Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Monday, July 29, 2013

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 8: BẦU CHỌN VÀ NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG


NGUYỄN CẢNH BÌNH
Ngày 17 và 19 tháng Bảy năm 1787
Tổng thống là người đứng đầu nhánh hành pháp và có quyền lực vô cùng lớn. Vì thế, những qui định về việc chọn lựa Tổng thống là rất quan trọng. Các đại biểu đều chia thành hai phe. Một bên muốn cho dân chúng quyền bầu chọn, còn bên kia muốn các cơ quan lập pháp tiểu bang bầu chọn.
Nhưng đây là vấn đề rất phức tạp, trong đó, điều mấu chốt là làm thế nào thiết lập được một Tổng thống mạnh nhưng tránh được các nguy cơ suy thoái thành nền độc tài hay chế độ quân chủ, nên Hội nghị dành rất nhiều thời gian thảo luận về mô hình Tổng thống và mãi đến khi gần kết thúc Hội nghị, chi tiết điều khoản này mới được quyết định xong.
Đề xuất thứ 9: "nhánh hành pháp quốc gia sẽ gồm một người duy nhất do cơ quan lập pháp quốc gia bầu chọn" được đưa ra thảo luận.
Ngài GOUVERNEUR MORRIS: Kịch liệt phản đối. Tổng thống sẽ chỉ là tay sai của cơ quan lập pháp, nếu do cơ quan này bổ nhiệm và buộc tội. Tổng thống cần phải được dân chúng, những người chủ thực sự của đất nước này bầu ra. Cách bầu chọn này cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng như việc bầu chọn Thống đốc ở New York và Connecticut, những khó khăn đó có thể vượt qua được.
Nếu dân chúng có quyền bầu chọn, họ sẽ không bao giờ nhầm lẫn trong việc ủng hộ những cá nhân xuất sắc, những người có uy tín trên khắp lục địa. Nếu cơ quan lập pháp bầu chọn, đó sẽ là công việc của những mưu đồ, bè đảng và phe phái, sẽ giống như cuộc bầu cử Giáo hoàng bởi cuộc họp của các Hồng y Giáo chủ, khi tư cách và giá trị thật sự của cá nhân ít khi là nguyên nhân chủ yếu để bổ nhiệm. Ông đề nghị bỏ chữ "Cơ quan lập pháp quốc gia" và thay bằng "những công dân của Hợp chúng quốc".

Ngài SHERMAN: Tâm trạng của đất nước sẽ được cơ quan lập pháp thể hiện tốt hơn là bởi dân chúng. Dân chúng không thể có những thông tin đầy đủ về các cá nhân. Ngoài ra, không bao giờ có đủ đa số phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào. Dân chúng thường chọn những người cùng tiểu bang, nên tiểu bang lớn nhất có nhiều cơ hội nhất để chọn công dân của tiểu bang mình làm Tổng thống. Nếu việc bầu chọn tiến hành bởi cơ quan lập pháp, sẽ có đủ đa số phiếu cần thiết để chọn Tổng thống.
Ngài WILSON: Có hai lý do chống lại mô hình bầu cử Tổng thống do đa số dân chúng thực hiện:
1. Ví dụ về nhà nước Ba Lan. Đó là nơi các cuộc bầu cử nguyên thủ quốc gia thường gây ra những bạo động nguy hiểm nhất nhưng vì những lý do hoàn toàn khác. quý tộc Ba Lan đều có tài sản lớn và đông người hầu giúp họ có điều kiện đe dọa nền Cộng hòa cũng như đe dọa lẫn nhau. Tiếp theo, tất cả các đại cử tri đều tụ tập tại một nơi, nhưng cuộc bầu cử Tổng thống của chúng ta thì không như vậy.
2. Ða số dân chúng không bao giờ hoàn toàn nhất trí về một vấn đề. Nhưng sự đồng lòng của đa số dân chúng không phải là nguyên tắc cần thiết cho việc bầu cử. Không tiểu bang nào qui định như vậy cả. Có thể giải quyết khó khăn này bằng cách được sử dụng ở Massachusetts, trong trường hợp không có ứng cử viên nào chiếm được đa số phiếu của dân chúng, cơ quan lập pháp được sẽ trao quyền quyết định.
