Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Monday, July 29, 2013

TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA

 *
          Nguyễn Chí Dũng**
             Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp
 
Hiến pháp - Luật nền tảng của nước Cộng hoà nhân dân (CHND) Trung Hoa đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế và định hướng chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không tính những lần sửa đổi một số điều, tựu trung có thể nói tới ba hiến pháp của CHND Trung Hoa cho tới nay. Hiến pháp đầu tiên của CHND Trung Hoa là Hiến pháp năm 1954 của thời kỳ bắt đầu giai đoạn quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH)[1]. Hiến pháp thứ hai do Đại hội Nhân dân toàn quốc[2] (Quốc hội) thông qua tháng 3/1978 tại kỳ họp thứ nhất, Khoá V trong bối cảnh sau Đại cách mạng văn hoá, sửa đổi một điều vào kỳ họp thứ 3, Khoá V-10/9/1980. Hiến pháp thứ ba được thông qua ngày 4/12/1982, tại kỳ họp thứ 5, Khoá V. Bản hiến pháp này được sửa đổi, bổ sung một số điều trong hai lần, một lần vào Kỳ họp thứ nhất, Khoá VII 12/4/1988 và lần thứ hai vào ngày 29/3/1993, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VIII.
 Bài viết nhằm giới thiệu và phân tích khái lược một số tư tưởng, nguyên tắc chỉ đạo cơ bản, với trọng tâm là phần tính chất nhà nước và tổ chức nhà nước trong lần xây dựng  Hiến pháp thứ ba (1982)- Hiến pháp của giai đoạn cải cách kinh tế và mở cửa của nước CHND Trung Hoa đang có hiệu lực áp dụng. Tư tưởng cơ bản của các lần sửa đổi hiến pháp đều xuất phát từ sáng kiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đa số các thành viên trong Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp đều trong Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tài liệu sử dụng cho bài viết này là Báo cáo của Bành Chân, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá V ngày 26/11/1982 và Hiến pháp CHND Trung Hoa năm 1982 và các lần bổ sung cho tới năm 1993.

1. Bối cảnh xây dựng Hiến pháp (1978-1982)

Chín tháng sau khi ban hành Hiến pháp thứ hai (1978), Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ) 11, Đảng Cộng sản Trung Quốc họp (tháng 12/1978) phát động chủ trương sửa sai qua cuộc đại cách mạng văn hoá (CMVH). Phái cải cách theo hướng Xây dựng mô hình CNXH theo đặc điểm Trung Quốc chú trọng phát triển kinh tế của Đặng Tiểu Bình có xu hướng thắng thế phái phàm là do Chủ tịch Hoa Quốc Phong chủ trương[3]. Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thấy sự cần thiết phải có định hướng phát triển mới do điều kiện đã thay đổi và trong bối cảnh đó, Hiến pháp 1978 không còn thích hợp nữa và cần phải sửa đổi toàn diện và cơ bản[4]. Trên cơ sở đề nghị của BCHTƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc[5], Quốc hội Khoá V, Kỳ họp thứ 3 (10/9/1980) đã thông qua Nghị quyết thành lập Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp[6]. Sau hai năm thảo luận và chỉnh lý, kể cả đưa ra thảo luận rộng rãi trong nhân dân, dự thảo Hiến pháp được trình Quốc hội tại phiên họp tháng 11/1982 xem xét và thông qua.
Các bước làm việc của Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp bắt đầu bằng việc Uỷ ban soạn thảo và Ban thư ký của Uỷ ban lấy ý kiến các địa phương, các ngành và nghiên cứu soạn thảo trên cơ sở kế thừa, tiếp thu và đổi mới. Ở giai đoạn soạn thảo và lấy ý kiến trước khi đưa ra toàn dân thảo luận, có nhiều ý kiến đóng góp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, BCHTƯ Hội nghị hiệp thương chính trị CHND Trung Hoa[7] (Mặt trận Tổ quốc), các uỷ viên BCHTƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đảng phái dân chủ khác, các tổ chức xã hội, các Bộ, ngành, các vị lãnh đạo quân đội và các tỉnh, đơn vị hành chính trực thuộc trung ương và khu vực tự trị. Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp đã họp tổng số năm phiên (mỗi phiên chín ngày, phiên cuối cùng năm ngày dành để thông qua Dự thảo ngày 23/11 trình Quốc hội).
Qua thảo luận toàn dân, những vấn đề lớn trong dự thảo hầu như được nhất trí hoàn toàn, nên không có thay đổi lớn trong bản trình Quốc hội; có gần 100 điểm góp ý vào các điều cụ thể được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân; có nhiều ý kiến không được tiếp thu vì chưa có điều kiện thi hành và chưa đủ kinh nghiệm, cần được nghiên cứu thêm[8].

