Pages

Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc. (Phan Chu Trinh )Mở mang dân trí , Chấn động dân khí.Vun trồng nhân tài. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước.(Khi Phan Bội Châu viết tập "Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư" )"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm."“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”“… đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thứ này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây.”(Fukuzawa Yukichi) .Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu.( René Descartes) John Paul II xưng thú tội lỗi tổng quát trong 7 mục sau đây:1. Xưng thú “tội lỗi chung”.2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý”.3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.4. Xưng thú “tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.6. Xưng thú “tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”

My Blog List

Blogger templates

Monday, July 29, 2013

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 11: PHÁC THẢO BẢN HIẾN PHÁP ĐẦU TIÊN

NGUYỄN CẢNH BÌNH
Ngày 06 tháng Tám năm 1787
Ngày 26 tháng Bảy, sau gần hai tháng thảo luận căng thẳng, cuối cùng, Hội nghị cũng đạt được thỏa thuận tại các điểm chính yếu nhất. Cùng ngày, các đại biểu bầu ra Ủy ban chi tiết để xây dựng bản dự thảo Hiến pháp trên cơ sở những điều đã được thống nhất, bao gồm 5 người: Nathaniel Gorham; John Rutledge, Chủ tịch Ủy ban này; Edmund Randolph; James Wilson và Oliver Ellsworth.
Sau 10 ngày nghỉ họp để Ủy ban này soạn thảo, ngày 6 tháng Tám, bản phác thảo đầu tiên đã được đệ trình lên Hội nghị. Đây là một văn bản khá rắc rối và dài dòng nếu so sánh với bản Hiến pháp sau này. Suốt một tháng sau đó, các đại biểu đã tranh luận và chỉnh sửa từng câu chữ, từng điều khoản cho tới khi mọi điều được hoàn tất vào ngày 8 tháng Chín.
Ngài RUTLIDGE trình bày bản Báo cáo của Ủy ban chi tiết:
"Chúng tôi, công dân các tiểu bang New Hampshire, Massachussetts, Rhode-Island và các đồn điền quan phòng, Connecticut, New York, New-Jersey, Pennsylvania, Delaware, Maryland, Virginia, Bắc Carolina, Nam Carolina, và Georgia, tuyên bố thiết lập bản Hiến pháp cho chính quyền của chúng tôi và cho sự thịnh vượng của chúng tôi.
Điều I

Tên gọi của chính quyền là "Hợp chúng quốc Hoa Kỳ" (The United States of America).
Điều II
Chính quyền sẽ có các thẩm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao.
Điều III
Quyền lực được trao cho Quốc hội, gồm hai Viện riêng biệt, một Hạ viện và một Thượng viện, có quyền phủ quyết mọi đạo luật của nhau. Cơ quan lập pháp sẽ nhóm họp vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Mười hai hằng năm.

