cứ bỏ mặc cho mọi sự diễn biến, và tốt nhất là đừng làm gì cả. Chính quyền cứ theo tự nhiên mà giữ giềng mối, “vô vi nhi trị: trị mà không trị tức là trị vậy”. Cứ theo Ðạo ấy mà trị nước vì nếu dùng trí thuật mà trị nước tức là làm hại nước. “Không làm gì cả mà dân tự hoá thành hay, cứ yên lặng mà dân tự ngay thẳng”. Ta “vô sự mà dân tự giàu có. Ta không ham muốn mà dân trở thành chất phác”. Chính quyền do thánh nhân lãnh đạo gồm những người mộc mạc, ăn ở giản dị và cần kiệm, không xa hoa, Họ không can thiệp vào chuyện của người dân, không dựa vào thánh nhân để dạy dỗ dân, không tôn quí hiền tài, không vận dụng lý trí để đối xử với dân. Luật pháp phải rộng rãi và uyển chuyển vì càng tăng thêm luật lệ, dân càng bị trói buộc khổ sở. Trọng dụng hiền tài chỉ làm dân tranh nhau để được tiếng là người hiền. “Dứt thánh bỏ trí, dân lợi trăm phần. Dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại thảo lành. Dứt xảo bỏ lợi, trộm cướp không còn”.

Ở trong nước, chính quyền không nên dùng hình phạt răn đe, nhất là đem án tử hình ra doạ dân, vì tới một lúc nào đó dân không còn sợ nữa. Ðối với bên ngoài, phải cố hết sức tránh nạn đao binh. Lão Tử triệt để bác bỏ chiến tranh. Cực chẳng đả phải dùng thì nên điềm đạm, chừng mực. “Nước lớn mà hạ mình trước nước nhỏ thì được nước nhỏ thần phục, nước nhỏ mà hạ mình trước nước lớn thì tất được nước lớn che chở”.

Tóm lại, theo Ðạo đức kinh, phép trị quốc an dân hay nhất để đem lại phúc lợi cho dân chúng là càng ít can thiệp càng tốt, cứ để mặc dân sống hồn nhiên mộc mạc. Cứ để cho dân “ngu”, hiểu theo nghĩa giản dị và hồn nhiên như trẻ thơ. “Thánh nhân coi trăm họ như trẻ nhỏ” và thánh nhân “không làm cho dân sáng mà làm cho dân ngu”.

Thật thú vị khi so sánh lý thuyết chính trị của Lão Tử với của Plato. Tưởng quốc của Lão Tử nhỏ, được cai trị bởi vị vua là thánh nhân sống mộc mạc, có điểm tương đồng với tưởng quốc của Plato trong Republic (Nền cộng hoà) cũng nhỏ và được cai trị bởi minh quân là triết gia, sống thanh đạm.

Ngoài hai điểm đó ra, có lẽ mọi cái còn lại đều hoàn toàn tương phản. Trong tưởng quốc của Plato, mọi người sống theo tôn ti trật tự với bốn tầng lớp nhất định, mọi sự đều được qui hoạch chi li và tiến hành chặt chẽ, nhất là giáo dục, và kể cả sinh sản có kế hoạch!

Ta cũng có thể đối chiếu ý tưởng trở về lối sống tự nhiên của Lão Tử với chủ trương sống vơi thiên nhiên (1712-1778) của Jean Jacques Rousseau của Pháp, Henry David Thoreau (1817-1862) của Mỹ.


Nguồn: Nguyễn Ước, Đạo học đại cương

0 comments

Post a Comment