2. Bốn nguyên tắc chỉ đạo nòng cốt

Hiến pháp 1982 được soạn thảo trên cơ sở các tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Nghị quyết BCHTƯ 11- Hội nghị lần thứ 6 (1980) tổng kết những bài học lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ khi thành lập nước và Văn kiện Đại hội Đảng tháng 12/1982.
Bốn nguyên tắc chỉ đạo soạn thảo hiến pháp là: a) Định hướng theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN), b) Thực hiện Chuyên chính dân chủ nhân dân, c) Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và d) Định hướng theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông[9].
Bốn nguyên tắc trên đây thực chất là bình cũ nhưng được đựng rượu mới. Bình luận về nội dung mới của bốn nguyên tắc này nói chung và nguyên tắc định hướng con đường XHCN nói riêng, Bành Chân nhấn mạnh đây là những nguyên tắc cũ của Đảng; trong thời kỳ CMVH, Đảng đã mắc phải những sai lầm trong xây dựng CNXH, đó là do áp dụng sai và máy móc các nguyên tắc này chứ không phải vì các nguyên tắc này không phù hợp. Vì vậy, bốn nguyên tắc này cần được thực hiện linh hoạt trong điều kiện và bối cảnh lịch sử mới, với những nội dung phong phú hơn[10]. Điều kiện mới đựợc hiểu là định hướng xây dựng Hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa theo đặc điểm Trung Quốc[11]. Định hướng này đuợc giải thích tập trung vào hiện đại hoá nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa: Tăng cường củng cố nhà nước, sự phồn vinh của đất nước, sự ổn định và phát triển của xã hội Trung Quốc và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân[12]. Chính vì vậy, Lời nói đầu của Hiến pháp CHND Trung Hoa có đoạn Nhiệm vụ cơ bản của dân tộc trong những năm tới là tập trung sức lực vào hiện đại hoá XHCN... từng bước đưa Trung Quốc thành một nước XHCN ở mức phát triển cao về văn hoá và dân chủ[13].  Do vào năm thông qua Hiến pháp, học thuyết về mô hình CNXH theo đặc điểm Trung Quốc chưa rõ rệt, nên đến năm 1993, đoạn này được sửa lại là ... hiện đại hoá XHCN phù hợp với học thuyết xây dựng CNXH theo đặc điểm Trung Quốctừng bước đưa Trung Quốc thành một nước XHCN phồn vinh, hùng mạnh và tiên tiến về dân chủ và văn hoá[14] (gạch chân phần bổ sung). 
Về tính chất nhà nước và nguyên tắc Chuyên chính dân chủ nhân dân, Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp giải thích bản chất nguyên khainội dung mới của nguyên tắc này như sau: Bản chất nguyên khai của Chuyên chính dân chủ nhân dân (là nền chuyên chính) do giai cấp công nhân lãnh đạo dựa trên liên minh của những người lao động[15] và nông dân. Về cơ bản, Chuyên chính dân chủ nhân dân là Nền chuyên chính vô sản[16]...bởi vì hình thái của Chuyên chính vô sản vốn thể hiện khác nhau ở từng nước khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau... Chuyên chính dân chủ nhân dân do nhân dân Trung Quốc sáng tạo ra... là khái niệm chúng ta đã sử dụng để định nghĩa bản chất nhà nước ta trong Cương lĩnh chung năm 1949 và sau này trong Hiến pháp đầu tiên của nhà nước ta năm 1954 và trong các văn kiện của Đại hội VIII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1956.
Về nội dung mới của bản chất nhà nước theo nguyên tắc trên đây, Bành Chân nhấn mạnh: do những thành tựu xây dựng CNXH ở Trung Quốc và do cơ cấu giai cấp của xã hội đã thay đổi đáng kể (tăng số lượng giai cấp công nhân, giảm nông dân tư hữu thay bằng nông dân tập thể, số lượng trí thức tăng lên), về cơ bản, nhà nước thực hiện dân chủ nhân dân là chính và được thực hiện bởi số đông, còn chuyên chính được thực hiện đối với thiểu số - thiểu số này được Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp nhận định bao gồm những người chống CNXH trong nước và những thế lực thù địch ở nước ngoài, dẫn đến nhận định rằng cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tiếp tục, lâu dài và có thể tăng về cường độ" (Lời nói đầu, Hiến pháp năm 1982). Khác với Chuyên chính dân chủ nhân dân trong Hiến pháp năm 1954, vốn tập trung vào chuyển chế độ tư hữu sang công hữu và do đó với mức độ chuyên chính cao hơn, thì nội dung mới của bản chất nhà nước chuyên chính dân chủ nhân dân là bảo vệ CNXH và hướng dẫn tổ chức xây dựng CNXH; nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước này qua hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương[17].
