“Giấc mộng Trung Hoa”: Tư duy nước
lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa kỳ là cuốn sách
hiện đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của phương tiện truyền thông ở cả Trung Quốc
lẫn phương Tây. Tác giả cuốn sách, Đại tá Lưu Minh Phúc, hiện là giảng viên Đại
học Quốc phòng Bắc Kinh trực thuộc Quân Giải phóng Nhân dân – ông này nguyên là
giám đốc Viện Nghiên cứu Xây dựng Quân đội, cơ quan chuyên nghiên cứu và giảng
dạy về các vấn đề hiện đại hóa và phát triển lực lượng, cũng thuộc trường đại học
nói trên.
Đây là cuốn mới nhất trong một
loạt cuốn sách được xuất bản ở Trung Quốc trong thời gian gần đây tiên đoán
việc Trung Quốc sẽ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế
toàn cầu như thế nào. Do tác giả là sĩ quan quân đội nên có thể dễ dàng nhận
thấy những quan điểm của ông này phản ánh khá rõ những tham vọng của quân đội
hay thậm chí của chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, cuốn Giấc mộng
Trung Hoa được rộng rãi đánh giá có sức hấp dẫn không phải ở những khuyến nghị
mà nó đưa ra đối với các chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này, mà là
ở chỗ cuốn sách đã nêu lên những luận điểm theo đường lối dân tộc chủ nghĩa
trong các cuộc tranh luận đang diễn ra xung quanh nền chính trị nội bộ của đất
nước Trung Hoa. Cuốn sách chứa đựng nhiều nội dung rất đáng quan tâm cho việc
nghiên cứu trạng thái tâm lý cực đoan đang thịnh hành ở nước này liên quan đến
cái gọi là tính ưu việt về chủng tộc của Trung Quốc, chủ nghĩa quân phiệt, và
trường phái lý luận coi ý chí chính trị đóng vai trò quyết định tối hậu ở nước
này.
Cuốn sách ra mắt đã gây ra rất
nhiều phản ứng trái chiều trên phương tiện truyền thông và giữa các nhà quan
sát về Trung Quốc, từ ủng hộ, thuần túy mô tả quan điểm, nhận định, đánh giá
riêng, tới không nhất trí hoặc thậm chí hoàn toàn bác bỏ. Riêng báo chí phương
Tây đã mô tả cuốn sách này là "một lời thách thức thẳng thừng đối với Mỹ", được
thể hiện rõ nét qua việc tác giả thúc giục Trung Quốc “chạy hết sức” để trở thành “quốc gia số một” hay “cường quốc chi phối” thế giới.
Cuốn sách ra đời vào thời điểm khi các học giả
và chuyên gia của nước CHND Trung Hoa đang tranh luận quyết liệt với nhau về
việc liệu đã diễn ra chưa những thay đổi căn bản trong cán cân quyền lực toàn
cầu là điều giúp củng cố vị trí và tư thế tương đối của Trung Quốc so với Mỹ,
và liệu có nên xem xét những cách thức theo đó Trung Quốc điều chỉnh những
chính sách của mình trước những thay đổi về quyền lực tương đối này. Nhận định
cho rằng Trung Quốc đã chống chọi với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
thành công hơn nhiều so với Mỹ và các cường quốc khác đang góp phần củng cố tâm
lý chung cho rằng Trung Quốc giờ đây không cần phải quan tâm đến dư luận nước
ngoài hay đến những lợi ích của Mỹ nữa, đặc biệt là về những vấn đề đụng chạm
đến “những lợi
ích cốt lõi” của Trung Quốc – đáng chú ý nhất là vấn đề liên quan
đến chủ quyền quốc gia của nước này.
Cuốn sách được viết ra cho đông
đảo độc giả và do một cơ quan báo chí thương mại của Trung Quốc, chứ không phải
là một đơn vị trực thuộc quân đội, phát hành và do vậy nó không đại diện cho
những quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc hay Quân Giải phóng. Tuy
nhiên, cuốn sách có thể được coi là “một tiếng nói và một quan điểm tương đối cực đoan”
trong cuộc tranh luận đang diễn ra ở đất nước Trung Hoa xung quanh tư thế chiến
lược và quân sự của nước này.
0 comments
Post a Comment