Điều IV

Khoản 1. Các thành viên của Hạ viện sẽ được dân chúng tất cả các tiểu bang trong liên minh bầu chọn, hai năm một lần. Cử tri ở mỗi bang phải có phẩm chất cần thiết như phẩm chất của cử tri ở bang có cơ quan lập pháp đông đảo nhất.
Khoản 2. Mọi thành viên của Hạ viện phải trên 25 tuổi, phải là công dân của Hoa Kỳ ít nhất ba năm trước cuộc bầu cử và vào thời điểm được bầu, phải là cư dân ở bang mà người đó được lựa chọn.
Khoản 3. Tại kỳ họp đầu tiên, và cho tới khi việc kiểm tra dân số được tiến hành theo cách thức qui định sau đây, Hạ viện sẽ bao gồm 65 đại biểu: New Hampshire sẽ được quyền bầu ba, bang Massachusetts bầu tám, bang Rhodes Island và các đồn điền Quan phòng bầu một, bang Connecticut bầu năm, bang New York bầu sáu, bang New Jersey bầu bốn, bang Pennsynvania bầu tám, bang Delaware bầu một, bang Maryland bầu sáu, bang Virginia bầu mười, bang Bắc Carolina bầu năm, bang Nam Carolina bầu năm và bang Georgia bầu ba đại biểu.
Khoản 4. Do số dân của mỗi tiểu bang sẽ có thay đổi, một số tiểu bang có thể tách ra, lãnh thổ một vài tiểu bang có thể mở rộng và có thể hai hay nhiều tiểu bang sáp nhập với nhau, cũng như có những tiểu bang mới được thành lập trong phạm vi lãnh thổ Hợp chúng quốc nên tùy theo trường hợp, Quốc hội Liên bang sẽ qui định số đại biểu của các tiểu bang trên cơ sở dân số, căn cứ theo qui định ở đây với tỷ lệ 40.000 dân có một đại biểu.
Khoản 5. Mọi đạo luật liên quan đến tiền bạc, hay lương bổng của các viên chức chính quyền đều do Hạ viện khởi xướng. Thượng viện không có quyền thay đổi hay bổ sung. Không một khoản tiền nào được lấy từ ngân khố quốc gia, nếu không tuân thủ đúng những qui định và phải được khởi xướng tại Hạ viện.
Khoản 6. Chỉ có Hạ viện mới có quyền luận tội. Hạ viện sẽ chọn Chủ tịch và các viên chức khác cho mình.
Khoản 7. Khi khuyết ghế dân biểu ở bất cứ bang nào, Thống đốc bang đó sẽ ban hành lệnh tổ chức cuộc bầu cử bổ sung cho những chỗ trống đó.
Điều V
Khoản 1. Thượng viện của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ do các cơ quan lập pháp tiểu bang lựa chọn. Mỗi cơ quan lập pháp được chọn hai đại biểu. Khi có ghế trống, Thống đốc tiểu bang sẽ tạm thời bổ nhiệm cho tới khóa họp sau của cơ quan lập pháp tiểu bang đó. Mỗi Thượng nghị sĩ có một phiếu bầu.
Khoản 2. Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ sáu năm. Nhưng ngay sau cuộc bầu cử lần đầu tiên, các Thượng nghị sĩ sẽ được phân đều thành ba nhóm. Thượng nghị sĩ nhóm một sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ hai, Thượng nghị sĩ nhóm hai sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ tư, Thượng nghị sĩ nhóm ba sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ sáu, sao cho sau mỗi hai năm sẽ bầu lại 1/3 số Thượng nghĩ sĩ.
Khoản 3. Mọi thành viên của Thượng viện phải trên 30 tuổi và có ít nhất bốn năm là công dân Hoa Kỳ, đồng thời khi được bầu, phải là cư dân của bang mà người đó được bầu chọn.
Khoản 4. Thượng viện sẽ chọn Chủ tịch Thượng viện và các viên chức khác cho Viện của mình.
Điều VI
Khoản 1. Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành bầu cử Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ sẽ do cơ quan lập pháp của mỗi bang qui định. Nhưng bất cứ lúc nào, Quốc hội Liên bang cũng có quyền thay đổi các qui định đó.
Khoản 2. Quốc hội Liên bang có quyền qui định những yêu cầu về mức độ tài sản thống nhất đối với các đại biểu của mỗi Viện mà Quốc hội Liên bang cho là thích hợp.