Tính chất nhà nước thể hiện ngắn gọn tại Điều 1 (Khẳng định tính chất XHCN, Chuyên chính dân chủ nhân dân) và Điều 2 (Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân), nhưng được giải thích nhiều nhất ở Lời nói đầu.
Lời nói đầu còn dành một phần ba độ dài điểm lại lịch sử và những bài học lịch sử từ thời kỳ nửa phong kiến-thực dân từ năm 1840 và điểm lại bốn mốc lịch sử quan trọng[18]. Lời nói đầu còn dành chỗ để tuyên bố chính sách Một Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan, Chính sách nhà nước đơn nhất nhiều dân tộc, Chính sách đối ngoại độc lập, Chính sách hiệp thương chính trị và vai trò của Hội nghị Hiệp thương chính trị (còn gọi là Chính Hiệp). Năm 1993, Lời nói đầu được bổ sung thêm một đoạn về hệ thống hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị" dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài.

3. Về hệ thống kinh tế

Chế độ sở hữu
Hiến pháp 1982 khẳng định chế độ sở hữu cơ bản ở Trung Quốc là sở hữu công XHCN đối với tư liệu sản xuất, là nền tảng của hệ thống kinh tế XHCN ở Trung Quốc" (Điều 6). Sở hữu công XHCN được định nghĩa trong điều này gồm hai hình thức: sở hữu của toàn dân và sở hữu tập thể của những người lao động[19].
Tương ứng với chế độ sở hữu và trong điều kiện Trung Quốc, Hiến pháp 1982 ghi nhận và bảo vệ ba loại hình kinh tế: Kinh tế XHCN- còn gọi là kinh tế thuộc sở hữu nhà nước- đóng vai trò dẫn đầu then chốt trong nền kinh tế quốc dân (Điều 7); Kinh tế tập thể ở nông thôn và thành thị(Điều 8) và nền kinh tế cá nhân của người lao động thành thị và nông thôn- với vị trí là một hình thức bổ sung cho kinh tế công XHCN, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, dưới sự hướng dẫn và giám sát hành chính của nhà nước (Điều 11).
Sau hơn năm năm thực hiện, vào tháng 4/1988, Trung Quốc đã sửa đổi, bổ sung Điều 11, bổ sung thêm kinh tế tư nhân với vai trò là hình thức kinh tế bổ trợ cho nền kinh tế công XHCN dưới sự hướng dẫn, giám sát và kiểm tra của nhà nước. Như vậy, hiện nay ở Trung Quốc thừa nhận 4 loại hình kinh tế, nếu không kể đến hai loại hình khác là kinh tế liên doanh - đầu tư nước ngoài (Điều 18 - chỉ quy định khuyến khích mà không xác nhận cụ thể là một loại hình kinh tế như ở các điều khác) và Chế độ trách nhiệm, gần như kinh tế hộ gia đình nói đến sau đây.
"Chế độ trách nhiệm" được Quốc hội Trung Quốc bổ sung vào Điều 8 (các hình thức kinh tế dân doanh ở nông thôn và thành thị), năm 1993, thừa nhận thêm một loại hình kinh tế nữa. Nội dung của chế độ này chính là chế độ khoán cho các hộ gia đình ở nông thôn qua hợp đồng để gắn sản xuất với đầu ra do thị trường yêu cầu (Từ đó, trong các hàng hoá của Trung Quốc sang Việt Nam có các khái niệm hàng gia công do các hộ gia đình lắp ráp/sản xuất, bên cạnh hàng hợp tác xã).