Ít nhất, qui định này cũng đảm bảo người được chọn sẽ nằm trong số những người có tư cách tốt được đề cử, và ở một mức độ nào đó, ngăn chặn những mưu đồ xấu xa. Ông kịch liệt chống lại cuộc bầu cử hoàn toàn do cơ quan lập pháp tiến hành, bởi như vậy, Tổng thống sẽ không thể đại diện cho tự do và lợi ích chung của dân chúng mà thường bị thiên lệch bởi những mưu mô nham hiểm của những nghị sĩ.
Ngài PINCKNEY: Kịch liệt chống việc trao quyền bầu cử Tổng thống cho dân chúng. Dân chúng thường bị một vài kẻ mị dân dùng mưu mô xảo quyệt dẫn dắt và lừa dối. Những tiểu bang đông dân nhất hợp sức với sự câu kết của một vài kẻ mưu đồ sẽ thực hiện được âm mưu chọn Tổng thống là người của chúng. Cơ quan lập pháp quốc gia đặc biệt quan tâm đến các đạo luật do họ ban hành nên sẽ chú tâm nhất đến việc chọn người phù hợp để thực thi những bộ luật này.
Ngài G. MORRIS: Ngài Pinckney nói rằng nếu để dân chúng bầu chọn, thì những tiểu bang đông dân sẽ bắt tay nhau để lựa chọn người mà họ hài lòng, nhưng thực tế, thì ngược lại. Dân chúng các tiểu bang này không thể kết hợp lại được. Nếu có bất kỳ sự kết hợp nào, thì chỉ có thể là sự kết hợp để chọn các đại biểu tại cơ quan lập pháp. Việc dân chúng bị một số kẻ xảo quyệt dẫn dắt chỉ có thể xảy ra ở các quận nhỏ, chứ không bao giờ xảy ra trên khắp cả nước. Trong cuộc bầu cử Thống đốc New York, đôi khi ở vài vùng nào đó, một số kẻ xảo trá, lắm mưu mô, có thể thành công, nhưng tiếng nói chung của toàn tiểu bang thì không bao giờ bị ảnh hưởng.
Có người nói rằng dân chúng sẽ không được thông tin đầy đủ. Ðúng là họ sẽ không được thông tin về những buổi họp kín của cơ quan lập pháp, nhưng họ không phải là không hiểu biết những nhân vật đáng kính trọng, lừng lẫy và vĩ đại. Nếu Tổng thống được cơ quan lập pháp quốc gia bầu chọn, ông ta sẽ không thể độc lập với cơ quan này và nếu không được độc lập, sự lạm quyền và chuyên chế của cơ quan lập pháp sẽ là hậu quả tất yếu. Ðây là trường hợp của nước Anh trong thế kỷ trước. Ðó là trường hợp của Hà Lan, nơi Thượng nghị viện chiếm đoạt hết mọi quyền lực. Ðiều này xảy ra ở khắp mọi nơi.
Ông ngạc nhiên là có đại biểu so sánh cuộc bầu cử bởi đông đảo dân chúng với cuộc bầu cử người đứng đầu nhà nước ở Ba Lan. Một cuộc bầu cử do cơ quan lập pháp tiến hành mới thật sự giống với cuộc bầu cử Tổng thống của Nghị viện Ba Lan. Những nghị sĩ xấu xa, tham nhũng sẽ tìm cách chọn một kẻ giống mình làm Tổng thống. Việc bầu chọn do một số cơ quan tiến hành còn tồi tệ hơn cả việc nếu để cho một cá nhân riêng biệt chịu trách nhiệm hoàn toàn, hay do đa số dân chúng chọn ra.

Đại tá MASON: Thật kỳ quặc, khi lúc thì nói thế này, lúc thì nói thế kia. Vừa lúc nãy, chúng ta nói rằng cơ quan lập pháp chính là nơi được đặt toàn bộ niềm tin và cần trao mọi quyền lực. Bây giờ thì lại nói là cơ quan này sẽ bị điều hành bởi những kẻ mưu mô, xảo quyệt, tham lợi và không thể tin tưởng được. Một chính quyền muốn tồn tại lâu dài, ít nhất, phải có tính khả thi. Mọi chuyện sẽ ra sao nếu trao cuộc bầu cử này cho dân chúng? Thật là gượng ép khi nói rằng dân chúng tất yếu sẽ chọn được người thích hợp cho chức Tổng thống cũng giống như việc cho rằng người mù biết phán xét màu sắc. Qui mô rộng lớn của đất nước làm dân chúng không đủ kiến thức phán xét hành vi và tính cách của các ứng cử viên.