Khoản 3. Ða số trong mỗi Viện đủ để tổ chức cuộc họp triển khai công việc, còn thiểu số có quyền trì hoãn phiên họp.
Khoản 4. Mỗi viện sẽ có thẩm quyền về cuộc bầu cử của mình, về kết quả của cuộc bầu cử đó và về việc đánh giá tiêu chuẩn các nghị sĩ của Viện mình.
Khoản 5. Tự do phát biểu và tự do tranh luận tại Quốc hội không bị buộc tội, hay chất vấn tại bất kỳ tòa án nào, hay bất kỳ một nơi nào khác ngoài Quốc hội. Các thành viên của mỗi Viện trong mọi trường hợp, ngoại trừ tội phản quốc, hay tội gây chiến, không thể bị bắt giữ trong khi đang có mặt tại Quốc hội, hoặc trong khi tới Quốc hội, hoặc trở về nhà.
Khoản 6. Mỗi Viện có quyền quyết định thủ tục hoạt động của mình, có thể trừng phạt các thành viên có tư cách đạo đức không đúng đắn và có thể khai trừ thành viên của Viện mình.
Khoản 7. Hạ viện và Thượng viện có quyền giữ một quyển sổ ghi chép các hoạt động của mình và thỉnh thoảng, công bố các điều đã ghi. Những phiếu thuận và phiếu chống của các thành viên về bất cứ vấn đề nào đều phải ghi vào sổ này.
Khoản 8. Trong thời gian họp của Quốc hội, nếu không được sự đồng ý của Viện kia, Không một Viện nào được nghỉ họp quá ba ngày, hoặc chuyển sang địa điểm khác. Nhưng qui định này không thể áp dụng đối với Thượng viện khi Viện này thi hành các quyền qui định trong Điều ______.
Khoản 9. Không một Thượng nghị sĩ hay Hạ nghị sĩ nào được nhận một chức vụ dân sự trong chính quyền Hợp chúng quốc trong thời gian được bầu làm nghị sĩ. Thành viên của Thượng viện cũng không được giữ chức vụ nào như vậy trong một năm sau khi hết nhiệm kỳ.
Khoản 10. Các đại biểu của mỗi Viện sẽ được nhận một khoản trợ cấp bồi thường cho các hoạt động của họ, do tiểu bang nơi bầu chọn họ qui định và thanh toán.
Khoản 11. Tiêu đề các đạo luật của Hợp chúng quốc sẽ là "Được Thượng viện và Hạ viện trong Quốc hội ban hành".
Khoản 12. Mỗi Viện đều có quyền khởi thảo mọi đạo luật, trừ những luật được qui định trước đây.
Khoản 13. Mọi đạo luật phải được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua, nhưng trước khi trở thành luật, phải gửi cho Tổng thống Hợp chúng quốc phê chuẩn. Nếu tán thành, Tổng thống sẽ thể hiện sự đồng ý của mình bằng việc ký nhận. Nhưng nếu thấy việc phê chuẩn đạo luật này là không chính đáng, Tổng thống sẽ trả lại Viện đã khởi xướng đạo luật này cùng với ý kiến không tán thành. Viện này sẽ thông báo rộng rãi ý kiến không tán thành của Tổng thống trong bản ghi chép của Quốc hội và tiến hành xem xét lại dự luật đó.
Nếu sau khi xem xét lại và hai phần ba thành viên của Viện đó đồng ý thông qua, bất chấp sự phản bác của Tổng thống, thì dự luật sẽ được gửi cho Viện kia kèm theo ý kiến không tán thành của Tổng thống để Viện này xem xét. Nếu được hai phần ba thành viên của Viện đó phê chuẩn, thì dự luật sẽ trở thành đạo luật. Nhưng trong những trường hợp này, các phiếu bầu của cả hai Viện đều phải ghi rõ tán thành, hay không tán thành.
Tên của những người tán thành và không tán thành dự luật đó phải được đưa vào biên bản họp của mỗi Viện. Những dự luật mà Tổng thống không gửi trả lại trong vòng bảy ngày sau khi được đệ trình lên sẽ trở thành đạo luật, trừ trường hợp Quốc hội không nhóm họp nên Tổng thống không thể gửi trả Quốc hội được. Trong trường hợp đó, dự luật sẽ không trở thành đạo luật.
Đây là một văn bản khá rắc rối và dài dòng nếu so sánh với bản Hiến pháp sau này. Suốt một tháng sau đó, các đại biểu đã tranh luận và chỉnh sửa từng câu chữ, từng điều khoản cho tới khi mọi điều được hoàn tất vào ngày 8 tháng Chín.