Về sở hữu đất đai, mặc dù Điều 6 của Hiến pháp thừa nhận hình thức sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất, nhưng tại các Điều 9 và 10, Hiến pháp 1982 quy định về đất đai, thì có phân biệt đất đai thuộc ba loại sở hữu: sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Lý do của sự phân biệt này là do trong quá trình thảo luận toàn dân về dự thảo Hiến pháp, có nhiều ý kiến cho rằng để khuyến khích sử dụng hiệu quả đất đai trong điều kiện khác biệt rất lớn giữa các loại đất và do đối tượng quản lý khác nhau, cần có chế độ quản lý khác nhau, và do đó chế độ sở hữu khác nhau. Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp tiếp thu những góp ý này vào dự thảo trình Quốc hội. Cụ thể, đất đai thuộc sở hữu toàn dân gồm: thảo nguyên, đất chưa khai phá, đất ven biển, trừ trường hợp đất rừng, núi, thảo nguyên, đất chưa khai phá và đất ven biển thuộc quyền sở hữu của tập thể theo quy định của pháp luật (Điều 9); còn lại đất đai ở thành phố thuộc quyền sở hữu của nhà nước (Điều 10); đất nông thôn và ngoại ô thành phố, đất ở và đất canh tác của cá nhân, đất đồi thuộc quyền sở hữu tập thể, trừ trường hợp một phần của đất này thuộc quyền sở hữu nhà nước. Nhà nước dành quyền trưng dụng đất vì mục đích công cộng theo quy định của pháp luật (Điều 10). Đối với những trường hợp đất do cá nhân canh tác, các hộ gia đình được cấp đất xây nhà hoặc trồng cấy thì Nhà nước chỉ thừa nhận quyền sử dụng lâu dài chứ không thừa nhận sở hữu hoặc chuyển giao (Điều 10)[20]. Đến tháng 4/1988, Điều 10 được bổ sung một đoạn cho phép chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật[21]. Như vậy sở hữu đất đai và sở hữu công trình trên đất tách biệt với nhau theo quy định của Hiến pháp.
Công cụ kế hoạch kết hợp với điều tiết của thị trường
Hiến pháp Trung Quốc năm 1982 thừa nhận vai trò kế hoạch hoá của nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế, thực hiện quản lý nhà nước đối với nền kinh tế qua kế hoạch. Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp giải thích rằng điểm mới của kế hoạch hoá là kết hợp cân đối nền kinh tế qua công cụ kế hoạch với vai trò bổ sung của cơ chế điều tiết bằng thị trường[22]. Công cụ kế hoạch hoá bao gồm kế hoạch bắt buộc và kế hoạch hướng dẫn. Các doanh nghiệp, tập thể sản xuất được Hiến pháp (các Điều 16 và 17) thừa nhận có một mức độ quyền tự chủ kinh doanh trên cơ sở tuân thủ kế hoạch bắt buộc và tham khảo kế hoạch hướng dẫn của chính quyền trung ương và địa phương.

4. Về tổ chức nhà nước

Hiến pháp năm 1982 của CHND Trung Hoa (sửa đổi năm 1988, 1993) có thể nói là một hiến pháp tập trung đa số các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước. Trong 4 chương, 138 điều, thì riêng Chương III về cấu trúc nhà nước đã chiếm 79 điều (57%). Chương này được thiết kế theo hướng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn khả thi của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan nhà nước như: Nhân đại toàn quốc (mục 1), Chủ tịch nước (mục 2), Quốc vụ Viện (mục 3), Hội đồng quân sự Trung ương (mục 4), Nhân đại và chính phủ địa phương các cấp (mục 5), Các tổ chức tự trị của các vùng tự trị (mục 6), Toà án nhân dân và Kiểm sát nhân dân (mục 7).
Các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan được phân công cụ thể, không chồng chéo, bổ sung lẫn nhau và được bảo đảm bởi cơ chế hợp tác và sự lãnh đạo của Đảng tại chỗ ở từng cơ quan.
Sự phân công hợp lý giữa các cơ quan nhà nước và các chức vụ lãnh đạo nhà nước giúp tránh tập trung quá nhiều quyền hạn và nhiệm vụ, dẫn đến ôm đồm, không khả thi. Mặc dù vậy, Báo cáo của Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc vẫn kết luận rằng Những quy định trên đây (về nhà nước) cũng chỉ là một bước vì công cuộc tổ chức lại các cơ quan nhà nước đang được tiếp tục tiến hành, và Dự thảo Hiến pháp chỉ góp phần đưa ra những nguyên tắc lớn giúp cho công cuộc này"[23].