Ngài WILSON: Không thấy mâu thuẫn trong tuyên bố của Mason. Cơ quan lập pháp đáng được tin cậy ở một số khía cạnh, nhưng không đáng tin cậy trong những khía cạnh khác. Trong những đạo luật tác động đến họ và đến cử tri, thì các cử tri sẽ có niềm tin vào các đại biểu. Nhưng trong những trường hợp khác, giữa họ sẽ có lòng ghen tị. Cơ quan lập pháp có nhiều động cơ hơn công chúng trong việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng nên không thể đặt niềm tin vào cơ quan này. Ai cũng biết rằng nhánh hành pháp dễ tham nhũng và dễ bị mua chuộc nhất, nên mọi hành động của cơ quan này cần phải được cơ quan lập pháp kiểm soát chặt chẽ.
Ngài WILLIAMSON: Sự khác nhau giữa cuộc bầu cử do dân chúng và do cơ quan lập pháp cũng giống như sự khác biệt giữa việc bổ nhiệm bằng cách rút thăm và bằng sự chọn lựa. Hiện nay, nước Mỹ có nhng cá nhân xuất sắc mà ai ai cũng biết đến, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Chắc chắn, dân chúng sẽ bỏ phiếu cho những người cùng tiểu bang, nên các bang lớn nhất định sẽ chọn được người của họ. Tuy nhiên, điều này không đúng với Virginia bởi nô lệ không có quyền bỏ phiếu. Vì lương bổng của Tổng thống đã được ấn định và Tổng thống không được tái cử, nên Tổng thống không thể bị phụ thuộc vào nhánh lập pháp như nhiều người hình dung.
Kết quả cuộc bỏ phiếu về việc trao quyền bầu chọn bởi dân chúng thay cho nhánh lập pháp:
MA: phản đối; CT: phản đối; NJ: phản đối; PA: tán thành; DE: phản đối; MD: phản đối; VA: phản đối; NC: phản đối; SC: phản đối; GA: phản đối. (9 bang phản đối, 1 bang tán thành).
Ngài L. MARTIN: Đề xuất Tổng thống sẽ do các đại cử tri bầu chọn mà các đại cử tri lại được các cơ quan lập pháp tiểu bang bổ nhiệm.
Ngài BROOME: Ủng hộ ý kiến này.
Nhưng đề xuất trên bị bác bỏ bằng cuộc bỏ phiếu:
MA : phản đối; CT: phản đối; NJ: phản đối; PA: phản đối; DE: tán thành; MD: tán thành; VA: phản đối; NC: phản đối; SC: phản đối; GA: phản đối. (8 bang phản đối, 2 bang tán thành)
Tuy nhiên, sau này, tới ngày 24 và 25 tháng Bảy, sau khi Hội nghị đồng ý cho phép Tổng thống được quyền tái cử, thì phương pháp bầu chọn lại được đưa ra xem xét lại và Hội nghị chuyển sang chấp thuận việc cho phép dân chúng gián tiếp bầu Tổng thống thông qua các đại cử tri.
Qui định "sẽ do cơ quan lập pháp quốc gia bầu chọn" được Hội nghị hoàn toàn nhất trí.

Hội nghị cũng chấp thuận đề nghị của Ngài Houston và Ngài Govr. Morris hoãn lại việc thảo luận qui định "trong nhiệm kỳ bảy năm".
Hội nghị cũng hoàn toàn nhất trí với điều khoản "để thi hành mọi đạo luật quốc gia" và "để bổ nhiệm những viên chức không được hiến pháp qui định".
Ngài HOUSTON: Đề xuất gạch bỏ câu "không được tái cử lần hai".
Ngài SHERMAN: Ủng hộ ý kiến đó.
Ngài GOVR. MORRIS: Tán thành. Qui định không được tái cử sẽ cản trở nỗ lực của những người có tư cách đạo đức tốt muốn được tái cử.
Hội nghị hoàn toàn chấp thuận đề xuất cho phép Tổng thống có quyền tái cử như Ngài Houston mong muốn:
MA: tán thành; CT: tán thành; NJ: tán thành; PA: tán thành; DE: phản đối; MD: tán thành; VA: tán thành; NC: phản đối; SC: phản đối; GA: tán thành. (3 bang phản đối, 7 bang tán thành)

Điều khoản "trong nhiệm kỳ bảy năm" lại được đưa ra xem xét.
Ngài BROOM: Đề nghị rút ngắn thời hạn của nhiệm kỳ vì bây giờ Tổng thống đã được quyền tái cử. Nếu không được tái cử, thì nhiệm kỳ dài 7 năm là hợp lý.