Điều VII
Khoản 1. Quốc hội có quyền:
* Đặt và thu các khoản thuế, thuế quan, thuế môn bài.
* Qui định các hoạt động trong lĩnh vực thương mại với ngoại quốc và giữa các bang.
* Ban hành đạo luật nhập quốc tịch thống nhất trên toàn lãnh thổ Hợp chúng quốc.
* Ðúc và in tiền.
* Qui định giá trị của đồng tiền trong nước và đồng tiền nước ngoài.
* Xác định tiêu chuẩn cân đo.
* Thiết lập các trạm bưu điện và mạng lưới bưu điện.
* Vay mượn tiền và ban hành trái phiếu.
* Bổ nhiệm bằng lá phiếu viên Bộ trưởng Tài chính.
* Thiết lập các tòa án dưới quyền của Tòa án tối cao.
* Xác định và trừng phạt các tội cướp biển, trọng tội xảy ra trên biển và những vi phạm luật pháp quốc tế, trừng phạt những kẻ làm tiền giả và sự vi phạm các đạo luật của quốc gia.
* Dẹp tan cuộc nổi loạn tại bất kỳ tiểu bang nào nếu có lời cầu khẩn của cơ quan lập pháp tiểu bang đó.
* Tuyên bố chiến tranh;
* Tổ chức quân đội;
* Thiết lập và trang bị các tàu chiến;
* Sử dụng quân đội để thi hành luật pháp của liên minh, thi hành các Hiệp ước, tiêu diệt những cuộc nổi dậy và những vụ phiến loạn.
* Soạn thảo mọi đạo luật cần thiết và đúng đắn để thực thi những quyền lực nói trên, cũng như tất cả những quyền lực khác đã được Hiến pháp này trao cho chính quyền Hợp chúng quốc, hoặc cho bất cứ một cơ quan và quan chức nào khác.
Khoản 2. Tội phản quốc chống lại Hợp chúng quốc bao gồm hành vi gây chiến tranh tấn công Liên bang, hoặc bất kỳ tiểu bang nào, hoặc đi theo kẻ thù của Hợp chúng quốc. Quốc hội Liên bang có quyền qui định mức án cho tội phản quốc. Không một ai bị phán quyết về tội phản quốc nếu không có hai người làm chứng về hành vi phạm tội. Nhưng không được dùng một cực hình nào, hay tịch thu tài sản đối với người đó, ngoài cuộc sống của chính họ.
Khoản 3. Các loại thuế trực thu sẽ được xác định bằng cách tính tổng số những người da trắng ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính, kể cả những người từng là nô lệ và 3/5 số những người khác không nêu ra ở đây (không tính những người Da Đỏ không nộp thuế). Công việc thống kê sẽ tiến hành trong vòng sáu năm sau cuộc họp đầu tiên của Quốc hội Liên bang và sau đó, cứ 10 năm một lần, tiến hành theo cách thức do Quốc hội Liên bang qui định.
Khoản 4. Sẽ không đặt ra loại thuế hoặc thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ bất cứ bang nào, cũng sẽ không đặt ra loại thuế thân hoặc các loại thuế trực thu khác.
Khoản 5. Không có thuế thân nào được đánh nếu không tương ứng với cuộc điều tra dân số kể trên trong Khoản 3.
Khoản 6. Không một đạo luật hàng hải nào được thông qua nếu không có sự chấp thuận của 2/3 đại biểu có mặt tại mỗi Viện.
Khoản 7. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ không ban tặng các tước hiệu quý tộc.
Điều VIII
Các đạo luật của Hoa Kỳ được ban hành theo Hiến pháp này và mọi điều ước được ký kết dưới thẩm quyền của Liên bang sẽ là luật tối cao của mọi tiểu bang và của mọi cư dân. Quan tòa ở các bang đều phải tuân theo những luật này. Bất cứ điều khoản nào trong Hiến pháp hoặc luật pháp của các bang trái ngược với Hiến pháp Liên bang đều không có giá trị.
Điều IX
Khoản 1. Thượng viện có quyền ký kết các Hiệp ước, bổ nhiệm các Đại sứ và thẩm phán Tòa án tối cao.
Khoản 2. Trong mọi tranh chấp và những bất đồng hiện đang tồn tại, hoặc sau này phát sinh giữa hai hay nhiều tiểu bang, liên quan đến quyền hạn hay lãnh thổ, Thượng viện sẽ có những quyền hạn sau. Dù là cơ quan lập pháp, hay hành pháp, hay đại diện hợp pháp của bất kỳ tiểu bang nào trong những bất đồng với tiểu bang khác phải đệ trình lên Thượng viện, tuyên bố vấn đề và đề nghị được điều trần.
Theo yêu cầu của Thượng viện, những trình bày và kiến nghị đó phải được gửi cho cơ quan lập pháp hay hành pháp của tiểu bang có tranh chấp. Thượng viện sẽ qui định một ngày nhất định để yêu cầu người đại diện của các bên liên quan phải có mặt tại Quốc hội. Các đại diện này sẽ được bổ nhiệm bởi sự đồng lòng chung của các bên để làm người được ủy quyền, hay làm thẩm phán lập ra một tòa án để điều trần và phán quyết vụ việc này. Nhưng nếu những người đại diện không đồng ý, cứ một tiểu bang sẽ được Thượng viện chọn ra ba người.