Nguyên tắc chỉ đạo đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Những điểm mới: Theo báo cáo của Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp[24] thì một số quy định mới của Hiến pháp về tổ chức lại cơ cấu nhà nước tập trung vào bảy vấn đề sau đây:  
- Tăng cường hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước (Nhân đại) theo hướng tập trung vào chức năng lập pháp, lập quy và quyết định về một số vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và bảo đảm việc thi hành pháp luật, chính sách theo điều kiện địa phương, thực hiện dân chủ ở cơ sở và lãnh đạo thống nhất toàn quốc;
- Khôi phục lại chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước để phù hợp với thông lệ quốc tế;
- Thành lập Hội đồng Quân sự trung ương và khẳng định vai trò lãnh đạo quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc;
- Quy định rõ chế độ trách nhiệm của Thủ tướng đối với hoạt động của Quốc vụ viện, trách nhiệm cá nhân của các Bộ trưởng đối với các Bộ và của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ;
- Thành lập cơ quan kiểm toán của Chính phủ để giám sát thu-chi tài chính của các bộ, cơ quan của Chính phủ và của chính quyền địa phương các cấp (hành chính), của các tổ chức tài chính, tiền tệ, các xí nghiệp và tổ chức nhà nước (Điều 91);
- Thay đổi chức năng của hệ thống Công xã nhân dân theo hướng tập trung vào tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế, thôi không kết hợp quản lý hành chính mà thực hiện chế độ tự quản của nhân dân;
- Quy định hai nhiệm kỳ tối đa đối với các chức vụ lãnh đạo nhà nước, chấm dứt tình trạng giữ cương vị lãnh đạo nhà nước mãi mãi.
Về tăng cường hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước (Nhân đại): Mục đích nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước qua Nhân đại toàn quốc và Nhân đại địa phương ở các cấp[25] (Điều 2).
Nhân đại toàn quốc (Quốc hội):  Để tăng cường hoạt động của Nhân đại toàn quốc trong điều kiện họp một lần trong năm và mỗi lần không quá 20 ngày, Hiến pháp thành lập Uỷ ban Thường vụ hoạt động thường xuyên, có 21 nhiệm vụ và quyền hạn (Điều 67), trong đó có quyền giải thích hiến pháp và luật, giám sát thực hiện hiến pháp, ban hành và sửa đổi, bổ sung luật (trừ các luật thuộc thẩm quyền của Nhân đại toàn quốc), kể cả quyền sửa đổi, bổ sung một phần luật do Quốc hội ban hành nếu không trái với các nguyên tắc cơ bản của các luật này. Trong khi đó, Hiến pháp quy định Nhân đại toàn quốc có 15 nhiệm vụ, quyền hạn (Điều 62). Quy định của Hiến pháp nhằm tăng hoạt động thực chất của cơ quan quyền lực (qua Uỷ ban thường vụ với 155 đại biểu hoạt động thường xuyên), đồng thời vẫn bảo đảm tính đại diện của cơ quan này (qua số lượng đại biểu Nhân đại toàn quốc vào khoảng 2992 đại biểu- Khoá VIII ). Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng thành lập Uỷ ban Thường vụ, thì đồng thời phải thừa nhận Nhân đại toàn quốc là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Điều 57 Hiến pháp ghi nhận điều này.
Nhân đại địa phương: ở địa phương, xu hướng của Hiến pháp là mở rộng nền tảng dân chủ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cho tới cấp cơ sở; giao cụ thể chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan này theo hướng tự chủ và chịu trách nhiệm phát triển vùng và địa phương qua quyết định các chính sách lớn ở địa phương và bảo đảm thi hành pháp luật, chính sách của nhà nước và địa phương. Về quyền lập quy, Hiến pháp tại điều 100 quy định Nhân đại cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Uỷ ban thường trực của mình có thể ban hành pháp quy địa phương nhưng phải báo cáo Uỷ ban Thường vụ của Nhân đại toàn quốc để theo dõi và không được trái hiến pháp, luật và các quy định của cơ quan hành chính cấp trên[26]
Hình thành hệ thống cơ quan quyền lực từ trung ương xuống địa phương để vừa bảo đảm tự chủ địa phương vừa bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất: Hiến pháp tại Điều 96 quy định Nhân đại địa phương là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Cùng với Điều 57 quy định về Nhân đại toàn quốc là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, và Điều 2 quy định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước qua Nhân đại toàn quốc và Nhân đại địa phương các cấp, cho thấy chủ ý của Hiến pháp Trung Quốc là thành lập một hệ thống cơ quan quyền lực có sự phân công cụ thể và chỉ đạo thống nhất bằng pháp luật. Trong các quy định tại các điều 62 và 67 về Nhiệm vụ quyền hạn của Nhân đại toàn quốc và Uỷ ban Thường vụ, không thấy có quy định về việc Nhân đại cấp trên giám sát, chỉ đạo Nhân đại cấp dưới bằng con đường hành chính hoặc can thiệp mà chỉ quy định quyền của Uỷ ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc trong việc huỷ bỏ hiệu lực của các pháp quy địa phương.