Bác sĩ Mc. CLURG: Đề xuất gạch bỏ chữ “bảy năm” và thay bằng "trong thời gian có tư cách đạo đức tốt". Khi cho phép tái cử, Tổng thống tất yếu sẽ phụ thuộc vào cơ quan lập pháp, nhưng sự độc lập của Tổng thống cũng hoàn toàn cần thiết như đối với nhánh tư pháp.
Ngài G. MORRIS: Ủng hộ ý kiến này. Đó là biện pháp để có được một chính quyền tốt đẹp. Ông không quan tâm lắm đến việc bầu chọn Tổng thống thế nào, nhưng Tổng thống phải có quyền giữ chức vụ đó trong nhiệm kỳ "tư cách đạo đức tốt" [Tức là giữ chức vụ suốt đời].
Ngài BROOME: Hoàn toàn tán thành đề xuất này. Nhiệm kỳ đó sẽ khắc phục được mọi khó khăn và trở ngại của chức vụ Tổng thống.
Ngài SHERMAN: Nhiệm kỳ suốt đời là không an toàn và không thể chấp nhận được. Vì Tổng thống bây giờ đã được quyền tái cử, nên ông ta luôn luôn thể hiện tư cách đạo đức tốt khi thấy cần thiết. Nếu có tư cách tốt, ông ta sẽ được tái cử, còn nếu không, ông ta sẽ bị thay thể trong kỳ bầu cử kế tiếp.
Ngài MADISON: Nếu nhất thiết phải duy trì tự do, thì quyền lực của nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp phải được tách biệt và nhất thiết phải duy trì sự tách biệt này để họ độc lập với nhau. Nhánh hành pháp không thể độc lập khỏi nhánh lập pháp nếu phải phụ thuộc vào sự hài lòng của cơ quan này để được tái cử. Tại sao lại qui định các thẩm phán không được giữ chức vụ với nhiệm kỳ có thời hạn?
Bởi vì bằng cách dễ dãi quá mức trong việc thi hành bổn phận của mình, họ sẽ phải tìm cách thân quen với nhánh lập pháp. Như vậy, sẽ làm cho các nghị sĩ ngầm trở thành người giải thích luật. Cũng như vậy, sự phụ thuộc của nhánh hành pháp vào nhánh lập pháp sẽ làm cho các nhà làm luật và người thi hành luật trở nên giống nhau. Theo quan điểm của Montesquieu, những bộ luật chuyên chế sẽ được thi hành bằng cách thức chuyên chế.
Có sự tương đồng giữa nhánh hành pháp và tư pháp trong nhiều khía cạnh. Nhánh tư pháp thi hành luật trong những trường hợp này, còn nhánh hành pháp thi hành luật trong những trường hợp khác. Mỗi nhánh sẽ thi hành và giải thích luật vì các mục đích khác nhau. Nhưng chắc chắn, sự hợp tác giữa Tổng thống và Quốc hội sẽ gây nhiều nguy hiểm hơn là sự hợp tác giữa Quốc hội và Tòa án. Vì thế, muốn thiết lập một Nhà nước Cộng hòa tốt đẹp, tuyệt đối phải tách biệt nhánh hành pháp với nhánh lập pháp.
Đại tá MASON: Ý kiến này đã được thảo luận trước đây và đã được đa số bác bỏ. Ông tin rằng lần này, ý kiến đó cũng lại bị bác bỏ. Không thể xác định thế nào là tư cách kém và càng khó khăn hơn khi muốn buộc một người giữ cương vị với nhiệm kỳ "có tư cách tốt" ra trước tòa án [để luận tội và cách chức ông ta].
Ông coi một Tổng thống, khi được giữ chức vụ khi có tư cách đạo đức tốt, chẳng khác gì một viên Tổng thống “trọn đời” nên sẽ dễ dàng biến thành một nhà nước quân chủ cha truyền, con nối. Nếu đề xuất này được thông qua, ông tin rằng chính ông sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng nữa. Nếu ông không chứng kiến, thì con cháu ông sẽ chứng kiến. Ông tin rằng chỉ có rất ít quý ngài trong căn phòng này mong muốn điều đó và không một tiểu bang nào từ bỏ những nguyên lý cộng hòa để tán thành điều đó.

Ngài MADISON: Không thấy có lý do gì dẫn đến nền quân chủ. Mục đích thật sự của ông là ngăn chặn một việc như vậy. Kinh nghiệm trong chính quyền chúng ta chứng tỏ khuynh hướng ném hết mọi quyền lực vào tay nhánh lập pháp. Thống đốc các tiểu bang có ít quyền hơn nhiều so với quyền hạn vô biên của cơ quan lập pháp.