Từ danh sách đó, mỗi bên sẽ gạch bỏ tên từng người một, cho tới khi còn 13 người. Từ danh sách này, Thượng viện sẽ chỉ định không ít hơn bảy người và không nhiều quá chín người, và sẽ rút thăm ra năm người, để lập ra một tòa án nghe và phán quyết lần cuối cùng vụ tranh cãi này, với điều kiện đa số những thẩm phán này sẽ nghe nguyên nhân và đồng ý với lời phán quyết.
Nếu bất cứ bên nào từ chối không có mặt tại ngày qui định mà không đưa ra được lý do chính đáng cho việc không tham dự, hoặc có mặt, nhưng từ chối tham gia việc gạch tên, Thượng viện sẽ tiếp tục chọn từ mỗi tiểu bang ba người và viên Thư ký của Thượng viện sẽ gạch thay cho bên vắng mặt hay từ chối đó.
Nếu bất cứ bên nào khước từ thẩm quyền của tòa án đó, hoặc không chấp thuận phán quyết hoặc vẫn bảo vệ lý lẽ của mình, thì tòa án này vẫn tuyên bố lời phán quyết của mình. Lời phán quyết này sẽ là cuối cùng. Toàn bộ quá trình sẽ được chuyển cho Chủ tịch Thượng viện và sẽ được ghi chép lại trong bản báo cáo chung để đảm bảo công bằng cho các bên liên quan.
Mọi nhân viên được ủy quyền đó, trước khi tham gia tòa án, phải tuyên thệ, và phải được một thẩm phán của Tòa án tối cao, hay Tòa án cao cấp của tiểu bang nơi vụ kiện này được xét xử đảm bảo, "sẽ nghe và phán quyết vụ việc này theo như sự suy xét tốt nhất của ông ta, không thiên vị, không có cảm tình và không mong chờ được tặng thưởng"
Khoản 3. Trong mọi tranh cãi liên quan đến đất đai mà hai hay nhiều tiểu bang tuyên bố là thuộc sở hữu của mình, thì mọi lời khiếu nại phải trình lên Thượng viện để phán quyết cuối cùng, theo cách thức giống như cách được miêu tả cho các cuộc tranh cãi giữa các bang.
Điều X
Khoản 1. Quyền hành pháp của Hợp chúng quốc sẽ trao cho một người. Danh hiệu của ông ta sẽ là "Tổng thống của Hợp chúng quốc Mỹ châu"; và phải xưng hô với Tổng thống là "Thưa Ngài" (His Excellency). Ông ta sẽ được bầu chọn bởi lá phiếu của cơ quan lập pháp với nhiệm kỳ bảy năm, nhưng không được bầu chọn lại lần thứ hai.
Khoản 2. Thỉnh thoảng, Tổng thống phải thông báo cho Quốc hội về tình hình của Liên bang và đề nghị Quốc hội xem xét những biện pháp mà Tổng thống thấy cần thiết và thích hợp và có thể tham vấn họ trong những trường hợp cần thiết. Trong trường hợp bất đồng giữa hai Viện, Tổng thống có quyền hoãn các cuộc họp này tới một thời điểm mà ông nghĩ là thích hợp. Tổng thống phải quan tâm và để ý rằng mọi đạo luật của Hợp chúng quốc được thực thi đúng đắn.
Tổng thống sẽ bổ nhiệm các quan chức cao cấp của Hợp chúng quốc và bổ nhiệm mọi viên chức trong trường hợp Hiến pháp không qui định. Tổng thống sẽ tiếp kiến các viên đại sứ và các nhân vật đứng đầu nhánh hành pháp của các tiểu bang. Tổng thống có quyền hủy bỏ bản án hoặc ân xá cho những hành vi chống lại Hợp chúng quốc, trừ những vụ trọng tội. Tổng thống sẽ là Tổng tư lệnh các lực lượng lục quân và hải quân Hoa Kỳ và các lực lượng dự bị tiểu bang.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống sẽ được nhận một khoản tiền lương trả cho công việc của mình. Khoản tiền này không tăng và cũng không giảm trong suốt nhiệm kỳ. Trước khi nhậm chức, Tổng thống sẽ tuyên thệ như sau: "Tôi long trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ thi hành đúng đắn chức vụ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ."
Tổng thống sẽ bị cách chức nếu bị Hạ viện luận tội và bị Tòa án tối cao tuyên án với các tội danh phản quốc, nhận hối lộ, hay tham nhũng. Trong trường hợp bị cách chức, chết, từ chức, hay không đủ năng lực thi hành quyền lực và bổn phận của mình, Chủ tịch Thượng viện sẽ thay thế thi hành những quyền của Tổng thống này cho tới khi một Tổng thống khác của Hợp chúng quốc được bầu chọn, hay cho tới khi Tổng thống cũ khôi phục lại đủ năng lực điều hành.
Điều XI