Về tổ chức cơ quan hành pháp ở trung ương: Như đã trình bày ở phần trên, hai điểm mới trong Hiến pháp liên quan tới cơ quan hành pháp ở trung ương là: a) Việc quy định rõ trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và các thành viên chính phủ và phân công trách nhiệm giữa chính phủ trung ương với chính phủ địa phương và b) Thành lập kiểm toán chính phủ để thực hiện kiểm tra thu chi hành chính từ ngân sách công.
Hiến pháp xác định tại Điều 85: Quốc vụ viện là Chính phủ trung ương của CHND Trung Hoa (cơ quan hành pháp ở địa phương gọi là chính phủ địa phương), là cơ quan hành pháp của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan cao nhất của hệ thống bộ máy hành chính nhà nước.
Quốc vụ viện gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Uỷ viên Quốc vụ, các Bộ trưởng, Tổng kiểm toán trưởng và Tổng thư ký Quốc vụ viện. Quốc vụ viện được tổ chức như một hội đồng lãnh đạo theo nguyên tắc thủ trưởng chế, có sự phân công phân nhiệm cụ thể, trong đó, Thủ tướng chịu mọi trách nhiệm trước Quốc hội về công việc của Quốc vụ viện; các Phó Thủ tướng và Uỷ viên Quốc vụ viện giúp Thủ tướng điều hành công việc; các Bộ trưởng chịu trách nhiệm về mọi công việc của các bộ hoặc Uỷ ban Nhà nước (Điều 86). Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Uỷ viên Quốc vụ viện không được đảm nhiệm cương vị quá hai nhiệm kỳ liên tục (Điều 87).
Quốc vụ viện có 18 nhiệm vụ và quyền hạn (Điều 89), bao gồm quyền lập quy (quy phạm pháp luật, quy phạm hành chính, biện pháp hành chính); quyền kiến nghị Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; quyền quy định nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của các bộ, các Uỷ ban nhà nước; chỉ đạo hành chính ở tầm quốc gia những công việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành hoặc Uỷ ban nhà nước nào; chỉ đạo thống nhất hoạt động của các cơ quan hành chính địa phương các cấp; phân công chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa chính phủ trung ương với các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh, các vùng tự trị và thành phố trực thuộc trung ương; dự toán Ngân sách nhà nước và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia; chỉ đạo và quản lý hành chính các hoạt động kinh tế và phát triển thành thị, nông thôn; chỉ đạo và quản lý về văn hoá, đào tạo, giáo dục, khoa học, y tế và kế hoạch hoá gia đình, về nội vụ, an toàn xã hội; quản lý tư pháp; thực hiện các hoạt động đối ngoại, ký kết các điều ước quốc tế và thoả thuận với quốc gia khác; chỉ đạo và quản lý việc xây dựng quốc phòng, các vấn đề dân tộc và quyền tự trị; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân Trung Quốc ở nước ngoài, của những người Trung Quốc hồi hương và thành viên gia đình của họ đang sống ở nước ngoài; thay đổi hoặc huỷ bỏ các quy định và quyết định của bộ trưởng hoặc uỷ ban nhà nước, của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương các cấp; phê chuẩn địa giới tỉnh, khu vực tự trị và các thành phố trực thuộc trung ương và phê chuẩn việc thành lập mới các đơn vị hành chính cấp khu tự trị, quận hạt, hạt tự trị và thành phố; quyết định áp dụng tình trạng khẩn cấp ở một phần của tỉnh, khu vực tự trị và thành phố trực thuộc trung ương; xem xét và quyết định quy mô tổ chức của các cơ quan hành chính và bổ nhiệm hoặc bãi chức các công chức hành chính, đào tạo, bồi dưỡng năng lực, đánh giá thưởng phạt đối với đội ngũ công chức hành chính; và thực hiện các quyền khác mà Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho.
Quốc vụ viện chịu trách nhiệm và báo cáo trước Quốc hội và khi Quốc hội không họp thì trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Về tổ chức Toà án và Kiểm sát: Phần 7, Chương III (các Điều từ 123-135) của Hiến pháp quy định về Toà án và Kiểm sát.
Các Toà án của CHND Trung Hoa được Hiến pháp thừa nhận là các cơ quan xét xử của CHND Trung Hoa. Các Toà án ở CHND Trung Hoa gồm Toà án nhân dân tối cao (TANDTC), và các toà án địa phương (tổ chức theo đơn vị hành chính), các toà án quân sự và các toà án đặc biệt khác. Chánh án TANDTC có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Quốc hội và không được phục vụ trên cương vị này quá hai nhiệm kỳ liên tục.