Nếu không có sự kiểm soát và đối trọng tương ứng để kiềm chế sự bất ổn và sự lạm quyền của nhánh lập pháp, một cuộc cách mạng này hay cách mạng khác là không thể tránh khỏi. Do vậy, việc duy trì chính quyền cộng hòa đòi hỏi một giải pháp cho vấn đề này, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được các nguyên tắc cộng hòa cao đẹp.
Ngài G. MORRIS: Cũng căm ghét thể chế quân chủ như bất cứ quý ngài nào khác và cho rằng phải thiết lập chính quyền cộng hòa để mang lại hạnh phúc cho dân chúng.
Bác sĩ Mc. CLURG: Không quá e sợ bóng ma của nền quân chủ vì điều đó không dễ dàng xảy ra và cũng không quá quyến luyến với chính thể cộng hòa vì những thể chế độc tài cũng có thể xuất hiện từ mô hình này. Mục đích chủ yếu của ông là thiết lập sự độc lập của nhánh hành pháp đối với nhánh lập pháp. Muốn như vậy, Tổng thống phải được bổ nhiệm với nhiệm kỳ suốt đời.\
Đề xuất "nhiệm kỳ có tư cách tốt" bị Hội nghị bỏ phiếu bác bỏ.
MA: phản đối; CT: phản đối; NJ: tán thành; PA: tán thành; DE: tán thành; MD: phản đối; VA: tán thành; NC: phản đối; SC: phản đối; GA: phản đối. (6 bang phản đối, 4 bang tán thành)

Hội nghị dừng họp tại đây.
Ngày 19 tháng Bảy, hội nghị tiếp tục xem xét cách thức bầu chọn Tổng thống.
Ngài GOUVERNEUR MORRIS: Cần phải xem xét mọi vấn đề liên quan đến việc thiết lập mô hình nhánh hành pháp đúng đắn để mang lại lợi ích và hiệu quả cho các tiểu bang hiện nay cũng như trong tương lai. Trong khoa học chính trị có một nguyên lý rằng chính quyền cộng hòa không phù hợp với một quốc gia quá rộng lớn, bởi uy quyền của người điều hành tối cao không thể lan tới mọi vùng xa xôi của đất nước.
Hợp chúng quốc là một quốc gia vô cùng rộng lớn. Chúng ta hoặc phải từ bỏ những điều tốt lành của liên minh, hoặc phải trao cho Tổng thống uy quyền to lớn và mạnh mẽ, đủ sức kiểm soát được mọi vùng đất nước.
Một mục tiêu khác của nhánh hành pháp là việc kiểm soát cơ quan lập pháp. Cơ quan lập pháp liên tục tìm cách mở rộng và tăng cường quyền lực của mình, hoặc lợi dụng những thời điểm nguy kịch để gây ra những cuộc chiến tranh, xâm lược, hay rối loạn để đạt được mục tiêu đó.
Khi đó, Tổng thống cần phải trở thành người bảo vệ cho dân chúng, thậm chí, cho cả tầng lớp dưới chống lại sự chuyên quyền, độc tài của ngành lập pháp, tức là chống lại tầng lớp giàu có, thành phần chủ yếu của Quốc hội. Người giàu thường có khuynh hướng làm đồi bại trí não và nuôi dưỡng tham vọng giành quyền lực, xúi giục bạo loạn. Lịch sử đã chứng tỏ ý muốn đó của người giàu.
Sự kiểm soát tại Thượng viện không có nghĩa là kiểm soát sự lạm quyền của cơ quan lập pháp mà chỉ kiểm soát sự lạm dụng những quyền hợp pháp, kiểm soát xu hướng của Hạ viện dễ sa vào các dự án hấp tấp, như tiền giấy và những thứ tương tự. Nhưng đó không phải là cách kiểm soát thói chuyên quyền của cơ quan lập pháp.
Ngược lại, nó còn thúc đẩy âm mưu đó và nếu Hạ viện bị cảm dỗ thì người giàu sẽ đạt được mục đích của mình. Do đó, Tổng thống phải được thiết lập để trở thành người bảo vệ vững vàng nhất cho đông đảo dân chúng. Đó là bổn phận của Tổng thống trong việc bổ nhiệm các viên chức chính quyền và chỉ huy quân đội của nền Cộng hòa.