Khoản 1. Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ được trao cho Tòa án tối cao và những tòa án cấp dưới do Quốc hội thiết lập khi thấy cần thiết.
Khoản 2. Các thẩm phán Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới sẽ giữ chức vụ suốt đời nếu luôn luôn có hành vi chính đáng. Trong thời điểm bắt đầu nhậm chức, họ được nhận khoản tiền lương cho công việc của mình và khoản tiền này sẽ không bị giảm đi trong suốt thời gian đó.
Khoản 3. Quyền lực tư pháp của Tòa án Tối cao có hiệu lực đối với tất cả các vụ kiện phát sinh bởi những bộ luật do Quốc hội Hợp chúng quốc ban hành, trong mọi việc liên quan tới các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự, các vụ buộc tội viên chức của Hợp chúng quốc, các trường hợp liên quan tới luật pháp hàng hải và hải quân, các tranh chấp giữa hai hay nhiều bang (trừ những vụ kiện về đất đai), giữa một bang với các công dân của bang khác, giữa các công dân của các bang khác nhau, giữa một bang hoặc các công dân của bang đó với nước ngoài hoặc các công dân và đối tượng nước ngoài.
Trong các trường hợp luận tội, hay liên quan tới các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự và các trường hợp có liên quan tới một bang, Tòa án Tối cao sẽ có quyền xét xử sơ thẩm.
Trong những trường hợp đã nhắc đến ở trên, nếu có sự chống án, với những ngoại lệ và dưới những qui định do Quốc hội ban hành, Quốc hội có thể giao bất cứ phần nào của việc phán xử đã nói ở trên (ngoại trừ vụ xét xử Tổng thống của Hợp chúng quốc), theo cách thức và với những giới hạn mà Quốc hội cho là đúng đắn, cho các tòa án cấp thấp, như vẫn thường xảy ra.
Khoản 4. Mọi vụ án xét xử trọng tội (trừ tội phản quốc) phải tiến hành tại bang xảy ra vụ việc phạm tội và phải có một đoàn bồi thẩm.
Khoản 5. Phán quyết của tòa án trong mọi vụ luận tội sẽ không đi quá việc cách chức và không cho phép ông ta có quyền giữ bất cứ chức vụ nào liên quan đến danh dự, hay niềm tin, hay lợi lộc của Hợp chúng quốc. Nhưng người bị kết án có thể bị xét xử và tuyên án theo luật.
Điều XII
Không tiểu bang nào có quyền đúc, hay in tiền, hay ban hành các lệnh trưng thu, hay tịch thu, hay ký kết một Hiệp ước, liên minh, hay hợp bang, hay ban hành bất cứ danh hiệu quý tộc nào.
Điều XIII
Nếu không được Quốc hội Hợp chúng quốc đồng ý, không tiểu bang nào có quyền ban hành và phát hành tiền giấy, hay bất cứ hình thức nào dùng cho việc thanh toán; cũng không được đặt thuế nhập khẩu; không được tổ chức bất cứ đội quân, hay hạm đội nào trong thời bình; không được ký kết, hay tham gia một thỏa thuận với bất kỳ tiểu bang nào, hay với ngoại quốc, hay tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh nào, trừ phi bị kẻ thù xâm lược, hay khi có mối nguy hiểm quá khẩn cấp, không thể trì hoãn, cho tới khi Quốc hội Hợp chúng quốc được tham vấn.