Các nguyên tắc xét xử được ghi nhận trong Hiến pháp gồm: Nguyên tắc xét xử công khai, Bị cáo có quyền bào chữa; Toà án thực hành quyền lực tư pháp độc lập và không chịu bất cứ ảnh hưởng nào của các cơ quan hành chính, tổ chức công hoặc cá nhân (Điều 126).
Toà án nhân dân tối cao ở CHND Trung Hoa được Hiến pháp thừa nhận là cơ quan xét xử cao nhất và có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý tư pháp của các toà án cấp dưới và các toà án đặc biệt. Toà án cấp trên cũng có quyền giám sát công tác quản lý hành chính tư pháp của toà án cấp dưới. (Điều 127).
Các Viện kiểm sát ở CHND Trung Hoa được Hiến pháp thừa nhận là các cơ quan nhà nước thực hiện giám sát pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, VKSND địa phương các cấp, Viện kiểm sát quân sự và các Viện kiểm sát đặc biệt khác hình thành hệ thống cơ quan Kiểm sát ở CHND Trung Hoa. Cũng giống như đối với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSND tối cao có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Quốc hội và không được phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tục.
Viện kiểm sát chỉ đạo theo hệ thống dọc, cấp trên chỉ đạo cấp dưới, hoạt động độc lập. Chế độ trách nhiệm của Viện kiểm sát là chế độ cá nhân. Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND cấp trên và đồng thời trước cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đã bầu ra mình. Viện trưởng VKSND tối cao chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Nhân đại địa phương có nhiệm vụ và quyền hạn giám sát hoạt động của Toà án và Kiểm sát ở địa phương mình.
Tóm lại, Hiến pháp năm 1982 của CHND Trung Hoa (sửa đổi năm 1988, 1993) là một Hiến pháp của thời kỳ cải cách, thể hiện rõ ràng quan điểm thực tiễn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tránh bệnh hình thức mà hướng nhiều vào khả năng thực hiện. Bản Hiến pháp được bố cục gọn, mang tính cương lĩnh cao. Về quan hệ công, Hiến pháp tập trung tuyên bố rõ ràng các vấn đề cốt lõi của chính quyền như: Tính chất nhà nước, Chế độ sở hữu, vai trò và biện pháp quản lý kinh tế của nhà nước, Tổ chức quyền lực, hành chính và tư pháp. Về quan hệ công dân với nhà nước, Hiến pháp cũng bao gồm một Chương tuyên ngôn về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II). Một điều thú vị nữa ở Hiến pháp CHND Trung Hoa là sáng kiến lập hiến bao giờ cũng là sáng kiến chính trị của Đảng cầm quyền, trên cơ sở tổng kết các bài học lịch sử, xem xét lại và sửa đổi chính sách, tăng cường hiệu quả nhà nước đáp ứng nhiệm vụ chính trị mới và hoàn cảnh mới. Hiến pháp CHND Trung Hoa cũng là một ví dụ hay về khả năng vừa bảo đảm cụ thể, khả thi, vừa định hướng mở để thích ứng với điều kiện thay đổi bằng thủ tục sửa đổi nhỏ, (tuy không kém phần quan trọng, ví dụ về sở hữu) liên tục và vào bất cứ lúc nào khi thực tiễn yêu cầu./.
 

 
* Nghiên cứu Lập pháp, Đặc san chuyên đề Hiến pháp và các luật về nhà nước, số 1, tháng 4/2001. 
** Hiện là Bí thư thứ hai Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Campuchia.
[1] Báo cáo của Bành Chân, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp thứ 5, Đại hội nhân dân toàn quốc khoá 5, 26 tháng 11, 1982- Sưu tập luật của CHND Trung Hoa, T1 (Tiếng Anh, The Laws of the PRC- 1979-1982)- tr. 400, Uỷ ban lập pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sưu tập - Nxb. Ngoại văn Bắc Kinh, 1987.
[2] Trung Quốc gọi tắt là Nhân đại toàn quốc. Trong bài này xin dùng khái niệm tương đương là Quốc hội
[3] Đặng Tiểu Bình được phục hồi vào năm 1973, Xem thêm: Tiêu Thi Mỹ, Đặng Tiểu Bình, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996 (Trần Ngọc Thuận dịch từ Bản Hoa văn, Nxb. Hồng Kỳ, tháng 5.1996), tr. 39.  Phái phàm là cho rằng phàm những gì Chủ tịch Mao đã chỉ thị thì đều là chân lý và cứ thế mà làm.
[4] Bành Chân, đã dẫn, tr. 397.