Ai sẽ là người phán xét tốt nhất đối với sự bổ nhiệm này? Chính là dân chúng, những người sẽ biết, sẽ theo dõi và sẽ hiểu được vai trò của những viên chức này. Ai có thể phán xét được những hành động quân sự trong việc bảo vệ dân chúng, nếu không phải là chính những người dân, những người cần sự bảo vệ đó? Việc Tổng thống không được tái cử sẽ có hậu quả thế nào?
1. Qui định này, bằng việc tước đi cơ hội được tái cử, sẽ làm mất đi lòng khao khát được dân chúng ca ngợi mà đó là phần thưởng của dân chúng đối với những người làm việc tốt. Danh tiếng và vinh quang là động lực mạnh mẽ nhất của mọi hành động cao cả. Khi con đường thông thường đạt tới vinh quang bị đóng lại, ông ta sẽ tìm cách đạt được điều đó bằng gươm đao.
2. Qui định này sẽ xúi giục Tổng thống, trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, tìm mọi mưu toan làm giàu và ban phát lợi lộc cho những người thân quen.
3. Qui định này sẽ vi phạm chính bản Hiến pháp mà nó cần phải là công cụ bảo vệ dân chúng. Trong những giai đoạn nguy ngập của chiến tranh hoặc xung đột, những cá nhân có năng lực và uy tín được công nhận thường sẽ được bầu làm Tổng thống dù với mô hình nào đi nữa. Việc Tổng thống có thể bị buộc tội là một điều khoản nguy hiểm của mô hình này vì điều đó sẽ buộc ông ta phải phụ thuộc, chứ không thể kiểm soát được cơ quan lập pháp, nên sẽ không thể là người bảo vệ vững chắc cho dân chúng và lợi ích của tất cả mọi người. Ông ta sẽ trở thành công cụ của một số kẻ mị dân trong cơ quan lập pháp.
Đó là những sai sót của mô hình hành pháp đề xuất hiện nay. Vậy chúng ta không thể lập ra mô hình nào tốt hơn chăng? Nếu Tổng thống phải là người bảo vệ dân chúng, thì hãy để dân chúng bầu chọn. Nếu Tổng thống phải là công cụ kiểm soát cơ quan lập pháp, hãy để cơ quan này không có quyền luận tội ông ta.
Hãy để ông ta giữ nhiệm kỳ ngắn, nhưng có quyền tái cử. Có quý ngài nói rằng dân chúng không đủ trình độ đánh giá các ứng cử viên Tổng thống, nhưng nếu cơ quan lập pháp đủ khả năng đánh giá thì những ứng cử viên Tổng thống đó phải có uy tín và tư cách nổi trội. Như vậy, dân chúng không thể không biết đến họ. Không thể có một ai có uy tín nổi bật và được tin tưởng mà danh tiếng lại không vang vọng khắp đất nước.

Ông không coi mối nguy hiểm của một người không thể bị luận tội là quá quan trọng. Nhưng điều đó là cần thiết đối với các viên chức cao cấp như Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Chiến tranh, Bộ trưởng Ngoại giao… Nếu không có những viên chức này thì Tổng thống cũng chẳng làm được gì.
Ông đề xuất một cuộc bầu cử Tổng thống hai năm một lần, cùng thời gian với cuộc bầu cử Hạ viện. Một cuộc bầu cử, do toàn thể dân chúng trên khắp quốc gia rộng lớn tiến hành sẽ không thể bị những mưu mô tầm thường phá hoại và làm hoen ố như trong các cuộc bầu cử phổ thông ở những vùng đất nhỏ hẹp.
Có thể sẽ có Ngài phản đối rằng một cuộc bầu cử như vậy sẽ chịu ảnh hưởng của các thành viên cơ quan lập pháp, nhất là các Hạ nghị sĩ, vì nó trùng với cuộc bầu cử Hạ viện. Không thể từ chối rằng không có ảnh hưởng đó, nhưng do cơ quan lập pháp, hay các ứng cử viên thường chia rẽ.
Sự thù địch của phe này sẽ chống lại phe phái kia. Nếu Tổng thống thi hành bổn phận của mình một cách đúng đắn, thì không thể ngăn cản Tổng thống được quyền tái cử. Nhưng nếu ông ta thi hành kém cỏi thì cần phải chống đối và ngăn chặn việc ông ta tái cử.