Điều XIV
Mọi công dân của mọi tiểu bang đều có quyền được hưởng mọi đặc ân và quyền miễn trừ như công dân của tất cả các tiểu bang khác.
Điều XV
Bất kỳ ai bị buộc tội phản quốc, hay các trọng tội tại bất kỳ tiểu bang nào, chạy trốn khỏi việc xét xử, nếu được tìm thấy tại bất kỳ tiểu bang nào khác, phải được đưa về tiểu bang nơi anh ta trốn chạy để xét xử, nếu Thống đốc tiểu bang nơi anh ta trốn chạy yêu cầu.
Điều XVI
Mọi đạo luật của Quốc hội, mọi văn bản và phán quyết của các tòa án, đều phải được tất cả các tiểu bang tôn trọng.
Điều XVII
Các tiểu bang mới được lập ra một cách hợp pháp trong phạm vi lãnh thổ của Hợp chúng quốc cần được Quốc hội chấp thuận để gia nhập chính quyền này, nhưng cần có sự chấp thuận của 2/3 số đại biểu có mặt tại mỗi Viện. Nếu các tiểu bang mới được hình thành trong lãnh thổ của bất kỳ tiểu bang nào, thì cũng cần cả sự chấp thuận của cơ quan lập pháp của tiểu bang đó.
Nếu được chấp thuận, các tiểu bang mới cũng được hưởng mọi quyền như các tiểu bang ban đầu. Nhưng Quốc hội, căn cứ vào điều kiện của các tiểu bang mới, qui định các khoản nợ cần phải đóng góp.
Điều XVIII
Hợp chúng quốc sẽ đảm bảo mỗi tiểu bang có một chính quyền cộng hòa. Hợp chúng quốc bảo vệ các tiểu bang chống lại sự xâm lược của nước ngoài, hoặc theo yêu cầu của cơ quan lập pháp tiểu bang đó, dẹp tan những rối loạn bên trong.
Điều XIX
Theo đề xuất của 2/3 cơ quan lập pháp tiểu bang trong liên minh, Quốc hội của Hợp chúng quốc sẽ triệu tập một Hội nghị để tiến hành sửa đổi bản Hiến pháp này.
Điều XX
Mọi thành viên của Quốc hội, các viên chức hành pháp, hay tư pháp của Hợp chúng quốc và của các tiểu bang sẽ phải tuyên thệ ủng hộ bản Hiến pháp này.
Điều XXI
Việc phê chuẩn của…… Hội nghị của các tiểu bang là đủ để bản Hiến pháp này có hiệu lực.
Điều XXII
Bản Hiến pháp này sẽ được đệ trình lên Quốc hội xem xét. Hội nghị này có ý kiến là sau đó, theo đề xuất của Quốc hội, bản Hiến pháp sẽ được gửi cho các tiểu bang phê chuẩn.
Điều XXIII
Để thiết lập chính quyền Liên bang, Hội nghị này cho rằng các hội nghị thông qua đó phải gửi lời phê chuẩn của mình lên Quốc hội Hợp bang. Sau khi nhận được sự chấp thuận của ______ Hội nghị của các tiểu bang, Quốc hội Hợp bang, vào một ngày sớm nhất có thể, sẽ qui định và công bố địa điểm bắt đầu thi hành các thủ tục theo như bản Hiến pháp này. Sau đó, các cơ quan lập pháp tiểu bang sẽ lựa chọn thành viên cho Thượng viện và chỉ đạo việc bầu chọn thành viên cho Hạ viện. Các nghị sĩ đó sẽ gặp nhau tại thời gian sớm nhất có thể và tại địa điểm do Quốc hội Hợp bang qui định, để chọn ra Tổng thống của Hợp chúng quốc và thi hành bản Hiến pháp này.

0 comments

Post a Comment