[5] Theo quy định của Hiến pháp, Điều 64, sửa đổi Hiến pháp do Uỷ ban Thường vụ của Nhân đại toàn quốc đề nghị hoặc trên 1/5 tổng số đại biểu Nhân đại toàn quốc đề nghị; thông qua khi trên 2/3 tổng số đại biểu tán thành.
[6] Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá V có đoạn: Quốc hội ủng hộ đề nghị của BCHTƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc về sửa đổi Hiến pháp và thành lập Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp, thành viên của Uỷ ban do BCHTƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị...  giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội công bố dự thảo để thảo luận trong toàn dân và trình Quốc hội vào năm 1981. Do chưa chuẩn bị xong, Quốc hội đã ra Nghị quyết hoãn xem xét dự thảo thêm một năm. Sưu tập luật Trung Hoa, đã dẫn t1, tr. 207 - 256.
[7] Trung Quốc gọi tắt là Chính Hiệp.
[8] Bành Chân, đã dẫn, tr. 398
[9] Bành Chân, đã dẫn, tr. 398.
[10] Hoàn toàn phù hợp với học thuyết thực tiễn minh chứng cho lý luận của Đặng Tiểu Bình khi phê phán phái phàm là của Hoa Quốc Phong, Xem thêm Tiêu Thi Mỹ, đã dẫn, tr. 39 v v.
[11] Bành Chân, đã dẫn, tr. 399, Xem thêm Tiêu Thi Mỹ đã dẫn về Lý do biện luận của Đặng Tiểu Bình về mô hình CNXH theo đặc điểm Trung Quốc và sự khác biệt với thuyết xây dựng Trung Quốc mới của Mao Trạch Đông.
[12] Bành Chân, đã dẫn, tr. 400.
[13] Hiến pháp CHND Trung Hoa, Sưu tập Luật Trung Hoa, đã dẫn, t 1, tr. 4.
[14] Sưu tập Luật Trung Hoa 1993, t 5, tr. 11.
[15] Bành Chân giải thích rằng những người lao động ở đây bao gồm giới trí thức, vì giới trí thức đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn lịch sử mới và đã tăng lên đáng kể về số lượng, nhưng do không thể xếp họ vào một giai cấp nên bao hàm họ vào khái niệm những người lao động, khác với trước đây đã có lúc Đảng xếp họ vào giai cấp bóc lột, sđd, tr. 401- 402. 
[16] Giải thích này cũng là nội dung ở đoạn 6 của Lời nói đầu, Hiến pháp 1982, t1 Sưu tập Luật Trung Hoa, tr. 10.
[17] Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội đại biểu nhân dân địa phương-Nhân đại - được coi là một hệ thống cơ quan dân cử có quan hệ chỉ đạo trên-dưới thống nhất. Xem thêm về hệ thống tổ chức chính trị và nhà nước Trung Quốc hiện đại Một số vấn đề về hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước và chính sách của Trung Quốc trong thời kỳ cải cách- Vũ Mão, Nguyễn Chí Dũng và cộng sự, Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung Quốc, Văn phòng Quốc hội, tháng 12/1996- Thư viện Quốc hội Việt Nam.
[18] Cách mạng 1991 của Tôn Dật Tiên, Thành lập CHND Trung Hoa năm 1949, Quá độ xây dựng CNXH và giai đoạn hiện nay tiếp tục xây dựng CNXH ở Trung Hoa. Xem Sưu tập Luật Trung Hoa, đã dẫn, 1993, Lời nói đầu.
[19] Về khái niệm Người lao động, xem Chú thích 15.
[20] Bành Chân, đã dẫn, tr. 405.
[21] Sưu tập luật Trung Hoa, đã dẫn, t 5, tr. 11.
[22] Bành Chân, đã dẫn, tr. 406.
[23] Bành Chân, đã dẫn, tr. 414.
[24] Bành Chân, đã dẫn, tr. 410.
[25] Đơn vị hành chính của Trung Quốc: Tỉnh, Vùng tự trị và thành phố trực thuộc trung ương- Tỉnh và các Vùng tự trị chia thành hạt (county), hạt tự trị, khu tự trị và thành phố- Hạt, khu tự trị thuộc tỉnh hoặc vùng tự trị chia thành thị trấn, thị trấn dân tộc và thành phố. Riêng thành phố trực thuộc trung ương và các thành phố lớn thuộc tỉnh có thể chia thành quận và hạt. Khu tự trị thuộc vùng tự trị có thể chia thành hạt, hạt tự trị và thành phố (Điều 30 Hiến pháp năm 1982, sửa đổi năm 1993).
[26] Về thẩm quyền ban hành pháp quy địa phương, xem thêm: Một số vấn đề... , sđd.

0 comments

Post a Comment