Sự phụ thuộc gián tiếp vào cơ quan lập pháp không thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như việc phụ thuộc trực tiếp. Tổng thống không thể độc lập với Quốc hội nếu không trao cho Tổng thống một nhiệm kỳ suốt đời hoặc được quyền tái cử và do dân chúng bầu chọn. Có thể nhiệm kỳ hai năm là quá ngắn.
Nhưng ông tin rằng nếu Tổng thống có tư cách tốt, ông ta vẫn sẽ tiếp tục được giữ chức vụ này. Qui mô rộng lớn của nước Cộng hòa sẽ đảm bảo ông ta sẽ được tái cử, bất chấp những âm mưu phe phái và sự bất bình tại một số tiểu bang nào đó. Cũng cần nghiên cứu việc bổ sung thêm những điều khoản để dễ được dân chúng chấp thuận. Ông cho rằng toàn bộ các qui định về nhánh hành pháp của bản Hiến pháp này cần phải được xem xét lại…
Ngài RANDOLPH: Tán thành ý kiến của Ngài L. Martin nhằm khôi phục lại qui định không cho Tổng thống được tái cử lần hai. Nếu Tổng thống muốn được độc lập thì ông ta không được phép nghĩ đến việc tái cử. Nếu Tổng thống được tái cử bởi cuộc bỏ phiếu của cơ quan lập pháp, ông ta sẽ không còn là sự kiểm soát đối với nhánh này nữa. Quyền phê chuẩn của ông không còn chiếm ưu thế.
Nếu Tổng thống được cơ quan lập pháp bầu chọn, như Hội nghị quyết định, thì Tổng thống có thể được bầu chung bởi lá phiếu của cả hai viện, hoặc được Hạ viện đề cử, còn Thượng viện chọn lựa. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, các bang lớn vẫn sẽ chiếm ưu thế. Nếu Tổng thống tìm cách lợi dụng chức vụ của mình để được tái cử, thì liệu ông ta có dám dùng quyền phủ quyết của mình không? Khi đó, mọi bổn phận của nền hành pháp chỉ là sự qui phục quan điểm của các bang lớn.
Bên cạnh đó, việc ông ta có quyền được tái cử cũng gây nguy hiểm. Cơ quan lập pháp có thể vờ vĩnh hài lòng đồng ý chọn một nhân vật xoàng xĩnh tiếp tục giữ chức vụ này. Có quý ngài cho rằng việc được quyền tái cử sẽ làm cho ông ta thêm cố gắng. Có thể thấy rằng sự cố gắng của ông ta không có ảnh hưởng, trừ phi dân chúng xấu xa và đồi bại đến mức mọi sự cẩn trọng trở nên chẳng có ý nghĩa gì. Ông nghĩ mô hình cơ quan lập pháp chọn Tổng thống, nhưng không được quyền tái cử, là một cách thức tốt và sẽ được dân chúng dễ chấp nhận hơn đề xuất của Ngài G. Morris.
Ngài KING: Không tán thành qui định không được tái cử. Ông nghĩ những nhận xét của Ngài Sherman rằng những người vừa chứng tỏ mình là người phù hợp nhất và có năng lực nhất cho chức vụ này, nhưng rồi lại không được Hiến pháp cho phép tiếp tục giữ chức vụ này là rất chính xác. Do đó, ông tán thành bất cứ giải pháp nào thay thế cho giải pháp này. Ông tin chắc rằng trong những trường hợp như vậy, nói chung, dân chúng sẽ có sự lựa chọn khôn ngoan. Thực tế, toàn thể dân chúng khó lòng thống nhất quan điểm để ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào. Về tổng thể, ông cho rằng phương án các đại cử tri bầu cử Tổng thống, còn các đại cử tri lại do dân chúng chọn ra là giải pháp ít bị chống đối nhất.
Ngài PATERSON: Cùng quan điểm với Ngài King. Ông đề nghị Tổng thống phải do các đại cử tri bầu chọn. Những đại cử tri sẽ do các tiểu bang chọn ra theo tỷ lệ một đại cử tri cho bang nhỏ nhất và ba cho bang lớn nhất.
Ngài WILSON: Mọi đại biểu khó lòng thống nhất với việc trao cho cơ quan lập pháp quyền bầu chọn, trừ phi Tổng thống không được quyền tái cử. Ông nghĩ rằng cuộc bầu cử trực tiếp hay gián tiếp của dân chúng là hợp lý nhất.
Ngài MADISON: Nguyên tắc cơ bản của một chính quyền tự do là các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cần phải được tách biệt, để các cơ quan này cũng hoàn toàn độc lập với nhau. Do vậy, người đứng đầu cơ quan hành pháp cũng phải do nhân dân bầu ra để ông ta được độc lập với cơ quan lập pháp. Sự độc lập không thể đạt được nếu Tổng thống do cơ quan lập pháp bổ nhiệm.
Vì thế, Tổng thống cần được được bổ nhiệm theo một cách thức khác, tốt nhất là do dân chúng. Cách này sẽ chọn ra được Tổng thống có tư cách tốt nhất. Dân chúng sẽ biết và bỏ phiếu cho công dân có tư cách và phẩm chất nổi tiếng, được kính trọng trong cả nước. Tuy nhiên, việc ngay lập tức cho toàn thể dân chúng tiến hành bầu cử Tổng thống là vô cùng khó khăn. Quyền bỏ phiếu ở miền Nam phức tạp hơn nhiều so với miền Bắc. Hơn nữa, các bang miền Bắc sẽ không có ảnh hưởng lớn trong cuộc bầu cử nếu tính đến người da đen. Việc cho phép những đại cử tri bầu cử sẽ loại bỏ khó khăn này và dường như sẽ dễ được dân chúng chấp nhận nhất.
Ngài GERRY: Nếu Tổng thống được Quốc hội bầu chọn thì ông ta nhất định không được quyền tái cử. Quyền được tái cử sẽ làm Tổng thống hoàn toàn phụ thuộc vào Quốc hội. Ông phản đối việc trao cho dân chúng quyền bầu cử. Dân chúng không đủ thông tin và sẽ bị nhiều kẻ thủ đoạn lừa dối. Ông đòi việc bầu chọn Tổng thống sẽ do những đại cử tri, được các Thống đốc tiểu bang bổ nhiệm, tiến hành.
Như vậy, dân chúng các tiểu bang sẽ bầu chọn Hạ viện, các cơ quan lập pháp tiểu bang bầu chọn Thượng viện, còn các Thống đốc sẽ bầu chọn Tổng thống. Ông nghĩ mô hình này sẽ hình thành một liên kết chặt chẽ giữa các tiểu bang với liên bang. Mô hình dân chúng bầu chọn Tổng thống là cách tồi tệ nhất. Với cách này, Tổng thống liên bang sẽ giống như Thống đốc Bowdoin của Massachusetts, hay Thống đốc Sullivan của New Hampshire .
Tất cả các tiểu bang đều đồng ý với đề nghị của Ngài G. Morris xem xét lại toàn thể qui định về Tổng thống trong bản Hiến pháp.
Ngài ELSEWORTH: Đề xuất xóa bỏ việc bổ nhiệm Tổng thống do cơ quan lập pháp tiến hành và thay bằng "được các đại cử tri bầu chọn. Các đại cử tri sẽ do cơ quan lập pháp của các tiểu bang chọn theo tỷ lệ một đại cử tri cho các bang không quá 200.000 người, hai cho các bang có dân số từ 200.000 đến 300.000 và ba đại cử tri cho các bang có trên 300.000 dân”.
Ngài RUTLIDGE: Phản đối mọi phương án bầu cử không phải do cơ quan lập pháp quốc gia tiến hành. Tổng thống phải được độc lập nên ông ta không được quyền tái cử.
Ngài GERR: Tán thành ý kiến của Ngài Elseworth, khi cho cơ quan lập pháp quốc gia quyền bầu chọn Tổng thống, hoặc do dân chúng, chứ không thể do nhánh hành pháp của các tiểu bang. Ông đề nghị qui định 25 đại cử tri và phân bổ cho các tiểu bang theo tỷ lệ tương ứng.
Kết quả bỏ phiếu về đề xuất “Tổng thống sẽ do các đại cử tri do cơ quan lập pháp quốc gia bầu chọn” của Ngài Elseworth:
MA: không thống nhất; CT: đồng ý; NJ: đồng ý; PA: đồng ý; DE: đồng ý; MD: đồng ý; VA: đồng ý; NC: phản đối; SC: phản đối; GA: phản đối. (6 bang tán thành; 3 bang phản đối, một bang không quyết định)

Về đề xuất các đại cử tri sẽ do cơ quan lập pháp tiểu bang chọn lựa:
MA: đồng ý; CT: đồng ý; NJ: đồng ý; PA: đồng ý; DE: đồng ý; MD: đồng ý; VA: phản đối; NC: đồng ý; SC: phản đối; GA: đồng ý; (8 bang đồng ý, 2 bang phản đối).
Hội nghị dừng họp tại đây.

0 comments

Post a Comment